1. Ăn ngày một bữa.
2. Ngủ đúng giờ.
3. Độc cư, sống trầm lặng, ít nói.
4. Nhẫn nhục thấy nhân quả, xả tâm.
5. Tùy thuận không bị lôi cuốn.
CHÚ GIẢI:
Sáu điều Đức Phật đã dạy trên đây là những hạnh Thánh, chứ người phàm phu không thể sống như vậy được.
1. Ăn, ngày một bữa là Thánh hạnh.
2. Ngủ, đúng giờ là Thánh hạnh.
3. Độc cư, là Thánh hạnh.
4. Nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh.
5. Tùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh.
6. Bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh.
“Ăn ngày một bữa là Thánh hạnh”. Vậy ăn ngày một bữa là Thánh hạnh như thế nào?
Ăn ngày một bữa là ăn vừa đủ để sống, để tu tập, để ly dục ly ác pháp, để xa lìa ăn ngon, ăn bổ, để từ bỏ lòng tham ăn chạy theo dục lạc thế gian, để giữ gìn giới luật nghiêm chặt v.v..
Ăn ngày một bữa có nhiều thời gian rảnh rang nghỉ ngơi không bận lo an uống, vì ăn uống nhiều bữa rất cực nhọc phải nấu nướng, phải nhai nuốt, phải rửa bát chén đũa nĩa v.v..
Ăn ngày một bữa cơ thể ít hoạt động được nghỉ ngơi nhiều, vì thế mà cơ thể ít bệnh tật.
Ăn ngày một bữa cơ thể ít hôn trầm thùy miên vô ký, ít vọng tưởng, giảm bớt sắc dục, thân tâm thường tỉnh thức, siêng năng ít lười biếng.
Cho nên ăn ngày một bữa chỉ có những bậc thánh Tăng, thánh Ni và thánh Cư sĩ mới sống được với thánh hạnh này còn những người thế gian không bao giờ sống được, họ luôn luôn chạy theo dục lạc về ăn uống.
Ăn ngày một bữa là giới thứ chín của người mới xuất gia (Sa Di) vậy mà các vị tỳ kheo tăng Đại Đức, Thượng Toạ, Hoà Thượng không sống đúng giới luật này thì còn mặt mũi nào nhìn những cư sĩ họ đang thọ Bát Quan Trai. Có đúng như vậy không quý vị?
Cho nên ăn ngày một bữa lợi ích rất lớn cho người tu tập theo Phật giáo, vì đó là một phương pháp sống ly tham. Vậy tất các đệ tử của Phật hãy lấy lời dạy này làm thước đo giới luật của giai đoạn đầu. Người nào ăn uống phi thời ngày hai bữa, ba bữa ăn là tu sĩ Bà La Môn, là ngoại đạo. Cho nên vấn đề ăn uống là dễ xác định tu sĩ nào của Phật giáo và tu sĩ nào của ngoại đạo. Có đúng như trên đã nói không quý vị?
“Ngủ, đúng giờ là Thánh hạnh”. Vậy ngủ đúng giờ là Thánh hạnh như thế nào?
Người ngủ đúng giờ là không ngủ sai giờ, giờ nào ngủ là đi ngủ, giờ nào thức là thức. Lúc nào cũng giữ đúng như vậy không ngủ phi thời, vì ngủ phi thời là người biếng nhác, người lười biếng, người không siêng năng.
Ngủ là một tướng trạng si mê, người si mê không phải là người không hiểu biết mà hiểu biết lệch lạc không đúng như thật.
Ví du: Thấy cái bánh hay một ly sữa thơm ngon, béo bổ, nhưng đó là cái thấy sai sự thật, thấy theo tham dục của ăn uống. Nếu thấy cái bánh hay ly sữa đúng là phải thấy cái bánh và ly sữa là món ăn thức uống bất tịnh.
Hầu hết mọi người đều si mê nên thấy sai sự thật. Ví dụ: Thân ngũ uẩn của chúng là thân vô thường thế mà mọi người lại thấy thân này là thường hằng nhưng cuối cùng không có người nào sống lâu được chỉ cao lắm là sống 120 tuổi là chết.
Thấy thân vô thường không thể duy trì sống lâu được nên người ta nghĩ ngay trong thân này còn có một vật thường hằng, đó là cái biết, cho cái biết là tâm nên các tôn giáo gọi tâm là linh hồn, Phật giáo Đại thừa gọi là Thần thức, Thiền Tông gọi là Phật tánh, Bà la môn gọi là Tiểu ngã v.v.. Đó là những si mê của con người chỉ sống trong tưởng mà thôi.
Người còn ham ăn, ham ngủ là người còn si mê. Người còn si mê là người thấy và hiểu biết không đúng như thật nên thường chịu nhiều sự khổ đau do sự hiểu sai.
Ví dụ: Như có người mắng chửi chúng ta. Chúng ta liền tức giận, chính tức giận là vì chúng ta đã hiểu sai, hiểu không đúng như thật. Nếu hiểu đúng sự thật thì phải hiểu nhân quả. Hiểu nhân quả như thế nào?
Hiểu nhân quả là hiểu người kia đang thọ quả khổ tức là đang giận dữ nên mới chửi người khác được, do chửi người khác được nên gieo nhân ác. Như vậy người kia đang đau khổ và đang làm điều ác. Khi hiểu biết như vậy chúng ta khởi tâm thương yêu hay ghét họ? Chắc chắn là chúng ta thương yêu họ. Chúng ta thương yêu họ là thiện hay ác? Là thiện cho nên chúng ta không tức giận, không chửi mắng lại họ. Vì thế chúng ta đã chuyển được nhân quả. Vì vậy chúng ta sống đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.
Cho nên những bậc Thánh không ngủ phi thời, ngủ đúng giờ. Một ngày đêm chỉ nằm nghỉ 30 phút không cần ngủ nhiều như người thế gian vì thế sự hiểu biết của như thật, do tri kiến hiểu biết như thật nên tâm họ ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Họ sống bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Họ là người đã đạt được chân lí cứu kính, luôn sống trong thanh thản an lạc và vô sự.
“Độc cư, là Thánh hạnh”. Vậy Độc cư là Thánh hạnh như thế nào?
Độc cư là phương pháp phòng hộ sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, vì có sống độc cư nên năm dục trưởng dưỡng không sanh khởi được. Do năm dục trưởng dưỡng không sanh khởi được nên tâm ly tham, ly sân và ly si. Do ly tham, ly sân và ly si nên tâm trở nên bất động. Do tâm trở nên bất động chúng ta mới chứng đạt chân lý tức là sống trong trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Đấy quý vị thấy chỉ có một pháp độc cư mà chúng ta tu chứng đạo, dù tu có muôn ngàn vạn pháp mà không sống độc cư thì cũng hoài công vô ích.
Bí quyết thành công của thiền định là pháp độc cư. Đức Phật thường nhắc người sống độc cư như con tê ngưu một sừng.
Độc cư khó lắm các bạn ạ! Ăn ngày một bữa không khó, ngủ ngày 4 tiếng đồng hồ không khó, nhưng độc cư mọi người đều không thể sống nổi. Con đường tu hành theo Phật giáo mà không sống độc cư thì không bao giờ tu tới nơi tới chốn được. Vì có độc cư mới sống cho riêng mình; mới chiêm nghiệm được tâm mình còn tham, sân, si hay hết đã tham, sân, si. Vì có chiêm nghiệm được tâm mình mới ngăn được ác pháp và diệt được ác pháp; vì có chiêm nghiệm được tâm mình mới thấy được tâm mình thanh thản an lạc và vô sự.
Bởi vậy độc cư rất quan trọng cho con đường tu tập theo Phật giáo. Sống độc cư chỉ có những bậc Thánh thoát ly thế tục, nếu không thoát ly thế tục thì không bao giờ gọi là tu sĩ Phật giáo được. Vì thế người tu sĩ được gọi là tu sĩ Phật giáo thì phải cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa sống không gia đình không nhà cửa, sống một mình như con tê ngưu một sừng, sống phải độc cư, độc bộ, độc hành.
Như trên đã nói, không sống độc cư thì con đường tu theo Phật giáo chỉ hoài công vô ích mà thôi. Bởi vậy, độc cư rất quan trọng quý vị ạ! Phải hết mình cố gắng sống độc cư cho trọn vẹn mới xứng đáng mình là đệ tử của đức Phật.
“Nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh”. Vậy nhẫn nhục, xả tâm là Thánh hạnh như thế nào?
Ai cũng biết khi sân giận mà nhẫn được là một việc làm rất khó làm. Phải không quý vị? Nhẫn khó lắm! Phải tu tập rèn luyện tâm mình như đất, như nước, nhờ tâm như đất như nước mình mới nhẫn được. Muốn tâm như đất như nước thì hằng ngày phải tu tập pháp như lý tác ý. Pháp như lý tác ý như thế nào?
Pháp như lý tác ý là pháp tự kỷ ám thị. Ví dụ: “Tâm như cục đất, tâm phải như nước, tâm phải lìa xa, từ bỏ tâm tham, sân, si, vì tâm tham, sân, si là ác pháp là pháp đau khổ”.
Trạng thái tâm nhẫn được là một việc làm thiện rất lớn, trạng thái tâm nhẫn đó tương ưng với cõi trời Đâu Xuất vì thế nó mới được gọi nhẫn nhục là Thánh hạnh.
Ở đây nhẫn nhục là do xả tâm chứ không phải nhẫn nhục do ức chế tâm chịu đựng như người thế gian. Nhẫn nhục xả tâm là do tu tập pháp như lý tác ý và tri kiến hiểu biết các pháp như thật. Nhờ có hiểu biết các pháp như thật nên tâm sân bị triệt tiêu bởi tri kiến của mình. Nếu tri kiến không được học tập để hiểu các pháp như thật thì việc xả tâm chỉ là ức chế và chịu đựng mà thôi.
Cho nên muốn nhẫn nhục thì phải tu học lớp Chánh kiến để cái thấy và hiểu biết không còn lệch lạc, sai trái rơi vào tà kiến. Vì không có Chánh kiến nên con người không xả được tâm, vì thế tâm sinh giận hờn buồn phiền khổ đau.
“Tùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh”. Vậy tùy thuận, không bị lôi cuốn là Thánh hạnh như thế nào?
Tùy Thuận có nghĩa là làm theo ý muốn của người khác tức là không chống lại, không cãi cọ, không hơn thua, không lý luận kích bác, không bài xích, luôn làm theo, thuận theo, nhưng làm theo, thuận theo coi chừng sẽ bị a dua, nịnh bợ. Cho nên tùy thuận làm theo thuận theo mà không bị lôi cuốn vào ác pháp thì mới được gọi là Thánh hạnh.
Tùy thuận có nghĩa là làm vui lòng mình, lòng người mới gọi là Thánh hạnh, còn tùy thuận mà chỉ có làm vui lòng người mà mình rất bực bội thì sự tùy thuận đó không được gọi là Thánh hạnh. Tùy thuận mà bị lôi cuốn vào ác pháp. Ví dụ: Như có người mời chúng ta uống rượu hoặc hút thuốc lá thì chúng ta tùy thuận làm vui lòng họ, do đó chúng ta uống rượu hay hút thuốc lá. Đó là chúng ta tùy thuận mà bị lôi cuốn vào ác pháp. Hành động tùy thuận như vậy không phải là Thánh hạnh. Đó là tùy thuận ngu si trong vô minh, sẽ mang đến cho chúng ta nhiều khổ đau vì bị nghiện rượu và thuốc lá. Rượu và thuốc lá là hai chất độc có thể mang đến cho chúng ta những bệnh tật khó trị.
Cho nên đức Phật dạy: “Tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào ác pháp thì mới được gọi là Thánh hạnh”. Trong cuộc sống hằng ngày biết bao nhiêu điều thường xảy ra, nếu chúng ta không tùy thuận thì chúng ta chống lại, nhưng chống lại thì sinh ra bao điều làm đau khổ cho mình, cho người và cho cả hai. Và vì vậy cuộc đời của chúng ta chẳng được an ổn, lúc nào cũng phải đấu tranh vì vật chất và đấu tranh vì tinh thần.
Người đời sống không biết tùy thuận nên chi họ phải thọ khổ bất tận, chỉ có người tu sĩ Phật giáo mới biết tùy thuận mà không bị lôi cuốn vào ác pháp, vì thế họ hoàn toàn sống với tâm hồn thanh thản an lạc và vô sự.
“Bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh”. Vậy bằng lòng, vui vẻ hân hoan là Thánh hạnh như thế nào?
Người ở đời ít ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, vì thế họ thọ lấy muôn vàn sự khổ đau. Phải không quý vị?
Ví dụ: Hoàn cảnh gia đình mình nghèo ngày bữa cơm bữa cháo, nhưng bằng lòng với hoàn cảnh sống ấy nên tâm mọi người đều được hân hoan và vui vẻ, còn ngược lại thì than thân trách phận của mình sầu khổ.
Bằng lòng còn có nghĩa là vui lòng với mọi hoàn cảnh, với mọi sự việc, với mọi người, với mọi loài thú vật và cỏ cây đất đá, thời tiết nắng mưa gió bão v.v..
Bằng lòng còn có nghĩa là xả bỏ lòng ham muốn, lòng sân hận, xả bỏ các ác pháp, các cảm thọ khổ đau không hề nao núng trong lòng một chút nào cả.
Người tu theo Phật giáo phải thực hiện Thánh hạnh bằng lòng, vì có thực hiện Thánh hạnh này mới thấy con đường giải thoát của Phật giáo là một sự thật. Nếu ai sống được một phút “BẰNG LÒNG” là được an vui một phút, nếu được 2 phút 3 phút hay một giờ, 2 giờ hoặc 1 ngày, 2 ngày hoặc 1 tháng, 2 tháng hoặc 1 năm, 2 năm và mãi mãi thì sẽ được an vui mãi mãi. Đấy là con đường giải thoát của Phật giáo như thật là vậy.
Chỉ có Thánh hạnh bằng lòng như vậy mà được giải thoát cả một đời người tại sao chúng ta không làm được?
Không phải khó đâu quý vị ạ! Chỉ cần quý vị thấy và hiểu biết các pháp vô thường, các pháp không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta là quý vị sẽ sống bằng lòng, vui vẻ, hân hoan. Tất cả ác pháp tham, sân, si trong tâm của quý vị đều buông xả sạch hết.
ĐVXP tập VIII
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
No comments:
Post a Comment