Sinh ra làm người không ai muốn mình phải trả quả khổ, phải không quý vị? Sinh ra từ nhân quả, được nuôi sống trong nhân quả, lớn lên cũng từ nhân quả và chết đi cũng theo nhân quả mà tái sanh. Như vậy nhân quả muốn chúng ta khổ là chúng ta khổ, muốn chúng ta sướng là chúng ta sướng vì thế khổ vui của đời người chỉ trong vòng nhân quả, chúng ta chỉ là hình nộm hay con rối của nhân quả mà thôi, cho nên xét cho cùng chúng ta chẳng có cái gì là của chúng ta cả. Vậy mà mọi người mê muội vô minh cố chấp cho các pháp thường còn, thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta nên quan trọng mọi việc hễ có xảy ra việc gì thì ăn thua đủ, quyết tâm bảo vệ cái Ta, cái của Ta. Do đó làm mọi việc ác mà không biết, làm tay sai cho nhân quả mà không hay. Từ chỗ làm điều ác mà chịu quả khổ đau vô cùng, vô tận; từ chỗ làm việc ác là làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Chính chỗ ăn thua đủ với mọi người để bảo vệ cái ta, cái của ta là chỗ nhân quả điều khiển chúng ta đi vào trong ác pháp. Chính chỗ chúng ta muốn hơn người là chỗ nhân quả sai khiến chúng ta, biến chúng ta thành tên nô lệ của chúng. Chính chỗ chúng ta giận hờn thương ghét, sợ hãi, lo toan, rầu rĩ, buồn khổ là đã làm tay sai cho nhân quả. Chính chỗ chúng ta phiền não thân bị bệnh tật, ốm đau, tai nạn này, tai nạn khác là chúng ta đang bị nhân quả làm chủ tâm ta. Chính chỗ chúng ta đang khởi niệm lăng xăng là nơi tiếp tục tái sanh, sinh tử luân hồi, còn ngược lại tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; tâm thanh thản, an lạc và vô sự là nơi chấm dứt tái sanh luân hồi.
Muốn thoát ra khỏi vòng tay nhân quả, điều duy nhất chúng ta phải bảo vệ và giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, luôn luôn lúc nào cũng phải giữ gìn trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nơi đó là nơi không bao giờ có nhân quả và nhân quả cũng không bao giờ dám bén mảng đến nơi đó được. Cho nên chỗ không nhân, không quả là chỗ chúng ta về, chỗ giải thoát hoàn toàn tức là Niết Bàn. Chỗ không nhân, không quả là chỗ bất động tâm trước ác pháp, chứ không phải chỗ không niệm thiện, niệm ác (không vọng tưởng). Chỗ không niệm thiện, niệm ác là chỗ tưởng giải của Thiền Tông và kinh sách phát triển của Bà La Môn.
Kinh Pháp Bảo Đàn dạy: “Chẳng niệm thiện, niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”, kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.” Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: Tâm bất động trước các ác pháp thì các Tổ lại hiểu chỗ tâm không niệm thiện, niệm ác, hiểu như vậy làm sao đúng nghĩa được. Phải không quý vị? Vì hiểu nghĩa sai nên từ xưa cho đến nay quý thầy Tổ không có ai tu chứng quả A-la-hán được. Chúng ta thường hiểu một cách sai lệch chỗ không niệm khởi là Phật tánh, là Bản lai diện mục. Chỗ không niệm của Thiền Tông và kinh sách Đại Thừa là chỗ ức chế tâm vô niệm theo phương pháp Niệm Khởi Liền Buông. Niệm khởi liền buông là một phương pháp tu tập thiền của Thiền Tông Trung Hoa, nó tu theo kiểu ức chế tâm và cũng giống như phương pháp niệm Lục tự Di Đà của Tịnh Độ Tông. Nhất Tâm Bất Loạn. Những phương pháp này do các Tổ tưởng giải sinh ra vì cho rằng chỗ tâm không khởi niệm thiện, niệm ác là Phật tánh, là cõi Cực lạc v.v...
Chỗ tâm bất động trước các ác pháp của Phật dạy trong kinh Nguyên Thủy Nikaya thì phải tu tập bằng những phương pháp xả tâm như: Định Chánh Niệm Tỉnh Giác, Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt và Định Niệm Hơi Thở. Bốn loại định này hỗ trợ cho pháp môn Tứ Chánh Cần để ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp bằng tri kiến giới luật đức hạnh. Cho nên người tu tập không bị ức chế tâm mà đạt được tâm bất động một cách rất tự nhiên, vì xả tâm bằng sự hiểu biết của tri kiến nên tâm luôn luôn ở trong trạng thái bất động. Bất động do tâm tham, sân, si, mạn, nghi đã được quét sạch thì tâm tự nhiên không niệm ác.
Tâm tự nhiên không niệm ác, từ đó chúng ta mới ở trên Tứ Niệm Xứ mà tu tập để quét sạch những gốc dục vi tế, khi gốc dục vi tế được quét sạch thì bảy năng lực giác chi xuất hiện tức là Bốn Thần Túc đầy đủ. Do đó chúng ta mới đủ nội lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết và tự tại trong sinh tử luân hồi, chừng đó muốn sống muốn chết hồi nào cũng dễ dàng. Lúc bấy giờ nhân quả nghiệp báo không còn tác động vào chúng ta được nữa. Chúng ta tự tại đi trong bão tố của nhân quả. Nhưng nhân quả không làm động sợi tóc, chân lông của chúng ta được.
Phật pháp vi diệu như vậy, nếu chúng ta nhiệt tâm quyết chí tu hành, tâm không còn dính mắc danh, lợi thế gian; không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, và chúng ta không còn cho cuộc đời này thật có, là của ta thì nhân quả không còn chỗ sai khiến chúng ta được nữa. Không còn sai khiến chúng ta được nữa thì con đường làm chủ sinh, già, bệnh, chết mở rộng thênh thang cho chúng ta bước đi một cách thung dung, thong thả, tự tại, vô ngại v.v… và cuối cùng chẳng còn lo sợ nghiệp báo luân hồi tái sinh gì cả.
Luật nhân quả rất công bằng, nó sẽ không tha thứ cho một ai nếu chúng ta làm ác. Vì thế, quý vị phải nhớ sống đúng đạo đức nhân quả mười điều thiện và nên tránh xa mười điều ác. Có làm được như vậy quý vị mới thoát ra mọi sự khổ đau của nhân quả.
Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
No comments:
Post a Comment