Sinh nhật của Kenny, cháu DS, nhất định không cho thấy mặt đâu nhe
Hôm đó Mẹ Kenny đãi hủ tiếu chay
Khoai môn luộc, khoai môn làm kiểu này trông đẹp mắt hén
Trái cây
Bánh tét nhân chuối và nhân đậu, Mẹ của Kenny làm, Kenny phụ buộc dây, ngon lắm, nêm nếm rất vừa ăn, gói chặt chẻ, nếp khô ráo nhưng dẻo và mềm mại
Bát Quan Trai hồi tháng rồi. Món ăn gồm có 2 món xào, 2 món kho, củ cải muối, mắm sả ớt và đậu hũ chiên sả ớt
Các Sư Tỷ chuẩn bị dọn cơm
Các Sư Huynh phụ sắp bàn ghế
Nguyên một bàn ăn thật là tươm tất
Khoá Bát Quan Trai được hơn 30 giới tử về dự. Ni Sư đang cho học bài Chứng Đạo Ca của Tổ Huyền Giác. Đây là Phẩm 5: Chuyển phẩm chướng đạo thành phẩm trợ đạo và Phẩm 6: Tông thông thuyết thông. DS không có ghi lời của Ni Sư giảng hên mà tìm được lời giảng của HT Tuyên Hoá, các bạn cùng tìm hiểu với DS nhé.
Tòng tha báng, nhiệm tha phi,
Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bị.
Ngã văn cáp tự ẩm cam lồ,
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghị.
Dịch:
Mặc ai biếm, mặc ai dèm,
Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm.
Ta nghe như uống cam lồ vậy,
Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn.
Tòng tha báng, nhiệm tha phi: "Tòng" là tùy theo; "tha" là người khác; "báng" là hủy báng, nói xấu; "nhiệm" là phó mặc; "phi" là dèm pha một cách không chánh đáng, cũng cùng nghĩa với hủy báng. Câu này nghĩa là mặc người ta hủy báng, mặc người ta muốn phê bình ra sao cũng được, mọi người cứ tùy tiện nói xấu ta, hay bảo ta sai, ta cũng mặc họ.
Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bị: Mang mồi lửa đốt trời, đốt cách nào cũng không thấu trời, chỉ tự chuốc lấy sự mỏi mệt, mình thì hứng lấy tro bụi, có khi mang họa lửa vào thân. Ðó là ý của hai câu "tòng tha báng, nhiệm tha phi, bảo hỏa thiêu thiên đồ tự bị."
Bỗng nhiên, vô duyên vô cớ, có người đến gây sự với ta, nói xấu ta đổ tội lên đầu ta; rõ ràng là ta chẳng làm điều gì mà người ta nhất định bảo chính ta đã gây ra; ta luôn luôn giữ đúng quy củ; đại khái họ mang những chuyện không đâu, chẳng liên hệ gì với ta để nói xấu ta; phải chi, điều họ nói là đúng, thì không nói làm gì, đó chẳng phải là nói xấu mà là công đạo; đàng này, họ nói một cách vô lý, chẳng cho ta có dịp để giải thích mà cứ một mực hủy báng ta như vậy, lúc đó chúng ta nên mặc kệ họ, mặc họ nói xấu, mặc họ dèm pha, họ muốn nói gì thì họ nói. Vô duyên vô cớ hủy báng như thế cũng giống như người cầm mồi lửa đốt trời, cuối cùng chỉ kẻ đó chuốc lấy sự mỏi tay, tự mình làm khổ mình.
Ngã văn cáp tự ẩm cam lồ: Khi nghe những người chỉ trích rằng ta không đúng, nói xấu ta, vô duyên vô cớ vu oan cho ta, đại khái những điều tiếng như thế, ta nghe xong cảm thấy như được uống nước cam lồ, hay uống những vị ngọt ngào như đường, như mật.
Tiêu dung đốn nhập bất tư nghị: "Ðốn nhập bất tư nghị," là lập tức có ngay một sức mạnh giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, một công phu làm cho tâm không động. Chuyện vừa ý nghịch ý, cũng lãnh thọ dễ dàng, hay hay dở chẳng động tâm, bất cứ là hủy báng hay khen ngợi, trong lòng vẫn bình thường chẳng nao núng. Ðó chính là "tự ẩm cam lồ," chính là "tiêu dung đốn nhập bất tư nghị."
Quán ác ngôn, thị công đức,
Thử tắc thành ngô thiện tri thức.
Bất nhân san báng khởi oán thân,
Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực.
Dịch:
Xét lời ác ấy công đức,
Ðó mới chính là thầy ta thực.
Chớ vì báng bổ khởi oán, thân,
Sao tỏ vô sanh, nêu nhẫn lực.
Quán ác ngôn: Quán, là quán sát, là nhìn nghe, cũng cùng nghĩa như chữ thính là nghe, nhưng tại sao ở đây không dùng chữ "thính" - thính ác ngôn? Mà lại nói là quán ác ngôn? Quán là hồi quang phản chiếu, quay ngược lại mà quán tự tánh. Câu "phản cầu chư kỷ," cũng cùng nghĩa như công phu hồi quang phản chiếu.
Gặp người nói với ta bằng ác ngôn, ta nên hồi quang phản chiếu, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Quán sát như vậy chính là diệu quán, là cách phân tích. Khi chứng được thánh quả thì sẽ có bốn trí. Khi chưa chứng, thì bốn trí đó có chăng? Cũng có, nhưng có sơ sơ, chưa đến chỗ rốt ráo. Ai cũng đều có một chút diệu quan sát trí, cũng biết quán, cũng có quán lực, và khi quán rồi thì sát, sát cái gì? Quán cái gì? Tức là quán sát ác ngôn.
Có bốn thứ ác, thuộc về lời nói: Nói thêu dệt, nói dối, ác khẩu, nói lưỡi hai chiều. Ác ngôn chính là ác khẩu, tức là buông ra những lời vô lễ, không hợp lý, vô cớ gây sự.
Thị công đức: Chúng ta nên nghĩ rằng những lời đó chính là các chất béo, các sinh tố, các chất bổ dưỡng, rất tốt cho cơ thể chúng ta. Chúng ta đương thiếu chất sinh tố, nay có người mắng ta, chính là họ cho ta sinh tố; ta vốn chẳng có công đức gì, nay được nghe người chửi mắng ta, tức là người cho ta công đức; phước báo ta không có, nay có người mắng ta, đó là phước báo. Thí dụ như quí vị tin Phật tức là quí vị đã có chút công đức rồi, nhưng quí vị cũng còn phải qua sự thử thách mới biết được, cho nên có câu nói:
Nhất thiết thị khảo nghiệm,
Khán nhĩ chẩm ma biện
Ðịch diện nhược bất thức,
Tu tái tòng đầu lai.
Câu trên nghĩa là hết thảy đều là sự thử thách, coi quí vị xử sự ra sao. Gặp thử thách mà quí vị xử sự không đúng, thì quí vị phải tập lại từ đầu.
Nếu quả quí vị nghĩ được như vậy tức là theo được câu "quán ác ngôn thị công đức."
Thử tắc thành ngô thiện tri thức: Người nào dùng lời ác nói với ta, ta cho rằng đó là điều hay cho ta, như vậy là họ đã giúp ta, họ chính là vị thiện tri thức của ta vậy. Ta tu đạo mà chẳng thành tựu, có người giúp ta thành tựu; ta làm công đức mà không thành tựu, có người giúp ta thành tựu công đức; ta cầu mà không mãn nguyện, có người tác thành cho ta, giúp ta mãn nguyện.
Bất nhân san báng khởi oán thân: Chẳng vì người nói xấu và chê cười ta mà ta sanh lòng oán hận. Ðối với những lời dèm pha, nói xấu, ta chẳng hề có chút gì gọi là tức giận, gọi là buồn bực, gọi là oán ghét, mà ngược lại ta còn đem lòng biết ơn. Ta giữ lòng bình đẳng, không oán không thân, bởi vì ta đủ sức từ bi nhẫn nhục, không tham, sân, si, ba thứ độc này, ta nghe người mắng ta, ta không oán, không ghét, cũng không sanh tâm hoan hỷ, đó chính là tâm bình đẳng, giống như nghe mà chẳng nghe.
Hà biểu vô sanh từ nhẫn lực: Nếu như chẳng đạt tới trình độ này, thì làm sao biểu hiện nổi vô sanh pháp nhẫn, cũng như lòng từ bi nhẫn nại?
Do đó chúng ta phải làm thế nào để khi gặp cảnh nghịch mà coi như cảnh thuận; để tìm thấy cái hay trong cái dở; để đối với kẻ thù địch mà có thái độ hòa giải, không đối đầu, không mang trong lòng ý nghĩ cừu hận. Nếu hiểu được đạo lý đó mới gọi là hiểu Phật pháp một cách chân chánh.
Tông diệc thông, thuyết diệc thông
Ðịnh huệ viên minh bất trệ không.
Phi đản ngã kim độc đạt liễu,
Hằng sa chư Phật thể giai đồng.
Dịch:
Tông cũng thông thuyết cũng thông,
Ðịnh huệ sáng tròn chẳng trệ không.
Nào phải mình ta riêng đạt đấy,
Hằng sa chư Phật thể chung đồng.
Tông diệc thông, thuyết diệc thông: Nói về "Tông" thì nguyên tại Trung-hoa có năm tông phái Phật giáo lớn: Thiền, Giáo, Luật, Tịnh, Mật. Chữ "tông" ở đây là nói về tông Thiền bởi Ðại sư chú trọng về tông này. "Thông" nghĩa là thông suốt, "thuyết" là thuyết giảng, đây chỉ về "Giáo tông."
Ðịnh huệ viên minh bất trệ không: Do giới luật mà có định huệ. Phải trì giới mới có định, có định mới có huệ. "Viên" nghĩa là viên dung, không bị chướng ngại; "minh" là sáng, là soi sáng khắp nơi. "Trệ là trì trệ; "không" là hư không, cũng có nghĩa là chân không.
Phi đản ngã kim độc đạt liễu: Không phải chỉ có một mình ta là thông suốt được các pháp đó.
Hằng sa chư Phật thể giai đồng: Chư Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều cùng một bản thể.
Cớ sao nói "tông" là Thiền tông, và "thuyết"là "Giáo tông"? Ðại sư Vĩnh-Gia là hàng pháp tượng của thiền tông cho nên bất cứ một lời nào của ngài cũng thuộc phạm vi Thiền tông. "Tông diệc thông" tức là đối với Thiền tông, ngài đã thông hiểu, thông suốt, không còn một chướng ngại nào. "Thuyết diệc thông" tức là đối với giảng kinh, thuyết pháp, ngài cũng thông suốt, không chướng ngại.
Trong Thiền tông, có người phê bình Giáo tông là không đúng, cũng có người thuộc Giáo tông chỉ trích Thiền tông. Ðúng như lời Hàn Dũ nói: "Nhập giả chủ chi, xuất giả nô chi; nhập giả phụ chi, xuất giả vu chi." Tại sao lại có sự trạng "nhập chủ xuất nô, nhập phụ xuất vu" như vậy? Nguyên do vì người ta chẳng "thông," thiền không thông, giáo cũng không thông, chưa tới chỗ viên dung vô ngại, hóa cho nên thấy mình là đúng còn người thì sai. Căn bệnh này sanh ra lối nhận thức "nhập chủ xuất nô," vì ưa thích tông của mình nên cho nó là đúng, không thích tông kia bèn cho nó là sai. Vì cố chấp thiên kiến nên chỉ trích sai lầm, dẫn tới sự phê bình cả Phật pháp, một pháp diệu mầu vô thượng. Bởi vậy mới có câu:
Tác tại tâm, ương tại thân,
Bất tu oán tố cánh vưu nhân.
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp
Mạc báng Như Lai chánh pháp luân.
Dịch:
Tại tâm làm, tại thân chịu,
Ðừng có kêu oan chớ trách người.
Muốn khỏi nghiệp vương muôn kiếp lụy,
Vành xe chánh pháp chớ chê cười.
Bởi chứng chưa đạt tới trình độ viên thông vô ngại, tông chưa thông, giáo cũng chưa thông, nên mới cố chấp vào thiên kiến của mình, và buông lời chỉ trích giáo lý mà Phật đã để lại. Những loại người này, thật là đáng thương, họ đã báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, để phải đọa vào địa ngục. Tới lúc đọa, mà vẫn không hay biết! Quí vị thấy như vậy có phải là đáng thương không?
Tông cũng thông, giáo cũng thông! Tại sao nói như vậy? Bởi vì định huệ đều viên minh. Ðịnh đầy đủ, huệ đầy đủ. Như thế nào mới có định huệ viên minh? Chính là do trì giới. Bởi vậy người tu hành, nếu không trì giới cũng giống như thức ăn ngon mà trộn lẫn phân của súc vật, chẳng ai ham, thậm chí còn bịt mũi xa lánh; không trì giới lại cũng có thể ví như lấy cát để nấu thành cơm ăn vậy. Cho nên người tu đạo tất phải chú trọng vấn đề trì giới kẻo đi tới chỗ lừa người lừa mình, dối người dối mình. Dối mình thì không thể định huệ viên minh, dối người thì làm cho mọi người mất lòng tin.
Từ đó, định huệ viên minh chẳng trệ không. Trệ không, tức là ngừng nghỉ ở chỗ không, dừng bước lại không tiến nữa. Vậy thì có thoái chăng? Cũng không thoái. Ðó là trạng thái bồi hồi dừng chân ở giữa đường. Gọi là trệ không chính là tới một chỗ như một điểm không, rồi không tiến nữa, dừng lại nơi chỗ không đó.
Về hai câu: "Phi đản ngã kim.....," Ðại sư Vĩnh-Gia nói rằng chẳng phải chỉ một mình Ngài thể hội được đạo lý này, mà Hằng hà sa số chư Phật cũng từ cơ sở này mà chứng quả, chứng được pháp thân Phật.
Căn cứ mấy câu này trong bài ca, tuy không có lời nào đề cập tới việc trì giới, nhưng thực sự giới luật đã nằm trong hai chữ "định huệ." Nếu quí vị không thực sự trì giới, quí vị sẽ không thể có định lực, mà không có định lực tức không có huệ lực. Bởi vậy, trong Phật pháp không nên trộn lẫn lộn các thứ hỗn tạp, như vậy có khác gì mắt bị mờ vì cát bụi, chúng ta nhất định phải cung hành một cách thực tiễn, chớ không phải chỉ nói thiền ở cửa miệng.
Sư-tử hống, vô úy thuyết,
Bách thú văn chi giai não liệt.
Hương tượng bôn ba thất khước uy,
Thiên long tịch thính sanh hân duyệt.
Dịch:
Sư tử hống thuyết vô úy,
Trăm thú nghe qua xé óc tủy.
Hương tượng chạy dài hết liệt uy,
Thiên long lặng ngóng lòng hoan hỷ.
Sư-tử hống, vô úy thuyết: Sư tử là vua trong loài thú. Phật thuyết pháp ví như tiếng rống của sư-tử, không hề kiêng sợ bất cứ cái gì. Một khi thuyết pháp thì:
Bách thú văn chi giao não liệt: Các giống chim muông, thú vật nghe tiếng rống đều hãi sợ đến nát óc tủy.
Hương tượng bôn ba thất khước uy: Voi là loài to lớn nhất trong loài thú, bệ vệ oai phong, vậy mà khi nghe tiếng rống của sư-tử cũng hồn phi phách tán, sợ hãi kinh hoàng, chẳng còn oai phong gì nữa.
Thiên long tịch thính sanh hân duyệt: Chỉ có tám bộ thiên long lặng lẽ nghe sư-tử rống mà khởi tâm hoan hỷ.
Ðại ý chỗ này muốn nói rằng, pháp Phật như tiếng rống của sư-tử. Còn muông thú thì ví như cái gì vậy? Muông thú chính là nói về số bàng môn tả đạo, tà thuyết dị đoan, các loại tà giáo đó. Cũng như loài muông thú, khi nghe tiếng rống của sư-tử thì mất mật kinh hồn, đến nỗi té vãi đại tiểu tiện ra, luýnh quýnh không biết xử sự ra sao, số thiên ma ngoại đạo khi nghe tới chánh pháp thì trong lòng hốt hoảng bất an. Hương tượng có thể ví như lãnh tụ của ngoại đạo, và trong trường hợp này cũng mất hết thần thông, mất cả trí huệ, mất cả uy tín đối với các đồ chúng, cho nên nói "hương tượng chạy dài hết liệt uy." Ðối với thiên long bát bộ, các vị thiện thần hộ pháp, cho đến mười phương chư Phật và Bồ-tát thì lại hết sức hoan hỷ, hăng hái, tán thán. Cho nên, chúng ta là những người tin Phật, không nên lui tới, tham gia cùng số ngoại đạo. Những lời tà thuyết dị đoan, đều là những thứ mê hoặc, khuyên dụ người ta sanh tâm tranh đua, tham lam, mong cầu cho quyền lợi ích kỷ, suốt ngày chỉ toàn là những chuyện dối mị, thị phi.
http://www.dharmasite.net/ChungDaoCa.htm
Chúc các bạn tinh tấn học đạo để có được một đời sống an vui tự tại.
Nam Mô A Di Đà Phật.
No comments:
Post a Comment