Monday, January 25, 2016

Bạo lực đường phố phải chăng là lối hành xử sinh tồn trên đường phố?

Tin nóng trên các trang mạng cá nhân về một thanh niên 24 tuổi, anh Võ Thanh Quang tử vong sau vụ va quẹt xe trên đường phố. Việc này, khiến người bàng quan nhất cũng phải giật mình.

Đây không phải là lần đầu chỉ vì va quẹt giao thông dẫn đến giết người, nhưng là lần đầu tiên, nghi can được xác định là một trong hai cô gái.

Ai cũng biết số người chết và thương tật do tai nạn giao thông ở Việt Nam trong nhiều thập niên gần đây tương đương với một cuộc chiến tranh cục bộ. Hẳn nhiên không có dấu hiệu nào hứa hẹn có ngày bình yên trên những cung đường đẩm máu.

Nhưng sự việc một trong hai thiếu nữ thủ dao và đâm chết một người chỉ vì chuyện va chạm giao thông không nghiêm trọng đã cho thấy:

- Sự căng thẳng tột cùng của các công dân tham gia giao thông trước các vấn nạn, kẹt xe, đường ngập, khói bụi ô nhiểm, chuyện làm luật của cảnh sát giao thông và các tổ chức dân phòng đường phố, thói vô văn hóa công cộng…

- Thực trạng vấn nạn giao thông đang đạt tới nguy cơ biến hàng triệu con người bốc hỏa- căng thẳng, và hứa hẹn một ngày không xa sẽ lâm vào hội chứng tâm thần – điên khùng có nguyên nhân từ của tình trạng giao thông hiện nay.

- Bạo lực đường phố không phải là thực trạng mới mẻ gì, nhưng việc trang bị hung khí tham gia giao thông giữa thanh thiên bạch nhật, không thể hiểu là sự chuẩn bị để tự vệ dù tình trạng an ninh an toàn của cá nhân hiện nay là đáng báo động.

Một trong hai cô gái đã dùng hung khí để lập tức tấn công nạn nhân sau khi đang cự cãi phải trái, hiển nhiên phải được hiểu đó là cách một trong hai cô muốn giải quyết sự việc tranh chấp theo cách bạo lực của mình. Hai cô mặc kệ pháp luật, mặc kệ đám đông chung quanh đang theo dõi… cứ dùng hung khí tấn công giết người dễ dàng như cầm một thỏi son môi.

Việc các công dân sống dưới chế độ hiện nay ngày càng chọn hướng giải quyết mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp… theo cách dùng vũ lực tấn công. Vũ lực ở đây có thể hiểu là hung khí cá nhân, thuê mướn xã hội đen, chung chi nhờ cậy quyền lực các cán bộ chấp pháp còn được gọi là xã hội đỏ…

Từ đó có thể thấy gì? Phải chăng pháp luật, và các giá trị văn hóa nhân văn cộng đồng đã chết hay là đang ốm nặng; và hàng ngày hàng giờ bị virus bạo lực tấn công không thương xót.

Có người nói với tôi rằng: Pháp luật, các giá trị văn hóa-văn minh cộng đồng hiện nay là thứ yếu yếu không dám ra gió đường phố. Tôi không muốn tin có ngày đường phố không luật pháp công minh, không tình người nhân bản; mà chỉ còn là nơi thực thi luật chơi của một nhóm người độc tài và kẻ mạnh bạo lực.

Phải chăng từ thực trạng chế độ này, xã hội này, cách tốt nhất để sinh tồn là các công dân sống có trách nhiệm phải chấp nhận tấn công bằng bao lực vào kẻ khác khi có sự cố tranh chấp để mình được sinh tồn theo cách của động vật hoang dã?

Trần Tiến Dũng

No comments:

Post a Comment