Monday, January 19, 2015

Ảo tưởng thiên bẩm sinh ra quốc gia dốt và nghèo

Việt Nam cho tới nay chưa làm được cho dù một cái kim khâu, bởi chúng ta có quá nhiều thiên bẩm mà chưa có kỹ nghệ và óc khoa học!

Giáo dục Việt Nam thua kém các nước trong khu vực cả trăm năm, là vì chúng ta lúc nào cũng ca ngợi thiên bẩm mà không chú trọng đến giáo dục. Thậm chí không ít người Việt còn hát bài ca “văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Than ôi, đã ngu dốt, thì cái ăn, cái mặc còn khó nói gì đến giầu có!

Văn học nghệ thuật của Việt Nam như chính giới phải thừa nhận bé, vừa, tép riu, chúng ta thiếu vắng tuyệt đối các văn hào là vì không đủ tầm học vấn đỉnh cao lý tưởng mà mới chỉ cậy chủ yếu vào thiên bẩm!

Các chuyên gia nước ngoài nhận định: người Việt thường ôm mộng vĩ mô, thiên bẩm phi phàm nhưng thiếu óc thực tế và khoa học, kết quả lúc nào cũng bàn về những dự án hoành tráng như Vinashine … rồi đổ vỡ chóng vánh và thảm hại!

Có người bàn “không có thiên bẩm thì người ta chỉ là người thợ mà không thể trở thành bậc thầy”. Làm gì có ai trở thành bậc thầy mà không có giáo dục? Giờ hãy bàn về thầy và thợ. Giỏi như Đặng Thái Sơn, thi Chopin đạt giải nhất, nhưng cũng chỉ là nhạc công và là người thợ mà thôi. Nhưng thử xem, mấy anh làm ca khúc vớ vẩn hay mấy bài thơ đọc bên mép chiếu có dám đọ không? Một đằng lấy đấu đong không hết, một đằng nhiều thế hệ mới dạy và học được một người! Từ Âu qua Á, kỹ sư bao giờ cũng nhiều hơn thợ bậc bảy. Nhưng chẳng nhẽ thợ bậc bảy phải làm việc cả đời mới chạm đích lại thua kỹ sư ư? Cái lối tư duy thầy – thợ, đã dẫn đến chính thức ở Việt Nam thừa thầy thiếu thợ. Đây là kết quả của lối học vấn hão chuộng hư vinh, dẫn đến nghèo đói và lạc hậu.

Triết gia Nietzsche nói: “Một dân tộc có thiên tài không bằng cách chấp nhận thiên tài của dân tộc đó”.

Đây là một sự thật, không nên cãi cùn! Các chuyên gia bóng đá cho rằng: sẽ không có nền bóng đá mạnh cũng như cầu thủ siêu hạng nếu không có một quốc gia yêu bóng đá. Braxin có nhiều cầu thủ giỏi vì dân chúng ở đó yêu bóng đá đến độ nhảy lầu tự tử vì đội nhà thua. Mà muốn có một dân tộc biết chấp nhận thiên tài là gì? Dân tộc đó buộc phải học tập để có dân trí cao. Nếu dân tộc đó cậy vào ảo tưởng thiên bẩm cũng có nghĩa là không cần học thì chỉ hình thành cái gọi là dân tộc vô học.

Tài năng ư? Nguyễn Du viết “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Các triết gia Hy Lạp không hề do dự khi cho rằng “Đạo đức của con người mới là cái cao quí nhất”. Tài năng chẳng là gì so với đạo đức cả. Thử nhìn đi những người lỗi lạc nhất thế giới phải là những người đạo đức. Chẳng hạn như Socrate, Platon, Aristote, Đức Phật Thích Ca, Chúa Jesus… là những người đạo đức và sống tốt. Từ đó người ta mới có thể tỏa bóng yêu thương xuống mọi người. Và là cây bút lớn để soi tỏa xuống nhân gian. Trong bảng thang giá trị: lập công là của chiến sĩ, lập danh là của thế tục, nhưng lập Đức phải bay lên giá trị thần thánh. Mấy bài thơ nhỏ bé vo ve chưa là gì cả mà muốn khoe cậy mình có thiên bẩm sao?

Van Gogh, một họa sĩ thiên tài, chẳng lẽ lại không có thiên bẩm ư? Ông rất giầu thiên bẩm nhưng ông vẫn bất an hoang mang thiếu tin tưởng vào mình đến độ cắt tai mình để họa chân dung. Điều đó nói lên điều gì? Nói lên, ông phải dấn thân xả thân ngay cả trong một bức tranh nhỏ bé nhất. Vậy thử hỏi mấy anh chưa làm chưa học được gì nhiều đã cậy vào thiên bẩm thì thành gì?

Tự mình nặn được một hòn bi có thể coi như sáng tạo. Nhưng để chuyển tải cả một hệ thống dây chuyền sản xuất kỹ nghệ về cũng không được gọi là sáng tạo. Nhưng người làm hòn bi vĩ đại hay người lắp ráp cả nền kỹ nghệ vĩ đại? Nguyễn Du là người chuyển tải Truyện Kiều về đã được thành thi hào. Tại sao? Vì ông là người chuyển tải cái đồ sộ hoành tráng về bằng lý trí. Trái lại cả vạn người làm thơ cảm xúc lèo tèo cho dù có giầu thiên bẩm đến cỡ nào cũng chỉ là tép riu lèo tèo.

Người ta xác định chắc chắn: triết học là khoa học của lý trí! Khoa học là lý trí! Nghệ thuật bậc thầy là lý trí! Vũ trụ này được kiến tạo lên phải nhân danh lý trí!

Trái lại: cảm xúc chỉ là những gì bồng bột, tạm bợ, chóng qua! Cảm xúc được coi như nằm ở các giác quan, còn thua trái tim, nhưng trái tim mới chỉ nằm trong lĩnh vực “nghệ thuật từ thiện” thôi.

Có thiên bẩm, như là lúa thì trồng dưới nước! Là đào trồng trên núi! Ai có thiên bẩm thì người đó giữ, có ai lấy đi của mình mà cứ phải nhắc đi nhắc lại sợ người ta quên. Vốn tự có, tranh tre nứa lá có thiên bẩm thì cũng chỉ là tre lá làm sao thành kim cương? Nếu có là kim cương nhặt được mà không qua bàn tay chế tác của thợ, thì cũng chỉ là kẻ bắt được, có gì để khoe?! Triết gia Aristote nói “Nghệ thuật là tạo tác”.

Một cục sắt rơi vào tay mọi người. Ở Việt Nam thì chỉ có thể làm đinh chứ không thể làm kim. Ở Trung Quốc họ làm kim. Ở Thụy Sĩ họ làm đồng hồ. Tất cả đều dựa trên trí tuệ, khoa học và công nghệ.

Người Việt còn chưa làm nổi cái kim thì khoe thiên bẩm làm gì? Nếu phải lên vũ trụ, Việt Nam mới chỉ đi nhờ! Những mây tre đan xuất khẩu có thiên bẩm liệu bò lên mặt trăng được không? Làm vài bộ phận trong chiếc xe hơi cũng chưa làm nổi. Hàng nghìn nhà thơ gục ngã ngay trước cửa trường ca không tài nào sản sinh ra nhân vật được, đó không phải là bằng chứng bất lực tuyệt đối của thiên bẩm sao? Cứ loay hoay biện hộ cho thiên bẩm làm gì?

Mời các bạn tự nhiên trả lời và dẫn chứng, vì người có học thì phải “nói có sách mách có chứng”. Còn tôi luôn luôn thấy, ai đó khoe mình có thiên bẩm thì chỉ là người ít học, chẳng có tài cán gì đặc biệt. Có một trí thức Việt đã nói: Người viết phê bình thì học vấn phải cao, người viết tiểu thuyết phải có tư duy lô gic, nhưng tôi thấy rất nhiều người chẳng có gì nhiều từ kiến thức đến tư duy nên họ làm thơ.

Có phải những người chẳng có gì nên đành khoe cái úm ba la là thiên bẩm? Chúng ta chớ nên quên, các học giả lớn không phải không có thiên bẩm đâu. Tôi sẽ đếm “từng lỗ chân lông” của tài sản thiên bẩm trong một bài gần đây.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

No comments:

Post a Comment