Saturday, March 23, 2013

Công hàm 1958, Cần cảnh giác


   Gần đây Trung Quốc luôn rêu rao cái gọi là họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc diễn giải nội dung “Bức thư” cái mà họ gọi là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó, hoàn toàn xa lạ với nền tảng pháp lý của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, bất chấp thực tế khách quan của bối cảnh lịch sử đương thời. Có thể nói, giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

  Từ những diễn giải của Trung Quốc, các thế lực thù địch bên ngoài đang có những lời lẽ xuyên tạc, phản động, chúng vu khống cho Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bán biển đảo cho Trung Quốc” mà ở đây chính là hai quần đảo Trường sa, Hoàng sa mà Trung Quốc muốn tuyên bố chủ quyền của mình. Thực chất “Công hàm 1958” ở tại thời điểm đó như thế nào và có ý nghĩa gì? Phải hiểu nó như thế nào để không bị các thế lực thù địch xuyên tạc, lợi dụng chống phá Đảng và Nhà nước ta? 
  Ngày 4/9/1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Trung Quốc và các đảo ngoài khơi, bao gồm cả quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). 
  Sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi bức thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai, nguyên văn như sau: 



"Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng”.





Chúng ta hãy nhìn lại bối cảnh những năm 1958 của thế kỷ trước: 
  Trong nước, sau hiệp định Genève đất nước ta chia làm 2 nửa thông qua vĩ tuyến 17, ở miền Bắc, sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp 1945-1954, đất nước bị tàn phá nặng nề, Đảng Cộng sản Việt Nam và chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo nhân dân công cuộc xây dựng, kiến thiết lại đất nước còn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ở Miền Nam, Ngô Đình Diệm dưới sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ vi phạm nghiêm trọng hiệp định Genève, bọn chúng âm mưu xây dựng chế độ thực dân kiểu mới thân Mỹ ở Miền Nam Việt Nam. Để thực hiện được âm mưu đó Mỹ- Diệm và tay sai của chúng ngày ngày đàn áp những chiến sĩ Cộng sản, đàn áp nhân dân, chúng lê máy chém đi khắp miền nam để giết cùng, diệt tận những chiến sĩ yêu nước của ta khiến bối cảnh trong nước ngày càng phức tạp. 
  Bên ngoài, trước đó ngày 26.5.1950 chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman đã ra lệnh cho Hạm đội 7 tiến sát vào eo biển Đài Loan, ngăn chặn cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào các đảo trên eo biển Đài Loan. Với hành động này, Mỹ đã thực sự ra tay bảo hộ chính quyền Đài Loan, mặc cho Trung Quốc kịch liệt lên án. Năm 1958, tiếp tục xảy ra cuộc khủng hoảng trên eo biển Đài Loan lần thứ hai. Ngày 23/8/1958 Trung Quốc đột ngột tăng cường việc nã pháo vào đảo Kim Môn. Theo Hiệp định Phòng thủ tương hỗ giữa Đài Loan-Hoa Kỳ, Tổng thống Eisenhower đã ra lệnh cho tàu chiến Hoa Kỳ đến bảo vệ đường tiếp tế hậu cần từ đảo Đài Loan đến 2 đảo tiền tiêu Kim Môn và Mã Tổ. 
  Ngoài bối cảnh "phức tạp và cấp bách” đối với Trung Quốc như đã nêu trên, “Bức thư” hay còn gọi là "Công hàm 1958" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Trung Quốc lúc đó đang "vừa là đồng chí vừa là anh em”. Thực chất Đảng, Nhà nước, chính phủ ta lúc đó nêu quan điểm ủng hộ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc là muốn cho Hạm đội 7 của Mỹ tôn trọng vùng biển như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà không gây hấn trên vùng biển vịnh Bắc bộ, nhằm tránh sự xung đột, tranh chấp phức tạp để VN yên tâm bảo vệ nền hòa bình mới được lập lại trên miền Bắc và xây dựng kiến thiết lại miền Bắc để nhân dân có cuộc sống mới sau nhưng năm dài chiến tranh. 
  Có thể nói “Công hàm 1958” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù của Việt Nam với Trung Quốc, hai nước đều nằm trong hệ thống các nước XHCN là “anh em”, là láng giềng gần gũi của nhau, Trung Quốc khi đó đang nhiệt tình hỗ trợ chúng ta xây dựng, kiến thiết lại miền Bắc sau chiến tranh. Trong thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ và là một cử chỉ ngoại giao thân thiện thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc trong bối cảnh vấn đề chủ quyền lãnh hải đang được tranh luận rất sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế và trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan như đã đề cập ở trên. Xin được nói thêm là "Công hàm" của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như không có một dòng chữ nào thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Quốc. Nội dung Công hàm chỉ nêu:
  Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; 
Hai là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. 
  Mà sở dĩ thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa là vì hai quần đảo theo xác định là nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, thuộc sự quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. 
  Như vậy qua đây có thể thấy được, trong bối cảnh lịch sử “phức tạp và cấp bách” trong thời điểm 1958, để giữ vững được chế độ mà chúng ta vừa giành được ở Miền Bắc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của những nước trong hệ thống XHCN, Đảng ta đã đưa ra một quyết định khó khăn đó là “Công hàm 1958” của thủ tướng Phạm Văn Đồng thông qua đó mở đường giữ vững được chế độ XHCN, xây dựng và giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước sau này. 
  Vậy mà trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch bằng những lời lẽ xuyên tạc, chúng vu cho “Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh bán biển đảo cho Trung Quốc”.Đó là những luận điệu vô căn cứ, luận điệu của bọn phản động, chúng ta cần cảnh giác với chúng, không để chúng làm giảm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, bôi xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc Việt Nam. 
Khểnh - Trích từ Dân Lầm Than


No comments:

Post a Comment