Khoe khoang một cách lố bịch hiện đang trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều người, làm rối loạn nhiều thang giá trị...
Hồi còn bé tí, sống ở thời bao cấp, tôi còn nhớ mãi hình ảnh bố mẹ mình trở dậy lúc trời còn tờ mờ sáng, “lén lút” quấn con cá trắm 3 kg vào manh chiếu và dặn dò chúng tôi không được nói với ai, để bố mẹ đem cá về biếu ông bà.
Nhưng trẻ con chúng tôi, chỉ giấu được lúc ấy. Khi trời sáng rõ, tụ tập chúng bạn, có gì lại khoe với nhau tuồn tuột. Đứa thì khoe được ăn thịt gà, nhưng bố mẹ lách thịt bằng kéo; đứa thì khoe được ăn bánh nướng, bánh dẻo nhưng chỉ ăn ở trong nhà… Nói chung là đủ thứ mà theo bọn trẻ chúng tôi, lúc bấy giờ là những món sơn hào hải vị. Nhưng mà lạ một điều là đứa nào cũng bảo “bố mẹ tớ dặn không được nói với ai”.
Lớn hơn một chút, tôi mới hiểu là sống trong thời bao cấp, con người ta phải như vậy. Mọi người đều cảm thấy ngại, không dám khoe ra ngoài về sự khá giả bất thường của mình (dù chỉ là bữa cơm có thêm miếng thịt, miếng cá).
Rồi khi mở cửa, cái bệnh “ngại” của thời bao cấp tiêu dần và biến mất. Mọi người đã thoải mái hơn và không còn phải ngại vì mình giàu có, giỏi giang hơn người khác.
Nhưng khi xã hội càng phát triển, người ta lại phải sống cùng với một thứ bệnh đối lập hoàn toàn với bệnh “ngại” của thời bao cấp, bởi cái sự “nổ”, sự khoe khoang tưng bừng ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ chỗ nào. Ở đâu người ta cũng không ngại khoe khoang về sự giàu có, về học vấn, bằng cấp, về cơ thể, về bất cứ thứ gì...
Ở ngoài đường, nhiều thiếu nữ thoả sức mặc quần cộc, cạp trễ, khoe giò, khoe mông mà nhiều người xung quanh phải quay mặt không dám nhìn. Khi bị phạt vì vi phạm giao thông, nhiều người rút điện thoại “chém gió” rằng quen sếp này, sếp nọ… cũng là để khoe khoang cái sự quan hệ rộng của mình.
Trên sân khấu, nhiều ca sĩ, diễn viên coi sự ăn mặc thiếu vải, khoe cơ thể và các vòng 1-2-3 là thể hiện sự gợi cảm cũng như bản lĩnh của người nghệ sĩ. Một số còn “tự nổ” cho rằng mình là sao, có đẳng cấp, thậm chí còn tổ chức cả những cuộc họp báo hoành tráng để “nổ” về bản thân. Còn nhớ, có cô diễn viên khoe được kinh đô điện ảnh Hollywood mời đóng phim, nhưng hàng năm sau phim mới ra mắt. Người hâm mộ căng mắt xem đi xem lại, mới phát hiện nữ diễn viên này có xuất hiện trên phim thật, nhưng là cảnh đi lại khoảng… vài giây.
Không chỉ nghệ sĩ mà nhiều vị quyền cao chức trọng cũng mắc bệnh “nổ”. Chẳng thế mà có chuyện ông Phó vụ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An, trong một buổi hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng, khi phản biện lại cách tính giá xăng dầu, đã “lỡ miệng” khoe rằng, ông không giỏi toán lắm nhưng có đi thi toán quốc tế. Tại cuộc hội thảo, ai cũng “mắt tròn mắt dẹt” phục ông Phó vụ trưởng này lắm lắm. Nhưng khi kiểm tra lại từ Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), thì không có tên ông này ở bất cứ đội tuyển dự thi Toán quốc tế nào của Việt Nam .
Rồi đến chuyện cả ông Thứ trưởng cũng khoe bằng cấp, mà đáng khoe nhất là tấm bằng Tiến sĩ… dởm. Trong các bản khai, ông Thứ trưởng này cam đoan đạt học vị Tiến sĩ tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhưng cơ quan chức năng xác định ông chưa đạt học vị này.
Tệ hơn, một số quan chức còn khoe cả chức lên thiệp mời đám giỗ của cha mẹ mình…
Mới đây, dư luận lại ầm ĩ bởi sự khoe con một cách quá lố của một gia đình dự thi chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam . Nếu như những người lớn trong gia đình này không quá “nổ” về con mình, thì việc cô bé 15 tuổi hát trong chương trình này cũng chỉ bình thường như mọi thí sinh khác. Nhưng chiêu khoe con của bà mẹ đã thực sự trở nên lố bịch, nào là cô bé từng đoạt giải này, giải nọ, hát được 6 thứ tiếng…, khi khán giả được chứng kiến cô bé biểu diễn tài năng trên sân khấu.
Không những thế bà mẹ đã phản ứng lại Ban giám khảo bằng cách khoe thêm thành tích của con mình, làm cô bé lại càng tưởng mình là một “tài năng bị vùi dập”. Người chịu thiệt thòi lớn nhất sau sự lùm xum này vẫn là cô bé 15 tuổi, vì em chưa đủ lớn để chống đỡ được búa rìu dư luận và thoát ra khỏi ánh hào quang mà gia đình đã bao phủ quanh em.
Bệnh nổ, bệnh khoe khoang của nhiều người, nếu tìm hiểu rõ thì cũng có nguyên cớ của nó. Mà chủ yếu vẫn là việc chúng ta đang sống trong một môi trường quá trọng thành tích. Nói không thật, nói quá lên, nói “phét”… nhiều khi lại kiếm được lợi. Đó là việc được tuyển dụng vào những chỗ béo bở, được thăng tiến nhanh hơn những người khác… Kể cả chuyện khoe khoang quá lố về cơ thể mình cũng là “chiêu” câu khách hoặc để bù đắp vào năng lực nghệ thuật có hạn của mình.
Trong trường học, ngay từ bé, trẻ con đã phải đánh đu với việc chọn trường, chọn lớp, học thêm, nếu không sẽ không có thành tích bằng chúng bạn. Thế mới có chuyện ngay từ cấp mẫu giáo, cha mẹ, ông bà phải mang chiếu, xếp hàng cả đêm để xin học cho con.
Lên cấp tiểu học, sau một hai năm đầu, cô giáo còn uốn nắn các cháu về chữ viết. Còn lại bình thường mặc kệ các cháu, viết thế nào cũng được, thậm chí xấu đến mức không đọc được, nhưng đến kỳ thi viết chữ đẹp, gia đình lại sửng sốt vì… không nhận ra chữ con mình.
Còn mỗi khi đến kỳ thi học sinh giỏi, các em lại phải “cày” ra để học. Học ngày, học đêm, học bằng mọi giá, cốt mang được thành tích về cho trường.
Hàng ngày, hành giờ phải chứng kiến cái sự khoe khoang quá lố, tự nhiên, tôi lại lẩn thẩn so sánh rằng, sống ở thời bao cấp, có lẽ con người ta còn cảm thấy dễ chịu hơn bây giờ, khi mà bệnh “nổ” đang trở thành căn bệnh quá dễ lây lan, làm rối loạn rất nhiều thang giá trị./.
Hòa An/VOV online
No comments:
Post a Comment