Cuốn sách “Bên thắng cuộc” gây sự chú ý trong dư luận. Điều đó không có nghĩa là cuốn sách cũng như tác giả được đánh giá cao. Nhiều người đọc nó để biết, để xem tác giả nói gì mà khiến nhiều người bàn tán đến vậy. Đọc để xem cái ông Huy Đức từng “mưa gió” một thời (với cả nghĩa đen và nghĩa bóng) bộc lộ mình như thế nào trong đó. Đơn giản vậy thôi chứ nào có phải điều gì to lớn!
Trước tiên phải nói là cuốn sách tương đối công phu. Nhưng giá trị thực lại không nhiều.
Có người khen ngợi cách hành văn, câu chữ… của “Bên thắng cuộc”, nhưng tôi không đánh giá cao điều đó. Bởi lẽ, nội dung mà câu chữ đó thể hiện mới là quan trọng nhất.
Huy Đức đã nhìn lại một giai đoạn lịch sử đã qua của nước ta từ sau ngày giải phóng, với góc nhìn phiến diện, thậm chí xuyên tạc, phủ nhận thành tựu cách mạng.
Không thể cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam là cuộc nội chiến Nam – Bắc. Đó là một cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, từ việc dựng lên chính quyền tay sai rồi đến trực tiếp đưa quân tham chiến. Chiến thắng năm 1975 thực sự là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đế quốc Mỹ sau nhiều năm can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp, hao tốn nhiều tiền của và sinh mạng, đồng thời cũng gây bao nhiêu đau thương, mất mát cho dân tộc ta.
Huy Đức lập lờ, không rõ ràng trong cách thể hiện bên thua cuộc. Bên thua cuộc là đế quốc Mỹ, chứ không phải, hoàn toàn không phải là nhân dân miền Nam. Rất nhiều đàn ông hiện tuổi từ 60 trở lên, trước năm 1975 đã phải hủy hoại thân thể để tránh đi quân dịch, người chặt ngón tay, kẻ làm hỏng mắt… Cũng có không ít người khác đã đi quân dịch rồi phải tự hủy hoại thân thể của mình để được giải ngũ hoặc chỉ để được… ở tù nhằm tránh phải hy sinh vô nghĩa cho chiến tranh dù họ là những người được trả lương cao, được “trang bị tận răng”. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh. Và, khi chiến tranh kết thúc, mọi người đều vui mừng, bởi người ta không còn lo bị bom rơi đạn lạc, không trở thành nạn nhân của những vụ thảm sát kiểu Sơn Mỹ, Thạnh Phong, không phải tự hủy mình để khỏi đi quân dịch… Họ cũng là người chiến thắng. Họ chiến thắng bản thân, chiến thắng chung với chiến thắng của dân tộc.
Ra vẻ khách quan, nhưng sự thật thì sao? Nhiều sự kiện lịch sử Huy Đức bóp méo. Nhà báo Lưu Đình Triều, người được dẫn trong cuốn sách vừa tố cáo: tác giả Huy Đức đã cắt xén và trích dẫn không đầy đủ những lời tâm sự về cuộc đời ông. Cũng theo ông Triều, những ngày qua, ông sống rất khổ tâm vì phảigiải thích cho gia đình, cơ quan, bạn bè hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.
Về chi tiết liên quan đến mình trong “Bên thắng cuộc”, ông Triều nói, chính xác như tôi đã trả lời phỏng vấn TG&HN là: "…Sau này khi tôi đang học tập cải tạo, ba tôi vào Sài Gòn công tác được Trưởng trại mời lên bàn chuyện bảo lãnh. Ông từ chối và muốn tôi có thời gian học tập, rèn luyện như những người khác. Ông cũng từ chối sự ưu ái được thăm con không theo quy định mà chỉ viết một lá thư nhờ chuyển. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in là mình đã cầm lá thư chạy ra vườn rau, lặng lẽ vừa đọc thư vừa khóc. Tôi giận, thầm trách ba tôi đã không thương tôi, lại bỏ tôi bơ vơ như thuở nào…Tôi đã xé là thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi…”
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn báo Thế giới và Hội nhập, nhà báo Lưu Đình Triều đã kể lại chuyện thi đậu vào trường báo chí Hà Nội, dù dư điểm nhưng phải chờ ý kiến của ban lãnh đạo Ban Tuyên huấn trong đó có kèm cả lời bảo lãnh của cha ông.
Được biết năm 1954, ông Lưu Quý Kỳ, nguyên vụ trường vụ báo chí (Ban Tuyên huấn Trung ương), Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam rời miền Nam tập kết ra Bắc. Trong thế sự rối ren ấy, ông buộc lòng để lại 2 đứa con ở miền Nam. Một trong hai người con đó là ông Lưu Đình Triều. Năm 1972, ông Triều bị bắt đi quân dịch và bị đưa vào Trường dự bị sĩ quan Thủ Đức của chính quyền Sài Gòn.
Ngày giải phóng ông đã được đoàn tụ gia đình và như bao người lính khác, sau khi học tập cải tạo trở về ông đã hòa nhập với cuộc sống mới và được cất nhắc lên đến vị trí Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ .
Huy Đức đã lựa chọn thân phận làm osin cho những phù du của bên ngoài và điều đó được bộc lộ rõ ràng trong cuốn sách.
No comments:
Post a Comment