Wednesday, March 23, 2016

Về Gà và Người

Năm 1937, nhà văn người Mỹ được giải thưởng Nobel về văn chương, John Steinbeck, cho ra mắt tác phẩm “Of Mice and Men”, tạm dịch là “Về Chuột và Người”. Chuyện kể về hai nhân vật chính trên bước đường gian truân tìm việc làm tại California trong thời kỳ Đại Suy Thái (Great Depression).

Tựa đề của tiểu thuyết là “Về Chuột và Người” nhưng người đọc chẳng thấy con chuột nào xuất hiện từ đầu đến cuối vì tác giả dùng lối gợi ý về “hình ảnh súc vật” (animal imagery) để mô tả về những thảm kịch trong cuộc sống khó khăn của con người thời kinh tế khủng hoảng.

Tôi sửa đề tựa đó để đặt cho bài viết này: “Về Gà và Người”. Song, đây thuần túy chỉ là một bài tản mạn về hai hình ảnh, một bên là Gà và một bên là Người, nhưng suy cho cùng lại có những điểm tương đồng đến độ đáng phải ngạc nhiên.

Hồi xưa, lúc gia đình tôi còn ở Đà Lạt, có vườn cây rộng rãi nên nuôi rất nhiều gà thả rông. Tôi đã bỏ ra nhiều thì giờ quan sát đàn gà đào bới khắp vườn để kiếm ăn và nhận ra “xã hội loài gà” sao có nhiều cái giống với con người quá thể!

Gà sống thành đàn, lối sống của chúng mang tính cộng đồng, một loại xã hội thu nhỏ của loài người. Cá thể gà trong đàn giành giật nhau để chiếm ưu thế kiếm mồi, cũng chẳng khác nào loài người trong cuộc mưu sinh. Cái gọi là "tôn ti xã hội" của loài gà dựa trên nguyên tắc “mạnh được, yếu thua”, qua đó xác định vai trò có đặc quyền tiếp cận thức ăn và địa điểm làm tổ.

Ở loài người, mỗi gia đình sẽ có người đứng đầu, giữ địa vị “gia trưởng”. Có điều ngày xưa thường là người đàn ông nhưng ngày nay “nam nữ bình quyền” nên “gia trưởng” cũng có thể là phụ nữ! Gà cũng có “gia trưởng”. Gà trống luôn giữ nhiệm vụ đầu đàn, tôi chưa từng thấy một chị gà mái giữ nhiệm vụ thủ lãnh như trong xã hội loài người thời nay.

Tôn ti trật tự của đàn gà sẽ bị phá vỡ khi xuất hiện con gà trống mới lớn trong đàn, ngo ngoe dành địa vị của đương kim thủ lãnh, nhưng thế nào “kẻ nổi loạn” cũng bị tách ra khỏi đàn sau những “trận đòn thù”! Chú gà trống “nổi loạn” đó sẽ rút lui bằng cách lập thành đàn mới với những chị gà mái tơ, chú thường tránh đối mặt với “cựu thủ lãnh” vì bản thân chú cũng hiểu… “tránh voi đâu xấu mặt nào”!

Bây giờ ta quan sát chú gà trống thủ lãnh “oai phong lẫm liệt” của đàn gà trong vườn. Trời sinh chú có bộ mã tuyệt đẹp với lớp lông sặc sỡ, óng ả. Chiếc mào gà đỏ chót trên đầu trông tựa như chiếc mão của vua chúa. “Áo” và “Mão” chính là lợi thế đầu tiên để thu hút sự chú ý của các chị gà mái.

Tiếng Việt quả là quá hay. “Mão” với “Mào” chỉ khác nhau có một cái dấu nhưng lại là một khoảng cách rất lớn giữa vua chúa với cái mào của con gà! “Mào gà” còn là tên một loài hoa tuy không có hương nhưng sắc trông chẳng khác nào cái mào gà. Còn một thứ mào gà nữa mà chẳng ai muốn có vì đó là một bệnh lây truyền qua đường tình dục: bệnh “sùi mào gà” hay còn gọi là bệnh mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ!  

Trở lại chuyện gà trống. Chú gà đầu đàn ngoài vẻ “đẹp trai” lại còn có tính dũng cảm, sẵn sàng bảo vệ “người đẹp” trước những đe dọa rình rập từ bên ngoài. Tài liệu viết về gà trống đã hào phóng phong tặng gương dũng cảm đó qua hình ảnh của các vị thần cổ xưa như Ares, Heracles và Athena. Sách của Plato thuật lại những lời được cho là cuối cùng từ miệng Socrates trước khi ông chết: “Crito, tôi nợ Asclepius một con gà trống; ông sẽ trả món nợ này hộ tôi chứ?”

Không biết nợ có trả được hay không nhưng cho đến ngày nay chú gà trống nào cũng cất tiếng nhắc nhở: “Ò… Ó…. O…. Ò…”. Gà trống nào cũng biết gáy và thường gân cổ để cất tiếng gáy to hơn “anh hàng xóm”. Cũng vì thế ta mới có câu… “gà tức nhau tiếng gáy”. Mỗi khi gáy xong, anh chàng gà lại nghe ngóng xem có tiếng đáp lại hay không và thế là cuộc chạy đua tiếng gáy diễn ra.

Tôi để ý, trước khi gáy gà thường vỗ cánh làm động tác tựa như ta hít thở để tiếng gáy lần sau to hơn lần trước. Các nhà khoa học phân tích tiếng gáy của gà luôn ở tần số cao vì nhờ “lưỡi gà” mà ở con người cũng có “lưỡi gà” trong vòm họng! Thêm nữa, trong các loại kèn và trong xe gắn máy 2 thì cũng xuất hiện thuật ngữ “lưỡi gà”. Xem ra trong ngôn ngữ Việt có một hành trình lý thú: từ cái lưỡi của con gà đã biến thành bộ phận của con người, bộ phận của nhạc cụ rồi cả bộ phận máy móc!       

Gà thường gáy vào mỗi buổi sáng nhưng cũng có khi lại gáy vào buổi trưa, đúng ngọ. Điệp khúc đồng quê “Ò Ó O…Ò” vang lên giữa buổi trưa hè khiến Chế Lan Viên phải thốt lên:

Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa
Nhớ chao ôi nhớ, trời xanh thế
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa

Lưu Trọng Lư khi nghe tiếng gáy xao xác của những con gà vào buổi trưa lại mang một tâm trạng hoài cổ:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.

Ngoài vóc dáng và sự dũng cảm, gà trống còn có “tật”… đa tình. Không biết có phải vì cái “tật” này không mà gà bị mang tiếng “mèo mả, gà đồng”, một cách ám chỉ những kẻ vô lại, sống lang thang, làm bậy bất kể nơi nào.

Tính dục của gà trống rất mạnh. Chỉ một mình “gia trưởng” cũng thừa sức làm thỏa mãn một bầy gà mái hàng chục nàng mơn mởn. Qua quan sát tập tục của chúng, ta nhận ra ngay gà trống có thể “đạp mái” bất kể nơi nào, lúc nào. Trước khi đạp mái, chú gà trống thực hiện từng bước, rất bài bản, chứ không “nhập đề” hùng hục như ta tưởng.

Nhắc đến chữ “đạp mái” tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm. Hồi xưa, xe Honda chưa có bộ phận “đề” để khởi động, có một cô đạp mãi mà xe không chịu nổ. Thấy vậy một thanh niên đến đạp giúp, máy nổ ngay. Người đẹp cười duyên kèm theo lời khen: “Anh ‘đạp mái’ hay thiệt!’. Cô vốn là người miền Tây nên phát âm chữ “máy” thành chữ “mái” một cách tự nhiên khiến chàng trai là Bắc kỳ 54 cứ tủm tỉm cười hoài.

Trở lại chuyện gà “đạp mái”: điệu bộ xum xoe của chàng gà trống rất buồn cười bên “người đẹp”. Chàng xủ bộ lông cánh xuống sát đất, hai chân chạy những bước ngắn quanh đối tượng dường như để lấy trớn. Và rồi bất ngờ, chàng nhảy phóc lên lưng nàng, khi đó cô gà mái cũng ngoan ngoãn co chân lại, chờ đợi giây phút thần tiên ngắn ngủi.

Có những chú gà lại còn “mưu mẹo” khi thực hiện màn “fore-play”, chú cục cục gọi gà mái đến để chia mồi. Khi đến nơi nàng mới ngã ngửa: mồi không phải là những con giun hay hạt thóc… mà là mấy hòn sỏi. Ấy thế mà cũng đi đến đoạn kết “có hậu”. Sau giây phút sung sướng đó, nàng giũ lông như để trang điểm lại còn chàng thì đập đôi cánh trước khi gáy vang ra chiều thỏa mãn.

Gà trống có tiếng gáy lanh lảnh thì gà mái lại có tiếng cục tác ầm ĩ sau khi đẻ trứng, ra điều ta đây vừa hoàn thành chức năng của giống cái. Thế cho nên dân gian mới có câu “Gà đẻ gà cục tác, Bác đẻ bác la làng” hoặc “Gà đẻ gà cục tác, Ác đẻ ác la”!

Gà mái thường đẻ trứng mỗi ngày một quả, tính ra một chu kỳ “thai nghén” kéo dài trên dưới 10 ngày. Tiếp đến là giai đoạn ấp trứng, đây chính là lúc thể hiện bản năng của loài gà: cứ miệt mài nằm ấp, ít ra khỏi ổ để giữ nhiệt độ thích hợp cho việc nở trứng ở 37,5°C. Giai đoạn này cũng là lúc cô gà mái dữ dằn hơn bao giờ hết, cô sẵn sàng phản ứng quyết liệt bằng cách mổ nếu bị làm phiền, bất kể kẻ đó là chú gà trống hay con người.

Thời gian “ở cữ” kéo dài khoảng 20 ngày. Trời phú cho gà mái khả năng nghe thấy gà con kêu trong vỏ trước khi trứng nở và gà mẹ sẽ nhẹ nhàng “cục tác” để kích thích gà con mổ vỏ chui ra. Gà con mổ một lỗ thở trên vỏ trứng, nghỉ ngơi lấy sức trong vài giờ và hấp thu phần lòng trắng trứng còn lại trước khi tiếp tục mổ cho đến khi lớp vỏ vỡ ra. Đó là lúc chú gà con chính thức chào đời và bộ lông măng được làm khô dưới sức ấm của tổ.

Gà mái kiên nhẫn nằm trong tổ khoảng hai ngày sau khi quả trứng đầu tiên nở rồi mới chịu rời ổ, bỏ lại những quả trứng “ung”. Gà con mới nở được gà mẹ ra sức bảo vệ và được mẹ ủ kín để giữ ấm khi cần thiết. Gà mẹ dẫn các con tìm thức ăn và nước uống, nó sẽ gọi con khi tìm thấy thứ gì ăn được nhưng hiếm khi mớm trực tiếp cho con. Gà mẹ tiếp tục chăm sóc gà con cho đến khi chúng được vài tuần tuổi, sau đó nó sẽ mất dần hứng thú và lại bắt đầu đẻ trứng mới.

Theo tôi, gà mái có thể ví như một bà mẹ hiền bên đàn con thơ nheo nhóc. Mẹ dẫn các con đi tìm mồi, thỉnh thoảng dừng lại như để điểm danh quân số và dáo dác tìm con khi có tiếng chíp chíp của đứa con lạc mẹ.

Cảm động nhất là những lúc bầy gà nghỉ ngơi. Mẹ gập chân xuống, xù lông để các con chui vào nơi an toàn nhất. Gà con cũng có đứa ngoan chui vào bộ lông gà mẹ nhưng cũng có chú hiếu động không chịu ngủ trong bộ cánh của mẹ, thơ thẩn trong vườn. Đến một lúc nào đó chú gà ráo rác tìm mẹ, miệng không ngớt chíp chíp gọi mẹ ơi! Đúng như người ta thường ví… “Gà con lạc mẹ”.

Tuổi thơ của Gà và Người cũng có nhiều nét tương đồng. Có những chú gà con ngỗ nghịch, có những đứa trẻ làm buồn lòng mẹ nhưng mẹ lúc nào cũng là… mẹ, ít khi nào tỏ thái độ chiều đứa này, ghét đứa kia. Bài học từ loài gà khiến con người rút ra được một câu thâm thúy: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng. Người Hy Lạp sau khi tiếp xúc với văn hóa Ba Tư đã dùng thuật ngữ "Chim Ba Tư" để chỉ gà trống.

Trong kinh Tân Ước, Chúa Giê-su đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phêrô: "Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". Lời tiên tri đó đã trở thành sự thật và điều này khiến gà trống trở thành biểu tượng của sự cảnh giác và sự phản bội.

Chúa Giê-su cũng so sánh mình với gà mái mẹ khi nói về Jerusalem: “Hỡi Jerusalem, Jerusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng hứng.”

Vào thế kỷ thứ 6, Đức Giáo hoàng Grêgôriô I tuyên bố gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Đến thế kỷ thứ 9, Giáo hoàng Nicôla I ra lệnh đặt hình gà trống lên tất cả các gác chuông nhà thờ. Tại Việt Nam, cụm từ “Nhà thờ Con gà” đã trở thành phổ biến, không riêng gì Đà Lạt có Nhà thờ Con gà mà Đà Nẵng cũng có nhà thờ chính tòa với biểu tượng con gà trống trên tháp chuông.

Hình ảnh “Gà trống Gaulois” được coi là biểu tượng của nước Pháp. Người xưa gọi nó là “Gallus Gallus”, theo tiếng Latinh Gallus vừa có nghĩa là con gà trống, vừa có nghĩa là người dân xứ Gaule, tức là vùng đất tương ứng với lãnh thổ nước Pháp ngày nay. Nhiều đồng tiền cổ được sử dụng trong các bộ lạc xứ Gaule có mang hình gà trống. Biểu tượng này giờ đây có thể tìm thấy tại bảo tàng Louvre và cung điện Versailles. Đối với những người yêu thích môn bóng đá, “Gà trống Gaulois” chính là biệt danh của đội tuyển xứ Tam Tài.

Tại Indonesia, gà mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong nghi lễ hỏa táng của đạo Hindu. Gà ở đây được xem là đường nối cho những linh hồn xấu xa. Trong buổi lễ, gà bị thắt chân để bảo đảm rằng mọi linh hồn xấu xuất hiện sẽ nhập vào gà thay vì nhập vào các thành viên trong gia đình tại đó. Sau lễ, người ta mang gà về nhà và nó lại tiếp tục cuộc sống bình thường.

Tại Việt Nam có phong tục “gà mở cửa mả” sau khi người chết được an táng 3 ngày. Trong lễ này phải có con gà dắt theo để nó kêu lên khiến hồn người chết nghe tiếng gà thức dậy. Nhà sư đi đầu dẫn theo thân nhân người chết cầm cây mía lau có cột 1 con gà đi 3 vòng quanh ngôi mộ mới. Sau khi cúng xong, người ta bỏ con gà lại tại mả, bưng khay rước vong về nhà để thờ. Có nơi còn cho con gà uống rượu khiến nó lừ đừ nên mới có câu: “Lờ đờ như con gà mở cửa mả”.

Xét về mặt ngôn ngữ tiếng Việt, con gà đã đóng góp cho con người rất nhiều từ ngữ được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nào là “gà mờ”, “gà rù”, “gà nuốt giây thun”, “gà mắc tóc” cho đến cuối cùng là… “gà chết”!

Ngoài những bữa ăn sang trọng có “cơm gà, cá gỏi” hay “đầu gà, má lợn” người ta còn ca tụng sắc đẹp và ẩm thực được gói gọn trong câu “cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ”. Đối với một số người thuộc giới sành ăn lại đưa ra triết lý “chó già, gà non” được hiểu theo ý thịt chó già không tanh (!), thịt gà non mới mềm.

Đọc đoạn thơ được mở đầu bằng câu “Gà tơ xào với mướp già” dưới đây người ta không khỏi buồn lòng khi “gà tơ” lại đem xào với “mướp già” trong một cuộc hôn nhân không cân xứng:

Gà tơ xào với mướp già
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi
Ra đường, chị diễu em cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng.

Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
Sụt sùi tủi phận hờn duyên
Oán cha trách mẹ tham tiền bán con

Đối với những kẻ cậy thế, cậy quyền bắt nạt người thì đúng là “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Những kẻ bất tài, không có ý chí tiến thân được gán cho hình ảnh “gà què ăn quẩn cối xay”. Những kẻ không nhìn rõ được sự thật, lẫn lộn giữ phải và trái thì… “trông gà hoá cuốc”. Còn bạch diện thư sinh được xếp vào hạng… “trói gà không chặt”.

Theo tôi, hình ảnh nổi bật nhất của gà là cảnh “gà trống nuôi con”. Ở con người, cảnh này không phải là hiếm nhưng đối với xã hội loài gà ít khi nào ta gặp được chú gà trống bên đàn gà con không có mẹ. Dù sao đi nữa, con người vốn là một sinh vật thượng đẳng với đầy đủ Hỉ, Nộ, Ái, Ố trong khi con gà chỉ là một động vật hạ đẳng.

Có bao giờ bạn so sánh giữa con người và con gà? Cụ thể hơn, so sánh giữa một bên là đàn ông & phụ nữ còn phía bên kia là gà trống & gà mái?

Bức hí họa dưới đây nói lên tất cả sự thật, một sự thật ít người có thể chối cãi. Bức tranh đúng hay sai còn tùy thuộc vào nhận thức và quan niệm của mỗi người nhưng có điều đó là sự thật không thể chối cãi.

Suy ngẫm: Tục ngữ, Ca dao Tiếng Việt về Chó!

Thân phận những chú chó thăng trầm theo dòng Lịch sử. Từ xa xưa, nuôi chó chỉ để giữ nhà và hồi kết bị hành quyết cho những cuộc nhậu nhoẹt chẳng khác gì những gia súc khác: gà, lợn...

Con gà cục tác là chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,

Con chó khóc đứng, khóc ngồi:

"Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!"

Mặc dù ai ai cũng biết:

"Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo"

Sự trung thành không thể phủ nhận và ngày nay những nhận xét về vật nuôi thì "chó là người bạn tốt nhất của con người". Câu châm ngôn Hán Việt đã đi sâu vào tâm thức của chúng ta:

"Khuyển Mã tri tình"

Con người còn có thể "miệng Nam mô ngậm bồ dao găm", phản trắc, nham hiểm... nhưng điều này dường như không xảy ra ở chó với chủ của mình.

Người Việt mượn hình ảnh con chó để mô tả những tình huống chớ trêu trong cuộc sống lam lũ, nghèo khó:

"Chó cắn áo rách".

Mua gian, bán lận:

"Treo đầu dê, bán thịt chó".

Giao chiến không quân tử, kẻ tiểu nhân, hèn hạ:


Hoặc đến lúc chịu cưỡng bức, chèn ép không nổi, phải phản công tự vệ mạnh mẽ:

"Chó cùng rứt giậu".

Đôi lúc dùng để chỉ sự may mắn họa hoằn, hiếm hoi của những kẻ bất tài mà chiến thắng:

"Chó ngáp phải ruồi".

Thậm chí mượn chó để chửi rủa, phê phán kẻ khác hoặc bực bội thân phận:

"Đồ chó đểu!" ( chó ghẻ, chó chết, chó má, chó đẻ....)

"Đừng chõ mõm vào việc của người khác!"

Ngày nay cùng với sự phát triển, văn minh của xã hội, những chú chó không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, tinh thần của mọi người, đặc biệt là trong giới trẻ. Để kết cho bài viết ngẫu hứng này, tác giả xin được trích đoạn thơ của nhà thơ Huyền Thi - Nguyễn Bảo Sinh ( mang chất thơ Nguyễn Bính):

Hôm qua anh đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Vợ con chẳng nói một điều,
Chỉ con chó Mực vẫy liều cái đuôi.

Dr. Hoàng Ngọc Báu - GVHN

Saturday, March 12, 2016

Căn bệnh dịch TÔN GIÁO và CHỦ NGHĨA ÁI QUỐC QUỐC GIA DÂN TỘC

“Loài Người sẽ chẳng bao giờ được TỰ DO cho đến khi tên vua (hay nhà nước) cuối cùng bị siết cổ cùng với bộ đồ lòng của tên giáo sĩ (hay tôn giáo) cuối cùng”
“Triết gia chưa từng giết bất kỳ tên giáo sĩ nào, trong khi giáo sĩ từng giết một số rất lớn các triết gia”
Denis Diderot (1713-1784) Triết gia

“Người thường dân cho Tôn giáo là ĐÚNG, Người khôn ngoan cho là SAI, bọn Chính Trị cho là HŨU DỤNG”
Seneca-Triết gia La Mã thế kỷ thứ nhất AD

“Thượng Đế không có tôn giáo”
“Những kẻ nào nói rằng tôn giáo không dính gì đến chính trị thì chẳng hiểu tôn giáo là gì.
Mahatma Gandhi 1869-1948.

“Chúng ta có thể sống mà không cần tôn giáo và tĩnh tâm, nhưng chúng ta không thể tồn tại mà không có sự chăm sóc yêu thương của con người”
Dalai Lama thứ 14 (1935)

“Tôn giáo là một sự xúc phạm đến phẩm tính con người (nhân phẩm). Có hay không có tôn giáo, chúng ta cũng có người Tốt làm Tốt và người Ác làm Ác, nhưng với những người Tốt mà làm Ác, nó cần tôn giáo”
Steven Weinberg (1933) Nhà Vật lý (Nobel)

“Chúng ta có đủ các tôn giáo để khiến chúng ta căm thù, nhưng lại không đủ để làm cho chúng ta yêu thương lẫn nhau”
Jonathan Swift (1667-1745) Nhà tư tưởng chính trị

“Trong suốt một ngàn bảy trăm năm (1700 năm), tôn giáo Ky tô đã chẳng làm gì khác hơn là gây đau khổ tai hại cho con người”
Voltaire (1694 - 1778) Nhà tư tưởng nhân bản

“Tôn giáo bao gồm một mớ những điều mà một người trung bình nghĩ rằng anh ta TIN và ước rằng anh ta có thể CHẮC CHẮN khẳng định những điều đó”.
Mark Twain (1835-1910) Văn hào

“Chiều hướng biến những PHÁN XÉT của con người thành những HUẤN THỊ linh thiêng của thượng đế đã làm cho TÔN GIÁO thành một trong những thế lực nguy hại nhất thế giới”
Nữ thần học thiên chúa giáo Georgia Elma Harkness (1891-1974)

“Chẳng hề có ai tin rằng Kinh Thánh chủ trương nói những gì ở đó viết: Mà người ta luôn luôn tự thuyết phục rằng Kinh Thánh viết những điều mà chính họ chủ trương muốn nói”
George Bernard Shaw Nhà Văn (1856 –1950)

“Tất cả các Tôn giáo đều được thành lập từ sự SỢ HÃI của nhiều người và sự khôn lanh của một nhóm nhỏ”
Marie-Henri Beyle (Stendhal) (1783 –1842) Nhà văn

“Ngay từ lúc khởi đầu của nhân loại, Tôn giáo gây ra nhiều đau khổ hơn là bất cứ ý niệm nào khác. Chẳng có điều gì tốt của tôn giáo mà tôi có thể nói đến. Người ta dùng tôn giáo như cái gậy chống đỡ “
Larry Flynt (1942) Kỹ nghệ gia Báo chí.

“Tôi chống tôn giáo vì nó dạy chúng ta thỏa mãn sự không hiểu biết về thế giới”
Richard Dawkins, Nhà sinh học

“Vấn nạn khi viết về tôn giáo là bạn mạo hiểm gây xúc phạm những người tôn giáo chân thành, và rồi những người này sẽ rượt đuổi bạn với cái búa rìu trên tay”
Dave Barry (1947) Nhà văn

“Khi chủ nghĩa Đại Bản Trị (phát xít) đến nước Mỹ, nó sẽ được bao phủ với quốc kỳ và đeo thánh giá”
Harry Sinclair Lewis (1885 –1951) Nhà văn

Thursday, March 10, 2016

“Chính trị hóa” làm tê liệt xã hội

Nhân việc bàn về “phi chính trị hóa quân đội”, cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hàng loạt vấn đề của xã hội hôm nay như đạo đức suy đồi, quá tải bệnh viện, giáo dục xuống cấp, thanh niên không có tay nghề lẫn kỹ năng làm việc, không thể tuyển người giỏi vô làm công chức… Có thể khẳng định, đó là do chúng ta “chính trị hóa” mọi mặt của đời sống xã hội. Chính trị hóa len lỏi tới mọi ngành nghề, mọi giới và mọi nơi. Chính trị hóa đã làm xơ cứng xã hội, làm tê liệt xã hội, khiến không ai dám nói thật vì sợ “phản động”, không ai dám làm vì sợ “làm trái ý lãnh đạo”, không ai dám sáng tạo vì sợ “lãnh đạo biết mình giỏi hơn”…

Suy cho cùng, ai cũng phải căng thẳng, vắt óc suy nghĩ để nói gì và làm gì sao cho đẹp lòng lãnh đạo để mà sống vì miếng cơm manh áo. “Nói thật thì sợ mất lòng” nên đành phải… nói dối. Mà nói dối lâu ngày thành thói quen và trở thành bản chất của mình lúc nào không hay. Hậu quả là mọi người chỉ nói theo những gì lãnh đạo (cơ quan, tổ chức…) đã nói và muốn nghe. Những ai tồn tại và được thăng tiến được trong môi trường đó thì gần như chắc chắn cũng thuộc hàng “nịnh hót” và “miệng lưỡi đỡ tay chân” mà thôi. Mà người giỏi, người tài thì không ai thích làm chuyện đó cả, mà họ cần một lãnh đạo anh minh, biết tạo đất để họ dụng võ, phát huy hết khả năng của mình. Thế thì làm sao chúng ta có được người giỏi người tài, khi mà hiện nay tiêu chí xét thăng chức quản lý từ cấp thấp nhất là phó phòng, phó khoa của một bệnh viện bắt buộc phải là… đảng viên Đảng Cộng sản bất kể chuyên môn “có vấn đề”!

Chúng ta đã trải qua nhiều thời kỳ: chiến tranh, bao cấp, đổi mới. Dễ nhận ra rằng, khi “chính trị hóa” càng rộng ra nhiều mặt của xã hội thì không khí càng “nghẹt thở” và càng trở nên “bí hiểm”. Trước đây, thời bao cấp do chính trị hóa cả lĩnh vực kinh tế nên hậu quả là ai cũng trở thành “tội phạm” vì bán các mặt hàng cơ bản như thực phẩm, hàng gia dụng… mặc dù chỉ đơn thuần là “làm để kiếm ăn”. Lúc đó chúng ta gọi một cách khinh miệt những người buôn bán là “bọn con buôn” và đổ hết những lý do làm kinh tế xáo trộn lên đầu họ. Sau khi mở cửa và “đổi mới”, chúng ta “thôi chính trị hóa” lĩnh vực kinh tế bằng cách dẹp bỏ chế độ tem phiếu và cửa hàng bách hóa, trả lại việc buôn bán cho dân nên kinh tế phát triển, có của ăn của để, và những người buôn bán được gọi một cách trìu mến là “thương nhân”, “doanh nhân”. Nói vậy không phải để bình phẩm đúng sai của lịch sử, nhưng để cho thấy cũng cùng một vấn đề, nhưng nếu nhìn dưới một lăng kính “chính trị” thì sẽ thấy đâu cũng là “kẻ thù”, cũng là “phản động”, nhưng nếu nhìn với lăng kính “dân sự” thì ai cũng có công đóng góp phát triển đất nước.

Như vậy có bao nhiêu lĩnh vực nữa mà chúng ta đã gỡ bỏ thành công cái “vòng kim cô” “chính trị hóa” và trả nó về “dân sự”, và rồi nhận ra rằng “tại sao ta không gỡ nó sớm hơn, vì nó có hại gì đâu?”. Đơn cử một lĩnh vực nữa chúng ta đã làm được, đó là người dân được tự do đi nước ngoài, điều mà cách đây không lâu là “phạm pháp”, là “phản bội Tổ quốc”, thậm chí du kích được quyền bắn bỏ ngoài bãi biển bất kỳ ai “đi vượt biên” mà không cần xét xử. Thế rồi mở cửa… nhưng vẫn chưa mở hết với lĩnh vực này. Tôi nhớ cuối những năm 1990 đầu những năm 2000 muốn làm passport phải khai báo là “thất nghiệp” hoặc “lao động tự do”, chứ nếu khai là trí thức như bác sĩ, dược sĩ… thì không thể nào được cấp passport. Ngày nay thì mọi người đều có thể làm passport một cách tự do mà không cần có lý do, muốn đi nước nào thì đi, miễn nước đó nhận mình, kể cả “đế quốc Mỹ”. Vậy thực sự việc đi nước ngoài có quá nguy hiểm với chế độ, có “làm mất chế độ” như chúng ta từng lo sợ không? Ngược lại nữa là khác! Lượng kiều hối quay ngược lại để phát triển đất nước là một minh chứng thưc tế.

Thử nhìn vào Bắc Triều Tiên xem lãnh đạo họ hành xử có bất thường không? Nếu trả lời “có”, tức là chúng ta đã thoát ra rồi, đang đứng ngoài nhìn vào họ. Nếu chúng ta đứng chung với họ thì sẽ trả lời là “không có gì bất thường”. Quay ngược lại thời bao cấp, hình ảnh của chúng ta trong con mắt của thế giới giống y như vậy, giống đến từng chi tiết nhỏ nhất. Giờ đây, chúng ta đang cố giữ thể chế “toàn trị”, cái mà thế giới phương Tây văn minh họ lên án rất nhiều vì nó làm khổ dân, làm suy yếu đất nước và khuyên chúng ta nên thay đổi để có lợi cho chính chúng ta, giúp chúng ta phát triển hơn, văn minh hơn, đồng thời bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tốt hơn. Vậy hãy thử dũng cảm “nhảy ra” khỏi cái vòng luẩn quẩn đó thì mới thấy chúng ta “đang bất thường”. Đừng cố thanh minh và biện minh làm gì, chỉ tốn thời gian và càng chứng tỏ mình “tham quyền cố vị” mà thôi. Muốn xem một trận bóng hay thì phải ngồi ở khán đài, chứ đâu ai đứng trong sân mà xem. Hãy thử đứng ở khán đài một lần để có cảm giác như thế nào là bình thường và bất thường.

Quay sang Miến Điện, những cú xoay chuyển ngoạn mục của họ có làm họ suy yếu thêm không? Có làm họ “lệ thuộc Mỹ” không hay là thoát khỏi “gọng kìm Trung Quốc”? Có bị ai “giật dây” không? Dân họ sướng hơn hay khổ hơn sau cú chuyển xoay đó? Xã hội của họ có bị rối loạn không hay là dễ thở hơn nhiều? Với đà này, chỉ cần 10 năm nữa họ sẽ vượt qua mặt chúng ta ngay, chắc chắn là vậy. Phải nói ngay, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ, không chiếm nước ta, trong khi Trung Quốc nhiều lần bành trướng xâm lược nước ta. Minh chứng cho điều này là chỉ khi Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam thì Trung Quốc mới dám khởi binh chiếm Hoàng Sa. Như vậy ai dã tâm thì đã biết rõ rồi.

Các vấn nạn xã hội hôm nay mà chúng ta đang phải đối mặt đều có cùng một nguyên nhân là “chính trị hóa”. Do chính trị hóa nên nhiều lĩnh vực đáng lẽ thuộc dân sự, nhưng lại được tổ chức và vận hành mang màu sắc chính trị. Hậu quả là, các tiêu chí đánh giá tổ chức dân sự đó tốt hay xấu đáng lý ra phải dựa vào các tiêu chuẩn chuyên môn, nhưng lại dựa vào tiêu chí chính trị! Hãy thử phân tích từng quốc nạn sẽ rõ.

1. Quá tải bệnh viện

Tôi thấy trải qua bao đời Bộ trưởng Bộ Y tế, và với quyết tâm chính trị rất lớn là làm sao để giảm quá tải bệnh viện, nhưng đều thất bại. Kết quả là quá tải bệnh viện lớn, chuyên môn sâu ở Hà Nội và Sài Gòn vẫn là vấn đề nhức nhối chưa có lời giải. Bộ trưởng nào lên cũng tìm một lý do để giải thích cho sự quá tải đó, nhưng tất cả đều là mệnh lệnh hành chánh và không thể thành công trong thực tiễn. Các giải pháp “ngăn sông cấm chợ” (khám bệnh theo tuyến, trái tuyến trả tiền cao hơn) đã từng làm và từng thất bại, nhưng nay lại tiếp tục đem ra làm, và chắc chắn sẽ thất bại tiếp. Sao không thử nghĩ, nếu con của Bộ trưởng bị bệnh nguy cấp trên đường đi công tác, Bộ trưởng có dám đưa con vô cấp cứu tại một bệnh viện tỉnh không, chưa nói đến bệnh viện huyện, hay là tức tốc về Sài Gòn hay Hà Nội để cứu chữa, hay thậm chí bay sang nước ngoài? Thế thì tại sao lại bắt người dân phải vô khám những nơi điều trị kém như vậy? Ngày càng có nhiều bệnh viện cấp tỉnh kém về chuyên môn, mặc dù có trang bị trang thiết bị hiện đại, thì người dân ngày càng kéo về thành phố lớn. Tại sao như vậy?

Tại vì, không gì thay thế được con người cả. Nếu thay được, người ta đã chế tạo ra máy khám bệnh rồi, và không cần đào tạo bác sĩ làm chi cho tốn công, tốn tiền… Mà muốn có con người tốt thì phải được tổ chức tốt, thì mới thu hút được người giỏi ở lại và cống hiến hết mình. Chỉ cần có người giỏi làm việc thì không cần đầu tư máy móc hiện đại, cũng giải quyết nhiều vấn đề rồi. Mà muốn những người này ở lại làm, cách duy nhất là phải có lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện giỏi, và…không cần là đảng viên!

Người giỏi chuyên môn thì sẽ lấy tiêu chí chuyên môn ra để phấn đấu và để đánh giá nhân viên dưới quyền, kết quả là chuyên môn ngày càng cao và tăng uy tín cho bệnh viện. Còn người thăng tiến nhờ chính trị mà chuyên môn kém thì chắc chắn sẽ tập hợp quanh mình những người kém cỏi và khiến nhiều người giỏi và tâm huyết nghề nghiệp phải ra đi. Đó là chưa kể họ sẽ tham nhũng thông qua việc mua sắm thiết bị chất lượng kém với giá cao, bất chấp có ảnh hưởng tới hoạt động chuyên môn. Hiếm có người nào thăng tiến nhờ chính trị mà lại vừa giỏi chuyên môn. Tôi có bạn bè làm trưởng phó khoa, thậm chí giám đốc bệnh viện, họ tâm sự “vô Đảng cho có thôi, chứ mình chỉ thích làm chuyên môn”.

Như vậy hăy trả tổ chức bệnh viện về “dân sự” và thay đổi tiêu chí đánh giá bệnh viện dựa trên uy tín của bệnh viện về chuyên môn với dân chúng. Chỉ cần 64 tỉnh thành có 64 bệnh viện tỉnh thực sự giỏi chuyên môn là đủ sức giảm tải cho bệnh viện ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Không ai muốn tốn tiền tốn bạc, ăn dầm nằm dề tại các bệnh viện thành phố, phải bỏ công ăn việc làm để nuôi bệnh cả.

Tình hình hiện nay, chúng ta có dũng cảm “bỏ tiêu chuẩn đảng viên” trong lựa chọn giám đốc bệnh viện cũng như trưởng và phó khoa phòng không? Song song đó là thi tuyển giám đốc để chọn ra 64 giám đốc bệnh viện tỉnh giỏi, biết làm việc, có tâm với ngành. Chỉ cần vậy, trong vòng 5 năm sẽ xóa ngay tình trạng quá tải bệnh viện thành phố.

2. Giáo dục xuống cấp và đạo đức suy đồi

Giáo dục cũng tương tự, từ cấp tổ phó bộ môn trở lên phần lớn là đảng viên. Đó là chưa kể chương trình giáo dục chúng ta quá nặng nề về chính trị. Ngay cả dạy lịch sử, chúng ta cũng không khách quan, mà nặng tính chính trị, lồng ghép bình luận lịch sử theo quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản. Chính vì cách dạy lịch sử như vậy, nên không thể có lịch sử hay, không thể trách tại sao học sinh không biết lịch sử nước ta qua 4000 năm lịch sử hay tới mức nào. Ba tôi là Giáo sư dạy sử tiểu học thời chế độ Việt Nam Cộng hòa, chỉ cần nghe ông kể chuyện sử trong mỗi bữa ăn tôi cũng đã thuộc rồi, và thấy rất hay. Tôi biết tại sao có Trịnh-Nguyễn phân tranh, tại sao có dải đất phía Nam trù phú, tại sao ngoài Bắc có “con cả” nhưng trong Nam không có, mà bắt đầu là “con thứ Hai”, tại sao có áo dài Việt Nam, từ thời nào bắt đầu mặc quần hai ống, Huyền Trân Công Chúa có công như thế nào… rất rất và rất nhiều điều để nói.

Đạo đức xuống cấp là do chúng ta không dạy học sinh cách ứng xử, cách xưng hô, thưa gởi như thế nào. Con tôi mới học lớp 1, nhưng nó đột nhiên hỏi tôi: “Ba, bộ Bác Hồ tốt lắm hả Ba?”. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc, tại sao chuyện “đi thưa về trình” tôi lại phải nhắc mỗi ngày cả năm rồi mà nó vẫn quên hoài, có ông bà nội ngoại đến thăm thì phải nhắc nó liên tục để thưa, trong khi lại hỏi chuyện đó với một thái độ rất ngưỡng mộ! Tôi hỏi con “Vậy con biết Bác Hồ là ai không?”. Con trả lời “Dạ không. Nhưng Bác Hồ cho mình cơm ăn áo mặc, tốt lắm Ba”. Tới đó tôi cũng không biết nói gì hơn. Phải chi nhà trường dạy nó cách thưa Ba Mẹ đi học thì nói làm sao (“Thưa Ba Mẹ con đi học”) và cách trình khi về nhà như thế nào (“Thưa Ba Mẹ con đi học về”) và cách đứng nghiêm, khoanh tay, cúi đầu như thế nào và bắt các em thực tập tại lớp. Tôi đảm bảo chỉ cần có một lần như vậy, các em sẽ nhớ và làm theo ngay, vì các em rất nghe lời cô giáo, hơn cả ba mẹ. Những gì cô thầy dặn ở lớp, các em rất nghe theo, và về nhà đòi cho bằng được. Điển hình là đòi quà sinh nhật bạn trong lớp, tối 9-10 giờ phải đi mua cho bằng được, không thì không dám đi học nữa?!

Thiết nghĩ, mỗi lứa tuổi các em sẽ thường gặp những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Làm sao để các em biết ứng xử trong hoàn cảnh đó, biết phát hiện tình huống nguy hiểm và biết cách thoát ra bằng cách nào. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ để giảm đi rất nhiều tình huống bi thương như nạn hiếp dâm trẻ em, mà người phạm tội lại chính là những người thân hay lại chính là thầy giáo như đã thấy. Đừng dạy quá nhiều chính trị, triết học suốt cả 12 năm học, rồi lên Đại học cũng dạy tiếp tục, mặc dù cả người dạy và người học đều biết rõ nó vô bổ và phi thực tế, nhưng lại là cái “cần câu cơm” cho các giáo viên dạy các môn đó.

Người nước ngoài họ không khinh ta nghèo hay giàu, mà chỉ khinh ta không biết cách ứng xử nơi công cộng. Ngay cả chúng ta với nhau, cũng đôi lúc thốt ra câu này “giàu mà hành xử chẳng ra gì”. Vậy hãy dạy các em đừng hành xử “chẳng ra gì” như vậy, để các em “thành người”. Không có gì khó cả, chỉ cần dựa vào nhu cầu sống hàng ngày, các em lứa tuổi đó thì dạy gì để sống với cộng đồng.

 – Tiểu học: dạy đi thưa về trình, yêu quý ông bà cha mẹ thể hiện như thế nào, cách chào khách khi có khách tới nhà, cách giữ vệ sinh bản thân.

 – Trung học cơ sở: giáo dục giới tính, nhận diện những tình huống nguy hiểm cho giới tính và cách thoát ra, cách đi đường, cách ứng xử nơi công cộng (nói nhỏ, nhường người lớn tuổi và phụ nữ, xếp hàng, đón xe buýt…)

 – Trung học phổ thông (cấp 3): cách thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, cách giao tiếp ngoài xã hội, cách nói chuyện với người nước ngoài, cách ứng xử với bạn bè cùng phái và khác phái, hậu quả cho bé gái của việc quan hệ tính dục khi chưa đủ tuổi trưởng thành, tình yêu trong sáng…

Nhân cách con người hình thành qua các cách hành xử hàng ngày, lâu dần thành thói quen và trở thành bản chất của một con người, thông qua quá trình sống ở gia đình và học ở trường. Nhà trường có tác động rất lớn tới việc hoàn thiện nhân cách của trẻ. Do đó phải dạy trẻ, mà không chỉ dạy, mà phải uốn nắn từng chi tiết, để làm sao trẻ thực tập được, ứng xử như một người văn minh, có văn hóa, gọi là “có học thức”. Điều đó cần cả nội dung hay, giáo trình hấp dẫn, cách dạy có phương pháp, lẫn người thầy gương mẫu.

Khó để có người thầy như vậy trong xã hội ngày nay, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ mai một dần, sẽ hết dần những người có tâm huyết với giáo dục, chỉ còn lại những người toan tính về chính trị thì sẽ mất đi cái “đậm đà bản sắc văn hóa” mà chúng ta treo nhan nhản ở mỗi trường học. Nhưng cái bản sắc đó là gì, thì chưa chắc ông Bộ trưởng biết mô tả cụ thể, nói chi đến đưa ra chiến lược rồi triển khai thực tế, là khoảng cách rất xa.

Hãy trả giáo dục về dân sự, sức sáng tạo mạnh mẽ của người Việt sẽ làm nên những điều kỳ diệu mà không cần phải tốn nhiều thời gian, không cần phải “nhập khẩu” chương trình giáo dục, cũng không cần mời chuyên gia nước ngoài nào cả. Chỉ cần “phi chính trị hóa” nền giáo dục, để từng người hiến kế mà không bị quy chụp, không bị cho là phản động.

3. Không thể tuyển người giỏi làm công chức

Các ngành như Hải quan, Thuế, cơ quan nhà nước… thì đâu cần phải chính trị hóa. Làm công chức đâu nhất thiết phải theo Đảng Cộng sản hay bất kỳ một đảng nào khác? Việc chính trị hóa làm cho các công chức “tưởng mình là ngon” nên cứ “vênh vênh” và la ó chửi bới người dân rất khó coi. Chưa kể ăn cắp giờ công để làm việc riêng, tạo nên sức ỳ cho nền hành chánh nước nhà.

Các cơ quan làm công việc hành chánh cần chuyển về dân sự, không cần tuyển dụng dựa vào “lý lịch tốt” mà bỏ qua các yếu tố chuyên môn giỏi. Việc thăng chức cũng dựa vào chuyên môn, chứ không dựa vào lý lịch và đảng viên, sẽ loại bỏ những thái độ hống hách đặc quyền hiện nay. Lúc đó chính quyền sẽ trở nên thân thiện hơn với dân, mọi người sẽ làm việc theo chuyên môn, theo luật chứ không theo bất kỳ một mệnh lệnh chính trị nào khác.

Khi “dân sự hóa” các cơ quan hành chánh, một người công chức sẽ thấy trách nhiệm mình lên cao, phải làm gì để xứng đáng với vị trí đó, nếu vi phạm thì vẫn bị đuổi việc nghiêm khắc bởi người trực tiếp quản lý thì thái độ sẽ tốt hơn nhiều, bởi lúc đó họ biết rằng không còn chỗ dựa nào khác ngoài sếp trực tiếp của mình. Khi người công chức thấy người quản lý của mình xử lý anh minh, có chuyên môn cao, xử lý tình huống tốt và đáng để học hỏi, tự động anh ta sẽ phải làm việc hết mình và không dám chểnh mảng.

4. Báo chí và truyền thông không dám nói thật

Khi thông tin bị kiểm soát bằng chính trị, chứ không phải bằng luật thì không ai dám nói thật. Báo chí không tự do, không thể tạo ra tranh luận để tránh sai lầm đáng tiếc. Một vấn đề càng được tranh luận nhiều chiều, nó sẽ càng đi tới đồng thuận và thiệt hại do sai lầm khi triển khai càng thấp. Đó là mặt tích cực của báo chí cần phải được nhìn nhận. Có thể xem các điển hình của sự tranh luận là hầm Thủ Thiêm, dự án bô-xít Tân Rai, dự án tàu cao tốc Bắc-Nam…

Khi mọi phát biểu đều phải “rào trước đón sau”, đều sợ “phạm thượng” thì sẽ không có góp ý chân thành, không có lời nói thật để nghe, và chắc chắn sẽ lạc lối.

Sự tranh luận tự do sẽ làm cho vấn đề trở nên khách quan và ngày càng sát thực tế. Nhu cầu đó chắc chắn một xã hội nào cũng cần. Nhưng nếu bị “chính trị hóa” như hiện nay, ai cũng sợ bị chụp mũ, bị ghép tội, thì chẳng ai dám nói thật, vì nói thật chỉ “rước họa vào thân” mà thôi.

5. Nghệ thuật không có tác phẩm hay

Chúng ta hay than vãn vì sao ngày càng không có tác phẩm nghệ thuật hay. Câu trả lời là, nó phụ thuộc với mức siết và kiểm duyệt vì mục đích chính trị. Người nhạc sĩ, thi hào, văn hào, nghệ sĩ… chỉ có thể cống hiến những tác phẩm hay nhất khi họ đạt được sự rung cảm cao nhất khi sáng tác, thể hiện… Lúc đó, họ sẽ cảm thấy “mình ở trong đó” và nói lên hết những gì từ đáy lòng. Việc kiểm duyệt làm họ nhụt chí và không còn sáng tạo nữa. Sáng tác nhiều lúc là ngẫu hứng chứ đâu phải “theo giờ giấc” được.

 Sự tự do nói lên những suy nghĩ của họ sẽ tạo nên những tác phẩm bất hủ vượt thời gian.

6. Không dám bỏ tiền ra để làm ăn

 Khi mà “kinh tế Nhà nước là chủ đạo” thì không ai dám bỏ tiền ra làm ăn cả, vì sợ một ngày nào đó “mất trắng”. Ngành nghề nào Nhà nước cũng “chủ đạo” cả, từ thu mua xuất khẩu nông sản cho tới dịch vụ hàng không, đóng tàu… đều có công ty Nhà nước. Khó có một lĩnh mực nào mà Nhà nước không nhảy vào. Nếu “muốn sống” thì phải “né” mấy ngành đó hoặc phải “có ai chống lưng” hoặc phải là doanh nghiệp nước ngoài (vì không dám “đụng”). Kết quả là ai cũng thấy, các ngành “mũi nhọn, xương sống” đều bị gãy, đều thua kém các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc thậm chí có doanh nghiệp nhà nước chỉ làm thuê cho công ty nước ngoài đội lốt để nhận lấy vài phần trăm ít ỏi. Trong khi, dân có thể tự làm và thậm chí có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Nếu chúng ta “dân sự hóa” nền kinh tế, trả về cho dân tự làm tất cả các ngành nghề và họ sẽ cạnh tranh nhau để tồn tại, thì sẽ rất tốt cho xã hội. Nhà nước chỉ giữ những ngành chiến lược hoặc chỉ làm những ngành mà dân không làm như công nghiệp quốc phòng, dịch vụ công ích… Thu nhập của Nhà nước không phải từ các công ty Nhà nước, mà từ việc thu thuế. Chính sách thuế thấp nhưng công bằng, quản lý tốt, sẽ làm tăng ngân sách chứ không giảm. Là một người dân, khi đóng thuế thấp và phải chăng, ai cũng ý thức để đóng, thu đủ 100%, còn hơn là đặt mức thu quá cao rồi thất thu nhiều do trốn thuế. Khi người dân thấy nghĩa vụ của mình phải nộp thuế để phát triển đất nước, thì khi đó họ cũng thấy yêu nước hơn.

Nhà nước chỉ nên tập trung xây dựng bộ luật hoàn chỉnh, công bằng cho tất cả mọi người, chứ không nên ưu ái cho bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp nước ngoài. Khi chính sách rõ ràng, ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chiến lược do Nhà nước đề ra, sẽ được ưu tiên thuế thấp. Không nên ôm đồm lập ra nhiều doanh nghiệp Nhà nước để rồi mất kiểm soát dòng tiền Nhà nước đầu tư, tạo ra hệ lụy rất lớn cho xã hội, mà khó có thể giải quyết ngày một ngày hai.

Chúng ta hay nói “vàng trữ trong dân rất lớn” nhưng chặn hết ngõ đầu tư: chứng khoán, đô la, vàng, bất động sản… nếu dân có tiền thì đầu tư vào cái gì? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, chưa có lối thoát, lại bàn chuyện giải cứu. Sao không mạnh dạn bán hết các doanh nghiệp đó cho dân? Khi nhà nước cam kết “không quốc hữu hóa” và “tôn trọng và đảm bảo vĩnh viễn quyền sở hữu tư nhân” trong Hiến pháp (chứ không phải Sở hữu Nhà nước là chủ đạo như hiện nay) thì tôi dám chắc không phải nặng đầu để suy nghĩ “giải quyết” các bài toán doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ. Lúc đó đâu cần phải dùng mọi biện pháp như Ngân hàng Nhà nước làm hiện nay để “huy động vàng trong dân”? Nhưng rồi có huy động được không, cho tới thời điểm này?

Tượng Phật quá nhiều

Hỏi: Kính bạch thầy! Chùa nào cũng có rất nhiều tượng Phật, phía trước là thờ Tam thế chư Phật, Di Đà, Quan Âm, Thế Chí, kế là Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, hai bên là ông thiện và ông ác.

Đối diện trước chánh điện là tượng hộ pháp, phía bên tả chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, năm vị vua Diêm Vương, Quan Âm Thị Kính, bên hữu thờ Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, hay bà Chúa Tiên, Chúa Xứ, kế đó là năm vị vua Diêm Vương, tức là Thập Điện Diêm Vương, trước chánh diện là bàn thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề 18 tay, Tiêu Diện Đại Sĩ, phía sau chùa thờ cô hồn, các đảng và còn có chùa thờ bộ xương đầu ông cọp.

Đáp: Một ngôi chùa đúng đắn của Phật giáo thì chỉ có thờ một đức Phật duy nhất. Đó là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vì Ngài là người đầu tiên đã khai sinh ra Phật giáo, còn tất cả những vị Phật khác đang được thờ cúng trong chùa là do các Tổ tưởng tượng ra để truyền bá đạo Phật. Nói cho đúng hơn, trên đường truyền bá, các Tổ đã bị ảnh hưởng của ngoại đạo và đã lượm những đức Phật, thần thánh này của dân gian, lôi lên bàn thờ để làm vui lòng những người dân địa phương, nhờ thế mà họ mới cúng dường.

Các Tổ truyền đạo vì danh, vì lợi, nên các Ngài tiếp nhận tất cả mọi sự mê tín dân gian và các tôn giáo khác. Thế là Phật giáo chân chánh trở thành Phật giáo hỗn tạp đa thần, đa pháp môn, bỏ mất nguồn gốc Phật giáo chân chánh.

Còn Phật giáo chân chánh thì xả bỏ danh, lợi và bỏ tất cả, chỉ còn ba y một bát, đời sống xin ăn bữa đói, bữa no thật là vất vả. Các Tổ theo Phật giáo chân chánh không chịu nổi, cho nên các Ngài bẻ vụn giới để mà sống, phạm giới để hòa hợp với dân gian, với mọi sự mê tín, cúng bái, tế lễ, cầu siêu, cầu an, v.v... (giết chúng sanh tế lễ) như các tín ngưỡng khác để dễ bề lừa đảo mọi người và lường gạt tín đồ.

Cho nên, sau khi đức Phật tịch, những người đệ tử tu chứng thì vào núi rừng ẩn bóng rồi tịch mất, còn lại những đệ tử tu hành chưa chứng thì tâm danh lợi tham đắm còn nhiều, nên phân làm nhiều bộ phái như chúng tôi đã nói ở trên, chiếm lãnh một giáo đoàn rồi tự do phát triển mọi thủ thuật điêu ngoa, xảo trá, lừa đảo bằng lối lý luận theo kiểu 62 luận chấp của ngoại đạo, để tạo danh, tạo lợi. Từ đó, kinh sách phát triển viết ra rất nhiều cuốn, cuốn nào cũng lý luận trên mây xanh mà tu hành chẳng ra gì; chỉ có xây dựng chùa to, Phật lớn, những ngôi tháp vĩ đại. Tu sĩ ăn uống, ngủ nghỉ, sống như một ông quan to, đi ra thì có tiền hô, hậu ủng, xe cộ rầm rộ.

Tu sĩ hiện giờ thì giàu có hàng tỷ bạc, trong lúc dân chúng tín đồ quá nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; dành dụm đồng nào thì đi đem cúng chùa để được phước, để được siêu thoát, chỉ nuôi hy vọng như vậy mà bị kẻ khác lừa đảo một cách rất đáng thương.

“Cúng dường xây chùa, đúc chuông, tạc tượng Phật, xây tháp và cúng dường chư Tăng sẽ được phước báo vô lượng”. Nhờ lời phỉnh gạt này mà chùa nào chùa nấy đều xây dựng hàng tỷ bạc, biến cảnh tu hành thành nơi thắng cảnh du ngoạn của mọi người.

Chùa thờ càng nhiều Phật thì thu lợi càng to: mỗi tượng Phật cúng một đồng, 10 tượng cúng 10 đồng, 100 tượng cúng 100 đồng. Vì tư lợi như vậy nên chùa nào cũng đua nhau thờ nhiều Phật, đó là hình thức làm tiền. Người dân mê tín, cứ nghĩ rằng mình cúng và lạy nhiều tượng Phật, nhờ nhiều ông Phật phò hộ thì tai qua, nạn khỏi dễ dàng hơn, cho nên thấy tượng nào cũng thắp hương, lễ bái. Còn cúng và lạy có một ông thì được sự phù hộ ít và có thể tai nạn đến. Lợi dụng sự mê tín mà các chùa để thật nhiều hình tượng, nhất là chùa có ống thẻ xin xăm xóc quẻ, cúng sao, giải hạn thì phật tử lại cúng càng nhiều.

Nói một cách khác, chùa thờ nhiều tượng Phật là có mục đích tạo sự mê tín để lừa đảo lường gạt tín đồ cúng bái nhiều. Nhưng chính sự thờ phượng này, quý thầy trong các chùa cũng không hiểu đó là sự mê tín, sự lừa đảo, mà chỉ biết xưa bày nay làm, tổ tổ tương truyền. Quý thầy chỉ biết làm theo các tổ, chứ quý thầy không ý thức rằng việc làm của mình là mê tín, là lừa đảo tín đồ. Các thầy cũng tin tưởng mê tín như các phật tử; tin rằng có chư Phật, Bồ tát gia hộ; tin rằng có linh hồn, có Phật tánh, có thế giới siêu hình, có thần, thánh, tiên, Phật, chư Bồ tát, ma, quỷ; tin rằng có cõi Địa Ngục, Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn và các cõi Phật, có 10 phương chư Phật, chư Bồ tát vô lượng vô biên, v.v... Tất cả mọi người, không riêng gì tín đồ Phật giáo, đều đang sống trong tưởng thức. Còn quý thầy là những người tu sĩ, đang giữ gìn giới luật mà vẫn phải sống trong tưởng thức như những người chưa biết giới luật. Thế là quý thầy truyền dạy lại sự mê tín của mình (được thầy tổ truyền thừa), chứ quý thầy không có tội lừa đảo lường gạt người khác.

Thầy tổ dạy sao thì cứ dạy lại cho người khác như vậy.

Thật là một người mù dẫn đám người mù đi, rồi mỗi người mù trong đám người mù lại dẫn đám người mù khác đi. Cuối cùng, không có một người nào sáng mắt, toàn là mù, vì mù nên phải xóc thẻ làm thầy mù.

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Tuesday, March 8, 2016

Thử hỏi một lần ta là ai?

Có lần tình cờ nghe được mấy câu, cũng vì thế mà đi tìm mãi một câu trả lời.

Thử hỏi một lần ta là ai?
Mà sao mộng mãi giữa đêm dài
Đêm dài quên ngủ trong sinh tử
Thử hỏi một lần ta là ai?

Ta là ai vậy nhỉ, ta có phải là cái tên này không? Không rồi, cái tên là do cha mẹ đặt cho, cũng có thể thay đổi được. Hay ta là thân xác này, nhưng thân xác này rồi cũng không ra khỏi vòng sinh lão bệnh tử, sẽ có ngày về chốn viễn phương mà thôi. Ta là ai mà giữa chốn hồng trần này, cứ mải miết, mải miết trong những vòng xoáy cuộc đời, những bon chen toán tính, những tất bật hơn thua, khổ ải trầm luân…

Ta trước hết chỉ là một con người còn si mê, cạn cợt. Những điều ta biết chẳng qua chỉ là những thứ quá ít ỏi, nhỏ nhoi như một hạt bụi trong cái biển kiến thức mênh mông của thế gian, chưa nói tới những kiến thức của bậc thánh nhân, những hiểu biết xuyên suốt thời gian và không gian. Ta tranh cãi nhau, hơn thua nhau chỉ một vài câu chuyện, một vài tình tiết, một vài kiến thức nho nhỏ, chỉ là chuyện lặt vặt. Còn những cái lớn hơn, những kiến thức để nâng ta thoát khỏi cái màn vô minh dày đặc thì ta lại chưa biết một chút gì. Chẳng phải thế mà ta lúc nào cũng như vô đường vô hướng giữa biển khơi.

Ta còn là một con người mà đúng sai chưa tường, thiện ác chưa phân. Ta chưa biết đâu là thiện, đâu là ác, lúc làm việc thiện, lúc làm việc ác. Cứ nghĩ cái thiện và cái ác phân minh rõ ràng, ai ngờ nó đan xen, lẩn lấp, trong thiện có ác, mà trong ác có thiện, khiến cho ta u mê, lúng túng. Ví như thực hiện một ca phẫu thuật đó là thiện hay ác, đâu là thiện, đâu là ác. Một con cáo đang chuẩn bị bắt một con nai, ta giết con cáo để con nai không bị ăn thịt, ta có khác con cáo kia không, ta là ác hay thiện?

Trong Phật giáo có ghi lại, khi Phật đản sinh, Người đã chỉ lên trời rồi chỉ xuống đất: ‘‘Thiên Thượng, Thiên hạ, duy ngã độc tôn.’’. Đó là cái ta của đất trời vũ trụ. Đức Phật muốn gợi ý ta tìm thấy ta trong khắp đất trời. Ta có mặt trong cây cỏ hoa lá, trong con cá dưới sông, con chim trên trời… Tất cả đâu đó có phần xương thịt của ta.

Vậy có phải, ta xé một cái lá, bứt một nhành hoa, phá một cánh rừng, bắn một con chim… là ta đang hủy hoại chính mình không. Ta giận một người, ta đánh nhau với một người, ta hận thù một người… suy cho cũng cũng chỉ là hành động tay phải đánh tay trái mà thôi.

Vậy nên ta là yêu thương, là sẻ chia, là hy sinh và phụng sự, là sống vì mọi người, đây là vô ngã. Vô ngã không phải là không có cái ta, mà vô ngã là ta nằm trong vô lượng ngã. Còn sống riêng cho mình là bản ngã, là đánh mất đi chính mình, đánh mất đi cái ta chân thật.

Cuối cùng, ta tìm được cái ta chân thật là tìm được cái yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, hy sinh và phụng sự trong mỗi nhành hoa ngọn cỏ, trong từng con người sống quanh ta.

Saturday, March 5, 2016

Nguồn gốc vũ trụ

Hỏi: Kính bạch Thầy, nguồn gốc vũ trụ như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Nguồn gốc vũ trụ chỉ là một môi trường sống hoặc chết đối với trí hữu hạn của chúng ta, nếu muốn tìm hiểu biết rõ hơn nữa thì trí hữu hạn không cho phép chúng ta hiểu, còn trí vô hạn của chúng ta chưa có mà chúng ta muốn hiểu thì chúng ta sẽ hiểu bằng tưởng tri, mà hiểu bằng tưởng tri thì sai sự thật, cho nên bây giờ chúng ta nên tìm hiểu cái gì có lợi ích thiết thực cho chúng ta và mọi người thì không phí thì giờ quý báu, thì giờ đó chúng ta làm những việc ích lợi khác còn có ý nghĩa hơn.

Cho nên ngày xưa có những ai hỏi Phật những điều không ích lợi, những hý luận ảo tưởng mơ hồ thì đức Phật làm thinh, không trả lời. Còn ở đây Thầy cố gắng giải thích để mọi người hiểu một cách đại khái về nguồn gốc của vũ trụ. Dù chúng ta có biết rõ về nguồn gốc của vũ trụ thì cũng chẳng có ích lợi gì cho cuộc sống mà hằng ngày chúng ta thọ chịu biết bao nhiêu là sự khổ đau.

Bấy giờ cháu hãy lắng nghe cho kỹ nguồn gốc của vũ trụ: Chỗ nào có môi trường sống là nơi đó có cỏ cây và loài động vật xuất hiện, còn chỗ nào không có môi trường thì nơi đó là môi trường chết. Chết ở đây nghĩa là chưa có muôn loài vật sống, chứ riêng hành tinh ấy vẫn sống vì nó đang hoạt động, đang đi trên quỹ đạo của nó, cho nên nói nó chết là không đúng.

Những phi thuyền thám hiểm cung trăng và được các nhà khoa học nghiên cứu cho biết mặt trăng là hành tinh chết. Điều này không đúng, vì mặt trăng đang đi quanh trái đất. Nó đang hoạt động như vậy sao bảo là nó chết. Mặt trăng đang hành như vậy thì nó sẽ tạo duyên hợp cho các duyên hiện có thành những duyên mới, những duyên mới hợp với những duyên cũ tạo thành những duyên mới khác nữa. Khi duyên hợp trùng trùng như vậy thì một ngày kia mưa gió sẽ thuận hoà và cỏ cây sẽ xuất hiện. Cỏ cây sẽ xuất hiện, thì lần lượt loài động vật xuất. Loài động vật xuất thì loài người trên cung trăng sẽ xuất hiện.

Như vậy một vài triệu năm nữa cung trăng cũng có môi trường sống như trái đất của chúng ta. Nói đến môi trường thì không thể nào nói đến môi trường đơn điệu được. Tại sao vậy ? Vì khi có cái này thì phải có cái kia, vì thế đức Phật dạy: “Thế giới là do các duyên hợp” Có duyên hợp mới có thế giới. Có thế giới mới có vũ trụ, nhưng ở đây ai tạo ra duyên hợp?

Chính các hành đấy. Không có hành thì không có duyên hợp, không có duyên hợp thì không có thế giới, không có vũ trụ. Đến đây chúng ta bảo rằng các hành là nguồn gốc của vũ trụ thì chưa đúng. Vì các hành phải có sự điều khiển của ai đó. Vậy ai đó điều khiển các hành? Xin thưa, không có ai điều khiển các hành, vì các hành thường hoạt động theo sự vô minh của mình, nên Phật dạy: “Vô minh” Như vậy vô minh là nguồn gốc của vũ trụ ư?. Không đúng đâu! Nguồn gốc của vũ trụ là 12 nhân duyên, chứ không thể một nhân duyên mà thành nguồn gốc của vũ trụ được. 12 nhân duyên gồm có:

1- Duyên Vô minh
2- Duyên Hành
3- Duyên Thức
4- Duyên Danh sắc
5- Duyên Lục nhập
6- Duyên Xúc
7- Duyên Thọ
8- Duyên Ái
9- Duyên Thủ
10- Duyên Hữu
11- Duyên Sanh
12- Duyên Ưu bi, sầu khổ, bệnh tử

Đó là nguồn gốc vũ trụ hiện bày một thế giới quan đầy khổ đau của loài người mà đức Phật đã xác định rõ ràng. Bài pháp 12 nhân duyên là đức Phật đã chỉ rõ cho mọi người biết nguồn gốc vũ trụ. Nếu 12 nhân duyên này không có thì vũ trụ này không có. Vũ trụ này không có thì con người và vạn vật không có. Con người và vạn vật có thì vũ trụ này có. Con người và vạn vật có đều do 12 nhân duyên. Vì thế gốc vũ trụ là 12 nhân duyên như trên đã xác định.

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Friday, March 4, 2016

Người phụ nữ có phúc hay không chỉ cần nhìn một điểm là biết rõ

Phụ nữ thuộc về tính âm, âm thì phải ẩn. Trước hết nó thể hiện về mặt trang phục. Trang phục của người phụ nữ nhất định không được quá hở hang, lộ liễu, tốt nhất là càng kín đáo càng tốt. Đàn ông đối ứng với trời, phụ nữ đối ứng với đất.

Phụ nữ ăn mặc hở hang không khác gì đất bị hoang mạc hóa, mà đất bị hoang mạc hóa thì sao có thể có cây sinh trưởng? Nhưng ngày nay, phụ nữ càng ngày càng không kín đáo, phụ nữ ăn mặc quá hở hang lộ liễu thường thường là không có phúc báo.

Một người phụ nữ sống càng kín đáo thì phúc báo càng lớn. Đây cũng chính là kiểu phụ nữ ẩn được mình.

Người phụ nữ có thể ẩn mình là người phụ nữ có nội tâm vững vàng, thận trọng, rất sâu sắc. Giống như két sắt và ví da vậy, két sắt là bất động còn ví da là động. Trong két sắt đựng là bảo bối, của quý còn trong ví da chỉ là chứa đựng một số tiền để chi tiêu tạm thời mà thôi.

Người có phúc báo lớn thường có một điểm đặc biệt nổi bật đó chính là thiền định. Họ không dễ dàng bị gió mạnh làm cho lung lay và cũng không dễ dàng bị căng thẳng. Thái độ thong dong, bình tĩnh đều là từ thiền định mà ra đấy. Người không có phúc báo thì ngồi không yên. Người có sắc thân không thanh tịnh thì rất khó để khai phát trí tuệ.

Có người nhìn một chiếc xe ô tô sang trọng liền muốn sở hữu, không có được thì đau khổ. Điều đó nói lên rằng, phúc báo của người này cũng chỉ lớn bằng chiếc ô tô và tâm lượng cũng chỉ lớn bằng chiếc xe mà thôi. Chiếc xe có thể dễ dàng khiến tâm của người đó dao động.

Có đôi lúc, cái miệng làm tổn hại phúc báo. Trong một gia đình, nếu như người phụ nữ có cái miệng không tốt thì gia đình ấy sẽ khó mà thịnh vượng. Vì vậy, người phụ nữ phải giữ khẩu đức. Có người nói: “Tôi không sát sinh, không phạm tội trộm cắp, không tà dâm chỉ là nói miệng một chút thôi thì có thể tổn hại đến phúc báo không?” Kỳ thực, mọi người không để ý rằng lời nói ra là xuất phát từ tâm, tâm niệm một khi đã xuất ra là truyền tới toàn thể vũ trụ rồi.

Phúc báo của người phụ nữ là đến từ người chồng giàu có sao? Hay là đến từ ông chủ? Hết thảy đều không phải, nó là đến từ chính bản thân mình. Phúc báo của chúng ta là do chúng ta tích góp, nó đến từ thiện tâm, thiện hành và những nỗ lực tích cực. Nó còn đến từ ngôn hành và cử chỉ của chúng ta!

Theo SKCĐ

Đời người phúc họa vô thường!

Con trai yêu dấu!

Đời người phúc họa vô thường! Không một ai biết trước mình sẽ sống được bao lâu. Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn. Cha là cha của con, nếu cha không nói với con, có lẽ không ai nói rõ với con những điều này!

Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà ba ghi nhận được, nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều các con nên ghi nhớ trong cuộc đời:

1 - Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời này, không ai có bổn phận phải đôi xử tốt với con cả, ngoại trừ ba và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2 - Không có người nào mà không thể thay thế hay tồn tại mãi với mình được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3 - Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4 - Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nếu người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi luy vì thất tình.

5 - Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khi trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỹ điều nầy!

6 - Ba không yêu cầu các con phải phụng dưỡng ba trong nửa quãng đời còn lại của ba sau nầy. Ngược lại, ba cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc ba đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi oto nhà, các con ăn soup vi cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7- Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghiã là người ta sẽ đối xử lại mình như thế, nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8- Trong mấy mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9 - Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân trọng và hãy qúy khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu.


Bức thư được viết bởi Tôn Vận Tuyền, một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan. Ông sinh năm 1913 mất năm 2006 Ông có công xây dựng mười dự án siêu cấu trúc (như Sân bay quốc tế Tưởng Giới Thạch, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc quốc gia Tôn Dật Tiên, Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia... Ông còn được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về công nghệ và kinh tế ở Đài Loan.

Không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm kinh tế, chính trị, ông còn được biết đến với bức thư gửi con trai. Trong thư, ông đã gửi gắm những bài học sâu sắc được nhiều người quan tâm. Bức thư đã được dịch lại bằng nhiều thứ tiếng và được lan truyền trên mạng xã hội, cũng như trên các diễn đàn trong thời gian gần đây.

Dòng thời gian

Nói về thời gian người ta thường ví với dòng sông. Có lẽ vì cũng như sông chảy theo dòng về phía trước thời gian cũng một chiều từ hôm qua đến hôm nay sang ngày mai. Thời gian như dòng sông cũng chảy qua nhiều khúc quanh chỗ ngoặt có khi ta biết nó chảy về đâu có khi ta không biết đâu là nơi nó chảy. Ta nói thời gian trôi cũng như sông trôi. Cái đã trôi qua không trở lại. Và trong dòng chảy trôi ấy của sông của thời gian muôn vật biến đổi không ngừng nghỉ.

Khổng Tử ở phương Đông đứng bên trên sông ngắm nhìn dòng nước mà nói với các học trò: "Thệ giả như tư phù; bất xả trú dạ" (Mọi vật đi qua như nước này chảy đi; ngày và đêm không có vật chi ngừng nghỉ). Heraclit của phương Tây thấy sông là thấy sự chuyển động: "Không ai tắm hai lần trong một dòng sông". Nhưng không chỉ vì sông trôi nên nước tắm ta lần trước đã không còn phải là nước tắm ta lần sau. Mà còn vì thời gian trôi ta ở lần tắm sau đã khác ta ở lần tắm trước. Nghĩa là thời gian làm cả sông và ta thay đổi.

Xuân Diệu (1916 - 1985) thi sĩ yêu đời cuồng nhiệt nên luôn cuống quít với bước đi của thời gian. Ông thúc giục con người phải vội vàng để sống hết cõi sống trần gian căng hết các giác quan để tiếp nhận và cảm thụ hết mọi hình bóng mùi vị thanh âm hương sắc cuộc đời. Nói về thời gian ông có một bài thơ thật hay lấy chuyện đi thuyền để nói. Con thuyền đi trên sóng nước dòng sông cụ thể nhưng đời người ta cũng là con thuyền trôi trên sóng nước cuộc đời mà mỗi khắc mỗi giây luôn thay đổi cùng với sự đổi thay của đất trời vũ trụ của chính cơ thể mình nữa.

Thuyền đi mà nước cũng trôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Lòng thơ mơ tưởng cũng thay khác rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này

Thuyền chuyển động nước chuyển động mây chuyển động tôi chuyển động. Bốn cái động tương tác thành chuyển hóa của "tôi" phút trước sang "tôi" phút này. Dòng sông thời gian trôi lững lờ dửng dưng chỉ con người là thấy nó như nước chảy mây trôi khi êm đềm khi bão tố. Mỗi con người chỉ ngụp lặn một thời đoạn trên dòng sông thời gian. Nhân loại thì sống với dòng sông ấy kiếp này qua kiếp khác.

Thời gian một đi không trở lại nên con người sống là phải chạy đua với thời gian phải tận hưởng những lạc thú ở đời. Trong những lạc thú ấy có rượu. Rượu uống để say đê mê để quên những phiền muộn để được ảo giác thăng hoa và cái chính là để quên đi cái kiếp người hữu hạn trên dòng thời gian.

Lý Bạch (701 - 762) ca khúc "Tương tiến tửu" vì ngẫm đời người sáng tóc còn xanh chiều đã bạc trắng như nước sông Hoàng Hà chảy ra biển khơi khôn vời lại được. Vậy nên "Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch / Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh" ( "Thánh hiền bặt dưới cỏ xanh / Chỉ phường bợm rượu lưu danh trên đời" - câu dịch của nhà thơ Lê Đạt). Uống rượu như thế là một cách chống chọi với sự chảy trôi của thời gian một cách tìm ý nghĩa sự tồn tại của đời người.

Nguyễn Du (1765 - 1820) cũng chung một ý này: "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi?" ("Rượu không uống cạn sinh thời / Tới khi xuống mộ ai người tưới lên"). Nhà thơ của chúng ta khi qua một con sông cũng thấy nước chảy về đông "thao thao cánh bất hồi" ("cuồn cuộn trôi đi không trở lại"). Trong một giấc mộng ông cũng lại thấy "Thệ thủy nhật dạ lưu" ("Dòng nước ngày đêm chảy mãi") mà người đi xa mãi không về ("du tử hành vị quy"). Một lần nhìn sông Lam nước lên to ông ngẫm ngợi kiếp người sao cứ liều mình vào chỗ hiểm nguy "khứ giả hà thao thao / lai giả thượng vị dĩ" ("Người trước đã cuồn cuộn qua rồi / Người sau còn đến tiếp không ngớt").

Biết sao được dòng sông thời gian cứ thế cuốn ta đi. "Nước thời gian nhuộm tóc trắng phơ phơ" (Đoàn Văn Cừ) Nhưng "nước đi ra bể lại quay về nguồn" (Tản Đà) mỗi con người mỗi thế hệ người lại nối tiếp nhau trên dòng thời gian đi tới phía trước mang theo tất cả những nỗi niềm nhân sinh của bao đời bao kiếp như thuở ban đầu mà chừng như nhân loại không bao giờ thỏa mãn bằng lòng.

Chàng Faust từng kêu lên "thời gian ơi ngừng trôi" nhưng có bao giờ nước ngừng trôi từ sông ra bể. Có chăng là một tâm trạng bùi ngùi "Đến đây gần bể xa nguồn / Con sông chảy chậm nỗi buồn tan lâu" (Vũ Quần Phương). Không ai cưỡng được dòng chảy thời gian nhưng là con người ai cũng có thể dùng tâm trí tâm tưởng tách mình lên trên dòng chảy ngoái nhìn những bờ bãi đã qua vọng tới những chân trời sắp tới để vừa hoài niệm vừa hy vọng trông chờ. Nhất là mỗi độ chuyển mùa...

Nguồn: phamxuannguyen.vnweblogs.com

Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động

Thời gian sẽ làm cho nếp nhăn trên mi mắt bạn hằn sâu thêm, thời gian sẽ làm cho tuổi đời của bạn chất thành ngọn núi cao, nhưng đời người không phải được đo bằng hai thứ đó.

Ralph Waldo Emerson, nhà thơ, triết gia Mỹ (1803-1882) là người hiểu rõ giá trị của một đời người hơn ai hết. Ông cho rằng “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ không phải bằng thời gian”.

Cái lý của ông làm cho những người có mái tóc bạc bối rối khi họ thường hay thốt ra câu nói “Tôi đã chừng ấy tuổi rồi nên tôi biết cả”, hoặc là “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, hoặc là “Người nhỏ thì biết gì mà nói, cứ đứng dựa cột mà nghe đi”, hay là “Việc đó cứ để cho người lớn làm, đồ hỉ mũi chưa sạch”.

Mỗi người đều có một quan niệm sống riêng cho mình. Emerson đánh giá một con người qua quan niệm sống của họ, qua tư tưởng của họ và cụ thể hơn nữa là qua hành động của họ chứ không phải qua những lời hoa mỹ của họ.

Ai cũng có thể nói mình là người hay, giỏi và hơn người khác. Ai cũng cố bảo vệ cái tôi của mình vì cho rằng cái tôi của mình có thể đáng giá một cân bạc.Tuy nhiên, tự mình khen mình có một tư tưởng thuộc hạng top và muốn ai cũng phải theo mình thì chưa đủ, phải chờ xem cái hành động của anh có đi cùng với tư tưởng của anh hay không.

Tư tưởng lớn, tư tưởng vĩ đại nhưng hành động của anh chỉ đáng xếp hạng tầm thường thì giá trị của anh cũng chỉ ở mức tầm thường. Để biến tư tưởng lớn, vĩ đại đó thành sự thật, anh cần phải trả giá rất nhiều, không phải một ngày hai ngày, mà có khi là cả một cuộc đời.

Mỗi người đều là một triết gia của chính mình, lựa chọn quan điểm sống là lựa chọn riêng của mình, tư tưởng đó có bị trùng lắp với tư tưởng của một người nào khác hay không đều không quan trọng, điều quan trọng là sự trùng lắp ấy có mang đến cho bạn một kết quả như ý hay không, và tư tưởng ấy được bao nhiêu người đón nhận và bị bao nhiêu người phê phán.

Quy luật đúng đắn nhất vẫn là quy luật tuân theo số đông, nếu số đông ủng hộ tư tưởng của bạn thì bạn hoàn toàn tự tin để bắt tay vào hành động. Kết quả của hành động có thể sẽ không được mãn nguyện trong một thời điểm nào đó, nhưng sự nhiệt huyết và cống hiến của bạn để xây dựng cái nền móng ấy luôn được mọi người trân trọng và hoan nghênh.

Không thể đánh giá một con người qua dáng vẽ bề ngoài, vì dáng vẽ bề ngoài không thể phản ảnh được tư tưởng của người ấy. Đó là một điều đơn giản trong cuộc sống mà nhiều người cố tình hoặc vô tình bỏ qua.

Giá trị của một người, hiểu biết của một người cũng không nằm ở tuổi đời của họ, vì có biết bao người đầu bạc vẫn sống một cuộc sống không tư tưởng, hoặc họ chỉ mượn tạm tư tưởng của người nào khác để sống mà vẫn chưa hiểu hết được cái tư tưởng vay mượn đó có làm cho mình trở nên bừng sáng, hay là vẫn cứ lu mờ theo năm tháng, để đến khi nhận dạng ra hình hài của nó rồi thì mọi thứ đã muộn màng...

Nguồn: pclamdong.evnspc.vn