Việt Nam là phiên bản của Tàu, đặc biệt về tư duy: Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia): “Nói “tương đồng” thì có vẻ oai, chứ Tàu nó chỉ xem Việt Nam chỉ là một phiên bản của họ. Chính vì thế mà các quan chức Tàu có thể hống hách và ngổ ngáo trong các tuyên bố như là lời phán của cha mẹ dành cho con. Việt Nam có vùng vẫy hay suy nghĩ gì thì Tàu cũng đoán trước được, vì Việt Nam chỉ học từ Tàu thôi, và đâu có thầy nào (nhất là thầy Tàu) mà dạy cho trò 100% sở trường. Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn vào với ánh mắt khinh thường.” (Nguyễn Văn Tuấn – Một bản sao của Tàu)
Các bạn có thể tin đây là phát ngôn của một vị giáo sư?
Khoan đi vào vần đề chính của phát biểu, tôi thừa nhận rằng Việt Nam là một xã hội coi trọng người có chữ: một người có bằng cấp học vị, danh tiếng khi cất lời (đôi khi rất củ chuối và lố bịch) thì phát ngôn của họ vẫn có một trọng lượng nào đấy. Cách đây hơn chục năm, khi đọc truyện ngắn của Azit Nexin “Tại sao chú mèo cúp đuôi bỏ chạy", tôi đã cười ngặt nghẻo vì cái thói cuồng người có chữ của dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đại khái là có ông nhà văn nọ hấp hối, thấy trước mắt tối sầm nên thều thào "mở cửa ra" rồi nghẻo, chỉ có thế mà thiên hạ xúm lại mổ xẻ bình luận tán dương câu nói ấy. Tôi đã cười mấy anh Thổ để rồi giật mình nhận ra Việt Nam bây giờ chả khác Thổ Nhĩ Kỳ thập niên 80 là mấy. Ngày này năm trước xảy ra bút chiến giữa hai ông đại biểu Quốc Hội Hoàng Hữu Phước và Dương Trung Quốc, có nhiều anh chị bênh ông Quốc thế này "ông ấy nói vậy là đúng còn gì, ông ấy là nhà sử học, là ĐBQH nữa". Ơ hay, nếu ông ấy nói cái gì cũng đúng thi người ta tổ chức ra Quốc Hội làm gì nhỉ? Xây cái đền đặt ông Quốc vào trong ấy mà thờ như dân Tây Tạng sùng kính Lạt Lai Lạt Ma cho rồi.
Bằng cấp, học vị... gọi chung là "trí thức" trở thành cái giấy thông hành cho người ta gia nhập sân khấu chính trị, một sân khấu ồn ào nhiều màu sắc, hỉ nộ ái ố đủ cả với anh Diện Hán, anh Quang A, anh Chu Hảo, anh Chi Bô-xít, anh Tai Ương... Cái sân khấu ấy không đưa ra cái gì mới mẻ hơn các phát ngôn của Bùi Hằng, Mẹ Nấm Gấu hay nhà rân chủ Thùy Trang Nguyễn xứ "cộng Hòa Cali" nhưng được người ta đặc biệt chú ý, thậm chí cả báo chí cũng bê lên trang nhất. Sự khác biệt duy nhất giữa Bùi Hằng và "trí thức" khi chém gió chánh trị chánh em chẳng qua là... bằng cấp!!!
Cái sân khấu nhộn nhịp ấy mang lại cho trí thức một thứ gọi là "danh tiếng". Quần chúng lao động như tôi khi biết danh một trí thức thì trí thức ấy phải có những đóng góp lớn lao cho nước nhà, có những cống hiến cho nhân loại làm rạng danh cho hai chữ Việt Nam. Tôi nhớ mặt, thuộc tên hết thảy trí thức trong cái sân khấu ấy nhưng ai vặn tôi họ đóng góp cái gì cho đất nước thì tôi chịu.
Trí thức, xét cho cùng là một người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực nào đó chứ làm gì có ai tinh thông hết mọi sự trên đời. Khi một trí thức nhảy sang bình luận chánh trị chánh em thì chắc gì họ đã hơn một một bình luân viên vỉa hè. Chỉ vài năm trước thôi, giáo sư Ngô Bảo Châu đã ngẫu hứng như thế và được báo An ninh thế giới nhắc khéo. Thật ra giáo sư Châu với tuổi trẻ chưa đủ chín chắn để lường được cái hậu quả phát ngôn của mình được làng chống Cộng Cali tận dụng triệt để cho chiến dịch "Tố Cộng - Diệt Cộng" thời internet mà thôi. Chúng ta chắc chưa quên một vị giáo sư nông nghiệp bỗng nhiên đề xuất bỏ Tết Ta ăn Tết Tây vì các lợi ích kinh tế - văn hóa - hội nhập gì gì đấy để rồi bị dư luận phản ứng, người ta yêu cầu giáo sư tính toán các giá trịnh tinh thần của Tết Ta là bao nhiêu, các lợi ích từ việc ăn tết Tây có bù lỗ được không. Giáo sư lặn mất...
Cái cách vị GS Nguyễn Văn Tuấn bỗng dưng nhảy xổ sang chuyện chánh trị chánh em buồn cười và lố bịch hơn hai vị giáo sư kể trên rất nhiều. Hai vị ấy có chút hồn nhiên bộc trực, dẫu ý kiến họ có trớt quớt đi nữa người ta cũng không thấy xốn mắt như ông Tuấn. Nói của đáng tội, kiến thức lịch sử - chính trị của vị giáo sư này có khi thua anh xe ôm hay thợ hồ.
Năm 1945 Việt Nam tuyên bố độc lập thì Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch còn đang chiến nhau thì ai mới là phiên bản của ai? Việt Nam và Trung Quốc trở thành nước độc lập - thống nhất (cái này anh Tàu chưa hoàn toàn) theo hai cách rất khác nhau. Họ là nước lớn, ngàn đời nay vẫn hống hách coi thường lân bang (như một thói quen), coi thường thì làm gì được nhau? Nếu có chút hiểu biết lịch sử thì ai cũng biết từ năm 1975 tới nay họ chẳng đạt được cái gì trong mưu đồ thôn tính Việt Nam cả. Việt Nam vẫn cứ là cục xương không gặm được ngay mồm họ. Rất nể vị giáo sư này vì khả năng... nằm vùng trong Bộ chính trị hay văn phòng thủ tướng, Ông ta dám quả quyết Việt Nam chỉ học từ Tàu, lãnh đạo bàn cái gì Tàu biết hết (!?).
Tôi không biết người Mỹ, người Nhật, người Nga, người Hàn... có khinh Việt Nam hay không, họ có khinh Việt Nam vì Việt Nam "học mỗi thầy Tàu" hay chăng nhưng tôi thấy rằng vị giáo sư này đang khinh Việt Nam. Tôi có niềm tin rằng khi nào Việt Nam còn chưa thành sân sau của Mỹ, không rập khuôn mô hình "dân chủ Mỹ" thì ông giáo sư này vẫn cứ khinh Việt Nam vì cái tội không chịu theo Âu - Mỹ. Là một người Việt Nam có lẽ ai cũng biết mấy cái tòa khâm sứ Pháp, chức danh "toàn quyền Đông Dương" là biểu tượng một thời dân tộc ta chịu kiếp nô lệ đắng cay, và đã hơn một lần các cường quốc mua bán trên lưng chúng ta. Một dân tộc đứng lên từ vũng bùn lầy thực dân, phá tan xiềng xích giành lại độc lập, đánh bại cả đế quốc Mỹ là nhờ học... thầy Tàu chăng? Hay giáo sư tin theo mấy anh chống cộng Cali rằng trận Điện Biên Phủ là Tàu đánh Pháp chứ không phải Việt Minh? Chúng ta đuổi được giặc Mỹ, diệt trừ Polpot, đẩy lui bọn bành trướng Bắc Kinh, từng bước xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều nước - khu vực là nhờ thầy nào dạy? Và mới đây nhất thầy nào dạy chúng ta đuổi được cái cột mốc biên giới HD981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta?
Với trí thức hợm hĩnh thích đá lộn sân nhằm kiếm danh kiểu này, blogger Doi-Mat.Vn nhận xét: "Mấy giáo sư, tiến sĩ nhất là kiếm được tí danh ở nước ngoài thì cứ ngỡ mình đã là ngôi sao dẫn đường cho dư luận mà không biết được rằng thực ra họ giống như những thực thể mất cân đối trầm trọng nhưng lại cứ thích nói về phần khuyết trong hiểu biết của mình. Các ông có giỏi chuyên môn đến mấy nhưng khi lấn sân sang một lĩnh vực khác một cách vô trách nhiệm, mù quáng, tự cao tự đại thì chẳng khác gi tay thợ giỏi hoạn lợn nghĩ mình là bác sĩ chuyên khoa tiết niệu".
Một đất nước có nhiều trí thức được đào tạo từ các nền giáo dục tiên tiến (Âu - Mỹ - Nhật...) là một lợi thế trong công cuộc xây dựng đất nước nhưng sẽ là một thảm họa nếu như các tri thức ấy không có tâm và đủ tầm. Trí thức Việt Nam từ nước ngoài về chỉ có một tỷ lệ nhỏ thực sự được coi là trí thức có trí tuệ. Phần lớn họ mắc bệnh sùng bái Mỹ - phương Tây. Họ tự cho rằng họ thuộc về một thế giới văn minh hơn đồng bào họ, văn minh hơn cả cái nền tảng văn hóa mà họ thừa hưởng từ các thế hệ trước. Họ không khác gì những con cua từ dưới ruộng bò ra đường nhựa và tưởng rằng mình thuộc về thế giới văn minh hơn hẳn giống nòi của mình. Thực chất họ chưa phải là trí thức, chưa có trí tuệ và kiến thức đủ để coi là trí thức. Nói nôm na bọn họ là trí thức dởm.
Một trí thức đúng nghĩa là phải bước ra thế giới học hỏi những cái gì hay ho của người ta rồi đem về đóng góp cho đất nước chứ không phải cậy mình "về từ thế giới văn minh" mà khinh rẻ đất nước, chà đạp lên các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.
Lan Hương
Lan Hương
No comments:
Post a Comment