Sunday, September 25, 2016

Sự phi lý và những cùng cực của cuộc đời

Socrates đã nói: "Một cuộc đời không suy xét thì không đáng sống"

Cuộc đời của mỗi người chúng ta có ý nghĩa gì đó hay không? Hay đó chỉ là sự tồn tại do bắt buộc?

Shakespeare viết: "Cuộc đời chẳng qua là một bóng mát bên đường, một diễn viên tồi bước khập khễnh đầy sầu thảm suốt vai diễn trên sân khấu, rồi sau đó không còn được nghe nói đến gì nữa, vở diễn là một câu chuyện được kể lại bởi thằng ngốc đầy ồn ào và phẫn nộ nhưng chẳng mang lại một ý nghĩa nào cả"

Chúng ta là những con cá đang bị nhốt trong thác nước, là con chim bị nhốt trong chiếc lồng, là đống xương tàn đang chờ ngày mục nát, là sinh vật đang bị giết dần bởi thời gian.

Một sự tồn tại không hề có ý nghĩa có đáng để tồn tại? Chính vì thế giới chẳng ban cho ta một ý nghĩa nên ta phải tự tìm lấy nó, phải tìm ra một ý nghĩa nào đó, phải tìm ra một lí do nào đó cho cuộc đời.

Jean Paul Sartre nói rằng khi một nhà hiện sinh viết về một kẻ hèn nhát, thì anh ta nói rằng kẻ hèn nhát đó phải chịu trách nhiệm cho sự hèn nhát của mình. Anh ta như thế không phải vì anh ta có trái tim hay cái phổi hay bộ não hèn nhát, không phải vì cấu tạo sinh lí của anh ta, mà anh ta hèn nhát bởi vì anh ta tự biến mình thành kẻ hèn nhát thông qua những hành vi của mình.

Triết học hiện sinh vô thần nói rằng, kẻ hèn nhát làm cho mình trở thành hèn nhát, vị anh hùng làm cho mình trở thành anh hùng, và luôn luôn tồn tại khả năng kẻ hèn nhát không còn hèn nhát nữa, vị anh hùng không còn là anh hùng nữa. Thuyết hiện sinh luôn định nghĩa con người qua hành động, cho nên không có học thuyết Triết học nào lạc quan hơn nó, vì số phận của mỗi con người luôn nằm trong chính bản thân họ, nó bảo với anh ta rằng hi vọng duy nhất của anh ta chính là hành động, và hành động là cái duy nhất biến anh ta thành những gì mà anh ta mong muốn

Vậy ý nghĩa cuộc đời này là gì? Tại sao tôi phải sống trên đời?... Ta luôn tự hỏi lấy mình và câu hỏi này đã bóp chết nhiều nhà triết học khi họ cố gắng tìm ra lời giải đáp. Thế ta có nên bỏ cuộc, có nên tự an ủi với lòng mình rằng: Anh không hiểu được cuộc đời này đâu, đừng nghĩ đến nó, hãy lo mà sống đi... Thế nhưng ta lại muốn gào thét lên trong tuyệt vọng, sống đi... nhưng sống để làm gì? Sống vì cái gì? Sống cho cái gì?... Đâu đó trong bóng tối ẩn hiện một con người cô đơn lẻ lơi bị che lấp bởi những câu hỏi về cuộc đời...

Não trạng nạn nhân

Lời nói đầu

Những người mang chứng “Não trạng nạn nhân” luôn than phiền về những điều bất hạnh trong cuộc sống của chính mình. Họ tin rằng họ không kiểm soát được cách thức các sự kiện ập đến nên hiển nhiên cảm thức trách nhiệm đối với bản thân ở những người như vậy khá mơ hồ, hầu như không hiện hữu. Khoảnh khắc trước họ đang vào vai một nạn nhân với bao nỗi niềm cùng cực, khoảnh khắc sau họ quay ngoắt lại và làm tổn thương kẻ cố gắng giúp đỡ mình, để mặc kẻ-ngỡ-là-người-giúp-đỡ ấy đắm chìm trong hoang mang, thất vọng cùng cực.

Người có tâm thức nạn nhân bộc lộ sự giận dữ tiềm tàng- gây hấn thụ động- ẩn sâu bên trong họ khi tương tác với xã hội. Hành vi của những người này gây tổn thương chính mình và gần với sự bạo dâm vốn có động thái, màu sắc tự hoại bản thân, lấy đau đớn làm niềm vui, khoái lạc. Dạng thức nạn nhân này trở thành một mô hình tương tác xã hội- một lối sống định hướng hành vi: Tôi chịu bao khốn khổ thế nên tôi là kẻ đáng thương.

Vì sao An-nam mê tín dị đoan?

1. An-nam là một dân tộc tin vào thần thánh.

Trong 2 cuộc Nam tiến và Tây tiến vĩ đại để hình thành nên An-nam-quốc-gia cong cong hình chữ S của ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng được duy trì ở cả tầm quốc gia, dân gian và gia đình.

Ở tầm quốc gia, người ta thờ cúng các thần linh là những người có công hay các anh hùng dân tộc, chẳng hạn như đức Thánh Trần hay bà chúa Liễu Hạnh. Ở mức độ dân gian, người ta thờ cúng Thành hoàng của làng/xã. Thành hoàng có thể là người sáng lập ra làng, có thể là người làng có công với quốc gia, có thể là người khởi tạo nên nghề nghiệp cho làng,… và được triều đình phong kiến sắc phong. Ở mức độ gia đình, người ta thờ cúng tổ tiên và các vị thần theo truyền thuyết như tôn thần, thổ địa, thần tài, táo quân,…

Đây là một nét văn hóa đặc sắc, duy trì được đức tin và tín ngưỡng của cần-lao trước khi những tôn giáo chính thống như Phật giáo được giới thống trị truyền bá đan xen thờ cúng cùng tín ngưỡng truyền thống nói trên.

2. Có những hiện tượng huyền bí, tâm linh vẫn hiển hiện trong đời sống con người từ xa xưa đến tận ngày nay. Mặc dù khoa học đã và đang dần dần giải mã những hiện tượng đó nhưng đã xác định được những trường sinh học kết nối giữa người đã chết với người sống, hay việc một số người có khả năng ngoại cảm, khả năng nhìn thấy trước tương lai,…

Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới không bài xích những vấn đề duy tâm, đặc biệt là những bí ẩn trong các nền văn hóa lớn như Trung hoa, Ấn Độ, Ai cập,…
Có nghĩa, vẫn tồn tại những sự huyền bí của tự nhiên, được con người tìm đến như một đức tin trong cuộc sống, tạo ra sự tâm linh trong tâm trí của họ.

3. Hơn nghìn năm Bắc thuộc, An-nam là một bản sao cả về văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng, tâm linh,… của nước láng giềng Trung hoa. Đến tận ngày nay, sự lệ thuộc đó vẫn không suy giảm.

Trung hoa cổ đại có một nền văn hóa rực rỡ, từ vài nghìn năm trước đã phát kiến ra những công trình nghiên cứu đồ sộ về con người và vận mệnh con người. An-nam-cần-lao vẫn quen thuộc với những Hà đồ - Lạc thư, Kinh dịch, tướng pháp,… Dĩ nhiên, để có kiến thức sơ đẳng về những điều nói trên, cần phải biết chút chữ nghĩa và có một chút trí tuệ. Và điều đó không dành cho cần-lao thối tai khai bẹn thủa thời chưa có chữ quốc ngữ.
Và thế là, những điều huyền bí về số mệnh con người được đám học chữ “thánh hiền” độc quyền. Đám này kết hợp với đặc tính tín ngưỡng của cần-lao để tạo ra niềm tin vào các thế lực siêu nhiên và cho rằng số phận cuộc đời đã được định sẵn. Điều này được các chế độ phong kiến áp dụng triệt để trong việc quản trị tư tưởng của cần-lao trong quá trình cai trị từ trung ương đến địa phương.

4. Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Những người cộng sản với kim chỉ nam là chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành những kẻ vô thần. Và họ cho rằng những tín ngưỡng, tâm linh của cần-lao là sự mê tín dị đoan cần phải loại trừ trong con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Và thế là một cuộc “cách mạng” loại trừ mê tín dị đoan được hình thành. Những người cộng sản phá đền, phá chùa, bài trừ sự cúng bái, bói toán, tế lễ thần thánh,… Thay việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần phật bằng việc treo ảnh lãnh tụ. Chúng ta có thể tìm thấy những hình ảnh các lãnh tụ cộng sản được treo trang trọng giữa nhà thay cho các bát hương và bài vị tổ tiên vào các thập niên 60-70 của thế kỷ trước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, một cuộc “cách mạng” nhỏ không thể tẩy não được tín ngưỡng của cần-lao. Và họ bắt đầu dấm dúi thờ cúng lại tổ tiên, thần phật. Đặc biệt đối với những người gặp những điều bất trắc trong cuộc sống mà không được chính quyền giải quyết. Họ quay lại tin vào số phận, tin vào sự trừng phạt do tâm linh bởi lẽ chính họ là những thành phần nhiệt tình nhất trong việc phá đền, phá chùa và bỏ bát hương tổ tiên.

Một vài nơi, một số kẻ tham gia phá đền, phá chùa gặp những rủi ro trong cuộc sống đã được cần-lao thêu dệt lên những câu chuyện rùng rợn về việc “quả báo” do đã quay lưng lại với thần thánh, tổ tiên. Và công cuộc bài trừ mê tín dị đoan, hướng tới chủ nghĩa vô thần của cộng sản đã thất bại hoàn toàn ở An-nam, bắt đầu mạnh mẽ từ khi mở cửa về kinh tế.

5. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là một đặc tính của cần-lao An-nam. Những kẻ thành đạt trong cuộc sống thường cho rằng đó là do phúc đức của tổ tiên, sự phù hộ của thánh thần và số mệnh của họ. Điều này có một phần đúng đắn vì theo tử vi, số phận của mỗi người là khác nhau. Một số trường hợp đặc biệt như một vài kẻ nghèo hèn bỗng trở thành đại phú hay vài quan lại bị thất sủng về quê cày ruộng khiến tâm lý tin vào số mệnh được áp đặt trong não trạng của cần-lao An-nam.

Từ thời Lý, phật giáo đã được truyền bá sâu rộng vào trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cần-lao An-nam. Và cần-lao dễ dàng kết hợp sự tín ngưỡng dân gian với tín ngưỡng tôn giáo làm một. Câu nói “thờ thần phật” trở nên quen thuộc với cần-lao khi chủ thuyết luân hồi và hướng con người đến điều thiện của giáo lý nhà phật được cần-lao đón nhận nhiệt tình bởi đã có sẵn trong não trạng quan niệm về lễ giáo của Khổng Khâu xứ Tàu.

Thế nên, khi An-nam vượt qua thời đói khổ của bao cấp, và chính sách mở cửa đã vực dậy nền kinh tế từ quốc gia đến gia đình thì sự tín ngưỡng về tâm linh trỗi dậy. Những kẻ có tiền bắt đầu xây mộ, xây từ đường để tri ân tổ tiên đến tu bổ, sửa sang đền miếu của làng xã. Lớn hơn, họ bắt đầu kêu gọi sửa sang chùa chiền, và nghiễm nhiên tự coi phật giáo như một quốc đạo của An-nam.

Dĩ nhiên, những đối tượng này phần lớn là quan chức của chính quyền, từ thượng tầng trung ương ủy viên đến hạ tầng quan chức lìu tìu địa phương. Và dĩ nhiên, phần lớn họ không có tôn giáo. Một yếu tố quan trọng trong sơ yếu lý lịch của một xã hội bổ nhiệm quan chức theo chủ nghĩa lý lịch.

6. Có cung ắt có cầu. Những dịch vụ đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng nở rộ như nấm mọc sau mưa, thượng vàng hạ cám đủ cả.

Chưa bao giờ xứ An-nam thịnh vượng về các dịch vụ tín ngưỡng như hiện nay. Ở đâu cũng có thể có thầy bói toán, từ lấy lá số tử vi, bói bài, bói chỉ tay, bói lá trầu,… Ở đâu cũng có thầy cúng, thầy phong thủy. Sách về bói toán, tử vi, cúng bái, phong thủy có thể tìm bất cứ nơi đâu, từ nhà sách cao cấp đến bán dạo vỉa hè, bến xe.

“Tiền nào của ấy” là câu nói quen thuộc của An-nam, và tất nhiên bao gồm cả dịch vụ tín ngưỡng. Bởi tại nhà nhà đi mời thầy cúng, người người đi xem bói,… nên hình thành một đội ngũ buôn thần bán thánh rất đông đảo. Từ đám thầy chùa đầu trọc thích tu hú hơn tu thân đến đám bần nông bần lâm thất học được “ăn lộc thánh”. Vài chục nghìn đồng cũng bói, vài trăm nghìn đồng cũng cúng. Đám này không những truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi cần-lao, mà còn nhẫn tâm trục lợi trên cả xương cốt của những người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.

Nói đi cũng phải nói lại. Có những người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, họ thấu hiểu sâu sắc chiêm tinh, kinh dịch, có thể suy đoán được số phận con người trên góc độ khoa học của tử vi. Có những người có những khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy người âm mà chúng ta thường gọi là ngoại cảm (khoa học đã xác nhận điều này). Có những người tu hành chân chính, lấy giáo lý phật môn để cầu an giúp người.

Tuy nhiên, những người này rất ít, và năng lực của họ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Đặc biệt là những người có khả năng ngoại cảm. Trong vài triệu người có một người có khả năng ngoại cảm đã là hiếm. Và trong trăm lần ngoại cảm mới có một vài trường hợp chính xác đã là quý.

Ấy thế nhưng cần-lao ai cũng tham lam. Ai cũng muốn thỏa mãn cái họ mong muốn. Họ sẵn sàng bỏ tiền bỏ bạc để đổi lại sự tò mò lẫn “bí ẩn” về số phận của họ. Nghe nói có thầy bói nào hay là đổ xô đến. Nghe nói có đền, có điện nào thiêng là đỗ xô đến. Thật giả lẫn lộn, bát nháo tứ tung.

7. Đáng ra, sự mê tín dị đoan, những tà đạo, tà giáo cần phải loại trừ triệt để. Nhưng có thể thấy trong thời gian qua, chính quyền đã buông lỏng quản lý điều này. Không những thế, lãnh đạo từ to đến nhỏ thể hiện rõ sự cuồng tín về thần phật của họ. Có thể thấy lãnh đạo cao cấp của chính quyền ở các lễ chùa, lễ phật hì hụp cúng bái. Có thể thấy bát hương được hiện diện ở từng phòng trong công sở. Những ngày cuối năm, đầu năm thì xe công lẫn quan chức đi đền đi chùa nườm nượp.

Đình chùa miếu mạo được ồ ạt xây dựng. Thầy bói, thầy cúng, bà đồng, ông cốt được hoạt động tự do, thỏa sức truyền bá mê tín dị đoan, miễn không truyền bá cần-lao chống chính quyền là được.

Không những để tự phát trong xã hội, mà có hẳn 3 tổ chức nghiên cứu về tâm linh với tên gọi mỹ miều là: “Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng”; “Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người”; “Viện Nghiên cứu tiềm năng con người” được chính quyền công nhận và bảo hộ. Không biết họ nghiên cứu được cái gì? Nhưng cấp phép tràn lan cho đám bà đồng ông cốt, thậm chí cả đám tâm thần phân liệt tự xưng là dị nhân quái nhân có khả năng hô mưa gọi gió.

Những vụ việc liên quan đến đám giả thần giả quỷ trục lợi trên sự cuồng tín của cần-lao đến mức nghiêm trọng như tên Thủy giả danh ngoại cảm trục lợi trên xương cốt của các liệt sỹ đã được phản ánh, truy tố. Nhưng vẫn còn đó nhan nhãn những kẻ nhân danh khoa học như “nhà ma học” Giác Hải, hay nhân danh“ngoại cảm” như đám Thị Hòa, và những đám bà đồng ông cốt, cô cậu ngoại cảm khác.

8. Khi nói về những điềm mất nước (Vong trưng), Hàn Phi đã cho rằng: “Dùng bọn coi ngày, thờ quỷ thần, tin bói toán, thích cúng tế thì (nước) có thể mất” (thiên XV, quyển V).

Phan Chu Trinh đã từng viết trong “Việt quốc bệnh phu” một trong mười điều bi ai của An-nam là “chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật”.

Có thể thấy, mê tín dị đoan đã bị lên án và bài trừ từ thời xa xưa, khi mà những vấn đề duy tâm lẫn các sự vật, hiện tượng thần bí của tự nhiên chưa được khoa học giải thích một cách thấu đáo.

Vậy mà, ở tận thế kỷ 21, khi mà khoa học đã đạt tới sự vi diệu trong tiếp cận nghiên cứu theo hình thức lượng tử đối với các vật chất siêu vi trong một chuyển biến siêu hình học. Cũng như các kết quả ngoại cảm có thể xác định một cách cực kỳ đơn giản qua xét nghiệm AND. Thế nhưng, không hề có một động thái quyết liệt nào của chính quyền đối với đám buôn thần bán thánh này, trừ những trường hợp đã bị cần-lao phát giác là lừa đảo.

Không lẽ chính quyền không hiểu những điều đơn giản mà Hàn Phi đã cảnh báo từ hơn 2.000 năm trước, hay “bệnh” của An-nam mà Phan Chu Trinh đã chỉ ra gần 100 năm trước? Không lẽ chính quyền không biết bọn “ma học” đang hoành hành, đang đẩy cần-lao An-nam trở nên mê tín dị đoan đến mức cuồng tín (điều mà hơn nửa thế kỷ trước họ đã cố gắng bài trừ), đang khiến cần-lao An-nam lệch lạc về nhận thức tín ngưỡng và triết lý tôn giáo chính thống? Không lẽ chính quyền không biết mê tín dị đoan đã làm cho cần-lao An-nam trở nên mông muội, u mê từ não trạng đến thể chất, và điều này là kẻ thù của sự phát triển lên một xã hội văn minh?

Họ không biết? Hay họ cố tình không biết?

Nho giáo và triết lý giáo dục

Cách đây mấy ngày tôi đọc bài “SOS Thứ Bậc VN Trên Xếp Hạng Trí Tuệ Toàn Cầu”, chiều ngày 9 – 8 lại được nghe GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc) thuyết trình về tình trạng nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam với những bảng biểu và con số cụ thể chứng minh rằng Việt Nam đang thua rất xa các nước trong khu vực về thành tựu nghiên cứu khoa học.

Rồi nữa, chuyện thầy đánh trò đình đám xảy ra cách đây mấy tuần mà báo chí đã đưa tin… Tất cả như quyện lại với nhau, như cùng có một nguyên nhân sâu xa nào đó liên quan đến triết lý giáo dục, mà cũng hình như liên quan đến chuyện “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” trong nhà trường mà chúng ta đang tranh luận.

Nho giáo và các vấn đề giáo dục hiện nay

Rõ ràng không thể cho việc “ngụp lặn” của trí tuệ người Việt ở nửa dưới thế giới là do tư chất người Việt kém. Ngược lại, tôi thấy con em người Việt ở nước ngoài đã tỏ ra sắc bén không thua chị kém em nước sở tại trong chuyện học hành, nghiên cứu. Vậy chắc chắn có cái gì đó không ổn trong triết lý giáo dục mà hậu quả là chúng ta đã không đào tạo được những con người có văn hoá phản biện, có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo để tự thay đổi mình và thay đổi môi trường sống, cũng như góp sức mình làm phong phú kho tàng tri thức của nhân loại. Phải chăng, hiện trạng này có liên quan một phần đến Nho giáo, đến bóng của Khổng Tử trên ngành giáo dục, thể hiện trong quan niệm và cách làm của người quản lý, trong não trạng và cách dạy của thầy, cũng như trong suy nghĩ và cách học của trò hiện tại?

Quan niệm giáo dục lấy thầy làm trung tâm, lấy tư tưởng người xưa làm mẫu mực, là rào cản của sự tò mò, trí tưởng tượng vốn rất cần cho sự sáng tạo, làm hạn chế khả năng tư duy độc lập mà chức năng của giáo dục đáng lẽ là phải khơi gợi, kích thích và làm cho nó phát triển. Tình trạng này cùng với một môi trường xã hội không tạo thuận lợi cho sự lưu chuyển các tri thức và thông tin, luật pháp chưa bảo vệ được những sản phẩm trí tuệ … là những nguyên nhân quan trọng của hiện trạng không lấy gì làm sáng sủa như đã nói đầu bài viết.

Quan niệm dạy – học mang màu sắc giáo dục Khổng giáo vốn xem trọng quá khứ, “tầm chương trích cú”, “thuộc làu kinh sử” biến học sinh thành những con vẹt, biến những bộ óc non nớt của các em thành những thùng chứa đồ cũ, là nguyên nhân của bệnh đọc – chép. Đọc chép lâu dần không những làm cho học sinh mất hết khả năng sáng tạo, mà còn tạo ra nơi người học thói quen xài chùa của người khác, trong lĩnh vực học thuật, thì đó là đạo văn.

Việc gắn sự học với việc làm quan trong giáo dục Nho giáo vốn đang ảnh hưởng rất mạnh trên não trạng của người Việt mình là thủ phạm gây ra hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ”, sính bằng cấp, học giả bằng thật, vv. Có lẽ phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều giấy mực để nghiên cứu ngọn ngành sự liên quan xa gần giữa những ảnh hưởng Nho giáo và từng hiện tượng cụ thể đang tồn tại trong ngành giáo dục mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi không thể trình bày thấu đáo.

Giáo dục hiện đại không bắt con trẻ học thuộc lòng nội dung và áp dụng một điều gì đó kể cả các “chân lý” đã được khoa học kiểm chứng một cách như học “lời của thánh hiền”, nhưng dạy cho các em làm thế nào (học phương pháp) các nhà khoa học đã tìm ra chân lý đó, không phải bắt các em “tuân phục” mà cắt nghĩa cho các em hiểu tại sao lại phải vậy, và trang bị cho các em có đủ khả năng vận dụng lý trí của mình để soi sáng những điều đó và khi cần thì biết cải tiến, biết vượt qua nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Lại nói chuyện “lễ”

Có nhiều người lo là nếu bỏ “tiên học lễ…” sẽ làm giới trẻ mất phương châm sống? Không đến nỗi như vậy, ăn thua là người lớn chúng ta có làm cho trẻ biết ước mơ, có những hoài bão đẹp hay không? Khi trẻ có lý tưởng sống đẹp thì tự các em sẽ có cách sống đẹp. Chữ lễ quy định cách thức ứng xử giữa người với người theo kiểu Nho giáo, chứ không phải là lý tưởng sống, càng không phải là chân lý bất biến, bởi cách kiểu ứng xử thì tuỳ từng xã hội, xấu hay tốt nhiều khi cũng tuỳ từng xã hội.

Người Phương Tây chẳng có Nho giáo, chẳng có “lễ” làm cơ sở để đối nhân xử thế, thì họ vẫn có lý tưởng sống, vẫn sống tử tế với nhau, vẫn đối xử lịch thiệp, vẫn bác ái, vẫn biết thương lượng với nhau để tránh xung đột, vẫn biết chung sống với nhau trong sự khác biệt đó thôi. Tôi không chủ trường bài xích hoàn toàn giá trị của Nho giáo, nhưng không mấy thiện cảm với chữ lễ ở trong học thuyết này. Xin hiểu cho là tôi đang nói chữ lễ trong ý nghĩa gốc của khái niệm như tác giả của: Dựa vào gì để cân nhắc bỏ hay giữ “học lễ”? đã đề cập, chứ không chê các giá trị văn hoá đạo đức tích cực, tốt lành trong xã hội hiện tại mà trách vụ của giáo dục là phải chuyển tải cho học sinh.

Tôi đã chứng kiến số phận bao nhiêu con người phải khổ sở thế nào vì những lề thói mang màu sắc chữ lễ Nho giáo: Một ông bác gây sự om sòm trong đám hỏi của cháu làm các cháu sợ xanh tím mặt mày, chỉ vì các cháu không biết những lễ nghĩa với bác; những bậc cha mẹ sẵn sàng cấm, cắt đứt chuyện yêu đương của con cái chỉ vì những người lớn chấp trách lễ nghĩa với nhau; những cảnh đời phụ nữ có cuộc sống như là nô lệ tại nhà chồng cũng chỉ vì não trạng kiểu “tam tòng tứ đức” vv. Suy cho cùng thì những người lớn cứ nằng nặc bắt trẻ con phải dữ lễ nghĩa kiểu như vậy cũng chỉ vì muốn thoả mãn cái tôi của mình, mà không đếm xỉa gì tới tình cảm, cảm giác của con cháu mình thế nào. Lễ nghĩa hình thức nếu chúng ta câu nệ quá, sẽ làm khổ con người, làm tan biến con người trong một mớ quy định, thay vì đặt con người làm trung tâm và làm chủ của tất cả.

Nhà trường không nên trưng khẩu hiệu

Tôi nghĩ trường học không nên trưng bất kỳ khẩu hiệu nào, hay áp đặt bất kỳ chủ nghĩa, học thuyết nào duy nhất cả. Giáo dục là thiết chế công, là nơi giao thoa của nhiều luồng tri thức, nhiều chủ thuyết, nhiều mô hình văn hoá, là nơi gặp gỡ của nhiều người với bản chất là “chín người mười ý”, nên phải là của chung, của công cộng. Vì là của chung nên không nên biến nhà trường thành công cụ riêng của bất cứ nhóm nào, khuynh hướng nào trong xã hội.

Chúng ta không nên đóng khung trẻ vào bất kỳ một thứ gì, bởi khi làm như vậy, chúng ta đã cản ngăn tầm nhìn của trẻ ra thế giới, đã dựng một vách tường hạn chế tư duy của trẻ. Hãy để cái đầu của giới trẻ tự do, không bị điều kiện hoá và không phải lệ thuộc vào bất kỳ thứ gì, để khi trưởng thành, trẻ sẽ tự sử dụng lý trí với những kiến thức và phương pháp được trang bị, tự chọn cho mình một lối đi, thiết kế cho mình một kế hoạch cuộc đời.

Sự tự do cũng là điều kiện cần để có thể phản biện, để có thể phát minh, sáng tạo ra những thứ mới. Bên cạnh tự do, chúng ta hãy dạy cho trẻ trách nhiệm về những gì mình làm, mình chọn lựa. Để có thể sống chung và góp phần phát triển xã hội, chúng ta hãy dạy cho trẻ các kỹ năng thương lượng, có chính kiến, nhưng cũng biết biết nhân ái và tôn trọng sự khác biệt. Tôi nghĩ đó mới là “phần mềm” cần cho những công dân tương lại trong thời đại dân chủ, hội nhập và toàn cầu hoá ngày nay, chứ không phải chữ lễ của Nho giáo.

Nhân quả

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có một số điều trăn trở, mong Thầy tháo gỡ giải tỏa cho con.

Đạo Phật dựa trên cơ sở nhân quả và luân hồi. Mặc dù con đã đọc các cuốn sách của Thầy viết, như cái niềm tin trong con nó chưa được lớn, vì vậy sự buông xả còn kém cỏi, sự tu tập còn lười biếng. Con từ nhỏ tới nay, vẫn cứ cho rằng: “Con người chỉ sống có một lần, sau khi chết tất cả đều tan hoại”, đó là vì con đã tiếp thu những tư tưởng duy vật biện chứng. Con đã đọc: “Kinh Nhân Quả Ba Đời” nhưng con vẫn thấy nó mơ hồ trừu tượng nên con không tin.

Đáp: Kinh sách Nhân Quả Ba Đời là kinh sách hệ phái phát triển, kinh sách này luận về nhân quả thiếu tính khoa học nên lý luận mơ hồ, không thực tế, có vẻ hoang đường, làm mất tính chất đạo đức nhân bản - nhân quả của luật nhân quả. Người có sự hiểu biết về khoa học và chuộng sự thật thì không thể nào tin nhân quả theo kiểu lý luận mơ hồ, trừu tượng, đầy sự hoang đường mê tín lạc hậu này được. Đọc kinh sách phát triển phần nhiều là những lý luận mơ hồ trừu tượng mê tín đẫy đầy không có cuốn kinh nào mà không có. Cho nên, kinh sách phát triển làm mất lòng tin của mọi người với Phật giáo. Con cũng bị ảnh hưởng đó, chính vì con đã học về triết học duy vật biện chứng, nên con không thể tin những điều mơ hồ trừu tượng được, Phải không con?

Muốn biết rõ nhân quả như thật thì chúng ta phải tự hỏi: “Khi người chết cái gì còn lại?”.

Đức Phật đã xác định điều này rất rõ ràng: “Khi người chết toàn bộ thân ngũ uẩn đều tan rã không còn một vật gì tồn tại”. Vậy, không còn một vật gì tồn tại, sao đạo Phật còn chủ trương thuyết tái sanh luân hồi và như vậy có mâu thuẫn nhau không?

Thưa các bạn! Đạo Phật không mâu thuẫn. Khi con người còn sống hằng ngày luôn luôn hoạt động theo tâm tham, sân, si của mình, do mỗi hành động thân, miệng, ý phóng xuất ra những từ trường thiện hay ác (từ trường là một danh từ vật lý tạm dùng để mọi người dễ hiểu, chứ nghĩa của danh từ “từ trường” chưa đúng hẳn) khắp nơi trong bầu khí quyển. Theo luật nhân quả thì từ trường ấy được gọi là nghiệp. Cho nên, con người chết là mất hết chỉ còn nghiệp (từ trường) thiện ác, nghiệp thiện ác không phải là linh hồn, thần thức hay Phật tánh.

Hầu hết mọi người, có tôn giáo hay không tôn giáo, luôn cả các nhà Đại Thừa hiện đang có mặt trên hành tinh này, đều không hiểu lý duyên hợp duyên sinh, do đó tưởng khi người chết còn có linh hồn, thần thức, Phật tánh, tiểu ngã, bản thể v.v.. là một vật thường hằng mang theo nghiệp đi tái sanh luân hồi, điều hiểu biết này là ảo tưởng, mê tín, không đúng sự thật, không có tính khoa học, là sai. Sự hiểu biết này, đức Phật gọi “Chấp thường”. Còn có một số người dựa vào duy vật biện chứng, cho con người mất là mất cả, chỉ có một đời này mà thôi. Sự hiểu biết như vậy, đức Phật gọi là “chấp đoạn”.

Những triết thuyết chấp thường, chấp đoạn là những triết thuyết còn mơ hồ chưa hiểu biết rõ về môi trường sống trên hành tinh này. Môi trường sống trên hành tinh này có nhiều chất liệu, có chất liệu có hình sắc, có chất liệu không hình sắc mà đức Phật gọi chung là “các duyên”. Cho nên, giáo lý nhà Phật gọi môi trường sống trên hành tinh này là “thế giới duyên hợp”. Có duyên hợp mới sinh ra muôn loài, muôn vật, có duyên hợp mới tạo thành thế giới, không duyên hợp thì không có thế giới. Do thuyết nhân duyên mà đạo Phật đã xác định được con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu rất khoa học mà không có một khoa học hay một triết học nào bắt bẻ được, vì đó là một sự thật, một sự thật do sự tu chứng đã thấy rõ như thấy những chỉ trong lòng bàn tay.

Đạo Phật chấp nhận thuyết tái sanh luân hồi, vì khi con người chết thì mất hết nhưng những nghiệp (từ trường) này không mất, do nghiệp này không mất nên tương ưng với tâm tham, sân, si của người khác hợp đủ duyên tạo thành thai nhi. Cho nên, đạo Phật gọi là “nghiệp tái sanh luân hồi”, chứ không gọi “nghiệp đi tái sanh luân hồi”. Kinh sách Đại Thừa gọi nghiệp đi tái sanh luân hồi là sai, vì nghiệp là từ trường nên bất cứ nơi đâu trong bầu khí quyển đều có nó, do đó từ trường không đến không đi, chỉ có hợp đúng thời, đúng duyên là tái sinh luân hồi tức khắc.

QUI LUẬT NHÂN QUẢ

Kính gửi: Cháu Trang

Vạn vật được sinh ra đều phải theo qui luật của nhân quả, không có một vật nào ra khỏi qui luật này. Cho nên có những người hung ác thì cũng phải có những người hiền lành; có những người giàu sang thì cũng phải có những người nghèo hèn; có những người sung sướng thì cũng phải có những người khổ đau; có những người tốt thì cũng phải có những người xấu; có những người quyền cao chức trọng thì cũng phải có những người cùng đinh mạt hạng; có những người chung thủy không lỗi đạo, thì cũng phải có những người không chung thủy lỗi đạo v.v…

Trên đời này mọi sự xảy ra đều do nhân quả sắp xếp. Nhân quả sắp xếp là do tiền kiếp không khéo gieo duyên thiện nên đời này phải trả quả khổ. Nếu trả vay không khéo thì lại vay trả mãi mà không hết. Hoàn cảnh của con xảy ra cũng vậy. Con có biết không?

Cuộc đời quá éo le, tưởng đâu có chồng con để hôm sớm cùng nhau, khi tối lửa lúc tắt đèn, để chia vui sẻ buồn, để an ủi cho nhau khi khổ đau, khi tai nạn và chăm sóc nhau khi đau ốm, bệnh tật v.v..

Nhưng nào ngờ nhân quả quá khắc nghiệt con gặp phải nhân quả không tốt, nên đành phải chịu những nỗi khổ đau riêng mình, phải nuôi và dạy con, phải lo gia đình trước sau một thân mình, phải gánh chịu sự cô đơn, chỉ có một mình quạnh hiu, biết tâm sự cùng ai, biết ai hiểu mình mà tâm sự. Phải không con?

Người xưa bảo: “Làm thân con gái có 12 bến nước, gặp bến trong thì nhờ, gặp bến đục thì chịu”, biết than thở cùng ai!

Đời con là một bến đục, có chồng mà cũng như không. Chồng lo cho chồng, chẳng nghĩ gì đến vợ, chẳng đái hoài gì đến các con, chỉ lo cho bản thân mình, lo cho người khác, để lại một gánh nặng nuôi dạy hai trẻ thơ, khi bệnh tật, khi tai nạn, lúc tối lửa khi tắt đèn, chỉ có một mình thật là khổ đau vô cùng, vô tận. Trước sau chỉ một mình lo toan biết nói gì đây, nói với ai bây giờ? Nghẹn ngào nước mắt cứ tuôn tràn như dòng suối đời khổ đau chạy mãi về phương trời vô tận. Nếu không có hai trẻ thơ này là nguồn an ủi thì phỏng chừng con có sống được hay không? Đêm nằm nghĩ tới nghĩ lui; đời người sống thật vô vị chẳng có gì là nghĩa, là tình, là hạnh phúc cả?

Sống mà như chết. Sao con người ở đời bạc bẽo và độc ác đến thế! Bạc bẽo và độc ác hơn lòai thú vật. Loài chim quốc khi chim đực mất chim cái kêu suốt thâu đêm tiếng kêu thương não nùng ai oán, chim cái không còn thiết tha ăn uống nữa, lần hồi chim cái chết theo chồng; chim đực cũng vậy khi chim cái bị lưới rập, bị bắn chết, chim đực cũng kêu suốt ngày đêm tiếng kêu thương từ trái tim chung thủy vang lên không gian một tình thương bất diệt, cho đến khi sức tàn, lực kiệt chim đực cũng chết theo chim cái. Ôi! Thật là lòai chim sống mà chung tình đến thế! Xét lại con người thì sao? Con người sao mà manh tâm giả dối lường gạt vợ con, lan chạ kẻ khác mà không biết xấu, mặt chai mày đá, nay người này, mai người khác như như loài gia súc v.v…

Biết bao cảnh đời ngang trái, biết bao nhiêu thương đau, làm sao kể cho xiết. Ai làm ra? Lòng tham dục đấy con ạ!

Ở đời ai là người hiểu đạo đức? Ai là người thấy trách nhiệm và bổn phận làm người sống không không làm khổ mình, khổ người? Ai là người biết hy sinh cá nhân mình để làm tròn bổn phận làm cha, làm mẹ. Tội nghiệp thay cho những đức trẻ mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả hai. Nhất là chúng ta cũng không thể cầm được những giọt nước mắt thương đau cho những đức trẻ vẫn còn cha lẫn mẹ, nhưng vì ích kỷ cá nhân, cha và mẹ chúng đắm đuối đam mê danh, lợi và sắc dục, đành ly dị bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con chạy theo nhân tình thế thái. Mặc cho những đứa trẻ thơ vô tội sống ra sao cũng mặc, họ vẫn thản nhiên như những người xa lạ, họ xa lìa nhau, đành đoạn bỏ mặc những đứa bé bơ vơ, thiếu tình cha chăm sóc, thiếu lòng mẹ thương âu yếm. Vậy tình thương chăm sóc của cha bây giờ ở đâu? Lòng thương âu yếm của mẹ ở chỗ nào? Những đức trẻ thơ đang chờ đợi, đang mong ngóng từng ngày!!! Nhưng vô cùng tuyệt vọng. Cha như cánh chim trời lộng gió, mẹ thì thui thủi một mình bên các con. Ai là người sinh ra chúng? Ai là người mang nặng đẻ đau? Ai là người nuôi nấng chúng lớn khôn nên người v.v… Tương lai của chúng ra sao? Mờ mịt đen tối. Tội nghiệp thay biết nói gì đây!

Nhìn những cháu bé, con của những người khác đang cấp sách đến trường đang tốt nghiệp Đại học, còn con mình hiện giờ thì ra sao? Mình có gánh vác nổi hay không, hay để chúng thất học như những đứa trẻ khác. Ôi! Càng nghĩ, ruột đau như ai cắt từng đọan. Thương thân phận bạc phần vô phước. Sống mà tương lai một mầu đen tối, không có chút hy vọng nào mà hòan cảnh xảy ra còn khổ đau nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

“Trách ai bẻ gánh cang thường,
Để cho phận thiếp giữa đường bơ vơ”

Đừng buồn nữa con ạ! Hãy vui lên để mà sống, sống xem cuộc đời tràn đầy ác pháp, sống để chuyển biến nhân quả, đừng để nhân quả chuyển biến tâm con, Phải không con?

Hãy can đảm, đầy đủ nghị lực, đứng lên bằng hai chân của mình, chiến đấu tận cùng với bao nhiêu nghịch cảnh, đừng sợ hãi con ạ! Bên con còn có những người cảm thông những nỗi khổ u hoài trong con, sẵn sàng an ủi, khích lệ giúp con dũng cảm tiến lên, vượt thoát đường đời đầy chông gai cay đắng.

Muốn chuyển đổi sự đau khổ không gì bằng là tâm phải an vui, tâm phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Đời toàn là ác pháp, là đau khổ như vậy. Đời mấy ai thương ai chân thật, thương sao làm khổ nhau quá vậy? Thương sao tạo cảnh khổ cho nhau…

Hãy tha thứ cho những người làm con khổ đau, hãy buông xuống những gì đang đau khổ trong lòng con.

“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”

Buông xuống tất cả mọi đau khổ trong lòng con thì ngay đó tâm con sẽ thấy an vui, thanh thản. Phải không con?

Còn nếu con không sáng suốt cứ ôm ắp mãi trong lòng những nỗi đau thương thì con phải chịu lấy sự khổ đau ấy, đấy là con bị qui luật của nhân quả chuyển biến và đang trả quả khổ đau. Còn nếu con xem đó là một điều hiển nhiên trong giai đoạn xã hội loài người đang bế tắc đạo đức nhân bản làm người. Vì thế con người ngày nay cứ mãi làm khổ cho nhau. Phải không con?

Chuyện đời có gì buồn đâu con ạ! Tất cả đều vô thường, nhà cửa, của cải, tài sản đều vô thường ngay cả bản thân của con cũng vô thường. Có ai giữ của cải, châu báu, ngọc ngà mãi đâu con! Khi xuôi tay trở về lòng đất thì có ai còn mang theo được những gì, ngay thân này còn phải bỏ, có gì giữ gìn được đâu mà không buông xuống phải không con?

Buông xuống để tâm hồn thanh thản, an vui; buông xuống để xem những người làm ác gây đau thương, rồi họ sẽ đi về đâu?

Buông xuống, buông xuống để giòng nước mắt con thôi chảy, để con còn đủ sức khỏe nuôi và dạy dỗ hai đứa con thơ dại đang nương vào đôi cánh tay yếu đuối của người mẹ thân thương, chúng còn biết trông cậy vào ai hỡi con?

Hãy nghe lời Thầy con ạ! Con hãy tự thắp đuốc lên, soi mà đường đi, con đường buông xả, con đường thanh thản, an lạc và vô sự, con đường hạnh phúc vô cùng con ạ! Ngoài con ra không còn ai giúp con được. Hãy mạnh dạn đứng lên con ạ! Đừng yếu đuối, hãy nhìn thẳng về phía trước. Dù đường đời có cay đắng khắc nghiệt bao nhiêu, con hãy xem nó như một tuồng cải lương trên sân khấu. Có gì thật đâu mà buồn khổ. Phải không con! Một trò diễn xuất của nhân quả có đáng gì cho con phải bận tâm đau lòng.

Cảnh đời đen bạc, đó là những việc thường xảy ra trong cuộc đời này, có gì mà phải bận tâm con ạ! Nó đến rồi nó sẽ đi, chỉ cần giữ gìn tâm bất động trước nó là nó chuyển đổi được sự khổ đau thành sự an vui ngay liền. Hãy nghe lời Thầy đi con!

Thăm và chúc con đầy đủ nghị lực vượt qua những điều cay đắng của cuộc đời.

Kính thư

Thầy của con.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sưu tập (tạm thời) sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã download từ các trang web trên, bạn có thể tải về: Click tại đây

Đầu năm nói về những mê tín dị đoan

Những đoạn dưới đây được trích cuốn “Đường về xứ Phật” và cuốn “Người Phật tử cần biết” nói về những mê tín dị đoan dưới hình thức vấn đáp, Tự hiểu mình's Blog xin được trích đăng:

ÔNG TÁO

Hỏi: Kính bạch Thầy, sắp đến ngày 23 Tết Âm lịch, năm nào cũng vậy, mọi nhà lo mua ba bộ mũ, hia, giày và một con cá chép sống để cúng tiễn đưa ông Táo về Trời và ông Táo sẽ tâu trình với Ngọc Hoàng các việc làm ác, thiện của gia chủ. Như vậy có không, xin Thầy chỉ dạy? Có người còn bảo, năm nào mà không mua mũ cho ông Táo thì đêm đến nằm mơ thấy ông Táo về đòi. Như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Ông Táo là một chuyện mê tín của dân gian, mục đích là để răn người đừng làm điều ác, vì làm điều ác là ông Táo sẽ về chầu Trời tố cáo tội ác trong năm, rồi Ngọc Hoàng sẽ cho giáng họa và người làm ác sẽ chịu biết bao nhiêu đau khổ. Mũ hia, áo mão của ông Táo giống như mũ hia, áo mão của một vị quan phong kiến. Ông Táo không có thật, mà chỉ là một tưởng tri của loài người, để khiến cho người ta sợ mà không làm điều ác.

Từ câu chuyện dân gian răn nhắc đừng làm ác, biến dần thành một phong tục, đến cuối năm nhà nào cũng đều cúng ông Táo, để ông về tâu bớt những chuyện làm ác của mình, để ông Trời không  có  gieo  tai  họa.  Câu  chuyện  biến  dần thành câu chuyện lo lót hối lộ. Từ câu chuyện răn nhắc đừng làm ác thì dần dần biến thành phi công lý, phi đạo đức (hối lộ mũ hia, giày, quần áo, cá chép, cúng bái thần linh là một hình thức hối lộ).

Nằm mộng thấy ông Táo về đòi, đó là tưởng mộng chớ ông Táo đâu có thật. Người ta huyền thoại nhiều câu chuyện về Táo quân “Một bà hai ông”, bây giờ đã thành một phong tục truyền thống dân tộc, cứ đến ngày 23 tháng chạp nhà nhà đều cúng đưa ông Táo về trời.

Phật  giáo  Đại  thừa  cũng  chịu  ảnh  hưởng, nhưng lấy ngày đó làm ngày lễ đưa chư thiên về chầu trời. “Dân gian thì đưa Táo quân, Phật giáo thì đưa chư Thiên về trời”!

Qua câu chuyện ông Táo đã chỉ cho chúng ta thấy  được  Phật giáo  Đại thừa  có  trí tuệ hay không trí tuệ, điều này chắc ai cũng rõ. Câu chuyện mê tín dân gian Phật giáo Đại thừa lại biến thành mê tín Phật giáo. Bởi vậy Phật giáo Đại  thừa  có  đáng  cho  chúng  ta  đủ  niềm  tin chăng? Phật giáo Đại thừa đi đến đâu cũng viên  dung  và  viên  thông,  lấy  tất  cả  các pháp của mọi tôn giáo và sự mê tín của con người làm giáo pháp của mình. Cho nên, giáo pháp Đại thừa là giáo pháp lượm lặt của các tôn giáo khác, chỉ cần thay danh từ là biến thành giáo pháp của mình. Khi dân gian mê tín cúng Táo quân thì Đại thừa biến danh từ Táo quân thành danh từ chư Thiên.

Nếu các nhà nghiên cứu Đại thừa giáo xét kỹ, đừng kẹt trong danh từ thì thấy rất rõ giáo pháp đó chính là bã mía của các tôn giáo khác. Đó là đứng về nội dung, còn đứng về hình thức thì Đại thừa giáo không có gì đặc biệt, chỉ giống như chiếc áo nhiều mảnh vải kết lại mà thành.

MỜI ÔNG BÀ ĐÃ CHẾT VỀ ĂN TẾT

Hỏi: Kính bạch Thầy, hằng năm cứ đến ngày giỗ và sắp đến ngày Tết, người còn sống ra mồ mả mời ông bà cha mẹ đã chết hàng 60, 70 năm nay về ăn Tết với con cháu, như vậy có đúng không thưa Thầy?

Đáp: Câu hỏi này có hai cách trả lời để xác định:

1- Mê tín
2- Chánh tín

Câu hỏi này mê tín như thế nào?

Như trong các kinh Đại thừa dạy, người chết còn thần thức nên nghiệp dẫn thần thức đi luân hồi. Đó là hiện tượng thế giới siêu hình của tưởng tri Đại thừa. Nếu còn có thần thức đi luân hồi tái sanh, thì đến ngày  Tết, ngày giỗ ra mộ mời những người như ông bà cha mẹ đã chết về ăn Tết với con cháu. Đó là mê tín. Đạo Phật dạy:

“Con người do các duyên hợp lại mà thành”. Như kinh Ngũ Uẩn đã dạy, thân người gồm có 5 duyên là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi một người chết thì năm duyên này đều tan rã sạch, không còn một chút xíu nào còn lại. Cái còn lại đi tái sanh luân hồi là nghiệp. Nghiệp là hành động thiện, ác của con người hằng ngày huân tập mà thành. Khi người ấy chết thì cả khối nghiệp ấy đi tái sanh vào một kiếp khác, hoặc người hay vật (tùy hành động thiện hay ác lúc người ấy còn sống). Vậy, sau khi tắt hơi thì con người chẳng còn gì cả, làm sao mà về ăn Tết với con cháu? Vì thế mời ông bà, cha mẹ về ăn Tết với con cháu là mê tín, không đúng chánh tín của đạo Phật.

Đại thừa cho người chết còn có thần thức, nên có cầu siêu, làm tuần thất 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giáp năm, ba năm, v.v... Đó là lối mê tín, trong khi đức Phật xác định không có thế giới siêu hình.

Mê tín dân gian cho rằng, nếu người chết là đàn ông có 3 hồn 7 vía (tam hồn thất phách), đàn bà có 3 hồn 9 vía (tam hồn cửu phách). Khi người chết chỉ còn một hồn một vía sống tại mồ mả, còn tất cả các hồn vía khác đều xuống dưới Địa Ngục âm ty để thọ tội, và tiếp tục đi tái sanh luân hồi. Do mê tín này trở thành một tục lệ, đến ngày giỗ, ngày tết, con cháu ra mộ mời ông bà cha mẹ đã quá cố lâu xa về ăn tết với con cháu.

Từ mê tín của Đại thừa đến mê tín của dân gian đều đi ngược lại đường lối của đạo Phật.

Mê tín của Đại thừa là tạo ra nghề nghiệp tụng niệm cầu siêu để kiếm miếng sống như các nghề nghiệp khác. Nhưng nghề tụng niệm cầu siêu là nghề lừa đảo, lường gạt người, lấy hình thức báo hiếu để cho linh hồn ông bà được siêu thoát về miền cực lạc.

Đại thừa là loại mê tín có sách vở, có bài bản, nên khó ai thấy được, vì thế mà mọi người đều sa lưới bẫy của Đại thừa. Nghề này đã trở thành một nghề cắt họng thiên hạ, tụng một ngọ, thỉnh đi một chuyến, gần hay xa đều có giá cả hẳn hòi, không có mặc cả được.

Vậy chánh tín thì làm thế nào? Hằng năm nhớ lại ngày cha mẹ mất, hoặc ngày tư, ngày tết, những người thân trong gia đình vui chơi, nhớ đến công ơn của những người quá cố thì đến nơi an nghỉ cuối cùng của những người thân thương ấy, tức là thăm mồ mả. Khi thấy mồ mả của người, thì con cháu tưởng chừng người còn đang ở đâu đây, nên mời người vui chơi Tết, nhất với con cháu. Đó là lòng tưởng nhớ.

CẦU PHÚC, XIN LỘC

Hỏi: Kính thưa Thầy, đầu năm đi chùa để lễ bái cầu phúc, cầu lợi, có lợi lạc gì không thưa Thầy? Nhất là ngày rằm tháng giêng thì chùa nào cũng đông nghẹt, từ sáng sớm đến khuya, vì người ta nghĩ “Đi lễ quanh năm không bằng đi ngày rằm tháng giêng”!

Chúng con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Đó là phong tục mê tín từ lâu trong các chùa Đại thừa, dùng cầu phúc, cầu lợi để lừa đảo tín đồ Phật giáo, đem phúc, lợi cho những tu sĩ ngồi trong mát ăn bát vàng, hơn là phúc, lợi cho tín đồ, đi chùa để nghe pháp, nhớ lời Phật dạy về đạo đức làm người để sống toàn thiện. Nếu một người nghe lời Phật dạy, luôn luôn sống toàn thiện, thì phước lộc đầy đủ, cần gì phải đi chùa cầu phước, cầu lợi? Nếu đi chùa quanh năm, hoặc nhân ngày rằm tháng giêng đến lễ Phật, cầu chư Phật ban phúc, ban lộc, mà chẳng làm một điều lành, luôn luôn làm khổ mình, khổ người, không hề tu tập nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, lúc nào cũng có phiền não, sân hận, bất toại nguyện, v.v... thì có ích lợi gì? Có Phật nào ban cho phúc lộc hay không? Đụng việc gì cũng làm to ra, la lối om sòm, chửi làng, mắng xóm, cuộc sống lúc nào cũng bỏn xẻn, ích kỷ, không hề giúp đỡ người bất hạnh, thì dù có lạy Phật đến sói đầu cầu phước, cầu lộc cũng chẳng có được chút nào. Đó là một việc làm mê tín, mơ hồ, phi đạo đức, không có thánh thần, chư Phật, chư Bồ Tát nào ban phước, ban lộc cho quý vị ấy được, vì những việc ban phước, ban lộc như vậy không đúng đạo đức công bằng và công lý.

Cầu phúc, cầu lợi bằng cách sống đúng đạo đức nhân quả. Không làm khổ mình, khổ người thì cuộc sống sẽ có phuớc báo đầy đủ. Đó chính là hành động đối xử với nhau biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng với mọi người.

Cầu phúc, cầu lợi là một việc làm mê tín trừu tượng, ảo mộng, vì chẳng có ai ban phước, ban lộc cho mình, mà chỉ có chính mình làm được những hành động thiện, thân, miệng, ý không làm khổ mình khổ người. Đó sẽ là sự ban phước, ban lộc cho mình cụ thể, thiết thực và rõ ràng.

Đi chùa cầu phước, cầu lộc là việc làm thiếu trí tuệ. Nếu chúng ta làm ác, bỏn xẻn, ích kỷ, thì thử hỏi có ai dám đem phước lộc đến chúng ta chăng?

Phước, lộc không phải tự dưng mà đến với chúng ta. Nó đến với chúng ta bằng tâm niệm tốt của chúng ta, do chúng ta biết thương người, biết giúp đỡ người trong cảnh bất hạnh tai ương, biết ban phúc, ban lộc cho người gặp cảnh khó khăn.

Phước, lộc đến với chúng ta là phải đến với sự công bằng và công lý. Nếu ta làm xấu ác, chẳng giúp người trong cảnh khổ nạn, thì khi chúng ta gặp khổ nạn chẳng bao giờ có phước, lộc đến với chúng ta được. Nếu chúng ta có ban phước, lộc cho người, thì phước, lộc mới đến với chúng ta, chẳng cần cầu khẩn gì cả. Thế nên, đức Phật đứng trong góc độ đạo đức nhân quả mà dạy chúng ta tu hành. Đầu năm đi chùa, lễ bái, cầu phúc, xin lộc chẳng được phước, lộc, mà còn bị kẻ khác lừa đảo, lường gạt, tiền mất tật mang. Đầu năm đi chùa lễ bái cầu phúc, xin lộc để rồi trở thành những tín đồ Phật giáo mê tín dị đoan, lạc hậu, bị người cười chê là người phật tử ngu si, mê muội.

Đầu năm đến chùa xin được đảnh lễ bậc chân tu, giới đức, để học hỏi những đức hạnh của người thì đó là phước, là lộc. Người chân tu hướng dẫn và chỉ dạy cho mình những hành động sống để được phúc, lộc, an vui, thanh thản và hạnh phúc.

Đầu năm đi chùa cầu phúc, xin lộc như vậy mới là chân chánh, vì ích lợi thiết thực cho mình, cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước quê hương.

Tóm lại, đi chùa lễ bái cầu phúc, xin lộc là hành động mê tín, dị đoan, thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ, là si mê. Đi chùa lễ bái bậc chân tu xin dạy đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người là chân chánh, không mê tín, lạc hậu. Đó là người cư sĩ đệ tử Phật thông minh và trí tuệ, tìm học những điều phúc, lộc chân chánh, cụ thể, thực tế, không mơ hồ, trừu tượng.

XÓC THẺ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Đầu năm, nhất là trong những ngày Tết Nguyên Đán, chùa nào cũng có làm một bàn thờ phục vụ cho những người đến xóc thẻ. Trong một mâm đầy những tờ giấy đã được in và giải thích trong thẻ quẻ đó sẵn, theo số thứ tự ai xóc được thẻ số mấy thì đến nhận tờ giải số đó.

Ai xóc được thẻ nói tốt thì vui mừng phấn khởi, còn ai được thẻ nói xấu thì buồn phiền lo âu. Kính thưa Thầy, như vậy trong tờ xem số mệnh có lợi ích gì mà đầu năm người nào cũng xóc thẻ nhất là phụ nữ chúng con. Mong Thầy vì lợi ích giải thích cho chúng con được hiểu.

Đáp: Thường thường theo các chùa cổ ở miền Nam thì có hai nơi xóc thẻ. Một bên xóc thẻ gọi là xóc thẻ xăm Ông và một bên khác gọi là xóc thẻ xăm Bà.

Ông ở đây thường chỉ cho một danh tướng người Trung Hoa, đó là Quan Thánh Đế Quân tức Quan Công hay còn gọi là Quan Vân Trường, (một danh tướng thời Tam quốc bên Trung Quốc), người Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Thủ Khoa Huân, Trần Hưng Đạo v.v.. (những danh tướng Việt Nam).

Các Bà thường là những người Việt, Hoa, Chiêm Thành như: Bà Đen (Việt Nam) hay Lê Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Quan Âm (Trung Hoa), Bà Chúa Xứ, Chúa Tiên, Chúa Ngọc, (Chiêm Thành), Bà Mẹ Sanh, Mẹ Độ, Bà Chúa Kho (Việt Nam) v.v..

Thường những nơi bàn thờ của các vị đó đều có ống xóc thẻ. Hằng năm đồng bào mê tín đến cúng bái nhang đèn hoa quả gà, vịt, heo quay, v.v.. với một số tiền rất lớn.

Chùa Phật Quang ở Bến Tre thu lợi rất lớn là nhờ thờ Quan Thánh Đế Quân. Chúng Tăng ở đó không có lo gì cả, ăn ở không chỉ cần giữ mấy ống xóc thẻ là dư sống.

Xóc thẻ là một hình thức bói toán qua tư tưởng mê tín, lạc hậu. Người ta cho rằng con người có số mệnh. Ai có số giàu là giàu, số nghèo là nghèo; số nghèo thì không làm sao làm giàu nổi. Do tin tưởng vào số mệnh nên có một số người tiêu cực, sanh ra lười biếng bê tha rượu chè bài bạc, cho số mình là vậy.

Cũng từ thuyết định mệnh, đã khiến cho một số người tiêu cực không làm việc, mà đã không làm việc thì nghèo lại càng nghèo hơn. Vì không làm việc nên thì giờ rảnh rỗi nhiều sanh ra bài bạc, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp khiến cho gia đình tan nát, xã hội rối ren, mất trật tự an ninh. Bởi thuyết định mệnh ra đời, cũng là một tai hại rất lớn cho loài người.

Từ thuyết định mệnh mới sanh ra bói toán, chiêm tinh dịch số âm dương, xin xăm, xóc thẻ, xem ngày tốt xấu, v.v.. tạo biết bao nhiêu sự mê tín, dị đoan khiến cho mọi người tốn hao tiền bạc rất nhiều.

Nếu xóc thẻ tốt, chúng ta đi ăn trộm ăn cắp của người khác thì thử hỏi có bị ở tù không? Một việc làm ác là tự mình làm khổ cho mình, chứ thẻ nào nói là tốt?

Luật nhân quả, vốn công bằng và công lý, ai làm ác thì phải thọ khổ, ai làm thiện thì được hưởng phước, không thể ở chỗ tốt xấu của thẻ mà được. Nếu thẻ bảo xấu mà chúng ta sống không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có xấu được. Người ta chửi mình mà mình không giận hờn, không chửi mắng lại họ thì có xấu đâu.

Trong các chùa quý thầy đều biết xóc thẻ đó là mê tín, nhưng quý Thầy cứ duy trì, vì duy trì có lợi rất lớn. Nếu một ngôi chùa, duy trì sự xóc thẻ xin xăm thì hằng năm kiếm cũng được 5,10 triệu đồng dễ dàng, nhất là những ngôi chùa ở nơi thắng cảnh hằng năm Phật tử trẩy hội 3 tháng mùa Xuân, nhà chùa kiếm hằng bao nhiêu tỷ bạc như Chùa Hương, Yên Tử.

Sự mê tín rất tai hại cho đồng bào và làm hao tốn tiền bạc của dân, của nước rất nhiều mà không có ích lợi gì.

THÚ CHƠI HOA KIỂNG

Hỏi: Kính thưa Thầy! Tánh con ưa thích chơi hoa kiểng, biết đó là sai nhưng sao con không dừng được? Thưa Thầy có phải tại con thiếu nghị lực không?

Đáp:  Đúng vậy, biết việc làm đó sai mà không bỏ được là thiếu nghị lực.

Người nghiện rượu biết rượu là chất độc, làm hại đến cơ thể, sanh ra bệnh tật nhưng không bỏ được là người thiếu nghị lực, thiếu sức kiên trì, bền chí và nhất là vô minh không trí tuệ minh mẫn. Nếu nói một cách thẳng thắn hơn, đó là người ngu si, biết khổ đau mà không chịu bỏ để chịu khổ đau, đó là người ngu dại số một.

Một người bỏ hết cuộc đời đi tu theo đạo Phật mà không bỏ được chuyện nhỏ nhặt như vậy thì đi tu theo đạo Phật chẳng có ích lợi gì cả, cũng như chúng ta đi tu theo đạo Phật biết tham, sân, si là ác pháp là khổ đau mà không chịu bỏ cứ ôm ấp trong lòng, để mang cái địa ngục khổ đau đó mãi mãi. Biết độc cư là bí quyết tu thiền định mà cứ đi nói chuyện với người này và đến nói chuyện với người khác, không chịu bỏ đó là người không có nghị lực, người không có nghị lực làm gì tu thiền định được, làm gì đi theo con của đường giải thoát của Phật giáo được. Biết nói chuyện là sanh ra nhiều chuyện, nhiều chuyện thì sanh ra phiền toái, phiền toái thì sanh ra nhiều đau khổ. Và như vậy tu theo đạo Phật mà không bỏ được những lỗi lầm sai trái thì có ích lợi gì cho mình thà đừng đi tu còn hơn.

Những người thích nói chuyện là những người không xứng đáng là đệ tử của Phật, ngoài đời người ưa đem chuyện người này nói cho người khác biết hoặc đem chuyện người khác nói cho người này biết là những người không tốt, người ác, người nhiều chuyện, chúng ta là những người tu theo đạo Phật thì hãy tránh xa những hạng người này, họ là những loại vi trùng độc sẽ giết chúng ta trên đường đạo.

Chuyện chơi hoa kiểng cũng vậy, đó là một trò tiêu khiển làm vui cho người già, nhưng họ là những người ngu si, không muốn mình là người vô sự, người thanh thản và an lạc mà biến họ trở thành người nô lệ cho hoa kiểng. Đối với đạo Phật đó là một người vô minh ngu si không biết tìm sự giải thoát an lạc mà chỉ làm khổ mình mà không biết còn lại làm khổ cây kiểng nữa.

Chơi hoa kiểng là một việc làm rất tội lỗi. Một cây kia đang sống tự do nơi lòng đất, rễ chúng đang tự do muốn đi hướng nào cũng được. Đó là một sự sống hồn nhiên của những loài thảo mộc. Thế mà người ta đào gốc nó lên, rồi đem trồng trong một chiếc chậu cũng giống như ta nhốt một con chim trong lồng, con cá trong lu. Chúng chỉ còn là một vật làm đẹp mắt cho chúng ta xem chơi, chứ đời chúng không còn ý nghĩa gì cả. Chúng ta nhốt chúng trong chậu để làm đẹp mắt cho ta mà cả một đời đau khổ của chúng.

Người tu hành theo đạo Phật tâm từ bi của chúng ta há nỡ đành lòng nào nhìn cảnh cá chậu chim lồng sao? Mọi vật đều phải có quyền sống bình đẳng như nhau và hồn nhiên trong môi trường sống thiên nhiên. Không ai có quyền làm mất sự sống bình đẳng hồn nhiên của muôn loài vạn vật khác phải không hỡi các con?

Vì sự sống của ta, ta không thể không ăn uống, nhưng ăn uống ta phải có lòng yêu thương muôn loài, trong ăn uống càng cố gắng tiết kiệm sự khổ đau, sự chết chóc của muôn loài vạn vật, đó là để thể hiện lòng thương yêu đúng ý nghĩa của đạo đức nhân bản – nhân quả làm người.

Vì thế trò chơi cây kiểng là một thú vui tao nhã của con người từ xưa đến nay, nhưng xét cho tận cùng thì thú vui ấy là một điều làm tội lỗi, vì có sự khổ đau nào bằng thân cá chậu chim lồng, một cây kiểng được trồng trong chậu, cũng giống như chúng ta thân như bị tù tội, bị giam cầm trong ngục tù phải không hỡi các con?

Ví dụ: Hiện giờ con đang sống tự do, muốn đi Đông, đi Tây, đi Nam, đi Bắc thì mặc tình, bỗng nhiên có người bắt con giam vào trong bốn vách tường thì con có khổ đau buồn rầu không? Mặc dù họ cho con ăn đầy đủ.

Nếu con thấy đó là một sự đau khổ chân thật, thì con không nên chơi cây kiểng nữa con ạ! Có vui đẹp gì đâu khi mà loài cây bị giam cầm trong chậu và có sung sướng gì đâu khi mà con phải mất thì giờ quý báu để chăm sóc bón phân tưới nước phải không hỡi con? Bởi vậy, khi nào được rảnh rang Thầy sẽ giải phóng những cây kiểng mà cô Diệu Quang đã mua đem về, giải phóng là trả cho nó trở về thiên nhiên với đất trời, nó sẽ có một sự sống hồn nhiên trong muôn loài vạn vật khác, nó sẽ có hạnh phúc vô cùng trong môi trường sống thân thương.

Một người tu theo đạo Phật lấy cuộc sống bình đẳng tự do của muôn loài không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sanh làm cuộc sống của mình thì hạnh phúc biết bao phải không hỡi con?

PHÓNG SANH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ở Châu Đốc người ta thường lợi dụng dịp vía bà Chúa Xứ, vía Quán Âm rằm lớn bắt chim nhốt vào lồng bán cho khách hành hương phóng sanh đó có ý nghĩa gì không? Thế nào là phóng sanh đúng chánh pháp?

Đáp: Phóng sanh đúng chánh pháp là phóng sanh theo luật nhân quả, là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng. Đúng thời, đúng đối tượng như thế nào?

Đúng thời và đúng đối tượng là thời gian vô tình chúng ta gặp một con vật đang bị lưới, bị câu thì ngay đó chúng ta xin mua con vật đó để phóng sanh. Đó là đúng giờ giấc và đối tượng nhân quả ta và con vật. Nếu xem xét trong nhân quả thì ta và con vật có nhân duyên với nhau đã khéo gieo nhân quả trong tiền kiếp, nên kiếp này gặp nhau trong hoạn nạn.

Ta phóng sanh như vậy là phóng sanh đúng thời, đúng đối tượng, còn ra chợ mua chim cá phóng sanh là khiến cho người bắt chim cá giam nhốt lại trong chậu trong lồng để chờ chúng ta đến mua phóng sanh cho có giá. Phóng sanh như vậy là chúng ta mang tội đồng lõa với kẻ bắt chim cá. Có nghĩa chúng ta phóng sanh là trở lại thành tội sát sanh. (Vì đi bắt chim cá nhốt là đã vô tình giẫm đạp một số con vật chết; và khi nhốt thì có thể chúng bị thương, bị đói, bị xa đàn, lẻ bầy…, lòng dạ chúng cũng thương nhớ, âu sầu, sợ hãi… và chết; hoặc có khi người khác thích ăn loại chim cá ấy đến mua thì chúng bị giết hết).

Kinh sách phát triển dạy phóng sanh nhưng không giải thích rõ ràng, vì thế người phóng sanh không được phước báo ngược lại trong nhà có nhiều tai nạn, bệnh tật cho người này hoặc người khác. Làm phước mà không thấy phước, mà chỉ thấy tai họa, thật là tội nghiệp.

Nếu từ đây có ai phóng sanh thì con khuyên họ, phóng sanh cho đúng chánh pháp, cho đúng luật nhân quả, chứ không khéo phóng sanh mà cuối cùng lại mang họa vào thân.

Loài chim cá bị lưới rập chài câu đều là do nhân quả đời trước, mà đời nay phải làm thân chim cá để bị người đời chài câu lưới rập lại.

Cho nên người làm nghề chài lưới cá tôm sau này thành thân cá tôm cho người khác chài lưới lại, đó là nhân quả.

Người săn bắn lưới rập chim thú, sau này trở thành chim thú cho người khác săn bắn và lưới rập trở lại.

Qui luật nhân quả xoay vần không ai có thể thoát lưới rập của nó được.

Loài người và loài vật được sanh ra đều do qui luật của nó. Cho nên không ai trốn khỏi luật nhân quả. Nhân nào thì quả nấy, có vay thì phải có trả. Đối với luật nhân quả mà không đủ trí tuệ thì làm một điều thiện nhưng trở lại là làm một điều ác như đi ra chợ mua chim cá phóng sanh. Mới nghe thì rất thiện, nhưng lại là ác pháp vì không trí tuệ, thiếu sự hiểu biết vô tình khiến người làm ác lại làm thêm, nên làm thiện mà lại làm tội ác đồng lõa.

Cũng như bố thí cho người ăn mày nghèo, không ngờ chúng ta lại bị người không nghèo lừa đảo. Họ không nghèo giả vờ nghèo, họ không tàn tật giả vờ tàn tật ngửa tay xin tiền. Ta vô tình bị lừa đảo tiền mất mà không phước lại còn bị kẻ lừa đảo cười chê cho mình là ngu. Cho nên có một hôm Vua Ba Tư Nặc hỏi Đức Phật:

- Chúng con là người cư sĩ bố thí, cúng dường, phóng sanh đúng chánh pháp như thế nào xin Thế Tôn chỉ dạy.

Đức Phật bảo:

- Này Đại Vương muốn cúng dường, bố thí, phóng sanh cho đúng chánh pháp. Khi cúng dường phải chọn những người tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh mà cúng dường thì mới được phước báo. Còn cúng dường cho những tu sĩ phạm giới, phá giới thì không được phước mà còn thêm tội nối giáo cho các tu sĩ phạm giới diệt Phật giáo.

Tội ấy muôn đời sẽ không còn gặp chánh pháp của Đức Phật và đời sau sanh làm người, làm vật đều gặp nhiều tai nạn, bệnh tật nan y khổ đau vô cùng, vô tận.

-Này Đại Vương muốn bố thí thì phải chọn một người nghèo mà ăn ở hiền lành, hiếu hạnh đối với cha mẹ, không tham lam, trộm cướp, không giựt của người, không lấy của không cho. Bố thí cho những người ấy thì được phước báo vô lượng, bản thân ít bệnh tật, ít tai nạn gia đình luôn luôn mọi người đều được bình an, yên vui và hạnh phúc tràn trề. Còn bố thí cho những người ác tham lam, lấy của không cho, trộm cắp, cướp giựt thì không được phước báo mà còn tai họa sẽ đến, hay gặp bệnh tật khó trị.

Sư cô Trí Hải chuyển dịch Anh ngữ sang Việt ngữ những kinh sách có giá trị được mọi người biết đến, nhưng khi đi làm từ thiện, đem tài vật đi bố thí cho những người nghèo, bất hạnh, nhưng bị tai nạn giao thông làm Sư cô chết một cách đột ngột thê thảm và đau xót. Bố thí mà không được phước mà mang họa vào thân.

Nhân quả do những người tham lam giết người, cướp của, hại mạng chúng sanh hay ăn thịt chúng sanh hoặc bắt chim cá bán cho người phóng sanh. Vì thế mới lâm vào cảnh màn trời chiếu đất nghèo khổ, bất hạnh. Họ là những người không thiện, thế mà mình không trí tuệ mang của cải tài sản đến cho họ, nên mình phải lãnh nhân quả của họ. Vì thế tai nạn mới về mình.

Cho nên Đức Phật dạy bố thí phải chọn lấy những người hiền lành mà bố thí thì mới được phước báo.

Muốn phóng sanh thì phải chọn đúng nhân quả mà phóng sanh, chứ không phải đi tìm nhân quả của loài chúng sanh đang trả vay nợ nhân quả mà phóng sanh thì sai, không đúng chánh pháp. Phóng sanh như vậy là lãnh nhân quả của chúng. Cho nên người phóng sanh không được phước mà lại gặp tai nạn, đó là lãnh nhân quả của chúng.

Kinh sách phát triển dạy phóng sanh hay bố thí thì người phóng sanh, bố thí không biết mình phóng sanh, bố thí và người nhận bố thí và vật được phóng sanh cũng không biết. Theo kinh sách phát triển phóng sanh và bố thí như vậy mới là bố thí và phóng sanh đúng chánh pháp. Lời dạy này là lời dạy phóng sanh bố thí không trí tuệ, dạy như vậy đi phóng sanh và bố thí để trở thành cây đá. Bố thí mà không biết mình bố thí, phóng sanh mà không biết mình phóng sanh thật là vô lý, người được bố thí mà không biết mình được bố thí. Thật là ngu ngơ. Bố thí, phóng sanh như vậy, là kẻ ngu dại si mê.

Đối với Đạo Phật phóng sanh hay bố thí đều bằng trí tuệ nhân quả. Soi sáng tận gốc của nhân quả mới bố thí, cúng dường và phóng sanh.

MÊ TÍN, CUỒNG TÍN TRONG CÁC CHÙA

Hỏi: Trung tâm thành phố Hà Nội có một ngôi chùa, ở phố Bà Triệu, tại đây đã thực hiện di dân hai lần, tổng chi phí lên tới vài chục tỷ đồng, để cho nhà chùa được  rộng rãi,  khang trang và riêng biệt. Quý sư ni ở đây hành đạo bằng  pháp  tụng  kinh,  gõ  mõ,  dâng  sao,  giải hạn... và đặc biệt vào khóa lễ đầu năm, có làm một chiếc thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở vong linh người chết về Tây Phương, Niết Bàn...

Vậy, những việc làm trên của các sư ni có đem lại lợi ích gì cho Phật pháp, cho các sư ni và cho chúng sanh không ạ? Con xin Thầy từ bi dạy bảo cho chúng con được rõ, đâu là việc làm đúng chánh pháp, đâu là việc làm sai không đúng chánh pháp, để cho những người hiện thời và con cháu mai sau không còn lầm lạc...

Đáp: Tụng kinh, gõ mõ, dâng sao, giải hạn, làm thuyền Bát Nhã bằng giấy để chở các vong linh về Tây Phương, Niết Bàn, v.v... đó là những việc làm lừa đảo những tín đồ nhẹ dạ, vì thương cha mẹ và những người thân nên bỏ tiền ra cúng, để các sư cô ghi tên họ mà đưa về Tây Phương Cực Lạc. Đó là một việc làm mê tín nhất trong các kinh sách Đại thừa mà các sư cô thực hiện.

Những việc làm này là phỉ báng Phật giáo, có mục đích tiêu diệt Phật giáo, còn người có trí hiểu biết sẽ đánh giá trị Phật giáo là một loại tôn giáo mê tín, lừa đảo tín đồ.

Những việc làm này nó không có lợi ích cho con  người,  khiến  cho  con  người  tiền  mất,  tật mang, chỉ có những người hành nghề bất chánh này là có lợi ích mà thôi. Bằng chứng như trong thư các con đã nói, các ni sư chỉ hành một cái nghề mê tín này mà nhà chùa có hàng tỷ bạc, dám bỏ tiền ra di dân để nhà chùa được rộng rãi, khang trang hơn. Cho nên, không có cái nghề nào làm giàu dễ như làm nghề mê tín trong các chùa.

Nghề mê tín là nghề bói khoa, chiêm tinh, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt, xấu dựng vợ gả chồng, làm nhà xây mồ mả, v.v... Nghề mê tín là nghề cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, làm ma chay, làm tuần cúng vong, tiễn linh, mở cửa mả, đốt tiền vàng mã, và nghề dán kho đụn, quần áo, mũ nón, v.v... Đó là nghề lừa đảo, lường gạt tín đồ Phật giáo, mà trong kinh sách Nguyên Thủy không bao giờ đức Phật có dạy, duy chỉ có kinh sách Đại thừa mới có dạy điều này mà thôi.

Người cư sĩ đệ tử của đức Phật phải có trí tuệ, phải xác nhận thấy biết những điều mê tín không lợi ích cho mình, cho người, những điều phi công lý và công bằng, vô đạo đức thì nhất định không làm theo, hoàn toàn không để cho người khác lợi dụng mình, lừa đảo mình. Có như vậy mới làm sáng tỏ lại Phật giáo, mới đem lại nền đạo đức nhân bản, không làm khổ mình, khổ người.

Nếu phật tử không sáng suốt, vô tình làm theo những lời dạy mê tín của giáo pháp Đại thừa, thì đó là quý vị đã tiếp tay cho Đại thừa diệt Phật giáo, và như vậy quý vị sẽ tự đánh mất nền đạo đức nhân bản nhân quả của đạo Phật, nền đạo đức nhân bản nhân quả của đạo Phật mất đi là quý vị không còn có đường lối tu hành giải thoát, và như vậy quý vị đã tự làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Tóm lại, quý vị cư sĩ phải đề cao cảnh giác và thường nên tránh xa những giáo pháp trừu tượng, mê tín, cúng bái, cầu siêu, cầu an, bùa chú, thần thông, dù bất cứ những loại thần thông nào. Chúng là những pháp môn lừa đảo, chứ không có ích lợi gì cho ai cả. Quý vị nên nhớ kỹ đừng để mắc lừa, tốn hao tiền bạc, công sức tu tập mà chẳng giải thoát gì, chỉ phí uổng công sức cho một đời tu mà thôi.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Nhìn đời bằng nhân quả

“Phải thấy nhân quả, đừng thấy đúng sai, phải trái, xấu tốt, trắng đen, đó là sự thật của cuộc đời này, nếu thấy đúng sai, phải trái, tốt xấu, trắng đen, là thấy sai sự thật”. 
Trưởng Lão Thích Thông Lạc

Hỏi: Kính thưa Thầy! Một người học Phật phải nhìn cuộc đời như thế nào để không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian, nhưng cũng không bị người đời lên án là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm v.v..

Đáp: Một người học Phật phải nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả, nên không tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm.

Người học Phật phải có tri kiến nhân quả, tri kiến Thập Nhị Nhân Duyên, tri kiến Thập Thất kiết sử, tri kiến ngũ uẩn, tri kiến ngũ triền cái, tri kiến về các pháp bất tịnh, tri kiến các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã, tri kiến về lòng từ bi, hỷ, xả v.v..

Nếu có những tri kiến như vậy thì người này sẽ không bị đắm chìm, lôi cuốn theo những lạc thú tầm thường của thế gian. Muốn có những tri kiến này thì người học Phật nên nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy, vì trong đó dạy rất đầy đủ và dễ hiểu. Không nên nghiên cứu kinh sách phát triển vì kinh sách này sẽ gieo vào đầu óc của các bạn một thế giới ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, phi đạo đức. Một khi các bạn đã chịu ảnh hưởng của nó thì các bạn giống như người nghiện thuốc phiện. Muốn bỏ mà rất khó bỏ.

Những người Cư sĩ Phật tử hiểu sao về Phật giáo có tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm không?

Về Phật giáo là phải có một tinh thần tích cực, tự lực trong sự tu tập các pháp môn; phải tích cực, tự lực chiến đấu với nội tâm của mình khi có ác pháp xâm chiếm để đem lại sự thanh bình cho tâm hồn; phải tích cực chiến đấu với ngoại pháp để đem lại cho mọi người một sự an ổn, một xã hội có trật tự.

Về Phật giáo có hai giới tu tập:

1/ Cư sĩ
2/ Tu sĩ

Cư sĩ thì phải tu theo pháp của người cư sĩ. Pháp của người cư sĩ tu tập là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì làm sao có sự tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm… được. Nếu tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm là làm khổ mình, khổ người thì đâu có đúng chánh pháp. Có lẽ người cư sĩ Phật tử đã hiểu sai pháp Phật, không hiểu về pháp tu tập của người tu sĩ. Phần nhiều người cư sĩ Phật tử mới vào đạo đều được dạy tu tập Thọ Bát Quan Trai và được tham dự học tu vào lớp Chánh kiến đầu tiên của Phật giáo.

Người cư sĩ chỉ sống có một ngày Thọ Bát Quan Trai như người tu sĩ mà thôi. Một tháng chỉ sống có một hoặc hai ngày thì đâu thể nào gọi là tiêu cực, vô cảm, lãnh đạm được.

Phật dạy chúng ta biết ác pháp và thiện pháp, ác pháp thì nên tránh và diệt để đem lại cho mình cho người hạnh phúc an vui chứ đâu phải lãnh đạm, vô cảm.

Ví dụ: Trong bữa tiệc mọi người ép chúng ta uống rượu, chúng ta từ chối không tùy thuận theo các ác pháp này thì bảo rằng chúng ta lãnh đạm thì không đúng.

Chúng ta cương quyết làm được điều này là làm gương tốt đẹp cho người khác, để mọi người tránh thứ độc dược hại này.

Cho nên, đạo Phật không phải là đạo yếm thế, tiêu cực, lãnh đạm, vô cảm v.v.. Người hiểu đạo Phật yếm thế, lãnh đạm, vô cảm... là người hiểu sai đạo Phật.

Đạo Phật là đạo đức của loài người, nhờ đạo đức mới xây dựng thế gian này được an ổn và yên vui cho mọi người; nhờ đạo đức mà con người không làm khổ cho nhau. Vậy chúng ta là con người cần phải học đạo đức nhân bản – nhân quả. Nếu chúng ta không học đạo đức thì chúng ta tự làm khổ cho nhau và cuộc sống trên thế gian này trở thành địa ngục. Phải không các bạn? Bằng chứng hiện giờ chúng ta đã chứng kiến cảnh địa ngục: Chiến tranh, khủng bố, thiên tai hỏa hoạn, bão tố, động đất, sóng thần, lũ lụt v.v..

Ví dụ: Tình nghĩa vợ chồng là phải gần gũi nhau, chia sẻ nhau những nỗi buồn vui, thế mà xa lánh nhau, lạt lẽo, lãnh đạm tình chồng nghĩa vợ để gọi là tuyệt dục thì đức Phật đâu có dạy bao giờ. Mà đức Phật dạy không nên tà dâm, dâm dục phải tiết độ, vì tà dâm là làm hại gia đình mất hạnh phúc, dâm dục không tiết độ sẽ đem đến thân bệnh tật, mà thân bệnh tật, đau khổ thì sự an vui hạnh phúc gia đình mất.

Đạo Phật nói đời khổ là để vượt qua mọi sự đau khổ của cuộc đới, chứ không có nghĩa là trốn tránh khổ, nói cách khác cho đúng nghĩa của đạo Phật là làm cho đời hết khổ. Làm cho đời hết khổ là phải tích cực hết mình. Vì thế, mà đạo đức của đạo Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người.

CHẾT LÀ SỰ NỐI TIẾP CỦA LUẬT NHÂN QUẢ

Hỏi: Kính thưa Thầy, bên kia cõi chết, tử thần đã cướp đi người bạn đời của con, hiện nay đời sống bỗng trở thành vô vị, cuộc đời đầy tẻ nhạt, chán chường, hạnh phúc đã mất đi không bao giờ trở lại. Người ấy đã đi xa đi mất, số phận duyên nợ chỉ có thế thôi. Nhưng có lúc con cầu mong cho họ được bình an, nhưng con lại thấy có cái gì không ổn đối với họ.

Thân tứ đại này có phải là đất, nước, gió, lửa hợp lại rồi tan đi, đó là số phận phải không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ cho con biết!

Đáp: Không có sự sống sau khi chết, mà chỉ có sự nối tiếp của luật nhân quả. Với trí hữu hạn của con người không thể hiểu thấu được sự tiếp nối của định luật nhân quả luân hồi, nên thấy có sanh và có tử. Sự thực sanh tử là một diễn biến của luật nhân quả, xác định sự vô thường của các pháp trong thế gian này.

Các pháp trong thế gian này đều chịu luật vô thường, sanh diệt của nhân quả. Vì thế không có pháp nào trong thế gian này ra khỏi sự chi phối của luật nhân quả, nên các pháp thường sanh diệt theo chu kỳ tuần tự của định luật và mỗi pháp phải chịu sự biến dịch.

Người bạn đời của con gặp nhau trong duyên nhân quả để trả vay, vay trả. Khi vay trả xong thì phải theo định luật nhân quả tiếp tục trả vay sự việc khác. Con không thấu hiểu điều đó, nên tạo thêm nhân quả thương nhớ rằng rịt và trói buộc, không phải trói buộc với nhân quả của người đã mất, mà trói buộc với nhân quả tương ưng.

Lòng thương nhớ của con sẽ gặp nhân quả tương ứng với lòng thương nhớ đó để mà trả vay, vay trả. Còn nhân quả kia (người bạn đời của con), đã trả vay xong thì không còn tương ưng với con nữa.

Cho nên, con quá vô minh và điên đảo, đã thương nhớ một nhân quả để rồi phải gặt lấy một nhân quả khác đang trói buộc (kiết sử), để kiếp sống đời đời chẳng bao giờ thoát ra khỏi biển khổ sanh tử luân hồi. Con muốn tu hành giải thoát thì hãy đoạn dứt sợi dây kiết sử này. Sợi dây kiết sử này là con đường tiếp tục sanh tử luân hồi đầy đau khổ mãi mãi.

Tình cảm của con người là một sợi dây rất khó bứt, nếu không thấu suốt được luật nhân quả thì không bao giờ đoạn sạch được “ái kiết sử”. Người tu theo đạo Phật thấy ái kiết sử như là một con rắn độc, nó từng đem đến nọc độc khổ đau cho loài người. Con là một con người đang bị nọc độc của ái kiết sử.

Một người vợ khóc chồng, một người chồng thương vợ là ái kiết sử; một người mẹ thương con, một người con thương mẹ là ái kiết sử. Nói chung, tất cả các tình cảm thương yêu nhau là ái kiết sử.

Người nào đã bi lụy vì tình cảm yêu thương ấy, trong đạo Phật gọi là đã bị nọc độc rắn nhân quả cắn. Kẻ nào đoạn dứt được nọc độc này là kẻ đó làm chủ rắn độc nhân quả. Nếu không làm chủ được nhân quả thì đời đời kiếp kiếp ta sẽ bị nọc độc rắn nhân quả làm cho ta sống trong cảnh khổ đau triền miên, bất tận.

Con  cần  phải  thấu  suốt  luật nhân  quả  để không còn buồn khổ vô ích. Trong luật nhân quả, khi một người mất đi thì chỉ còn nghiệp lực của nhân quả tiếp tục tái sanh luân hồi, và người bạn đời của con đâu còn cái gì gọi là người bạn của con. Thế nên, sự thương nhớ của con chỉ là nhớ lại một hình bóng ảo tưởng của con mà thôi.

Cũng như hiện giờ, trong kiếp sống này con có bao giờ nghĩ đến thương người bạn đời trong kiếp quá khứ của mình chăng? Chắc điều đó không bao giờ có phải không con, cũng như người bạn đời của con đã chết, thì trong kiếp khác họ đâu có còn nhân quả để mà nhớ đến con nữa. Trong họ chỉ biết kiếp hiện tại của họ mà thôi. Cũng như con bây giờ cũng vậy, chỉ có vô minh điên dại đi khóc nhân quả.

Nhân quả có nghĩa lý gì đâu, nó là những hành động của con rắn độc ái kiết sử, nó đã làm khổ loài người trên hành tinh này, khiến cho nước mắt của con người còn nhiều hơn nước biển.

Trên hành tinh này, duy nhất chỉ có đạo Phật mới dạy con người về lý nhân quả, không có một giáo phái nào mà dạy chúng ta làm chủ như vậy được. Con đủ phước duyên tu tập, hãy dứt sạch ái kiết sử đó đi, đừng thương vay khóc mướn nhân quả, chẳng có ích gì mà tự con đã làm khổ lấy mình.

TỬ BIỆT SANH LY L MỘT SỰ ĐAU KHỔ CỦA KIẾP NGƯỜI

Câu chuyện tử biệt sanh ly của gia đình nhà con, là những câu chuyện nức nở thương tâm đau khổ thường xảy ra trong kiếp sống của con người, mà mỗi gia đình nào cũng đều  không tránh khỏi.

Luật nhân quả quá khắc nghiệt, vì sự công bằng và công lý của nó. Nó chẳng động lòng thương xót và chẳng tư vị một ai.

Trong cuộc sống của gia đình là một cộng nghiệp của nhân quả, vui buồn, khổ đau, hay hạnh phúc, phiền não, bất toại nguyện... đều là do sự vay trả, trả vay của nhân quả.

Một cộng đồng nhân quả trong một gia đình, người nào tuổi trẻ mà chết trước là người đó đã trả xong nhân quả trong cộng đồng đó. Khi trả xong dù muốn sống thêm một ngày cũng không thể sống thêm được nữa. Do vậy, mới bảo rằng luật nhân quả quá khắc nghiệt.
Cháu Thanh Phước cũng vậy, cháu đã trả xong nợ nhân quả, vì thế cháu phải ra đi, ra đi vĩnh viễn vì cháu đã hết nợ trong cộng đồng đó. Riêng các con không thấy được nợ vay của luật nhân quả mà cho đến giờ này còn khóc thương thảm thiết.

Thầy xin nêu lên một ví dụ để con hiểu cho rõ ràng: Ví như, con là một người thiếu một món nợ rất lớn của một ông chủ, con phải đến nhà của ông chủ nợ cố gắng làm lụng hết sức mình để trả xong món nợ, khi con đã trả xong món nợ, con rời khỏi gia đình ông ta, thì ông ta kêu khóc thảm thiết không cho con đi, lúc nào cũng muốn con ở lại làm cho ông ta nữa. Như vậy, con thấy ông ta có công bằng không? Và con là người đã trả nợ xong thì con vui mừng rời khỏi gia đình ông ta thì hạnh phúc biết bao! Vì không còn nợ nần nữa.

Như vậy, con nên tư duy theo luật nhân quả, thì sự thương khóc của con có công bằng không? Khi cháu Thanh Phước đã trả xong nợ nhân quả của cộng đồng gia đình con, cháu ra đi như trong thư con đã thuật lại: “Cháu rất hiền lành và tốt bụng, thương yêu vợ con hết mực, hiếu thảo với cha mẹ bốn bên, đối với bạn bè cơ quan ai cũng khóc thương...”. Nhờ những sự tốt bụng này, tức là thiện pháp mà cháu Thanh Phước đã trả xong món nợ nhân quả quá nhanh, vì thế cháu ra đi lúc đầu còn xanh tóc, vừa mới 45 tuổi.

Nếu cháu Thanh Phước còn nghe tiếng khóc thương của con và mọi người thì cháu rất buồn, vì cháu đã trả xong nợ, mà cứ kêu gọi đòi nợ cháu hoài, thì cháu rất đau khổ và không hài lòng phải không hỡi các con?

Sao các con lại vô minh đến thế? Người còn sống là còn nợ nhân quả, sao các con không lo trả cho hết? Người trả xong nợ ra đi thì các con phải vui mừng cớ sao lại buồn khóc, thật là đảo điên.

Cuộc đời là một bi hài kịch trên sân khấu nhân quả, có gì là thật đâu mà phải thương khóc, hết đóng vai này đến đóng vai khác và luôn luôn tiếp diễn những trò ảo ảnh đó vô cùng, vô tận. Thế mà, các con tự mình chuốc lấy sự khổ đau cho mình mà không biết, đó là vô minh, thiếu sự hiểu biết.

Có một câu chuyện nhân quả mà Thầy được ông thân Thầy kể lại: “Có một gia đình kia, chỉ sanh ra một cậu con trai duy nhất, cậu rất hiền lành dễ thương, hiếu hạnh chăm học, không bao giờ cãi lời và làm cha mẹ buồn khổ, lớn lên cậu rất cần cù làm ăn khiến cho gia đình giàu có nhất trong vùng. Vì thế, cha mẹ thương yêu cậu hơn là vàng bạc châu báu. Nhưng không may cậu lâm bệnh ít hôm rồi chết, để lại sự thương tiếc của cha mẹ vợ con và xóm làng.

Trong làng có một vị phù thủy rất cao tay ấn thường đánh thiếp cho người xuống âm phủ gặp những người thân mình đã chết.

Vì thương con nên ông cụ đến nhờ Thầy đánh thiếp xuống âm phủ để gặp con. Khi xuống đến âm phủ, ông cụ bước vào một cái quán bên lề đường hỏi thăm. Người chủ quán cho biết cách đây  khoảng  hơn hai tháng có một cậu thanh niên ở trên trần gian mới xuống, và bảo ông cụ: “Cụ hãy ngồi ở đây chờ một chút, thế nào cậu trai ấy cũng sẽ cưỡi ngựa đi ngang qua đây, chừng đó cụ sẽ ra nhìn mặt, coi có phải là con trai của cụ không?”.

Ông cụ nghe lời, ngồi chờ chẳng bao lâu nghe tiếng vó ngựa, cụ ra đón đường, quả đúng là cậu con trai, con của cụ. Mừng quá cụ vừa khóc, vừa níu tay con và vừa nói: “Sao con bỏ bố mẹ, trong khi bố mẹ thương con hết mực...”.Ông cụ vừa nói đến đó thì cậu con trai thét lên: “Ai là con cái nhà ông, chúng tôi đã mắc nợ ông, làm trả nợ cho ông xong thì chúng tôi có quyền đi, cớ sao ông cứ theo đòi nợ hoài”. Nói xong cậu con trai quất ngựa chạy đi, chẳng hề đoái hoài đến ông cụ. Ông cụ sững sờ nhìn theo bóng cậu con trai mà bao lòng thương của cụ đều buông xuống sạch”. Câu chuyện trên đây con nên suy ngẫm, để thấu suốt lý nhân quả, nhờ đó con mới chuyển được và tâm hồn mới thanh thản an lạc và vô sự.

Cháu Thanh Phước ra đi là nhắc nhở cho con thấy: “Đời là vô thường, là khổ đau và cuối cùng là không có gì cả”. Chính con là người vay nợ nhân quả rất nhiều, do đó con là người chịu khổ đau nhiều nhất trong cộng đồng gia đình này. Nếu con không gặp chánh pháp của Phật thì giờ này con sẽ trở thành người điên mất.

Khi đọc xong bức thư này con hãy tư duy suy nghĩ để tự cứu mình ra khỏi sự vô minh ngu dại của mình đã tự dày vò, đã tự làm khổ đau cho mình mà cứ mãi làm khổ đau không dứt, đó là một điều thiếu đạo đức nhân bản làm người đối với mình, con ạ!

Hãy đứng lên, tự thắp đuốc đạo đức mà đi, đừng để sống trong đêm đen tối mờ mịt mà món nợ nhân quả chưa biết kiếp nào trả xong.

Thầy có lời thăm và chúc các con quán xét xả tâm tốt để có một bầu trời thanh thản, an lạc và vô sự.

Kính thư

Thầy của các con

NHÂN QUẢ TÁI SINH

Hỏi: Kính gửi Thầy! Xin Thầy từ bi chỉ cho con biết phải làm sao? Con sống đơn độc một mình nuôi một đưa con gái khôn lớn. Cháu xinh đẹp, khỏe mạnh, ngoan và đáng yêu. Nhân một lần đi xa, cháu bị tai nạn giao thông và chết.

Từ đó đến giờ con xót xa thương nhớ con gái. Nghĩ rằng người chết còn có linh hồn và sợ
rằng con gái còn thương mẹ luẩn quẩn đâu đó chưa đầu thai nên con đã làm rất nhiều việc: cầu siêu, thả cá, cúng trai tăng... nhưng trong lòng con vẫn còn lo lắng buồn khổ không nguôi. 

Con rất ngưỡng vọng Thầy cho  con biết: Con gái con đã đi đầu thai chưa, nghiệp lành hay dữ, có được làm người hay đang đọa ở chốn nào? Con phải làm gì để giúp đỡ con của con đây?

Kính xin Thầy thương xót cho lòng mẹ thương con mà chỉ bảo nhân quả và những mong
muốn của con. 

Con kính xin đảnh lễ Thầy.
                         
Kính gửi: Con!

Con gái con nhân quả đã hết nên đã ra đi trong một tai nạn giao thông. Như đức Phật đã dạy: “Chết đây sinh kia”, nghĩa là chết phải đi tái sanh liền không có thời gian chờ đợi.

- Chết tốt không đau khổ nhiều nên tái sinh vào nơi tốt.

- Người đau khổ nhiều ngày mà chết là sẽ tái sinh vào nhà đau khổ, con hiểu chưa?

Cháu chết là nó đã hết nợ với con mà cứ thương khóc hoài làm cho kiếp tái sinh của nó bất an, con có biết không? Mỗi lần con khóc than nó là mỗi lần nó bị kinh phong dật, chết lên, chết xuống, con có biết không?

Thương sao lại làm khổ nó quá vậy?

Thương là phải sống đúng 5 giới của Phật và ước cho cháu sinh lên gặp nhiều phước báu mới gọi là thương con.

Kính ghi,

Thầy của con

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Xem thêm: Nhân quả gia đình