Nhiều người trẻ ngày hôm nay, khi được hỏi, "bạn học đại học để làm gì?" đã trả lời tỉnh queo, "em học để tồn tại". Và đây cũng là não trạng chung của nhiều người lớn hiện đang đi làm tại các văn phòng hay các cơ quan tổ chức. Cái khái niệm "Tồn Tại" là một khái niệm đã bén rễ sâu vào nếp nghĩ của nhiều người và chính nó đã làm cho người ta ra vô cảm, vô trách nhiệm, lạnh lùng, thờ ơ, vụ lợi, và vơ vén nhiều hơn.
Nếu chỉ để thuần tồn tại thì có lẽ người ta không cần phải đi học đại học hay học cao hơn nữa để làm gì, bởi việc tồn tại đối với một con vật đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, thì huống gì một con người có trí hiểu và có một tâm hồn đẹp. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại khác, có quá nhiều người ngày nay, từ thế hệ đi trước đến thế hệ trẻ đương thời lại cảm thấy việc tồn tại là một việc quá gian nan, đến mức phải đi tậu cho bằng được một tấm bằng đại học, cao học, và thậm chí tiến sỹ. Căn nguyên của não trạng này xuất phát từ một quan niệm xưa của ông bà ta, “học để làm quan cho cả họ được nhờ”. Cái quan niệm này, vô tình đang làm cho nhiều thế hệ không coi việc học ở tầm nhìn cao và vượt ra khỏi giới hạn “tồn tại” hay có địa vị xã hội, đó chính là học là để hoàn thiện nhân bản, kiện toàn sự hiểu biết của mình về thế giới, và đồng thời dùng kiến thức đã học được để kiến tạo một thế giới, một xã hội, và một đời sống cộng đồng tốt đẹp hơn.
Chính vì học để tồn tại, và cuộc sống trần gian này của mỗi người chỉ thuần là để tồn tại, nên người ta sẽ làm mọi giá để đạt được sự tồn tại cao nhất có thể ngang qua những tiêu chuẩn thuần thế tục: giàu sang, thành công vật chất, quyền bính, danh lợi hão huyền mà người ta đã cố tình dán cho nó một cái nhãn rất đẹp mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến trong Thông Điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2015 của Ngài, “chất lượng cuộc sống”. Khái niệm này, theo Ngài, “nó làm cho người ta nghĩ rằng đời sống chịu ảnh hưởng bởi bệnh tật là không đáng sống!” Vì thế, để gọi là người đang tồn tại có chất lượng, thì người ta buộc phải nỗ lực bằng mọi giá để kiếm thật nhiều tiền, nhiều quyền, và nhiều danh lợi. Nếu không có một trong những yếu tố trên, thì quả thật cuộc đời là không đáng sống một tí nào, chỉ có thể được gọi là người ngoài lề, bất lực, vô dụng, và công dân hạng hai hoặc hạng chót trong xã hội.
Sở dĩ cái ý thức hệ “học để tồn tại” nó ngấm sâu vào lòng người trẻ và trở thành một tiêu chuẩn sống và phấn đấu là do nền giáo dục từ gia đình. Đa số các bậc cha mẹ đều chăm bẵm bằng mọi giá ngay từ khi còn nhỏ để con mình leo lên bậc cao nhất trong nấc thang danh vọng trong ghế nhà trường, bất chấp thực lực thật, chỉ với một mục đích duy nhất là để con cái mình có đủ tiêu chuẩn và điều kiện leo lên bậc thang khác cao hơn nữa để không phải nghèo đói, không phải tồn tại một cách vất vưởng, nhưng là tồn tại cách có ích – mang thật nhiều tiền về cho cha mẹ, hoặc tối thiểu cũng làm họ rạng rỡ gia phong. Rất ít ai làm cha mẹ dạy cho con mình một thái độ đúng đắn về mục đích và ý nghĩa của việc học đích thực. Nếu để ý, chỉ vì muốn con mình học để tồn tại tốt hơn giữa xã hội, nên họ ép con phải học cái này cái kia theo ý riêng họ, và phản ứng của các học trò là chán và học đại cho xong.
Cái ý thức hệ “tồn tại” nó chi phối toàn bộ ý nghĩa và mục đích sống và làm việc của một con người. Theo đó, mọi điều ta làm và mọi mối quan hệ ta có đều phải hướng đến hai chữ “tồn tại”. Nếu không phục vụ cho việc tồn tại, thì lập tức ta sẽ vật vờ và rất hững hờ. Từ đây, ngay trong quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ anh chị em và bằng hữu...tất cả đều phải phục vụ cho việc tồn tại, bằng không, ta sẽ loại trừ ngay hoặc sẽ cư xử với những người mà ta thấy không giúp ta tồn tại cách thoả đáng hơn theo kiểu lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn. Vì thế, hễ ai phục vụ cho sự tồn tại của ta và đảm bảo cho sự tồn tại ấy, ta sẽ lập tức đẩy họ lên tận mây xanh, và có thái độ bi luỵ cần thiết. Đây quả là một thái độ và một quan điểm sống vô cùng nguy hại, nó sẽ phá huỷ hết mọi niềm vui của việc gặp gỡ, phá huỷ hết mọi kết cấu xã hội, bởi nếu không có lợi thì không làm, không giúp ích gì được cho sự tồn tại thì ta không việc gì phải mất thời gian gặp gỡ.
Ý thức hệ “tồn tại” ngoài việc chi phối đến mọi hoạt động và các mối quan hệ, nó còn làm cho người sống theo ý thức hệ này trở thành một kẻ vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, nguội lạnh, tham lam, vơ vén, và trục lợi. Người ấy sẽ không còn quan tâm đến sự thật, đến tình cảm chân thành, đến việc mưu ích cho người khác ngoài sự giả dối cao nhất có thể, sự trục lợi nhiều nhất có thể nhằm giúp họ tồn tại một cách thoải mái, hay nói một cách khác là hưởng thụ mọi tiện nghi của cuộc sống này ở mức cao nhất có thể. Từ đây, ta có thể lý giải phần nào các hiện tượng hôi của, những vụ giết người dã man mà hung thủ vẫn tỉnh queo, những vụ giết cha mẹ, hay cư xử tệ bạc với cha mẹ của mình, con cái, vợ chồng.... chỉ vì hai chữ “tồn tại” đầy nguy hiểm này.
Cuộc sống sẽ thật là gian nan và đầy bạo lực chừng nào người ta còn mang lấy trong mình hai chữ “tồn tại”. Cũng sẽ chẳng có hạnh phúc thật, bình an thật, nếu người ta quyết tâm và rắp tâm sống cho trọn vẹn cái ý thức hệ “tồn tại” trong mọi hoạt động của mình. Hãy sống thật, hãy yêu thật, hãy tôn trọng sự thật, và hãy học để cống hiến nhiều hơn nữa để có thể có một cuộc sống thật sự ý nghĩa, hạnh phúc, và bình an. Bằng không, tất cả chỉ còn là một vực thẳm chia cách hết mọi mối quan hệ, một cuộc bạo lực tàn khốc không hồi kết trong mọi gia đình, xã hội, và thế giới.
No comments:
Post a Comment