Các thế lực thù địch luôn rêu rao “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” như là “khuôn vàng, thước ngọc” của dân chủ mà chúng ta phải tuân theo. Chúng cho rằng: “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản, vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”. Quan điểm này được khoác cái vỏ “vì dân chủ”, “vì dân, vì nước”, lợi dụng những khó khăn, phức tạp và cả khuyết điểm của chúng ta trong quá trình thực thi dân chủ để chống phá, nên nó càng trở nên nguy hiểm.
Tính nguy hiểm của thủ đoạn này biểu hiện ở chỗ:
Thứ nhất, Luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, dễ gây nên sự ngộ nhận mơ hồ, lẫn lộn về nhận thức, sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Nếu không thực hiện được ý đồ thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng thì cũng dễ gây nên sự chia rẽ trong xã hội và sự thiếu thống nhất về chính trị tư tưởng trong xã hội; sự hoài nghi, dao động, thiếu niềm tự tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, Thực chất luận điểm đó là nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta đối với xã hội, xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, “lái’ nền dân chủ nước ta sang nền dân chủ khác, phi xã hội chủ nghĩa. Dù chúng không trực tiếp nói đến chúng ta phải thực hiện dân chủ tư sản, nhưng cái cách “khuyên” chúng ta thực hiện đa đảng, học tập theo các nước phương Tây, đã cho thấy thực chất đó là hướng nền dân chủ nước ta sang dân chủ tư sản.
Thứ ba, Đó là luận điểm phản khoa học và phi lịch sử. Bởi vì, trên thực tế không có thứ dân chủ chung chung trừu tượng, trong thời đại ngày nay chỉ có thể là dân chủ tư sản hay dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cái gọi là đa đảng như trong xã hội phương Tây thực chất là sự chi phối của đảng tư sản, là biểu hiện sự tranh chấp giữa các nhóm chính trị khác nhau của chính giai cấp tư sản. Nếu nước ta thực hiện đa đảng thì các thế lực thù địch muốn đa đảng như thế nào, chắc chắn rằng chúng không muốn đa đảng mà ở đó lại có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Vậy, điều gì sẽ đến, nếu ở Việt Nam thực hiện đa đảng?
Điều dẫn đến sẽ là: đất nước diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, làm đổ vỡ nền kinh tế, rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước. Thảm họa đó chắc chắn sẽ giáng cả lên đầu nhân dân, nhân dân chỉ là cái cớ cho sự tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Rút cục, Việt Nam không còn là đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo xã hội; mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta bị tiêu tan. Cần nhớ lại một bài học đau xót và thấm thía về thực thi dân chủ sai nguyên tắc ở Liên Xô trong thời gian cải tổ. Những đơn thuốc “công khai hóa”, “dân chủ hóa”, “đa nguyên chính trị” đưa ra nhằm cải tổ chủ nghĩa xã hội, lại tạo “thời cơ”, điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong mưu đồ chống phá và dẫn đến làm tan rã, đổ vỡ chế độ Xô Viết.
Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
Chính Trực @
No comments:
Post a Comment