"Trảm" linh vật, lưu văn hóa?
Đưa các "linh vật" ngoại lai ra khỏi di tích là một sự kiện khá nổi trong năm 2014, với chuỗi hội thảo, chỉ đạo bằng văn bản, triển lãm và cuối cùng là di dời "linh vật" ngoại lai ra khỏi di tích văn hóa lịch sử. Có lẽ đây là cuộc "tấn công" chống sự ngoại lai về văn hóa mạnh mẽ nhất trong vài thập niên trở lại đây.
Với nhiều lúng túng về nghiên cứu, phổ biến kiến thức, triển lãm, nên hành trình bài văn hóa ngoại lai diễn ra hầu hết bằng các biện pháp hành chính. Ở nhiều địa phương như Hà Nội, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết đã có có 146 tượng sư tử đá Trung Quốc trên tổng số 538 sư tử đá ngoại lai được đưa ra khỏi các di tích, đang tập trung lại một
chỗ và chưa biết xử lý số tượng sư tử đá này ra sao!
Tại cuộc họp tổng kết cuối năm của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, hầu hết các tỉnh thành đều phản hồi thông tin chưa biết xử lý ra sao với số linh vật ngoại lai khi đưa ra khỏi các di tích. Có ý kiến nên chôn, hoặc nghiền vụn ra, nhưng cũng có địa phương cho biết vì yếu tố tâm linh không có cơ sở sản xuất nào dám nhận đập bỏ hay nghiền vụn các linh vật đã từng "sống" tại các đình chùa hàng chục năm. Lại có sáng kiến nên tập trung sư tử đá lại các bảo tàng, và bày thành chuyên đề "văn hóa ngoại lai" cho thế hệ trẻ tham quan.
Tại làng nghề đá Non Nước (Đà Nẵng), nơi sản xuất phần lớn sư tử đá cho thị trường trong nước và một phần Đông Nam Á, mọi việc vẫn bình thường. Hàng trăm sư tử đá còn tại vị ở các cửa hàng.
Tuy khách hàng đã ít đi, nhưng các chủ sản xuất không lo lắng nhiều, do số tượng này chưa đặt tại các nơi thờ cúng nên có thể sửa chữa khi có khách yêu cầu. Các nghệ nhân vẫn duy trì hiện trạng như vậy để chờ nhu cầu của thị trường biến đổi ra sao!
Tuy vậy, ông Nguyễn Lai, một nghệ nhân có uy tín trong làng cho biết, gần một năm trôi qua kể từ ngày có chuyện này, vẫn chưa thấy có hợp đồng nào đặt làm linh vật theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng văn hóa. Có thể các khách hàng còn phân vân khi cơ quan chức năng bảo thay thế con sư tử dữ tợn đứng canh cửa bằng bằng những hình tượng hiền lành, khiếm tốn hơn, nhưng nhiều người lại thấy đó là con sư tử hiên ngang, và không thích con nghê có hình dáng như con chó.
Nhà cửa, cao ốc, đình chùa xây dựng ngày càng to lớn, thì tâm lý con người lại không muốn những linh vật trấn giữ nhỏ bé đi. Đó là tâm lý thực tế, bởi đã đặt những vật thuộc về văn hóa tâm linh, con người không dễ dàng thay đổi suy nghĩ.
Bàn về chuyện thay đổi "linh vật" trở về với cổ truyền cũng chưa ngã ngũ giữa ý kiến các nhà văn hóa. Nhưng có những ý kiến rất đáng suy nghĩ. Cái thẩm mỹ về "linh vật ngoại lai" phát triển mấy chục năm qua ngày càng vươn tới sự to lớn, hung hăng, trấn áp dưới hình dạng sư tử lai Tàu kia chính là một biểu hiện trạng thái tâm lý con người Việt hôm nay.
Thẩm mỹ đó còn thể hiện từ phong trào trưng ngà voi trong phòng khách, ngâm trăn, nấu cao hổ, xây chùa tô xanh đỏ lòe loẹt, xây đủ loại hòn non bộ trong các ngôi nhà hiện đại, lấy cái khát khao to lớn phát triển cá nhân gia đình, dòng họ đè bẹp môi trường văn hóa cộng đồng. Chính trong bối cảnh đó, đã nảy sinh sự ưa thích sư tử ngoại lai hung hăng nhe nanh vuốt, chứ phải đâu phải sự xâm lăng văn hóa nào!
Và cũng có người nhắc nhở trong lúc chúng ta đưa sư tử đá ra khỏi chốn tâm linh, thì ngôn ngữ lại dùng từ "linh vật ngoại lai" hoàn toàn là từ vay mượn trong khi vẫn có thể diễn đạt bằng những từ thuần Việt và phù hợp với thuần phong mỹ thục như mong muốn.
Và trong lúc chúng ta còn rối vì xử lý con sư tử đá có nguồn gốc ngoại, thì thế giới đang ngày càng trở nên phẳng hơn với công nghệ số, mỗi con người đang ngày đêm tiếp cận, hưởng thụ thành tựu văn hóa của toàn thế giới.
Trên truyền hình, những kịch bản truyền hình thực tế mua từ nước ngoài về đang chen nhau trên sóng, phim truyền hình nước ngoài chiếu từ sáng đến đêm khuya. Chưa nói các phương tiện kỹ thuật số cho phép con người giao lưu, làm bạn với cả thế giới. Đưa "linh vật ngoại lai" ra khỏi các di tích, chỉ đích danh nó là ngoại lai, trong khi trong đời sống hàng ngày chúng ta sính hàng ngoại, văn hóa ngoại đến cuồng tín, thật là điều chưa thuyết phục.
KHẢI LY
No comments:
Post a Comment