Tại sao mỗi khi người thân, bạn bè gặp chuyện thị phi, lo nghĩ, bấn loạn hay tức giận, chúng ta thường động viên "HÃY BÌNH TÂM"?
Đơn giản là bởi TÂM BÌNH THÌ THẾ GIỚI BÌNH, nếu tâm ta bình an thì ta sẽ thấy thế giới quanh ta cũng bình an.
Hạnh phúc không phải là danh vọng, là vật chất mà chính là sự thanh thản, lắng động trong tâm hồn. Khi thanh thản, chúng ta sẽ làm tròn nhiệm vụ với cuộc đời và những ham muốn tầm thường tự nhiên sẽ buông bỏ dần dần.
Trong cuộc sống, nhất là với cơ chế thị trường hiện nay, nhiều người cho rằng giàu sang, đẹp đẽ mới hạnh phúc. Để rồi vì chạy theo danh vọng, tiền tài mà tự thân sẽ không thấy mình bị khiếm khuyết về nhân cách, đổ vỡ về đạo đức, bởi càng thành công thì càng kiêu ngạo, càng không tin hiểu chuyện nhân quả, nhiều khi lại gian dối và thủ đoạn, phải đánh đổi đạo đức để đạt và giữ được sự thành công tạm bợ đó. Xu hướng hưởng thụ, hư hỏng sẽ xuất hiện, kéo theo sự đe doạ đối với hạnh phúc gia đình và sự phát triển của xã hội, bởi sự coi thường bất chấp mọi người xung quanh sẽ lớn dần lên...
Nhưng, vẫn có nhiều người hiểu đạo lý, và cả những người cả đời bon chen, sẽ đến lúc nhận ra, sự bình an của tâm hồn mới chính là cái gốc của hạnh phúc, là cái quý giá nhất của cuộc đời. Từ đó, họ mới có thể thực sự bắt đầu cống hiến, đóng góp, phụng sự cho cuộc đời.
Cái gốc hạnh phúc của mỗi người là một nội tâm bình an đạo đức, thứ hai là những cơ hội để ta cống hiến, phụng sự cho xã hội, thứ ba là cái ngọn, là quả báo khi vinh quang, giàu sang sẽ tự đến... Mà người có tâm bình an thì họ ít trông vào cái thứ ba, họ để tâm vào cái thứ nhất và cái thứ hai. Đó lại cũng chính là sự buông bỏ, là sự gieo nhân đầu tiên...
Hầu như tất cả mọi người đều muốn có được sự thanh tịnh tâm hồn trong đời sống của mình, nhưng không phải ai cũng làm được khi chưa tự hiểu, như Phật nói là sự "giác ngộ". Và như vậy thì tâm sẽ luôn xao động dù cho cuộc đời bình yên. Lý do chỉ là do bản thân nghĩ bậy, một là nghĩ xấu về người khác, nhìn đời tiêu cực, hai là luôn tự nghĩ tốt cho mình, đề cao cái tôi cá nhân của mình.
Vật chất quyết định ý thức, nhưng nếu quá đề cao vật chất thì sẽ không bao giờ biết đủ, trở thành nô lệ cho chính những tham vọng bản thân. Nhiều người vì quá đề cao như vậy mà thân bại danh liệt, chí ít cũng khiến tâm không bao giờ được yên, phá vỡ cả sự bình an trong gia đình khi luôn đòi sống thay cuộc sống của mọi người, họ giành giật, chiếm đoạt của cải người khác về cho nhà mình, nói rằng lo cho con cái mà tính ra thì tiêu cả chục đời không hết, không lẽ con cái cháu chắt họ bị thiểu năng nên phải sống thay như vậy?
Đó cũng chính là lý do có nhiều tỷ phú lăn lộn cả đời, về già lại từ bỏ tất cả, hiến toàn bộ tài sản cho xã hội mà không cho con cái, bản thân thì vào chùa tu tập..
Tất nhiên, toạ thiền giữ tâm, chuyên cần chịu khó, nhẫn nhịn theo cách xa lánh cuộc đời, một mình tìm đến nơi thanh tịnh cũng là một sự tiêu cực, bởi nếu ai cũng vậy thì xã hội không bao giờ có thể phát triển được. Nhẫn nhịn không phải là mũ ni che tai, thủ tiêu đấu tranh, mà trong cuộc sống thì "HẠNH PHÚC LÀ ĐẤU TRANH! MỖI NGƯỜI VÌ MỌI NGƯỜI, MỌI NGƯỜI VÌ MỖI NGƯỜI!".
Những người có tâm bình an, họ luôn lạc quan, hoà mình vào cuộc sống, cống hiến không vụ lợi, quý trọng tình cảm, nâng niu từng giọt mồ hôi, từng giọt máu của mọi người, sẵn sàng cứu giúp cả những kẻ thù đã biết sám hối. Nhưng họ cũng có thể không chớp mắt khi phải nghiền nát những kẻ xấu gây hại đến sự bình an của mọi người, của đất nước và dân tộc, như "bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường"...
SỐNG VUI, SỐNG KHOẺ, SỐNG ..CÔNG ÍCH - Đó chính là triết lý sống của người phương Đông, của dân tộc Việt Nam ta, đất nước hiền hoà, yêu mến hoà bình nhưng luôn phải đối đầu với gian khó, đau thương.
Trong xu thế toàn cầu hoá, với những cái gọi là "văn minh phương Tây, giá trị Mỹ" đang ngập tràn hiện nay, để có cái tâm bình an và sống vui, khoẻ, có ích không hề là một điều dễ dàng.
Nhưng khó, không có nghĩa là không làm được, cứ biết rằng luôn cố gắng thôi...
Hùng Mạnh
No comments:
Post a Comment