Càng đề cao, bợ đỡ, luồn cúi, nịnh hót, lót tót, tâng công, tranh công… bao nhiêu – thì càng làm cho căn bệnh khệnh khạng tồn tại và phổ biến bấy nhiêu!
Phải nói ngay rằng: nếu tra từ điển – thì thuật ngữ này chỉ cắt nghĩa đơn giản là ám chỉ một người nào đó có dáng đi dang chân ra 2 bên, điệu bộ di chuyển khó khăn. Sự đi lại này có vẻ quan trọng hơn người bình thường. Lâu dần thành quen, người đời cứ gán cho ai đó có điệu bộ này là ‘khệnh khạng’ cứ như ông quan!
Như vậy, té ra thuật ngữ ‘khệnh khạng’ được ra đời và phổ biến trong dân gian từ xa xưa. Thời phong kiến, một bộ phận quan lại cố tỏ ra quan trọng hóa vấn đề với chức tước của mình so với dân đen – với vốn chữ nghĩa kém cỏi, nên những loại quan ‘quèn’ mới có biểu hiện ‘khệnh khạng’. Còn chức quan lớn hẳn thì dân gian lại ít đề cập…
Xem ra thời nay cũng không khác mấy. Phàm là những người giữ chức vụ cỡ Thứ trưởng trở lên – họ rất khiêm tốn, nhẹ nhàng. Ít khi thấy vị nào… ‘khệnh khạng’. Bên cạnh đó, gặp gỡ, tiếp xúc với ai – họ hiếm khi làm người khác phiền lòng. Vị trí làm nên tính cách chăng? Những trải nghiệm trong quan trường tôi luyện nên tính cách chăng? Họ biết trên mình còn nhiều người quan trọng hơn mình chăng? V.v và v.v.
Ngược lại những chức sắc dưới Thứ trưởng thì quả tình… ‘khệnh khạng’ là phổ biến. Ở các tỉnh thành và các địa phương – cái sự ‘khệnh khạng’ này lại càng… ‘thường ngày ở huyện’! Chưa hết, ở cấp phường xã thì ngoài chuyện ‘khệnh khạng’ ra – cứ phải ‘cường hào ác bá’… thì mới hoành tráng! Ở thành phố lớn còn đỡ - còn ở các tỉnh lẻ, tình trạng ‘khệnh khạng’, ta đây, coi trời bằng vung – thời nay không thiếu. Vụ mặt kênh kiệu ở An Giang là ví dụ điển hình. Không những dân không được mở mồm – mà cán bộ đảng viên cũng vậy… Người viết đang chờ ‘tinh thần nội dung’ cuộc họp báo của An Giang ngày mai ra sao (26/11/2015)
Qua thông tin báo chí, thấy các vị chính khách quốc tế phong thái ung dung tự tại. Ăn nói lưu loát, chỉn chu, ung dung tự tại và dí dỏm khi bị chỉ trích hoặc kích động. Họ nói câu nào ra câu nấy vừa giữ gìn hình ảnh cho bản thân và gia đình – lại vừa giữ gìn vị thế cho đất nước… thấy mà thèm!
Thử tìm nguyên nhân căn bệnh ‘khệnh khạng’ đang phổ biến hiện nay do đâu? Người viết bài này lại sực nhớ tới nhân vật Mr.Bean ở cái xứ sương mù Anh Quốc xa xôi. Mr.Bean nổi tiếng vì sao? Té ra đã 300 năm của một nền đại công nghiệp, xứ Anh Quốc vẫn còn rơi rớt những thuộc tính… ‘nhà quê’ mà tác giả đã lột tả. Vừa là đạo diễn, tác giả kịch bản và là diễn viên chính – tác giả đã cho ra những tiểu phẩm mà bất kỳ ai xem cũng không thể nhịn được cười. Cái cười hóm hỉnh, chua cay, thâm thúy… lên án ‘tàn dư’ của những ai… chưa văn minh. Mr.Bean đã chỉ ra, vạch ra những dạng người ngu dốt, khôn vặt, láu cá, chỉ biết mình không biết người khác. Lại phác họa những nhân vật keo kiệt, bủn xỉn, tham lam, ti tiện, gian tham… và tất cả những thói hư tật xấu của… ‘lũ khốn’! Tác giả gửi thông điệp cho xã hội văn minh rằng: những nhân vật của ông nó hiện hữu lúc này lúc kia, khắp chỗ nọ chỗ kia – tất cả những loại người này – suy cho cùng chỉ làm trò cười cho thiên hạ!
Lại nói về thói ‘khệnh khạng’ ở trên. Suy cho cùng những kẻ mắc căn bệnh này, đều là những kẻ thiếu văn hóa (nhân bất học bất tri lý). Tục ngữ Việt Nam hầu hết đều là những câu triết lý: Miệng quan trôn trẻ. Muốn nói oan làm quan mà nói… Rồi các cụ lại chỉ ra: quan nhất thời, dân vạn đại. Hết quan toàn dân. Đi đâu mà chẳng lo xa lúc trẻ đã vậy khi già làm sao.
Điều cần nói rõ ràng là: thói hư tật xấu giàu thì sang, nghèo thì hèn, thói quen xun xoe bợ đỡ, xu nịnh, tâng công, cầm đèn chạy trước ô tô, thói khoe mẽ, thói luồn cúi, thói thọc gậy bánh xe, thói gắp lửa bỏ tay người, thói chụp mũ, thói quan trọng hóa vấn đề,… v.v. Đều là mảnh đất màu mỡ cho bệnh khệnh khạng nảy nòi, tồn tại và nghênh ngang đến… ngứa mắt!
‘Phác đồ’ điều trị cho căn bệnh này là từng người dân, từng cán bộ công chức phải biết tự trọng. Phải nghĩ, nói và làm theo pháp luật. Hãy thực hiện quyền bình đẳng của mình bằng tư duy: mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Càng đề cao, bợ đỡ, luồn cúi, nịnh hót, lót tót, tâng công, tranh công… bao nhiêu – thì càng làm cho căn bệnh khệnh khạng tồn tại và phổ biến bấy nhiêu! Hãy cứ ngó lơ đi. Anh và tôi đều bình đẳng như nhau. Anh sẽ ‘oai’, sẽ ‘oách’, hình ảnh anh tốt đẹp hay không là do anh thực hiện có tròn bổn phận hay không. “Chiếc áo không làm nên thầy tu” anh là anh, tôi là tôi. Thế giới phẳng – hay, dở - đúng, sai… bàn dân thiên hạ đều biết cả… Điều quan trọng là ai cũng phải nêu cao lòng tự trọng. Hãy bỏ ngay tư duy hèn kém trong não trạng. Hãy bỏ ngay những tham sân si. Hãy bỏ ngay những trò khôn vặt, láu cá - ấy là chúng ta đã góp phần điều trị căn bệnh ‘khệnh khạng’ này!
P/S: Phức cảm tự ti (complex inferiority) thực ra là một hội chứng tâm lí, mà đặc điểm chính là tự cảm thấy mình không bằng người ta, thậm chí thấy mình vô dụng trước sự hào nhoáng hay thành công của người khác.
Vì cảm thấy yếu đuối về nội tâm, nên cơ chế "phòng vệ" tiêu biểu của họ là tự tạo cho mình cái ngoại cảnh để bù đấp lại cái yếu kém bên trong. Đối với họ, bề ngoài rất quan trọng. Họ rất trọng danh xưng, bằng cấp, chức danh, vị trí xã hội.
Một chứng rất phổ biến ở những người với chứng phức cảm tự ti là hay khoe khoang, phách lối, vì họ nghĩ ai cũng xem thường họ, nên họ phải khoe khoang cho thật kêu để lấp đi khoảng trống tinh thần.
No comments:
Post a Comment