Wednesday, January 27, 2016

Trí thức lỏng

Căn bệnh “trí thức lỏng” của nước ta vẫn ngày càng phát triển và chưa có biện pháp nào hữu hiệu ngăn chặn. Nạn háo danh đang hành xác trí thức!

Những người Việt trên dưới 60 tuổi được xem là thế hệ bắt đầu của một nền giáo dục dưới chính thể mới. Dạo đó không ít các nhà quản lý giáo dục hể hả tuyên bố một câu xanh rờn “chúng ta tự hào khi có thể giảng dạy tiếng Việt ở bậc đại học”. Sự tự mãn quá lớn này đã để lại hậu quả là hầu hết các trí thức của ta được đào tạo trong nước từ năm 1954 đổ lại đây đều không sử dụng thành thạo nổi một ngoại ngữ. Điều này làm ta chạnh lòng khi nghĩ đến thế hệ cha ông ta thời Pháp chỉ mới ở trình độ sơ học yếu lược - tương đương lớp 5 hiện nay đã có thể nói và đọc tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Nhưng thôi, tạm coi hiện trạng “mù ngoại ngữ” này như một tồn tại lịch sử của một thời ấu trĩ trong giáo dục.

Còn hiện nay trong xu thế sĩ diện, thích tự hào, kiêu hãnh, thích lập kỷ lục ở nhiều lĩnh vực nên chúng ta trong một vài năm gần đây thường háo hức với những danh từ tự phong như “cường quốc thế giới về đóng tàu” khi Vinashin chưa bị đổ bể. Rồi gần đây các nhà quản lý văn nghệ lại hào phóng hô to “Việt Nam ta là “cường quốc thơ” “khi phong trào nhà nhà làm thơ, người người làm thơ dẫn đến tình trạng lạm phát thơ. Trở lại lĩnh vực giáo dục, gần đây các nhà quản lý lại kiêu hãnh khoe “Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số lượng giáo sư, tiến sĩ”.

Tính sơ sơ Việt Nam ta hiện nay với gần 90 triệu dân thì đã có tới 24.000 tiến sĩ , 9.000 giáo sư. Nếu chia bình quân số người có học vị này so với thế giới thì quả là đáng tự hào. Nhưng đáng buồn thay, sau con số hoành tráng về trí thức này là cả một thực tế thê thảm về trình độ học vấn của Việt Nam ta cũng như trình độ thực của các nhà khoa học nước ta.

Theo con số được công bố thì Việt Nam có tới gần 400 trường đại học, cao đẳng thuộc các ngành nghề, các viện tương đương… nhưng tệ hại thay không có trường nào lọt vào danh sách 500 trường đại học danh giá trên thế giới. Đã gọi là các nhà trí thức là tiến sĩ, giáo sư thì tiêu chuẩn đầu tiên là công trình nghiên cứu khoa học hằng năm và quy chuẩn nhất là các nghiên cứu này được đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ.

Tình hình này ở Việt Nam ta ra sao? Với 33.000 nhà khoa học nhưng giai đoạn 2000-2006 nước ta vẻn vẹn có 19 bằng sáng chế. Giai đoạn 2007-2010 Việt Nam chỉ còn 5 bằng sáng chế. Năm 2011 số bằng sáng chế của Việt Nam ta đăng ký tại Mỹ lại là con số 0 tròn trĩnh. Cũng trong năm 2011 chưa nói đến các nước có trình độ kinh tế hiện đại, tri thức tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… Mà chỉ so sánh trong khu vực thì vùng lãnh thổ Đài Loan với 23 triệu dân có tới 8.781 bằng sáng chế. Còn các nước vùng Đông Nam Á thì năm 2011 cũng là năm bội thu về số lượng bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ. Singapore với 4,8 triệu dân có tới 647 bằng. Malaysia với 27,9 triệu dân có 161 bằng, Thái Lan với 68,1 triệu dân có 53 bằng….

Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này do đâu? Nước ta hiện nay ra ngõ không chỉ gặp nhà thơ mà còn gặp giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ. Nhưng trong đội ngũ giáo sư, tiến sĩ đó thì có đến hơn 70% không dính dáng gì đến nghiên cứu khoa học, thậm chí cả đời không viết một bài báo nào có tính khoa học. Đa số các vị có bằng cấp này đều làm chức vụ hành chính. Ông Phạm Bích San, Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam đã ngao ngán nhận xét rằng: Chúng ta gần như không có ai có nghiệp khoa học… quên mình vì khoa học được ghi nhận bằng các giải thưởng quốc tế tầm cỡ”.

Hình như sau hàng loạt nghị quyết khuyến khích sử dụng bằng cấp, đào tạo 20.000 tiến sĩ đã khiến cho thị trường bằng cấp càng có đà phát triển. Người ta tìm mọi cách để có được tấm bằng cao học, có học hàm học vị làm điểm tựa tiến thân thay vì xả thân cho sự đào tạo, nghiên cứu nghiêm chỉnh. Trên danh thiếp, trong lời giới thiệu tại hội nghị, hội thảo, người ta sính và coi như mốt thời thượng giới thiệu học vị đi liền với chức sắc. Những vụ việc phát giác ông thứ trưởng, ông giám đốc sở, ông vụ trưởng nọ kia dùng bằng giả… đã trở thành phổ biến hơn ở nước ta. Phải chăng chính sự yếu kém của các nhà trí thức Việt Nam như vậy nên chẳng những nền giáo dục của ta đang là một nền giáo dục yếu kém, nhiều bất cập nhất mà Việt Nam cũng là một quốc gia có vị trí thấp trong thang bậc trí tuệ toàn cầu (hạng 76 trên 141 quốc gia được đưa vào xếp hạng).

Nghĩ lại một thời không xa trí thức thế giới nghiêng mình khâm phục trí tuệ và công trình của những nhà trí thức lớn của Việt Nam như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng… Chúng ta càng lo lắng khi căn bệnh “trí thức lỏng” của nước ta vẫn ngày càng phát triển và chưa có biện pháp nào hữu hiệu ngăn chặn. Nạn háo danh đang hành xác trí thức!

No comments:

Post a Comment