Để một mai tôi về làm cát bụi...”
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng ưu tư khắc khoải về thân phận con người: Con người là ai? Từ đâu đến? Đi về đâu? “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?” ông nhận ra phận người đến từ bụi đất, mang kiếp sống mong manh vắn vỏi. Hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la, bất lực trước định luật tự nhiên của tạo hoá, bị lôi cuốn theo sự xoay vần cuộc sống. Sau “một mai vươn hình hài lớn dậy” để sống kiếp cát bụi phù du tạm bợ, dù muốn hay không, chấp nhận hay chống đối, hạt bụi lại rũ áo ra đi về với thân phận bụi đất của mình. “Để một mai tôi về làm cát bụi”, thế là hết, là xong một kiếp người.
Vẫn biết bụi đất một mai sẽ trở về với cát bụi, vẫn biết nơi đến, chốn về như nhau: tất cả chỉ là phù du, vô nghĩa, nhưng trong lòng ông, “từ vực sâu nghe lời mời đã dậy” đang mong chờ một điều gì đó thâm sâu hơn, cao qúy hơn những gì tầm thường, đang cuốn hút hạt bụi xoay vòng trong cơn lốc đảo điên. Hình như tâm hồn ông đã nghe được lời mời gọi thiêng liêng nào đó. À, thì ra cát bụi mệt nhoài sau những chuỗi ngày “mặt trời soi một kiếp rong chơi”, sau những tháng năm hòa mình vào những “tiếng động gõ nhịp không nguôi” của cuộc đời, sau “bao nhiêu năm làm kiếp con người”, bỗng chợt nhận ra thiếu vắng một cái gì đó trong cuộc sống. Hạt bụi nhỏ bé như pha lê được mặt trời soi sáng để rồi trái tim khát khao tin yêu thổn thức “xin úp mặt bùi ngùi, từng ngày qua mỏi ngóng tin vui.”
Là tin vui gì? Ai có thể mang cho đến cho đất trời tin vui bất diệt? Mỗi hạt bụi trong vũ trụ bao la đang chờ đợi một tin vui khác nhau. Có hạt mong được chiếu sáng lấp lánh dù là hư ảo chớp nhoáng. Hạt mong được tích lũy thêm những lớp đất cát phù du, dù bụi sẽ chẳng mang được chi khi “một mai về làm cát bụi”. Hạt khác thích cả đời rong chơi dưới ánh mặt trời. Hạt lại thích hưởng thụ cho bõ kiếp phù sinh vắn vỏi. Có hạt mong được nâng đỡ những hạt bụi khác mảnh mai yếu kém hơn. Hạt lại mong cho đi chính mình để làm men, làm muối ướp mặn cho đời.
Sưu tầm
No comments:
Post a Comment