Sunday, August 31, 2014

Quán Vô thường

Trong cuộc sống thực tại của con người, sở dĩ mọi người thường than đau khổ là do mê lầm chạy theo ngũ dục của thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy) dong ruổi tìm cầu. Được mấy ai tịnh tâm để thấy rằng:

“Tịnh tâm quán niệm kiếp vô thường
Thân người giả tạm ví hạt sương
Kiếp người chỉ sống trong hơi thở
Thức tỉnh tu tâm, khỏi đau thương…”

Thế nào gọi là “Vô thường”? “Vô thường” tiếng phạn gọi là “Anitya” nghĩa là biến dịch, thay đổi, không cố định, vạn vật không đứng yên một chỗ mà nó biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác rồi tan rã.

Khi bàn về vô thường chúng ta thường nói “đời là vô thường” tức là cuộc đời này bị chi phối bởi định luật “Vô thường”. Chính thân ngũ uẩn (đất, nước, gió, lửa, thức) cũng bị chi phối bởi định luật vô thường (sinh, lão, bệnh, tử). Vô thường là một định luật tất yếu của vạn pháp, nó biến đổi theo bốn chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Như triết gia Hy Lạp - Héraclite nói rằng: “Không ai đặt chân hai lần trên một dòng nước”. Tức là từng phân tử nước chuyển động không ngừng đã làm cho dòng sông hôm qua không phải dòng sông của ngày hôm nay, dòng sông của giây phút trước không phải dòng sông của giây phút này. Cho nên thân thể của con người cũng thế, ai sinh ra mà không già, bệnh, và chết. Thời gian của (vô thường) không hẹn một ai:

“Cuộc đời, “cờ thế” trò chơi,
Rất là nan giải như đời khổ đau.
Tình trường thắt nút u sầu
Bậc tu tuệ giác gỡ mau ra liền.
Đời người bể khổ triền miên
Sinh Ly tử biệt về miền hư vô”.

Thân vô thường: Trong thân thể của chúng ta từng tế bào sinh, diệt trong từng sát na. Dòng máu trong cơ thể con người, từng hồng cầu cũng thay đổi trong sát na. Những tế bào sinh ra chết đi thay thế những tế bào mới và sinh trưởng, khiến cho thân người cũng biến đổi theo già nua. Đức Phật dạy bài kệ rằng:

“Điểm trang ngoài vỏ,
Thấm thoắt đà vỡ lỡ tan tành,
Ngẫm xem ngay trong cái thân mình,
Suy biến cũng rành rành như thế.

Người khôn phải xét xem cho kỹ,
Thắng pháp kia thực thị lâu dài,
Già, bịnh, chết, nào ai ưa nhỉ?
Hình xấu xa càng kể càng ghê!

Trăm năm dầu tới tuổi thượng thọ,
Quỷ Vô-thường vẫn đó không sai,
Não nùng thay ! Bệnh, chết, già,
Chúng sinh đày đọa bao giờ mới thôi”.

Ngài Huyền Giác Thiền Sư cũng dạy rằng:

“Thân ngũ uẩn chỉ là phù vân tụ tán
Hợp rồi tan trong vũ trụ bao la
Sự diệt sinh, sinh diệt vô cùng
Nó hiện hữu với thời gian vô tận…”

Cái thân người là giả tạm trong chuỗi thời gian sinh tồn. Mới ngày nào còn tuổi trẻ, bây giờ tóc bạc, da nhăn, tai điếc, mắt mờ.

“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rồi
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”
 (Ngài Vạn Hạnh)

Thân con người của chúng ta còn chưa giữ được, huống chi tài sản, vợ con, công danh sự nghiệp. Biết bao nhiêu người đang sống trong nhung gấm nệm êm, tràn đầy hạnh phúc vui vẻ, đoàn tụ gia đình mà cứ nghĩ sẽ được bền lâu. Ấy thế, đùng một cái thiên tai động đất, sóng thần, đã làm mấy chục nghìn sinh mạng nằm sâu dưới lòng đất, phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, biết bao nhiêu nấm mồ hoang huyệt lạnh chôn vùi kiếp người.

“Hoa nở để rồi tàn
Trăng tròn để rồi khuyết
Bèo hợp để rồi tan
Người gần để ly biệt”
(Xuân Diệu)

Hoàn cảnh vô thường: Chẳng những thân thể của chúng ta vô thường mà hoàn cảnh cũng thay đổi vô thường. Trong tất cả sơn hà đại địa, cái gì hữu hình đều biến đổi theo định luật vô thường. Mới ngày nào thành phố Torinoumi của Nhật Bản thật đẹp nguy nga đồ sộ, một thiên tai động đất, sóng thần đi qua và bây giờ chỉ còn lại thành phố hoang tàn đổ nát, mất đi biết bao nhiêu sinh mạng và tài sản. Chúng ta cũng thường chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh thăng trầm, vinh nhục, giàu nghèo, diễn ra trước mắt đấy thôi!

Nhiều người giàu sang, hống hách bỗng chốc sa cơ thất thế, sống cảnh tha hương cầu thực hay là lâm vào cảnh tù đày…có người thì nghèo khổ bỗng chốc thành giàu sang. Nhân gian thường nói “Lên voi xuống chó” mấy hồi để thấy hoàn cảnh bị chi phối vô thường thay đổi. Vậy mà nhiều người chưa tỉnh ngộ, vẫn chạy theo cái vô thường huyễn mộng ấy để rồi tham nhũng, kẻ bán tước, người mua quan, người thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua danh, mưu lợi...đầy thủ đoạn để làm giàu cho bản thân mình, để thỏa mãn dục vọng. Con người cứ mãi tìm cầu quên đi nhân tâm, quên đi bản chất đạo đức của con người, gây biết bao nhiêu là tội lỗi. Sau khi chết mang theo được những gì? - Chỉ hai bàn tay trắng! Thế mà thế gian bày chi cảnh đau thương, tranh giành chiếm đoạt? - Cũng vì dục vọng tham ái mà ra!

“Cuộc đời rồi chẳng còn chi
Ruộng vườn nhà cửa có gì của ta
Trắng tay lòng mẹ sinh ra
Một hơi vĩnh biệt cũng là tay không”

Tâm vô thường:  Không chỉ thân vô thường, hoàn cảnh vô thường, mà tâm của con người cũng biến đổi vô thường, hết giận rồi thương, vui đó buồn đó, nó biến chuyển liên tục không phút giây ngừng nghỉ tựa dòng thác chảy liên tục.

Nói “tâm viên ý mã” - tâm của con người thay đổi từng sát na một, cái tâm này khởi ra muôn pháp gọi “vạn pháp duy nhất tâm”. Tâm con người biến đổi không cố định: do vọng tưởng sinh như giấc mộng không thật, chúng sinh mê muội ôm chấp vào cái huyễn mộng ấy, chấp làm ngã, cái vô ngã chấp cho là ngã. Khi vô thường biến đổi thì sinh tâm đau khổ, luyến tiếc sầu muộn. Do vì vọng tưởng điên đảo nên tâm này chấp thân là thật có. Cho nên chúng ta: “Quán tâm vô thường thì thấy được chơn thường của giác tánh.. Quán pháp vô ngã thì thấy được thực tướng của thế gian. Quán thân bất tịnh thì thấy được nghiệp thân tương tục của chúng sanh. Quán thọ thị Khổ thì rời được bệnh luyến ái thân của chúng sanh”.

Tóm lại: Vô thường là định luật tất yếu, đức Thế Tôn nói giáo lý vô thường không phải để chúng ta bi quan yếm thế, chán nản sự đời này. Đức Phật nói giáo lý vô thường để chúng ta thức tỉnh tu hành, để xóa bỏ bản ngã, đạt đến vô ngã, tu hành không chấp trước vì chấp sinh ra tham ái, ái chính là nguồn gốc sinh tử khổ đau.

Vô thường là chìa khóa giúp cho chúng ta mở cửa Giác Ngộ từ địa vị phàm phu bước lên quả vị Thánh nhân. Nếu không có vô thường thì chúng ta mãi mãi làm chúng sinh. Nhờ giáo lý vô thường chúng ta thấy rõ được bản chất của mọi sự vật hiện tượng là do duyên sinh, vô ngã, để rồi từ đó chúng ta không tham đắm bám víu vào thân ngũ uẩn này. Điều quan trọng nhất là giáo lý “vô thường” giúp chúng ta thấy rõ thực hư của cuộc đời để rồi từ đó chúng ta làm chủ khi đối diện với vô thường xảy ra để không đau khổ và tuyệt vọng. Chúng ta vẫn thản nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh vô thường. Dù cho chúng ta đang sống trong kiếp sống vô thường, chúng ta vẫn tu hành giải thoát khổ đau.

Nhờ giáo lý vô thường giúp cho chúng ta quán chiếu hiểu rõ các pháp là “vô thường” do duyên sinh giả hợp mà thành. Thân con người chúng ta chỉ là giả tạm, chẳng có cái “ta” thật sự (ngã chấp). Để từ đó chúng ta dẹp trừ cái bản ngã, cái tâm tham ái, ích kỷ để đem lại tâm an lạc và thanh tịnh giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi vì ái diệt, tức Niết bàn.

Hãy lái thuyền “Từ” xa cõi mộng
Quay về bến Giác để thong dong
Quán pháp vô thường do duyên khởi
Tài sắc đam mê, rối cả lòng!

Trí Giải

Ái kiết sử

Hỏi: Kính thưa Thầy! Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, là do duyên gì, nhân gì, xin Thầy chỉ dạy cho con hiểu?

Đáp: Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, có ba nguyên nhân chính:

1- Nợ nhân quả quá nặng.
2- Thất kiết sử quá dầy.
3- Ngũ triền cái ngăn che.

Đó là ba nguyên nhân khiến cho người muốn đi tu theo đạo Phật rất khó vượt qua, đó cũng là ba mạng lưới bao vây kiếp con người, mãi mãi trôi lăn trong biển sanh tử, luân hồi và nhiều khổ đau trong nhiều đời nhiều kiếp.

Chỉ có người trí hiểu biết và còn phải có đủ nghị lực, can đảm, gan dạ, mới vượt ra khỏi, mới biết được những sợi dây xích kiết sử tuy vô hình nhưng nó chắc hơn những sợi dây lòi tói.

Con có duyên với Phật pháp, nhưng tánh con yếu đuối không thể vượt qua bức tường nhân quả, vì thế con nên tu trong chiếc áo của người cư sĩ:

1- Tu tập xả ly năm triền cái bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
2- Luôn luôn trau dồi thân tâm trong mọi hành động thân, khẩu, ý bằng “Tứ Vô Lượng Tâm”: Đức hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả.
3- Dứt bỏ 10 điều ác và cố tăng trưởng 10 điều lành.
4- Cần phải thông hiểu và nghiên cứu tường tận đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình, khổ người.
5- Hằng ngày phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, tham, sân, si phải đoạn diệt sạch”

Người cư sĩ cần tu năm pháp môn này, thân tâm được an vui và hạnh phúc trong cuộc sống, chẳng có đối tượng, hoàn cảnh, sự việc nào làm dao động tâm được, đó chính là nguồn giải thoát của đạo Phật trong mọi người cư sĩ, con hãy cố gắng lên! Cố gắng lên tu tập con ạ!

Khi tu tập xả tâm như vậy, tức là con tu tập đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người là con đã trả vay nghiệp nhân quả của tiền kiếp, trả vay nhân quả của tiền kiếp tức là con bứt bỏ thất kiết sử, khi bứt bỏ thất kiết sử thì con không còn phóng dật, tâm con không còn phóng dật tức là tâm định trong thân con, tâm định trong thân thì tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự, tâm thường thanh thản an lạc và vô sự thì tâm luôn luôn biết hơi thở ra vô một cách tự nhiên không bị ức chế hay bị gom tâm tập trung vào một chỗ.

Khi tâm định trên thân như vậy thì lúc bây giờ là lúc tu thiền định để nhập các định sâu hơn và khó hơn.

Còn nếu con bứt bỏ ngang mà đi tu thì dù con có tu đúng chánh pháp của đạo Phật cũng trở thành tà pháp, tại sao vậy? Tại vì sự bứt ngang bỏ đi, đó là ức chế tâm, chứ không phải xả tâm và như vậy con sẽ bị rơi vào tà thiền, tà định chừng đó con sẽ sống trong Tà kiến của ngoại đạo rất là khó gỡ.

Trích Đường về xứ Phật II
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Cô đơn: Có thật đáng sợ?

Tiếng Anh cũng như tiếng Việt đều có hai chữ riêng biệt để nói lên sự khác nhau của cô độc (aloneness) và cô đơn (loneliness). Cô độc có nghĩa về thể lý, chỉ trạng thái một mình, không có ai khác ở chung quanh. Cô đơn là trạng thái tinh thần, cảm thấy bị tách biệt khỏi mọi người, dù đang ở một mình hay đang có nhiều người chung quanh. Vì thế người ta thường phân biệt là người sống cô độc chưa chắc đã cảm thấy cô đơn, và ngược lại có người vẫn cảm thấy cô đơn dù không ở hoàn cảnh cô độc.

Trong cuộc sống không ai không có lúc cảm thấy cô đơn. Có rất nhiều lý do khiến một người cảm thấy cô đơn. Cô đơn khi không có ai ở bên cạnh để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, để nói những điều muốn nói, để được thông cảm hay ủi an. Cô đơn khi có một hay nhiều người bên cạnh nhưng chẳng ai hiểu mình, chẳng ai chịu lắng nghe những điều đang làm cho mình bận tâm, lo lắng, khổ sở hay buồn sầu. Cô đơn khi phải làm một công việc nhàm chán, không hứng thú. Người luôn bận rộn sẽ cảm thấy cô đơn khi không có gì để làm. Nỗi buồn bị khước từ, bị làm ngơ, bị coi thường, nhục mạ, hiểu lầm, v.v... thường làm cho một người cảm thấy rất cô đơn. Mặc cảm thua kém cũng thường làm cho một người mang tâm trạng cô đơn khi đến gần những người giỏi giang hay khá giả hơn mình. Đứng trước một thất bại ê chề, hoặc một khó khăn quá lớn không biết phải giải quyết bằng cách nào cũng khiến cho một người chợt thấy rất cô đơn. Và còn rất nhiều lý do khác...

Người mang tâm trạng cô đơn thường tìm cách chạy trốn tâm trạng này vì không dám đương đầu với nó.

Có nhiều cách để một người ứng xử với trạng thái cô đơn của mình. Có những người chạy trốn cô đơn bằng cách tìm đến chỗ đông người, đi gặp một ai đó, hoặc nhắc điện thoại lên gọi tứ tung. Mục đích là để được trực tiếp giao lưu với người khác. Cũng có người tìm cách giao lưu với người khác một cách gián tiếp, như xem ti vi, phim ảnh có nhiều diễn viên sống động, đọc một cuốn truyện có nhiều nhân vật liên hệ với nhau, hoặc nghe nhạc, đọc sách để tìm xem các nhạc sĩ, ca sĩ, hay tác giả muốn chia sẻ với mình điều gì... Ngày nay, với những kỹ thuật tân tiến, người ta không nhất thiết phải rời nhà để tìm đến chốn đông người, mà chỉ cần ngồi vào trước cái máy tính là có thể đi vào thế giới ảo của internet, vào những chat room hoặc diễn đàn là tha hồ trao đổi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với những người bạn không chân dung.

Có những giao tiếp mang tính cách ồn ào, có những giao tiếp mang vẻ tĩnh lặng, nhưng đều là giao tiếp giữa mình và một hay nhiều người khác. Nói chung, khi cảm thấy cô đơn, rất nhiều người có khuynh hướng tìm cách bấu víu vào người khác.

Trạng thái cô đơn nói lên điều gì? Trước hết ta cảm thấy cô đơn khi một mình phải đương đầu với hoàn cảnh trước mặt, và vì không đủ sức để đương đầu nên ta chỉ muốn chạy trốn ra khỏi hoàn cảnh đó, để đi tìm sự trợ giúp của đồng minh, hoặc tạm gác hoàn cảnh đó sang một bên và mong nó sẽ tự biến đi. Cô đơn nói lên trạng thái sợ hãi, và nỗi sợ hãi này tuy tiềm ẩn chứ không lộ rõ nét, nhưng nó có thể rất ghê gớm. Sợ hãi điều gì? Thưa, hình như nó rất gần với nỗi sợ hãi về sự chết. Vì theo cách nhìn bình thường. quả là không còn sự cô đơn nào tuyệt đối cho bằng sự cô đơn khi chết. Khi chết, ta hoàn toàn bị tách rời khỏi mọi người, mọi sự việc, hoàn toàn bị tách rời khỏi sự sống. Về thân xác, ta không còn hiện hữu như mọi người đang hiện hữu. Nếu tin có linh hồn, thì sự hiện hữu của linh hồn sau khi chết không còn được biết đến bởi những người đang còn sống. Ai cũng nghĩ rằng sau khi chết mình sẽ phải một mình đương đầu với "thế giới bên kia" mà ta chưa hề biết nó như thế nào. Cô đơn là thấy sự hiện hữu của mình không được người khác biết đến, đời sống của mình vẫn tiếp tục với những khó khăn nhưng không có bạn đồng hành, vì thế cảm giác cô đơn gần giống như một nhắc nhở về sự chết, mặc dù ta có ý thức được sự nhắc nhở đó hay không.

Qua những cách chạy trốn tâm trạng cô đơn nói trên, có thể nói rằng sự cô đơn khơi động bản năng sinh tồn cùng đồng loại, và dẫn ta đến sự liên kết, hoà hợp với sự sống của muôn loài. Sự kết hợp đó xác định giá trị của sư hiện hữu của mỗi người, và sự kết hợp đó làm tăng sức sống chung cho tất cả. "Hợp quần gây sức mạnh", "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"... vì khi có nhiều người tụ họp lại và nhất là cùng hướng vào một việc chung, thì năng lượng tổng hợp của 1 + 1 + 1 sẽ không phải là 3, mà là 5, 6 hoặc mấy lần nhiều hơn. Ngược lại, những người không thoát ra được và cũng không đương đầu được được với nỗi cô đơn dằng dặc của mình, có lẽ là những người đã đánh mất bản năng sinh tồn đó.

Vì cô đơn khơi dậy bản năng sinh tồn, nên người ta thường biết cách đi tìm lối thoát cho mình, và đa số thường theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Theo kiểu xếp hạng những nhu cầu của con người theo Abraham Maslow (1908-1970) thì sau những nhu cầu sinh tồn như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, công ăn việc làm... thì nhu cầu kế tiếp là được làm một phần tử của một hay nhiều tập hợp, và nói cho đúng là được chấp nhận, hoà nhập, và được yêu thương bởi những những phần tử khác trong tập hợp đó. Những tập hợp này là gia đình, những nhóm bạn hữu, những đoàn thể hoặc tổ chức khác nhau. Những tập hợp lớn hơn là các cộng đồng đạo hoặc đời. Nơi trường học, ngay từ cấp tiểu học, trẻ em cũng đã biết tìm những đưá bé khác hợp với mình để có một nhóm chơi chung vào giờ chơi, và có nhiều em nhỏ cũng đã mang tâm trạng cô đơn khi chẳng nhóm nào muốn cho em vào. Các bậc cha mẹ rất cần hỏi han và tìm hiểu xem con mình có bị khước từ nhiều lần và mang tâm trạng cô đơn hay không, để giúp em biết cách ứng xử với hoàn cảnh của mình một cách hữu hiệu.

Có những trường hợp không tìm được sự bấu víu vào người khác vì không ai cảm thông được với mình, một người có thể đi đi tìm quên chính mình trong sự nghiện ngập, và ngược lại sự nghiện ngập cũng thường đưa một người đến chỗ rất cô đơn. Không phải chỉ nghiện những chất làm cho mình nghiện như ma túy, rượu bia hoặc thuốc lá, nhưng nghiện vì tâm lý nữa, như nghiện ăn hoặc ngủ quá nhiều. Đời sống ở Mỹ mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa, gia đình ít con, cha mẹ và con cái thích chọn cho mình đời sống độc lập, nên khi con cái trưởng thành và cha mẹ đã già, mỗi người có một đời sống riêng. Cha mẹ, anh em, họ hàng ở xa nhau, hàng xóm thì chẳng mấy người quen biết nhau, nên người ta rất dễ cảm thấy cô đơn. Thêm một nỗi, các hãng sản xuất thức ăn vặt và nước ngọt ở Mỹ lại tranh nhau sản xuất và quảng cáo tối đa, nên số lượng người giải khuây bằng việc ăn uống cũng rất cao. Ngồi coi ti vi hằng giờ, cơ thể không hoạt động, trong nhà lúc nào cũng sẵn nước ngọt và những món ăn vặt vừa nhiều đường vừa nhiều chất béo. Nhiều thống kê cho thấy nhiều người béo phì cũng là những người rất cô đơn. Càng béo phì càng mặc cảm, càng cô đơn nhiều hơn. Đúng là cái vòng lẩn quẩn.

Ngược lại có những người vì cô đơn nên không còn thiết tha với bất cứ việc gì, kể cả việc ăn uống. Những người già ở cô quạnh một mình thường rơi vào tình trạng này. Ăn quá nhiều hay ăn không đủ, ngủ quá nhiều hay không ngủ được, đều là trạng thái mất quân bình, dễ đưa đến bịnh hoạn về thể xác hoặc tình thần, và cơ thể không đủ sức chống đỡ được bịnh hoạn như người bình thường. Nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, và không ít người đã chọn cái chết và tự kết liễu đời mình. Khi quá cô đơn, có lẽ rất dễ thấy rằng sự có mặt của mình trên đời này không đáng kể, còn đang sống mà không khác chi đã chết rồi, nên thà lo 'trả nợ thần chết' cho xong, còn hơn là kéo dài sự giằng co không biết đến bao giờ.

Tuy con người ai cũng sợ cô đơn, sợ bị tách rời và cô lập, nhưng cũng chính con người hay dùng sự khước từ như một thứ quyền hành để đối xử với nhau. Những tù đày (khước từ sự tự do), án tử hình (khước từ sự sống), những kỳ thị (khước từ sự bình đẳng), những ghét bỏ, khinh khi (khước từ giá trị), những thờ ơ, lãnh đạm, quay lưng và bỏ rơi (khước từ sự liên hệ vốn có)... luôn xảy ra giữa con người với con người từ ngàn xưa cho đến bây giờ.

Chúa Giêsu hơn ai hết đã hiểu rõ thảm cảnh xã hội này và Ngài luôn đứng về phía những người bị khước từ. Những người bị khước từ vì bệnh hoạn, khuyết tật, vì nghèo khổ, vì tội lỗi... đều được Ngài đón nhận, chữa lành và chở che. Người ví mình như một chủ chăn lo lắng đi tìm những con chiên lạc đàn, lẻ loi. Nhưng chính Ngài, cuối cùng lại bị khước từ bằng tất cả mọi hình thức trong suốt đêm cuối cùng.

Người Kitô hữu, khi nhận mình là môn đệ của Chuá Giêsu và muốn sống như Ngài đã sống, thiết tưởng cần biết cách ứng xử với những lúc cảm thấy cô đơn, và giúp người khác thoát khỏi trạng thái cô đơn của họ bằng những vòng tay mở rộng và đón nhận, những lắng nghe và cảm thông. Khả năng ứng xử với trạng thái cô đơn cũng nói lên mức độ trưởng thành về mặt tình cảm, trí tuệ, và tâm linh của người Kitô hữu trên bước đường theo học Chúa Giêsu.

Có nhiều cách để thấy cô đơn chẳng có gì là đáng sợ, đôi khi còn là sự cần thiết, nhất là đối với những người có một cuộc sống quá bận rộn. Có những người thay vì luôn tìm kiếm sự giao tiếp với người khác, thì ngược lại rất thích có dịp được tách rời khỏi mọi người trong một thời gian, vì họ cần sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng rất cần thiết để một người tập trung vào một việc nào đó, dù đó là việc chân tay hay trí óc. Khi đó, tuy không ai khác có mặt, nhưng công việc đang có mặt. Ta và việc, việc và ta. Và việc thường liên quan đến người khác. Việc đưa đến sự hoàn tất một sản phẩm như đồ dùng, hay một tác phẩm tinh thần như một cuốn sách, một bản nhạc, một bức tranh, một vở kịch, một hoạ đồ, một kế hoạch làm việc, v.v... Tất cả đều được sử dụng hoặc thưởng lãm bởi người khác. Những người này có thể cũng cảm thấy cô đơn lúc ban đầu khi vừa tách rời khỏi mọi người, nhưng sau đó thường đi ngay vào sự đam mê của công việc, hoà nhập với sự sáng tao của mình, và dù biết hay không biết, họ cũng đang góp phần vào sự hiện hữu và tồn tại của mạch sống. Dù biết hay không biết, họ cũng cũng góp phần vào công việc của Thượng Đế, của Đấng sáng tạo và làm chủ mạch sống của muôn loài.

Sự tĩnh lặng cũng rất cần thiết cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Trong lúc cầu nguyện chỉ có một Đấng thiêng liêng ta tìm đến và chính mình mà thôi. Ai cũng có lúc gặp những vấn nạn, những khó khăn trong cuộc sống. Những người biết có Đấng Khôn Ngoan để tìm đến vấn kế, chắc chắc sẽ nhận được sự hướng dẫn vượt hẳn sự khôn ngoan bình thường của chính mình. Và khi ta 'vấn kế' với Đấng ta tin tưởng hơn cả, Đấng vĩ đại hơn cả, thì chỉ cần Đấng ấy biết đến sự hiện hữu của ta là đủ

Thay vì cầu nguyện, một người có thể thích đi tìm sự giao tiếp với thiên nhiên, gồm vũ trụ bao la hoặc cây cỏ, súc vật... Và sẽ có những lúc họ chợt nhận ra sự hiện hữu vĩnh hằng và đầy quyền năng của Đấng đã tác tạo ra mọi sự và làm chủ tất cả những gì hiện hữu và tồn tại trong thiên nhiên. Họ cũng nhận ra sự hiện hữu của mạch sống nơi muôn loài, mạch sống đó bắt nguồn từ đâu và tồn tại ra sao.... Khi đó, họ cảm thấy được sự hiện hữu của chính mình cùng lúc với sự hiện hữu của muôn loài trong một bức tranh tổng thể, một bức tranh thể hiện được sự sống mãn liệt, một sự sống bao la và vĩnh hằng. Và tác giả của bức tranh đó chính là thương đế, là Thiên Chúa, là Đấng nơi sự sống xuất phát ra. Nếu nhận biết được sự hiện hữu của mình trong bức tranh đó, thì cũng cảm thấy sung sướng được tác giả bức tranh đó biết đến. Tuy tác giả vĩ đại và cao siêu quá, ta không đủ sức nhận ra Ngài, nhưng được Ngài biết đến và không quên "vẽ" ta trong bức tranh tuyệt hảo đó, thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn?

Một số người theo phương pháp thiền, dùng sự thinh lặng bên ngoài và thinh lặng bên trong để 'biết'. Tuy sự 'biết' này không diễn đạt được bằng ngôn ngữ, nhưng có thể mượn tạm câu nói của Descarte “tôi suy tư vậy tôi hiện hữu”, và sửa lại thành "tôi biết, vậy tôi hiện hữu". Như thế, sự hiện hữu của tôi được biết đến bởi chính tôi là đủ, dù người khác có biết hay không.

Tóm lại, sự hiện hữu của mỗi người là một điều trọng đại đối với dòng sống của muôn loài trong vũ trụ, và ý thức được sự hiện hữu của chính mình cũng là điều then chốt của từng người. Vì sự hiện hữu thật sự không nằm trong giới hạn giữa hai điểm sinh và tử, không bị giới hạn bởi xác thân, bởi không gian và thời gian. Đó là sự hiện hữu vĩnh hằng được chính Đấng Tự Hữu và Vĩnh Hằng tạo ra và được kết hợp với Đấng ấy. Như vậy không thực sự có tình trạng cô đơn hay cô độc, và cái chết chỉ là bước chuyển tiếp của sự hiện hữu vĩnh hằng. Vấn đề là ở chỗ không phải tất cả mọi người đều tự ý thức về sự hiện hữu thực sự này của chính mình, ngay cả khi thân xác còn đang sinh hoạt bình thường ngày hôm nay. Và không mấy ai luôn ý thức được sự hiện hữu vĩnh hằng của mình trong mọi lúc ...

Saturday, August 30, 2014

VIỆT NAM MÌNH CÓ PHẢI LÀ MỘT NƯỚC NGHÈO HAY KHÔNG?

Đúng! 

Không những Việt Nam là một nước nghèo mà còn rất nghèo! Nhưng sống ở trong cái xã hội mà loài người rất thực dụng này để thoát khỏi nghèo đói không phải bỗng dưng mà có được đâu. Và sẽ không có bất cứ phép lạ nào giúp chúng ta, khi thoát khỏi bàn tay đế quốc thực dân thì hầu hết người dân mới được học qua lớp bình dân học vụ, thoát khỏi nạn mù chữ, lại trở thành một cường quốc về kinh tế được đâu. 


Nhật bản, Đức họ đi lên từ đống tro tàn đổ nát nhưng nhờ vào kiến thức công nghệ vốn có từ trước đó lâu đời họ mới giàu có và phát triển nhanh như vậy được. Chẳng có nước Mỹ hay nước Miều nào giúp cho họ phát triển nhanh như vậy, nếu không muốn nói rằng thậm chí Mỹ còn ăn cắp nhiều công nghệ của họ. Còn lại hầu hết các nước khác đều phải dựa vào việc bán tài nguyên thiên nhiên để mua công nghệ và kiến thức, nước Nga cũng không ngoại lệ. 

Để ví dụ tôi lấy một số dự án ra: Bạn có biết vì sao những con đường của Việt Nam (bỏ qua giá thành) chất lượng kém như vậy không? 

Bởi vì: Làm gì cũng vậy, công nghệ là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng và giá thành. Nhưng công nghệ chẳng ai cho không chúng ta! Mà khổ cái muốn có công nghệ thì phải có tiền mà mua công nghệ rồi thì phải mua cả máy móc, nguyên vật liệu và rồi cứ thế vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi cái ách phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Hay bạn nghĩ nước ngoài họ sẽ bán máy cho chúng ta rồi họ tặng luôn cả công nghệ làm sắt thép, làm đường? 

Một ví dụ khác: Tôi biết một bác từng làm chuyên gia trong hãng VW của Đức hiện nay đã nghỉ và đang sống ở thành phố Wolfsburg, mở phòng chữa bệnh đông Y
 (http://akupunkturxxxx.de - Chưa được sự đồng ý nên tôi không dám công khai) là một trong những người đi du học ở Đức từ trước 1975. Sau khi đất nước thống nhất, bác cùng rất nhiều những du học sinh khác rất mừng và về nước từ thập niên 198x mong được góp phần xây dựng tổ quốc. Bác về trường đại học bách khoa Hà Nội cùng với công nghệ của hãng VW cho chế tạo máy. Hệ thống máy móc để giảng dậy VW sẽ cho không nhưng những máy sử dụng cho thực tế, VW sẽ bán mỗi máy giá 2,5 triệu D-Mark, một khoản tiền vô cùng lớn hồi ấy. Bạn bè của bác ở lại Việt Nam giảng dậy trong nhiều trường khác nhau. Cũng có người hàng năm đi đi về về, dậy bên Đức vài tháng rồi lại giảng ở Việt Nam vài tháng. Rêng bác phải quay về Đức vì kiến thức của bác hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ của VW nên không có máy thì bác cũng không thể nào làm việc được. Xét cho cùng thì VW họ cũng chỉ muốn bán công nghệ cho Việt Nam và từ đó sẽ khiến cho Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của họ. 

Không có tiền mà lại không muốn phụ thuộc thì phải tự làm và tất nhiên ngay cả một con người không ai bỗng chốc trở thành kỹ sư bác sĩ mà phải qua học hỏi, đào tạo nhiều năm và công nghệ cũng vậy thôi. Phải qua thực tế, phải có những công trình bị hư hỏng thì mới có những công trình tốt. Tham nhũng tất nhiên là yếu tố khiến cho nhiều dự án bị hư hại nhanh nhưng đó cũng chỉ là một mặt của vấn đề. Việt Nam làm chủ được công nghệ thì mới có cơ hội thoát nghèo!

Khai Phùng

Lựa chọn cuộc sống

'Bố thật ngốc khi hút thuốc. Khi con 20 tuổi, bố sẽ chết mất thôi' - Cole cao giọng có vẻ tức giận.

Tôi đã bỏ ra gần 20 năm trong cuộc đời mình chỉ để suy đi nghĩ lại hai việc: tiếp tục hút thuốc hay cố gắng từ bỏ thói quen này. Đấy là một cái vòng lẩn quẩn mà tôi không tài nào thoát khỏi được.

Khi cưới Cassie cách đây 10 năm, tôi vò nát gói thuốc và thề rằng sẽ không bao giờ hút nữa. Khi chúng tôi mua căn nhà đầu tiên cách đây 8 năm, tôi lặp lại lời thề bằng cách vứt bao thuốc xuống đất, lấy gót giày đạp nát mới thôi.

Khi con trai tôi - Cole - chào đời cách đây 5 năm, tôi đã thẳng tay vứt những điếu thuốc vào thùng rác. Rồi khi con gái Olivia được sinh ra 3 năm sau đó, lại thêm một gói thuốc nữa bị quẳng đi không thương tiếc.

Thậm chí tôi đã bắt đầu luyện tập thể dục một cách say mê. Tôi nâng tạ, rồi chạy bộ 5 ngày trong tuần bất kể mưa nắng. Tôi giảm được 18kg và các cơ bắp trở nên rắn chắc hơn nhưng tôi vẫn không bỏ thuốc được.

Hút thuốc trở thành một thói quen khó bỏ, nó tàn phá dần trí tuệ của bạn. Lẽ đương nhiên, bạn vẫn biết rằng hút thuốc sẽ gây ra những hậu quả chết người nhưng cơ thể bạn vẫn luôn thúc giục được thỏa mãn cơn thèm khát chất nicotine đó. Vì vậy tôi vẫn tiếp tục hút thuốc để cuộc sống từ từ vuột khỏi tay tôi mà không hề hay biết.

Một ngày nọ, ý chí mà bấy lâu nay tôi không có được chợt trỗi dậy mạnh mẽ, nó đến từ một nơi mà tôi không ngờ đến: đó là tâm hồn chưa hề bị vẩn đục của con trai tôi.

Khi Cassie chở Cole từ trường mẫu giáo về nhà, ngang qua một nghĩa trang, cậu nhóc chợt hỏi mẹ: “Có gì ở dưới những tấm bia kia thế hả mẹ?”. Vợ tôi cân nhắc trước câu hỏi ấy một lúc, cố suy nghĩ để tìm câu trả lời thật nhẹ nhàng. Sau cùng, khi nhận thấy rằng chẳng có câu trả lời nào đủ tế nhị, cô ấy buộc phải nói rõ: “Người chết con ạ”.

- Thế bố cũng sẽ nằm đó bởi vì bố hay hút thuốc có phải không ạ? - thằng bé hỏi lại.
- Mẹ hy vọng là không - Cassie trả lời.
- Bố không nên hút thuốc - Cole cao giọng có vẻ tức giận. Nó co chân đá phình phịch vào thành ghế phía trước - Bố thật ngốc khi hút thuốc. Khi con 20 tuổi, bố sẽ chết mất thôi.

Cassie lặng im hồi lâu, sững sờ trước trực giác nhạy bén của Cole. Ngay sau đó, thằng bé tỏ ra điềm tĩnh trở lại, cũng nhanh như lúc nó đột ngột nổi giận: “Con hy vọng sau khi bố chết, bố sẽ biến thành một con ma và quay về trò chuyện cùng con, giống như Obi-Wan Kenobi đã làm với Luke Skywalker trong phim 'Chiến tranh giữa các vì sao' vậy”.

Chiều hôm ấy, khi tôi đi làm về, Cassie đã thuật lại câu chuyện đó cho tôi nghe. Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Nó xem như anh đã chết, Will à. Nó tự nghĩ ra điều đó, và thừa nhận sự thật rằng một ngày nào đó anh sẽ không còn bên nó nữa. Và nếu nó chỉ có thể nhìn thấy anh dưới hình dạng của một con ma thì nó vẫn chấp nhận điều đó”.

Mặc dù những điều Cole nói tôi đều đã biết cả rồi, nhưng những lời lẽ chân thật và ngây thơ chỉ có trẻ con mới nghĩ ra ấy đã khiến tôi nhìn nhận lại một sự thật không thể nào tránh khỏi. Hút thuốc có thể kết thúc cuộc sống của một người, và khi tôi nằm dưới tấm bia mộ kia, cuộc sống này vẫn sẽ tiếp diễn mà không có tôi. Nếu tôi đã không thể gạt được đứa con trai 5 tuổi của mình thì tại sao tôi lại cố tiếp tục lừa dối mình như thế này?

Tối hôm đó, tôi thấy Cole đang nằm trên chiếc ghế trường kỷ trong phòng sinh hoạt gia đình, cu cậu đang xem phim quái vật. Tôi khẽ gọi con: “Cole à, bố đã suy nghĩ về những gì con đã nói với mẹ lúc chiều. Bố sẽ bỏ thuốc, nhưng bố cần con giúp một tay, bỏ thuốc một mình khó lắm con ạ”.

Từng giây trôi qua, thằng bé đang suy tính kế hoạch của mình. Đôi môi của cu cậu mím chặt, một dấu hiệu cho biết chắc là thằng bé đang suy nghĩ nhiều lắm. Cuối cùng, nó nói: “Được rồi, chúng ta sẽ làm thế này bố nhé, mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, con sẽ nhắc bố đừng hút thuốc”.

- Con chắc chứ? - tôi hỏi.
- Vâng ạ.
- Con hứa chứ?
- Đương nhiên rồi ạ.
- Chà, kế hoạch hay đấy.

Và, nhờ trời, kế hoạch của bố con tôi đã thực hiện được. Cứ mỗi khi tôi thấy thèm hút thuốc, tôi đều cố gạt bỏ cảm giác thèm muốn đó bằng cách nghĩ tới những ngôi mộ, về Obi-Wan Kenobi và về một cậu nhóc đã cố hết sức để giúp ông bố của nó thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc. Những suy nghĩ ấy cũng giống một liều thuốc tâm linh, nó có khả năng chữa chứng nghiện nicotine của tôi rất hiệu quả.

Giờ đây, tôi hoàn toàn không đụng đến một điếu thuốc nào nữa. Thật sự thì tôi cũng có nhớ cái chất gây nghiện ấy, nhưng tôi đã lựa chọn một cuộc sống khác cho mình. Xét kỹ ra thì bọn trẻ cần có tôi dù có vẻ như không nhiều bằng tôi cần có chúng.

"Không có gì trong cuộc sống có sức tàn phá âm thầm như thói quen" - Gertrude Atherton

Tác giả William Wagner
Haley dịch
Xem thêm: Uống rượu làm hại mình

Thiên đàng và Địa ngục

Có một người được đi tham quan THIÊN ÐÀNG VÀ ÐỊA NGỤC. Trước tiên anh ta tới ÐỊA NGỤC của vua Diêm Vương. Ở đó anh ta nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng: Trước mắt mọi người có rất nhiều món ăn ngon, nhưng không một ai ăn được. Cho dù họ ngồi bên bàn rượu, nhưng người nào cũng chỉ da bọc xương, mặt mày ủ rũ. Anh ta lại phát hiện thấy cánh tay phải mỗi người buộc một cái nĩa, cánh tay trái buộc một con dao, chuôi dao và nĩa dài 2 mét làm cho họ không thể nào ăn được, vì vậy mà ai cũng bị đói.

Tiếp đó anh ta được đưa tới THIÊN ÐÀNG cảnh tượng ở đây cũng chẳng có gì khác, chuôi dao và nĩa cũng dài 2 mét nhưng những cư dân ở THIÊN ÐÀNG đều ca hát, nói cười vui vẻ.

Anh ta nghi hoặc nhưng cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời. Ðó là ở ÐỊA NGỤC mọi người đều muốn gắp cho mình nhưng vì chuôi dao và chuôi nĩa quá dài, mỗi khi muốn đưa thức ăn vào miệng mình thì chuôi dao hay chuôi nĩa đụng người ngồi cạnh, vì thế mà không ai ăn được; còn ở THIÊN ÐÀNG thì mỗi người đều gắpđưa thức ăn cho người đối diện với mình và cũng được người đối diện gắp lại, vì mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau nên ai nấy đều có thể ăn uống đầy đủ và rất vui vẻ ”.

Câu chuyện đơn giản, do một người có trí đã khéo diễn tả cuộc sống của con người trên hành tinh này chứ không phải ở địa ngục hay thiên đàng xa lạ. Ở hành tinh này, con người do lòng ích kỷ nhỏ hẹp chỉ biết lợi cho mình còn ai thì mặc kệ, vì thế nên con người sống trong cảnh khổ đau mà không biết; họ thường tưởng khổ đau từ đâu đến, nhưng không ngờ khổ đau là do lòng ích kỷ nhỏ hẹp của con người. Nếu con người biết thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau thì cuộc sống trên hành tinh sẽ là cảnh thế giới Thiên Ðàng.

Do câu chuyện này chúng ta cũng cần phải xác minh để làm sáng tỏ Thiên Ðàng và Ðịa Ngục. Thiên Ðàng và Ðịa Ngục không phải là cảnh giới siêu hình mà từ xưa đến nay người ta thường tưởng tượng. Thiên Ðàng và Ðịa Ngục không phải ở đâu xa mà ở ngay nơi tâm niệm của con người. Một tâm niệm khởi lên giận hờn, thù oán, ganh ghét, tỵ hiềm, v.v… thì đó là Ðịa Ngục. Nhưng có những tâm niệm khởi lên thương yêu, tha thứ, giúp đỡ, an ủi, v.v... thì đó là Thiên Ðàng. Cho nên THIÊN ÐÀNG hay ÐỊA NGỤC chỉ là cuộc sống thiết thực của con người, nơi tâm con người ở trên thế gian này.

Câu chuyện Thiên Ðàng và Ðịa Ngục ở đây đã nói lên được LÒNG YÊU THƯƠNG của con người đối với con người.

Một lần nữa chúng tôi xác định: nhờ con người có Lòng Yêu Thương mà cuộc sống thế gian này mới có cảnh giới Thiên Ðàng, nếu con người thiếu Lòng Yêu Thương thì cuộc sống thế gian này là Ðịa Ngục. Cho nên Thiên Ðàng tự nơi cuộc sống của con người, chớ không có cõi Thiên Ðàng siêu hình ở trên các tầng trời, thiếu Lòng Yêu Thương là Ðịa Ngục. Ðịa Ngục không phải ở trong lòng đất của chúng ta.

Câu chuyện tuy chẳng có gì cao siêu vĩ đại nhưng nó nói lên được một sự sống đầy Lòng Yêu Thương của con người đối với con người rất là thấm thía làm sao!

Chỉ Lòng Yêu Thương vì mọi người, thì mới đem lại sự bình an, yên vui cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật. Cho nên Lòng Yêu Thương có mặt ở đâu thì hạnh phúc của muôn loài sẽ có ở đó. Vì thế chúng ta hãy tập sống với Lòng Yêu Thương đối với mọi người, mọi loài vật và cỏ cây, đất đá núi sông trên hành tinh này.

Chỉ có Lòng Yêu Thương mới bảo vệ sự sống của hành tinh. Nếu Lòng Yêu Thương không có thì hành tinh này chắc chắn một ngày nào đó sẽ bị hoại diệt. Quý vị có tin lời nói này không? Dù khoa học có tiến bộ đến đâu, nhưng con người không có Lòng Yêu Thương mà cứ giết hại và ăn thịt các loài vật khác như trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, cá, tôm, v.v... thì hành tinh này không còn cách nào bảo vệ nó được.

Chỉ trừ khi con người sống trong thiện pháp không giết hại và ăn thịt các loài động vật khác nữa thì chúng ta mới có hy vọng bảo vệ hành tinh này. Còn ngược lại chúng ta cứ sống trong hành động ác, giết hại và ăn thịt các loài động vật, thì từ những hành động ác giết hại và ăn thịt các loài động vật, nó sẽ phóng xuất ra những từ trường nghiệp ác của loài người. Những từ trường nghiệp ác này sẽ phủ trùm khắp hành tinh này thì quả địa cầu sẽ dần nóng lên và đi đến hoại diệt dễ dàng. Chừng đó chúng ta có muốn bảo vệ quả địa cầu cũng không bảo vệ được. Lúc bấy giờ chúng ta muốn sống cũng không sống được, vì quả địa cầu sẽ nổ tung và tan tành.

Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta hãy sống thiện, lúc nào cũng khởi Lòng Yêu Thương đến với tất cả muôn loài dù động vật hay thực vật chúng ta cũng YÊU THƯƠNG.

Chính nhờ Lòng Yêu Thươngấy mà chúng ta mới bảo vệ hành tinh sống của chúng ta. Hành tinh sống mà không có Lòng Yêu Thương thì gọi là hành tinh chết, chớ không thể nào gọi là hành tinh sống được. Hành tinh sống có nghĩa là trên hành tinh có muôn vạn sự sống, nếu hành tinh chúng ta đang sống mà không có loài vật nào sống thì hành tinh chúng ta gọi là hành tinh chết. Có phải vậy không xin thưa cùng quý vị?

Cho nên quả địa cầu của chúng ta được gọi là hành tinh sống là vì có muôn loài vật đang sống trong đó với Lòng Yêu Thương nhau.

Nếu Lòng Yêu Thương ấy đối với muôn loài vạn vật khô cằn thì hành tinh sắp sửa hoại diệt. Chúng ta nên để ý điều này.

Vì muốn bảo vệ hành tinh sống của chúng ta mãi mãi trường tồn thì không có phương pháp nào tốt hơn là LÒNG YÊU THƯƠNG. Phải không quý vị?

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Nguồn: Sách: Lòng Yêu Thương - Tập 2
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Friday, August 29, 2014

BÍ ẨN LĂNG MỘ VÕ TẮC THIÊN

Những bí ẩn kinh ngạc trong lăng mộ Võ Tắc Thiên

 (VTC News) - Giáo sư Lưu cho rằng, chỉ tính riêng địa cung, nơi đặt quan tài của Càn Lăng, có tới 800 tấn châu báu, của cải.
   Lịch sử Trung Quốc có tới 231 vị hoàng đế, tuy nhiên, chỉ có một nữ hoàng, chấp chính như hoàng đế, đó là Võ Tắc Thiên. Vị nữ hoàng này gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc.
   Võ Tắc Thiên cùng chồng, là hoàng đế Đường Cao Tông được táng trong Càn Lăng, ở tỉnh Thiểm Tây, thuộc tây bắc Trung Quốc.
   Võ Tắc Thiên (624-705) tên thật là Võ Chiếu, vốn là tì thiếp của hoàng đế Đường Thái Tông. Đường Thái Tông qua đời, bà trở thành phi tần của Đường Cao Tông, tức con của Đường Thái Tông. Sủng ái vợ, vị vua này đã đưa bà lên làm hoàng hậu.


                                                              Lăng mộ Võ Tắc Thiên

 Chồng qua đời, bà nắm quyền bính. Tuy đương thời chỉ trích việc làm vợ của cả bố lẫn con, lại hoang dâm vô độ, nhưng bà thực sự là người tài. Bà biết sử dụng nhân tài, khiến đất nước Trung Hoa thịnh trị trong suốt 16 năm cầm quyền của bà.
   Càn Long hiện là một trong số ít lăng mộ còn nguyên vẹn. Càn Long nằm ở núi Lương Sơn. Nhìn từ xa, lăng mộ khổng lồ gồm dải núi như người đàn bà nằm ngủ.
Càn Lăng được xây dựng suốt 30 năm, bắt đầu từ năm 638. Đường vào Càn Lăng được bố trí bởi 103 tượng đá, trong đó có 61 tượng biểu trưng cho các bộ tộc khác nhau của Trung Hoa. Điều đáng chú ý là 61 tượng các bộ tộc đều mất đầu bởi những nhát chém.
   Hiện chưa có sự lý giải cho việc này. Nhiều khả năng do thế hệ sau phá hủy những tượng đá này. Còn nguyên nhân vì sao lại chỉ chặt đầu thì chưa rõ.


                                                      Tấm bia mộ khổng lồ không có chữ

 Gây tranh cãi nhất là tấm bia khổng lồ, cao tới 7,5m, nặng gần 100 tấn, không có chữ nào, gọi là vô tự. Trong khi ở phía tây, tấm bia trước lăng mộ Đường Cao Tông thì có những dòng chữ chói vàng óng ánh ca ngợi công đức.
   Bia mộ Võ Tắc Thiên chỉ có 8 đầu rồng quấn vào nhau. Hai bên thân bia khắc hai con đường. Trên con đường khắc một con tuấn mã và một con sư tử.
   Có nhiều lý giải cho hiện tượng này. Một trường phái cho rằng, công đức của bà lớn quá, không thể dùng lời tả được. Trường phái khác nêu rằng, đó là ý tưởng của bà, để đời sau tự đánh giá. Cũng lại có ý kiến khẳng định, khi bà chết đi, đã không thống nhất được việc khắc bia tự, bởi có nhiều tranh cãi về công và tội. Chính vì thế, quần thần đã để bia trơn.


                                                                  Cổng vào lăng mộ

Theo lẽ thường, sợ đời sau phá mộ, hoặc trộm cắp, nên các vua chúa thường đặt mộ ở nơi kín đáo. Những ngôi mộ lộ thiên đều đã bị trộm xâm phạm. Tuy nhiên, 1.300 năm qua, Càn Lăng vẫn vững chãi, thách đố bọn trộm.
   Tháng 7-1971, phi thuyền Apollo của Mỹ khi bay vào quỹ đạo mặt trăng đã chụp được những đốm đen ở cao nguyên Vị Bắc. Có tới 20 điểm mà vệ tinh Mỹ chụp được, nghi vấn là cơ sở bí mật sản xuất bom nguyên tử.
   Tuy nhiên, năm 1981, khi thực địa, các nhà khoa học mới xác định đó là những ngôi mộ thời Hán – Đường. Đốm đen rõ nhất chính là Càn Lăng. Việc những ngôi mộ thể hiện đốm đen đã đặt ra nghi vấn, rằng trong những ngôi mộ này có rất nhiều châu báu, hoặc chứa đầy thủy ngân.
   Năm 1060, người dân đã đào bới, xâm nhập vào một đoạn đường hầm dẫn vào lăng mộ.



                                                          Những bức tượng bị chặt đầu

Các phiến đá được kết dính với nhau bằng cách thức vô cùng kỳ lạ, thách đố các nhà khoa học, vật lý, kiến trúc đương thời. Qua phân tích, thì thấy thứ kết dính các khối đá khổng lồ là… thép nung chảy. Thứ vật liệu kết dính kỳ lạ này khiến công trình cực kỳ bền vững, thách thức thời gian.
   Người có kiến thức vật lý thông thường cũng biết rằng, dung dịch thép nung chảy ở nhiệt độ 1000 độ C, tiếp xúc với đá, sẽ khiến đá nứt vỡ, chứ không thể kết dính được.
   Vì Càn Lăng chưa được khai quật, nên có vô số đồn đoán về nó. Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược tin rằng, chắc chắn trong lăng mộ sẽ có hàng vạn thư tịch, danh họa. Theo ông, không chừng sẽ tìm được 100 quyển Thùy Củng Tập và 10 cuốn Kim Luân Tập đã thất lạc của Võ Tắc Thiên, chỉ nghe tên, chưa ai được thấy.
   Theo sử sách, Đường Cao Tông là người rất yêu thích hội họa. Trước khi chết, ông yêu cầu đưa tất cả những bức họa ông thích vào Càn Lăng. Như vậy, có thể có một kho hội họa khổng lồ trong mộ.
   Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, trong số 20 lăng mộ Hán – Đường ở đây, thì duy nhất Càn Lăng chưa bị đột nhập, vì nó quá kiên cố.



   Sử sách chép rõ, lăng mộ được xây dựng bởi 2,3 triệu mét khối đất đá. Lăng có 2 vòng thành bao bọc. Vòng thành trong dài 5km. Lăng mộ có tới 387 phòng lộng lẫy, gồm Hiến điện, Khuyết lâu, Vương tân điện, từ đường của 61 công thần, hạ cung.
   Vòng thành ngoài dài tới 80km. Xét về mức độ vĩ đại, những kim tự tháp ở Ai Cập có lẽ cũng khó có thể so sánh với Càn Lăng.
   Lăng chính có 4 cửa, bố trí đường tư mã, trụ hoa biểu, tượng ngựa, lạc đà, sư tử, bia ký, trụ khắc đá... đều to lớn khác thường.
   Con đường từ đầu cổng lăng đi vào cửa mộ dài 631m, lát đá xanh khổng lồ. Cửa vào chốt sắt khóa cố định. Khe hở được trám bằng sắt nung chảy, nên trộm không thể công phá được.
   Có vô số lời đồn liên quan đến lăng mộ này. Người ta tin rằng, hễ động đến lăng mộ là giông bão nổi lên, sét đánh dữ dội. Sử sách ghi lại vô số lần xâm phạm lăng mộ đều chết bất đắc kỳ tử.
   Lịch sử thống kê được tới 17 lần ngôi mộ bị xâm phạm với quy mô lớn, còn những vụ đào trộm quy mô nhỏ thì thời nào cũng có.
   Cuối đời Đường, lãnh tụ nông dân Hoàng Sào khởi nghĩa, đã huy động tới 40 vạn dân binh đào bới, hy vọng lấy được của cải nhưng không thành công, để lại những hố sâu tới 40 mét vào lòng núi.
   Đời Ngũ Đại, thứ sử Diệu Châu là Ôn Đạo, một vị quan lớn, đã huy động binh sĩ đào hơn 10 lăng mộ nhà Đường, thu được cả núi châu báu, giàu có không kể xiết.
   Có được nhiều cháu báu, ông ta huy động tới 2 vạn người quyết tâm khai quật Càn Lăng. Tuy nhiên, quá trình đào bới rất nhọc công, nhiều người chết, bệnh, mưa gió vần vũ, sét đánh suốt ngày, nên phải dừng lại.
   Thời Quốc dân đảng, tướng Tôn Liên Trọng đã huy động một binh đoàn với thuốc nổ, phá 3 tầng nham thạch vào trong núi, song vẫn không thành công.
   Điều gây tò mò nhất là trong lăng Càn Long sẽ có bao nhiêu của cải? Giáo sư Lưu Hậu Tân cho rằng, trong lăng Càn Long, số lượng của cải nhiều… không kể xiết.
   Triều Đường phát triển cực thịnh, các đấng quân vương sinh hoạt thoải mái, xa xỉ hơn đời Tần, Hán rất nhiều. Vì thế, trong các lăng mộ hoàng đế, số của cải táng theo cũng nhiều hơn, quý hơn.
   Giáo sư Lưu cho rằng, chỉ tính riêng địa cung, nơi đặt quan tài của Càn Lăng, có thể tích 5.000 mét khối, thì phải có tới 800 tấn châu báu, của cải.
   Vì Càn Lăng khổng lồ hiển hiện trước mắt, thu hút hàng triệu khách tham quan, lại chưa bị khai quật, nên Càn Lăng được coi là lăng mộ bí ẩn nhất Trung Hoa cho đến hiện tại.

Xây dựng phẩm chất chủ nhân ông để sống trong nước nhà

“Không đâu bằng nhà mình” đó là phương ngôn chung của toàn thế giới. Người ta đi đâu rồi cũng mong được trở về nhà. Về nhà làm cho người ta thấy thoải mái nhất, vì ở đó người ta được làm chủ nhà, được làm tất cả những gì mình thích mà không phải giữ ý gì cả. Thế cũng có nghĩa ở nhà mình người ta được tự do nhất. Người Anh ghép chữ Home là nhà với chữ Land là đất để thành chữ Homeland – có nghĩa là quê hương hay tổ quốc. Người Việt không khác mấy khi dùng các chữ “Nhà” ghép với Nước, thành “Nước nhà” hay “Quê nhà” – là tổ quốc quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Khi không có độc lập thì nước mất nhà tan, con người ta phải sống kiếp nô lệ. Nhưng khi có độc lập rồi, liệu tất cả nhân dân sẽ thành “ông chủ” tự do? Không đúng! Độc lập ở mỗi quốc gia, cũng như các gia đình mới chỉ là rào giậu. Nhưng để có một phẩm chất ông chủ ngay trong mái nhà mình thì người ta phải rèn luyện. Tóm lại: tình trạng độc lập rào giậu của đất đai chưa bao giờ là phẩm chất tự tại tự do kiêu hãnh của ông chủ. Để dễ hiểu chúng ta hãy so, nhà của người tự do, và nhà của nô lệ, hai chủ đều có nhà. Nhưng nhà người tự do sống ung dung tự tại, còn nhà nô lệ lúc nào họ cũng cóm róm xun xoe. Trước kia trong khu tập thể của chúng tôi, có một nhà, khi đang ăn cơm, nếu có khách vào, người vợ liền úp đĩa rau lên đĩa thịt, để che đậy sự ăn tươi của mình, thế có là nô lệ không?! Mở rộng ra phạm vi quốc gia, Trung Quốc một cường quốc về dân số kia, vậy mà vào thời cách mạng văn hóa người ta không dám mặc áo mới, nếu có áo mới vẫn phải vá một cái mụn vải chồng lên, vậy có phải dù đã độc lập nhưng vẫn sống trong tâm cảm nơm nớp làm nô lệ.

Người phương Tây giáo dục rất kỹ lưỡng từ cách ăn, nết uống, cách đi, cách ngồi để làm sao người ta được làm ông chủ ngay trong nhà mình và tổ quốc mình. Mặc cảm nô lệ không chỉ có ở các dân tộc yếu mà có mặt ở khắp mọi quốc gia. Dân tộc La Mã dù có phương ngôn “Mọi con đường đều dẫn đến kinh thành La Mã”, nhưng người ta vẫn lo mình chỉ là cơ bắp đi chinh phục Hy Lạp và mô phỏng đến tận lỗ chân lông nền văn minh Hy Lạp. Tất cả những vị thần Hy lạp đều bị biến thành các vị thần La Mã chỉ bằng cách đổi tên gọi. Và Hoàng đế Neron đã sợ mặc cảm cơ bắp đến mức đốt cả kinh thành La mã ôm đàn vờ vịt làm thơ để mong mót chút dư vị văn hóa của thi nhân. Người Pháp cũng mặc cảm không kém, trong suốt 10 thế kỷ họ cố vùng vẫy ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Latin mà không được. Người Anh còn khổ sở hơn khi bị Quận công William của Pháp xâm lược và áp chế lên họ một nền văn hóa Normandi, thậm chí còn coi thường họ như súc vật với câu “con chó Do thái, con lợn Xắc Xông”. Nước Mỹ cùng đã từng khốn đốn trong vai thuộc địa dưới sự bảo mẫu của Vương quốc Anh, và nhân dân Mỹ đã phải vùng lên. Còn nước Đức có nhiều triết gia và nhà khoa học nổi tiếng như vậy đã từng trở thành nguyên nhân gây chiến trong cả hai cuộc đại chiến thế giới vì mắc phải mặc cảm lép vế của dân tộc Phổ… Thánh Gandhi đã qui tập nhân dân Ấn Độ đòi độc lập, và ông tuyên ngôn “Độc lập dân tộc không quan trọng bằng có đủ phẩm chất để sống trong nền độc lập”. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn thì viết cuốn “Chủ nghĩa Tam Dân” để dạy dân Trung Quốc có phẩm chất ông chủ để ở ngay trong nhà mình. Ông còn dạy cả cách đánh răng – gọi là vệ sinh răng miệng, cả cách nhổ bọt của người Trung Hoa bạ đâu nhổ đấy…

Phẩm chất ông chủ được các chuyên gia tư sản hết sức đề cao, họ thách thức rằng: “Các nước nô lệ dù có được trả tự do nhưng vẫn chỉ là vô trật tự, hỗn loạn, đổ nát và diệt vong”. Và họ đã đưa ánh mắt của quan điểm đó thách thức các nước như Cu Ba, Triều Tiên và không ngoại trừ cả Việt Nam… và thấy: dù được độc lập, nhưng các nước này vẫn giữ thói quen phong kiến cha truyền con nối hay nhóm lợi ích vô cùng lạc hậu. Chính thức họ xếp: Ấn Độ là văn phòng của thế giới. Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Còn Việt Nam là nhà bếp của thế giới.

Có câu “tri túc bất nhục, tri sỉ bất đãi”, nghĩa là: hiểu biết thì không bị nhục, biết tự sỉ thì không bị ngược đãi. Người Việt chúng ta nên thấy mình trước khi để người khác thấy mình. Một cách chính thức, nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ở Việt Nam đang ở mức dẫn đầu châu Á. Trong khi đó giá phụ nữ Việt Nam là rẻ nhất. Người Việt bị nhốt như nô lệ trong các trại trồng cần sa bằng đèn ở châu Âu, và các xưởng may mặc ở Nga. Người Việt không chỉ bị xua đuổi bằng thái độ mà còn bằng khẩu hiệu nhắm vào mình như “chớ ăn cắp sẽ bị phạt nặng”, “đừng ăn lãng phí, ăn cái gì lấy đủ”… Ngay tại Sapa mới đây mấy anh bạn kể, một nhà khách có chủ Tây quản lý đã không nhận mấy người này ở trọ. Thậm chí có một nhà hàng ven biển ở ngay Việt Nam còn từ chối cả đồng hương luôn. Tại sao? Vì người ta thấy người Việt nhiều thói xấu quá, ồn ào, ném rác khắp nơi, gây phiền hà, không bõ khoản tiền thu được, thậm chí còn lỗ vốn nhiều… Cái cảnh người Việt xô nhau vào đền thờ mua ấn, rồi còn mua bán ấn như phe vé, trong đó không chỉ có dân thường mà có rất nhiều quan to mặt lớn, càng thấy rõ hơn tính cách buôn thần bán thánh, hám chức quyền, mặc cảm kẻ dưới của người Việt lớn mức nào?

Vậy thì thế nào là óc nô lệ? Trung Quốc có phương ngôn “Quân tử hòa nhi  bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” , có nghĩa: Quân tử hòa với mọi người mà bất đồng về chính kiến, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa … Ông chủ là người trên, nô lệ là kẻ dưới, nhìn cái thấy ngay. Nhưng đây là một đề tài lớn, chúng ta nên bàn về nó một cách xác tín nhất:

1-  Danh dự là cái đầu tiên phân biệt Ông chủ và nô lệ. Cho đến nay để bình bầu, có lẽ triết gia Hegel vẫn là triết gia bàn về đề tài ông chủ và nô lệ một cách đồ sộ và đầy đủ bậc nhất. Ông viết: người trọng danh dự hơn thì luôn sẵn sàng chết cho danh dự, người ấy luôn luôn làm chủ. Người lo giữ mạng sống của mình hơn sẽ sợ hãi nhường bước mà thụt lùi xuống làm nô lệ.

2-  Có danh ông chủ luôn luôn là trách nhiệm. Ông chủ nghĩa là “có cứng mới đứng đầu gió”, như Kinh Phúc Âm nói “kẻ được cho nhiều sẽ bị đòi lại nhiều”, kẻ trên uy quyền bổng lộc hơn thì phải mang nhiều trách nhiệm hơn kẻ dưới. Theo đó việc ẩn danh và nặc danh để viết luôn luôn kề cận việc của kẻ dưới. Ngay cả trong kháng chiến, người ta phải ẩn danh, cũng vì lúc đó đang là kẻ “bên lề”, và chắc chắn là kẻ yếu lo bị bắt. Đức dũng cảm cũng là đức đầu tiên để làm ông chủ, và ngược lại.

3-  Nô lệ là những người không có chính kiến và hay vào hùa. Theo câu “tiểu nhân đồng nhi bất hòa”, thấy rằng tiểu nhân không có chính kiến gì để bất đồng, dẫu vậy lại luôn bất hòa với nhau. Cãi lộn khắp nơi, a dua, cạnh tranh, vào hùa, ẩu đả nhưng không biết vì cái gì cả, bởi vì họ rất giống nhau.

4-  Kẻ dưới hay mày tao chí tớ. Ông chủ xưng hô tôn trọng người khác, đó cũng chính là cách tôn trọng chính mình. Còn kẻ hèn mặc cảm hạ thấp người khác bằng cách mày tao chí tớ.

5-  Không muốn chấp nhận ai. Kẻ dưới vì mặc cảm tự ti nên không muốn thấy ai cao hơn mình. Có những lời bình thế này, “bọn Tây đã là gì”, “BBC, RFA, … tất cả đã là gì? Không hiểu người này trình độ đến đâu mà cái gì cũng chê tuốt. Một người như vậy không biết sẽ có bao nhiêu can đảm đứng trước gió nêu tên mình lên để thiên hạ nhìn loáng một cái từ đầu đến chân toàn bộ giá trị của anh ta?!

6-  Tiểu nhân đắc chí. Theo các số liệu, giáo dục Việt Nam tụt hậu rất nhiều bậc trong khu vực. Ở các nước học đại học chỉ là đại trà, còn ở nước ta đại học là thứ khoe mẽ tự hào. Rồi nạn mua bằng cấp giả làm giáo sư, tiến sĩ cũng được dùng để khoe mẽ. Làm được mấy bài thơ vụn, thời gian đầu tư một lúc một nhát vậy mà đã ôm mộng đề cử giải Nobel. Chúng ta nên chắc chắn với nhau, tất cả những người vĩ đại trên đời đều phải chứng tỏ được mình là kiến trúc sư của những công trình lớn. Có thế người ta mới gọi là “vĩ đại”. Cảm xúc tức thời chốc lát dù có đẹp đến đâu, bài ngắn tũn một trang giấy, làm sao có được tính kiến trúc của tác phẩm mà cứ ôm hy vọng hão huyền?

Văn hào Stendhal có nói một câu: “Bọn người ở chế giễu ông chủ ở dưới nhà bếp, nhưng lại bắt chước ông chủ ở ngoài cuộc đời”. Làm ông chủ khó lắm vì phải trọng danh dự đắt như mạng sống, lại còn phải chịu trách nhiệm về danh dự của mình. Làm nô tì dễ lắm vì đâu có phải chịu trách nhiệm lớn về danh dự. Làm ra chiếc phi cơ thì khó, nhưng để phá nó chỉ cần ném một nắm cát. Vì thế để trở thành ông chủ xứng đáng ngay trong mái nhà mình, cũng như quê hương mình, chúng ta nên có thái độ xây dựng nhiều hơn là đi “ném cát”, muốn “ném cát” thì phải đưa ra bằng chứng. Làm ông chủ tức là cách đầy tớ một ranh giới rất lớn, muốn được vậy thì chúng ta phải rèn luyện và xây dựng, chứ không thể cứ sống tự nhiên theo cảm xúc bản năng mà có được.

Nguyễn Hoàng Đức

Thursday, August 28, 2014

Có cõi trời không?

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trời có phải là một trong sáu nẻo luân hồi, nếu làm thiện tương xứng sẽ sanh ở đó. Trong kinh có nói 18 tầng trời hoặc 36 cõi trời. Xin Thầy chỉ cho con rõ?

Đáp: Sáu nẻo luân hồi chỉ là một sự diễn biến nhân quả nghiệp báo, do con người và chúng sanh vì vô minh tạo ra mà phải gánh chịu.

Mười tám tầng trời chỉ cho 18 trạng thái thiện.

Ba mươi sáu cõi trời chỉ cho ba mươi sáu pháp thiện.

Ví dụ: Thầy nhập Sơ Thiền tức là Thầy đã ở cõi Sơ Thiền Thiên, nhập Không vô biên xứ tưởng tức là Thầy đã ở cõi Không vô biên xứ Thiên, nhập nhẫn nhục tức là Thầy đã ở cõi Đâu suất Thiên... Như vậy có phải đợi chết rồi mới sanh về đó đâu? Chỉ cần thực hiện diệt một ác pháp, tăng trưởng một thiện pháp là sanh vào cõi trời đó ngay liền, nhưng con phải hiểu thiện pháp có rất nhiều, nên có 33 cõi thiện pháp mà trong kinh gọi là 33 cõi trời, 33 cõi trời tức là 33 trạng thái thiện pháp.

Đó là một trạng thái giải thoát của tâm, khi tâm đã đạt mức độ thiện ở đó, thì tương xứng với cảnh giới Thiện ở đó. Có hiểu được như vậy mới hiểu được đạo Phật.

Dù cho có các cõi Trời thật sự đi nữa mà tâm chẳng thiện thì cũng chẳng có ích lợi gì cho chúng ta, phải không hỡi con?

Dù cho không có các cõi Trời đi nữa, mà tâm chúng ta sống trong thiện pháp thì tâm chúng ta cũng được an vui, hạnh phúc như thường. Và như vậy, không phải sống trong cõi Trời sao? Chứ đâu phải chết mới được sanh về đó. Chết được sanh về cõi trời đó là một ảo tưởng, một giấc mộng mơ hồ của những người thiếu óc thực tế khoa học, vô minh không sáng suốt bị các tôn giáo lừa đảo.

Sống đang ở trong cõi Trời thì chết về đâu các con có biết không? Hỏi tức là trả lời. Do thế ngay từ trong cảnh sống ở thế gian mà người nào biết ngăn ác, diệt ác pháp thì người ấy đang sống trong Thiên Đàng chứ không phải Thiên Đàng ở cõi giới nào cả.

Thế giới siêu hình Thiên Đàng là do các tôn giáo dựng lên, chỉ là một cảnh giới do tưởng ấm sanh ra, để an ủi tinh thần của những người yếu đuối đang gặp khổ đau tai nạn, để nuôi hy vọng làm thiện được sanh về đó...

Người tu sĩ đạo Phật vì thấu rõ nhân quả nghiệp báo, nên tự lực cứu mình bằng cách sống trong thiện pháp: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đây là lời kêu gọi thiết tha do lòng đại từ bi của đức Phật đối với chúng ta.

Nói đến thế giới thì chúng ta phải nói đến sự duyên hợp, có nhiều duyên hợp lại mới thành thế giới, vì thế một thần thức (thức ấm) đơn độc không thể là thế giới được. Vì thế giới hữu hình không có thì thế giới siêu hình và linh hồn cũng không có.

Ví dụ: Chúng ta lấy một cây cột mà bảo rằng là cái nhà thì không thể được, vì cái nhà phải có nhiều duyên hợp lại như: cột, kèo, cửa sổ, cửa cái, vách, đòn tay, ngói gạch hợp lại thì mới gọi là cái nhà được.

Tóm lại, thế giới siêu hình không có mà chỉ có những trạng thái, từ trường thiện, ác pháp của nhân quả đang phóng xuất theo thân hành, khẩu hành và ý hành của sự vận hành nhân quả.

Trích Đường về xứ Phật III
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Ánh sáng trí tuệ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Vị Minh sư tỏa sáng đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có tâm ly dục trở nên trong sáng sẽ được hưởng ánh sáng nhiều và ngược lại.

Đáp: Vị Minh sư luôn tỏa ánh sáng trí tuệ đều khắp cho chúng sanh. Chúng sanh nào có đủ duyên với Phật pháp, nên khi gặp được ánh sáng trí tuệ đó, liền đặt trọn lòng tin kiên cố ở vị Minh sư, nhiệt tâm thực hiện lời dạy của Người, sống đúng, tu tập đúng, nhờ đó tâm ly dục ly ác pháp. Ngày ngày tâm trở nên trong sáng hơn và thụ hưởng áng sáng trí tuệ đó nhiều hơn.

Ánh sáng trí tuệ Phật luôn luôn tỏa khắp trong không gian, như không khí mà quý vị đang hít thở, nếu quý vị khởi một niệm thiện pháp thì ánh sáng đó trở thành trí tuệ của quý vị, tức là quý vị đang hành động một đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người.

Vì thế, kẻ nào sống trong thiện pháp biết ngăn ngừa ác pháp, là đang sống trong trí tuệ của Phật, trí tuệ của vị Minh sư, ngược lại sống không biết ngăn ác, diệt ác pháp, sống phạm giới, phá giới là sống xa lìa trí tuệ Phật, không hưởng được ánh sáng của vị Minh sư, tức là sống xa lìa sự giải thoát của đạo Phật.

Phật lúc nào cũng sống bên chúng sanh, còn chúng sanh thì lúc nào cũng sống xa Phật. Tại sao vậy?

Vì chúng sanh thường sống trong ác pháp, còn Phật thì sống trong thiện pháp. Nếu chúng sanh biết sống trong thiện pháp thì đó là trở về với Phật, còn chúng sanh sống trong ác pháp, là xa lìa Phật, dù muốn gần Phật cũng không được, dù hết lòng cầu khẩn cũng không được.

Cho nên, đạo Phật rất đơn giản nhưng người không biết tu tập sai pháp như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, đọc thần chú, bái sám, lạy hồng danh chư Phật, cầu an, cầu siêu, v.v.. đều là những việc làm đi ngược lại với Phật giáo. Gây tạo ra nhiều màu sắc mê tín, dị đoan, ảo giác, trừu tượng... Phần nhiều sống trong ảo mộng. Xét lại, tất cả các tôn giáo hiện có mặt trên hành tinh này đều có sự giống nhau, không rơi vào hình thức mê tín này, thì lại rớt vào hình thức mê tín khác. Đó là vì chịu ảnh hưởng chung trong một bối cảnh siêu hình của tưởng tri.

Vì thế, khi đức Phật nhập diệt các tu sĩ ngoại đạo cố gắng lồng thế giới siêu hình vào đạo Phật, để biến Phật giáo giống như các tôn giáo khác, để dễ bề chúng phát triển thế giới siêu hình.

Nếu đạo Phật giẫm lại lối mòn của các tôn giáo khác, thì đạo Phật không còn ý nghĩa tự lực của đạo giải thoát nữa.

Nhìn chung toàn bộ kinh sách Đại Thừa đều là một kho giáo lý góp nhặt những tưởng tri của các nhà triết học tôn giáo và thế tục.

Lý luận nghe rất siêu, nhưng áp dụng vào đời sống con người thì ích lợi không bao nhiêu mà tai hại thì rất nhiều.

Trích Đường về xứ Phật III
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Ý NGHĨA CỦA HOA PHONG LAN

Lịch sử và ý nghĩa của hoa phong lan
Hoa lan là một loại hoa lâu đời và thanh lịch, làm cho chúng trở thành những món quà hoàn hảo cho những sự kiện cần tới hoa. Sự xuất hiện duyên dáng của hoa lan thu hút sự chú ý ngay lập tức, và sự nổi tiếng của hoa lan như là một loại hoa kỳ lạ và khác thường gợi lên một cảm giác tinh tế và trong sáng. Với nhiều loại phong lan để lựa chọn và ý nghĩa đặc biệt của hoa phong lan, bạn chắc chắn có thể tìm một trong số các loại hoa lan để diễn đạt đúng thông điệp của bạn, cho dù đó là tặng bạn bè, kỷ niệm hạnh phúc, Chúc mừng ai đó, hoặc bất cứ điều gì đi nữa.


Với ước tính khoảng 25.000 loại khác nhau hiện có tự nhiên và hơn thế nữa các loài hoa lan mới luôn được phát hiện qua mỗi năm, hoa lan thuộc vào các họ thực vật có hoa lớn nhất. Mặc dù chúng thường được cho rằng chỉ phát triển ở vùng nhiệt đới, là loại hoa khó trồng, nhưng thật ra hoa lan phát triển tự nhiên trong hầu như tất cả các vùng khí hậu. Mặc dù có tính thích nghi cao, có cái gì đó rõ ràng là rất khác thường ở hoa lan. Chúng có nét đẹp lạ lùng khiến những người yêu hoa bỏ công chăm sóc hàng ngày và khiến cho những chuyên gia về hoa trên thế giới đặc biệt quan tâm. Trong số rất nhiều giống phong lan, Phalaenopsis (Lan hồ điệp), Địa lan, và hoa phong lan Dendrobium là loại phổ biến nhất, và Orchid Vanilla được nuôi trồng nhiều nhất.

Hoa lan có thể truyền đạt nhiều thông điệp, nhưng lịch sử ý nghĩa của hoa phong lan bao gồm sự giàu có, tình yêu,và vẻ đẹp. Đối với người Hy Lạp cổ đại, hoa lan vinh danh những anh hùng, và sau khi sự gia tăng phổ biến của những bộ sưu tập phong lan ở Anh thời Victoria, ý nghĩa của hoa phong lan chuyển dần dần trở thành biểu tượng của sự sang trọng. Hoa lan cũng đã được cho rằng là một vị thuốc chữa các bệnh khác nhau và phòng bệnh, cho phép con người tránh khỏi bệnh tật. Người Aztec uống một hỗn hợp của hoa phong lan vani và sô-cô-la để cung cấp cho họ quyền lực và sức mạnh, và người Trung Quốc tin rằng hoa lan có thể giúp chữa trị bệnh phổi và ho.
Ngày nay, ý nghĩa của hoa phong lan được coi là một biểu tượng của vẻ đẹp hiếm thấy và tinh tế. Hoa lan là loại hoa được trồng để làm đẹp cho ngôi nhà phổ biến nhất, cùng với hoa lily. Sự quyến rũ và huyền bí của hoa lan làm cho những người nhận được hoa lan thích thú, mà các loại hoa khác không có khả năng gây ấn tượng với người nhận theo cách mà hoa phong lan có thể. Trong số các loại hoa được biết, hoa lan chiếm một vị trí đặc biệt như là một trong những loài hoa lôi cuốn và quyến rũ, làm cho chúng trở thành một sự lựa chọn đặc biệt khi bạn muốn thể hiện tình cảm với những người quý giá trong cuộc sống của bạn.