Saturday, January 30, 2016

“Con ông cháu cha”: một căn bệnh “di truyền” và nan y?

Bằng C.O.C.C

Hơn năm mươi năm về trước, với tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trường Quốc gia Thương mại, tôi được ưu tiên tuyển dụng vào một ngân hàng công có tiếng ở Sài Gòn. Đây là ngân hàng lớn có truyền thống chỉ thu dụng những nhân viên giỏi. Vào ngân hàng, tôi tình cờ gặp lại một người bạn thời trung học đã làm việc ở đây trước đó, anh này vốn nổi tiếng “lưu ban” vì học dở, ham chơi và quậy phá, với kết quả là thi mấy lần vẫn rớt trung học. Vậy mà ngạc nhiên sao ở ngân hàng này, bây giờ anh ta lại gần như trở thành “sếp” của tôi. Đem chuyện “lạ” này hỏi một người bạn cùng lớp khác, tôi nhận được câu trả lời: “Thằng ấy ư? Bằng trung học?: không! Bằng cán sự?: cũng không! Nhưng hắn có một cái bằng rất to là bằng…C.O.C.C”!

Bằng C.O.C.C?! Tôi chợt hiểu ra! Hèn nào…Thế đấy, đâu phải bây giờ, hôm nay mới nghe nói tới cụm từ C.O.C.C tức “con ông cháu cha”. Mà nó đã xuất hiện, thậm chí hằn sâu trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, là một trong những “vết đen” của bất công xã hội, một loại bất công mà từ thời phong kiến lạc hậu cho đến kỷ nguyên tiến bộ của cộng hòa, chế độ nào cũng nhận ra, cũng hiểu và cố tìm cách loại trừ, nhưng rồi nó vẫn cứ tồn tại dai dẵng, thậm chí ngày càng phổ biến, trắng trợn và thách thức. Tại sao vậy? Có phải đây là một căn bệnh “di truyền” và nan y?

Thân và thế

Tôi xin hỏi bạn điều này, bạn hãy trả lời thẳng thắn xem sao. Nếu bạn đang là…bộ trưởng, tỉnh trưởng,…hay giám đốc một công ty xí nghiệp công đang tuyển một vị trí, ở đó có hai ứng viên: một là “người nhà” của bạn, hay con cháu của một người có thế lực (có thể là cấp trên của bạn hay nơi khác gởi gắm) với “tài” và “đức” đều trung bình và một là người không quen biết nhưng nổi bật cả chuyên môn lẫn đức hạnh, khi quyền quyết định tuyển chọn đang nằm trong tay bạn, bạn sẽ chọn ai? Tất nhiên câu trả lời sẽ tùy vào bạn là người như thế nào: bạn đang muốn bảo vệ quyền lợi của cá nhân gia đình bạn, hay đang nghĩ đến lợi ích chung của ngành, của công ty xí nghiệp, tức cái chung của xã hội.

Từ xưa, ông bà ta đã có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Chuyện cái “tàng dù che cán dù” cũng là chuyện…tự nhiên! Ông bà ta cũng đã từng phải thốt lên: “nhứt thân, nhì thế”! Có “thân” có “thế” thì mọi việc trở nên dễ dàng và triển vọng. Thật ra “thân và thế” xét về bản chất không có gì là xấu nếu đó chính là “con giòng cháu giống”, là “danh gia vọng tộc”: những hậu duệ thừa hưởng những đức tính quý báu của cha ông. Họ có “quyền” có “thế” nhưng chẳng bao giờ “cậy quyền cậy thế” để mưu lợi riêng. Họ xứng đáng được trọng vọng và trọng dụng. Nhưng thực tế xã hội ta từ xưa cho tới nay vẫn chứng minh rằng “con giòng cháu giống” không tồn tại một cách đương nhiên và mãi mãi.

Hãy xem trong sử Việt: một Lê Đại Hành xuất sắc khởi nghiệp cho Tiền Lê lại “sinh” ra một hậu duệ Lê Long Đĩnh “ngọa triều”, một triều Trần huy hoàng với một Trần Cảnh mở đường, một Nhân Tông “Phật hoàng”, cũng là vua cha của công chúa Huyền Trân, rồi cuối cùng cũng “sinh” ra một Dụ Tông sa đọa dẫn đến tiêu vong triều đại. Còn nữa và gần đây hơn với một Lê Sơ gồm những anh hùng dựng nước vẻ vang Lê Lợi, Lê Thánh Tông cuối cùng lại nối nghiệp bởi những Uy Mục và Tương Dực làm hoen ố giòng máu tiên vương.

Nhưng đó lại là những ông vua ngày trước, dẫu sao cũng vì sự tồn vong của ngai vàng, vì quốc gia đại sự mà đã được giáo dục kỹ lưỡng trong môi trường tối ưu, được “thẩm tra” kén chọn kỹ để nối nghiệp hoặc là từ di chiếu của vua hoặc là do quyết định của triều đình. Còn “thần dân” như chúng ta “trong mười ngón tay có ngón ngắn ngón dài” thì con cái, cháu chắc không phải ai cũng giống ai, không phải ai cũng tốt, cũng giỏi. Mặt khác phải nhìn nhận một thực tế là ngày nay ở xã hội ta, những người thành đạt và thành danh (nếu hiểu theo nghĩa tích cực) thường là xuất thân từ giới trung lưu hoặc nghèo mà hiếu học. Họ là những người ở trong hoàn cảnh phải luôn phấn đấu không ngừng, vượt qua mọi thử thách để vươn lên. Trong khi đó, ở những gia đình “thượng lưu” và giàu có (cũng có nghĩa là gia đình quyền thế) thường tồn tại hai vấn đề: một là cha mẹ cưng chiều con cái thái quá và hai là con cái cứ ỷ lại vào cha mẹ.

Cưng chiều con cái thái quá cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tâm lý: “mình đã khổ rồi, tội gì bây chừ không để cho con cái nó sướng”(!) hoặc cũng có thể là do quá dư dả vật chất nên con cái “đòi gì là được nấy” từ cái ai-phôn, ai-pát cho đến SH, PS thậm chí là siêu xe bốn bánh. Đối lại, ỷ vào cha mẹ giàu có hoặc quyền thế vì biết là cha mẹ có thừa khả năng thỏa mãn vật chất cho mình hầu như suốt đời, cũng như dư sức tạo điều kiện cho mình bước lên những nấc thang danh vọng của xã hội mà bản thân chẳng cần phải học tập rèn luyện gì cả. Hai tác động này “giao thoa” tạo nên một “cộng hưởng” tiêu cực: con cái không còn động lực và ý chí để tiến thân, để tự lập và biết quý trọng thành quả lao động.

Mặt khác, ngày nay, để đạt được quyền thế và địa vị trong xã hội, không chỉ bằng một lối đi “đường đường chính chính” duy nhất như ngày trước là “học giỏi thi đỗ rồi làm quan” và từ từ thăng tiến. Mà nó là một cuộc đua chen khốc liệt đầy thử thách, trong đó “tài đức” thôi chưa đủ, mà còn phải có nhiều “kỹ năng” khác nữa. Và chính những “yếu tố thành công” không mấy minh bạch này của cha mẹ hay người bề trên đã vô tình trở thành tấm gương u ám cho con cháu soi theo. Còn nữa, với những thăng tiến như vừa nói, người làm cha làm mẹ cũng không còn mấy uy tín và lý lẽ để giáo dục chính con cháu của mình. Hệ quả tất yếu là “một bộ phận không nhỏ” con cái của các gia đình này vừa không đủ tài, lại vừa không đủ đức để đảm đương công việc xã hội giao cho. Và vì vậy tấm bằng duy nhất mà họ phải sử dụng tới để lọt qua cánh cửa xét tuyển chính là “tấm bằng C.O.C.C” vậy!

Hệ quả tất yếu

Với tấm bằng “không giấy không mực” này, những kẻ bất tài đã có cơ hội len lỏi vào khắp trong mọi ngõ ngách công ăn việc làm, đặc biệt trong mạng lưới công quyền, đồng thời tước đi cơ hội của biết bao người có tài có đức muốn cống hiến tâm sức cho đất nước, cho xã hội. Đã vậy, ngoài chuyện không làm được việc, trở thành những kẻ “ngồi chơi xơi nước”, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, “cứ tà tà cuối tháng lĩnh lương” làm hao mòn lãng phí ngân sách tổ chức, nhà nước và tiền bạc của xã hội, những kẻ “ngồi không” này, để “trụ” vững trên cái ghế của mình thì tất nhiên còn phải sinh ra câu kết, phe nhóm, vừa “bảo vệ” mình mà cũng vừa làm hại người giỏi, người tốt. Kết quả là chẳng những hoạt động của đơn vị không mang lại hiệu quả mà nội bộ cũng sinh ra bất công dẫn tới mất đoàn kết.

Thực trạng này tại nước ta lâu nay ai cũng có thể hình dung ra, nhưng chính nhận định trực tiếp và thẳng thắn từ cơ quan chức năng mới đây với con số 30% công, viên chức hiện thuộc dạng “không có cũng được”[1] (nghĩa là hơn 700 ngàn trong số 2,2 triệu công, viên chức cả nước) và 65% ngân sách nhà nước chi cho thường xuyên trong đó một nửa là chi cho lương công chức, viên chức[2] là những con số khá “gây sốc” cho những ai quan tâm đến nền hành chính và ngân sách nước nhà. Một gánh nặng ngân sách quá lớn để “nuôi” một lực lượng dôi dư kém hiệu quả.

Bởi vậy mới có những quyết tâm nhằm “tinh giản biên chế” trong thời gian qua. Nhưng khổ nỗi, “tinh giản biên chế” đồng thời nâng cao hiệu suất công tác của công chức viên, một trong những giải pháp hàng đầu của cải cách hành chính, vẫn là bài toán chưa có lời giải trong tình hình hiện nay, khi mà những cơ chế, quy định liên quan về chế độ công chức, viên chức vẫn chưa được tháo gỡ và sửa đổi cho phù hợp[3]. Đó là chưa nói đến những phức tạp và tế nhị đến từ cái gốc của vấn đề: đó là “đầu vào” tuyển dụng vốn đã chứa đựng những mối quan hệ tình cảm và lợi ích chằng chịt khó có thể trút bỏ.

Xem như vậy, vấn nạn C.O.C.C nếu cứ tồn tại, không chỉ là bất công xã hội, bất công đối với nhân tài, làm hao mòn và chảy máu chất xám vốn rất cần được huy động cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, mà còn mang lại những hệ quả vô cùng nguy hại cho mạng lưới hành chính công quyền, vừa hoạt động kém hiệu quả, vừa là gánh nặng đáng kể cho ngân sách quốc gia. Nếu muốn tiến kịp với đà phát triển của khu vực, của thế giới, tất yếu phải có các liều thuốc đủ mạnh cho căn bệnh trầm kha này.

Thuốc chữa

Để điều trị căn bệnh này, nhứt thiết phải sử dụng song song một lúc cả hai liều thuốc: một cho tác dụng “tức thì” và một cho tác dụng “về lâu về dài”:

- Về tức thì, tất nhiên phải giải quyết những tồn tại, đó là kế hoạch “tinh giản biên chế” đang nhắm tới. Cần sớm tháo gỡ các cơ chế và quy định đang làm cản trở việc loại bỏ những vị trí “không có cũng được” trong các tổ chức hành chính. Cùng lúc nâng cao hiệu suất công tác của công, viên chức và điều chỉnh mức lương tương xứng với hiệu suất này. Có nghĩa là nhân sự phải được thay đổi từ lề lối làm việc cho đến phong cách sao cho phù hợp với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới.

Lâu nay, ta thường so sánh phong cách làm việc từ các nước phát triển như ở Mỹ, Nhật,…với lề lối làm việc của số đông người Việt trong nước thì thấy rõ một thực tế là họ làm việc (gọi nôm na là) rất “bận và cực”, còn ta làm rất “nhàn và sướng”. Họ làm việc không có thì giờ…ăn cơm, còn ta làm việc ngoài cơm nước, vẫn có thì giờ lai rai, cà phê cà pháo. Nhưng họ được trả lương rất cao và wit-ken thì tiêu xả láng, còn ta thì lương bèo, nhiều khi cuối tuần không nghỉ, phải làm thêm mới đủ sống…Thực tế đó đã nói lên điều gì?

Đó là lề lối, phương pháp làm việc (chuyên nghiệp, bài bản, tận dụng triệt để các công cụ máy móc hỗ trợ), là tác phong công nghiệp (bảo đảm giờ giấc, trách nhiệm, phong cách, đúng với vai trò là "công bộc"). Họ thỏa mãn những điều kiện này một cách rất nghiêm túc, còn ta thì không phải ai cũng làm được như vậy. Từ đó mới đẻ ra cái mà ta hay gọi là “hiệu suất công tác” hay là “năng suất lao động”: của họ cao gấp bội ta. Bởi vậy mà họ được trả công xứng đáng. Còn ta? Có lẽ đối với người Việt từ lâu đây chính là cái vòng lẩn quẩn đáng buồn: lương thấp > thiếu dinh dưỡng > ốm yếu > năng suất kém > lương thấp >…Vì vậy mà, tỉ như với một lượng công việc như nhau, trong lúc họ chỉ cần 10 người thì ta phải cần tới 20 hoặc hơn mới làm xong. Một con số cụ thể có thể chứng minh cho điều này: Hoa kỳ hiện có trên 300 triệu dân thì chỉ có 2,2 triệu công, viên chức, trong khi Việt Nam hiện chưa tới 100 triệu dân thì đang phải sử dụng tới cũng bằng chừng ấy công chức viên (tức 2,2 triệu)!

Như vậy, rõ ràng tinh giản biên chế bộ máy, đồng thời nâng cao hiệu suất công tác của công, viên chức là con đường tất yếu và bắt buộc, vì đó là tiền đề cho mọi lĩnh vực phát triển khác. Nó đòi hỏi tất cả mọi thành viên trong bộ máy từ lãnh đạo đến công nhân phải có cái tâm trong sáng và một tầm nhìn hướng tới lợi ích chung của xã hội, dứt khoát dẹp bỏ lợi ích cục bộ và cá nhân.

-Về lâu dài, cần thiết phải giáo dục và đào tạo cho các thế hệ về sau những con người mới đặt nền tảng trên ba đức tính quý báu: đó là “tự giác, tự trọng” và “tự lập”. Bởi vì, nếu không biết tự giác, tự trọng thì con người theo bản năng, vẫn làm điều ích kỷ, đen tối, mưu lợi cho mình, làm hại cho người mà không cảm thấy xấu hổ; không biết tự trọng, tự lập thì con người vẫn cứ lười biếng, nhờ vả, phụ thuộc mà vẫn thấy thản nhiên.

Sở dĩ phải nhấn mạnh vấn đề giáo dục nhân cách ở đây là bởi từ một thực tế trong xã hội ta. Chưa nói đến giáo dục ở học đường và xã hội, chỉ riêng về giáo dục ở gia đình thôi cũng đã có vấn đề. Bạn cứ thử đi đến các gia đình hiện nay rồi xem họ đang dạy dỗ con cái như thế nào? Xem số đông có am hiểu về những nguyên tắc và phương pháp cơ bản nhất để dạy dỗ con cái hay không? Hãy để ý đến một tình huống rất nhỏ: một đứa trẻ lên ba đang chơi đùa bỗng vấp ngã trong sân, cú ngã chẳng là gì hết, nhưng ông cha bà mẹ lại cuống lên, vội vàng chạy lại, vừa đỡ thằng bé vừa lộ hẵn ra vẻ xót xa thương cảm. Điều đó ta cho là bình thường, nhưng xét về tâm lý giáo dục trẻ thì chớ nên phản ứng như vậy. Hãy để cho đứa trẻ tự mình đứng lên trước đã. Đó chính là lựa chọn cơ bản nhất để dạy cho chúng bài học tự lập ngay từ thuở bé.

Từ tình huống nhỏ đó có thể suy rộng ra những trường hợp khác liên quan tới việc giáo dục con trẻ về ý thức tự giác, trung thực và tự trọng – mà có thể do vô tình hay kém hiểu biết, người làm ông bà hay cha mẹ đã “dạy” cho con cháu mình thói quen ỷ lại, nịnh bợ, nhờ vả, phụ thuộc, gian dối…để rồi khi lớn lên trở thành thế hệ cha mẹ có chức có quyền trong tay lại quay trở về với “truyền thống” cưng chiều, sẵn sàng chạy chọt, gởi gắm, bao che…cho con cái, biến chúng thành một lớp “con ông cháu cha” mới trước sự khinh nhờn và bức xúc của xã hội.

Tóm lại, căn bệnh C.O.C.C vẫn có thể chữa khỏi bằng chính “cái tâm và cái tầm” của người trong cuộc. Nó sẽ chỉ trở nên nan y và dai dẵng nếu người Việt ta không từ bỏ được tập quán “ô dù” lạc hậu và bất công vốn đã tồn tại từ ngàn xưa, không tìm ra được những giải pháp mang tính chiến lược để ngăn ngừa và ngăn chặn kịp thời sự tái phát và lây lan của dịch bệnh này, và nhất là, không xây dựng được một nền tảng vững vàng các thế hệ mới người Việt với những đức tính và tiêu chí quý báu cần có như đã trình bày, để "đề kháng" và “miễn dịch” vĩnh viễn với căn bệnh.

Chừng nào “ung nhọt” C.O.C.C này được “bứng” khỏi cơ thể, thì lúc đó người Việt mới mong có đủ “sức khỏe”, đủ nghị lực để vượt qua những thử thách ở phía trước trên con đường hội nhập và phát triển đầy cam go, bằng không, thì chỉ có tụt hậu mà thôi.

No comments:

Post a Comment