Friday, June 12, 2015

TỪ THƯ KHEN CỦA TỔNG THỐNG MỸ, NÓI CHUYỆN VĂN HÓA ĐỘNG VIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT!

Động viên bằng lời khen là một nét văn hóa ở Phương Tây. Họ không bao giờ tiếc lời khen ngợi, đặc biệt là trong văn hóa Anh - Mỹ. Họ tin rằng lời khen, lời cảm ơn chỉ mang lại những hiệu quả tích cực, nên họ rất rộng rãi trong việc đưa ra lời khen, lời cảm ơn.

Họ cảm ơn khi người phục vụ nhà hàng mang món ăn ra cho họ, họ cảm ơn khi cô nhân viên phục vụ tiếp khách giúp mang nước ra để tiếp khách, họ cảm ơn khi anh thợ điện thay xong cái bóng đèn trong phòng làm việc bị cháy, họ nói lời cảm ơn về phía nhà bếp sau khi ăn xong ở canteen, họ cảm ơn khi cô nhân viên giúp tìm ra một tài liệu, họ cảm ơn anh tài xế taxi khi trả tiền.

Các bạn có thể thấy trong các phát biểu, từ cấp quản lý đến cấp lãnh đạo, họ không tiếc lời khen ngợi đối với thuộc cấp, với bất kỳ ai đã có thành quả công việc tốt hơn những người khác, hoặc khi ai đó làm được một việc mà những người khác chưa làm được, cho dù đó chỉ là một công việc nhỏ nhoi.Thậm chí ngay cả khi công việc không hoàn thành, họ cũng khen ngợi. Họ khen vì sự nỗ lực, sự cố gắng.

Đỗ Nhật Nam nhận được thư chúc mừng của Tổng thống Obama. Ảnh: Internet
Lý do khiến con người khác với cổ máy, là ở chỗ cổ máy chỉ cần được tra dầu mở và cung cấp đủ nguồn điện là nó chạy. Còn con người thì khác, để một người phát huy hết khả năng, vượt qua được những khó khăn thách thức và chinh phục được những đỉnh cao, thì những sự tưởng thưởng bằng vật chất không thôi là chưa đủ, mà cần phải có những lời khen, sự động viên và sự ghi nhận thành tích kịp thời. Người nào được khen, được cảm ơn cũng cảm thấy phấn khích và do vậy họ có động cơ để làm tốt hơn. Còn người khen thì chả mất gì, chỉ là một câu nói.

Trong văn hóa Việt Nam thì có vẻ như mọi người cho rằng khi khen ngợi ai, cảm ơn ai tức là mình tự hạ mình xuống, nên chúng ta rất ngại cảm ơn, ngại khen ngợi người khác. Chúng ta đặc biệt ngại động viên đồng đội của mình, và với đối thủ của mình thì hầu như là không bao giờ.

Khen đối thủ ngoài yếu tố thể hiện sự cao thượng, tinh thần thượng võ cao cả, nó còn hàm nghĩa tự đề cao mình. Khi ta nói đối thủ hay thì có nghĩa mình cũng hay, khi ta nói đối thủ giỏi, thì cũng có nghĩa nói ta giỏi hơn (nên ta mới thắng).

Ngay cả trong gia đình, có mấy khi các bậc cha mẹ, anh chị khen con, khen em mình khi bọn trẻ nỗ lực làm một việc gì đó? Chúng ta cho rằng như thế là khách sáo? 

Tôi cho rằng chúng ta lâu nay đã bỏ phí một tài sản tinh thần rất quí giá khi không sử dung lời khen, lời cảm ơn.

Sau khi nổ lực, sự cố gắng để hoàn thành một công việc nào đó, không điều gì quí hơn là nhận được một lời khen của cấp trên, hay một lời cảm ơn từ đồng nghiệp. Điều đó nhiều khi còn quí giá hơn việc tặng thưởng vật chất hay trả công. Trong môi trường công việc, mỗi khi có việc làm việc với các sếp khách hàng, tôi luôn nhắc họ phải tận dụng mọi thời cơ để khen và cảm ơn nhân viên.

Tại các cuộc họp giao ban, những lời khiển trách và phê bình thường không phát huy hiệu quả bằng những lời khen ngợi, động viên đúng người đúng việc. Nhưng nhiều sếp thì chỉ toàn chê bai, chỉ trích nặng lời, mà chẳng bao giờ chịu khen ngợi hay động viên nhân viên.

Có người nói với tôi rằng, "Nhưng mà anh em không làm gì tốt cả thì làm sao mà khen". 

Tôi nói, "Ngay cả khi kết quả của tất cả đều kém, không được như mong đợi, thì tôi cũng sẽ khen những cá nhân, tập thể làm ít kém hơn những người khác. Lời khen đó là để động viên họ lần sau làm tốt hơn".

Lời khen không chỉ có giá trị với người, tập thể được khen, mà cũng có hiệu quả với những người chưa được khen. Vì họ sẽ phấn đấu để lần sau được khen trước tập thể. Ai mà không thích được khen?

Nói lời khen thì không mất gì mà lại mang lại hiệu quả tích cực như thế, thì tại sao mọi người lại kiệm lời khen thế?

Hoàng Trường

No comments:

Post a Comment