Sunday, September 21, 2014

Nói khoác, chém gió, xuất bản mồm

Nước Việt Nam rõ ràng là ngèo đói lạc hậu mức đội sổ thế giới. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chính là chúng ta làm thì cực dở, nói thì rõ “hay”. Nói hay ư, chữ “hay” không đúng lắm, vì ngôn ngữ là trí tuệ, mà người Việt trí tuệ cũng như dân trí còn rất thấp, công nghệ chưa làm được một cái kim, trí tuệ mới ở mức văn vần ngâm nga lèo tèo mấy vần thơ cảm tính nên không thể cho là “nói hay” được. Nói cụ thể hơn là khoác lác, nói phét, hay như nhân gian nói là “ăn tục nói phét”.

Nói khoác có đáng yêu không? Dân tộc nào mà chẳng có nói khoác?! Triết gia Aristote nói rằng “Tuổi trẻ thường hay nói dối, vì đó là cách tốt nhất để hy vọng”.

Chà chà, Mọi hy vọng ở đời nói chung là đẹp. Một người nghèo hy vọng mình giầu. Một sinh viên y khoa hy vọng mình làm bác sĩ. Một tu sinh mong mình thành thầy tu. Một học trò thanh học mong mình là ca sĩ. Ở nhiều nước châu Âu, người ta còn có thói quen giới thiệu nâng cấp người khác lên. Chẳng hạn một hạ sĩ thì người ta sẵn sàng nói “anh ấy là sĩ quan”, hoặc một người xinh nhất xóm người ta sẵn sàng nói xinh nhất làng. Sự nói vống đó giống như sự bao dung hào hiệp với người khác.

Ở đời, tuổi trẻ thường hay nói dối, bởi vì tuổi trẻ chưa làm được gì nhiều từ học hành đến công trạng, tiền bạc hay vinh quang, vì vậy người ta thường nói quá lên cái mình có thành cái “mình sẽ có”, thậm chí người ta còn nói tăng số tuổi của mình. Nhưng về già là lúc con người đã đạt được một số thành tựu nào đó, hoặc chín chắn hơn khi nhận ra mình, người ta càng phải ít nói khoác đi. Nhưng trái lại, có không ít người Việt càng già càng bất lực thì càng nói phét. Lúc trẻ còn hy vọng vào mình thì nói phét quả trứng thành con bò, nhưng về già khi chứng trắng tay càng cao thì không ngại nói phét quả trứng nhà mình to hơn dãy núi.

Trên cả sự mặc cảm về chứng bất lực do từ nhỏ ham vui, hát hò, thơ thẩn, trắng tay nên phải nói phét, người Việt nói phét giỏi vì còn khao khát nói phét. Người Việt có câu “Mồm miệng đỡ chân tay”. Nghĩa là, họ chủ trương muốn thoát khỏi lao động nặng nhọc của người làm nông nghiệp thì nên biết nói khoác, từ đó có thể đem lưỡi thay thế tay chân, khỏi phải làm việc mệt nhọc. Trong các làng quê người ta thường xuýt xoa nể phục cha con nhà nào đi làm Mc cho các đám cưới. Cha con Mc vừa xuất hiện đã thấy bà con kiêng nể như thể: đẳng cấp chân tay phải ngước nhìn đẳng cấp của lưỡi. Rồi Mc mở màn “Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”, lời trôi ra trơn như bôi mỡ. khiến bà con vụng về ấp úng trong ngôn ngữ phải kính nể. Từ niềm tự hào “đỡ tay chân” này, mà không ít người Việt đã thi đua càng nói phét càng tốt mong đến ngày chiếc lưỡi của ta tuyệt đối thay thế tay chân vất vả của ta.

Triết gia Socrate và Platon có nói một phương ngôn giản dị và hay bậc nhất: “Là kim cương nó không bao giờ phải khoe mình là kim cương cả”. Tại sao người ta nói khoác? Nói khoác có nghĩa là “có ít xít ra nhiều”. Người ta là tre nứa thì mới phải nói khoác mình là gỗ đá, là gỗ đá thì nói khoác mình là sắt thép, từ sắt thép mới khoe mình là vàng bạc, từ vàng bạc mới phô mình là kim cương. Nhưng là kim cương người ta chẳng phải khoe mình là gì cả.

Càng thiếu tự tin về mình người ta càng hay khoác lác để che dấu. Có khi rơm rác nhảy một phát khoe mình là vàng bạc. Có khi trong ngày đôi lúc nói khoác, người ta đã nói khoác thường trực cứ mở miệng ra là nói khoác. Nhưng kỳ thực sự khoác lác bôi trơn đó có khác gì mấy anh Mc ở nhà quê chỉ mong đĩa xôi miếng thịt nơi đám cưới hò hát cưới đùa nhí nhảnh.

Chứng nói khoác hay nói phét là chứng nông nhàn và đặc biệt là đặc sản của lớp người văn hóa âm lịch, hay văn hóa Tầu. Những nhà cải cách Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn cho rằng: chỉ có thể là người trí thức trong thời đại mới khi phải mang tâm cảm tiến bộ. Như vậy, đám hủ nho có học biết bao bồ chữ cũng chẳng thể nào trở thành tri thức. Và trong đám bốc phét một tấc tới trời, rồi hứa hão, thất hứa hầu hết là đức sống của đám hủ nho. Chẳng hạn, có một nhà thơ chăn nuôi khoe: “Tôi học võ khi nằm trên giường, tưởng tượng  người ta đánh, tôi né rồi phản đòn. Võ của tôi là Vô chiêu”. Ý anh ta muốn nói: vô chiêu của mình giống “lấy bất biến ứng vạn biến” sẽ chiến thắng tất cả hữu chiêu khác. Có không ít anh âm lịch còn tuyên bố: tôi ngồi đây nhưng sẽ đánh ngã anh dù cách hàng chục mét. Khi được mời thử đi. Thì anh ta lại ba hoa bốc phét về việc mình không thèm làm.

Một anh khác khoe khoang về chim Bằng tức con chim của thần thoại Trung Quốc đầu chạm đỉnh trời đuôi chạm đáy đất. Tôi hỏi “anh đã nhìn thấy chim Bằng bao giờ chưa?” Không cần nghĩ lâu. Anh trả lời:

“Tôi không nhìn thấy chim Bằng, nhưng bay cùng với chim Bằng”.

Trong một lần nói chuyện với một nhóm các nhà thơ tôi hiểu họ khá kỹ. Tôi nói “cả đời tôi nói dối không bằng các anh nói dối trong một ngày”.

Một người có vẻ muốn bật lại lò so: “Anh nói vậy là nói ai?”

Tôi trả lời: “Tùy các anh!” tôi nói vậy hàm nghĩa, nếu anh nào thấy tôi nói sai, tôi sẽ chứng minh liền. Tất cả họ đều im lặng. Sự im lặng đó ít ra tiệm cận sự đồng ý.

Tất nhiên nhiều người không chỉ nói khoác xuông mà còn dùng trí tuệ và nguyên lý để nói khoác. Nhà thơ kia bảo, Lão Tử nói “Trời không làm gì mà làm tất cả”. Ý anh ta muốn biện hộ cho chứng lười nhác vô tích sự của mình.

Tôi liền bảo: Anh chỉ là con người nhỏ bé sao lại dám nghĩ mình là trời để mà học theo trời? Vả lại căn cứ vào đâu mà anh nói “trời không làm gì cả”, chẳng nhẽ Trời không tham gia vào quá trình tạo thiên lập địa ư? Anh ta liền im lặng.

Giờ nói chuyện xuất bản mồm. Khi thấy mọi người bảo cả đời chẳng thấy anh làm gì cho ra tấm món ngoài một hai tập thơ mỏng như tờ rơi mấy chữ lèo tèo? Thế là một thời gian dài tưởng đã cao tuổi anh sẽ chán chứng bốc phét, nào ngờ anh ta lại bốc phét cách liều mình như chẳng có. Anh bảo, ‘tôi đang viết một cuốn sách mới, mà khi viết xong, sách của cả thế giới này phải đốt hết đi!” Nhưng than ôi, bạn bè chờ mãi, 3 năm, rồi 5 năm cuốn sách đó vẫn viết chưa xong, mà chắc chắn nó không thể được viết xong, cũng như không thể dám viết xong.

Một lần khác khi nói về thơ của mình, anh chàng nói “Tôi nói thật, thơ của tôi mỗi câu, mỗi bài là của các Đấng”, ý anh nói, thơ tôi đã được “nhập đồng” của các thần các thánh, thì đừng có ai dám bàn chuyện khen chê. Chắc anh ta không biết chuyện, khi I-rắc chống lại liên quân 28 nước đã tổ chức cầu nguyện để cho Đấng Ala của họ sẽ giúp họ đánh thắng. Họ đâu có hiểu một việc đơn giản: Thánh thần là công lý.

Triết gia Nietzsche nói “chúng ta không nên đón nhận mà phải sáng tạo, chúng ta không nghèo khổ đến mức phải ăn xin sự bố thí của thần thánh”. Sáng tạo là Nhân tạo đó là định nghĩa phổ biến trên thế giới. Sáng tạo mà đòi trở thành manh áo đồng cốt ăn mày thần thánh thì còn gì để nói?! Khi nghe thế, tôi thở dài và hoàn toàn thất vọng về tư cách ăn mày thần thánh của anh ta.

Người Việt nghèo đói khổ sở, giáo dục xuống cấp, dốt nát tràn lan, thơ phú nghệ thuật lèo tèo được chăng hay chớ vì chúng ta ít sống vụ thực như ngô ra ngô khoai ra khoai, rơm ra rơm, ngọc ra ngọc, vàng thau lẫn lộn, mấy bài thơ đồng cốt ăn trộm cũng muốn xí xộ ở tầm Nobel, mấy anh thơ còi không có mỹ học cũng học đòi hậu hiện đại rồi mơ tưởng mình là vĩ đại. Vĩ đại ư? Nhân vật không có, kịch tính không có, mấy ballad vớ vẩn làm sao hóa trường ca được mà đòi xây mộng đóng cầu thang lên thiên giới?

Muốn có một đất nước hùng cường, một nền văn hóa cao cả xin người Việt chúng ta hãy chú tâm sống thực, làm tốt hơn là ba hoa phét lác. Sách đã xuất bản mà chỉ có bé và vừa hy vọng gì vào sách xuất bản mồm? Tiền mặt chưa đủ mua bánh mì để cứu tế đói nghèo. Tiền mồm thì làm được cái gì? Hay lại mong ước thành quả như Mc đám cưới nhà quê xin ít xôi thịt sống cầm chừng?

Nguyễn Hoàng Đức

No comments:

Post a Comment