Trong tiếng Việt, “khệnh khạng” là một tính từ dùng để chỉ người có dáng đi hơi dang chân, nặng nề, khó nhọc, hoặc người có điệu bộ dềnh dàng, làm ra vẻ quan trọng. Tất nhiên bài viết này là tôi muốn nói về nghĩa thứ hai.
Montesquieu có câu nói như này: “Những ai có bề ngoài khệnh khạng thường có tâm hồn mục nát”, nó giông giống như câu ngạn ngữ: “Tiếng cười to thường xuất phát từ một tâm hồn rỗng”. Còn Montesquieu là ai thì xin mời các bạn google, chúng ta đang online mà.
Truyện ngụ ngôn Việt vốn chả thiếu bóng dáng những lão nhà giàu khệnh khạng. Ấy là những kẻ do may mắn gặp thời, do thừa hưởng tài sản hay do mưu mô gian dối mà giàu lên, hoàn toàn vô học (mà nói theo cách hiện đại là vô văn hóa) gọi là trọc phú. Dĩ nhiên ngày xưa thì dễ mấy ai được học đâu. Trọc phú khệnh là do họ giàu và tự tin thái quá vào sự giàu có của mình. Loại người ấy vẫn còn nhiều vô kể trong xã hội đương đại.
Bên cạnh đó, những năm gần đây phổ biến và gia tăng thêm một loại trọc khác, tôi tạm gọi là “trọc lại”. Khác với trọc phú, trọc lại là những người có học (thật hoặc giả, chính quy hoặc tại chức), nhưng vẫn mắc chứng khệnh, khệnh nặng. Dĩ nhiên, trọc lại ít ra phải là những người có tí chức vụ, còn không thì cũng thuộc dạng quan to ngất ngưởng.
Chứng khệnh ở trọc lại có nhiều kiểu biểu hiện đa dạng. Nó có thể là tướng đi thế đứng thật ngông nghênh, những câu chào hỏi to hơn mức cần thiết, những tiếng cười hô hố vô hồn. Nó cũng có thể là những cái bắt tay nhàn nhạt lỏng lẻo đối với người cấp dưới, là ánh mắt lơ đễnh phớt lờ thiên hạ hoặc ra đường thấy người quen không thèm chào (hay không thèm đáp chào). Nó còn có thể là những phát biểu với ngôn từ hùng hồn nhưng vô nghĩa trên diễn đàn, những câu giao tiếp thiếu chủ ngữ vị ngữ nơi công sở - vụ này khá phổ biến. Nó còn là những đùa cợt khả ố ngoài quán nhậu… À, mà tiếng dân gian còn gọi đó là “huếnh”, suýt nữa thì tôi quên mất. Tựu trung là người ta tự phong cho mình cái quyền ăn trên, ngồi trước, làm bố đời và nhìn thiên hạ bằng 1/3 con mắt.
Cách đây ít lâu, một lần đi ăn mỳ Quảng ở một quán nổi tiếng của Điện Bàn, tôi bỗng nghe một giọng nói sang sảng kêu lớn: “Em ơi, làm cho anh Ba một tô thật đặc biệt, đặc biệt nghe em!” Quay sang nhìn, thì ra là anh hói đầu đồng hương xứ Quảng đang ngồi cùng với sếp của ảnh là anh Ba - bạn thân tôi - đương kim tể tướng xứ Đại Ngu. Hết cả hồn! Mà trong trường hợp này, rõ ràng anh hói lại khệnh với thiên hạ để xu nịnh anh Ba. Tài thật - tôi cứ phải gật gù tấm tắc mãi.
Không nói đến chuyện học gian bằng giả, đấy là chuyện khác. Nhưng người có học chưa chắc đã lịch thiệp, cũng như người tu hành chưa chắc đã có đạo hạnh. Tai ác thay, cái khệnh cái huếnh hằng ngày vẫn được người ta cổ xúy bằng thói nịnh bợ, bằng những ngôn từ bưng bô, bằng những cái cúi mình bắt tay khép nép, bằng cả những món dâng kính… Nguyên nhân sâu xa của cái sự “người xu kẻ huếnh” ấy lại thuộc về gốc gác văn minh lúa nước của giống loài Đại Ngu mà biểu hiện cụ thể của nó là lối ứng xử theo kiểu bần nông. Mà hễ đụng vào vấn đề này, rất dễ bị ăn gạch đá bởi đám đông cả trên mạng lẫn ngoài đường vốn hung hăng quá mức cần thiết. Có lần tôi chỉ đem vua Hùng ra trêu đùa tý cho vui, thế mà bị người ta đào mả cha mẹ lên chửi, đau lắm.
Đến bao giờ xã hội mới bớt đi những thể loại khệnh kiểu trọc lại? Nói như kiểu anh nghị Phước - bạn tôi - phải chờ dân trí cao lên đã. Độ hai mươi năm lại đây, các trường học đua nhau treo cái câu “tiên học lễ, hậu học văn” theo kiểu phong trào. Thế nhưng tôi đoan chắc đa phần các thầy cô giáo không giải thích thấu đáo được câu này, thật đấy. Khẩu hiệu xứ này vốn cực kỳ khó hiểu. Mà ngay trong ngành giáo, các vị ấy cũng khệnh lắm rồi, nói chi là ai?
Cách đơn giản nhất để chữa khỏi tật này là hãy nhớ rằng ai cũng là người, mà đã là người thì đều đáng trân trọng, ngoại trừ những kẻ thủ ác.
Điều này dễ, nhưng khó, nhỉ?
Nguồn: Blog Tam Thụy
No comments:
Post a Comment