1. Từ cuối tháng Năm cho đến hết tháng Sáu năm 2012, dư luận báo chí ồn ào quanh chuyện báo lá cải. Khởi đầu dường như có một bài viết trên một tờ báo kết luận một số báo hiện hành là lá cải và cần phải chống lại cách làm báo ấy. Tuy không nêu đích danh nhưng với cách trình bày có đưa những chữ cái viết tắt tên của các tờ báo bị coi là lá cải, có trích dẫn những biểu ngữ và một vài tựa đề xuất hiện trên những tờ báo đó thì chẳng thể nào giấu được những độc giả thường xuyên đọc báo. Lại nữa, ngay sau đó, những tờ báo được nêu dẫn lập tức phản bác bằng những lời bào chữa yếu ớt, càng chứng tỏ chính mình đã được người ta xếp hạng. Cũng có những bài viết tỏ ra không can dự, tự cho mình ở vị thế “tọa sơn quan (hổ) đấu” và lên tiếng cao dao, rằng không nên bêu xấu nhau.
2. Kể ra thì không khí chưa đến mức bút chiến nhưng vì rõ ràng vấn đề được nêu có phần lem luốc; lại nữa, giữa lúc lời qua tiếng lại thì có “sự cố”, một người bị coi là nạn nhân của báo lá cải vì mất danh dự tìm cách quyên sinh, nên đã có các quan chức trong ngành thông tin truyền thông lên tiếng.
Có vị dẫn luật báo chí ra để khẳng định rằng xứ ta không có báo lá cải. Lại có vị bảo rằng có biết hình thức báo lá cải nó thế nào đâu mà kết luận. Thế rồi nhiều vị cầm bút dẫn chứng chuyện đông tây kim cổ để cho rằng báo lá cải chỉ là sản phẩm của nền báo chí tư bản, rằng báo lá cải là những tờ báo khổ nhỏ; nhưng… cái chữ nhưng rắc rối…; nhưng cũng có vị bảo lá cải là ở nội dung chứ không ở khổ báo, rằng nội dung mà quá nhấn mạnh đến những chuyện tình, tiền, tù, tội, sốc, sếch, sến…thì bị coi là lá cải, rồi dẫn chứng có những tờ báo tuy khổ lớn mà lá cải trong lúc nhiều tờ báo khổ nhỏ lại không lá cải. Nghe cứ loạn cả lên.
Bỗng lại xuất hiện một vị bảo rằng nhiều thuật ngữ trong nghề báo ở Việt Nam bắt nguồn từ tiếng Pháp, cho nên khi người Pháp dùng từ la feuille de chou để chỉ những tờ báo xoàng, những tờ báo ít giá trị, thì người Việt cũng dịch cụm từ ấy ra là lá cải để chỉ những tờ báo có nội dung không tốt. Sau bao nhiêu giấy mực đổ ra, rốt cuộc người đọc bình dân cũng chẳng mường tượng nổi cái báo lá cải nó là thế nào, có thật hay không, nếu có thì tác hại ra sao, vì lý do gì mà phải chống; chỉ biết thêm rằng lá cải có gốc tiếng Pháp la feuille de chou.
3. Đúng như nhận định của vị đã tìm được nguồn gốc của từ lá cải, ban đầu người Việt ta đã học nghề làm báo từ người Pháp, ta có dùng từ lá cải thì cũng là bắt chước những người làm báo Pháp (còn bắt chước đúng hay sai lại là chuyện khác). Cho nên muốn hiểu về từ lá cải thì phải biết qua lịch sử báo chí Pháp. Đại khái thì người Pháp và nhiều dân tộc châu Âu khác cũng chỉ có thể bắt đầu làm báo từ một thời gian rất lâu sau khi Johannes Gutenberg cải tiến kỹ thuật in với những khuôn chữ rời vào năm 1438; và những tờ báo in đầu tiên được phát hành cũng là những phương tiện truyền bá chính sách của các chính quyền hoặc công cụ truyền giáo của nhà chung phục vụ giáo hội Thiên chúa giáo La mã.
Phải đến giữa thế kỷ thứ 18 thì mới xuất hiện những tờ báo tư nhân; bên cạnh những tin tức chính trị và chiến sự, còn có các bài viết kể lại hành trình thám hiểm các vùng đất mới, những tác phẩm văn học viết dưới dạng đăng trên mặt báo theo định kỳ, gọi là feuilleton, và các tin tức về tài chánh liên quan đến những cơ sở khai thác thuộc địa của các nhóm thực dân. Không lâu sau đó, những tạp chí chuyên ngành bắt đầu xuất hiện, kích thích không khí học thuật châu Âu khiến nhu cầu thông tin ngày càng tăng. Sang thế kỷ 19, những phát minh mới như kỹ thuật điện tín, điện thoại, đường sắt, tàu chạy hơi nước… cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của hoạt động báo chí.
4. Đặc biệt, sự ra đời của máy in bằng trục lăn tròn do William Bullock sáng chế năm 1865 làm tăng tốc độ in đã làm cho việc xuất bản báo chí trở nên thuận tiện và rẻ hơn trước rất nhiều. Đến lúc này, nhu cầu và thị hiếu của người đọc có thay đổi. Bên cạnh tin tức chính trị và quân sự, người ta dần dần quan tâm hơn đến các hoạt động thường nhật, những tin tức về tài chánh, thị trường, đất đai, nhà cửa… và cả những thông tin có tính cách vô bổ nhưng giúp người đọc thư giãn cũng bắt đầu xuất hiện trên báo. Bấy giờ, nội dung của những báo phát hành rộng rãi không thể đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Ở Pháp, loại báo chuyên cung cấp những thông tin lặt vặt phục vụ cho từng địa phương như vậy đã ra đời trong hoàn cảnh đó, được người Pháp gọi với cái tên thân mật là la feuille de chou, là lá cải; vì trong ngôn ngữ của người Pháp, lá cải là một hình ảnh thân thiết, dễ thương. Điều đó có nghĩa lá cải là tờ báo thân thiết của tôi, của địa phương tôi, của cộng đồng tôi; tờ lá cải đó đăng những tin tức hay những bài viết mà tôi và những người trong cộng đồng của tôi quan tâm nhiều nhất, phục vụ cho chúng tôi nhiều nhất, đáp ứng đúng nhất nhu cầu của chúng tôi.
5. So với những tờ báo bề thế phát hành hàng chục nghìn đến trăm nghìn bản, chuyên bàn chuyện thế giới hoặc quốc gia đại sự, rõ ràng lá cải phát hành vài trăm bản hay một hai nghìn bản chỉ nói đến những chuyện lặt vặt của đời sống thường nhật trong một cộng đồng, chỉ là một loại báo tầm thường, cho nên các tự điển Petit Larousse Illustré ấn bản 2002 hay tự điển Hachette ấn bản 2005 và tự điển Grand Robert bảo la feuille de chou là tờ báo xoàng, tờ báo ít giá trị… thì quá đúng rồi. La feuille de chou chỉ có thể cung cấp tin và bài địa phương, không thể và cũng không cần tổ chức đội ngũ biên tập tài năng, lực lượng săn tin hùng hậu… cho nên không thể có những bài viết sáng giá.
Tuy nhiên, la feuille de chou vẫn rất cần thiết với đời sống địa phương, và là một trường đào tạo kiểu vừa học vừa làm cho những người có tinh thần học hỏi; do đó, ở Pháp, có những la feuille de chou sau một thời gian hoạt động đã trở thành những tờ báo thông tin chính thức của một cộng đồng. Nhiều tờ báo lớn vẫn có những phụ trương là la feuille de chou, như Nouvel Observateur chẳng hạn.
Cho đến nay, ở Pháp và những nơi có cộng đồng sử dụng tiếng Pháp, la feuille de chou vẫn là hình thức báo chí phổ biến của sinh viên các trường đại học, của những nhóm người có cùng một mối quan tâm, ấn hành mỗi kỳ vài trăm cho đến hơn một ngàn bản, thường phát hành bằng việc nhận đặt báo trước, nhưng một số nơi cũng có thể bày bán ở các sạp báo, cho thấy có những la feuille de chou ăn khách. Đọc những la feuille de chou mới thấy người viết cũng vẫn tự hào là mình cung cấp được những thông tin đứng đắn cần thiết cho độc giả. Tuyệt đối không thấy những lối câu khách nhảm nhí như những tờ báo vừa bị phê bình là lá cải ở ta. Trong những bài viết tham gia bàn luận về báo lá cải vừa qua, cũng có một tác giả bảo rằng việc gọi những tờ báo câu khách bằng những trò dung tục và rẻ tiền là hạ thấp giá trị của chữ lá cải, nhận xét ấy có thể là chính xác nếu chỉ hiểu lá cải là la feuille de chou.
6. Cũng chưa rõ từ lá cải xuất hiện trên báo chí Việt Nam vào lúc nào, nhưng có thể đoán định được rằng cho đến năm 1945, từ lá cải chưa được sử dụng. Theo danh mục những tờ báo đã xuất bản trong buổi bình minh đối với nghề báo của người Việt trong Báo Chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 của Huỳnh Văn Tòng, đã thấy xuất hiện những tờ báo chuyên về đua ngựa, phim ảnh, kịch trường, vui cười, thương mại… có nội dung bị coi là mị dân, ru ngủ, đánh lạc hướng việc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Tuy vậy, người ta chưa thấy những tờ báo ấy bị phê là lá cải. Trong Báo chí Cách mạng Việt nam 1925-1945 của Nguyễn Thành, nhiều tờ báo công khai bị chê là cải lương nhưng cũng không hề xuất hiện từ lá cải. Nếu báo chí thời ấy đã phê nhau là lá cải, thì nhiều khả năng từ lá cải cũng đã được các nhà nghiên cứu báo chí sử dụng để định hình một phong cách hoạt động báo chí của một thời.
Có lẽ sau năm 1963, báo chí miền Nam xuất bản ồ ạt, nhiều tờ báo phải tìm mọi cách câu độc giả, đã xuất hiện những tờ báo bước đầu kể chuyện phòng the, khai thác một số khía cạnh tình dục, đăng tải những câu chuyện tình diễm lệ, chịu ảnh hưởng lối sống thác loạn của các phong trào beatnik và hippi, tuy vẫn còn chừng mực, từ lá cải mới được dùng đến với hàm ý phê phán. Nhưng như vậy thì ý nghĩa từ lá cải mà người Việt dùng hoàn toàn khác với ý nghĩa của từ la feuille de chou mà người Pháp tự hào gọi tên một số xuất bản phẩm truyền thông của họ.
7. Tìm hiểu về sinh hoạt báo chí quốc tế, người ta sẽ có một nhận xét hợp lý có thể đoán trước là mỗi xứ đều có một lề thói sinh hoạt riêng, một hệ thống thuật ngữ riêng để chỉ các hình thức hoạt động báo chí của xứ mình, mặc dù những xứ có hoạt động báo chí phát triển sau luôn luôn học hỏi từ những xứ tiên phong. Ngay cả giữa người Anh và người Mỹ cũng có những khác biệt. Cũng có trường hợp môt xứ dịch các thuật ngữ có sẵn của xứ khác sang tiếng nước mình hoặc biến đổi cách viết cách đọc các thuật ngữ đó.
Giới báo chí Hoa Kỳ có một thuật ngữ là Yellow Journalism mà người Pháp dịch ra là Journalisme Jaune để chỉ những tờ báo có phẩm chất dung tục chuyên sử dụng kỹ thuật “đập vào mắt” độc giả để câu khách. Báo giới Hoa Kỳ đã chỉ ra năm đặc điểm của loại báo này gồm:
a. trình bày tựa bài bằng những hàng chữ to có nội dung giật gân cho những mẩu tin tầm thường;
b. sử dụng màu sắc lòe loẹt và nhiều hình ảnh khổ lớn có tính kích thích;
c. dựng lên những cuộc phỏng vấn cuội, đặt những tựa bài không ăn nhập với nội dung bài, trình bày những luận thuyết giả khoa học, đưa ra những học thuyết vớ vẩn của những kẻ tự xưng là chuyên gia;
d. nhấn mạnh vào những tờ phụ trang;
e. bày tỏ lòng thương cảm quá đáng về hoàn cảnh của những đối tượng thiếu may mắn.
Thuật ngữ này dựa vào màu giấy vàng của những tờ báo đầu tiên áp dụng kỹ thuật câu khách này hồi cuối thế kỷ thứ 19. Trong khi đó, người Anh dùng từ Tabloid hay Red Top để chỉ những tờ báo có khuynh hướng nhấn mạnh đến các chủ đề mang tính gây cảm xúc mạnh như tin án mạng, chuyện tình dục, chuyện ngồi lê đôi mách về những người nổi tiếng, tin thị trường chứng khoán, tin về công nghệ giải trí…, các thuật ngữ trên cũng căn cứ vào thực tế là một số tờ báo có khuynh hướng này thường phát hành với khổ nhỏ hoặc có tên báo được in bằng mực đỏ. Người Pháp có khi để nguyên, có khi cũng dịch những thuật ngữ này ra ngôn ngữ của mình để trỏ loại báo có khuynh hướng như vậy.
8. Con người có thiên tính tò mò và dễ bị lôi kéo bởi những thị hiếu thấp kém. Trong khi mọi hình thức khiêu dâm và gợi dục đều bị cấm đoán triệt để ở mọi xã hội, những người làm báo thiếu tinh thần đạo đức đã tìm cách luồn lách để cho ra đời những sản phẩm báo chí có khuynh hướng kích thích bản năng xấu của người đọc. Mỗi nền báo chí có một loại từ ngữ khác nhau để chỉ hình thức báo chí ấy. Có vẻ như người Việt sử dụng từ lá cải là một từ vay mượn của người Pháp nhưng lại nêu trỏ một hiện tượng văn hóa xuất hiện ở Hoa Kỳ và có ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam vào khoảng giữa thập niên 1960, đó là hiện tượng sử dụng các kỹ thuật câu khách bằng việc trình bày quá đáng mặt xấu của xã hội và những sự kiện không phù hợp với tiêu chuẩn “đáng là tin tức” của giới làm báo chuyên nghiệp.
Vậy thì cũng không nên chẻ sợi tóc làm tư để tranh cãi thêm nữa về từ lá cải; mặc dù đừng nên nói rằng lá cải là la feuille de chou có thể làm tổn thương những dân tộc vẫn dùng tiếng Pháp. Có một điều chắc chắn là hiện tượng báo lá cải ở xứ ta hoàn toàn có thật. Và dựa trên những tranh luận của báo giới Việt Nam hồi tháng 5 tháng 6 vừa qua, cũng có thể nhận diện thế nào là báo lá cải.
9. Ai cũng biết rằng báo chí là một hoạt động có hệ thống nhằm tìm hiểu một cách thấu đáo rồi tường thuật lại một cách đầy đủ bằng những ngôn từ dễ hiểu tất cả mọi sự kiện xảy ra trong cuộc sống của cộng đồng loài người và phổ biến những điều tường thuật đó cho công chúng, những người có quan tâm, giúp họ có một nhận thức đúng mực về thực tại của cuộc sống để có những hành xử thích hợp với hoàn cảnh. Báo chí cũng còn nhiều mục tiêu hoạt động khác, nhưng phải khẳng định mọi mục tiêu khác đều phải xem là thứ yếu. Như vậy, người hoạt động trong lãnh vực báo chí trước hết phải khẳng định với chính mình một tinh thần phụng sự cộng đồng. Giá trị phụng sự cộng đồng của người làm báo đến từ nhiều mặt.
Thứ nhất, tham gia việc cung cấp một cách trung thực nhất có thể được những thông tin cần thiết đối với cuộc sống của cộng đồng. Thứ hai, góp phần phổ biến những điều đúng và tốt trong lúc hỗ trợ việc đẩy lùi những nhân tố sai và xấu trong nhận thức chung. Thứ ba, cùng với mọi người gìn giữ và làm tỏa sáng những giá trị văn minh văn hóa mà cộng đồng đã tích tụ được qua bao đời, trong đó có việc giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ cộng đồng. Để bảo đảm cho những giá trị phụng sự đó được thể hiện xuyên suốt, mọi người làm báo đều biết đến đạo đức của nghề nghiệp mình. Khi một cá nhân làm báo vi phạm những quy định đạo đức nghề nghiệp thì những người có trách nhiệm đã phải áp dụng nhiều biện pháp từ nhắc nhở đến giáo dục lại và cuối cùng là chế tài theo những hình thức thích đáng. Nhưng khi cả một tập thể làm báo đều cố tình vi phạm những tiêu chuẩn nghề nghiệp thì tờ báo sẽ biến tướng thành một loại lá cải.
10. Dựa vào những tranh luận về báo lá cải trong thời gian qua, có thể nhận diện báo lá cải ở chỗ cố tình khai thác những yếu tố gây cảm xúc mạnh trong mọi hình thức đưa tin viết bài khi tường thuật những sự kiện đã diễn ra trong xã hội; cố tình tô vẽ những sự kiện bình thường thành những sự kiện mang tính tin tức, chẳng hạn, việc một cô gái lỡ mặc áo hở ngực trong một buổi trình diễn ca nhạc nào đó được thổi phồng lên thành sự kiện tin tức; cố tình khai thác những yếu tố đời tư của nhân vật nổi tiếng để gợi sự tò mò ở người đọc; sử dụng nhiều hình ảnh mang tính khiêu dâm gợi dục một cách lập lờ với sự bào chữa là minh họa.
Nói tóm lại, tất cả những sản phẩm truyền thông nào đem lại hiệu quả kích thích những bản năng xấu của con người đều là báo lá cải. Đã nhận diện được báo lá cải rồi thì chắc chắn ai cũng có thể thấy những tờ báo nào là lá cải trong thời gian qua. Còn tác hại của chúng ra sao thì bài viết “Thời của báo lá cải?” đăng trên TuanVietNam ngày 2-6-2012 có những câu cực tả như sau:
“…Cột được đọc nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất, đương nhiên toàn cướp, giết, hiếp; toàn sốc- sex- sến… Nó giống như một loại độc dược, khốn thay, người đọc lại thích thú và mê mải nhấm nháp. Để từ đó, biến thành con bệnh tự phát từ lúc nào. Những tội phạm trẻ vị thành niên, những tội ác loạn luân quái đản, ghê rợn xuất hiện ngày càng nhiều, liệu có phải bắt nguồn từ những liều độc dược được sản xuất… hợp pháp này không?…Người bệnh cuả “lá cải”, nhẹ thì nghiện xem, nghiện đọc. Nặng thì bước chân vào con đường phạm tội. Nhưng tờ báo thì tăng số lượng người đọc, và đương nhiên, kéo theo là tăng tiền bạc.”
Bấy nhiêu đủ cho thấy việc chống lại báo lá cải là điều cần thiết. Vấn đề đặt ra là chống thế nào?
11. Thực ra báo lá cải không chỉ “mới xuất hiện gần đây” như được nêu trong cuộc tranh luận vừa qua. Nó đã có mặt từ lúc những bài phóng sự điều tra về tội phạm được đăng lên mặt báo với quá nhiều chi tiết gợi dục khi ở nhiều nơi rộ lên những hình thức mại dâm trá hình được gọi là “cá lóc ôm”, “bia ôm” hay “cà phê đèn mờ”… Ngày đó đã có những ý kiến cho rằng việc cực tả những hình ảnh xấu là điều không bình thường. Nhưng giới chức có trách nhiệm về văn hóa lúc ấy đã không quan tâm. Đó chính là tín hiệu mở đường để lá cải phát triển rầm rộ trong thời gian qua. Việc chống cơn lũ lá cải hiển nhiên là cần phải có biện pháp mạnh từ những cơ quan quản lý về thông tin và truyền thông. Nhưng về lâu về dài, phải xét vấn đề tận ngọn nguồn thì mới ngăn chặn hữu hiệu sự tái phát.
12. Khi có quan niệm “lá cải chỉ xấu khi quá đà” là đã thấy mệt mỏi rồi. Đành rằng báo chí cũng phục vụ cả nhu cầu giải trí, vì giải trí cũng là một giá trị; nhưng ngay cả giá trị giải trí cũng phải là những giá trị đúng tốt. Như vậy, việc định hướng giải trí cũng phải là một nhiệm vụ của báo chí, chứ không thể nói rằng báo chí được phép chạy theo thị hiếu để rồi bảo rằng quá đà hay không quá đà.
Như nhiều vấn đề dân sinh khác, cũng đã có lời quy kết rằng có lá cải vì dân trí thấp. Nhưng nếu hỏi tiếp, rằng dân trí thấp vì đâu, thì ai trả lời?
Lại kêu rêu rằng báo chí phải tự bươn chải nuôi sống mình nên phải chạy theo số lượng độc giả. Khi nêu vấn đề này ra thì đã tự xem nhẹ tinh thần phụng sự cộng đồng của người làm báo. Như mọi vấn đề của xứ ta, giải quyết vấn đề “lá cải” trong hoạt động báo chí cũng chỉ có thể bắt đầu từ việc điều chỉnh lối sống của từng cá nhân trong xã hội. Một khi từ đứa trẻ học mẫu giáo trở lên đã đánh mất sự hồn nhiên trước chủ nghĩa tiêu thụ với những khẩu hiệu kiểu “thỏa sức mua đua sức sắm” thì mọi toa thuốc cho các căn bệnh xã hội hiện tại đều không có hiệu lực. Đây không phải là lãnh vực mà một cá nhân có thể đưa ý kiến một cách võ đoán được.
Tuy vậy, có thể gợi ý rằng một định hướng sinh hoạt cá nhân trên tinh thần biết đủ và ít ham muốn sẽ phần nào giúp cho từng cá nhân, các cộng đồng và cả xã hội nữa tỉnh táo hơn trước những cám dỗ đầu độc người khác và tự đầu độc mình bởi việc lao theo những giá trị phù du.
No comments:
Post a Comment