Thursday, January 14, 2016

Truy tìm căn nguyên thói “háo danh” của trí thức

Sự phát triển tính hiếu danh “vượt xa kế hoạch” như thế này có những liên quan đến tình trạng của giới trí thức đương thời cũng như quan niệm của xã hội về họ.

Không phải người trí thức Việt Nam sinh ra đã ham chức danh như chúng ta thấy. Hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ phải làm vậy. Nói như Cao Xuân Hạo, thói háo danh “có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người”. Ngành văn chương mà tôi làm việc thuộc khu vực mà người ta hay nhấn mạnh tính bản địa.

Ngoài cái háo danh kiểu vô thức tập thể - cho rằng văn chương nước mình chẳng kém gì thế giới, rồi thường xuyên mũ cao áo dài vái lậy, tôn vinh nhau ngay trong sinh hoạt hàng ngày, còn một lối chạy theo danh vị kín đáo hơn, nhưng chắc chắn hơn. Đó là lo mấy câu thơ của mình được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh cả nước học, lo tên tuổi của mình thường xuyên được nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng, nịnh nọt những người được phân công viết văn học sử đương đại, cốt họ dành cho mình vài dòng trong sách và nhờ thế mình sẽ ở lại với vĩnh viễn. Sự phát triển tính hiếu danh “vượt xa kế hoạch” như thế này có những liên quan đến tình trạng của giới trí thức đương thời cũng như quan niệm của xã hội về họ..

Hệ quả của một thời chiến tranh

Xã hội sau 1945, căn bản là xã hội của tư duy công nông nghĩa là của những người hành động. Mọi sự tính toán xa xôi, những công việc không có lợi ích ngay cho sự nghiệp nếu không bị thù ghét thì cũng không thể được xem trọng như đáng lẽ phải có. Cuộc sống hàng ngày quá ư vất vả, thành ra tuy vẫn hiểu chủ trương lớn là trọng trí thức, nhưng trong thực tế người ta vẫn thành kiến với họ, chí ít là không tôn trọng họ, thấy họ quá kềnh càng phiền phức.

Nên nhớ nét chủ đạo của hoàn cảnh là không khí thời chiến. Chiến tranh cào bằng tất cả. Chiến tranh tước đi những tự do tối thiểu của mọi công dân vì lúc ấy cần phải vậy. Sự tập trung cho chiến tranh làm nảy sinh trong xã hội VN dăm sáu chục năm nay một tâm lý thường trực, là chỉ tính chuyện ăn ngay trước mắt. Ngay trong thời kỳ 1946-54, một nền giáo dục thời chiến đã được tổ chức để đào tạo nhân tài. Nhưng cũng vì cần phục vụ ngay nên đó là một nền giáo dục mang nặng tính thực dụng, không muốn và không thấy cần đạt tới chuẩn mực cần thiết.

Tình trạng phi chuẩn này còn được kéo dài mãi và trở nên nặng căn thêm bởi lý do sau đây. Khẩu hiệu của cách mạng là giáo dục phổ cập. Nhưng kinh tế thì chưa bao giờ hết khó khăn để đáp ứng nổi nhu cầu của đại chúng về giáo dục. Ngoài cách pha loãng, làm nhẹ, làm giảm thiểu chất lượng, không còn có cách nào khác. Theo những quy luật đã chi phối kẻ sĩ thời phong kiến, như vậy là tính háo danh và bệnh vĩ cuồng đã có đủ điều kiện để bắt rễ vào tư duy và nếp sống của lớp trí thức mới được đào tạo.

Nhìn vào giáo dục những năm hoà bình 1954-65, cũng như thời chống Mỹ, thấy số năm học ở phổ thông, ở đại học có thể tăng, một số thầy giáo được đi học ở Nga, Trung Quốc và các nước Đông Âu... Nhưng về căn bản, cái hồn cốt của giáo dục vẫn là chắp vá, tạm bợ, không có khả năng hội nhập với giáo dục thế giới. Các bằng cấp của chúng ta chưa bao giờ được đông đảo các nền giáo dục khác công nhận là một bằng chứng về tình trạng cô lập kéo dài đó.

Giai đoạn “phong cấp, phong tước” thời hậu chiến

Đánh dấu bước ngoặt trong ngành giáo dục cũng như trong quan niệm về giới trí thức là năm 1958 và mấy năm sau. Chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh chống phái hữu ở Trung Quốc, và cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân văn bên Văn nghệ, giới Đại học trước tiên là khu vực khoa học xã hội đã có một cuộc “thay máu”. Các giáo sư nòng cốt như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trương Tửu và lớp trẻ đầy tài năng như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc... bị cho thôi việc hoặc chuyển sang các viện nghiên cứu, thực tế là chỉ ngồi chơi xơi nước hoặc làm những việc không quan trọng như dịch tài liệu. Lớp người thay thế được chọn ra chủ yếu theo tiêu chuẩn chính trị. Ban đầu, nhiều người trong số mới lên này nhũn nhặn, tự nhận là mình chỉ đóng vai trò thay thế, không đòi hỏi gì về chức danh, vui vẻ với đồng lương bé mọn mà vẫn chăm chỉ làm việc, và trong thực tế họ đã đóng vai trò thúc đẩy khoa học tiến tới. Tuy nhiên đến khoảng 1973-74 thì có một tình hình mới.

Trong thực tế giảng dạy và nghiên cứu, nhu cầu chuẩn hoá dù không được đặt ra chính thức, song vẫn như một xu thế mà bất cứ nền giáo dục nào cũng phải hướng tới. Ít ra là bề ngoài ta phải có được hình thức cho dễ coi một chút!

Lại thêm những khía cạnh mới trong tình hình xã hội đòi hỏi điều đó. Cuộc chiến tranh giải phóng bước vào giai đoạn kết thúc. Có một phương án sau này không xảy ra nhưng lúc đó được tính tới, đó là những cuộc đối thoại giữa hai xã hội miền Bắc và miền Nam. Trong cuộc đối thoại đó, không thể bỏ qua tiếng nói của giới trí thức. Ta cần phải có những giáo sư của ta những trí thức của ta chứ! Phải chứng minh cho phía bên kia thấy rõ là miền Bắc không chỉ biết làm chiến tranh mà còn biết làm học thuật. Và thế là nhu cầu phong cấp phong chức nổi lên, nó là đòi hỏi từ hai phía cả từ bên trong bản thân giới học thuật lẫn nhu cầu của xã hội.

Cái cách của xã hội ta xưa nay vẫn vậy. Thấy cần là làm, không đủ điều kiện cũng làm, làm bất kể phép tắc. Và từ chỗ ban đầu còn chặt chẽ nghiêm túc, sự mệt mỏi và nghiệp dư trong quản lý khiến cho công việc càng về sau càng được làm qua loa dễ dãi, chín bỏ làm mười mà có khi chỉ năm sáu thôi cũng đã coi là mười. Những người cơ hội kém cỏi chỉ chờ có thế. Họ “lẻn” ngay vào những chỗ đất trống (tôi mượn chữ lẻn từ câu Kiều "Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”) và từ chỗ xấu hổ, biết điều, quay ra chủ động thao túng tình hình.

Mỗi chúng tôi đã bị làm hỏng như thế nào?

Cách đây khoảng hai chục năm, tôi đọc được trên tấm danh thiếp của anh C. một người quen, bên cạnh tên tuổi có ghi thêm các chức danh sau đây, mỗi chức danh một dòng, tổng cộng chín dòng.

 dòng 1: Nghề anh học ở đại học
 dòng 2: Nghề anh đang làm
 dòng 3: Chủ tịch Hội....
 dòng 4: Tổng biên tập báo...
 dòng 5: Đại biểu Quốc hội (năm đó anh đang là một ông nghị)
 dòng 6: Thành viên Uỷ ban xxx của Quốc hội

Ngoài ra là ba chức danh nữa, tôi không nhớ xuể nhưng hình như là các loại giải thưởng được trao tặng. Thú thực ban đầu tôi cũng thấy buồn cười, nhưng sau thì thông cảm. Hồi ấy anh bạn tôi sau những nỗ lực bền bỉ, từ công việc chuyên môn được ngắm nghía để cơ cấu vào giới quan chức.

Lớn lên từ đám học sinh Hà Nội rồi thành cán bộ nhà nước, chúng tôi đã nếm đủ những đau xót của một bọn người mang tiếng là người làm nghề sáng tạo trong xã hội, luôn luôn cảm thấy mình có tội vì đã coi trọng việc học.

Đó là về tinh thần. Còn vật chất thì sao? Bao giờ đến lượt được mua xe đạp, bao giờ đến lượt được tăng lương, những việc đó chờ đã mỏi cổ, nói chi đến việc có được một cái nhà, xoay được một chuyến đi ngoại quốc?

Không ai tuyên bố chính thức, nhưng tất cả thực tế hình như đồng thanh rót vào tai mình, chỉ có một cách hết nghèo hết khổ là lọt vào tầm mắt của lãnh đạo.

Trở thành quan chức thì tốt nhất. Nếu không thì cũng phải có được những chức danh trong nghề, nó là cái dấu hiệu đánh dấu mình. Dù có phải luồn cúi chạy chọt một chút song vì cuộc sống bản thân và gia đình, hãy ráng mà giành lấy cho mình những danh vị cần thiết.

Tôi đã nói là cần thông cảm với anh bạn C với tấm danh thiếp chín chức danh của mình. Vì hồi ấy sau khi ghé chân quan trường, đoàn thể, anh đang lo xin đất làm nhà.

Một là, tuy biết trên nguyên tắc trước sau làm quan sẽ sớm được chia nhà, nhưng trong thực tế không đơn giản có ghế là có nhà ngay. Muốn được miếng ngon miếng sốt, còn phải cạnh tranh chán với các vị quan khác thì mới được như ý. Hơn nữa, quan trong văn nghệ là do dân cử, có khi chỉ ngồi được vài năm.

Vốn tính thực dụng, anh bạn tôi hoàn toàn hiểu điều đó. Ngồi chưa ấm ghế, anh bắt tay ngay vào việc xin đất. Mà anh làm thật khôn ngoan. Người khác hách dịch công khai huy động cả cơ quan lo chuyện riêng cho mình. Còn C. thì hoàn toàn lặng lẽ tự mình làm hết. Lặng lẽ viết công văn. Lặng lẽ đóng dấu. Lặng lẽ đến các nơi có liên quan.

Chính tấm danh thiếp chín dòng của C mà tôi dẫn ra ở trên xuất hiện trong thời gian đó. Tôi thầm dự đoán anh bạn đã phải loay hoay rất nhiều trong việc soạn ra danh sách các chức vụ để không quên một chức nào. Đây là tôi nói loại người còn đang hiền lành, nhân biết cái danh có thể đổi ra tiền thì lợi dụng nó.

Lại còn loại người thứ hai là điên cuồng săn đuổi danh vị, sau đó mượn danh vị để tiến thân, ngày càng leo mãi lên trong hệ thống quan chức, dù chỉ là trong phạm vi quan chức chuyên môn. So với họ, anh C. của tôi còn tử tế chán.

Nhưng cả loại người này nữa cũng không phải là “từ trên trời rơi xuống”. Mà họ cũng là sản phẩm của một sự thích ứng - thích ứng với cách đánh giá người và dùng người của xã hội. Nhưng đây là vấn đề thuộc về khoa xã hội học quan chức mà tôi chưa có dịp nghiên cứu.

Trong bài này, trong chừng mực nào đó, tôi đã mở rộng ra nói về thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng mà người mình thường mắc, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh chớm hội nhập với thế giới bệnh lại trầm trọng hơn. Đây là những quan sát bước đầu, cần sự chia sẻ phản bác của các đồng nghiệp.

Để kết thúc, tôi đưa ra hai kết luận cuối cùng:

Một là hãy thông cảm với những người trong cuộc. Không phải người trí thức Việt Nam sinh ra đã ham chức danh như chúng ta thấy. Hoàn cảnh đẩy họ đến chỗ phải làm vậy.

Hai là, bệnh khó chữa lắm. Vì nó chỉ là một biểu hiện của tình trạng tha hóa trí thức cần được nghiên cứu trên quy mô rộng hơn và có tầm khái quát hơn.

No comments:

Post a Comment