Wednesday, December 31, 2014

Quán xương trắng

Một lần nữa con người vì lầm chấp thân này là thật, là ta, là của ta, là bản ngã của ta nên dính mắc chấp ngã, do chấp ngã mà mọi sự đau khổ đều đổ lên đầu, lên cổ của con người, nhưng mấy ai đã hiểu rõ. Cho nên đức Phật lại dạy chúng ta tư duy quán xét bộ xương trắng của thân con người để được thấm nhuần thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.

Qua bài Ý HÀNH THÂN HÀNH NIỆM này thì chúng ta càng hiểu rõ bản chất của thân người chỉ là một bộ xương trắng màu vỏ ốc và nếu bộ xương này chỉ bỏ ngoài đồng trong hơn một năm sau thì chỉ còn là một đống bột trắng hôi thối rất bẩn chẳng ai dám lại gần:

“Lại nữa, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột; tỳ-kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy”. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo tu tập THÂN HÀNH NIỆM”.

Đúng vậy, toàn thân con người gồm từ da, thịt, xương, máu, mủ, đờm dãi đều là đồ bất tịnh hôi thối ghê gớm. Con người chết hôi thối hơn những con vật khác. Ngày xưa bên nước Ấn Độ người ta chết đều đem xác người chết bỏ vào rừng, vì thế những khu rừng ấy gọi là rừng thây ma, hay còn gọi nơi đó là LÂM TÁNG.

Cho nên thời đức Phật các vị Tỳ kheo thường vào rừng thây ma mà quán thân bất tịnh trương phồng hôi thối v.v…

Đó là một phương pháp quán thây ma rất thực tế mà chỉ có nước Ấn Độ có mà thôi, còn bây giờ thì sao?

Vì cả một thế giới nhiều nước đều hợp tác với nhau để giữ gìn vệ sinh chung, môi trường sống của loài người luôn luôn phải được trong sạch, nên việc an táng như vậy đều bị Chính phủ nước đó đình chỉ việc chôn cất như vậy.

Hiện giờ các nước đều khích lệ hỏa táng là vệ sinh nhất, nhưng ở Việt Nam còn theo tục lệ địa táng. Cho nên muốn bãi bỏ một tục lệ nào cũng rất khó khăn, vì nó đã ăn sâu vào tư tưởng con người, dù họ biết đúng nhưng chưa bỏ được.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

No comments:

Post a Comment