Sunday, March 10, 2013

Tính tất yếu hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng

Điều 4, Hiến pháp 1992 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.


Bản dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi) bổ sung một số điểm nhằm làm rõ hơn nội dung này: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. 

Lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, thời gian gần đây, trên mạng Internet gia tăng nhiều bài viết của các đối tượng thù địch, phản động và cơ hội, có nội dung kích động, bóp méo, xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cũng có một số ý kiến do trình độ nhận thức hoặc động cơ khác nhau cùng bàn luận về vấn đề này, nhưng rơi vào cũ mòn, đưa những vấn đề không hề có căn cứ, cơ sở khoa học, vốn bị thực tiễn bác bỏ từ lâu, như việc đòi bỏ Điều 4, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Thực tiễn cho thấy, việc quy định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Mỗi quốc gia, mỗi nhà nước dựa trên đặc điểm lịch sử và chính thể để đưa ra các nội dung hiến định; căn cứ đặc điểm cụ thể mà có một đảng hay nhiều đảng chính trị. Đối với Việt Nam cũng có các giai đoạn nhiều đảng (như năm 1946, có thêm Đảng Việt cách và Việt Quốc). Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo, đặc điểm này do lịch sử và điều kiện Việt Nam quy định. Nhìn chung, đảng, chính quyền cũng được quy định ở nhiều bản hiến pháp các quốc gia trên thế giới, mang tính phổ biến.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương thì trên thế giới hầu hết nước nào cũng có đảng chính trị. Trong đó, hiến pháp của nhiều nước có quy định về đảng như hiến pháp của Thổ Nhĩ Kì, Ukraina, Ba Lan, Hàn Quốc… Hiến pháp của nhiều nước khẳng định việc thành lập các đảng chính trị là điều quan trọng, cần thiết để góp phần hình thành nên ý kiến, nguyện vọng, ý thức, ý chí chính trị của nhân dân.

Đối với nước ta, Hiến pháp năm 1980, năm 1992 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Việc các đối tượng thù địch, phản động hoặc nhiều người khác do trình độ hoặc động cơ khác nhau lặp đi lặp lại điệp khúc “đa nguyên, đa đảng” trên nền tư duy cũ mòn cho thấy một khi sự chống đối hoặc ý kiến không có điểm tựa khoa học và quy luật khách quan, tất yếu sẽ chỉ là trò hề chính trị hoặc rơi vào bế tắc.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với vấn đề hệ trọng quốc gia, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác trước âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để kích động phá hoại.

Vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta”


Đăng Trường - CAND online




No comments:

Post a Comment