"Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?"
Làm gì để trí tuệ Việt hết ‘ngụp lặn’ ở nửa dưới thế giới?
Làm gì để trí tuệ Việt hết ‘ngụp lặn’ ở nửa dưới thế giới?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề xếp hạng trí tuệ Việt Nam đang ngày càng "ngụp lặn" ở nửa dưới của thế giới trong bài viết của GS.TSKH Trần Xuân Hoài, nhiều độc giả tỏ ra bi quan về khả năng sáng tạo, tư duy và hệ thống quản lý của người Việt Nam. TIN LIÊN QUAN: SOS thứ bậc VN trên xếp hạng trí tuệ toàn cầu: Độc giả Hoàng Lương và Tống Văn Việt cho rằng đây là vấn đề "biết rồi khổ lắm nói mãi!". Độc giả Việt nhận xét "cả xã hội Việt Nam hiện nay đang lao dốc không phanh về mọi mặt...", mà trong đó giáo dục là xương sống của xã hội, nhưng với thực trạng nền giáo dục như hiện nay thì việc trí tuệ Việt Nam xếp hạng tụt dốc cũng là điều có thể đoán được.
Một độc giả thừa nhận thực tế: "Giáo dục chúng ta khuyến khích việc làm theo hơn là sáng tạo, trong khi đó môi trường làm việc thì nhiều bất cập như không muốn công nhận thành quả chất xám của người khác, vì như vậy là thừa nhận người ta giỏi hơn mình. Cơ chế đãi ngộ trong các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu không đảm bảo được cuộc sống cho người nghiên cứu thì chắc chắn chúng ta sẽ còn tụt hạng nhiều hơn nữa".
Nguyên nhân ở con người?
Độc giả Nguyễn Trung Dũng đặt câu hỏi: "Tại sao trí tuệ VN ngày càng thụt lùi mặc dù ngày càng có nhiều du học sinh VN sang các nước tiên tiến nhất thế giới tu nghiệp? Các trường chuyên lớp chọn mọc như nấm ở thành thị, các trường đại học và sau đại học quốc tế liên kết với VN cũng được thành lập rất nhiều để đào tạo nguồn nhân lực cho VN?"
Độc giả Nguyễn NT cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là do "dân ta phụ thuộc vào nhà nước, nhà nước yếu kém nên tư duy sáng tạo cạn dần và vô hình chung những người lãnh đạo đi sau chỉ theo cái lối mòn tư duy cũ mà làm. Vô số các ông chủ tịch xã, huyện mới chỉ mon men học hết lớp 9, kiếm cái bằng bổ túc cho hợp chuẩn. Tiền bạc, con ông cháu cha làm lũng bại xã hội, làm hư bao nhiêu tầng lớp con người!".
Với quan điểm "không thể thay đổi được tư duy", độc giả Nguyễn Trung Thành chỉ ra một thực tế "người Việt Nam ta đi đâu cũng dương dương tự đắc là thông minh. Trong khi cái thông minh đó chỉ là khôn vặt. Thông minh để nghĩ cách vơ vét của cải thật nhiều vào nhà mình, ai vơ được nhiều, thì được gọi là giỏi. Đến khi không còn gì để vơ vét nữa thì lại đổ cho đất nước kém phát triển. Mỗi người hãy tự nhìn lại bản thân mình trước đi. Thật đáng xấu hổ cho cái tư duy không giống ai của dân ta".
Cũng đồng tình với quan điểm đó, một độc giả khác cho rằng người Việt Nam luôn có xu hướng bảo thủ, ít chịu lắng nghe, tiếp nhận và đổi mới. "Không tin các bạn thử ngẫm nghĩ xem, từ cơ quan, công ty, doanh ngiệp... các bạn đang làm một năm có bao nhiêu cái mới được tiếp nhận và thực hiện?". Độc giả này kêu gọi những người trẻ hãy thay đổi và đừng trông chờ vào sự thay đổi của những thế hệ trước.
Nói về nguyên nhân, độc giả Nhất Linh chia sẻ: "Chúng ta không thiếu nhân tài nhưng thực sự trong một cơ chế và tổ chức như hiện tại thì đúng là "sáng tạo" là hai chữ quá xa xỉ".
Có một cách nhìn khác, độc giả Hồng Hạnh phê phán: "Việt Nam có bệnh thành tích và tâng bốc con người lên quá mức. Đơn cử như các đợt đi thi quốc tế của Việt Nam. Hàn Quốc năm nay dẫn đầu về Toán học với 6 huy chương vàng nhưng họ không làm rầm rộ như Việt Nam... Người Việt Nam cứ nói mình giỏi Toán, thông minh. Thử xem Thái Lan họ đâu có khen họ thông minh, giỏi Toán mà cũng xếp hạng Toán học hơn Việt Nam (năm 2011). Có thời các kỹ sư công nghệ thông tin coi mình là thiên tài đáng tự hào... vì vậy mà người Việt Nam chẳng có được cái phát minh nào ra hồn".
Nhiều độc giả đưa ý kiến giáo dục là nguyên nhân chính dẫn tới việc khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới của người Việt Nam thụt lùi. "Gánh nặng học hành và các loại chi phí vô lý đang bóc lột kinh tế của từng gia đình và tổn hại tới não bộ của học sinh, sinh viên . Thử hỏi học sinh không bị điên về học đã là điều may mắn, chứ chưa nói đến chất lượng giáo dục, chất lượng con người" - một ý kiến khẳng định.
Độc giả Anh Tuấn nhận xét hiện nay việc dùng người của nước ta còn quá kém, khiến chảy máu chất xám. "Khi đi làm thì nạn chạy chức chạy quyền chở thành phổ biến ở khắp mọi nơi, khiến thui trột và kìm hãm tư duy sáng tạo của người lao động. Đi học thì nạn thành tích, giáo viên chỉ lo dạy thêm nhồi nhét đến chép còn không đủ thời gian học thì sáng tạo sao được?"
Cần thay đổi tư duy
Một độc giả cho rằng "Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì văn hóa dân tộc là cốt lõi... Cốt lõi ở đây là bộ máy quản lý, mà trong đó ngành giáo dục quá kém... Phải triệt tiêu hoàn toàn văn hóa nói dối và không trung thực thì đất nước mới đi lên được". Một bạn đọc khác cũng khẳng định giáo dục là lĩnh vực cần phải thay đổi trước tiên: "Để giải quyết vấn đề này chúng ta nên làm từ gốc và điều đầu tiên là các nhà quản lý hãy giải quyết vấn đề tiêu cực trong giáo dục trước đi đã".
Độc giả Thiên Nga nhận định "quan trọng nhất là yếu tố con người, được biểu hiện bằng sức sáng tạo và tri thức khoa học đích thực. Một đất nước phát triển kinh tế bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được chứng tỏ lãnh đạo không có tầm nhìn và không chịu học hỏi... Người Việt mình, nếu được các động cơ khuyến khích phù hợp, sẽ sáng tạo không kém gì các dân tộc khác. Nhưng để làm được điều này chúng ta phải vượt qua nhiều căn bệnh thâm căn cố đế để "vượt lên chính mình". Điều này đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn của cả 1 dân tộc với lịch sử văn hóa lâu đời như VN".
Khác với nhiều ý kiến, độc giả Hồ Viết Thống chỉ đưa ra một mong muốn đơn giản nhưng đầy tính nhân văn: "Theo tôi xã hội cần minh bạch hơn và mỗi người cần trung thực hơn. Đó chính là những điều kiện tối thiểu để trí tuệ Việt phát triển".
Một độc giả mạnh dạn đưa ra một loạt hướng giải quyết như "đổi mới hệ thống giáo dục từ học vẹt sang thực hành, nghiên cứu nhiều hơn, dạy tiếng Anh từ mẫu giáo... Hãy học Mỹ về kinh doanh, học sáng tạo từ người Đức, người Nhật".
Rất nhiều độc giả đã lên tiếng cảm ơn bài viết rất có giá trị và đáng suy ngẫm của tác giả, cũng như tâm đắc với phần kết:
"Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?"
Nguyễn Thảo (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment