Saturday, March 1, 2014

NGÔI MỘ PHÁT 18 ĐỜI


Ngôi mộ phát 18 đời thượng thư: Những thăng trầm của dòng họ Trần Đình làng Hà Trung
Tác giả : GS Nguyễn Lý-Tưởng



  Địa lý phong thổ là một trong những môn học của Đông Phương, đặc biệt, người Trung Hoa thường nghiên cứu và tin tưởng vào sự ứng nghiệm của phong thổ, địa thế, hướng nhà, mồ mả người chết... Họ cho rằng những yếu tố đó có ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của những người liên hệ: Chủ nhà, chủ đất hoặc con cháu người chết...

   Tôi thường đi đó đây, nghe được nhiều chuyện về địa lý, phong thổ, đọc được những tài liệu về các dòng họ có tên tuổi trong lịch sử, hoặc được ghi chép qua gia phả, sử sách. Dòng họ nào cũng có nơi phát tích, cũng có những câu chuyện được truyền tụng trong con cháu, trong nhân dân, nơi sinh quán của mình. Những câu chuyện đó có mục đích chứng minh rằng các nhân vật nổi tiếng trong sử sách và mồ mả của họ hoặc “chính” hoặc “tà” đều chịu ảnh hưởng bởi địa lý, phong thổ và mồ mả tổ tiên của họ.

   Địa lý phong thổ đúng hay không là do niềm tin của mỗi người. Nhưng đối với người Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam... từ vua chúa đến thường dân, người ta vẫn tin điều đó. Dòng họ nào từ bình dân mà phát lên vương hầu cũng đều có một huyền thoại về địa lý phong thổ.

***

Chuyện kể rằng:

   Vào một thời xa xưa, tại làng Hà Trung có một gia đình nghèo, gồm hai vợ chồng và một đứa con trai. Ông bà đã sống một cuộc đời hiền lành, đơn sơ, vô tội, làng xóm ai cũng thương. Trong làng có ông lý trưởng cũng là người tốt, thấy ông bà nghèo, thật thà nên cho ông bà và đứa con trai đến ở trên rẫy đất của ông mới khai phá ở vùng cận sơn, để canh giữ hoa màu cho khỏi thú rừng đến quấy phá.

   Khi phá rừng làm rẫy, ông lý trưởng đã chặt hết cây cối chỉ chừa lại hai cây gỗ lim thật lớn, cành lá sum xuê che kín cả một khu vườn. Ông bà và người con trai đã dựng một túp lều tranh dựa vào gốc cây để ở.

   Bỗng một ngày nọ, có hai người khách từ phương xa đến, mỗi người mang một cái túi vải màu xanh ở trên vai. Hai người khách suốt ngày đi qua các suối, đồi, ngắm chỗ này, xem chỗ nọ như đang đi tìm một vật gì... Đến tối, hai ông khách lại tìm vào nhà ông bà xin ngủ lại.

   Ông bà suốt đời chẳng khi nào có khách đến chơi, nhất là khách trông có vẻ sang trọng giàu có như hai ông này, nên ông bà rất mừng rỡ, lo đi nấu cơm cho khách ăn.

   Nhà nghèo, không biết lấy gì đãi khách, chỉ có mấy quả trứng gà trên tổ, ông bà đem luộc để làm thức ăn mời khách... Trong nhà chỉ có cái giường tre và một chiếc chiếu, ông bà nhường cho khách nằm, còn mình và cậu con trai thì lót ổ rơm nằm ngủ trên nền nhà bằng đất. Khách trả tiền, ông bà nhất định không lấy, xem việc khách đến nhà như là đại phước cho mình.

   Sáng hôm sau, khách từ giã ra đi, lòng còn quyến luyến... Nhưng đến chiều tối, ông bà bỗng thấy khách trở lại, xin trọ qua một đêm nữa. Ông bà lại nấu cơm và bắt gà làm thịt đãi khách, vì hôm qua đã luộc trứng cho khách ăn rồi nay không còn gì làm thức ăn, chỉ còn con gà duy nhất...

   Hai ông khách suốt đêm trằn trọc không ngủ được, nằm suy nghĩ về tấm lòng hiếu khách của một gia đình nghèo, nơi chốn xa xôi hẻo lánh, suy nghĩ về kế hoạch đi tìm ngôi mộ kết phát vương hầu của vùng này...

   Hai ông khách chính là hai ông thầy địa lý bên Tàu sang, nghe tiếng vùng này có chỗ đất tốt nên tìm đến xem. Tìm mãi không thấy, chỉ biết có một chỗ đáng nghi ngờ, đó chính là nơi ông bà đang ở, nơi lều tranh bên cạnh gốc cây lim này. Muốn chiếm lấy chỗ đó cũng khó vì đã có người làm nhà ở đó rồi!

   Hai ông khách thất vọng, hôm sau dậy sớm để lại mấy nén bạc dưới chiếu để trả ơn rồi lặng lẽ ra đi. Ông bà và người con trai thức dậy, thấy khách đã đi xa; cuốn chiếu dọn giường thì thấy có vật gì sáng loáng để lại dưới chiếu. Nhà nghèo, có bao giờ thấy hình thù nén bạc ra sao đâu, nên ông bà vội vã sai con đuổi theo khách để trả lại hai nén bạc mà khách để quên hôm qua.

   Người con trai chạy đến bến đò thì may quá, hai ông khách còn ngồi uống nước trong quán đợi... anh ta bèn trao trả hai nén bạc... nhưng hai ông khách không lấy, khách muốn trả ơn... Khách giải thích thế nào, cậu con trai cũng không chịu nhận.

   Hai ông khách nghĩ bụng trên đời chưa ai có lòng tốt như hai ông bà nghèo khó kia. Thôi, có lẽ chỗ đất kết phát này trời dành cho hai ông bà rồi vậy. Suy nghĩ như thế nên hai ông khách đành theo cậu con trai trở về nhà cũ.

   Hai ông khách bèn kêu riêng cậu con trai ra, nói hết sự thật cho cậu biết và dặn:

- Ông sẽ chết trước, bà sẽ chết sau. Ông chết thì sẽ táng tại chỗ đó... Phải đợi giờ linh mới hạ huyệt... Giờ linh là khi nào thấy có người đội nón sắt đi qua thì chôn. Chừng một năm sau đó người mẹ sẽ chết... cũng sẽ được chôn bên cạnh mộ người cha, phải đợi giờ linh... khi nào thấy con cá nhảy lên ngọn cây tre thì hạ huyệt.

   Mấy tháng sau, người cha lâm bệnh và qua đời một cách nhanh chóng. Người con trai bó xác cha vào một chiếc chiếu, nhờ người bạn giúp mình khiêng xác cha đến chỗ đã định sẵn... ngồi đợi mãi không thấy ai đội nón sắt đi ngang qua, chỉ toàn người đội nón lá... Đến trưa, bỗng thấy một người vác cái nồi đồng từ xa đi lại, thấy có đám ma thì đến xem... Người con trai thấy chàng nọ đội cái nồi trên đầu che nắng thì hiểu là nón sắt đây rồi, bèn hạ huyệt chôn cha.

   Một năm sau, mẹ chết, người con cũng mang xác mẹ ra ngồi bên cạnh huyệt để đợi con cá nhảy lên ngọn cây tre thì chôn cất mẹ. Đợi mãi không thấy, bỗng có một đứa chăn trâu từ trong xóm mang một cần câu đi đến, trên cần câu có con cá... anh ta hiểu đây là giờ linh... bèn hạ huyệt chôn mẹ rồi ra về.

(Trích “Đàn Bướm Lạ Trong Vườn” của Nguyễn Lý-Tưởng, 1998, tr. 153-154)
 
   Vào khoảng năm 1995-1996, một người trong dòng họ Trần Đình, hiện định cư tại Nam California, đã đọc truyện ngắn của tôi đăng trên các báo của Hội Đồng Hương Quảng Trị và đi tìm tôi để tâm sự... nhưng mãi đến mùa đông năm Nhâm Ngọ (2002), chúng tôi mới được gặp nhau.

   Đầu năm 2003, tôi nhận được đầy đủ tài liệu gia phả, hình ảnh... liên quan đến dòng họ Trần Đình.

   Trải qua thời gian, câu chuyện về gốc tích dòng họ Trần Đình làng Hà Trung, tổng An Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, có thêm bớt ít nhiều qua lời người kể. Nhưng điểm chính yếu thì giống nhau, “có một ông thầy địa lý đã chỉ cho người họ Trần chỗ đất kết phát...” Điều này đã được chính ông Trần Đình Túc (Thượng Thư, Hiệp Biện Đại Học Sĩ) ghi lại trong gia phả:

   “Đệ Tam Thế (đời thứ ba). Đệ Nhị Phái (nhánh thứ hai):

Trần Văn Khởi, con thứ hai của ông Trần Văn Nghinh.

Mất ngày 24 tháng 12. Mộ tại bản xã (làng Hà Trung), Lãng Phao xứ.

Nguyên phối: Tạ Thị Liêu người làng Hà Thanh (Quảng Trị).

Mất ngày 26 tháng 5. Mộ táng tại Lãng Phao xứ. Phu Thê hợp táng (mộ đôi)...”

   “Sự trạng ngài Trần Văn Khởi: Ngài vốn người thành thật, chăm việc điền viên. Một hôm có hai thầy địa lý, một người là Lê Phúc Hoàn, người làng Xuân Mai, tỉnh Nghệ An; người thứ hai là Trương Đình Thận, người làng Cao Lao, tỉnh Quảng Bình, nhân đi coi địa lý thường nghỉ lại nhà ông. Đến khi ra đi, hai thầy ham coi sơn thủy vui cảnh lâm tuyền, bỏ quên túi bạc lại. Hai ông bà lật đật đi tìm, đưa trả túi bạc lại. Hai ông thầy cảm phục tấm lòng trung hậu nên chỉ cho chỗ đất tốt ở xứ Lãng Phao và có dặn rằng: Ngày sau ông bà trăm tuổi, bất luận ngày tháng nào, cứ theo hướng ấy mà hợp táng, thì con cháu đời đời hưởng phúc ấm no vô cùng. Nói rồi, hai thầy từ biệt ra đi. Sau y phép ‘hợp táng’ ấy là đất phát phúc họ ta kể từ đó.”

   Tương truyền ông thầy địa lý có cho hai câu thơ:

Bao giờ núi nọ hết cây,

Sông kia hết chảy, họ này hết quan.

Bao giờ rắn sắt bò ngang,

Tây kia kéo lại, hết quan họ này.

    Sự việc người Pháp làm đường xe lửa (rắn sắt) ngang qua khu mộ song táng ngăn chặn dòng suối chảy qua vùng này, sông đã cạn thành lạch nhỏ và rừng rú ở đây cũng thành đồi trọc do đồng bào phá rừng, khai hoang để trồng trọt... năm 1945 trở về sau, con cháu dòng họ Trần Đình, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, vẫn có người đỗ đạt (cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư, v.v..) nhưng không có ai giữ chức vụ lớn trong chính quyền như tổ tiên của họ trước đây.


 Những đóng góp của dòng họ Trần Đình đối với lịch sử

   Dòng họ Trần Đình đã đóng góp nhiều công lao lớn trong việc bảo vệ và mở mang đất nước, dưới thời các chúa và các vua nhà Nguyễn.

Các vị tổ của dòng họ Trần Đình rất nổi tiếng trong lịch sử như ông Trần Đình Ân (tổ đời thứ 6), Trần Đình Khánh (tổ đời thứ 7), Trần Đình Hy (tổ đời thứ 8), Trần Đình Túc (tổ đời thứ 11), Trần Đình Phát (tổ đời thứ 12)...

Những người này đã làm đến nhất phẩm triều đình, tước Thượng Thư hay giữ những trọng trách lớn mà sử sách còn ghi lại. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin đặc biệt giới thiệu hai vị tổ dòng họ Trần Đình được biết đến nhiều nhất qua sử sách là ông Trần Đình Ân và ông Trần Đình Túc:

a/. Ông Trần Đình Ân: Nhà quân sự kiêm chính trị

Ông Trần Đình Ân (1626-1706), tổ đời thứ sáu, làm Tham Mưu cho chúa Nguyễn, trải qua bốn đời chúa:

* Thượng Vương Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) thường gọi là chúa Thượng.

* Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) thường gọi là chúa Hiền.

* Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Trăn (1651-1691) thường gọi là chúa Nghĩa.

* Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) thường gọi là chúa Minh hay Quốc chúa.

Ngoài 70 tuổi, ông đã hai ba lần xin về hưu mà chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn lưu dụng. Ông qua đời năm 81 tuổi và được an táng tại làng Hà Trung, quê hương của ông.

   Năm 1672, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương), Trịnh Căn đem 100,000 quân, rước vua Lê vào đánh chúa Nguyễn, phao tin quân Trịnh có 180,000. Trần Đình Ân đã hiến kế ngăn chận được quận Trịnh.

   Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên ghi lại: “Năm Nhâm Tý (1672), tháng 6, họ Trịnh cử đại binh đến xâm lấn. Trịnh Căn làm nguyên soái thủy quân, Lê Thời Hiến làm thống suất bộ quân, lãnh quân 10 vạn, nói thêm lên là 18 vạn, chia đạo cùng tiến. Trịnh Tạc rước vua Lê đi tiếp ứng.”

(Trích Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1962, tr. 115)

Thấy thế lực quân Trịnh rất lớn, Chúa Nguyễn chọn hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Hiệp (Tôn Thất Hiệp), làm nguyên soái và nói với các tướng:

- Quân giặc nhiều, quân ta ít, thế không địch được, các khanh hãy trình bày xem nên đánh thế nào?

Cai cơ Tống Đức Minh thưa rằng:

- Quân Trịnh vào sâu, lợi ở sự đánh chóng, ta cứ hào sâu lũy cao, giữ mãi để quân nó nhụt chí. Vả việc đánh thành là tai vạ của nhà binh. Quân Trịnh tiến đánh không được, lương thực không tiếp tế được, thế tất sẽ phải nhân đêm trốn đi, ta thừa thế đánh, một tiếng trống là phá được.

Chúa còn cho là khó.

   Trần Đình Ân mật thưa rằng:

- Thần liệu tính quân Trịnh không có tới 10 vạn mà phao lên 18 vạn là dối trá.

   Việc binh cần có tiếng trước rồi mới đến sự thực. Hai nước đánh nhau tất có gián điệp. Xin phao lên là quân ta có 16 vạn và tuyển thêm người cường tráng 10 vạn nữa, tất cả 26 vạn, do chúa tự làm tướng thân chinh, để cho bọn gián điệp về bảo nhau. Thế gọi là việc binh không kiêng quyền biến.

Chúa cho là phải.

Tức thì sai quan chia đi hai xứ để tuyển binh, và răn rằng:

- Nếu chậm không kịp kỳ hạn ra quân thì lấy quân pháp trị tội.

Ngày Ất Mùi, chúa thân đốc suất đại quân thủy bộ đều tiến. Sai đội Hữu binh cơ Tam thủy giữ cửa biển Tư Dung, đội Hậu thủy giữ cửa Eo, cơ Hậu thủy giữ cửa Minh Linh (cửa Tùng), huy động hết hương binh năm huyện bày đóng ở bờ biển Trường Sa. Từ đấy tiếng quân lừng lẫy, lòng người mới yên...

(Trích Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Sđd, tr. 116)

   Trần Đình Ân làm quan trải bốn triều chúa Nguyễn, được chúa tin cậy, năm Giáp Tý (1684) được thăng Cai Bạ, năm Quý Tỵ (1689) được thăng Cai Bạ Phó Đoán Sự. Năm Giáp Ngọ (1700) được thăng Tham Chính Chánh Đoán Sự. Năm Quý Mùi (1703), ông đã 78 tuổi, xin về hưu mà chúa Nguyễn Phúc Chu không cho, giữ lại đến hai, ba lần, mãi đến tháng 8 năm đó mới được. Khi vào tạ, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho bài thơ viết vào vải lĩnh trắng, trao cho ông. Bài thơ như sau:

“Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhân, ngự chế thơ và tựa, sắc cho Tham Tri Chánh Đoán Sự Đông Triều Hầu Trần Đình Ân từ chức về làng. Khanh trải bốn triều, quốc chính triều cương, có nhiều công lao. Bề tôi siêng năng, duy khanh hơn cả. Lại tính hay nhún nhường êm dịu, vui đạo thích lành, cho nên lan quế thơm tho, một nhà vinh hiển. Tuổi gần 80, mà chưa suy hèn, thực là phúc thọ của nước nhà ta. Nay vì mến đạo ưa tĩnh, từ quan chức về làng, ta hai ba lần cố giữ mà cuối cùng không cản được chí. Khi từ biệt ra về, ta đặc cách ban cho 10 mẫu ruộng và 10 lính hầu, dùng để dưỡng lão. Sợ thế chưa phỉ lòng ta, nên tặng một bài thơ thất ngôn để trọn ý ta vậy. Thơ rằng:

(Phiên âm Hán văn):

Bình sinh trì thiện tính tinh thuần.

Tán phụ ngô triều tứ thế nhân.

Chính nghiệp dĩ thành từ tử thụ.

Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần.

Hi hi hạc phát đồng Thương hạo,

Nghiễm nghiễm tiên phong diệc Hán thần.

Thử khứ Quảng Bình hà sở sự,

Thanh sơn lục thủy lạc thiên chân.

(Dịch ra Việt):

Suốt đời giữ thiện tính tinh thuần,

Giúp đỡ triều ta trải bốn đời.

Sự nghiệp đã thành, trả giây ấn tía,

Đạo tâm thường hiện, lánh cõi bụi hồng.

Tóc bạc phơ phơ giống bốn hạo núi Thương (1)

Dáng tiên nghiêm chỉnh như (Trương Lương) nhà Hán.

Nay về Quảng Bình thì làm việc gì?

Non xanh nước biếc, vui hưởng tính trời.

(Trích Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sđd, tr. 160-161) 

Chú thích:

(1) Ý nói đến bốn ông già trên 80 tuổi trốn vào núi Thương Sơn để tránh loạn cuối đời Tần, sau Hán Cao Tổ mời không ra. Râu mày đều bạc nên gọi là tứ hạo.

Bài thơ này được ông Trần Đình Túc dịch ra thơ Việt như sau:

Tính khí ôn hòa giữ mực trung,

Bốn triều giúp việc biết bao công.

Thành công mới chán màu thao tía,

Mộ đạo nên xa chốn bụi hồng.

Thương hạo bạc phơ hai mái tóc,

Hán thần vui thú một tơ đồng.

Chuyến này về xứ làm chi đó?

Nước biếc non xanh thỏa tấm lòng.

(Trích từ Gia Phả họ Trần Đình do ông Trần Đình Túc biên soạn)

Ngoài ra còn có bản dịch khác của của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung và Nguyễn Lý-Tưởng (Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, bản dịch, trang 246 nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974) như sau:

Dịch nghĩa:

Thuở bình sinh chăm giữ việc thiện, tính khí trong sạch thuần khiết.

Giúp đỡ triều ta trải qua bốn đời.

Sự nghiệp chính đã thành, từ chối không nhận đai lưng màu tía.

Lòng đạo đức trong tâm hồn thường biểu lộ ra, lui bỏ chốn hồng trần.

Tóc bạc phau phau giống như các bậc ở núi Thương Sơn.

Dáng tiên uy nghi như tôi thần nhà Hán.

Lần này ra Quảng Bình sẽ làm việc chi?

Chắc cũng là tu hành ở chốn núi xanh, nước trong, vui với cõi trời đất chân lý ấy thôi.

Dịch thơ:

Xưa nay tánh thiện vốn trong thuần,

Trải bốn triều giúp đỡ thế nhân.

Đai tía không màng khi mãn sự,

Đạo lành thường giữ lánh dương trần.

Phau phau tóc trắng dường Thương Hạo,

Lẫm lẫm vóc tiên tựa Hán thần.

Ra Quảng phen này còn lắm việc,

Non xanh nước biếc mặc xoay vần.

(Xin lưu ý: huyện Minh Linh ngày xưa thuộc tỉnh Quảng Bình, sau đổi tên là phủ Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Hiện nay vẫn lấy tên huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trong bài thơ có câu “Lần này ra Quảng Bình” có ý nói đến làng Hà Trung, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bây giờ).

   Ông về làng lập chùa Bình Trung và khắc bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông vào bia đá trước chùa, đến nay vẫn còn.

   Qua nhận xét của chúa Nguyễn Phúc Chu, “Bề tôi siêng năng, duy khanh hơn cả,” chúng ta biết Trần Đình Ân là vị công thần bậc nhất, được gần gũi các chúa Nguyễn và bàn bạc nhiều điều ích quốc lợi dân, hợp ý chúa.

   Trước khi về hưu, Trần Đình Ân đã tiến cử Nguyễn Khoa Chiêm thay thế ông. Nguyễn Khoa Chiêm cũng là con rể của ông, và là một nhân tài của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Ông có viết sách “Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí” rất có giá trị. (Xem sách “Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai” của Nguyễn Lý-Tưởng, xuất bản năm 2003, tr. 181)

Ông Trần Đình Ân mất năm Bính Tuất (1706) thọ 81 tuổi, được tặng tước “Đôn Hậu Công Thần Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử, Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh” tên thụy là “Thuần Thiện,” được cấp 10 người phu coi mộ và 30 mẫu ruộng để tế tự. Năm 1825, vua Minh Mạng tặng cho ông chức “Cảnh Lượng Chi Thần” và cho phép dân xã Hà Trung được thờ phụng trong đình làng như một vị thần của xã.

b/. Ông Trần Đình Túc: Nhà quân sự kiêm chính trị, ngoại giao

   Ông Trần Đình Túc (1816-1899), tổ đời thứ 11, là người viết lại gia phả họ Trần Đình, còn lưu giữ cho đến bây giờ.

   Ông sinh năm 1816 dưới thời vua Gia Long tại làng Hà Trung, Gio Linh, Quảng Trị.

Năm lên 10 tuổi, cha mất sớm, là con trưởng, phải vừa học vừa giúp mẹ, đi buôn để nuôi các em. Năm 17 tuổi, đã ghi danh thi Hương (Cử nhân) nhưng không đậu. Năm 1840 dưới thời vua Minh Mạng, ông được vua gia ân cho vào hàng ấm sanh và được học tại Quốc Tử Giám.

   Hai năm sau, 1842, dưới thời vua Thiệu Trị, ông thi đỗ cử nhân khoa Nhâm Dần (1842), năm đó ông 26 tuổi, được bổ làm hành tẩu Sử Quán, một chức quan nhỏ. Ba năm sau, 1845, ông được bổ đi làm tri huyện tại Bất Bạt (Sơn Tây), dưới quyền của quan tổng đốc Nguyễn Đăng Giai. Năm 1847 (Tự Đức nguyên niên) ông được về làm Nhiếp Biện tại Phủ Quốc Oai dưới quyền của Án sát Phạm Chi Hương. Hai ông Nguyễn Đăng Giai và Phạm Chi Hương đều khen Trần Đình Túc là người siêng năng làm việc, tánh nết ngay thẳng và đề nghị lên vua ân thưởng. Sau đó, ông được về làm Chủ sự bộ Hộ và được trao công tác “tiếp đón Sứ nhà Thanh.”

   Năm 1850, ông được bổ Tri phủ Vĩnh Tường dưới quyền của Tổng đốc Ngụy Khắc Tuân, cũng được khen là “mẫn cán.” Năm 1853, thăng Quản đạo Phú Yên (coi một tỉnh nhỏ).

   Năm 1854, ông xin về nuôi mẹ già.

   Năm 1856 ông được vua đòi ra phụ trách việc quân ở Đà Nẵng với chức Quảng Nam Quân Thứ Bang Biện và được vua gọi về kinh đô để bàn về việc cơ mật rồi được phái đi thương thuyết với Pháp. Vua biết rõ mẹ của ông ở nhà đau ốm nên ban cho sâm, quế, tiền bạc và gạo, và ra lệnh cho quan địa phương phải thường lui tới thăm hỏi... Năm 1857, ông được về nhà lo cho mẹ.

   Năm 1859, nhân việc quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, vua ban cho ông tước “Hồng Lô Tự Khanh” sung “Biên Hòa Quân Thứ Tán Tương.” Nhưng vừa lên đường nhận chức thì Biên Hòa bị Pháp chiếm rồi nên phải cách lưu... (mất chức). Năm đó, mẹ ông mất, vua cho ông được về nghỉ ba tháng để lo tang mẹ.

   Năm 1862, vua cho ông làm “Biện Lý Bộ Hình.” Ông tâu xin mộ dân khẩn hoang tại hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, năm 1865, vua cho ông làm “Dinh Điền Sứ,” ông cho đào vét sông Vĩnh Định (Quảng Trị), Hà Trung, Hà Trử (Thừa Thiên); đắp đập Hưng Bình Giang (Truồi, Thừa Thiên) và đập Hà Trung (Thừa Thiên), khai mỏ Sơn Phàng và Lưu Biêu, được thăng Thị Lang.

   Năm 1868, ông được cử đi Hương Cảng (Hong Kong) công tác, khi về được làm Tuần phủ Hà Nội rồi qua phụ trách Quân Thứ 3 tỉnh Sơn-Hưng-Tuyên để lo về việc quân. Thời gian này ông sống ở miền núi, khí hậu khắc nghiệt nên bị bệnh... Vì thế, vua cho về làm Dinh Điền Sứ...

   Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương. Vua Tự Đức cho ông làm Tổng Đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình) cùng với Nguyễn Trọng Hợp (Tuần phủ Hà Nội) đi thương thuyết với Pháp, đòi trả lại thành trì. Việc thành công, ông được thực thụ Tổng Đốc.

   Năm 1880, ông xin về hưu, được thăng Hiệp Biện Đại Học Sĩ.

   Năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, vua Tự Đức phong cho ông làm Khâm Sai Đại Thần, Tổng Đốc, ra Hà Nội thương thuyết với Pháp. Việc bất thành, phải giáng chức. Ông xin về hưu, được vua cho ăn nửa lương.

   Năm 1883, sau khi vua Tự Đức mất, xảy ra vụ phế lập tại Huế, vua Hiệp Hòa lên ngôi, quân Pháp đánh vào cửa Thuận An, bắt triều đình phải ký hòa ước chấp nhận các điều kiện của Pháp đưa ra. Lúc bấy giờ ông đã về hưu (67 tuổi), vua vẫn gọi ông ra, phong cho làm Lễ Bộ Thượng Thư, Khâm Mạng Đại Thần để đi thương thuyết với Pháp.

   Ngày 23 tháng 7 Quý Mùi (25 tháng 8, 1883), tại Huế, đại diện Pháp là Harmand và De Champeaux; đại diện Việt Nam là Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp ký kết hòa ước gồm 27 khoản, thường gọi là hòa ước Quý Mùi hay là hòa ước Harmand.

   Năm 1898, vua Thành Thái ban cho ông được thực thụ hàm “Hiệp Biện Đại Học Sĩ.”

   Ngày 1 tháng 11 Kỷ Hợi (3 tháng 12, 1899) ông mất, thọ 83 tuổi (tức 84 tuổi tính theo Âm Lịch), mộ táng tại làng Hà Trung, quê hương của ông. Vua cấp tiền 500 quan để lo việc chôn cất và phong cho ông tước “Lại An Tử,” có quan Khâm Mạng của triều đình đến tế.

   Ông có biên soạn bộ sách “Tiên Sơn Chủ Nhơn toàn tập” gồm thi, văn, sớ, biểu, thư từ... do ông sáng tác, cộng 19 cuốn để lại cho gia đình.

   Khi về hưu, ông ở tại làng Bàn Môn (Truồi), cùng với con cháu lập nên làng An Hà, xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên). Dòng họ Trần Đình từ Quảng Trị vào đây lập nên một nhánh thứ hai tại tỉnh Thừa Thiên.

Theo gia phả họ Trần Đình kể lại:

   Năm 1883, khi ký hòa ước với Pháp gồm 27 khoản, khoản thứ 1, đại ý “Tất cả các nước muốn giao thương với Việt Nam thì phải được sự đồng ý của chính phủ Pháp.” Ông Trần Đình Túc đề nghị thêm, “Tất cả các nước (kể cả Trung Quốc)...” Phía người Pháp thấy không có gì trở ngại nên đồng ý. Nhưng về sau chỉ vì mấy chữ “kể cả Trung Quốc” mà khiến cho Pháp phải gặp nhiều rắc rối với Trung Quốc vì Trung Quốc cho rằng Pháp muốn gây hấn với họ nên phong trào bài Pháp nổi lên rất mạnh ở Tàu. Cũng xin lưu ý một điều này, vào thời điểm 1872-1883, triều đình Huế vẫn còn nhiều người có khả năng và có uy tín, tên tuổi, để đảm trách công tác ngoại giao với Pháp. Ông Trần Đình Túc chỉ là một chức quan nhỏ, chưa lên tới hàng nhất phẩm (đại thần), hơn nữa ông đã xin về hưu rồi. Thế mà vua và các quan vẫn cố mời ông ra làm việc trở lại để nhận một sứ mạng rất khó khăn về mặt ngoại giao, vì thời đó đã biết trước việc thương thuyết sẽ thất bại... Như thế đủ chứng tỏ ông là người có khả năng về ngoại giao...

   Dòng họ Trần Đình có nhiều người làm tới Thượng Thư hay được phong tước “công, hầu, bá, tử, nam” là một trong “ngũ tước” của bậc đại thần. Nhưng không có vị nào được sử sách đề cập nhiều như hai ông Trần Đình Ân và Trần Đình Túc.


Họ Trần Đình thực sự có bao nhiêu người làm quan (thượng thư)?

   Theo bài tựa Gia Phả họ Trần Đình do ông Trần Đình Túc, tổ đời thứ 11, viết như sau:

“Họ ta nguyên người tỉnh Thanh Hóa. Ngài thủy tổ tên là Trần Văn Đông vào đây đến nay đã 13 đời (tính đến 1883), mở mang nghiệp trước, dìu dắt người sau, đời đời thường có người làm nên... ”

Và:

“Công nghiệp sự trạng của các tiền nhân ta đều thấy trong Thực Lục, Liệt Truyện, bia đá bảng vàng và sắc văn, truyền sử, những bậc danh Nho, lương tướng, huân nghiệp rực rỡ, biên chép rõ ràng...”

Ông Trần Đình Túc thi đậu cử nhân, làm đến Tổng Đốc, Thượng Thư Bộ Lễ, Hiệp Biện Đại Học Sĩ tước Lại An Tử, đã ghi lại:

* Ngài thủy tổ đời thứ nhất là Trần Văn Đông, người làng Hà Mác, tổng Du Trường, huyện Hậu Lộc, Phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, năm Canh Thìn (1470) theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, lập làng Hà Trung, được vua phong là Khai Canh.

* Ông Trần Văn Đông sinh ra ông Trần Văn Lại, Trần Công Lệ và Trần Văn Nghinh (đời thứ hai).

* Ông Trần Văn Nghinh (đời thứ hai) sinh ra ông Trần Văn Khởi (đời thứ ba).

* Ông Trần Văn Khởi (đời thứ ba) sinh ra Trần Hữu Ý tức Quang (đời thứ tư).

* Ông Trần Hữu Ý (đời thứ tư) sinh ra: Trần Hữu Chí, Trần Hữu Võ, Trần Hữu Đệ (đời thứ năm).

* Kể từ ông Trần Hữu Chí (đời thứ năm) cháu nội ông Trần Văn Khởi (đời thứ ba) thì dòng họ này bắt đầu phát quang. Trần Hữu Chí làm quan đến Quang Tiến Thận Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, Cai Hạp Lệnh Sử, Văn Minh Hầu tên thụy là Thận Trực. (Tước Hầu là một trong “ngũ tước” tức là bậc đại thần rồi). Từ đời thứ năm trở về sau đều có người làm quan lớn (đúng như lời tiên đoán của thầy địa lý).

* Trần Hữu Chí (đời thứ năm) sinh ra: Trần Hữu Phúc, Trần Hữu Lộc, Trần Đình Ân, Trần Hữu Huệ, Trần Hữu Hiến (đời thứ sáu).

* Trần Đình Ân (đời thứ sáu) là con trai thứ ba của ông Trần Hữu Chí (Văn Minh hầu) làm quan đến chức “Tham Chính Chánh Đoán Sự, Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh,” tước “Đôn Hậu Công Thần” Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh, Đông Triều Hầu thụy Thuần Thiện.” Ông này làm đến nhất phẩm triều đình, là người danh tiếng trong sử sách thời các chúa Nguyễn, đã được phong Thần “Cảnh Lượng Chi Thần,” bài vị được thờ ở đình làng... (như đã trình bày ở trên).

* Trần Đình Ân (đời thứ sáu) có 12 người con trai: Đình Lang, Đình Nhậm, Đình Khánh, Đình Tiến, Đình Thuận, Đình Thoàn, Đình Mão, Đình Cường, Đình Quê, Đình Vơi, Đình Xu, Đình Đệ (đời thứ bảy).

* Trần Đình Khánh (đời thứ bảy) là con thứ ba của Trần Đình Ân, làm quan đến chức “Quảng Nam Cai Bạ Danh Thế Hầu,” là người có tài ăn nói, lý luận, viết văn... Trong 12 người con trai của Trần Đình Ân có đến 6 người làm quan lớn. Ông Trần Đình Khánh mất khi mới 34 tuổi, được tặng Đặc Tiến Kim Tử, Vinh Lộc Đại Phu, Thái Thường Tự Khanh, Thụy Thông Trí cũng còn gọi là “Danh Thế Hầu.” Năm 1825, vua Minh Mạng tặng “Trung Hiếu chi thần.” Năm 1845, vua Thiệu Trị tặng “Trung Hiếu Chi Thần” gia tăng “Liêm Minh Giản Trực Đoan Túc chi Thần,” giao cho làng Hà Trung lập miếu thờ.

   Sách “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên,” quyển thứ 5, từ trang 21b, bản Hán văn, phần nói về Trần Đình Ân có phụ chép về các con của ông Trần Đình Ân là Trần Đình Khánh, Trần Đình Thuận... (bản dịch của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung và Nguyễn Lý Tưởng, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1974, tr. 246) và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, phần nói về chúa Nguyễn Phúc Chu... (bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1962, tr. 156 và 159...) đại ý như sau:

   “Con trưởng của Trần Đình Ân là Trần Đình Khánh có tài, được chúa tin dùng cho làm quan văn tại chính dinh (kinh đô chúa Nguyễn ở Huế), chuyên soạn thảo các văn thư cho chúa Nguyễn. Năm Canh Thìn (1700) Trần Đình Khánh cùng với Nội Hữu Cai Cơ là Tống Phúc Tài đến Quảng Bình và Bố Chánh xem xét hình thế núi sông. Khi trở về, ông xin chúa cho sửa sang thành lũy, cầu cống, đặt sở tuần các nơi, lo giữ những chỗ xung yếu để bảo vệ biên cương. Chúa nghe theo. Năm Tân Tỵ (1701) ông được thăng Cai Bạ tỉnh       Quảng Nam. Tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1702) quân Nguyễn ở Nam Bố Chính bắt được thám tử của họ Trịnh, đem về. Nhân việc đó, tướng Trịnh ở Bắc Bố Chính là Trịnh Huyên (có bản phiên âm là Hoàn) gởi thư trách chúa Nguyễn và có ý muốn gây hấn. Chúa Nguyễn Phúc Chu (tức Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế) sai Trần Đình Khánh viết thư trả lời về việc đó. Trịnh Huyên đọc thư xong bèn bỏ qua không nhắc đến việc ấy nữa.”

   Theo Gia Phả họ Trần Đình thì Trần Đình Khánh là con thứ ba. Nhưng theo sử nhà Nguyễn (Liệt Truyện Tiền Biên) thì Trần Đình Khánh là con trưởng. Có lẽ sử quan nhà Nguyễn đã nhầm lẫn.

   Ông Trần Đình Khánh làm quan ở Quảng Nam có tiếng là thanh liêm, được chúa Nguyễn Phúc Chu tặng cho câu đối như sau:

“Tài phú xuất ư Quảng Nam ỷ khanh thiên lý thi cam vũ;

Mưu do kiến ư Hoàn Nội vi ngô nhất quốc tác can thành.”

(Của cải sinh nhiều ở Quảng Nam, nhờ khanh mà muôn dặm được mưa ngọt; Mưu cơ thấy ở Hoàn Nội, vì một nước ta mà làm tướng giữ cõi bờ)

Chữ “can thành chi tướng” dịch là “ông tướng giữ cõi bờ” (ông tướng gánh được việc giữ nước nhà).

* Trần Đình Thuận (con Trần Đình Ân) cũng được phong chức Cai Bạ Phó Đoán Sự trông coi Tướng Thần Lại Ty (Bộ Lại)... Theo Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên quyển thứ 5, trang 25a, bản Hán văn, phần nói về Trần Đình Ân có phụ chép về Trần Đình Thuận... và theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên phần nói về chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế), bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1962, tr. 159: “Tháng 3 năm Quý Mùi (1703) chúa (Nguyễn Phúc Chu) sai quan Ngoại Tả Chưởng Dinh là Trần Đình Diệu và văn chức là Trần Đình Thuận (con Trần Đình Ân) đốc xuất quân lính đắp kè ở kênh Hà Kỳ, từ xã Lai Cách đến xã Thủy Liên gồm 5 cái để tiện việc liên lạc vận tải tàu bè. Một tháng thì xong việc, được thưởng vàng, bạc...” (Xem thêm: Đại Nam Liệt Truyền Tiền Biên, bản Hán văn, quyển 5, tr. 25b. Bản dịch của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung và Nguyễn Lý-Tưởng, nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974, tr. 249). Năm Giáp Thân (1704) được thăng Đô Tri. Tháng 11 năm Bính Tuất (1706), được thăng Cai Bạ Phó Đoán Sự trông coi Tướng Thần Lại Ty (Bộ Lại). (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Viện Sử Học Hà Nội dịch, 1962, tr. 163)

* Trần Đình Ninh tức Hy (đời thứ tám) là con trai ông Trần Đình Khánh. Theo “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” quyển 5, tr. 25b bản Hán văn và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên quyển X về chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế) (bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, tr. 201) cho biết: “Con Trần Đình Khánh là Trần Đình Hy làm quan đến Cai Bạ tỉnh Bình Thuận. Năm đầu đời Hoàng Đế Thế Tông (Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế tức chúa Nguyễn Phúc Khoát) là năm Kỷ Mùi (1739) được thăng Tri Bạ Chính Dinh. Cũng theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (bản dịch của Viện Sử Học Hà Nội, 1962, tr. 214), “Năm Nhâm Thân (1752), Trần Đình Hy (bấy giờ gọi là Thức Lượng Hầu) được cử làm Khâm Sai Thần Sát đi thanh tra các quan ở các huyện, khi về được thăng Hộ Bộ kiêm Binh Bộ.” Ông được tặng tước Trụ Quốc Vinh Lộc Kim Tử Đại Phu, Chính Trị Thượng Khanh, Tham Chính “Thức Lượng Hầu.”

Tờ sắc nguyên văn như sau:

   “Hiện nay khí Xuân nhầm thấm, ta tha thiết nghĩ đến việc chăn dân, nhưng còn lo các quan dinh trấn trái phép vỗ về, các quan phủ huyện ít người giỏi giang, dân tình hoặc vì đó chưa thấm đến dưới. Tuyên bố được ý của ta là trông cậy ở bọn trung thần các ngươi. Vậy đặc mệnh các ngươi đi tuần sát ba huyện trong kinh kỳ và các châu huyện Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh, Lệ Thủy, Khang Lộc, Bố Chính. Phàm quan lại bị người thưa kiện, đều được xét hỏi; quan võ từ cai đội, quan văn từ ký lục trở lên thì tâu lên để định đoạt; đội trưởng, cai án, phủ huyện trở xuống thì chiếu phép xử tội, cốt làm sao cho quan lại trong sạch, xứng với lòng ủy thác của ta.”

   Khi ông mất, được tặng “Đôn Hậu Công Thần, Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Chánh Trị Thượng Khanh, Tham Chánh Thức Lượng Hầu” tên thụy “Cung Thận.”

* Trần Đình Ninh (Hy), đời thứ tám, sinh được 10 người con trai: Đình Thận, Đình Bửu, Đình Hiến, Đình Úy tự Miên, Đình Lân, Đình Khâm, Đình Khôi, Đình Khoan, Đình Niệm (đời thứ chín).

* Trần Đình Thận (đời thứ chín) là con trai trưởng của ông Trần Đình Ninh (Hy) làm Quảng Bình Dinh Ký Lục, được thăng “Triều Liệt Đại Phu, Chánh Dinh Tri Bạ, Duệ Đức Hầu” là người học hành thông thái được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (Thế Tông) rất tin cậy.

(Theo Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, bản Hán văn, tr. 25b... có ghi “Con của Trần Đình Hy là Hiến được hưởng chức Hàn lâm Viện, làm đến chức Ký lục dinh Quảng Nam... Nhưng trong Gia Phả họ Trần Đình không có tên ông này”)

* Trần Đình Thận (đời thứ chín) sinh được 9 người con trai: Đình Lộc, Đình Hậu, Đình Anh, Đình Đệ, Đình Hoài, Đình Trí, Đình Ngọa, Đình Thiêm, Đình Trưng (đời thứ mười).

* Trần Đình Trưng tức Ngãi (đời thứ mười), là con trai thứ chín của ông Trần Đình Thận, giữ chức Hiệp Trấn Thái Nguyên, Hiệp Trấn Phú Yên được tặng “Trưng Tường Hầu,” sau thăng “Trung Phụng Đại Phu, Đô Sát Viện Tả Phó Đô Ngự Sử” khi mất, được cho tên thụy là “Trang Khải.”

* Trần Đình Trưng (đời thứ mười) sinh được 4 người con trai: Đình Khanh, Đình Túc, Đình Hanh, Đình Đắc (đời thứ 11).

* Trần Đình Túc (đời thứ 11) là con trai thứ hai của ông Trần Đình Trưng, làm quan đến Tổng Đốc Hà-Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Thượng Thư Bộ Lễ, Khâm Sai Đại Thần, Hiệp Biện Đại Học Sĩ (đã trình bày ở phần trên).

* Trần Đình Hanh (con trai thứ ba của ông Trần Đình Trưng) làm quan Tri phủ Vĩnh Tường.

* Trần Đình Túc (đời thứ 11) sinh được 11 người con trai: Đình Thiện, Đình Thuật, Đình Trần, Đình Triệt, Đình Phát, Đình Võ, Đình Vỹ, Đình Thản, Đình Dậu, Đình Viên, Đình Thành (đời thứ 12).

* Trần Đình Tân (đời thứ 12) con trưởng ông Trần Đình Khanh (anh của Trần Đình Túc) làm đến Suất Đội Thủy Sứ (Hà Nội) là một chức quan võ ở địa phương.

* Trần Đình Thiện (đời thứ 12) là con trưởng ông Trần Đình Túc làm đến Tri huyện Trấn Ninh.

* Trần Đình Phát (đời thứ 12) là con trai thứ 6 của ông Trần Đình Túc. Ông Trần Đình Phát làm quan dưới thời vua Thánh Thái và Duy Tân, lên đến Thượng Thư Bộ Hộ, sung Phụ Chính Đại Thần, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước “Lễ Môn Tử.” Ông mất năm 1914 thời vua Duy Tân.

* Trần Đình Thản (đời thứ 12) là con trai thứ 8 của ông Trần Đình Túc làm quan Tri huyện Phú Vang (Thừa Thiên), Tri huyện Tuy Phong (Phan Thiết) tước Hồng Lô Tự Khanh rồi về hưu trí.

* Trần Đình Viên (đời thứ 12) là con trai thứ 10 của ông Trần Đình Túc, làm chức quan nhỏ, Hàn Lâm Viện Điển Tịch tại Quảng Nam.

* Đời thứ 13: Ông Trần Đình Đống (Thị Lang) và ông Trần Đình Kiểm (Tri Phủ) là con của ông Trần Đình Phát (đời thứ 12).

Kể từ ông Trần Đình Phát (con ông Trần Đình Túc) làm đến Thượng Thư, Phụ Chính Đại Thần dưới triều vua Duy Tân (1906-1916) trở về sau, con cháu dòng họ Trần Đình không có ai làm quan lớn nữa. Đa số làm ruộng tại quê nhà.

   Ông Trần Đình Phát và anh em của ông thuộc đời thứ 12. Như vậy dòng họ này chỉ phát từ đời thứ năm (5) với ông Trần Hữu Chí (Văn Minh Hầu) đến đời thứ 12 với ông Trần Đình Phát (Thượng Thư Bộ Hộ, Phụ Chính Đại Thần thời vua Duy Tân): Tất cả có 8 đời.

Nếu kể thêm đời con ông Trần Đình Phát là Trần Đình Đống và Trần Đình Kiểm (làm đến Tri Phủ) thì được 9 đời.

   Từ 1945 trở về sau, không có ai trong họ Trần Đình giữ chức vụ lớn trong chính quyền.

Hiện nay, con cháu ở trong nước cũng như ở hải ngoại, nhiều người học hành đỗ đạt, có người đỗ tiến sĩ. Nhưng họ chỉ là chuyên viên, không có chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Kết luận:

   Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi không thể nói nhiều hơn được mặc dù tài liệu hiện có rất dồi dào. Để kết luận, chúng tôi xin mượn lời của cụ Nguyễn Hữu Bài (Thượng Thư Bộ Lại, Phụ Chính Đại Thần, Phước Môn Quận Công) là người đồng hương, khi đến viếng mộ cụ Trần Đình Phát (Thượng Thư Bộ Hộ, Phụ Chính Đại Thần) tại làng Hà Trung:

Thăm thẳm trên mồ luống những trông,

Hỡi ai dưới đất nhớ tôi không.

Rế khóc thần sầu đầy ngọn cỏ,

Nhện giăng tơ thảm khắp cành thông.

Âm dương phân cách chia đôi ngã,

Nhật nguyệt đôi vầng chẳng đứng chong.

Tri âm, tri kỷ người đâu tá?

Nợ nước hồn thiêng phải gánh chung.

(Nguyễn Hữu Bài)

   Câu cuối cùng: “Nợ nước hồn thiêng phải gánh chung”: Các vị tổ tiên dòng họ Trần Đình, khi còn sống đã chung lo việc nước, lãnh trách nhiệm trước quốc gia dân tộc; nay đã khuất cũng xin phò hộ cho con cháu, cho giang sơn tổ quốc, cho quê hương dân tộc, cùng gánh chung trách nhiệm khôi phục đất nước, xây dựng một tương lai tốt đẹp cho giống nòi.

 

No comments:

Post a Comment