Có người nhiều phước báu thì tìm ra ngay người Thầy tâm linh của mình từ lúc còn rất nhỏ, có người thì phải đi lòng vòng mất quá nhiều thời gian, có người lại quá bất hạnh mãi đến khi tóc đã bạc, hay nhắm mắt rồi mới biết đến Phật pháp thì đã quá muộn rồi.
Có lẽ không ở đâu trên thế giới chữ Thầy lại có nhiều danh từ như ở Việt Nam.
Thầy : có nhiều vùng miền ở vùng thôn quê phía Bắc gọi Thầy là Cha (Cha đẻ) ; Thầy dạy chữ (Thầy giáo); Thầy thuốc (Bác sĩ) ; Thầy dạy nghề (truyền nghề) ; Thầy Tâm Linh (các vị tu sĩ) và có cả thầy bói, thầy cúng, thầy phong thủy …
Và đã là con người, trong một kiếp người có lẽ không ai là chưa gặp một người Thầy nào bao giờ cả, kể cả những người chưa bao giờ cắp sách đến trường hay không một lần biết gọi nhưng vẫn có Thầy và gặp Thầy đấy. Bạn cứ ngẫm mà xem !
Là người Việt Nam cứ mỗi độ đông về hay ở phương Nam không có mùa đông đi nữa thì cứ đến tháng 11 hàng năm người người ai cũng nhớ về một người Thầy nào đó của mình cho dù người Thầy ấy hiền từ, nhân hậu, dữ dằn hay là Thầy ‘’máy chém’’* hay một người Thầy khó tính, khắt khe, nghiêm khắc… với trò của mình thì kỷ niệm vui buồn ấy cũng ùa về một thời để mà nhớ.
Nghĩ suy về chữ Thầy thì đúng là Thầy chỉ là một cái nghề, nhưng là ngành nghề đặc biệt, một nghề đòi hỏi hội tụ của nhiều yếu tố tính nhân văn để làm nghề hơn những ngành nghề khác, đó là nghề nhà giáo (dạy chữ, dạy nghề), nghề Thầy thuốc( cứu người), đó là những ngành nghề cao quí nhất, được mọi người tôn vinh.
Rất nhiều người, cứ nghĩ rằng trong mỗi đời người chỉ cần học, cần gặp và có hai người Thầy ấy( Thầy giáo, thầy thuốc) ở bên đã là đủ lắm rồi, cuộc đời mình đã chắc chắn đủ lông cánh bay xa, bay cao và phía trước là cả một bầu trời ngập tràn hạnh phúc.
Nhưng cuộc đời đâu có đơn giản thế, mong muốn của con người là vô cùng tận không ai ít muốn, biết đủ cả. Vì vậy mà người có quyền lực cao nhất là vua của một nước rồi vẫn chưa đủ, lại muốn làm vua của nhiều nước khác và tham vọng đến bá chủ của thiên hạ. Người giầu rồi thì cứ muốn giầu thêm nữa, thêm nữa ; ai cũng muốn mình là chủ sở hữu của người này, người kia, của đất nước này, của món đồ kia. v.v…
Chính vì vậy mà trên thế giới từ khi con người có mặt ở hành tinh này không bao giờ thôi bớt xung đột và ham muốn, dẫn tới chiến tranh tàn khốc, không bao giờ bớt ngừng khai thác tài nguyên, thiên nhiên của trái đất một cách không khoa học và thiếu khôn ngoan dẫn đến trái đất bị thương nghiêm trọng.
Con người sinh sống trong một thời đại mà khoa học đang ở mức tột đỉnh, sự tiện ích của các sản phẩm khoa học mang đến cho loài người trong một thập niên qua là vô cùng to lớn mà không ai có thể phủ nhận. Nhưng bên cạnh đó thì tính nhân văn trong mỗi con người trên khắp thế giới lại đang bị xói mòn và tan chảy theo tỉ lệ ngược lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người ngày càng khổ đau hơn, Chủ nghĩa hưởng thụ và sống thực dụng, sống nhanh đang làm cho lòng thương cảm của con người bị chai lỳ đi, trơ ra trước nỗi bất hạnh của nhân loại. Ta thản nhiên đi, thản nhiên bước qua, ta rụt tay vào trước tiếng kêu cứu và bàn tay đang đưa ra van xin ta cứu giúp của đồng loại.
Những người có quyền lực, có nhiều tiền trong tay cũng không hề tìm được hạnh phúc hay được an ổn, bất an luôn rình rập, nói chi đến người nghèo khổ, bệnh tật. Nỗi khổ niềm đau cứ bủa vây ta, giam nhốt ta mà không sao thoát ra được.
Chỉ khi đó, có nhiều người còn đủ tỉnh táo, mới hốt hoảng đi tìm một người Thầy đó là người Thầy tâm linh, những người Thầy đã và đang đưa chân lý Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo của đức Phật, đế hướng dẫn cho con người thoát khỏi và vượt qua vòng tục lụy mà 2600 năm trước đức Phật đã nhận thấy.
Nhưng không phải ai cũng tìm được những người Thầy chân chính, những người Thầy tâm linh để cho ta nương tựa, để mang Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo để ta đi, để ta vượt qua được những bế tắc, nghịch cảnh hay tư vấn cho ta những phương thức thực tập để ta vượt qua được nỗi khổ niềm đau, để ta đứng dậy đi tiếp và đi vững chắc trên bước đường đời đang chờ ta ở phía trước.
Có người nhiều phước báu thì tìm ra ngay người Thầy tâm linh của mình từ lúc còn rất nhỏ, có người thì phải đi lòng vòng mất quá nhiều thời gian, có người lại quá bất hạnh mãi đến khi tóc đã bạc, hay nhắm mắt rồi mới biết đến Phật pháp thì đã quá muộn rồi.
Quan niệm về những người Thầy tâm linh trong thập niên đầu thế kỷ 21 cũng phải cần thay đổi : điều kiện cần và đủ để trở thành một người Thầy tâm linh trong một thế giới toàn cầu này thì phải có trình độ hơn những người mà họ muốn được nghe hướng dẫn. Thầy tâm linh giờ đây không chỉ là gõ mõ, thuộc kinh là đủ và chỉ biết dừng lại ở lời khuyên người tìm đến bằng những câu quen thuộc ‘’ Con về chịu khó niệm Phật, đừng làm việc ác, chịu khó làm lành… ‘’như vậy vẫn chưa đủ so với những gì mà thế hệ trẻ bây giờ đang đòi hỏi, đang muốn khám phá, đang muốn tìm tòi, đang muốn lựa chọn cho mình một con đường, một tôn giáo vượt trội so với các tôn giáo khác về logic khoa học, để nương tựa trong một thế giới mà mọi sự thay đổi đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Để đạo Phật hòa nhập với cuộc sống và thu hút giới trẻ, giới trí thức đến với đạo Phật. Có rất nhiều Thầy ngày đêm không biết mệt mỏi, trau dồi kiến thức tu học để có trí tuệ hơn hẳn người cần được tư vấn, giúp đỡ một cái đầu để trở thành một người Thầy tâm linh đúng nghĩa, đồng thời phải tu tâm, giữ mình trong sạch như người đời nghĩ tưởng : tu sĩ phải là một người rất chuẩn mực về đạo đức thì mới xứng đáng làm người Thầy tâm linh.
Để làm một Thầy giáo, một Thầy thuốc chân chính đã khó làm một người Thầy tâm linh còn khó gấp vạn lần. Với chỉ một chữ Thầy mà đức Phật đã dạy phải kính Thầy như kính Phật, kính Pháp.
Nhân ngày 20/11 Ngày nhà Giáo Việt Nam tất cả những ai đã nhận Phật làm Thầy điều đó cũng có nghĩa là đã nhận các vị tu sĩ (những người xuất gia) làm Thầy thì hãy cùng chắp tay kính lạy các Thầy với tất cả tấm lòng biết ơn và ngàn lần xin cám ơn Thầy, người Thầy tâm linh của chúng con.
*Thầy "máy chém" thầy giáo cho học sinh rớt môn học nhiều nhất.
Sài Gòn tháng 11 năm 2013
Giác Hạnh Hoa
http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/su-kien-van-de/14324-thay.html
No comments:
Post a Comment