Phe đối lập biểu tình ở Thái Lan tuyên bố sẽ rút lui khỏi các vị trí then chốt ở thủ đô Bangkok và chỉ còn tập trung ở căn cứ cuối cùng tại công viên Lumpini từ ngày 3 tháng 3. Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố rằng phe của ông ta đã đạt được thỏa thuận với chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra về đối thoại được truyền hình trực tiếp, và đó là lí do để ông ta kêu gọi người biểu tình rút lui. Nhưng mọi thứ đâu phải đơn giản là như vậy. Cuộc chiến chính trị diễn ra trên đường phố của Thái Lan mấy tháng qua đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế của đất nước này, số người chết và bị thương cũng lên cao do các cuộc đụng độ của các phe phái biểu tình, cảnh sát và cả những tay súng lạ mặt đã xả súng và ném lựu đạn vào đám đông dân thường tụ tập ở những nơi biểu tình. Chính vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi giờ chính những người biểu tình đã cảm thấy mệt mỏi, chán nản, số người tham gia “cuộc chiến” đường phố ngày càng thưa thớt dần sau những đợt huy động quân số hăng máu để chiếm đóng các trụ sở, tòa nhà của chính phủ. Kết quả là không một chiến thắng trọn vẹn nào diễn ra, những cuộc cãi vã vẫn tiếp diễn, máu thì vẫn đổ, dù phe của ông Suthep có bỏ tiền ra để lôi kéo người biểu tình thì giờ ông ta lấy tiền đâu để lôi kéo, thế nên chẳng vô cớ mà có người bảo rằng phe đối lập đã hết nhẵn túi mà mua chuộc lời nói để gào thét và sức lực để đi biểu tình.
Có thể nói rằng tương lai của cuộc biểu tình này đã quá rõ, tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian, và cả số phận của ông Suthep Thaugsuban cũng chẳng mấy chốc mà “cuốn theo chiều gió” vì rõ ràng trong mấy tháng qua, cuộc biểu tình này là công sức lớn nhất, là những giờ phút huy hoàng nhất trong cuộc đời chính trị đầy tính chất du côn và tham quyền của ông ta, một khi nó đã chấm dứt thì chẳng còn ai hay cái gì có thể ngăn luật pháp Thái Lan đang nóng lòng chờ hỏi tội ông ta vì đã lôi kéo người dân làm loạn để biến cả nước thành một bãi chiến trường. Lúc này đây, ông ta còn có thể duy trì một nhóm biểu tình tại một nơi duy nhất để cố cứu lấy cái thủ cấp chính trị của mình, nhưng vòng vây đã sắp sửa được dựng lại để tóm lấy ông ta, và có lẽ đó cũng sẽ là tấm gương cho nhưng thủ lĩnh các đảng phái chống đối khác còn muốn làm loạn thêm trên đất nước của những nụ cười này.
Ảnh: ông Suthep Thaugsuban phát tiền cho người biểu tình. |
Nhưng ngay cả khi cuộc biểu tình này chấm dứt, thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng sẽ chẳng được để yên khi Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cũng đã chờ để tuyên án bà ta vì tội thiếu trách nhiệm về chính trợ sách giá gạo, cái mà cũng góp phần gây ra tổn thất lớn và tham nhũng cho kinh tế Thái Lan. Một khi điều này xảy ra thì bà Yingluck sẽ có nguy cơ cao mất chức, cái ghế Thủ tướng sẽ lại bỏ trống và lại một cuộc chém giết để đoạt ngôi nữa sẽ xảy ra. Đúng là tránh được “vỏ dưa thì gặp phải vỏ dừa”, bà ấy đã kiềm chế để không gặp phải số phận như tổng thống bị phế truất của Ucraina Yanukovich, nhưng rồi sự nghiệp chính trị của bà vẫn không thoát được cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Dường như những điều này đã phản ánh quá rõ những bất ổn ghê gớm đối với một nền chính trị đa đảng bất đồng, bất hòa với nhau, “thằng nào cũng muốn làm cha, chẳng thằng nào chịu làm con”.
Mọi thứ đang dần trở nên yên ắng, nhưng sự im lặng này sẽ kéo dài bao lâu và sau đó thì cơn giông tố chính trị nào sẽ tràn tới tiếp? Sẽ bao lâu nữa trước khi một cuộc biểu tình mới bắt đầu phá tan đất nước này lần nữa? Đó dường như là câu hỏi mà kể cả người Thái Lan và các quốc gia khác quan sát cuộc biểu tình này bao lâu qua rất muốn tìm câu trả lời.
Hoàng Trường
No comments:
Post a Comment