Monday, October 31, 2016

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?

Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi tại Việt Nam, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền đã giận dữ bỏ đi giữa làn nước, vốn đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua giòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông đó chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước những biến động đang ập đến ngay cửa nhà mình.

Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi, qua các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải con người Việt Nam đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển… nhưng chỉ trong tíc tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm.

Người Việt rầm rộ làm giàu từ nhiều năm nay, tập bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng mọi thứ lại không phải như vậy.

Chưa bao giờ người Việt ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng những phong trào uống, chích các loại thuốc như vậy không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng tạo ra loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình.

Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vuơn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội Việt Nam hôm nay. Già hay trẻ cũng vậy! Sự tôn thờ vật chất đã có rất nhiều ví dụ đau lòng như con giết cha mẹ để lấy nhà, lấy đất cho đời thụ hưởng.

Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, không có gì cân bằng với giáo dục, môi trường, an ninh… Mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Mọi lời hứa vĩ đại trôi qua năm tháng, chìm vào hiện thực. Tương tự  như sự kiện “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9/2015 với gần 10 tỷ USD bốc hơi trong vài ngày, đã nhắc khéo rằng dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà.

Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi?

Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt. Và ở Hà Nội, quan lại chia nhau cai trị trong họ hàng của mình ở huyện Mỹ Đức.

Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng chắc chắn không phải là một khuynh hướng tạm thời.

Nhan nhãn trên các trang báo, cũng như tin nhắn rác, là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề… ám chỉ việc ra đi, định cư ở nước ngoài. Một người bạn làm công việc này cho biết lượng người gọi vào, tìm hiểu, làm đơn hay hy vọng đang tăng đến mức kinh ngạc, thậm chí diện EB-5 của Mỹ, đòi hỏi phải có ít nhất 500.000 USD cũng vậy . Trong các bài phóng sự đuợc dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài.

Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì?

Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ che mặt ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.

Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đời thật đẹp với những chùm khế ngọt.  Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ tranh nhau hái trái, đốn hạ cây mà âm mưu sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ  gói ghém ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh rồi như vậy, vì sao?

Xin đừng ai trả lời. Đừng nói một lời nào cả. Chúng ta hãy cùng lặng im và suy ngẫm.

Nguồn: Tuấn Khanh's Blog
Xem thêm: Người Việt mình rồi sẽ sống ra sao?; ​Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”; Hãy chấm dứt cơn hoang tưởng 'làm giàu không khó'

Thực dân, nô lệ, ăn mày

Tháng Ba năm 1906, phẫn nộ trước hình ảnh người Trung Quốc hả hê thưởng thức cảnh lính Nhật cắt cổ đồng bào mình trên màn ảnh trong một giảng đường y khoa tại Nhật, Lỗ Tấn đã dứt khoát từ bỏ hoài bão làm thầy thuốc nhen nhúm từ tấm bé và nung nấu khát vọng canh tân ở tuổi chớm biết ưu tư để lao vào cái nghề cầm bút nghiệt ngã, bấp bênh. Làm thầy thuốc thì chỉ có thể chữa những bệnh tật trên thể xác của con người. Cái mà dân tộc Trung Hoa cần chữa là những căn bệnh sâu trong tinh thần của mấy trăm triệu người.[1]

Tháng Tư năm 2010, những triệu chứng của chứng bệnh ấy lại lộ ra, không với dân tộc của Lỗ Tấn mà với chúng ta. Khi một bậc chuẩn khoa bảng ngành American Studies, qua sự tiếp tay của một nhà truyền thông, bực dọc đưa ra “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” để biện minh cho sợi thòng lọng mà hệ thống toàn trị láng giềng đang siết dần vào cổ họng đất nước mình, cả hai đã hả hê thưởng thức tương tự, không hơn không kém.[2]

Hả hê trước những tâm cảm nhức nhối về thân phận nhược tiểu của đất nước mình. Hả hê trước tình cảnh điêu đứng của những anh em chú bác mình, những người vừa cắn răng chịu đựng một chính quyền không ra chính quyền, vừa bươn chải chịu đựng gã láng giềng đang tập tành tướng đi đế quốc nhưng chưa bao giờ ra dáng đế quốc bởi không thể gột bỏ hết bản chất vô sản lưu manh kiểu bần cố nông đấu tố như có thể thấy qua những hành vi cướp biển bần tiện, nhỏ mọn.[3] Và khi hả hê thưởng thức như thế, những con bệnh tim não cùng những ủng hộ viên khác đã thưởng thức với sự mãn nguyện của những đầu óc nô lệ, ăn mày.

Tôi không hề quá đáng, nặng lời. Khi cho rằng người Việt phải tri ân hệ thống toàn trị Trung Hoa qua những khoản đầu tư đã bỏ ra trong thời chiến, bậc chuẩn khoa bảng suy nghĩ có khác nào hạng ăn mày khi ghi tâm khắc cốt những ân huệ bố thí mà không đếm xỉa gì đến động cơ hay cung cách bố thí?[4] Và khi khăng khăng rằng mình hoàn toàn đúng bởi đã hành xử chính xác theo “Tiêu chuẩn biên tập BBC”, nhà truyền thông nối giáo cũng chỉ thể hiện một đầu óc nô lệ mà Phan Khôi đã chỉ ra trên Phụ Nữ Tân Văn hơn 80 năm trước:

“Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói: Quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét? Sao họ không viết là ving đi mà phải viết vingt? Sao họ không nói ‘j’alle’, ‘tu alles’, ‘il alles’ đi mà lại phải nói ‘je vais’, ‘tu vas’, ‘il va’? Tôi mong rằng rày về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá! Vì trong sự này tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta: các anh bồi từ phòng khách đến phòng ăn, phòng ngủ của Tây thì các anh giữ quét dọn sạch sẽ luôn; còn chỗ xó của vợ chồng anh ấy nằm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách này còn được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa!”[5]

Thì cũng là cái cảnh “hết mong gì nữa”. Người thì chăm chút “quét dọn sạch sẽ” sao cho đúng “tiêu chí biên tập” của kẻ giữ sổ lương, còn lại “tha hồ là dơ dáy”. Người thì, như một nghiên cứu sinh ngành American Studies, chắc chắn sẽ không bao giờ dám bộc lộ sự “bực dọc” tương tự trước những George Washington hay Benjamin Franklin, những người Mỹ đã dứt bỏ mối ràng buộc với nước Anh, cái mẫu quốc mà thuộc địa Mỹ “từ đó mà ra”. Từ những kẻ trong “xó nằm dơ dáy” cho đến hạng học thức hơn, sang cả hơn, chân trời đã rộng mở rất nhiều. Nhưng có mở đến đâu cũng vậy, cũng chỉ là cái tinh thần ở đợ và do đó vấn đề không thuộc về những cá nhân cụ thể mà là cái hình bóng chung thấp thoáng sau lưng họ, sau lưng những ủng hộ viên nhâng nháo, những kẻ đang lật bật muá may với những “ân phước” hay tinh hoa văn hoá Trung Hoa để làm nhiễu loạn mối ưu tư của cộng đồng Việt về sự sinh tồn trong mai hậu.

Như thế thì phải tìm hiểu kỹ hơn cái hệ số chung “bồi”. Như một chuẩn siêu cường đang lên, nước Trung Hoa hãnh tiến hôm nay đang càng ngày càng ra dáng thực dân và hệ quả là sự hình thành của lớp bồi Tàu đương đại, như một sự tiếp nối của những lớp “quăng vùa hương xô bàn độc” / “chia rượu lạt gặm bánh mì” thượng lưu hay hạ đẳng ngày trước.[6] Nếu sức mạnh cơ giới của thực dân Pháp từng khiến một Tôn Thọ Tường khiếp đảm đến độ đầu hàng không điều kiện Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc / Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay thì sức mạnh của thực dân Trung Hoa hôm nay cũng đang thai nghén nên một lớp kế thừa tương tự.[7] Nhưng thần phục thực dân cũng có nghĩa là thần phục sức mạnh. Não trạng nô lệ và ăn mày thực dân, thực chất, cũng chỉ là biểu hiện của não trạng nô lệ và ăn mày trước sức mạnh chính thống.

Khuynh hướng phò thực dân, như thế, chỉ là biểu hiện nhất thời và sa đoạ của khuynh hướng phò chính thống. Và nếu khái niệm “thực dân” luôn được hiểu như là những thế lực đến từ bên ngoài thì đã đến lúc chúng ta phải nhận diện thứ “thực dân” sinh sản bên trong.[8]

Khi quyền lực chính thống tự tách mình ra, không nương tay bóc lột cộng đồng để phục vụ lấy mình như một cộng đồng con, nó đã là hiện thân của một thứ “thực dân”. Nội hoá hay ngoại hoá, đã đối phó với khát vọng sống của cộng đồng thì thứ thực dân nào cũng ngay ngáy kiểm duyệt để che đậy bản chất ăn cướp và bóc lột của mình. Nhưng kiểm duyệt cũng chỉ là một biện pháp cụ thể trong mục tiêu ngu muội hoá con người, như một đường lối nhất quán. Khi hệ thống toàn trị sắt máu hơn cả chính quyền thực dân trong chính sách ngu muội hoá ấy, nó đã sợ hãi sự thật và mong mỏi công dân của mình ngu dốt hơn cả thế lực cai trị bên ngoài đã từng sợ và từng mong.[9] Như thế, nếu cái mũ cối được xem là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì hệ thống toàn trị hiện tại không chỉ kế thừa từ thực dân Pháp cái mũ ở trên đầu mà kế thừa cả cái chủ trương ngu dân ở bên trong cái đầu.

Cuộc cách mạng đắt giá mà hệ thống toàn trị vẫn ồn ào kỷ niệm đi kỷ niệm lại, xem ra, chỉ là thứ “cách mạng” để thay đổi màu da dưới cái mũ cối. Chỉ thay màu da thôi nên sau đó vẫn là những trò ngu muội hoá con người quen thuộc, vẫn là những cuộc xâm lược nhắm vào giềng mối quan hệ và tình cảm quen thuộc. Và có quen thuộc như thế nên những hình ảnh sinh động và bi phẫn nhất trong “Á Tế Á Ca” hay “Bình Ngô Đại Cáo” vẫn tiếp tục sinh động và tiếp tục bi phẫn như một thứ “hiện thực phê phán”.[10]

Khi thực hiện chính sách ngu dân trên đất nước chúng ta, thực dân Pháp đã đần độn hoá con người để vừa có thể đầu độc và bóc lột thậm tệ bằng thuốc phiện hay sưu cao thuế nặng, vừa có thể cao rao sứ mạng “khai hoá”. Hệ thống toàn trị kế thừa cũng tiếp tục như vậy để vinh quang hoá cái sự nghiệp ghê tởm xây dựng từ những cuộc đấu tố, những trại cải tạo, những trò cướp bóc tập thể, những cơn mê sảng vĩ cuồng mà hậu quả nhãn tiền là đói rách, nợ nần và tụt hậu. Hệ thống cần làm vậy để những sai lầm tiếp nối sai lầm vĩnh viễn thuộc về trách nhiệm của một “quá khứ” chung chung, của những “lý do lịch sử” chung chung hay “yếu tố khách quan” chung chung. Và nó cần vậy để mối quan hệ rành rành giữa kẻ cướp và con mồi mới trở thành “quan hệ hữu nghị hướng tới bền vững, ổn định”.

Để thoải mái cai trị và, thậm chí, để được thoải mái… hèn, hệ thống toàn trị phải kìm hãm, phải duy trì công dân của mình trong thân phận của những kẻ nô lệ hay ăn mày ngây dại, hồn nhiên.[11]

Như cái kiểu hồn nhiên khi chúng ta nắn nót những “đơn xin” đầy tính ăn mày. Cứ dựa theo tiêu chí dân quyền của một xã hội dân sự thì, trừ một thiểu số quyền lực, những ai đang từng hay đã từng sống dưới với hệ thống cai trị ấy mà không phải gánh chịu kiếp ăn mày? Dưới hai cái ách cai trị thực dân và quân chủ, cha ông chúng ta phải chịu thân phận ăn mày ấy khi viết “đơn xin” gởi lên “quan Công sứ” với lời kết “Muôn đội ơn quan lớn” đã đành.[12] Thời của những chính quyền “nhân dân”, “dân chủ” hay “cộng hoà”, chúng ta cũng phải tiếp tục các phẩm giá tương tự trong những “Đơn xin” in sẵn và những “Đơn xin” tự biên tự diễn tương tự. Đơn xin nhập học. Đơn xin chuyển trường. Đơn xin chuyển hộ khẩu. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng. Đơn xin mượn giấy tờ trong hồ sơ sinh viên. Đơn xin làm lại thẻ sinh viên.[13] Xin, xin và… xin. Chúng ta vẫn phải đi ăn xin và vẫn phải “đội ơn” như thể là thời thuộc địa cho dù ngôn ngữ khác đi, có màu mè thêm ra kiểu “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của quý cấp tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”.

Ăn xin cho đáng ăn xin / Lấy chồng cho đáng bù nhìn giữ dưa… Có hạ mình đi xin thì cũng nên xin những gì cho đáng chứ? Và để xứng đáng là “chính quyền nhân dân” thì cũng phải bình thường hoá những chuyện như thế như là những “thao tác” thuần túy kỹ thuật chứ? Khi phức tạp hoá những “thao tác kỹ thuật” ấy bằng một thứ ngôn ngữ và những thủ tục ăn mày, hệ thống cai trị đã biến nó thành một “hành động chính trị” để, qua đó, chính trị hoá vấn đề, biến công dân của mình thành những con tin hay con nợ nhằm tiện bề thao túng và chi phối.

Nhưng không chỉ là những quan hệ xin-cho lặt vặt mà là chủ trương ăn mày hoá như một phần trong hệ thống giáo huấn ngu dân. Chính tính nhất quán và sự tiếp nối của những hệ thống giáo huấn ngu dân nối tiếp nhau qua bao thời kỳ quân chủ, thực dân và thực-dân-hậu thực-dân mới có thể biến chúng ta thành những con tin hồn nhiên và ngây thơ như thế. Nó huấn nhục và tôi mọi chúng ta. Nó lột sạch phẩm giá con người của chúng ta. Nó bắt chúng ta tư duy như là những thực thể ký sinh, chỉ có thể tồn tại bằng cách ăn xin hệ thống, bám chặt vào hệ thống, như một thứ tôi đòi.

Nguyễn Hoàng Văn

 [1] Cha mất từ rất sớm và ký ức tuổi thơ gắn liền với hình ảnh của tiệm cầm đồ và tiệm thuốc: cầm đồ xong thì đến tiệm thuốc mua thuốc. Lớn lên muốn theo đuổi khoa học và nghe tin cuộc canh tân của Nhật khởi sự từ việc du nhập y khoa hiện đại Tây phuơng, Lỗ Tấn đã theo học tại Học viện Y khoa Tiên Đài (Sendai Medical Academy). Nhập học từ năm 1904, đến năm 1906 thì bỏ học để lao vào hoạt động văn học. Chuyện được kể lại trong lời nói đầu của tuyển tập tập truyện ngắn Gào thét (Call to Arm), đề ngày 3/12/1922:
“[..] These inklings took me to a provincial medical college in Japan. I dreamed a beautiful dream that on my return to China I would cure patients like my father, who had been wrongly treated, while if war broke out I would serve as an army doctor, at the same time strengthening my countrymen’s faith in reformation.
I do not know what advanced methods are now used to reach microbiology, but at that time lantern slides were used to show the microbes; and if the lecture ended early, the instructor might show slides of natural scenery or news to fill up the time. This was during the Russo-Japanese War, so there were many war films, and I had to join in the clapping and cheering in the lecture hall along with the other students. It was a long time since I had seen any compatriots, but one day I saw a film showing some Chinese, one of whom was bound, while many others stood around him. They were all strong fellows but appeared completely apathetic. According to the commentary, the one with his hands bound was a spy working for the Russians, who was to have his head cut off by the Japanese military as a warning to others, while the Chinese beside him had come to enjoy the spectacle.
Before the term was over I had left for Tokyo, because after this film I felt that medical science was not so important after all. The people of a weak and backward country, however strong and healthy they may be, can only serve to be made examples of, or to witness such futile spectacles; and it doesn’t really matter how many of them die of illness. The most important thing, therefore, was to change their spirit, and since at that time I felt that literature was the best means to this end, I determined to promote a literary movement.”
[2] Đỗ Ngọc Bích, “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100417_do_ngoc_bich.shtml
Truy cập ngày 25.5.2010.
Và:
Nguyễn Giang, “Về bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích trên BBC”.
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2010/04/ve-bai-cua-ba-do-ngoc-bich-tre.html
Truy cập ngày 25.5.2010.
[3] Khi chính quyền không đủ sức, thậm chí không có đủ dũng khí để bảo vệ người dân thì nó không ra dáng một chính quyền nữa. Và đó không phải là hiện tượng cá biệt mà lặp đi lặp lại, không chỉ mất tài sản mà có khi còn mất mạng. Xem thí dụ gần nhất: Trà Minh, “12 ngư dân được thả sau khi nộp 200 triệu đồng tiền chuộc”, Tuổi Trẻ 15.5.2010.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/378771/12-ngu-dan-duoc-tha-sau-khi-nop%C2%A0200-trieu%C2%A0dong-tien-chuoc%C2%A0.html
[4] Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam thống nhất và hùnh mạnh, do đó chỉ viện trọ nhỏ giọt để nuôi dưỡng cuộc chiến du kích. Tuy nhiên, cả trong việc viện trợ này Trung Quốc cũng lạm dụng để gặm nhấm dần lãnh thổ Việt Nam.
Xem: “Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?”, Mặc Lâm phỏng vấn Dương Danh Dy, đài RFA 2.7.2009.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/Vietnam-China-a-long-standing-grievances-historical-MLam-07022009133546.html
[5] Phan Khôi, “Viết chữ Quốc ngữ phải viết đúng”, Phụ Nữ Tân Văn số 31 (5.12.1929). Dẫn theo Tranh luận văn nghệ khế kỷ XX, (2002) tập 1, NXB Lao Động, tr. 106.
[6] Nguyễn Đình Chiểu, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:
“Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.”
[7] Bài thơ “Giang sơn ba tỉnh” của Tôn Thọ Tường:
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo
Mây tuôn đẹn kịt khói tàu bay.
Xăn văn thầm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!
[8] Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa “thực dân” là “Nhân dân di cư ra nước ngoài để làm ăn”.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB Đà Nẳng 2004) thì định nghĩa (2) là “Người ở nước tư bản, thuộc tầng lớp bóc lột, thống trị ở nước thuộc địa, trong quan hệ với nhân dân nước thuộc địa.”
[9] Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, Diễn đàn talawas, 19.8.2005.
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5180&rb=0307
“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.
Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh… và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”
[10] “Á tế á ca” hay “Bài thơ về châu Á”, bài thơ dài 200 câu làm theo thể song thất lục bát, được dùng làm tài liệu giảng dạy ở Trường Đông Kinh Nghĩa thục (1907), gọi là “Đề tỉnh quốc dân ca”. Chưa rõ tác giả dù có người đoán là của Phan Bội Châu, nội dung lên án chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân Việt Nam noi gương Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.
Xin trích những đoạn khá “đắt” với chính sách kinh tế XHCN thời “bao cấp”:
Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu
Muối ta làm, nó bảo muối gian
Hay:
Các hạng thuế các làng thương mãi…
Hết đinh điền rồi lại trâu bò
Thuế chó cũi, thuế lợn lò
Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế ghe
Thuế sản vật, thuế chè thuế thuốc
Thuế môn bài, thuế nước thuế đèn
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn
thuế cả hết phấn son đường phố
Thuế những anh thuốc lọ gầy còm
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
Hay “Bình Ngô Đại Cáo” (bản dịch Ngô Tất Tố):
[…] Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
[11] Xem bài báo “Đồng chí Trương Tấn Sang: Nhà báo phải cống hiến nhiều hơn vì nhân dân” của Tr.Bình – M.Anh trên Sài Gòn Giải Phóng ngày 20.6.2009.
http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2009/6/194492/
Ngày 19-6, kỷ niệm 84 năm ngày “Báo chí Cách mạng Việt Nam”, ông Trương Tấn Sang đã đến “làm việc” với Hội Nhà báo Việt Nam, và trong “làm việc” này có lúc họ Trương “lưu ý” Hội nhà báo: “Trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, kể cả vấn đề hệ trọng liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước còn có biểu hiện vội vàng, chủ quan, chạy theo dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành. Một số cơ quan báo chí còn đưa thông tin sai, gây tác hại về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và các địa phương, doanh nghiệp…” .
Chú ý chữ “gây khó khăn cho công tác lãnh đạo”.
[12] Tôi dựa vào một số đơn từ trong Quảng tập viêm văn của Edmond Nordemann, bản dịch của Nguyễn Bá Mão (NXB Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hoá Đông Tây, 2005), tập trung trong chương thứ 3, kể từ trang 70. Nguyên tác Chrestomathie Annamite – Contenant 180 textes en dialecte Tonkinois, xuất bản năm 1898. Tác giả là giảng viên Trường Thông Ngôn, lấy tên Việt là Ngô Đê Mân.
[13] Có thể xem một số mẫu đơn trong các trang web sau:
http://khudothimoi.com/dulieu/mau-hop-dong/351-mau-don-mau-giay-to-xin-cap-phep-xin-giay-chung-nhan.html
hay: http://ussh.edu.vn/mot-so-mau-don-va-giay-chung-nhan/140

Thursday, October 27, 2016

Cách dạy con của người Việt chúng ta lạ lùng đến thế này

1. Thương cho roi cho vọt:

Quan niệm này biến trẻ em trở nên khiếp sợ bạo lực, cường quyền và cho rằng bạo lực là thứ đúng đắn, cần thiết và thậm chí còn khiến đứa trẻ đồng hóa bạo lực chính là tình yêu thương, thật là một quan niệm “ngớ ngẩn một cách khủng khiếp”

2. Ghét cho ngọt cho bùi:

Đâu ra lại có thứ quan niệm vớ vẩn đến mức này? Lời răn dạy này là một lời nói dối khủng khiếp và trắng trợn nhất trong mọi lời răn dạy. Nó khiến cho đứa trẻ mất niềm tin vào tình yêu thương, vào những lời tử tế, vào sự quan tâm của người khác dành cho mình. Hơn nữa, nếu ghét, tại sao không tránh xa ra mà lại phải cho ngọt cho bùi? Đâu ra cái thứ quan niệm sống giả tạo và gớm ghê đến thế?

Rồi dứa trẻ biết tin vào đâu? Một tình yêu chỉ toàn roi vọt đau đớn hay một thứ tình cảm giả dối ấm lòng?

Nếu bạn còn dùng câu này để mà dạy con thì đừng ngạc nhiên khi chúng lớn lên chỉ toàn là giả tạo, hèn nhược, tôn thờ bạo lực, mất lòng tin vào tình yêu thương. Nhưng quan trọng nhất, chỉ có những bậc phụ huynh bất lực trong việc dạy dỗ con cái mới phải dùng đến bạo lực, và hãy luôn nhớ rằng, người tôn thờ bạo lực và sự giả dối sớm muộn gì cũng trở thành nạn nhân của bạo lực và sự giả dối, theo cách nào đó!

3. Chế độ thưởng phạt vô nghĩa

“Ăn cơm ngoan mẹ thưởng cái kẹo, đừng khóc mẹ cho coi tivi, học giỏi rồi bố cho đi công viên chơi, không được bắt nạt bạn rồi mẹ mua cho đồ chơi….”. Có lẽ phụ huynh VN là những người hào phóng nhất trên đời về việc tưởng thưởng cho con cái.

Nếu như phương tây thường phạt con khi không vâng lời thì phương đông lại chăm chăm thưởng lớn khi trẻ vâng lời.

Chính vì vậy trẻ em phương Tây coi việc làm đúng, làm tốt là điều bình thường còn việc làm sai là sẽ phải chịu trách nhiệm, phải nhận hình phạt nên chúng cố tránh xa cái sai và làm tốt nhiệm vụ của mình.

Còn chúng ta? Làm việc đúng chỉ để chăm chăm được thưởng, cái gì cũng cần phải có thưởng mới có thể làm cho đúng cho tốt. Nhân viên được trả lương để làm việc tốt đó là nghĩa vụ nhưng khi làm tốt được thì lại thấy như mình đáng được thưởng thêm nữa.

Tài xế taxi, các cán bộ hành chính, công quyền, thậm chí cả giáo viên, bác sĩ… ai ai cũng muốn được “thưởng” bằng cách này hay cách khác cho một việc mình có bổn phận phải làm. Thưởng tiền, thưởng quà cáp, thưởng hối lộ, đút lót các kiểu… Thôi đừng trách sao cái xã hội này lại như thế, bởi một phần chính vì chúng ta đã dạy con cái mình như thế. Đáng lẽ ra chúng ta phải dạy chúng rằng làm việc tốt, việc đúng, việc thiện là điều đương nhiên, chứ không phải là kì công để mà được thưởng.

Mỗi lần nhìn báo chí tung hô mấy cái việc cỏn con như nhường áo cho người già, cắt tóc miễn phí, nước uống miễn phí… mà tôi thấy buồn.

Cái xã hội gì mà việc tốt nhỏ như con kiến cũng được tung hô như cứu thế giới vậy thì cái xã hội đó nát lắm rồi….

Nếu bạn không thể làm cho xã hội tốt hơn, thì ít nhất cũng đừng làm nó nát thêm nữa.

Hãy bắt đầu bằng việc thay đổi cách giáo dục con cái của mình, giáo dục tụi nó cho tốt thì mới có quyền nói cái câu “ta đặt trọng trách xây dựng đất nước này lên vai các con” chứ đừng đặt lên vai tụi nhỏ một đất nước nát bét từ kinh tế đến văn hóa rồi bắt chúng phải xây dựng. Tội nghiệp bọn nhỏ lắm!

Phi Tuyết
Xem thêm: Thật đáng buồn cho cách dạy của chúng ta…; Người lớn ơi, xin một lần lắng nghe trẻ em nói...; Bởi người lớn "quên" vai trò nêu gương; “Nô lệ của con” và “thế hệ ăn bám”

Công danh với sự nghiệp

Nước Việt Nam ta lụn bại vì công danh. Người Việt Nam hàng nghìn năm cho đến nay, hiểu lầm hai chữ công danh. Đang lúc các bạn thiếu niên nhiều người có ý ngóng ngóng chờ chờ đi học trở lại, đang lúc sắp mở một kỷ nguyên mới cho nước ta và cho nền giáo dục Nam Việt, tôi tưởng không gì cần thiết bằng bản rõ cùng các bạn đi học, về cái công danh...

Chúng ta thường nhắc những trang sử vẻ vang, những chiến công oanh liệt, thì chúng ta một mặt khác, cũng phải biết xét vì đâu mà nước ta yếu đuối; cũng phải thấy cái di truyền nghìn cổ nó hãy còn đè nặng trên trí não của ta. Sở dĩ lúc người Pháp sang mà nước ta không thể đối đầu, tôi thiết tưởng cũng vì hàng nghìn năm rồi, học trò Việt Nam đi học, chỉ nghĩ đến đường công danh mà không nghĩ đến cái sự nghiệp.
*****

Cái cuộc chạy đua tranh cướp chức vị, nó ráo riết trong cả 80 năm đô hộ của Pháp, cuộc chạy đua ấy cũng đông một dòng với sự thi cử nghìn năm của nước ta xưa.

Cái mầm lụn bại nó nắp sẵn ở trong sự học lầm đường rồi, cho nên nước ta mới phải yếu hèn như vậy.

Cùng với nước Tàu, nước Việt ta xưa chuyên chủ về học khoa cử. Khoa cử là cái khuôn sẵn của nhà cầm quyền để nắn ép nhân tài. Người nào muốn xuất đầu lộ diện, muốn ra ứng dụng với đời, đều phải đi thi trước đã.

Có đỗ thì mới ra làm quan; và phải làm quan đã thì muốn thi thố tài năng gì mới hỏng thi thế được. Nhưng khốn một nỗi, khoa cử là cái học chật hẹp, cái học bóp chẹt người ta trong khuôn khổ một câu văn, trong sáo hủ của vài ý tưởng chính thức được nhà cầm quyền công nhận; cái khoa cử ấy nó nghiêm nghiệt quá, nên nhân tài nào đi qua cũng phải chặt bớt, đẽo bớt, gọt cho nhẵn, sửa cho cân, đến nỗi ra xong cái khuôn, thì nhân tài đã chết rồi, chỉ còn lại một ông công, ông nghè vô vị.

Cái khuôn của triều vua thống trị đã đặt sẵn như thế, dưới thì có một bài kinh nghĩa, trên thì có một bài phú hay một bài thơ; mà trong những thú ấy thì phải nói đi đi lại lại có mấy ý trong Khổng giáo. Thế vẫn chưa hết. Chất ăn đã chẳng có gì tẩm bổ, mà cách nấu cũng hạn chế mất rồi. Nấu thì phải nấu giả Đường, giả Tống!

Đến chỗ câu ấy thì phải có chữ hồ, chữ hỉ, thỉnh thoảng lại ngừng lại để nói mấy câu chiếu lệ tán dương.

Cái học khoa cử nó giết nhân tài như vậy; nó làm cho học trò mất bản ngã là thế; nó đuổi sự sáng tạo, sự phát minh.

Ấy thế mà nó đã là cái công danh đấy! Ta có thể nói trắng ra rằng nó thật ngẩn ngơ, và không thông minh một chút nào cả. Mà vì sao các cậu nho, các thầy đồ Việt Nam trước lại cứ đi theo? Thưa các bạn, vì cái công danh! Vì nhà nước chuộng như thế, vì xã hội theo như thế, cho nên học trò đi học cứ thế mà làm; cái học ngu dại mà cũng cứ vui lòng theo, miễn sao cho đỗ cái bằng, để được lòng mấy cô yếm thắm giải đào, răng đen nhưng nhức

Các bạn chớ cười cậu nho vội! Trông xưa lại ngẫm đến mình! Chúng ta nay làm gì đấy, nếu không phải là cố sao đỗ được cử nhân, bác sĩ để được lòng những cô tân thời!
*****

Ôi! Công danh! Lớp học trò chữ Hán đã nhầm vì cái công danh; nước Việt Nam ta xưa đã mất vì cái công danh Tàu. Lớp học trò chủ Tây lại nhầm vì cái công danh; nước Việt Nam ta nay đã lụn bại vì cái công danh Pháp. Vậy ta phải vạch mặt cái công danh ra cho rõ, để ai nấy nhìn nó cho kỹ mà đừng nhầm nữa, đừng tưởng nó là danh dự nữa, là mục đích của sự sống nữa. Ta hãy bóc cái lốt gấm của nó, hãy tước hết cái hào quang giả của nó, hãy lột cái lớp mạ vàng, “rút cái mề đay liệng xuống sông”, và chỉ vào nó mà nói rằng: Hỡi công danh! Mày chỉ là sự kiếm gạo!

Thưa các bạn! Gạo thì ta có thể nào mà không kiếm? Có thực mới vực được đạo, bao giờ mà lại chẳng phải nghĩ đến gạo? Chúng ta kiếm gạo là lẽ thường. Nhưng chúng ta phải có trí rộng rãi và sáng suốt. Rộng rãi để biết rằng cái công danh kiếm gạo không đánh chiếm cả trí não ta: sáng suốt để thấy rằng cái công danh kiếm gạo nó ở vào bậc dưới cùng của thang giá trị.

Cuộc đời sở dĩ chạy được là nhờ ở cái công danh kiếm gạo. Nhưng nếu chỉ có cái công danh kiếm gạo mà thôi, thì cuộc đời chỉ chạy vòng tròn. Cuộc đời còn phải tiến lên, sự sống còn phải đi xa hơn nữa, thế kỷ hai mươi mốt cần phải hoàn hảo hơn thế kỳ hai mươi; nên cái công danh kiếm gạo ta phải liệt vào hạng bét của sức hoạt động của ta, mà phải nghĩ đến sự sáng tạo một cái gì, làm một cái gì, để lại một thành tích khá quan gì có thể đẩy cho bánh xe tiến hóa; nghĩa là ta phải nghĩ đến SỰ NGHIỆP vậy.
*****

Anh em chúng ta lúc nhỏ đi học, đã bị cha chú chúng ta lừa; cha chú chúng ta khi bước đi học đã bị cái nhầm tích trữ lại của lớp ông chúng ta lừa. Lúc bắt đầu đi học, xã hội không giảng cho ta thế nào là công danh, thế nào là sự nghiệp; ai nấy cũng chỉ lo kiếm gạo, đã kiếm gạo lại kiếm cả ô tô, nhà lầu; cả mọi người lớn đều bận đi tìm vàng, nên chẳng ai ngẫm nghĩ sâu xa mà dạy cho chúng ta. Chẳng ai bảo bên tai ta rằng:

“Con đi học đây, là có hai phần học. Một phần rất dễ, rất xoàng, nhưng cần phải có, là con đi học để lập thân, để sau này dễ kiếm miếng ăn. Nhưng con cũng ngày đêm nhớ đến phần thứ hai, khó khăn hơn, nhưng tối cần, là con đi học để mong có một sự nghiệp. Trong khi đọc những sách hay, nhìn những công việc làm của người đi trước, con phải đảo trong trí óc con, trong tâm hồn con, xem thử có gì hưởng ứng hay không; xem thử: trong bản ngã con có cái mầm sáng tạo gì nó đòi nở hay không; con phải cố tìm cái mầm ấy mà nuôi nó, để đời con không phải là đời của một con số, để sự sống, để cuộc đời còn đi xa hơn hiện nay”.

Chúng ta ngày hai buổi cắp sách đến trường, mòn cả đũng quần, rách cả ống tay áo, thì hết bằng nọ đến bằng kia; để rồi đi qua cái của khải hoàn, làm thành ông bác sĩ; ông kỹ sư, ông dược sư, quan tri huyện... Nhưng chúng ta có thành ông kỹ sư, hay ông bác sĩ, thì cũng đến vợ con chúng ta hưởng là cùng. Cái cửa khải hoàn kia, thưa các bạn, ai dựng cho ta qua? Có phải xã hội đâu! Vì ta chưa thêm sự tiến bộ gì cho xã hội; ta có sáng tạo, có khám phá ra cái gì đâu, toàn là người khác khám phá ra cho ta học theo cả, thì cần gì nhân loại phải làm cho ta một cái cửa kết hoa? Cái cửa treo hoa và cờ giấy ấy, chính là những bà cô, bà dì treo lên cho ta đó thôi.

Bà cô gọi “cháu tham”, bà dì nói: “ấy ông kỹ sư nhà tôi đấy”, bà thím chào: “thưa cháu bác sĩ”, bà mợ khoe: “cháu huyện tôi vừa đi nhậm chức về”. Và trong khi ấy, các cô tân thời xun xoe khoe áo đẹp, các bà có con gái rối rít cả lên. Cha mẹ chúng ta hỉ hả như sinh ra được những thiên tài; ông bà chúng ta cố sống thêm dăm tuổi để được sắc phong.

Tất cả những cái ấy, cộng thêm một lớp nhà gạch, hay một chiếc xe nhà, làm nên cái công danh đầy. Thầy đồ xưa hủ bại vì cái công danh ấy, học sinh nay mòn mỏi cả tài năng vì cái công danh ấy. Rồi nước ta nửa thế kỷ nay mở cửa đón chào văn minh mới, mà chưa có ai ghi tên vào khoa học, chẳng có ai khám phá ra một con vi trùng, dân ta vẫn khổ, nước ta vẫn nghèo, một phần cũng vì bọn chúng ta đi học, chỉ nghĩ đến cái công danh!
*****

Vậy thì thưa các bạn: Chúng ta hãy nghĩ vừa đủ về cái công danh ấy mà thôi, cái thú công danh nuôi dạ dày và dắt vợ con đi chơi phố. Chúng ta đi học, phải nghĩ đến sự nghiệp, để đời ta có ý nghĩa, để nước Việt Nam cũng có thể góp cho nhân loại một ít nhà thông thái, để người Việt Nam ta chẳng phải chỉ là một bọn người ngồi mát để ăn cái bát vàng mà những thiên tài các nước làm ra.

Muốn thế ta phải lập chỉ ngay từ lúc nhỏ. Lúc mới bắt đầu biết khôn, ta chớ sợ gì mà chẳng làm những Đôngkysốt, ta lập chí đẩy vào cái bánh xe tiến hóa sau này.

Có những cậu học trò khi xưa chép dán vào phía trong nắp hòm hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ. Mỗi khi mở hòm, cậu học trò lại đọc thấy:

Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông!

Các em út chúng ta, lúc mới lớn lên, cũng đều phải có cái thái độ nghiêm trang, trịnh trọng như vậy. Ở tuổi mười lăm mười sáu, đừng nên có cái não thấy sự gì cũng là khôi hài. Lúc bắt đầu mở mang trí tuệ, tội gì ta không đặt cái chí của ta cho cao? Ta cứ đặt cho siêu việt, sau này dù có phải hạ bớt xuống cũng không hề gì. Chỉ có đáng cười, đáng khinh là những bọn khi đi học chữ à, chữ de... đã cố tâm làm một cái giá mắc áo. Chỉ có đáng sỉ vả là cái hạng cha mẹ đem làm trụy lạc cái tuổi mười sáu mười bảy của đứa con mình, trong khi trí khôn nó đang như mặt trời bình minh. Hạng cha mẹ ấy luôn luôn nhắc cho con nhớ đến nồi gạo, trỏ cho con thấy cái gương ông phán, ông tham. Thật là hạng cha mẹ đem bán con vào chốn lầu xanh, lầu xanh nô lệ!

Lập chí từ lúc đi học, ta sẽ có gan mơ những anh hùng hiệp sĩ, ta không ngần ngại mà xin ngọn lửa sáng tạo đốt cháy đời ta như một que củi; chẳng có sự nghiệp nào to lớn quá đối với sự bạo dạn ngây thơ của ta.

Rồi khi lớn lên, ta sẽ thấy rằng lập chí như vậy chẳng có gì là vô lý cả. Vì ta đã biết có hai thứ sự nghiệp: có cái sự nghiệp chói lòa của những bậc anh hùng hay những đại thiên tài; lại có cái sự nghiệp khiêm nhường của tất cả những người muốn gánh vác. “Vai mang trái đất mong phò chúa, giáp gột sông trời khó vạch mây”… Nếu cái tài của ta nhỏ, đó không phải lỗi tại ta! Ta đã có gan ôm lửa sự nghiệp vào đầu!

Thật ra, ai cũng có thể có một cái sự nghiệp cả. Nghĩ ra một cái đinh cũng là một sự nghiệp; pha ra một thứ thuốc cũng là một sự nghiệp. Sự nghiệp là tất cả những cái gì vun đắp thêm cho sự sống: sự nghiệp là lấy cái vốn cũ của nhân loại mà làm cho sinh sôi nẩy nở một chút gì. Cái ý sự nghiệp là cái ý tài bồi, cái ý sáng tạo.

Còn như người đi trước dạy cho ta học được ngần nào, ta chỉ học đúng đến ngần ấy, rồi cứ thế mà kiếm ăn, đó là ta làm công danh! Làm công danh thì dù anh có thức khuya dậy sớm đến ho lao, cái siêng học của anh chỉ là một sự nhác lười vô cùng tận. Làm công danh thì cuộc sống của nhân loại sẽ mượn hình một cái ao: cái bọn làm công danh dù có béo cho mấy cũng chỉ là một bọn cá hồ, chưa hề biết sự sáng tạo không ngừng của biển cả!

Chỉ có sự nghiệp mới được bền lâu. Bền lâu chẳng phải ở sự lưu danh: bền lâu là ở nơi thành tích. Cái công trạng của những bậc gây dựng sự nghiệp còn ở mãi trong sự sống của một dân tộc; hay hơn nữa, của cả loài người.

Những hàng bia ở ngay Văn Miếu mà người Hà Nội ai chẳng muốn xem, chỉ vì những ông nghề có đỗ ông nghè thì cũng chẳng phải đã làm nên sự nghiệp. Chúng ta nay kính yêu Nguyễn Công Trứ, không phải là vì Nguyễn Công Trứ đỗ cử nhân, mà chỉ vì Uy Viễn tướng công là một vị doanh điền sứ đại tài; chúng ta nhớ đến Nguyễn Du không phải vì một mảnh bằng, mà chỉ vì đó là tác giả thiên văn chương tuyệt bút. Còn như Lê Lợi thì đỗ bằng gì? thì nào có công danh chi đâu? Thế mà đời đời ta nhớ công đức Thái tổ nhà Lê đã hồi sinh cho dân tộc; Nguyễn Huệ vẫn tự xưng là một người không đi học, mà nay ai chẳng nhớ ơn.

Mấy năm về trước, tôi vẫn tự hỏi: ta đã có một Văn Miếu Tàu, sao ta chưa có một Văn Miếu Tây? Văn Miếu ấy chưa ai lập ra, mà đùng một cái, cái công danh Tây đã bị phá sản. Các bạn ngẫm chuyện ấy cũng thấy rằng: công danh là cái phù vân trên đời. Công danh Tàu hay Tây, hay gì gì đi nữa, cũng chỉ như một đám mây qua; ta chớ xoay theo lắm làm gì, chỉ tổ làm nô lệ và làm mất nước. Hay nếu ta muốn có công danh thật, thì ít nhất ta cũng phải tạo nên cái công danh ta, cái công danh Nam Việt, với những bằng cấp Việt Nam; như thế thì giờ có xoay chiều nào đi nữa, ta cũng cứ là ta.
*****

Đó, cái ý nghĩa của sự nghiệp là như vậy. Là ở sự tạo tác, dù nhỏ, dù to. Sự nghiệp có thành công là một điều tối hân hạnh; nhưng sự nghiệp dù không thành đi nữa, thì cái ý muốn làm cho sự tiến bộ, tự nó cũng đã đẹp lắm rồi.

Tước bỏ hết cả những ý niệm về sự thành công, con người có lập chí bao giờ ít nhất cũng đã gây dựng được một sự nghiệp gần gũi, thiết thực, là cái sự nghiệp làm người. Phải, làm một con người liêm chính, đội trời đạp đất ở đời, biết cái chân giá trị nó ở nơi sự sống cao đẹp, biết tất cả cuộc đời là một sự đi lên, biết liêm si, biết nhờn tởm sự khom lưng cúi đầu, biết sợ đến rùng mình cái gông tinh thần, cái cùm nô lệ. Kiếm gạo thì cứ kiếm gạo; có ăn mới sống; nhưng không lặn hụp trong cái công danh. Sống mà không làm bẩn thỉu sự sống, cũng đã là một sự nghiệp đẹp lắm rồi!

Mà tại sao chúng ta lại không hy vọng? Một triệu học trò trong một nước, ai cũng lập chí cả, thì trong mười năm, lại chẳng sinh ra được một trăm anh tài lỗi lạc hay sao? Anh tài lỗi lạc chẳng phải là một ông bác sĩ khám bệnh lấy tiền đâu; anh tài là một người giữa cái nguy cơ quên nguồn, đã viết nên một bộ Việt sử: anh tài là một người đầu tiên làm ra một bộ tự điển quốc ngữ: anh tài là những kẻ cố làm sao cho khoa học, triết học có thể khảo cứu bằng tiếng Việt Nam...

Chúng ta hãy cố công, và cố công! Thế nào ta cũng sẽ có một ít sự nghiệp. Mà cũng có một thứ sự nghiệp này nữa, là sự nghiệp can đảm của những chiến sĩ; họ đem máu của họ, đem cái đời họ vứt vào để lấp cái hố bất công. Chớ tưởng rằng một sự sống vứt vào cái hố bất công mà mất đi. Không, nó lặn xuống dưới, làm cạn bớt cái hố; và chờ những sự sống khác vứt vào, mãi mãi vứt vào, thì cái hố cũng phải lấp cạn. Sự nghiệp là thế đó; những trang anh kiệt đã chịu tù chịu tội, các bạn tưởng họ vứt đời của họ vô bổ hay sao? Sự nghiệp của họ là đây: nếu dân Việt Nam ta còn chưa bị bọn áp chế xử như dân Mán dân Mường, dân Việt Nam ta chẳng bị liệt vào dân mọi, là nhờ có họ. Nói ra thì như là khôi hài, nhưng nếu bọn thưc dân còn chịu để cho người Việt Nam một ít quyền hạn, nếu những ông kỹ sư, bác sĩ người Việt cuối tháng còn lĩnh một món tiền phồng được ví da, đó là nhờ những anh kiệt chịu chết, để cho những phần tử khác hưởng đời. Những anh kiệt ấy tỏ rằng dân Việt Nam là dân biết chết, cho nên là dân đáng sống!
*****

Áp dụng những ý tưởng trên đây về công danh và sự nghiệp, thanh niên tri thức ta hiện nay phải thế nào?

Nước ta đến một nẻo quành của lịch sử; nếu không đi sang được ngả đường mới, nếu phải thụt lại đường xưa, thì chúng ta học mà làm gì nữa! Học hành! Học chỉ để mà hành. Thời này, bọn em út chúng ta có thể cứ học tiếp theo, nhưng chúng ta phải hành chứ không được học. Mẹ chết, thì cô bé mười tuổi cũng phải thành người chị cả, cha mất rồi, thì đưa con nít lên chín cũng phải thành ông chủ gia đình. Huống chi những anh em trên tuổi hai mươi, ta còn nghĩ chuyện học nốt được sao?

Nước Việt Nam sắp thay hình lột vỏ, bọn chúng ta học là học cái gì mới được chứ? Học là công việc thời thường, hành là công việc thời biến.

Nếu trường Đại học mở cửa ra, thôi thì anh em ai nấy lại lo công danh; lo học nốt cái phần bằng còn thiếu, kẻo cô vị hôn thê vẫn chờ; lo tốt nghiệp cho khỏi uổng tiền mười năm cha mẹ gửi; lo có mảnh bằng cho yên chuyện.

Trường mở cửa, thì anh em ai lo lợi nấy, nghĩ chuyện nhà, chuyện vợ, rồi thì việc lớn chẳng ai còn thèm nhìn.

Anh em ơi! Sống chết là ở lúc này, vứt ngay cái công danh đi, nghĩ đến cái sự nghiệp. Anh em ơi! Thời bây giờ là thời ném bút. Bây giờ mà nói học vì khoa học là nói dối: chúng ta chỉ lấy cớ để trốn tránh bổn phận.


Từ rầy về sau, muôn kiếp học trò sẽ mãi mãi coi rẻ cái bả công danh.

Xuân Diệu
Nguồn:Thanh niên với Quốc văn, NXB Thời Đại, 1945
Xem thêm: Triết lý giáo dục Việt Nam: Học để làm quan!; Hãy thay đổi tính xấu

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình...

Chúng ta rốt cuộc vì sao mà sống? Sống để làm gì và mục đích thật sự của việc con người tồn tại là gì?

Con người sinh ra chẳng lẽ chỉ để lớn lên, đi học, đi làm, lập gia đình, sinh con cái và phấn đấu cả đời vì danh tiếng lợi ích... để cuối đời là tuổi già, cô đơn, bệnh tật và... cái chết? Cuộc sống này chẳng lẽ chỉ là cái vòng lẩn quẩn của sinh lão bệnh tử ấy? Cuộc sống chỉ là vòng xoay của sinh lão bệnh tử?

Nhiều người cho rằng "làm người tốt là được": Nhưng tại sao làm người tốt mà các chuyện không hay, bệnh tật, tai nạn, đau khổ,... vẫn cứ bám lấy họ? Tài sản, địa vị của bạn từ đâu mà có? Bệnh tật, đau khổ của bạn từ đâu mà ra? Vì sao con người ta khi sinh ra đã khác nhau, có nam, có nữ, có người lành lặn, người tật nguyền, người giàu có, kẻ nghèo hèn?

Ai đã tạo ra con người và ai có quyền sắp đặt số phận của con người? Ngoài không gian mà con người ở còn nơi nào tồn tại sự sống nữa không? Chết có phải là dấu chấm hết cho tất cả mọi thứ của cuộc đời mình không? Sau khi chết đi thì sẽ về đâu? Thiên đàng và địa ngục có thực sự tồn tại? Nếu có thì chúng ở đâu?
*****

Rốt cuộc con người sống vì điều gì? Vì mục đích gì? Mà cứ sinh ra rồi lớn lên rồi lập gia đình rồi lại sinh con, nuôi cho con lớn lên, mong nó lập gia đình để có cháu chăm, để giết thời gian tuổi già, và dần đi đến cái chết...cứ thế cứ thế thành 1 vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại mãi.

Được thân người là khó, như con rùa mù tìm được bọng cây trên mặt biển, nhưng làm người lại có muôn trùng nỗi thống khổ mà nhiều người chỉ liếc mắt trông qua vì cũng chẳng biết nên nói cùng ai hoặc người ta sợ hãi.

Biết sao đây khi mọi thứ không dễ để truyền đạt?

Biết sao đây khi chưa có thời điểm thích hợp?

Biết sao đây khi mọi người cứ sống theo thói quen cha mẹ truyền lại mà không tìm hiểu kĩ nó tốt hay xấu..để rồi lại chuốc lấy khổ đau...

Biết sao đây...

Ôi bao nỗi trăn trở kiếp nhân sinh...tìm cầu điều gì...hạnh phúc lứa đôi? Quyền cao chức trọng? Đông con nhiều cháu??? Rồi cuối cùng còn gì đây...ta mang theo điều gì khi chết? Hay chỉ để thỏa mãn cái thân hôi thối này lúc còn sống?
*****

Có hai vòng tròn cứ lặp đi lặp lại thế này:

Học-kiếm tiền-lập gia đình? Và học-lập gia đình-kiếm tiền?

Lập gia đình xong rồi sinh con đẻ cái, con cái lớn lên cũng bắt đầu vòng tròn lặp lại đó của bố mẹ nó trước đây:

Học-kiếm tiền-lập gia đình? Hay học-lập gia đình-kiếm tiền?

Cứ thể, cái vòng luẩn quẩn: Học-kiếm tiền-lập gia đình, hay học-lập gia đình-kiếm tiền cứ lặp đi lặp lại hết thế hệ này đến thế hệ khác, và cuối cùng chết đi mà không biết mình sống để làm gì? Ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình là gì?

Rốt cuộc, chúng ta sống và tồn tại để làm gì? Mục đích của chúng ta phải chăng chỉ là để duy trì nòi giống, sinh con đẻ cái, kiếm tiền hay còn có một ý nghĩa khác?

THM sưu tầm
Xem thêm: Xã hội vật chất và sự gắn kết với tự nhiên

Wednesday, October 26, 2016

Về tình trạng tha hóa ở con người hôm nay

Hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan có đoạn viết:

Trong các mục của  An Nam tạp chí mới chấn chỉnh,  có một mục đặt tên là Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký. Thấy cái tên khá dài dài, tôi hỏi, ông Tản Đà nói rằng  mục này đăng  những bài viết về những cảnh xuống của con người ( sdd , bản  in lần đầu của nxb Văn học 1971, tr 138 ).

Trong chữ cảnh xuống, Tản Đà  và  Nguyễn Công Hoan đã nói về sự tha hóa của con người VN hiện đại.

Từ sau 1945, hai chữ cảnh xuống ấy xa lạ với chúng ta. Xã hội quay cuồng trong niềm tin rằng mình chỉ có đi lên  mình sẽ trở thành những con người mới, khác hẳn con người cũ.

Nhưng đến ngày hôm nay, có một cảm giác mơ hồ hình thành trong một số người. Là hình như người Việt đang trở nên xấu xí hơn bao giờ hết?

Bọn  tôi vốn được đào tạo để sống theo cách nghĩ cách nói của Tố Hữu (Người yêu người sống để yêu nhau). Khi bắt gặp ở mình những ý nghĩ như thế, -- những ý nghĩ mà Tố Hữu và bộ máy của ông sẽ gọi là sa đọa -- chúng tôi e sợ mà tự cãi lại với mình, sao lại có thể như thế được.

Nhưng rồi dần dần cái cảm giác ấy cứ lớn dậy trong lòng, gạt bỏ không nổi.

Nói người Việt xấu xí là chỉ nói về một tình hình có thực và đã ổn định trong lịch sử.

Nói con người đương đại đang tha hóa suy thoái, tức là nói tới một quá trình, người ta đang hỏng đi, bị làm hỏng  và tự làm hỏng mình luôn thể.

Nếu muốn có một công trình nghiên cứu đầy đủ, một nhà xã hội học phải bắt tay khảo sát nhiều việc, từ định nghĩa về suy thoái tha hóa đến những mô tả những biểu hiện của tình trạng đi xuống đó với tất cả sự kỳ cục của nó. Phải tìm hiểu nguyên do của các biến đổi ấy, đặt nó trong sự chi phối của hoàn cảnh. Và nhất là phải nói tới việc chống cự tuyệt vọng của con người với nghĩa người ta không ai muốn hỏng đi xấu đi, nhưng trong xã hội hiện đại, khả năng chống cự của người tức khả năng đề kháng và  miễn dịch của chúng ta đã bị loại trừ.

Nhưng việc đó cần có sự góp sức của nhiều người. Trong phạm vi sức lực hạn hẹp của mình, thời gian qua tôi có viết được một số phiếm luận dưới đây xin kính trình bạn đọc trong một loạt kỳ liên tiếp.

Bảy bước tới tha hóa

Hồi nhỏ, cũng như một số bạn bè cùng tuổi, tôi là đứa trẻ đãng trí, hay đánh mất những thứ lặt vặt: khi cái khăn mùi xoa, cái mũ, khi quyển truyện hoặc cái bút chì. Thông thường bố mẹ ở nhà cho qua không mắng mỏ gì đáng kể.

Nhưng đâu một hai lần, tôi nhớ không những bị đánh cho mấy roi cứ gọi là quắn đít, mà còn bị hỏi căn hỏi vặn:

Mẹ đã nhắc con giữ cẩn thân cơ mà.
Chạy nhảy thế nào mà đánh mất, kể lại xem nào.
Thử nhớ lại xem, con đánh rơi ở đâu? Con đã để ý đi tìm chưa?....

Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lần ấy đánh mất cái gì, chỉ đoán chắc là mấy thử đắt tiền lắm, chứ không phải ba cái đồ vớ vẩn như mọi khi. Người ta chỉ phải suy nghĩ về sự mất mát khi cái bị đánh mất được coi là quan trọng.

Liên hệ tới chuyện ngày nay:

Niềm thiết tha với cái tốt cái đẹp vốn nằm trong tâm trí chúng ta từ thuở thiếu thời, khi đang còn cắp sách đến trường.

Mấy chục năm nay, Nhà nước cách mạng cũng luôn luôn kêu gọi mỗi thành viên của xã hội gắng trau dồi đạo đức. Câu nói của thầy Mạnh "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thường được nhắc nhở vì trong một hình thức cũ, ló lại diễn tả tốt nhất nội dung chủ yếu của đạo đức mới - sự vững vàng của nhân cách. Nhưng liệu có thể nói mỗi người chúng ta đã làm được điều chúng ta mong mỏi?

Giả sử bây giờ, ra giữa buổi họp, tôi bảo ông nọ bà kia là thoái hoá biến chất, mọi người sẽ cho tôi là có hiềm khích gì đó với họ, nên mới ăn nói sỗ sàng như vậy. Nếu tôi lại mạnh mồm khái quát rằng nay là lúc không ít người trong chúng ta đang hư hỏng đi, thì người ta sẽ bảo tôi là liều lĩnh vô căn cứ, là không có cái nhìn toàn cục, không thấy "mặt tốt là chủ yếu”.

Nhưng nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, hẳn nhiều người chúng ta phải công nhận là quanh mình số người hiền lành thánh thiện ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm. Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không phải như ta mong muốn. Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật, mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ những thói xấu vẫn bị coi là không đáng kể, và dễ bị bỏ qua: Xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay qua loa vô trách nhiệm. Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên. Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng, chứ không dám nói sự thật.. Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành? So với con người lý tưởng mà ta muốn noi theo, khi bước vào đời, thì thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất.

Nay không còn là lúc sợ ai lục vấn mình như cậu bé năm xưa nữa. Nhưng có lẽ, với tư cách người có học, sống nhiều bằng ý thức, cũng nên quan sát chính mình xem xem một quá trình tâm lý như thế nào đã xảy ra, khi ta tự đánh mất một phần tốt đẹp ở con người mình như vậy.

Dưới đây là một vài nhận xét tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người gần gũi chung quanh:

1. Sự kiếm sống hàng ngày là một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người. Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm ít tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.

2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi. Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gây thêm cho mình những phiền phức.

3. Có một điều ta thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng - "Hơi đâu gái goá lo việc triều đình" - đấy là lý lẽ của những cái đinh ốc bé nhỏ.

4. Khái quát hơn, quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy. Tức là trông cậy vào tính phổ biến của sự hư hỏng.

Mà cảm giác hùa theo đám đông (ngày nay gọi là sống theo tập thể)  ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc lại càng sợ mang tiếng là chơi trội, dám khác mọi người(!).

5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa trông trước trông sau xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, và được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên thì đành ngán ngầm buông xuôi (Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ dãy dựa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống rất làn bạo).

6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ thì sau những lầm lỡ ban đầu, cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu khẩu hiệu chung chung. Cái phần suy thoái trong ta chớp ngay lấy cơ hội thuận lợi đó.

Nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.

7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra "rằng quen mất nết đi rồi", có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để hóa giải, ta xoay sang cầu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần. Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ cô mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!

Khi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa.

Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa.

Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?

Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ. Nhưng trong bài báo này, tôi muốn để nghị một cách nghĩ khác: ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đang sống để lại cho các lớp kế tiếp, và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sống không giống ta, tức là ta đã trở nên hữu ích.

Con 'Vật Người' và Con Vật: Loài nào MAN RỢ BÁN KHAI?

Khi con vật bị các nhà "Huấn Luyện" lạm dụng cho việc kiếm tiền phục vụ "giải trí" cho loài người, chúng đã phản kháng và tấn công giết những kẻ đã lạm dụng hành hạ chúng... Chúng bị lên án là "hoang thú, ác thú" và bị "triệt hạ". Chỉ vì chúng không còn nhẫn nhịn làm nô lệ trò chơi, vật tạo lợi nhuận cho "chủ nhân" con người nữa! Ai mới là kẻ ÁC???

Nếu ở "loài người" hành động phản kháng chống chỏi này được gọi là "chiến sĩ tự do", tinh thần "bất khuất"... dĩ nhiên nếu là "đồng minh", còn không cũng bị lên án gọi là "khủng bố". Não trạng quyền bính, thật sự là não trạng bán khai thích thú với việc hành xử quyền lực trên tất cả những sinh vật khác, chứ không chỉ riêng loài người với nhau, giữa chủ và tớ, giữa bọn đại bản quyền chính và công dân, giữa cường quốc và nhược tiểu.

Đã có quá nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy cây cỏ loài vật hoang thú, cũng như PHẦN LỚN loài người chúng ta, khi được đối xử thân trọng tương kính, chúng đáp trả bằng những tương kính thân trọng trong ký ức ghi nhớ như những tâm cảm nơi con người.

Nhưng có lẽ sự PHẢN TRẮC VÔ ĐIỀU KIỆN chỉ có ở sự toan tính của con người. Thú vật chỉ tấn công ngược lại khi nó bị xúc phạm đe dọa như trong các trường hợp xảy ra ở các đoàn xiếc, quân đội an ninh sử dụng thú vật mà thôi.

Vì ngay cả "con người", cũng đã có quá nhiều bằng chứng hiển nhiên cho thấy họ còn PHẢN BỘI không chỉ loài vật họ nuôi, mà còn phản bội tàn độc hoang dại chính đồng loại thân cận của họ hơn cả hoang thú khi đối mặt với quyền lợi, quyền lực và hãi sợ.

Bao nhiêu vụ án cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè thân thuộc hạ độc thủ với nhau vì tranh quyền, tranh lợi, tranh tình nhân, tình dục! Bao nhiêu Nhà nước chính phủ đã phản bội lòng tin của công dân tiêu diệt hàng triệu sinh mạng công dân!

Chúng ta "cảnh cáo lẩn nhau" phải coi chừng hoang thú! Nhưng thống kê cũng như kinh nghiệm thực tiễn trước mắt cho thấy con người bị đầy đọa và giết hại từ cá nhân cho đến hàng loạt bởi chính ĐỒNG LOẠI CON NGƯỜI nhiều hơn là do thú vật gây ra. Từ sự gia hại của thân bằng quyến thuộc, bạn bè lối xóm cho đến đảng phái nhà nước quốc gia (trong thề kỷ 20 đã hơn 260 triệu người chết vì các chế độ nhà nước chính phủ -democide)... Bao nhiêu kẻ đã bị tàn hại vì các quyền lực giáo hội tín lý. Ngược lại chính loài người cầm tù lạm dụng và gia hại thú vật VÔ VÀN SỐ LƯỢNG không thể kể xiết!!! Nhưng nguyền rủa thú vật khi chúng PHẢN KHÁNG lại hành xử bạo ngược của chúng ta!!!

Chúng ta bày trò SĂN BẮN để vui thú hả hê trong cuộc tàn sát hàng loạt muôn thú chim chóc, và ngay cả giết người đồng chủng loại cũng hàng loạt như trò tiêu khiển thể thao nhân danh (hay lấy cớ) chiến tranh! (Độc giả nào cần bằng chứng?!? Bạn ở cung trăng rớt xuống? Hay từ hỏa tinh? Nếu không bị tâm thần, bạn phải thuộc hạng nhà dòi)

Một số tôn giáo man rợ dạy rằng muông thú được tạo ra để cho "con người tùy nghi tận dụng" ... Và họ không chỉ tùy nghi tận dụng thú vật mà tùy nghi tận dụng ngay chính những con người đồng chủng loại "cao quí" của chính họ. (Độc giả có cần bằng chứng không?!!!!)

Bài viết dưới đây của tiến sĩ Paul Craig Roberts, một cựu quan chức cao cấp thuộc đảng thiên chúa bảo thủ Mỹ (Cộng Hòa), ông may mắn đã nhận thức lại được giá trị nhân bản tương quan muôn vật mà Phật thuyết từng diễn giải. Ông đã viết một bài nhận định thật giá trị cho chúng ta suy ngẫm nhân đọc tác phẩm nghiên cứu về thái độ phản kháng của các con vật bị người lạm dụng.

Ông đã xúc động đặt câu hỏi thật chua chát nhưng xác thật:

"Như vậy, chúng ta đối diện với một nghịch lý: một loài gian ác bắt giữ một loài không gian ác. Tại sao Thiên Chúa để cho loài gian ác khống trị loài không gian ác? (So, we are faced with a paradox: a wicked life form holds a non-wicked life form in captivity. Why did God give the wicked dominion over the non-wicked?)

Không chỉ đưa ra điều nghịch lý "khó nghe nhưng khó chối bỏ" trên, ông Paul C Roberts còn khẳng định tính tồi bại ghê tởm của loài người :

"Cái ý niệm cho rằng mạng sống con người, bất kể sự thông minh, thành đạt và cố kết đạo lý ra sao, luôn cao hơn mạng sống của con vật như voi, hổ, sư tử, báo, gấu, cá voi đen, ó, hải cẩu, hay chồn v,v là một hình thức kiêu căng khiến loài người tù đọng trong sự dốt nát của chính họ (The notion that the life of a human, regardless of the person’s intellect, accomplishment, and moral fiber, is superior to that of an elephant, tiger, lion, leopard, grizzly, orca, eagle, seal, or fox, is a form of hubris that keeps the human race confined in its ignorance.)

Ông Paul Craig Roberts phẫn nộ kể ra những tàn bạo đã và đang xảy ra cho con người do chính bàn tay của đồng loại văn minh thực hiện, như dội bom lửa thiêu rụi thành phố Dresden (Bombing of Dresden) sau khi chiến thắng Quốc Xã- cuộc dội bom nguyên tử hai thành phố Nhật dù biết sẽ chiến thắng v.v chỉ vì hận thù, ý thức hệ hoang tưởng do được bọn băng hoại tâm thần (sociopaths) giả dạng ký giả nhà báo giáo dục hun đúc, những "con người văn minh" này đã tàn diệt đồng loại của họ vì dốt nát tăm tối hoàn toàn, loại người đáng bị xếp vào loại sinh vật thấp kém hơn những loài hoang thú (Humans who fire-bomb civilian cities, drop nuclear bombs on civilian populations, act out ideological hatreds taught to them by sociopaths posing as pundits and journalists, and decimate their own kind out of total ignorance could be regarded as a life form that is inferior to wild animals.)

Cuối cùng, thật mỉa mai chua chát nhưng chân xác và thành tín, ông Paul Craig Roberts đã chất vấn cũng như tự chất vấn :

"Có lẽ lời tuyên bố của loài người về tính thượng đẳng đạo lý cần phải chất vấn lại. Không có sự hiện hưũ của loài người, sẽ chẳng có ác độc trên hành tinh này" (Perhaps the human claim to moral superiority needs questioning. Without the presence of mankind, there would be no evil on the planet.)

Thât sự THIỆN ÁC là sản phẩm giá trị của "con người tư duy" chúng ta mà thôi. Không có con người tư duy thì THIỆN ÁC không hiện hữu.

Vấn đề hay vấn nạn chính là nơi chúng ta. Chúng ta, loài vật hai chân có suy nghĩ tự thức này đặt ra ý niệm ÁC để răn đe từ bỏ hoang dại để tiến lên định mức tính THIỆN, NHÂN BẢN trong ước vọng VƯỢT LÊN TRÊN ĐỜI SỐNG BẢN NĂNG VÔ THỨC SINH VẬT để sống theo đúng giá trị Con Người Nhận Thức thuộc TÍNH THIỆN...Nhưng đa số chúng ta không NHẬN THỨC và KHÔNG THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐỀN NƠI...

Đã không cố gắng thực hiện rồi thực hiện đến nơi đến chốn ý niệm THIỆN do chính chúng ta tự đặt ra, đa số chúng ta còn bày thêm ra chủ thuyết quyền lực và tín lý tôn giáo, không chỉ để chính đáng hóa cho việc KHÔNG THỰC HIỆN TÍNH THIỆN mà còn gian manh đánh lận THÁNH HÓA TÍNH ÁC và ÁC HÓA TÍNH THIỆN.

Bạn nghi ngờ ư? Bạn cho là tuyên bố quá đáng và xúc phạm ư?

Chúng ta hãy liệt kê trong toàn bộ lịch sử nhân loại cũng như kiểm tra lại tất cả chung quanh trong tầm nhìn của chúng ta ĐƯỢC BAO NHIÊU NGƯỜI CÓ TƯ TƯỞNG HÀNH THIỆN NHÂN ÁI HÒA BÌNH được trân trọng xiển dương khi còn sống, hay là họ phải sống cùng cực vất vả hoặc bị đầy ải hoặc bị săn đuổi rồi bị ám sát tru diệt? Và chỉ có vài kẻ được dựng tượng nếu như tên tuổi của họ còn được tận dụng cho quyền chính cai trị như Jesu, Thích Ca, Ghandi, Khổng Tử v.v

Ngược lại có biết bao nhiêu kẻ bạo ngược sát nhân độc ác được ca ngợi xu phục là vĩ nhân anh hùng, kể cả khi sống cũng như sau khi chết? Tên tuổi của những con vật người tiêu biểu tính ác này còn được dùng làm mốc cho các "chặng đường văn minh lịch sử" của nhân loại nữa đấy!!! Những tên vua chúa, hoàng đế, tướng lãnh, lãnh đạo chính trị, chủ tịch tổng thống, giáo chủ lãnh đạo các đời các loại tôn giáo từ xưa cho đến hiện kim ... đều đang được đại đa số chúng ta ca ngợi kính ngưỡng tôn sùng mù quáng...chính là những bằng chứng cụ thể hùng hồn của lời nhận định trên của Tôi.

Đã đến lúc chúng ta cần phải nhận thức và định vị lại mối tương quan không chỉ của chính chúng ta với nhau, mà còn chính chúng ta với muôn loài chung quanh ta nữa. Bước đầu tiên cần thiết là phế bỏ kiến thức cũ, tín lý lạc hậu bán khai (unlearn) và học lại từ căn bản (relearn).

NKPTC

Những cơn biến động nhân gian

Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này?

Không phải sợ hãi vì sự hỗn loạn, đạp nhau có thể thiệt hại nhân mạng, mà kinh hoàng vì đó là hình ảnh của cơn biến động nhân gian, mà tín ngưỡng chỉ là một cái cớ.

Việc thờ cúng các đời huyền sử Hùng Vương như một cách ghi nhớ tổ tông, giống nòi không phải là chuyện lạ, mà đã có từ cả trăm năm nay.

Kể cả lúc chưa thống nhất đất nước, ngày giỗ tổ Hùng Vương ở miền Nam cũng là một ngày lễ trọng thị. Nhưng mãi đến năm 1995 thì ngày lễ này mới được chính thức nhìn nhận trên cả nước, vào ngày 10/3 âm lịch.

Bất ngờ vào ngày lễ năm nay, hình thức vọng bái mang hình thái tín ngưỡng dân gian này trở thành đại lễ quốc gia, tạo nên một cuộc biến động khó lường.

Nếu tĩnh tâm nhìn lại, người dân trên đất nước này đang bị dắt tay đi vào vô số những cuộc vui – biến động nhân gian như vậy.

Từ nhiều năm nay, từ các lễ hội “cấp quốc gia” cho đến các cuộc vui rầm rộ như bóng đá, con người bị hút theo. Khóc cười nghiêng ngả.

Bùng phát các phong trào giành lộc, xin ấn, nhét tiền vào tay Phật, rồi gào thét theo đường bóng bất lực của đội tuyển quốc gia trong giấc mơ không tưởng như bánh vẽ, so với hiện thực.

Những người bình tĩnh lùi xa và nhìn ngó các dòng chảy biến động đó ắt hẳn luôn âu lo, không hiểu được trào lưu nào, điều gì đang xô đẩy người Việt dẫm đạp nhau, trở thành những hình dạng méo mó, kỳ lạ với cuộc sống ngày thường từng có.

Tên gọi của các loại lễ hội, giỗ cúng đâu xa lạ gì với người Việt. Tổ chức các lễ hội êm đềm và thành kính cũng không phải là một điều quá nhiêu khê với người Việt.

Hãy thử nhìn lại các lễ hội lớn ở miền Nam từ cả thế kỷ nay, như ở Bình Dương, Châu Đốc, An Giang… con số người tham dự lên đến cả trăm ngàn nhưng mọi thứ vẫn trật tự và khiêm cung.

Nhưng vài năm nay, việc cổ suý và phong trào thờ cúng lễ lạt dựng vội lên, ai ai cũng bất ngờ khi thấy thảm cảnh người người xông vào giật chậu hoa, cướp cây cảnh.

Người người xông lên chùa rải tiền lẻ tranh mua Phật, chen nhau để móc tiền chấm máu heo, máu trâu bị chém sống để lấy hên. Lại chực chờ sẵn sàng đạp chết nhau để xin một cái ấn vô nghĩa, rồi lại có thể bán đi với giá cắt cổ. Rồi đập vào mặt nhau, đánh vỡ đầu để giật cho được cái phết may mắn…

Thật khó mà tìm một tên gọi khác cho loại cúng bái hay lễ hội như vậy, nếu không phải là những cơn biến động nhân gian có chủ đích và tràn lan.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, thờ cúng tín ngưỡng dân gian, tức trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội.

Trong đó có hàng ngàn lễ hội, cúng bái được dựng nên như những dự án kiếm tiền của chính quyền địa phương, bỏ túi riêng cho các cá nhân bí hiểm nào đó, dọc theo chiều dài đất nước.

Những lễ hội dài ngày làm lạc hậu, trì trệ đất nước và con người. Tín ngưỡng được dựng lên kéo dài làm dân tộc mê muội.

Lễ hội, thờ cúng nhộn nhịp cả nước khiến người ta quên đi những điều cần biết hơn là hưởng thụ niềm vui trên đất nước này.

Như rồi người ta quên nhanh vụ điều tra công an đánh chết dân ở Tuy Hoà, luật sư Nguyễn Văn Thắng tố cáo việc che đậy tội ác, đã tức giận đến mức tuyên bố “sẵn sàng chết chứ không thể hèn” mà chấp nhận công lý bị bẻ cong.

Nhân dân được mời vào các phong trào rộn rịp với thần linh xa xôi, tổ tiên huyền sử nhưng lãng quên đất nước đang ngồi trên lửa với nợ công quốc gia, thực phẩm nhập khẩu vào đầu độc từng gia đình và tham nhũng kinh tế.

Hàng chục ngàn người sẽ mê mải xô nhau vào nơi vái lạy trên đất liền, không nhớ rằng giờ đây là mùa ra biển của ngư dân, nhưng ít còn ai dám đi xa vì kinh hoàng khơi xa đầy kẻ ác, kể cả nơi chính quyền Trung Quốc tặng không hàng chục ngàn USD cho các tàu cá của họ áp sát Trường Sa, không cần đánh bắt.

Thế kỷ 19, khi người Pháp đang đô hộ Việt Nam, họ cũng tổ chức vô số các cuộc vui, các lễ hội như hội chợ, thi leo cột mỡ, đấu xảo, đua xe đạp vòng quanh Đông Dương…  để thu hút người dân vào cuộc vui, vào hưởng thụ mà quên tình cảnh đất nước.

Để rồi những anh hùng ái quốc như Nguyễn Thái Học chết ngậm ngùi trong tiếng vỗ tay cho tình quê hương khốc hận.

Nếu có biến động nhân gian, sao không là cơ hội cho cả nước cùng rộn rã đứng lên vạch mặt bọn quan chức tham nhũng, tố cáo “bạn vàng” đang leo cao luồn sâu vào đất nước, bá quyền trên biển Việt.

Nếu là biến động nhân gian sao không dịp là thức tỉnh các trái tim để triệu triệu người cùng dõi theo đường đi nguy nan ra khơi của ngư dân, thức tỉnh lòng tự trọng của người Việt về chuyện vì sao trên quê hương mình, nay lại nhan nhản những nơi chỉ xài tiền nhân dân tệ, chỉ tiếp người Trung Quốc mà thôi?

Thế nhưng chúng ta chỉ còn thấy những cuộc diễn tập son phấn rẻ tiền và vô bổ – như chuyện làm những cái bánh chưng hàng tấn, những tô mì khổng lồ để dâng cho ngày giỗ tổ, cho lễ lạt trong khi những đứa trẻ đói khát vẫn còn đầy ở vùng cao nguyên, những vùng khô hạn và cứu đói ngày càng dài trong danh sách.

Những cuộc biến động nhân gian vui cười không ngớt ấy như đang dẫn dắt khiến người Việt vô tâm hơn, tham lam hơn, ích kỷ hơn, và người Việt không còn biết thương người Việt.

Những cuộc biến động nhân gian trình tự đó, một ngày nào đó rồi sẽ dẫn đến một đổi thay khôn lường.

Con người rồi sẽ đứng ở những biên giới mơ hồ, vuốt mặt nhìn nhau và tự hỏi tại sao chúng ta phải trả giá cho những điều này?