Nếu ai đó hỏi tôi rằng: "Bao giờ Việt Nam mới bằng được Singapore?" Tôi sẽ phải hỏi lại: "Bạn muốn bằng về cái gì, đặt trong hệ quy chiếu nào?" Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc bạn có đủ hiểu biết và có biết đặt trong hệ quy chiếu khách quan và công bằng hay không.
Một lần, cách đây 7 năm, tôi đã nói: "Sẽ có một ngày, trong thế hệ chúng ta, chúng ta sẽ được sống không kém Singapore ở ngay chính Việt Nam". Khán phòng gần 100 người cười rộ lên và nhìn tôi như người từ hành tinh khác. Nhưng khi nghe tôi phân tích, nhiều người phải thừa nhận là điều đó hoàn toàn có thể sảy ra. Trước khi so sánh, xin lưu ý một vài điểm sau:
Thứ nhất: không thể so sánh Việt Nam, một đất nước với gần 100 triệu dân với Singapore, một quốc gia thành bang với hơn 5 triệu dân. Cần đặt Singapor trong hệ quy chiếu để so sánh là với một thành phố nào đó có quy mô dân số, diện tích và cơ cấu kinh tế tương đương. Với Việt Nam, chúng ta có TP. HCM và Hà Nội là có thể đem ra so sánh với Singapore.
Thứ hai: khi xét về khả năng đuổi kịp về kinh tế, cần so sánh cả về quy mô nền kinh tế theo GDP danh nghĩa và GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), xét ở cả tổng quy mô thị trường lẫn bình quân đầu người.
Thứ ba: để công bằng, cần phải tính đến cả nguồn hỗ trợ được nhận và nghĩa vụ, sự hỗ trợ của quốc gia/thành phố đó đối với đối tượng khác.
Để quý vị không mất quá nhiều thời gian, tôi sẽ chỉ đưa ra những nhận định khái quát và các chỉ số ước tính đã được thừa nhận mà không quá chú trọng đến các con số thống kê chi tiết để tính toán thật chính xác:
Nếu so sánh về GDP thì cả Việt Nam mới tương đương Singapore, trong khi dân số của ta hơn họ khoảng 20 lần. Nếu lấy GDP danh nghĩa tính theo đầu người thì Singapor gấp khoảng 28 lần Việt Nam, nếu tính theo thu nhập trung bình của người lao động thì gấp 21 lần, nếu tính theo GDP sức mua tương đương (PPP) thì Singapore chỉ còn gấp khoảng 10 lần so với Việt Nam (Với những nền kinh tế như Singapor GDP tính theo sức mua tương đương thấp hơn GDP danh nghĩa, còn với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, GDP tính theo sức mua tương đương cao gấp nhiều lần GDP danh nghĩa).
Khi đặt Singapore trong tương quan so sánh với một thành phố điển hình và có quy mô dân số, diện tích và cơ cấu kinh tế tương đương, tôi chọn TP. HCM để so sánh. GDP danh nghĩa của Singapore gấp khoảng 5 lần TP. HCM, thu nhập bình quân của người lao động gấp khoảng 8 lần, GDP tính theo sức mua tương đương gấp khoảng 5 lần.
Nếu muốn dự đoán bao giờ TP. HCM có thể đuổi kịp Singapore, chúng ta xét đến tốc độ tăng trưởng của 2 thành phố này. Thời kỳ 1980-2000, Singapor đạt được tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, với tốc độ có thời kỳ đạt 2 con số sau đó duy trì tốc độ 7-8% trong suốt một thời gian dài. Đầu thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng của Singapor vẫn rất ấn tượng, nhưng đó là so với những quốc gia đã đạt chỉ số phát triển cao hàng đầu thế giới, tốc độ tăng trưởng của họ giảm dần xuống mức 5-6% và trong gần một thập niên gần đây ổn định ở mức 2-4%/năm.
Cùng trong khoảng thời gian này, TP. HCM có tốc độ phát triển không kém cạnh. Tuy nhiên, khác với Singapore là một quốc gia, TP. HCM là một thành phố làm trung tâm kinh tế vùng và của cả nước. Suốt trong mấy thập kỷ, TP. HCM, Hà Nội và một vài tỉnh thành khác luôn phải gánh cho phần còn lại của đất nước gặp rất nhiều khó khăn. Cộng với việc xuất phát điểm thấp hơn, TP. HCM bị hụt hơi so với Singapore là điều dễ hiểu và hoàn toàn chấp nhận được...
Đến nay, trong khi tăng trưởng của Singapore ổn định ở mức 2-4% và xu thế giảm dần thì tăng trưởng của TP. HCM vẫn duy trì ở mức trên dưới 10% và có thể đạt tốc độ cao hơn khi nền kinh tế Việt Nam trở lại đà tăng trưởng...
Với tốc độ tăng trưởng và chênh lệch như vậy, TP. HCM hoàn toàn có cơ hội đuổi kịp Singapore ở mỗi chỉ số nêu trên trong khoảng thời gian từ 20-30 năm. Như vậy, chỉ trong một thế hệ, TP. HCM và có thể cả Hà Nội và vài thành phố khác, chúng ta hoàn toàn có thể đuổi kịp Singapore ở một vài hoặc toàn bộ các chỉ số nêu trên.
Quốc Hưng
No comments:
Post a Comment