Đất Mũi Cà Mau đang chìm xuống dưới mực nước biển
Ngày 17/6/2013 đã diễn ra hội thảo công bố giai đoạn 1 dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” giữa Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI). Theo đó, các chuyên gia nhận định Cà Mau đang chìm dần xuống dưới mực nước biển, do nạn khai thác nước ngầm và phá rừng tràn lan nếu những biện pháp đối phó không được triển khai nhanh chóng.
1/3 diện tích Hội An sẽ bị ngập năm 2020
Theo kết quả nghiên cứu, trong khoảng thời gian từ năm 1998-2013, tốc độ sụt lún mặt đất tại Cà Mau từ 30 - 80 cm/năm. Dự kiến trong 25 năm tới, tốc độ này dự báo sẽ tăng lên 90 - 150 cm/năm và trong 50 năm tới sẽ là 120-210 cm/năm. TS Kjell Karlsrud, chuyên gia của NGI nhận định nguyên nhân gây ra tình trạng lún và sạt lở tại Cà Mau là do những hoạt động khai thác nước ngầm quá tải, với lưu lượng bơm nước 373.000 m3/ngày đêm và tổng số 109.096 giếng nước. Ông Kjell Karlsrud cảnh báo, với tốc độ khai thác như trên, trong vài thập kỷ tới, phần lớn tỉnh Cà Mau sẽ thấp hơn mực nước biển.
Hơn nữa, theo TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (VIGMR), các hoạt động đắp thủy điện ở thượng lưu, xây đê kè, thoát lũ biển cũng góp một phần không nhỏ làm sụt lún ĐBSCL, đặc biệt ở địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra, Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang phải đối mặt với nguy cơ xói lở bờ biển. ĐBSCL có tổng cộng 768 km đường bờ biển, nhưng hơn một nửa trong số đó đã bị xói lở, trong đó tại Cà Mau là nghiêm trọng nhất với hơn 111 km.
Nhiều biện pháp đã được nêu ra trong hội thảo nhằm đối phó với tình trạng trên như dùng nguồn nước trong kênh rạch để thay thế nguồn nước ngầm ở Cà Mau. Mặc dù được đánh giá là lựa chọn tốt nhất nhưng giải pháp này muốn khả thi sẽ phải tốn một nguồn kinh phí lớn để lọc sạch nước trước khi cung cấp đến tay người dân. Bên cạnh đó, giải pháp tăng cường trồng rừng cũng được đề xuất để bảo vệ bờ biển và chống xói lở.
Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo 1/3 diện tích Hội An sẽ chìm trong nước biển vào năm 2020.
Chuyện cảnh báo này thực ra không phải mới mà đã được nói nhiều lần từ nhiều năm trước, nhưng có lẽ người ta chờ “mất bò mới lo làm chuồng” nên cứ… đủng đỉnh thôi.
Theo NLĐ
No comments:
Post a Comment