Wednesday, September 17, 2014

Công dân đích thực

Không có công dân thì không thể có nhà nước pháp quyền. Xa xưa với vua chúa, tuy có nhà nước và pháp luật nhưng đó chỉ là cái gọi là nhà nước và pháp luật. Tại sao? Vì vua chúa là thiên tử cha truyền con nối chỉ là một thứ gia đình trị kéo dài, nếu mẹ hay vợ vua tham gia triều chính như Từ Hi Thái Hậu thì chỉ là cái bếp của đàn bà kéo dài. Pháp luật gọi là có để trị dân đen, nhưng không bao giờ được dùng để trị vua chúa hay vương gia bởi vì vua chúa còn ở trên cả pháp luật. Chỉ khi có nhà nước cộng hòa, nhân dân được tham gia trực tiếp vào bầu bán, chọn lãnh đạo, cũng như được bình đẳng trước pháp luật như bất cứ ai dù quyền to nhất, thì khi đó mới có pháp quyền đích thực.

Nhà nước cộng hòa cũng là sản phẩm của xã hội văn minh. Văn minh là gì?

Theo các triết gia, đặc biệt là Whitehead nhà triết học Anh, thì văn minh chỉ xuất hiện khi người ta tập trung dân số với mật độ cao ở thành thị. Nông thôn hay nhà quê có thể có văn hóa rất duyên dáng và phong phú, nhưng không thể coi nông nghiệp là văn minh. Từ “Công dân” theo gốc Latin là Citizent – tức người thành phố, hay còn gọi là “Thị dân”. Từ đó mới đầu chỉ gọi cho dân thành thị, nhưng sau này khi người ta sợ gọi cách chuyên biệt như vậy, sẽ gây kỳ thị, và nó được chuyển nghĩa thành từ “công dân”. Công dân ở đây cũng có nghĩa là người dân của xã hội văn minh, và công dân của nhà nước có pháp quyền, một thứ trình độ dân trí cao như người thành phố chứ không còn là thứ lạc hậu, thảo dân, thấp kém, quê mùa.

Nay hãy xét đến các thảo dân Việt Nam. Người Việt đã là công dân chưa? Cả nghĩa đen tức thị dân, cả nghĩa bóng là công dân của nhà nước pháp quyền, người Việt đều chưa có. Xã hội ta hơn 80% vẫn là tam nông: nông dân – làm nông nghiệp –và ở nông thôn (tỉ lệ này cách đây vài thập niên là hơn 90%). Còn lại hơn 10% là thị dân ư? Không, ngay cả những người đang làm việc ở trong những thành phố lớn, rồi viện nọ viện kia nhưng cái dớp tiểu nông vẫn đè nặng trong đầu. Cụ thể, khi Việt Nam vào WTO, nhiều chuyên gia nước ngoài xác định: Việt Nam chủ yếu là lao động đơn giản, tức lao động cơ bắp mà thiếu rất nhiều lao động tay nghề kỹ thuật. Có một cuộc thi tay nghề từ Bắc vào Đà Nẵng, được biêt người ta khó tìm thấy một anh nông dân nào biết cầm chiếc cà-lê. Điều này là hoàn toàn phản ánh đúng hiện thực, người Việt đa số còn làm nông nghiệp chỉ biết cái cày cái cuốc mấy khi có cơ hội cầm hay sắm cho mình một chiếc cà-lê. Từ cách nghĩ nhỏ bé tiểu nông của hầu hết xã hội từ nông dân đến những nhà thơ chỉ có dăm bảy chữ yếu hèn mà thi si Tản Đà đã than:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Giờ xin bàn vào thước đo của lịch sử.

1-Khổng Tử bậc thầy hàng đầu người Trung Quốc nói “Hương nguyện đức chi tặc giã”, có nghĩa là : nhà quê là hại đức. có rất nhiều học giả hủ nho Việt Nam đã cố tình dịch sai câu này đi. Vậy thì còn câu này sẽ dịch thế nào: “Nhân bất học bất tri lý”, có nghĩa – người không học sẽ không biết được cái lý. Mà ai là người ít học nhất trong một quốc gia? Không phải tiểu nông thì là ai? Xét cụ thể các làng nghề ở Việt nam và Trung Quốc, so tỉ lệ với các làng làm nông nghiệp là rất ít, nhưng trình độ của người thợ, làng nghề hay kẻ chợ đều hơn hẳn thôn quê.

2- Chủ nghĩa Mác cũng khẳng định không chút hồ nghi rằng: giai cấp nông dân vì làm ăn cá lẻ, tính kỷ luật không cao, manh mún, tùy tiện, ích kỷ, vô tổ chức nên không thể làm được cách mạng. (Chỉ có giai cấp công nhân với qui mô sản xuất tập trung, có kỷ luật cao mới lãnh đạo được cách mạng vô sản).

3- Lý luận của triết học toàn cầu cho rằng, với nông dân thế giới chưa thoát ly khỏi đồng ruộng thì chưa bao giờ chạm mặt với nền văn minh.

Nhưng vấn đề nông dân là sự lạc đề và bi kịch bậc nhất trong lịch sử thời đại của Trung Quốc cũng như Việt Nam. Tuy chủ nghĩa Mác đã xác định giai cấp nông dân không thể dẫn đầu làm cách mạng được, ở Trung Quốc và Việt nam, cái gọi là giai cấp công dân còn rất lèo tèo, nhưng người ta cứ khiên cưỡng áp đặt cách mạng vô sản một cách biến thái và lệch hướng. Thậm chí ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông còn xua các giáo sư về nông thôn để học tập nông dân. Thật nghịch lý và chua cay hết cỡ! Ở đời người ít học phải học người có học, nhưng họ Mao muốn nói rằng: vì có quyền lực trong tay, ta có thể làm cả những việc ngược đời nhất. Càng ngược đời, càng phi lý, càng bất công mà mệnh lệnh vẫn được thực hiện thì quyền lực mới là tuyệt đối! Ở Việt Nam cũng xảy ra một hình ảnh tương tự khi trí thức và địa chủ bị đấu tố trong cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “trí, phú, cường, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Sau này các đồng chí Khơ me đỏ còn lên cơn uy quyền cộng sản tuyệt đối hơn khi lấy vồ đập chết gần một nửa dân số Căm-pu-chia. Chưa hết trong suốt nhiều thập kỷ, khi họp hành phê bình tác phong cán bộ, các nông dân số đông luôn luôn áp đặt cách sống nông dân, cũng như kỳ thị cách sống văn minh thị dân bị gọi là “tiểu tư sản”, kết cục xã hội bị nông thôn hóa triệt để và toàn diện. Đây cũng là một cú giật lùi của lịch sử, chưa bao giờ con người Việt lại đắc chí về cái nghèo hèn, kém cỏi thiếu văn hóa của mình đến vậy. Đặc biệt khi đó người ta còn vá miếng vải cũ lên chiếc áo mới của mình, để muốn hòa nhập với cái kém cỏi. Một anh công nhân ở nhà máy Gia Lâm kia, hớn hở đeo cà vạt ra đón lãnh đạo, liền bị lãnh đạo tóm cà vạt hỏi “chú có biết cái này là cái gì không? Là cái xa dời quần chúng!” anh chàng tái mặt sợ mình bị đấu tố đến nơi.

Tại sao chúng ta phải nhìn nhận rõ điều này một cách chi tiết? Vì đây là đặc điểm căn bản của nước ta, hơn thế là khúc mắc nghịch lý bậc nhất trên con đường lập hiến của dân tộc ta. Để lập hiến lẽ ra người ta phải tiến lên văn minh bằng trí tuệ đỉnh chóp; nhưng để làm chính trị cách nhanh nhất người ta buộc phải mua chuộc một đám đông ít học hành nhất. Và thế là chúng ta có được một nhà nước lộn xộn, hoang phế, bày bừa ở khắp nơi. Đây cũng chính là thách thức mà triết gia Hegel cảnh báo mà các nước cộng sản không thể vượt qua được. Ông nói: Xã hội của bọn nô lệ cho dù được trả tự do vẫn chỉ là xã hội lộn xộn, hoang tàn, đổ nát, và diệt vong. Điều đó đã đúng với toàn bộ hệ thống Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Cùng là một nước Đức, cùng là thành phố Béc-lin, mà những công dân của chủ nghĩa xã hội phải kiễng chân nhòm qua kẽ tường sang phía Tây Đức để ao ước một cuộc sống mình không thể nào với tới, nhiều người còn bất chấp cả việc bị bắn rượt để leo qua bức tường ngăn cách đó. Hiện thực đó đang đúng với những nước lạc hậu nhất, dù có giành được độc lập như Cu Ba, Lào, Việt nam, hay Trung Quốc… nhưng vẫn không có dược tư duy ngăn nắp của ông chủ, mà chỉ là tư duy tiểu nông (Cu Ba là dân chặt mía, Việt, Lào, Trung thì toàn nông dân), nên người ta không có khả năng xây dựng quốc gia lập hiến cho dân tộc mình. Một quốc gia phải có hiến định thì mới ngăn nắp. Có một chuyên gia phương Tây mới nói: Người ta có thể hợp tác lao động cơ bắp, chứ không thể hợp tác suy nghĩ. Giai cấp lãnh đạo như bộ não, nhỏ và ít nhưng suy nghĩ cho toàn xã hội. Ngược lại nếu lấy số đông không có học như tiểu nông làm bộ não của nhà nước thì làm sao tránh được lộn xộn và vô trật tự?

Các triết gia cũng xác định: con người làm theo sở trường của mình là vui vẻ và thành công nhất. Sở trường như con cá có vây, con chim có cánh, cầu thủ Carlos thuận chân trái được đá bên cánh trái đã thu được nhiều tiền và vinh quang nhất… Xã hội cộng hòa cũng vậy, nó đảm bảo cho mọi người được làm việc và sống theo sở trường của mình, vì thế mà cá nhân thành đạt và hạnh phúc, gia đình giầu có, quốc gia hùng mạnh. Sức mạnh của mỗi người không chỉ bao gồm quyền lực của nhà nước, mà ai có tiền có tài thì đều có sức mạnh. Một học giả viết được sách, sách đó chính là quyền lực. Một ca sĩ có triệu người nghe, đó là quyền lực, một người thợ đủ trình độ gò đầu tầu, cái đó là quyền lực… Nhưng những quyền lực đó chỉ có ở nhà nước cộng hòa với pháp luật đủ mạnh để đảm bảo cho người ta được sống và tôn vinh nhờ sở trường. Còn ở nhà nước không có pháp luật, thì quyền lực chỉ có nghĩa là nhà nước, tất cả xã hội đều bị sắp đặt theo quyền lực, một người nghĩ ra keo vá lốp đã bị coi là vua lốp rồi bị tịch thu hòm đồ nghề vá săm, bị tống tù, thì thử hỏi mọi ngành nghề khác làm sao có thể tồn tại? Một giáo sư chẳng có gì cả, nhưng chỉ cần là cục phó đã được phân nhà và đi công tác được điều ô tô phục vụ… bởi thế mọi người đều lao vào hệ thống sắp ghế của nhà nước. Như thế đâu còn cái gọi là xã hội dân sự để trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng?

Vua chúa Việt rất nhỏ bé, hèn kém và ích kỷ. Từ xa xưa cung vua xây chỉ có hai tầng, và bắt nhà thứ dân không được xây hai tầng. Xây hai tầng là phạm thượng. Ngày nay điều đó vẫn còn. Quan chức thì được đi ô tô, thậm chí ô tô đắt hơn cả chục lần qui định. Dân chúng thì bị đánh thuế cao nhất thế giới, với những chiếc ô tô tồi nhất thế giới nhưng đắt nhất thế giới. Mới đây ông bộ trưởng giao thông kia còn định ra luật bắt xe tư nhân đóng thuế hao mòn đường, còn xe nhà nước không bị đóng thuế. Trời ơi, xe nào đi mà đường chẳng mòn, tại sao ông lại chỉ đòi nã vào đầu dân tróc thuế, còn xe nhà nước với bao thứ ưu tiên ông lại cho miễn thuế, điều đó có phải chính ông là một bằng chứng chứng – minh rằng nhà nước là của các ông, rồi đến đường xá và cầu cống là của các ông mà không phải của dân chúng??? Các ông lại còn nói rằng đánh các loại thuế cầu đường để cho đường đỡ tắc. Nói vậy có khác gì bảo: nhân dân hãy nhịn đi xe, để thông thoáng đường cho quan lớn cách mạng đi?! Tại sao ông bộ trưởng lại làm thế? Vì rõ ràng ông hy sinh dân chúng để đổi lấy những lá phiếu bằng lòng nơi các “đồng chí – đồng nhóm lợi ích” của mình.

Người Việt có câu “quan thì tham, dân thì gian” hay “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Một nhà nước không pháp quyền sẽ sinh ra một lũ quan tham. Và lũ quan tham đó sẽ làm cho người dân sống gian. Hy vọng chúng ta có một nhà nước pháp quyền hiện đại đúng nghĩa, và những công dân đích thực của nhà nước có pháp luật, để mọi người được sống trong bình an, tiến bộ, thành đạt và vinh quang.

Bài đã đủ dài, trong khi tôi còn rất nhiều điều chưa nói hết. Xin hẹn gặp lại bạn đọc vào dịp khác. Cám ơn và xin các bạn chớ tự ái bởi hai chữ “tiểu nông” vì lẽ bất cứ gia đình nông dân nào cũng mong con mình học hành đỗ đạt để đổi đời khỏi hai chữ tiểu nông. Gia đình tôi cũng đã là một gia đình như vậy.

Nguyễn Hoàng Đức

No comments:

Post a Comment