Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Trung Quốc lại có hành động lấn chiếm biển Đông bằng giàn khoan như bây giờ là do các “đại gia” như Nga và Mỹ đang bận “đánh nhau” ở các “chiến trường” Syria và Ukraine. Các nước châu Á khác cũng đang phải đối chọi với thảm họa thiên nhiên và tai nạn như vụ mất tích máy bay MH370 của Malaysia, vụ chìm phà Sewol của Hàn Quốc và vụ lở đất ở Afghanistan. Và dường như vụ MH370 cũng khiến Trung Quốc có cái cớ để “đi qua” biển Đông mà “vươn tay” Ấn Độ Dương nhằm tìm chiếc máy bay mà đại đa số người mất tích là công dân Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam gây thêm căng thẳng giữa hai nước và khu vực. |
Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc trong thời gian qua cũng đã phải đối phó với 3 vụ khủng bố đẫm máu làm nhiều người chết bằng mã tấu và bom ở Bắc Kinh, Côn Minh và Quảng Đông. Trong tương lai với tình hình đất nước cũng nhiều bất ổn, không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ tránh được những nguy cơ khủng bố mới. Thế nhưng “việc nhà” chưa xong đã lo kiếm thêm “đất”, liệu Trung Quốc có mục đích gì khác khi lần này lại gây hấn mức độ cao ở biển Đông?
Câu trả lời có thể nằm ở băng cháy, một trong những loại năng lượng mới có thể được coi là dầu mỏ của tương lai bên cạnh đất hiếm. Băng cháy, còn gọi là Methane Hydrate (tiếng Anh là Natural Gas Hydrate hoặc gọi tắt là Gas Hydrate), là một loại băng (nước đá) hình thành bởi khí metan dưới tác dụng của nhiệt độ 0 độ C và áp suất 30 atmosphere, thường tồn tại dưới lớp đất đóng băng vĩnh cửu hoặc ta-luy (mặt dốc) của rìa đại lục, nói chung nằm ở đáy biển có độ sâu quá 500 mét. Băng cháy khi được làm nóng hoặc giảm áp lực sẽ phân giải thành khí đốt và nước: 1m3 băng cháy khi phân giải cho ra 164m3 khí metan và 0,8m3 nước. Trữ lượng mêtan dạng này theo ước tính dè dặt vào khoảng gấp hai lần trữ lượng các bon được tìm thấy trong tất cả các nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là dầu mỏ) được biết đến trên Trái Đất. Theo một ước tính, tổng trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới có thể cung cấp năng lượng cho loài người dùng trong 1000 năm.
Cũng theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng băng cháy ở biển Nam Hải (ta gọi là Biển Đông) tương đương 70 tỷ tấn dầu mỏ, bằng khoảng một nửa tổng số nguồn năng lượng dầu mỏ và khí đốt trên đại lục Trung Hoa. Chính vì vậy, ngoài nguồn năng lượng dầu mỏ, khí đốt khổng lồ ở biển Đông, băng cháy đã trở thành kho báu ngầm làm nhân lên nhiều lần giá trị của biển Đông, và càng làm cho những tên “cướp biển” ASEAN trở nên thèm khát hơn bao giờ hết để cung cấp cho ngành công nghiệp và nền kinh tế khổng lồ của chúng. Và cũng chính vì vậy, bảo vệ biển Đông giờ đây là một trong những nhiệm vụ sống còn đối với mọi quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trước dã tâm bành trướng không thể rõ ràng hơn của Bắc Kinh.
Victor Charlie – CT03
No comments:
Post a Comment