Monday, January 11, 2016

Ra đường như... ở nhà

Người Việt đang “xả láng” thái quá ở chốn công cộng, nói đúng hơn là đang gặp trục trặc trong ứng xử cộng đồng. Tâm lý giữ luật lệ là thua thiệt khiến không ít người nhân danh đám đông để lấp liếm cái sai.

Không xếp hàng rồi leo rào tắm miễn phí, vẽ bậy, khạc nhổ đến xả rác bừa bãi... nơi công cộng, cái ý nghĩ mặc nhiên hành xử sao thật tiện cho mình khiến nhiều người chẳng buồn quan tâm đến việc những người khác đi giải quyết hậu quả do chính mình gây ra.

Hình ảnh méo mó

Điều nguy hiểm là người ta vẫn nói vanh vách về ý thức cá nhân và đạo đức các thứ nhưng để thực hành nó thì khác. Người ta được dạy đúng nhưng vẫn làm sai vì chính người dạy cũng làm khác điều mình dạy, người ra luật lệ thì biết rõ cách vận dụng luật lệ sao cho có lợi về mình. Người ta được truyền thông pháp luật nhưng vẫn làm sai vì không tin những người khác thực thi đúng. Tâm lý giữ luật lệ là thua thiệt khiến người ta lén lút làm khác hay nương náu vào đám đông để cái sai của mình có cảm giác được lấp liếm, hòa đồng.

Lỗi tại đâu? Giáo dục, gia đình, môi trường xã hội hay căn tính, văn hóa cộng đồng? Người viết bài này không thể thay những chuyên gia tâm lý, các nhà đạo đức hay xã hội học để kiến giải mà chỉ thấy một hệ quả rằng: Thói tùy tiện và vô kỷ luật nơi công cộng đang hạ thấp hình ảnh của người Việt hiện đại, làm giảm khả năng cạnh tranh của người Việt trong hội nhập. Về hình ảnh mà nói, những cảnh rất xấu như leo rào chen lấn đi tắm miễn phí ở công viên nước hay vồ vập cào giật đĩa tôm tươi trên bàn buffet đang phơi bày một thực tế ngày nay là người ta không còn chết vì đói kém hay thiếu thốn nhưng đã đến lúc có thể “chết” vì thiếu tính tự giác và kỹ năng văn minh.

Một lần nọ, tôi đã bắt gặp ánh mắt thất vọng, cái lắc đầu của 2 người nước ngoài trước cảnh chen lấn vào thang máy. “Họ là người Việt…” - một trong hai người nước ngoài thở dài nói. Điều đáng tiếc là sự việc trên xảy ra ở một nước khác - khi một đoàn du khách Việt Nam đang tham quan một tòa nhà chọc trời ở thủ đô Bangkok - Thái Lan.

Cách đây chưa lâu, một doanh nhân người Hàn Quốc sau hơn chục năm làm việc tại Việt Nam, cũng đăng trên trang blog của mình về 10 thói xấu khi làm việc với người Việt. Trong đó, ông sợ nhất là thói thiếu tự giác của từng cá nhân trong một nhóm làm việc chung. Còn nhớ, ông cho rằng từng cá nhân người Việt có thể đáp ứng kỷ luật tốt nhưng khi đứng trong một nhân quần, nơi công cộng, trong điều kiện những thói xấu có thể bị lấp liếm và che đậy, trách nhiệm được chuyển hóa từ cá thể qua tập thể, thì người ta “xả láng”, bất tuân nề nếp và chuẩn mực văn minh.

Phản tỉnh về văn hóa

Có lẽ một phần nằm ở “di sản” của tinh thần làm chủ tập thể một thời, một phần khác nằm ở chính niềm tin vào tính công minh, kỷ cương đang bị lung lay. Người ta chen lấn vì cứ nghĩ rằng nếu có xếp hàng trong khi người khác mặc sức chen lấn thì sẽ chẳng bao giờ tới lượt mình. Chẳng ai bảo đảm được rằng cứ đi cổng chính thì sẽ giành được phần tắm miễn phí nên tốt nhất cứ bế con leo rào bất chấp hiểm nguy, bất chấp tác động xấu để lại cho con trẻ.

Sự rối loạn nằm ở nhân tâm. Không phải người ta không biết vậy là sai, là xấu, là phản cảm, là tệ hại nhưng trong những đám đông hỗn tạp cộng hưởng của sự bất tín vào lẽ công minh thì “bản năng sinh tồn” là thứ được đẩy lên ngôi, người ta dễ dàng đè đầu cưỡi cổ kẻ khác để đạt được mục đích của mình. Bạo lực phát sinh, thói xấu lây lan.

Gần đây, những biểu hiện thiếu văn minh nơi công cộng được báo chí đề cập nhiều, những thói xấu của người Việt hiện đại bị tấn công trực diện bởi truyền thông cho thấy mặt tích cực của nó: đã có một sự phản tỉnh về văn hóa. Phản tỉnh văn hóa, điều trị những căn tính xấu để mỗi cá nhân trong xã hội ý thức và hành xử văn minh, đó chính là nền tảng của một xã hội phát triển lành mạnh.

Nếu nói chuẩn bị để có một cộng đồng biết hành xử văn minh trong tương lai thì phải nỗ lực xây dựng từ khi những công dân còn trẻ, thì đây: bọn trẻ tắm ở đài phun nước Nguyễn Huệ. Nếu thấy đó là thói xấu, phản cảm thì phải tạo ra những nguyên tắc chung ở nơi công cộng đủ sức thuyết phục và bảo đảm nguyên tắc đó được thực hiện công minh, đó là “phần cứng” - là luật lệ buộc mọi người phải tuân thủ. Nhưng còn “phần mềm” là văn hóa, sự tự giác của từng cá nhân trong cộng đồng cũng không kém quan trọng. Không thể cấm trẻ con tắm nhếch nhác khi mà ngay bên cạnh đài phun nước, chỗ vạch sơn trắng cho người đi bộ, những người lớn cứ vô tư chạy xe vượt đèn đỏ.


Phạt nặng mới giữ được kỷ cương

Một người cháu sang thăm con tôi ở Canada về cho biết “sợ” quá vì thấy người dân ở đấy dắt chó đi chơi, chó ị bậy ra đường liền lấy giấy gói lại rồi bỏ túi mang về vứt vào sọt rác nhà mình. Nhiều người Việt Nam ý thức cộng đồng rất kém, nhà mình thì sạch nhưng sẵn sàng vứt rác ra cổng, thản nhiên nhổ nước bọt, phóng uế bừa bãi vì coi ngoài đường không phải nhà mình. Đến khi ra nước ngoài cứ nói oang oang như đứng trong sân nhà để rồi người nước ngoài nhìn vào điều đó như là cái gì rất kỳ lạ.

Thay đổi điều này, trước hết phải giáo dục dần dần. Nếu xã hội hình thành một kỷ luật, một mối quan hệ ứng xử khác đi thì thói quen nào, dù khó đến mấy cũng có thể bỏ được. Bên cạnh việc giáo dục ý thức, cũng có thể sử dụng những hình phạt nặng như ở Singapore. Tôi nhớ trong hương ước nhiều làng có điều khoản quy định về xả rác, kiểu như xả rác không đúng quy định, xây nhà vệ sinh gần đường qua lại, cho súc vật ra ngoài vệ sinh bừa bãi sẽ bị phạt. Nếu khuôn vào một xã hội văn minh, người ta sẽ phải tuân theo kỷ cương chứ không thể tùy tiện được.   
GS Ngô Đức Thịnh, ỦY viên Hội đồng di sản văn HÓA quốc gia
L.Anh ghi

No comments:

Post a Comment