Monday, September 15, 2014

Văn hóa tiểu nông cản trở con đường tiến bộ

Xã hội chúng ta có khẩu hiệu “Xây dựng xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn Minh”. Đây không phải của riêng nước ta mà đó là mục đích của cả loài người. Ngay những khẩu hiệu như “Đưa ánh sáng lên vùng cao” hoặc “Đưa nông thôn tiến kịp thành phố” – cũng là một nhận thức sơ đẳng và tất yếu như con đường nhân loại đã đi tới và vươn lên từ thời cổ đại. Ở La Mã với hệ thống lắp đặt đường ống bằng đá để dẫn nước, hay ở Việt Nam thì văn hóa kẻ chợ ba mươi sáu phố phường là niềm ao ước của những người thôn quê, ở Trung Quốc thì lối sống chê bai quê mùa được biểu hiện ngay cửa miệng một cách thường xuyên như “đồ quê mùa thô lỗ!” “hạng quê mùa cục súc!”… Đó là những gì khá tự nhiên, khi người ta muốn xây dựng văn hóa đỉnh cao hay tiến đến văn minh thì người ta phải nhìn nhận tình trạng yếu kém của mình cũng như phải vượt qua nó.

Nhưng một định mệnh khắc nghiệt trớ trêu đã xảy ra cho nông dân Trung Quốc cũng như Việt Nam. Ngay khi chế độ mới lên ngôi, đã tước đi cái quí nhất của nông dân là “người cày có ruộng” – phải vào hợp tác xã, nhưng thay vào đó ngay tức thì, chính quyền đã đền đáp cho những nông dân  một quyền lợi lớn chưa từng có, đó là quyền thoát ly để làm cán bộ. Ngay đó, chính quyền tiếp tục hạ bệ những thành phần khác như “Trí, phú, cường, hào đào tận gốc trốc tận rễ” để đưa nông dân lên.

Theo lý thuyết của Mác thì trong và sau khi làm cách mạng, giai cấp công nhân sẽ lãnh đạo cách mạng, còn giai cấp nông dân tầm nhìn hạn hẹp, tiểu nông, ích kỷ, cục bộ, thiếu tính tổ chức và kỷ luật nên không thể lãnh đạo cách mạng. Theo nhiều chuyên gia kỳ cựu về chủ nghĩa Mác thì lúc đó ở Việt  Nam chưa có giai cấp công nhân đúng nghĩa, chỉ có ít thợ thủ công lẻ tẻ, vì thế không có ai là nông dân đã lãnh đạo nông dân. Nông dân mà lãnh đạo thì ngày xưa người ta gọi là giặc cỏ. Vì muốn giữ chính quyền, thì sau khi cướp được chính quyền, chính quyền đó phải được chuyển giao cho tầng lớp quí tộc hay vương tôn công tử – chỉ những người có chữ mới có thể làm quan. Ngay ở Việt Nam, khi nhà Trần đánh xong quân Nguyên, có xét  công trạng cho hai công thần là Yết Kiêu và Dã Tượng và ban chức quan lại, nhưng hai vị đã nói: chúng tôi nếu có công xin nhà vua thưởng ruộng, còn làm quan phải có học, vì chúng tôi không có học nên không dám nhận. Nhưng chế độ mới thành công, vì đã lấy ruộng của nông dân cho vào hợp tác nên chẳng còn cách nào khác là phong quan cho các bác tiểu nông chân lấm tay bùn.

Những khẩu hiệu vô sản bài phá tập tục thói quen của nông dân ở khắp nơi như cục bộ, tập tục hủ lậu, ích kỷ, lạc hậu… nhưng ở trong cơ quan tất cả những gì của nông dân lại được ưu tiên và chiến thắng hết cỡ. Lâu dần những thói xấu của nông dân trở thành những gì tốt đẹp, là nhà quê có nghĩa là hiền lành, thật thà, chất phác, chịu khó chịu khổ, đáng tin… Sự ưu tiên tiểu nông dâng cao đến mức, người ta sợ phải nói ra mấy chữ “nông dân”, “quê mùa”, “tiểu nông” trong giao tiếp. Đến chữ “tỉnh lẻ” là chữ rất có duyên trong văn học cũng dường như biến mất. Một lần tôi nghe một bác già bảo “thằng đó người tỉnh Chẵn hẳn hoi mà vô văn hóa thế!” Có nghĩa, chữ tỉnh lẻ nếu đối xứng sẽ là tỉnh chẵn, nhưng không hề có, vì vậy phải nói đó là một từ rất độc đáo. Nhưng do vì người ta ngại số đông của giai cấp nông dân quá mà không dám nói, đành vùi quên nó.

Nhưng trong thực tế thì sao? Theo những điều tra và phát hiện mới nhất, nông dân chưa bao giờ làm nên những chuyển biến tích cực hay tiến bộ của xã hộ cả (mà chỉ có giai cấp trí thức và trung lưu mới làm được điều đó).

Việt Nam sẵn có loại thời tiết gió bấc gió nam lẫn lộn, rồi “sáng nắng, trưa mưa, chiều nồm” nên hình thành tính cách nói nước đôi: “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”. Nước ta vẫn cơ bản là tam nông, trước kia thì hơn 90% nông dân, bây giờ thì hơn 80%, nhưng đó là số đo đếm được, còn ảnh hưởng tư duy rơi rớt của tiểu nông chiếm gần 99%. Vì thế khi bước ra xã hội, để tránh đòn chê bai văn hóa tiểu nông, thì người ta thường trá hàng, khiêm tốn vờ vịt “em nhà quê ấy mà”. Còn trong công sở, người ta lại trưng bày chất tiểu nông coi như mình là thành phần cơ bản của giai cấp hạt nhân làm nên cách mạng. Lâu dần đã hình thành một bộ phận khá đại trà “vô sản lưu manh”, mà không phải lưu manh đường phố mà là lưu manh tiểu nông. Qui tụ lợi ích nhóm, cục bộ địa phương, túm năm tụm ba, kéo bè kéo cánh trong cơ quan. Lâu hơn nữa, nhiều tiểu nông đã vượt qua mặc cảm nhà quê, lại thấy dân quê là duyên dáng đáng yêu và trở thành biểu tượng mỹ học của thi ca. Việc Thanh Thảo với Trường ca chân đất, rồi Phạm Đương văng “đếch” vào thơ, hay Trần Quang Quí với “mầu tự do của đất” và rất nhiều tác giả khác nữa của Việt Nam không hề lớn hơn đề tài nhà quê và nông dân chỉ có thể viết về chủ đề cũng như nhân vật nông dân, đã chứng tỏ điều đó.

Nước ta là một nước tam nông nên những chỉ số tiến bộ trong bảng xếp hạng vào loại thấp nhất thế giới. Muốn tiến lên văn minh tiến bộ chúng ta buộc phải vượt qua văn hóa tiểu nông, càng phải vượt qua hơn thứ ấp úng giả bộ làm duyên tiểu nông. Khi nước Nhật muốn phát triển trong quá khứ người ta phải ưu tiên học hành và phát triển khoa học kỹ thuật nhiều hơn là nghệ thuật và thi ca. Trong khi đó nước ta vẫn là “cường quốc thơ” ăn nói vần vèo, ngâm nga nhũn nhẽo thì làm sao tiến bộ và phát triển. Một người viết một bài tiểu luận thì sẽ bị mọi người săm soi đúng – sai, nhưng một người làm một bài thơ, trăm bài thơ, cũng như cả vạn bài thơ thì chẳng bao giờ phải lo bị săm soi cả.

Tại sao nước ta nhiều người làm thơ đến vậy? Vì thơ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về trí tuệ, học vấn hay văn hóa! Như người ta nói :

“sáo sậu là cậu sáo đen,
sáo đen là em tu hú,
tu hú là chú bồ các,
bồ các là bác chim ri,
chim ri là gì sáo sậu”

Đó là một áng thơ chỉ cần vần vèo, không cần có nghĩa, cũng chẳng dạy gì cho trí tuệ cả. Thơ là một thói quen nông nhàn ở Việt nam, thôi thì các cụ tổ hưu trí, các bà sồn sồn rỗi việc, nông dân hết vụ mùa, giám đốc kịch trần muốn tìm cái danh vọng để cải thiện… đều lao vào làm thơ. Nhà thơ nhiều rất đồng nghĩa với Dân số 80% tiểu nông ở Việt nam. Học vấn thấp, tri thức thấp, văn hóa thấp, nhiều thời gian nông nhàn người ta làm thơ.

Mà giấc mơ làm thơ đáng ao ước thế nào? Một nông dân gác chân lên cửa sổ chẳng hạn, nhìn ra sân thấy con chó con gà (giống nhà thơ Thanh Thảo thấy bác Năm Trì giã háng ấy) bắt đầu bẻ vần làm mấy câu thơ. Nó hoàn toàn có thể là:

Gà ơi, gà có mấy con
Mổ nhiều cho khỏe may còn lên cân
Một ngày túa cả đầy sân
Hân hoan nhảy múa thành cần câu thơ…

Thế rồi, gọi mấy cú điện thoại, nhậu nhẹt mấy lần, được đăng báo văn… trời ơi cả làng, cả tổng, từ xã lên trung ương lác mắt, ta có hai chân thì một chân đã bước vào sân rồng thơ của trung ương. Nếu ta gác chân lên cửa sổ vài chục lần như vậy, tập hợp lại in thành tập, rồi được giải không biết chừng, dù sao anh ấy lãnh đạo thơ cũng đồng hương với ta mà…

Văn thơ tiểu nông nói chung là kéo bè kết cánh. Lúc nào cũng thì thào như buôn bạc giả, nhưng có gì quan trọng đâu ngoài mấy việc đăng thơ “cho đứa nào lọt vào sân rồng là đổi đời liền”, và “đừng cho nó vào kẻo vua biết mặt chúa biết tên thì lòng đố kỵ đỡ không kịp”, rồi xếp ghế, rồi xếp giải, toàn những mưu mẹo mách lới thủ thuật tủn mủn, không bao giờ có tầm nhìn vĩ mô của trí tuệ thông thái cả.

Vì sống bằng mưu mẹo, nên các nhà thơ rất ít tự tin. Họ không tin mấy vần thơ có thể giúp họ trang trải cho cuộc đời văn hóa danh lợi, vì thế họ rất mong có ghế của mậu dịch để ngồi cho cao. Và họ cũng rất ngại về hưu, ngay bây giờ anh em trong Hội nói chuyện, ông tổng biên tập kia hứa 25 lần rồi mà không muốn về hưu, và ông chỉ rời ghế khi người ta hứa cho ông một chức tổng biên tập khác.

Người Việt có câu “Xướng ca vô loài”, tức ca hát là đám vô loài không có đẳng cấp, nói đúng ra, đẳng cấp của con hát chỉ xấp xỉ các thứ bị gọi bằng con như “con sen”, “con buôn”, “con đĩ”… Thơ thì còn thấp hơn con hát một bậc, bằng chứng qua nhiều buổi giao lưu với sinh viên, mỗi khi có tiết mục ca hát, người ta thấy thơ không thể đọ với ca hát từ âm nhạc đến ca từ. Đặc biệt trong ca nhạc, người nhạc công ít nhất phải học thành thạo một nhạc cụ, còn ông tiểu nông mới gác chân lên cửa sổ ông thành thạo cái gì?

Ở đời một thị trường sẽ khủng hoảng nát vụn khi cung nhiều hơn cầu. Vậy khi thơ quá nhiều người viết rồi ngâm rồi đọc mà chẳng có mấy người nghe thì thơ sống thế nào? Tôi đã nghe một nhà thơ bảo: “Về làng kia, các cụ thấy hội thơ liền chống gậy ào ào đến, rưng rưng quá, cảm động quá…” tôi nghĩ thế là Hỏng rồi! Một thứ nghệ thuật mà chỉ lôi kéo được cụ già, có nghĩa là nghệ thuật đó không có tương lai, và cũng chẳng có sức quyến rũ nữa. Hãy thử xem trình diễn thời trang giá vé cả triệu đồng, các cụ già không vé có được mời vào không?

Một quốc gia muốn phát triển, một nền văn hóa muốn tiến bộ, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ, thơ ơi ngâm nga bài ca quê mùa nhiều quá, một khi tác giả còn chưa tinh chế một vẻ đẹp tri thức và văn hóa cho mình, thì thơ biểu diễn món nào để mua vui? Có một phương ngôn rằng “thơ là hùng biện du dương”, nhà thơ tiểu nông của ta làm sao hùng biện khi chưa tích đủ tri thức và văn hóa trong mình?

Muốn là một tác giả toàn diện hãy sống toàn diện. Hầm trú ẩn do mấy mẩu tem phiếu xếp trên đầu sao có thể thành vòm trời cho thi ca, cũng không thể tết thành vành nguyệt quế cho tư tưởng phóng rọi niềm kiêu hãnh. Mấy cây còi mọc trong chậu nước xin cho chỉ có thể trở thành những bông hoa còi dinh dưỡng mà thôi. Có một phương ngôn không thể chối cãi “Hoa hồng đẹp khi dầm trong sương giá”. Hoa hồng mậu dịch ủ trong tủ kính thì có được vẻ đẹp nào? Để kết thúc bài tiểu luận này, tôi muốn nói: muốn xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh thì chúng ta phải biết chia tay với tâm lý và tầm vóc tiểu nông, và quẳng đi những bài thơ tức cảnh sinh tình vụn vặt của cảm tính làm duyên quê kệch. Văn chương đích thực chỉ có thể ra đời bằng chữ nghĩa với tri thức, văn hóa và tư tưởng thuần khiết bởi tinh thần và cho tinh thần. Chiếc bánh mì ngoài đời ăn được, nhưng chiếc bánh trong tranh của nghệ thuật thì không ăn được. Một tiểu nông muốn mưu sinh nhiều lúa gạo hay danh vọng thêm cho cuộc đời thì không thể thành nghệ thuật trên giấy mực được đâu! Xin thẳng thắn chia sẻ. Cám ơn!

Nguyễn Hoàng Đức
Tâm lý tiểu nông, bản vị của người Việt

 Kể từ hồi thành lập chế độ XHCN dân ta đã mấy phen chứng kiến cảnh “khắc xuất, khắc nhập” địa lý hành chính các tỉnh, huyện. Mấy năm gần đây mốt phong trào XHCN này càng thêm phát triển. Ví dụ đặc biệt là việc sát nhập Hà Nội – Hà Tây. Ấy là “khắc nhập”, tinh thần làm ăn lớn. Còn sự “khắc xuất”, làm ăn nhỏ thì sao? Càng rầm rộ! Lý do? Một số địa phương chia lại các đơn vị hành chính tỉnh, huyện nhỏ ra, đơn giản là trở lại cách phân chia như cũ, cho rằng thích hợp hơn trong việc quản lý. Xưa người Pháp chia nhỏ các địa bàn tỉnh, huyện ra chính là để tránh trao quyền lớn, tập trung vào tay số ít người và vì vậy, mục đích việc chia nhỏ là phân quyền, chia ghế, chia lợi lộc cho tầng lớp quan lại nhằm qua lớp người tay sai này cai trị dân chặt chẽ hơn. Nay nước ta độc lập, dân chủ, lẽ này mục đích “chia để trị, chia lợi lộc phe giáp” vẫn còn là một giải pháp quản lý chế độ đặc hiệu? Nhìn sang thiên hạ, nhiều nước lớn, diện tích và dân số ở từng địa phương có khi lớn bằng cả nước ta, các vấn đề văn hoá, tôn giáo, sắc tộc, tập quán phức tạp cũng chả kém, vậy sao họ vẫn quản lý tốt được, bằng chứng là nước họ an ninh ổn định, khoa học và kinh tế thì phát triển cao? Vì vậy, câu hỏi tất yếu phải đặt ra: Xã hội Việt Nam có gì khác?

Một điều cần ghi nhận tình hình chính trị nước ta hiện đang ổn định, kinh tế có đà đi lên. Về vấn đề địa lý hành chính, an ninh chính trị không có gì nổi cộm, sao vẫn chia tách tỉnh, huyện? Câu trả lời cụ thể và sâu sát nhất là do tập tính manh mún, cố kết, tự cô lập kiểu “tre ấm bụi” dường đã ăn sâu trong nếp nghĩ, tính cách người Việt và nó dẫn đến động cơ phân quyền bản vị, cát cứ, chia bôi lợi ích. (Có vấn đề chia để trị không?) Một tỉnh nhỏ và nghèo như tỉnh Thái Bình chẳng hạn, hiện thời điểm tháng 4/ 2010 có 8 huyện, thị. Nguồn thu của tỉnh hàng năm chưa đủ để tự trang trải kinh phí cho các hoạt động từ chế độ lương tới xây dựng cơ bản, trung ương còn phải cấp kinh phí. Dự kiến sắp tới Thái Bình sẽ tách 4 huyện ra làm 8 huyện. Bộ máy hành chính vốn đã nặng nề nay lại càng thêm nặng nề gấp bội. Thêm huyện tất phải thêm tiền của để xây dựng các loại trụ sở và thêm người ăn lương. Tham nhũng đang là một vấn nạn lớn, thêm một cơ sở hành chính là nhân thêm mối lo về vấn nạn này. Dân còn nói toạc móng heo rằng : Có chia thế mới có ghế để quan trên bán, quan dưới mua! Và nhân dân có ý kiến đánh giá, lãnh đạo các cơ quan công quyền ở ta khó tránh được cách lựa chọn nhân sự, ê kíp kiểu miền vùng, phe giáp  và dường như ở cấp vĩ mô – Trung ương cũng còn nhiều vướng vấp cung cách quản lý theo tập tính “trưởng thôn, già bản” này. Qủa vậy thì đúng là căn bệnh tiểu nông - tiểu nhược - tiểu... vân vân cực nặng, khó bề cứu chữa được.

Việt Nam là một nước nhỏ. Nhiều người trong chúng ta còn nặng mang tâm lý mặc cảm “tiểu nhược” khi đối diện với người nước ngoài. Ấy thế mà trong việc quản lý đất nước, chính chúng ta lại cứ tự xé nhỏ mình ra. Xé từ hình thức địa giới đến tư tưởng, tình cảm. Có thể coi đây là một căn bệnh truyền kiếp thì gốc của bệnh không gì ngoài tập tính tiểu nông manh mún. Chiếu giữa đình - kẻ cả trong làng vẫn còn là cơn khát của người Việt. Tập tính này, rõ ràng luôn cho người Việt phương thuốc an thần hữu hiệu mỗi khi gặp việc lớn, ngoài khả năng quản lý của mình. Và sâu rộng hơn, đây chính là lý do quan yếu gây cản trở chúng ta chưa thể xây dựng được một nền tự do – dân chủ thực sự. Bởi tập tính tiểu nông, phe giáp chính là nền tảng, là cơ sở hạ tầng cố kết của nhà nước phong kiến, quân chủ nghìn xưa.

No comments:

Post a Comment