Hai mươi bốn năm trôi qua nó vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên khi nó cẩn thận gấp bài viết bỏ vào bì thư để gửi đến tòa soạn. Rồi sau đó thi thoảng nó lại gửi bài cho các tạp chí Thế giới trong ta, Hạnh phúc gia đình... gửi và thấp thỏm để rồi thất vọng. Nó biết cái vốn chữ nghĩa của nó nghèo nàn như cái chồng sách đủ các thể loại mà nó gom nhặt được từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng cái sự nghèo nàn đó vẫn cứ thi thoảng âm ỉ bùng cháy trong nó để rồi bị những gáo nước lạnh cuộc sống dội lên không thương tiếc. Với nó nghề báo là một điều ngưỡng vọng. Những người làm nghề báo là những người văn chương đầy bụng, kinh luân đầy bồ trên thông thiên văn dưới tường địa lí, đó là những người không biết cúi đầu trước mọi thế lực đen tối. Thế nên nó vẫn nhìn những đứa bạn học ngày xưa đi vào con đường làm báo một cách nhẹ nhàng mà thèm thuồng.
Đến bây giờ thì nó bỗng hoang mang, báo nhiều quá, nhà báo nhiều quá, đi đâu cũng thấy nhà báo... ra đường gặp một tay húi cua đeo cái xích to như dây xích chó, mặt mũi bặm trợn đang thao thao bất tuyệt ở quán nước vỉa hè, bà chủ khều tay :"Nhà báo X ở tòa soạn Y đấy" , ơ hay kiểu này là phải húi cua, mua xích chó ngay và luôn. Đi thăm người ốm thấy mấy cô em váy ngắn đang cong tớn cái môi lên, bác bệnh nhân đang chờ khám rỉ tai "Cô nhà báo A của tòa soạn Z đấy " , ơ nhìn cũng tàm tạm, liệu có viết bài từ A đến Z không nhỉ ? Hai ví dụ cơ bản để thấy rằng nó là một thằng vô tích sự...
Bây giờ mở mắt ra, nó không còn nghe những âm thanh lảnh lót như cái hồi mới ra HN đi thi, "Báo đê...báo mới đê" của các chú bé gầy gò nhưng nhanh thoăn thoắt, nó lập cập moi mấy đồng bạc lẻ nhàu nát để mua một cuốn nguyệt san HHT, cười với thằng bé một cái đầy ngây ngô, với nó thằng bé kia cũng đang làm nghề báo. Thế mà giờ đây nó chìm ngập trong một đống ngập ngụa báo là báo, có những thứ báo nó chả buồn nhớ tên. Nó lại nhớ một tích truyện đại ý là một câu chuyện khi được viết chuyền qua bảy ngòi bút thì câu chuyện đó hoàn toàn biến mất. Với nó báo mạng bây giờ là vậy. Thậm chí nó đã từng tập tọe làm riêng cho mình một trang tin tức riêng để viết cho sướng. Khổ thay, nó không học nổi cách giật tít câu view nên đành bỏ xó. Đặc biệt là cái đận về quê, nó nhận chỉ thị của mama lắp wifi, cài phần mềm để mama đọc tin tức, hỡi ôi một lô một lốc báo làm nó hoa cả mắt, nó bèn phải giải thích cho mama yêu quý là chỉ nên đọc những báo này này, còn lại bỏ hết, mama nói báo nào chả là báo... Hèn gì mama được phong là "giáo sư biết tuốt". Chỉ biết nói "Báo chí chính thống viết bằng tâm, báo chí lá cải viết bởi tiền, chọn tâm hay tiền là do người đọc" rồi nó giải thích thêm "đấy , có mấy vụ việc ở địa phương đấy, báo chính thống là thế này nhé, còn báo lá cải thì lại ra thế này" . Ô hô , mệt thật...
Có lẽ ấn tượng nhất và khiến nó nhớ nhất là loạt bài "Những việc cần làm ngay" của nhà báo NVL, thoạt đầu nó chả biết ông NVL là ông nào mà thấy người ta bàn tán ghê vậy lúc đó nó còn là thằng bé tóc cháy râu ngô dỏng tai nghe loa truyền thanh xã đọc, các khái niệm chui vào đầu nó và nằm im vì nó đã hiểu cái gì đâu. Đến mãi sau này nó mới biết đó là những bài báo có tính định hướng chiến lược cho tương lai của cả đất nước sau này. Người làm báo trong mắt nó phải là như vậy.
Rồi nó tham gia phây búc là để đọc và để gõ cho đỡ ngứa ngón tay, mặc kệ thiên hạ bình phẩm. Dần dà nó nhận thấy đây là một kênh truyền thông lợi hại không kém gì các báo khác, có khi còn hơn. Nhưng "báo phây búc" là cái mớ hổ lốn bà lằng trăm thứ cạm bẫy. Nó biết nhiều nhà báo hơn, có người có thẻ nhà báo, cũng có kẻ là tự nhận, với nó có thẻ hay không có thẻ không quan trọng, quan trọng là chơi được, làm được, tóm lại là sống được. Sáng nay bất chợt nó nhớ đến hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu:
"Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"
Nghề báo với nó phải là như vậy, người làm báo phải là người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, là người sẵn sàng chết để bảo vệ ngòi bút của mình, là người dùng con chữ để bảo vệ tâm hồn. Chữ viết là cả một nền văn minh nhân loại, kẻ nào dùng nền văn minh đó để hòng bôi bẩn và bẻ cong sự thật là kẻ thù của loài người.
Nghề báo trong suy nghĩ của nó là như vậy.
No comments:
Post a Comment