Thời gian gần đây, lợi dụng quá trình đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều cá nhân, tổ chức, đối tượng thù địch trong và ngoài nước đã đưa ra những ý kiến, quan điểm trái chiều, thậm chí đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc như: góp ý đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp), đòi Việt Nam thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng; đòi tam quyền phân lập; đòi tư hữu hóa đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phi chính trị quân đội, các lực lượng vũ trang nhân dân… Trong đó luận điệu “phi chính trị hóa quân đội” được chúng xác định là một nội dung trọng tâm để chống phá.
Vậy thực chất của luận điệu phi chính trị hóa quân đội là gì? Vì sao không thể chấp nhận luận điểm này?
Thực chất của luận điểm phi chính trị hóa quân đội là quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị, quân đội không thuộc một đảng phái chính trị nào, không được can dự vào những tranh giành chính trị giữa các đảng phái. Quân đội chỉ trung thành với quốc gia, dân tộc, với nhân dân, có nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ đất nước chứ không trung thành với một đảng chính trị nào. Những lý lẽ này thực sự là những luận điệu mơ hồ, phản động và suy cho cùng cũng nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là tách quân đội ra khỏi chính trị, ra khỏi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, không thể có và không bao giờ có phi chính trị hóa quân đội. Bởi vì:
Thứ nhất, về bản chất, quân đội chính là công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ đảng và thể chế chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Khi lợi ích của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động thì quân đội đồng thời bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Chính vì vậy, trách nhiệm, lợi ích của quân đội gắn liền với lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Ở nước ta, “Quân đội là do Đảng sinh ra, để đảm bảo thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, mà đường lối này xuất phát từ dân và vì dân. Cho nên, mọi hoạt động của quân đội được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được quản lý, điều hành của Nhà nước, tất cả những điều đó đều để phục vụ cho lợi ích chung là vì dân, vì đất nước, Tổ quốc, tương lai tươi đẹp của xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Ngoài mục đích đó, không có mục đích nào khác cả” (Theo Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam).
Thứ hai, quan điểm "Phi chính trị hóa quân đội" là một thủ đoạn nguy hiểm trong chiến lược "Diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam của thế lực thù địch.
Đây là luận điệu phản động, thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội. Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam cũng như các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, các thế lực thù địch ra sức truyền bá quan điểm “phi chính trị hóa quân đội”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” nhằm lôi kéo quân đội, lực lượng vũ trang xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc hòng tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho quân đội bị tha hóa, biến chất về chính trị và bị vô hiệu hóa. Trên cơ sở đó làm cho Đảng, Nhà nước và nhân dân mất chỗ dựa vững chắc để bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác sẽ dẫn đến mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả giá rất đắt trước âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm này.
Thứ ba, thực tế các nước trên thế giới, hầu hết không có nước nào quân đội đứng ngoài chính trị.
Với những nước thực hiện chế độ đa đảng, khi Đảng chính trị nào cầm quyền cũng thường tìm mọi cách để nắm quân đội. Bởi khi nắm được quân đội thì sẽ bảo vệ vững chắc hơn cho sự duy trì quyền lực của Đảng đó.
Điển hình như ở Mĩ, hai năm cuối trong nhiệm kỳ đầu của B.Ô-ba-ma, chính quyền gần như tê liệt bởi đảng Cộng hòa nắm đa số ở Hạ viện đã phủ quyết hầu hết các quyết sách của Tổng thống. Trong bối cảnh đó, nhiều tướng lĩnh và chính khách đã kêu gọi “quân đội đứng ngoài chính trị”, nhưng trong thực tế cả hai đảng đều ra sức tranh giành sự ủng hộ về chính trị của quân đội.
Hay như ở Thái Lan, mặc dù nhiều lần các chính khách yêu cầu “quân đội đứng ngoài chính trị”, có lúc cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cam kết “quân đội không can dự vào chính trường”, thậm chí Hiến pháp năm 1997 của Thái Lan tuyên bố loại quân đội khỏi chính trị, nhưng trong thực tế không có điều đó. Khi các cuộc biểu tình, xung đột của các phe “Áo vàng” (PAD) và “Áo đỏ” (UDD) từ năm 2006 - 2011 làm cho Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị, bốn lần thay đổi chính phủ ,quân đội đã tham gia trấn áp những người biểu tình ủng hộ Thaksin. Trong bầu cử tháng 7-2011, tướng Prayut Chanocha - Tổng Tham mưu trưởng liên quân tuyên bố quân đội không can thiệp vào chính trị, song lại hậu thuẫn đắc lực cho Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit…
Thứ tư, bài học đau lòng từ một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây khi xa rời quân đội.
Lịch sử thế giới đương đại cho chúng ta những bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, sau khi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp (quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên xô), chấp nhận đa nguyên, đa đảng và sau đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa Liên xô vào cuối năm 1991.
Thứ năm, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc XHCN và nhân dân. Bản chất quân đội kiểu mới thể hiện rõ nét ở sự thống nhất hữu cơ tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc, được biểu hiện sinh động ở lý tưởng chiến đấu, cơ sở chính trị-xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Lý tưởng chiến đấu của quân đội ta là vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” Đó là lý tưởng chính trị-đạo đức không chỉ mang tính cách mạng và khoa học, đúng quy luật của xã hội Việt Nam đương đại, mà còn phản ánh khát vọng thiêng liêng tự giải phóng, giành quyền Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của đất nước, của nhân dân. Chính vì vậy, không thể có và không bao giờ có một quân đội phi chính trị, trung lập, đứng ngoài giai cấp.
Điều này, góp phần đập tan mọi luận điệu đòi phi chính hóa quân đội của các phần tử xấu và các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Người con đất Việt - Blog Việt Nam Cộng Hòa
No comments:
Post a Comment