Monday, February 29, 2016

Bạn có sống cảnh nô lệ?

Nô lệ là một thực trạng hiện hữu toàn diện hiện nay. Nô lệ ở đây không phải là những nô lệ ở thời trung cổ hay ở các nước thuộc địa ... vậy nô lệ ở đây là gì?

Nô lệ cho miếng ăn – sự khoái khẩu… ăn ngon mặc đẹp hợp thời trang, thích tiện nghi vật chất, thích ăn chơi… nhưng lười nhác cẩu thả, sống buông thả và không có trách nhiệm. Để rồi sẵn sàng đánh đổi giá trị với một cái giá rẻ bèo để đổi lấy vật chất và sự thoải mái tạm bợ.

Nô lệ cho công việc và tiền bạc vật chất tiện nghi … làm cho đến khi được đưa đến bệnh viện, vậy nhưng vẫn còn làm cho đến lúc tắt thở thì mới thôi. Không hẳn là vì thiếu tiền, mà là bị sự sợ hãi khổ đau, thiếu thốn… chi phối tới lúc chết.

Nô lệ cho sự nổi tiếng, nhãn mác về bản thân, địa vị, danh tiếng … Sự nô lệ này ở mức độ cao hơn, tinh vi hơn, nhưng chính nó làm cho chúng ta trầm luân trong tủi nhục và khổ đau – chỉ vì một chữ “danh”!

Nô lệ cho những mối quan hệ để mong cầu hay thỏa mãn ham muốn của bản thân… Thường là sự phụ thuộc về tài chính, phụ thuộc về tình cảm, phụ thuộc về danh tiếng… Nó đánh mất sự tự do và độc lập của bản thân cũng như tư tưởng, nó đánh mất sự sáng suốt và lòng trung thực…

Nô lệ của gia đình và những mối ràng buộc liên quan đến gia đình… chúng ta thường nhầm lẫn giữa trách nhiệm và sự chiếm hữu ràng buộc. Trách nhiệm hoàn toàn khác với cách sống tù ngục chiếm hữu lẫn nhau, ràng buộc nhau. Trách nhiệm dựa trên nền tảng là sự thấu hiểu và tình yêu thương để cùng sống hạnh phúc… còn sự chiếm hữu, ràng buộc chính là biểu hiện của ích kỷ và yếu đuối sợ hãi.

Nô lệ cho cơ thể, cơ thể luôn luôn đòi hỏi phải thỏa mãn những nhu cầu của nó… Thể xác chính là cung điện lộng lẫy của cái tôi ích kỷ, cái tôi là thái cực đối nghịch và cân bằng với bản thể nguyên thủy của linh hồn. Khi cái tôi trị vì thì mọi nhu cầu đều xuất phát từ thể xác, mọi động cơ, ham muốn… đều bắt đầu từ thể xác. Nô lệ cho đôi tai, đôi mắt lừa dối, cái miệng nói lời không thật, cái mũi ưa thích mùi vị thơm tho ngọt ngào…

Nô lệ cho cảm xúc của tâm trí, sự nô lệ này rất nguy hiểm, nó có thể giết chết bản thân và người khác… thông qua những rung động tiêu cực, sự cự tuyệt, sự cay nghiệt hà khắc. Ta dễ dàng sử dụng cảm xúc tâm trí để chỉnh sửa người khác, dạy dỗ người khác, bắt lỗi người khác, áp đặt người khác, điều khiển người khác, đánh giá phán xét việc đúng sai của người khác, so sánh đố kỵ với người khác, ganh đua với người khác…
*****
Con đường thoát khỏi đời sống nô lệ là quay vào bên trong, khai thác kho báu vô tận của những giá trị sống tốt đẹp mà ta sinh ra cùng với nó: Lòng tốt, yêu thương, bình an …. thông qua suy nghĩ trong tĩnh lặng, trao đi những cảm xúc trong sáng thanh khiết và những lời chúc phúc tốt lành cho tất cả mọi người…

Hãy quay vào bên trong và chỉ làm việc với chính mình để chuyển hóa sự ích kỷ của bản thân. Đừng hướng ngoại và nhìn vào yếu kém lỗi lầm của người khác để tự cho mình còn tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhìn thấy yếu kém và lỗi lầm của bất kỳ ai, thì chính những yếu kém và lỗi lầm đó là của chúng ta, bởi thế giới bên ngoài chính là sự phản chiếu lại những gì chúng ta đang có ở bên trong, thông qua màn hình tâm trí kết hợp với một đối tượng nào đó xuất hiện bên ngoài mà thôi…

Khi nhận ra yếu kém của ai đó thì hãy tỉnh thức - đừng để cái tôi dẫn dắt và lừa phỉnh là mình tốt đẹp hơn, mình hay hơn, mình có đức hạnh hơn… mà hãy quay vào bên trong để chuyển hóa bằng cách chấp nhận là bản thân mình tồn tại những yếu kém đó. Sau khi chấp nhận, mình sẽ nhận ra nguyên nhân nó đến từ đâu. Tiếp theo là nhận ra những điểm mình cần khắc phục và làm mạnh mẽ bên trong với sự độ lượng và nhân từ… để chuyển hóa bản thân.

Chúng ta hãy tự kiểm tra xem mình là chủ nhân hay là nô lệ, nô lệ ở mức độ nào, chủ nhân ở mức độ nào? Nếu vẫn còn bị vướng kẹt ở đâu, hãy dừng lại, tĩnh lặng, nhận biết … để nhận ra đâu là nguyên nhân chính và loại ham muốn nào đang ngự trị và giam hãm chúng ta trong tù ngục của nó… Tự mình tháo gỡ và giải phóng cho chính mình, tự mình giành lại quyền làm chủ trong từng lãnh vực một, rồi giành lại uy quyền của một chủ nhân trị vì vương quốc nội tâm của chính mình – Để được sống Tự do, Bình an và Hạnh phúc!

Quá độ hữu hạn & Ngộ nhận vô hạn

“Đừng tin những gì bạn nghe và chỉ tin một nửa những gì bạn thấy”
Benjamin Franklin

“Quá độ” hoặc “chuyển đổi” (transition) là khái niệm thay đổi tuần tự, từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Hầu hết các quốc gia (hay doanh nghiệp) chuyển đổi đều phải trải qua quá trình này. Đó là một quá trình tất yếu phù hợp với quy luật phát triển, nhưng cũng đầy ngộ nhận, có thể dẫn đến sai lầm và tổn thất, nếu cực đoan và duy ý chí, không chịu nghiên cứu để làm theo quy luật.

“Ngộ nhận” (misconception/misperception) là trạng thái hồ đồ, nhầm lẫn trong tư duy, dẫn đến hành động sai. Tại sao phải bàn về ngộ nhận?  Bởi vì người Việt ngộ nhận quá nhiều và quá dễ. Câu chuyện về hơn 300 sinh viên Việt Nam tại Australia bị một cô gái trẻ trên facebook lừa gần 400.000 AUD vì mua vé máy bay giá rẻ trong dịp Tết vừa qua, đáng để suy nghĩ. Phải chăng người Việt hay ngộ nhận nên dễ bị lừa. Ngộ nhận như cái bẫy mà nhiều người hay mắc phải, dù phải trả giá nhưng vẫn tiếp tục ngộ nhận, như một căn bệnh tâm thần mãn tính khó chữa. Tại sao khó chữa? Bởi vì ngộ nhận như cái bẫy ảo nằm trong tâm thức của ta (state of mind). Có lẽ không ai gài bẫy cả, mà chính ta tự gài bẫy mình.

Làm thế nào để tránh? Nó không giống như lái xe tránh cái ổ gà hay cái hố tử thần trên đường. Ngộ nhận ẩn tàng trong tâm thức như một bản năng khó thay đổi, như những góc mù che khuất tầm nhìn, làm ta vô minh, lú lẫn (dù có tài giỏi đến mấy). Vì vậy, muốn tránh ngộ nhận, phải giác ngộ. Nói theo nhà Phật là phải vô chấp, vô ngã, để không vô minh. Hãy điểm qua vài ví dụ điển hình.     

Ngộ nhận & chuyển đổi    

Sau chiến tranh (1975), Việt Nam phải chuyển đổi từ thời chiến sang thời bình, từ hai miền khác nhau về chế độ chính trị thành một đất nước thống nhất. Nó đòi hỏi năng lực quản trị chuyển đổi đầy khó khăn trong giai đoạn hậu chiến. Người Đức đã làm rất tốt, nhưng người Việt đã làm rất tồi. “Bên thắng cuộc” đã say sưa với chiến thắng nên ngộ nhận rằng đã thắng được Mỹ thì có thể làm bất cứ chuyện gì, rằng xây dựng kinh tế không khó bằng chiến tranh, nên ai làm cũng được. Họ không hiểu rằng đó là hai chuyện khác nhau, phải đổi mới tư duy và hành động, với tầm nhìn mới.

Đáng nhẽ cả hai bên (thắng cuộc và thua cuộc) đều phải “học tập cải tạo” một cách nghiêm túc để hòa giải và bắt tay với nhau để tái thiết đất nước. Nhưng đáng tiếc là cực đoan và hận thù đã xô đẩy cả hai phía Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không đáng có, trong khi kẻ thù truyền kiếp lợi dụng thời cơ chiếm mất Hoàng Sa và dùng Khmer Đỏ gây ra xung đột mới. Đơn giản vì Trung Quốc không muốn một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh, tuột khỏi vòng tay bá quyền của họ.   

Thất bại về bình thường hóa với Mỹ năm 1978 (trong gang tấc) là một thất bại về tầm nhìn và tư duy chiến lược thời hậu chiến, dẫn đến hệ quả khôn lường. Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy chiến tranh, mắc kẹt vào quá trình phân cực và xung đột của tam giác Mỹ-Trung-Xô, do ngộ nhận về bạn thù và ưu tiên chiến lược. Đó là một trường hợp xử lý “sai một ly đi một dặm”. Thống nhất đất nước là tất yếu, nhưng quản trị việc hội nhập hai miền thế nào mới là hệ trọng. Cực đoan và duy ý chí, với cái đầu nóng, nhưng thiếu năng lực quản trị, có thể phung phí cơ hội hội hiếm có và nguồn lực khổng lồ của đất nước. Kết cục hôm nay là hệ quả hôm qua. Lịch sử có thể lặp lại với những sai lầm mới, nếu vẫn ngộ nhận.

Trong bối cảnh hiện nay (sau Đại hội Đảng và trước khi Mỹ có Tổng thống mới) không nên ngộ nhận trông chờ quá nhiều vào Sunnylands Summit (15-16/2/2016) hay chuyến thăm của Tổng thống Obama (5/2016). Nhưng cũng đừng coi nhẹ sự kiện Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Các  sự kiện này đều liên quan đến nhau, và cùng một bàn cờ đang chuyển động, trong đó Trung-Mỹ là hai đối thủ chính, còn Việt Nam và ASEAN là các bên liên quan đến tranh chấp, nhưng lại bất lực. Không phải chỉ vì Mỹ vẫn “ngập ngừng”, mà còn vì Việt Nam và ASEAN không đủ mạnh và đoàn kết. Trong khi cơ chế an ninh ARF trở nên lạc hậu, thì AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) vẫn còn quá mới.      

Từ quá độ đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội… 

Chúng ta đã nghe câu chuyện “quá độ đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội” từ rất lâu rồi, từ ngày còn cắp sách đi học. Lúc đó mọi người hiểu một cách mơ hồ về câu chuyện quá độ như một huyền thoại và nhắm mắt tin theo (vì chẳng ai phản biện). Rồi câu chuyện ngày càng khó hiểu hơn với những khái niệm tù mù như “bước đi ban đầu của thời kỳ ban đầu của giai đoan quá độ…”. Lúc đó chắc bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn quàng khăn đỏ, nên chưa thể nói được rằng “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm…”

Nói như vậy để thấy quá trình giác ngộ để “vượt qua ngộ nhận” về một khái niệm đơn giản nó phức tạp đến thế nào. Tôi nhớ cách đây hơn một thập kỷ, giáo sư Nhật Kenichi Ono (Viện Grips) đã có một nhận xét thú vị, “Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng thấy các bạn Việt Nam say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Năm năm sau trở lại Việt Nam, tôi vẫn thấy các bạn say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng đó…” Có lẽ đến bây giờ chúng ta vẫn còn say sưa tranh luận về những vấn đề đó. Chỉ có khác là các chuyên gia kinh tế nay gọi điều đó là “chém gió”… Một chuyên gia nước ngoài khác (tôi không nhớ tên) có một nhận xét dí dỏm (mà chị Phạm Chi Lan hay trích dẫn) là Việt Nam thuộc loại nước “không chịu phát triển”. Quá độ thì hữu hạn, nhưng ngộ nhận thật vô hạn. 

…Đến định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.

Sau những cố gắng đổi mới tư duy kinh tế, câu chuyện “quá độ” đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội (bị thất bại) đã được thay thế bằng câu chuyện “chuyển đổi” sang kinh tế thị trường (tức Chủ nghĩa Tư bản). Đó là một bước tiến dài để chuyển đổi tư duy kinh tế, tuy mất đứt mấy thập kỷ, nhưng ta vẫn kiên trì “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa là một “sáng tạo độc đáo” không giống ai. Các nhà kinh tế (kể cả được giải Nobel) cũng chẳng hiểu nổi mô hình này là cái gì. Tại Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (sắp nghỉ hưu) đã kêu gọi “thay đổi thể chế đồng bộ”, và cách đây mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng sắp nghỉ hưu) có một bài dài kêu gọi “thay đổi thể chế”. Nhưng nghị quyết Đại hội Đảng XII vẫn kiên trì “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Trong vòng xoáy khủng hoảng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã bị phá sản và chết lâm sàng, do ngộ nhận về kinh tế thị trường và mắc kẹt vào định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Nay tham gia sân chơi WTO và TPP, nhưng doanh nghiệp Việt nam vẫn mơ hồ về hội nhập, ngộ nhận một cách “vô hạn” về một khái niệm chuyển đổi “hữu hạn”, biến câu chuyện đơn giản thành nan giải, với cái giá phải trả “vô hạn”. Sự ngộ nhận đó đã dẫn đến hệ quả tai hại, làm Việt Nam tụt hậu vài thập kỷ so với các nước láng giềng, trong khi nước láng giềng khổng lồ phương Bắc đang muốn chúng ta trở lại thời “Bắc thuộc”.

Nhưng điều trớ trêu là chính ông bạn khổng Trung Quốc cũng đang mắc kẹt vào cái bẫy chuyển đổi do ngộ nhận, và đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ của thể chế chính trị độc đảng đã lỗi thời, mà chính lãnh đạo cao nhất của họ (Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn) đã phải công khai thừa nhận. Tại sao chúng ta vẫn kiên trì ngộ nhận theo đuổi mô hình đó và đi theo đường mòn đó, trong khi chính họ cũng đang tìm cách “thoát Trung”. Lựa chọn chính sách này dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nào?

Theo báo Đại Kỷ Nguyên (16/2/2016) và Tạp chí Tranh Minh (Hong Kong), tại Hội nghị TƯ 2 của Đảng CSTQ (29/10/2015) , Tập Cận Bình đã cảnh báo về “6 nguy cơ lớn của Đảng” và nhấn mạnh, “cần dũng cảm đối diện sự thực, thừa nhận việc Đảng thoái hóa biến chất và đang đứng trước nguy cơ mất Đảng”. Vương Kỳ Sơn (bí thư Ủy ban Kỷ luật TW) cũng công khai thừa nhận (tại cuộc họp thứ 52 của UBKLTW) “đang xuất hiện vấn đề lớn” trong thể chế không thể chữa được, khiến Đảng đi vào đường cùng của sự sụp đổ, “Đấy là sự thực, không phải việc ai đó có chịu thừa nhận hay không”. Theo Ban Tổ chức Trung Ương TQ (tính đến 25/7/2015) đã có 209.920.000 người tuyên bố bỏ Đảng.

Chuyển đổi bị mắc kẹt  

Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã nghiên cứu mô hình phát triển của Trung Quốc và đưa ra lý thuyết cho rằng “Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi do những cải cách kinh tế và chính trị nửa vời”. Minxin Pei kết luận rằng vì Đảng Cộng sản phải kiểm soát nền kinh tế để tồn tại về chính trị, nên chủ thuyết quá độ tiệm tiến (gradualism) cuối cùng sẽ thất bại” (Minxin Pei, “China’s Trapped Transition: The Limits of Development Autocracy”, Harvard University Press, 2006).

Theo Minxin Pei, để duy trì chế độ chính trị, Tập Cận Bình đang áp dụng chính sách cai trị bằng sợ hãi (rule of fear), nhằm thâu tóm quyền lực dưới chiêu bài chống tham nhũng, làm xã hội Trung Quốc chìm trong không khí khủng bố như thời Cách mạng Văn hóa. (Minxin Pei, “China’s Rule of Fear”, Project Syndicate, February 8, 2016). Một hệ quả cụ thể của chiến dịch đả hổ là Lệnh Hoàn Thành (em trai Lệnh Kế Hoạch) đã chạy sang Mỹ tị nạn, đem theo nhiều bí mật quốc gia, như một “quả bom nổ chậm” có sức công phá không kém gì vụ Vương Lập Quân chạy vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (2/2012). Theo các nhà kinh tế, không phải chỉ có quả bom nổ chậm về chính trị, mà bong bóng kinh tế (đặc biệt là bong bóng bất động sản) là một quả bom nổ chậm hàng ngàn vạn tấn đang chờ kích hoạt. Vạn lý Trường thành cũng không thể ngăn được dòng người (và vốn) tháo chạy ồ ạt (như bỏ phiếu bằng chân).

Quyền lực cũng bị mắc kẹt

Khi Nguyễn Bá Thanh chuyển từ Đà Nẵng ra Hà Nội để làm Trưởng Ban Nội chính (đầy quyền lực) có thể ông ấy quá tự tin và ngộ nhận về trò chơi quyền lực mới, vì chống tham nhũng nguy hiểm như săn hổ dữ. Nguyễn Bá Thanh có thể làm mưa làm gió tại Đà Nẵng (như lãnh chúa), nhưng ra Hà Nội ông ấy có thể bị vô hiệu hóa và mắc kẹt vào một cơ chế quyền lực khác mà ông ấy không làm chủ. Thuyên chuyển quyền lực (power transition) là một việc không đơn giản. Nguyễn Bá Thanh đã hấp tấp tuyên bố “hốt liền” trong khi chưa chuẩn bị các điều kiện cần và đủ (về luật chơi và người chơi). Tập Cận Bình đã đưa Vương Kỳ Sơn vào ghế thường trực BCT trước khi bổ nhiệm ông này làm bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương. So với Nguyễn Bá Thanh, Vương Kỳ Sơn chuyên nghiệp hơn nhiều, cả về con người lẫn bộ máy quyền lực.

Không biết Đinh La Thăng có học được bài học quá đắt của Nguyễn Bá Thanh để tránh cái bẫy ngộ nhận hay không, mặc dù cái ghế Bí Thư thành phố HCM không nguy hiểm bằng cái ghế Trưởng ban Nội chính. Nhưng dù sao, đặc điểm cơ chế quyền lực (nổi và chìm) tại Sài Gòn cũng khác Hà Nội. So với Hoàng Trung Hải, nhiệm vụ của Đinh La Thăng khó khăn phức tạp hơn nhiều, như một con dao hai lưỡi, rất dễ mắc kẹt vào cái bẫy chuyển đổi quyền lực (trapped transition).     

Sở hữu toàn dân

Một ngộ nhận lớn khác là quyền “sở hữu toàn dân” (đặc biệt là về tài nguyên ruộng đất). Khái niệm tù mù về quyền sở hữu toàn dân nghe có vẻ hợp đạo lý Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng thực ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm lợi ích thân hữu thao túng và chiếm đoạt của công biến thành của tư, làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Những cải cách nửa vời về sở hữu ruộng đất đã làm cho xã hội bị mắc kẹt trong một cái bẫy nguy hiểm, như một quả bom nổ chậm chưa được tháo ngòi.

Sở hữu toàn dân là nguồn gốc làm cản trở sự phát triển của đất nước qua nhiều thập kỷ, dưới mức tiềm năng, làm cho Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước láng giềng. Nếu không đổi mới về thể chế kinh tế và chính trị, nếu không cải cách triệt để về quyền sở hữu ruộng đất, thì không thể hóa giải được mâu thuẫn xã hội, và Việt Nam không thể phát triển bền vững. Càng yếu kém và lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị, thì Việt Nam càng khó giữ độc lập và chủ quyền.     

Chính sách mị dân

Nhân dân là một danh từ được các nhà chính trị (của mọi thời đại) nhắc đến nhiều nhất để mị dân (dù họ có phải dân túy hay không), với những khẩu hiệu nghe sướng tai như “Chính phủ Của dân, Do dân, Vì dân” (Abraham Lincoln), mà người Việt hay nhắc đến (như của chính mình). Trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (Thomas Jefferson) mà cụ Hồ đã trích dẫn trong Tuyên Ngôn Độc lập của ta, cũng nhấn mạnh dân quyền, “Mọi người sinh ra đều bình đẳng” (All men are created equal…).

Tại Việt nam, danh từ nhân dân được sử dụng một cách “lạm phát”, với nhiều vận dụng độc đáo như “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân”, “ủy ban nhân dân”, “hội dồng nhân dân”, tòa án nhân dân”, … Cái gì cũng “nhân dân” (chỉ có một ngoại lệ là “ngân hàng nhà nước”). Những người cầm quyền ở Việt Nam luôn chú ý đến “dân vận”, thường xuyên vận dụng các cụm từ mị dân như, “lấy dân làm gốc”, “trung với nước hiếu với dân”, “uống nước nhớ nguồn”… nhất là khi phải huy động sức dân cho chiến tranh, hay đóng góp tài chính… Nhưng khi dân phản đối về một vấn đề gì đó (như Trung Quốc) họ thường bị trấn áp như “thế lực thù địch” hay “phản động”. Như vậy thì làm sao “thoát Trung”?

Khủng hoảng lòng tin

Ngay từ thời “cải cách ruộng đất”, nhiều người có công với cách mạng đã bị đấu tố và xử tử oan sai, do ngộ nhận và cuồng tín. Bây giờ mấy từ “dân oan” hay “khiếu kiện” đã trở thành những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Chính quyền ngày càng xa dân, đối xử bất minh với dân, lời nói không đi đôi với việc làm, nên những khẩu hiệu mị dân trở nên vô nghĩa và phản cảm (như loa phường). Chính quyền ngày càng mất lòng dân, nên phải đối phó và nói dối. Lòng tin một khi đã mất rất khó lấy lại. Không phải chỉ có bên Trung Quốc mà ngay tại Việt Nam, nhiều đảng viên trung kiên đang bỏ đảng.

Ngộ nhận là một tai họa, có thể kéo dài quá trình chuyển đổi, thậm chí tụt hậu. Chuyển đổi là vấn đề sống còn đối với vận mênh đất nước, nhưng thay đổi quá ít và quá muộn (too little too late) có thể trở thành vô nghĩa, vì để mất cơ hội mới, hoặc đánh mất nốt lòng tin còn sót lại.

Nguyễn Quang Dy

Sunday, February 28, 2016

Không tẩy não trạng dân ta sẽ còn muôn đời khổ

Não trạng của không ít những người có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước còn tin vào tình hữu nghị viển vông “4 tốt và 16 chữ vàng”, luẩn quẩn trong tư duy tiểu nông lạc hậu “nuôi con gì, trồng cây gì”, rồi hô hào “học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại”, nhưng thực tế việc làm chẳng giống gì. Dân tộc ta như người con gái xinh đẹp, quyến rũ sao lại lấy nhiều ông chồng như bông hoa lài… Tội nghiệp thật!

Theo tác giả Awake Phamtt cho biết nhận xét của người Nhật về người Việt mình: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”...

Nhận xét này rất sòng phẳng, và rất đau. Giáo sư Hoàng Tụy thẳng thắn thừa nhận: ý kiến nói trên làm chúng ta quá buồn, nhưng quá đúng. Mà cái não trạng ấy có từ trên xuống dưới, từ kẻ ít học đến những trí thức bằng cấp đầy mình, từ anh cán bộ xã đến các ông lãnh đạo cao. Thế đấy. Chừng nào chúng ta còn chưa tẩy được cái não trạng đó thì đất nước cứ còn lạc hậu nghèo nàn. Người Việt dũng cảm khi chống ngoại xâm nhưng trong thế giới này thiếu dũng cảm khi xây dựng hòa bình thì cũng mãi mãi lệ thuộc kẻ khác.
Không có gì đau đớn hơn là sống trong một quốc gia mà người với người nghi ngờ nhau, dân không tin Nhà nước và ngược lại. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước, trong đó có cả Mỹ, Nhật và Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Vấn đề là Việt Nam phải có tiềm lực thì mới có thể thực hiện được điều đó. Vẫn còn là một nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài và về mặt tư tưởng thì không thấy mặt trái của Trung Quốc, cứ coi đó là một nước XHCN chân chính, cùng chung hệ tư tưởng với VN... thì làm gì mà có thể hợp tác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.

Về phía Nhà nước

Nước nào cũng có Nomenklatura cả, nhưng sự khác biệt cơ bản là ý thức và khả năng của Nomenklatura đó có phục vụ cho đất nước không? Các chính trị gia của Mỹ, Pháp, Anh… là những người biết nói năng lưu loát, biết thuyết phục, biết đấu tranh có tình có lý, và có một cơ chế đồng thuận từ lâu, họ không thể phá bỏ, nên quan hệ giữa họ với dân trong một chừng mực nào đó, có tương tác. Cơ chế là điều không thể thiếu. Cơ chế là bộ khung cho mỗi Nhà nước tồn tại và phát triển, thước đo để đánh giá cơ chế là các chỉ số khách quan về mọi mặt hoạt động trong xã hội, không có thống kê khách quan thì miễn nói tới cơ chế. Nếu có ai làm tốt thì chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên, và cái tốt đó chỉ như lóe sáng trong đêm đen mà thôi.

Người yêu nước trước hết phải là người nói thật. Người lãnh đạo bây giờ nhân dân cần lựa chọn đấy là yêu nước và nói thật, thực hiện bằng được công khai minh bạch và để cho dân nói.

Vấn đề nhân sự rất quan trọng, quyết định đến sự thành bại của đổi mới, quyết định tương lai của dân tộc. Nguyên tắc "Tập trung trước, dân chủ sau" sẽ cản trở lựa chọn người có đủ Tài và Đức. Lúc sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã đề nghị áp dụng nguyên tắc "Dân chủ trước, tập trung sau" trong tuyển chọn nhân sự.

Muốn có được nhân sự tốt, đáp ứng được yêu cầu của đất nước, cách làm tốt nhất là công khai, minh bạch trong đời sống chính trị, công khai các ý kiến chỉ đạo, trách nhiệm của từng thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Công khai, minh bạch trong chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, từ đó lịch sử ghi nhận rõ những đóng góp của các vị lãnh đạo với đất nước.

Về kinh tế, Nhà nước cần tạo ra môi trường minh bạch, lành mạnh, đầu tư vào những ngành sáng tạo ra những giá trị mới, phát huy nhân lực trẻ, năng động, cập nhật công nghệ mới nhanh tạo cơ hội cho những người có khả năng kinh doanh, có ý tưởng kinh doanh phát huy cao nhất khả năng của mình. Công khai, minh bạch để loại những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không xứng đáng, có cơ hội cho bất kỳ người nào có đủ năng lực đảm đương các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, nhanh chóng công khai, minh bạch cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Riêng công khai, minh bạch về tài chính như ở Thái Lan, thấy rõ rất có tác dụng. Ta cũng nên làm như họ công bố tài sản (tài khoản, cổ phiếu, bất động sản, kể cả đồ nữ trang...) của công chức cấp cao, kể cả những các nhân liên quan như người hôn phối, anh em, con cái. Thỉnh thoảng, công bố số cập nhật để so sánh với con số lúc trước. Việc này được luật hóa, tùy Nhà nước ta có dũng khí mà mang ra thực hiện hay không.

Giới doanh nhân

Muốn vươn lên cạnh tranh bình đẳng với nền kinh tế của các nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thì các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong nước phải liên kết với nhau để tạo sức mạnh tập thể để cạnh tranh với những đối thủ nước ngoài có tiềm lực mạnh hơn. Không thể chấp nhận quan điểm các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau để doanh nghiệp nước ngoài hưởng thế "tọa sơn quan hổ đấu" và thực hiện chính sách tách bó đũa ra để bẻ dần từng chiếc đũa.

Doanh nhân có trách nhiệm với đất nước, xác định giá trị của doanh nhân là sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Lấy đó, làm niềm đam mê, khát vọng hướng tới, chứ không phải chỉ tìm cách dựa vào quan hệ, kiếm lợi nhanh trên cơ sở ăn chia lợi ích với quan chức, rồi ăn chơi, tiêu xài xa xỉ.

Người dân

Nhìn ra nước ngoài, người Hàn Quốc yêu nước, tự hào dân tộc, và đã biết thể hiện lòng mình qua những việc cụ thể, hàng hóa tiêu dùng là một thí dụ: Tuyệt đại đa số hàng hóa, vật dụng hàng ngày, xe cộ của họ, đều làm tại Hàn Quốc. Muốn đạt tới trình độ đó, Hàn Quốc đã phải trải qua nhiều năm tháng rất vất vả, nhưng họ đã vượt qua được vì dân trí và cái tâm của họ với đất nước rất đáng nể trọng.

Người Hàn Quốc đã học được đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ của người Nhật, kẻ thù truyền kiếp trước đây, họ cũng đã học được của người Mỹ đầu óc thực dụng trong khoa học, đặc biệt là cách tiếp cận với thế giới bên ngoài, nên họ không khép nép, tự ti, vì không biết cần và phải làm những gì ở môi trường không phải của mình, nhưng họ vẫn giữ được bản chất Hàn của họ. Có lẽ vì vậy mà họ không mất gốc, phát triển được mọi mặt trên cơ sở không tự đánh mất mình.

Chúng ta nên dùng hàng Việt Nam ngay từ bây giờ, giảm bớt những gì không thực cần thiết lắm từ nước ngoài về, nhưng rất cần phải biết mình, biết người, để tiến tới thực sự tự lực, tự cường. Những người dân khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm Việt Nam, góp ý, yêu cầu, đòi hỏi để các doanh nghiệp VN xây dựng những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tẩy não trạng

Nhận xét về thói hư, tật xấu của người Việt thì nhiều lắm, có người đã viết thành cuốn sách để giáo dục thế hệ trẻ. Một nguyên nhân quan trọng là chúng ta bị ngoại bang đô hộ nhiều năm. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đúng là có mang lại độc lập cho dân tộc, nhưng chưa có tự do theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là tư duy giải phóng không bị cuốn theo một chiều nhưng dân ta thường xuyên bị áp đặt cách nghĩ phải uốn theo chiều mà người ta đã mò mẫm, định sẵn cho mình mặc dù con đường phát triển không biết kết quả rồi sẽ ra sao.

Lo nhất là lãnh đạo sợ, thần phục sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, bị móc “xà mâu” của họ vào “4 tốt và 16 chữ vàng”!

Chúng ta không dại gì mà gây hấn, đối đầu với nước láng giềng khổng lồ ở phương Bắc, nhưng chỉ có đấu tranh cho sinh tồn thực sự, chúng ta mới thoát được “tư tưởng nô lệ” và cuộc đấu tranh này phải là lò luyện tư duy, tự chủ, giải phóng lợi ích thiển cận của những nhóm trục lợi.

Lãnh đạo nếu biết nhìn lại mình (các khiếm khuyết trong quá trình điều hành) biết lắng nghe ý kiến của dân, rèn luyện, nâng cao nhận thức về quản trị, biết vượt lên chính mình, nói tiếng nói của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng kinh tế xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước thì nhất định sẽ được nhân dân đồng hành, ủng hộ.

Thay cho lời kết

Nhà báo Kỳ Duyên tự vấn, liệu có thể coi tính cách chỉ biết coi những lợi ích nhỏ của cá nhân là sản phẩm của một môi trường sống và cơ chế quản lý kiểu xin-cho khiến con người ta, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay lập tức chỉ nghĩ đến cái lợi cỏn con của mình, mà quên mất những điều về lòng tự trọng, lợi ích chung.

Sự cào cấu, xâu xé kiểu đó, xét cho cùng, đáng thương. Và cũng vì thế, mà Việt Nam hướng tới những giá trị phổ quát, văn minh của nhân loại còn quãng cách khá xa… và dân ta sẽ còn muôn đời khổ.

Tô Văn Trường

Một nếp văn minh mới

Trong những ngày cận Tết, báo chí ở Việt Nam đã phải lên tiếng “Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề những thảm án liên tục xảy ra, con người cư xử với nhau ngày càng tàn bạo có một phần nguyên nhân từ việc uống nhiều bia rượu và thiếu đọc sách”.

Nhưng không biết “thiếu đọc sách” là nguyên nhân của mải mê bia rượu hay vì “bia rượu" mà thiếu đọc sách? Hay còn nguyên nhân nào nữa khác hơn? Nhưng tình trạng  “mải mê bia rượu” ngày nay ở Việt nam trở thành nghiêm trọng đến mức nào?

Sự chọn lựa đã rõ

Theo báo chí ở Hà Nội, năm vừa qua, ngành văn hóa của Nhà Nước thu được 2000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24.000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Trong lúc đó, Nhà Nước thu vào được 66.000 tỷ động từ sự tiêu thụ 3 tỷ lít bia rượu của dân chúng. Sự thu nhập nhờ những hoạt động đối nghịch với chữ nghĩa, sách vở lại cao hơn 33 lần thu nhập nhờ chữ nghĩa!

Ngoài ra, theo điều tra của Google thì người Việt Nam, nhất là lớp thanh niên, vào internet xem những loại phim đồi trụy tinh thần nhiều nhất so với nhiều nước khác. Phải chăng ý muốn nói đại bộ phận dân Việt nam ngày nay, tinh thần đồi trụy, hiểu biết thoái hóa, cơ thể suy nhược?

Mỗi năm, người dân ở Việt Nam chi ra 3 tỷ đô-la để uống bia rượu. Nếu đem khối lượng bia rượu tiêu thụ đó chia cho dân số Việt nam, từ tuổi biết uống nưóc cho tới tuổi sắp bỏ uống nước, thì mỗi người sẽ nhận đươc hơn 33 lít bia rượu/năm.

Thật ra số tiêu thụ ấy chưa thấm vào đâu nếu so với dân Tiệp và Đức. Dân Tiệp uống 135 lít bia/năm/người, Đức kém hơn, 107 lít/năm/người. Tây bét nhất: 30 lít/năm/người. Nhưng Tây lại uống rượu chát (vin) nhiều hơn (44 lít/người/năm). Có lẽ nhờ đó mà Tây ăn nhiều bơ, fromage, thịt nguội, …mà lại ít bị bịnh tim mạch hơn người Huê kỳ. Một mẫu người Pháp tay chơi là “tay cầm ly vin, tay kia đỡ mâm thịt nguôi và fromage”.

Nhưng, ở Việt Nam, bất kỳ ở đâu, trước nhà, ngoài ngõ, trong quán nhậu, vào bất kỳ giờ nào, sáng, trưa, chiếu, tối, đầu tuần, cuối tháng, cứ đưa mắt nhìn là thấy ngay có đầy người ngồi nhậu, với thái độ ung dung tự tại vô cùng thoải mái. Đa số là tuổi trẻ.

Phong cách nhậu của người Việt Nam không giống như người Âu châu. Theo kết quả điều tra, năm 2015, riêng dân Pháp, lớp tuổi trẻ từ 15 – 24 tuổi, có 12% uống bia rượu. Lớp lớn hơn có 32% uồng bia rượu. Còn lại 55% là những người không uống. Và họ chỉ uống vào ngày nghỉ hay dịp lễ lộc. Những người đi làm việc, chiều về, tạt vào Bar, đứng bên Comptoir (Quầy), uông 1, 2 ballon rượu chát (1 chai vin 75 cl rót được 6 ballons 12, 5 cl – Champagne, được 6, 7 coupes) hoặc 1, 2 đờ-mi như khai vị để về nhà ăn cơm ngon. Ở Pháp tuy là xứ sản xuất hàng đầu bia rượu, nhưng không thấy dân chúng đông nghẹt suốt ngày trong tiệm lớn nhỏ như ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có luật cấm vị thành niên mua rượu ở chợ hay tìệm và uống rượu ở quán.

Ở Việt Nam, người dân uống rượu như vì “không biết làm gì, nghĩ gì” khác hơn. Uống để mà uống. Như một sanh hoạt hằng ngày phải có để nhắc nhở “ta còn đây”. Khi ta uống là ta thật sự “hiện hữu”!

Bạn bè lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng: nhậu; ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp: nhậu; có chuyện vui: nhậu; gặp chuyện buồn: nhậu; hết giờ làm việc, đồng nghiệp cùng nhau thư giãn: nhậu; đi công tác phải biết “giao lưu”, “kết nghĩa”: nhậu; có khách đến nhà: nhậu…bình thường không làm gì, cũng…nhậu. Có tiền, nhậu theo có tiền. Hết tiền, nhậu nhiều hơn …

Người Việt nam ít đọc sách

Quả thật đây là điều đáng buồn khi thấy người dân không bỏ tiền ra mua sách đọc mà trái lại, có bao nhiêu tiền cũng sẵn sàng chi ra cho ăn nhậu.

Họ không cần đọc nhiều phải chăng vì chỉ cần đọc một cuốn hay xem một tờ báo cũng có thể biết 24 000 cuốn kia hay 375 ấn phẩm kia nói gì, viết gì rồi? Tất cả báo chí, sách vở, Phát thanh, TV đều nằm gọn trong tay nhà thầu khổng lồ là đảng cộng sản. Mà chính đảng viên cấp lãnh đạo, lại chẳng có mấy người đọc sách. Bởi nhờ không đọc sách, họ mới lên được TW đảng!

Nói tới chuyện sách vở ở Việt Nam, Cỏ May nhớ lại năm 1977, vào khu phố lặc-xon của Ba tàu bán ve chai ở chợ lớn tìm mua phụ tùng máy tàu, tu bổ cho chiếc tàu chuẩn bị vượt biên, thấy con xẩm trẻ, con gái chủ tiệm, đang cầm quyển tiểu thuyết của Quỳnh Dao đọc, bèn hỏi nó đang học lớp mấy và tại sao không đọc sách của chương trình Quốc văn mà đọc Quỳnh Dao?

Nó cho biết học lớp 11. Đọc Quỳnh Dao vì đọc sách kia thì – nó vừa trả lời vừa lật quyển sách như để thuyết minh thêm cho rõ ý – ở đầu sách: “ổng” (Hồ Chí Minh), giữa sách: “ổng”, ở cuối sách cũng “ổng”. Đọc cái gì? Chỉ có liệng đi, vừa làm cử chỉ bằng cách như vứt quyển Quỳnh Dao nó đang cầm trên tay.

Việt Nam ngày nay có gần 30 triệu người dân chưa bao giờ biết sách là gì, 44% dân số thỉnh thoảng đọc, thì coi đó như không đọc sách vì đọc sách không thể nào “đọc cơ hội” được.

Theo kết quả điều tra phổ biến gần đây thì người Việt Nam một năm chưa đọc hết 1 cuốn sách (chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ở nhà quê, gần như không có người đọc sách báo. Nhưng nều tính theo cách tính số người tìêu thụ bia rượu thì ở Việt Nam, ngày nay, có 90 triệu người, đem số sách bán được năm 2014 là 24.000 cuốn chia cho 90.000.000 thì kết quả sẽ là một người, trong một năm, đọc được 0,00027 cuốn sách!

Thế mà Việt Nam lại có 480 trường đại học, hàng trăm viện nghiên cứu, hơn 20.000 tiến sĩ đủ loại, cả thứ “tiến sĩ xây dựng đảng cộng sản”, tỷ lệ sinh viên trên dân số cao ngất ngưỡng?

Thực tế này đã giải thích rõ vì sao sinh viên Việt Nam sau khi học xong vẫn thiếu kiến thức, vì sao những bằng cấp Cao Đẳng, Đại Học của chế độ cộng sản chưa bao giờ có giá trị và vì sao bạo lực ngày càng gia tăng, đạo đức luân thường xuống cấp nghiêm trọng…Người dân thường ỷ lại ở sức mạnh của đồng tiền trong việc đối xử với nhau.

Đất nước đã tụt hậu nhiều mặt so với Lào, Campuchia, Myanmar, đó là sự thật chứ không còn là nguy cơ như báo động trong những năm trước đây. Giảm rượu bia khó. Phát động phong trào đọc sách ngay hôm nay lại càng khó hơn vì làm điều này, trước hết phải đem lại cho sách báo có nội dung bằng những điều thiết thực, khai hóa dân trí theo tinh thần khoa học toàn cầu, … Mà khi phục hồi những giá trị đạo đức nhân bản thì chủ nghĩa cộng sản đem bỏ đi đâu? Người cộng sản phải không nói dối, không lật lộng, không ngang ngược thì làm sao họ còn cộng sản nữa? Đây quả là thứ nghịch lý sanh tử với người cộng sản. Vả lại sách vở, báo chí là sản phẩn của chế độ mà bản chất của chế độ là cộng sản. Người dân đang công khai chối bỏ cộng sản thì không thèm đọc sách báo là tự nhiên.

Rượu bia là những thứ cay nồng, độc hại mà còn dễ chịu hơn nếu phải tiếp xúc với thứ chữ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thứ này, nó còn ghê tởm hơn, còn độc hại hơn bia rượu!

Kể ra nếu lấy bia rượu thay thế sách vở, biết đó là một thứ chọn lựa liều mạng, tự sát, nhưng về chìu sâu, nó có lý ở một cách ứng xử nào đó để hiểu thực tế của đất nước Việt Nam ngày nay.

Hay làm “ruồi đực tìm rượu giải sầu”

Câu chuyện “Ruồi đực tìm rượu giải sầu” là câu chuyện khoa học do University of California ở San Francisco, thực hiện với hằng trăm con ruồi và công bố kết quả nghiên cứu trên tờ báo chuyên đề The American Journal of Science (trên internet).

“Họ bắt một con ruồi cái vừa mới làm tình xong, nhốt vào một cái lọ. Sau đó họ bắt một con ruồi đực bỏ chung vào với con ruồi cái, rồi theo dõi hành động của hai con ruồi. Con ruồi đực muốn ân ái nhưng con ruồi cái, vì vừa mới làm tình xong, mệt mỏi nên không hứng thú tí nào nữa, nó bay chỗ khác. Nếu nó bị con ruồi đực bay đuổi theo và bắt được, thì nó quyết liệt chống cự, hoặc chìa bộ phận đẻ trứng của nó cho con ruồi đực kinh hoàng, không đến gần nữa.

Họ làm thí nghiệm này với những con ruồi đực trong bốn ngày liên tiếp, mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, và con ruồi đực luôn bị con ruồi cái không cho sơ múi gì cả.

Sau ngày thứ tư, họ cho con ruồi đực vào một cái lọ riêng, cho nó được lựa chọn hai thứ thức ăn, một là thức ăn thường và thức ăn có tẩm rượu, thì con ruồi đực, bị con ruồi cái không cho âu yếm, lúc nào cũng chọn thức ăn có rượu. Nhiều con “nhậu” cho đến xỉn luôn.

Họ tiếp tục cuộc thử nghiệm, lần này cho những con ruồi không được làm tình trong bốn ngày trước vào chai có ruồi cái ưng làm tình. Sau khi được ân ái, những con ruồi đực này chọn thức ăn không có rượu.

Nghiên cứu thêm nữa, các nhà nghiên cứu khám phá trong óc của con ruồi có một chất gọi là NPF. Họ suy luận là, khi được làm tình, óc con ruồi đực bị kích động và tăng trưởng chất NPF, nên làm nó cảm thấy sung sướng, thoải mái. Ngược lại, nếu nó không được làm tình, bị thiếu chất NPF, nên nó phải tìm những thức ăn có rượu, để kích động chất NPF trong não bộ.

Ông Ulrike Heberlein, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu, tuyên bố là, phản ứng của đàn ông cũng không khác gì những con ruồi đực: Nếu bị vợ hay bồ không cho làm tình thì đàn ông sẽ tìm giải sầu trong ly rượu”.

Vậy phải chăng dân Việt Nam chọn ăn nhậu sáng, trưa, chiều, tối vì sách báo không thể đọc nổi, mà hú hí với vợ hay bồ cũng không được đãi ngộ, thì còn cách nào thú vị hơn là “ làm ruồi đực” mà tìm rượu giải sầu trong ly bia rượu?

Nguyễn Thị Cỏ May

Não trạng và Tâm trạng: Đông và Tây

Vì vấn đề đa diện và đa dạng, nên tôi chủ yếu đề cập đến những khác biệt giữa Đông và Tây dựa trên khía cạnh TRỌNG TĨNH và TRỌNG ĐỘNG. Những ý tưởng sau đây phần lớn là dựa vào những điều mà tác giả Trần Ngọc Thêm ghi lại trong cuốn ‘Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam’[1], cộng với những gợi ý của các anh Trần Ngọc Báu (Thụy Sĩ), Nguyễn Chính Kết (VN) và Nguyễn Đăng Trúc (Pháp).

Điểm xuất phát.

Trước hết, để xác định Đông Tây, tôi chỉ xin hạn chế trong lãnh thổ địa dư của lục địa Âu Á. Và để cho rõ nét thì chỉ xin so sánh giữa Âu Châu và Viễn Đông, mà tạm quên vùng Cận Đông và Trung Đông. Một cách cụ thể, ta tưởng tượng một đường chéo thứ nhất kéo từ Tây bắc Ấn Độ đến bắc Nhật Bản. Một đường chéo thứ hai song song với đường thứ nhất, kéo dài từ bắc Palestine đến biển Sibérie. Và như thế, Đông mà tôi đề cập là phần bên phải của đường chéo thứ nhất, hay phần Đông nam của lục địa Á Âu, và Tây là phần bên trái của đường chéo thứ hai, hay phần Tây bắc của lục địa.

Còn phần giữa, gồm các nước trung cận Đông, một phần của nước Nga và phía Tây bắc Trung Hoa (từ Bắc Kinh trở lên) được xem là vùng trái độn, và không được xét đến trong bài này. Sở dĩ như vậy là để tránh những vấn đề nhập nhằng khi nêu lên những câu hỏi chẳng hạn: Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Iran, Irak, Nga vân vân... là Đông hay Tây? hoặc: Chúa Giêsu, gốc Do Thái, là người Tây hay người Đông? (Mặc dù trong bài này tôi có trích dẫn vài câu từ Kinh Thánh Do Thái, miền cận Đông, để minh họa cho tính chất Tây phương)

Sau khi xác định như thế, ta thấy nổi lên sự khác biệt trên nhiều phương diện: ngôn ngữ Tây thì biến hình và Đông thì đơn lập; Tây trọng cá nhân, Đông trọng cộng đồng; khi giao tiếp, chào nhau, thì bên Tây người này nắm tay người kia, còn bên Đông thì mỗi người tự nắm tay mình... Những khác biệt đa dạng hơn được nêu lên qua các thuật ngữ: Đông hướng nội, Tây hướng ngoại; Đông trầm mặc, Tây hoạt động; Đông trọng phẩm, Tây trọng lượng...

Vì sao có sự khác biệt đó? Hay đặt vấn đề cách khác: Sự khác biệt đó bắt nguồn từ đâu? Từ môi trường tự nhiên và xã hội. Vì con người là một hữu thể sống trong một môi trường tự nhiên và xã hội nhất định nên hai yếu tố này hẳn là nguồn gốc của sự khác biệt đó.

Môi trường sống của cộng đồng dân cư ở phương Đông (chính xác là Đông Nam Á Âu, theo như xác định trên) là nóng, khiến mưa nhiều nên ẩm, tạo nên sông rạch và đồng bằng trù phú. Còn phương Tây (chính xác là Tây Bắc Á Âu) lại là xứ lạnh với khí hậu khô, thực vật khó sinh trưởng, có chăng là các đồng cỏ rộng lớn.

Hai môi trường ấy khiến các cộng đồng cư dân chọn một lối sống thích hợp, mà kinh tế chủ yếu dựa vào hoặc là trồng trọt hoặc là chăn nuôi. Người đồng bằng phương Đông hướng về trồng trọt và thiên về nếp sống định cư, vì trồng thì phải đợi thu hoạch, và có những cây đòi hỏi phải chờ đợi thời gian dài. Người Tây phương thiên về chăn nuôi và tài sản của họ là gia súc. Gia súc phải di chuyển để ăn khi đồng hết cỏ, vì thế nghề du mục dẫn đến nếp sống du cư.

Nếp sống định cư tìm kiếm một sự ổn định lâu dài, nên người phương Đông có một não trạng TRỌNG TĨNH, còn nếp sống du cư thì phải tổ chức thể nào để di chuyển gọn gàng nhanh chóng, nên người phương Tây có một não trạng TRỌNG ĐỘNG.

Từ hai não trạng đó, ta thử xem chúng tác động như thế nào trên cách thức tư duy, trên tổ chức xã hội và quan hệ với tha nhân.

Tác động trên nhận thức, tư duy:

Người nông dân sống phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều, không phải vào những sự kiện riêng lẻ mà tất cả cùng một lúc: trời, đất, nắng, mưa... Nắng quá cũng chết mà không nắng cũng chết, mưa quá cũng chết mà không mưa cũng chết. Ta thấy qua sự trông mong của họ trong ca dao:

Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng...

Nếp sống này đưa đến lối tư duy tổng hợp. Cách nhìn mọi sự trong tổng thể lại dẫn đến nếp suy nghĩ biện chứng: người nông dân không xét mỗi yếu tố riêng lẻ mà xét theo quan hệ qua lại. Được mùa lúa, úa mùa cau - Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.

Ngược lại, người du mục tập trung vào từng con vật mình nuôi. Và suy nghĩ theo lối phân tích: chia mọi yếu tố cấu thành ra từng phần biệt lập, khởi đầu từ việc mổ xẻ con vật ra mà ăn: mỗi bộ phận tự nó là đủ (bởi lẽ liên hệ giữa chúng là điều đương nhiên, không cần phải xem xét để tác động). Từ cách tư duy phân tích đó, người phương Tây đi đến suy tư ‘siêu hình’ (theo nguyên ngữ của Aristote: meta physika, nghĩa là vượt qua cái hữu hình, cụ thể, vật chất) để đi đến việc trừu tượng hóa những cái cụ thể thành khái niệm.

Cái nhìn phân tích dựa trên sự trừu tượng hóa đó là cơ sở hình thành lối suy tư khoa học, theo nghĩa hiện nay của từ sciences[2] . Một tư tưởng được xem là mang tính khoa học, khi nó được biện giải qua cách lý luận chặt chẽ, sau đó được kiểm tra bằng thực nghiệm. Muốn làm được điều này thì khi nghiên cứu một đối tượng hay một hiện tượng, người ta phải tách biệt nó ra khỏi các yếu tố và đối tượng có liên quan (kể cả người nghiên cứu), và xem xét nó với cái nhìn của người ngoài cuộc, nghĩa là khách quan.

Cái ưu điểm của lối nhìn này, ấy là nó rất rõ ràng và có sức thuyết phục cao, nhưng cái đúng của kết luận khoa học chỉ đúng trong phạm vi mà mình đã giới hạn. Nếu vượt qua giới hạn ấy thì nó lại sai. Cái nhược điểm của khoa học là bao giờ cũng có phần sai. Ví dụ: ‘tổng của 3 góc một tam giác là 180 độ’ chỉ đúng trong hệ thống Euclide, mà sai trong thực tế[3] hoặc trong hệ thống Riemann hay Lobatchevsky. Tuy nhiên nghịch lý là ở chỗ này: chính vì luôn chứa đựng sai lầm nên khoa học phát triển rất nhanh, bởi vì cái sau phải đến thay thế hay bổ sung cho cái trước để cho hoàn chỉnh hơn[4].

Trái lại, với lối tư duy tổng hợp của phương Đông, thì sự chú ý bị phân tán nên không thể nghiên cứu cho sâu một đối tượng nào; bù vào đó, họ có một cái nhìn mang tính ĐẠO LÝ, qua một hệ thống tri thức thu thập bằng con đường kinh nghiệm, chủ quan, và cảm tính. Vì luôn xét các đối tượng một cách tổng hợp trong quan hệ biện chứng, nên người xem không thể tách ra khỏi chỗ đứng của mình, mà chỉ có thể nhìn với cặp mắt của người trong cuộc, nghĩa là chủ quan. Vì luôn đặt mình trong liên hệ với đối tượng nghiên cứu ở ngoài mình, nên phải dùng đến trực giác, hay cảm tính. Và vì chủ quan và cảm tính nên muốn kiểm tra một kết luận thì chỉ dựa vào kinh nghiệm. Cái nhược điểm của tư duy Đông phương là sức thuyết phục không cao, nhưng ưu điểm là diễn đạt ngắn gọn, thâm thúy. Thêm vào đó, vì hình thành trong một mối liên hệ rộng lớn và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm nên cái đúng của lối suy tư Đạo Lý  này khá cao. Chính vì thế mà Phương Đông lại chuyển biến và thay đổi chậm.

Hai lối nhận thức này đưa đến hai hệ thống tư duy rất khác nhau: Phương Đông đi đến lối tư duy nhất nguyên (Nhất nguyên phân cực - nhất thể lưỡng diện) dựa trên triết lý âm dương tôn trọng sự toàn vẹn của một đối tượng trong tương quan với các yếu tố khác, còn phương Tây đi đến lối tư duy nhị nguyên dựa trên luận lý học tôn trọng 5 nguyên lý của lý trí (principes de la raison)

Rất thú vị khi ta thử so sánh hai hệ thống suy nghĩ này. Thử xem một nguyên lý của lý trí. Nguyên lý đồng nhất (principe d’identité) cho rằng mọi vật đều đồng nhất với chính nó: A là A, và mãi mãi là A. Nguyên lý này chỉ đúng khi nào tách một đối tượng hay một hiện tượng nghiên cứu ra khỏi tổng thể để xem xét một cách biệt lập, hoặc khi đối tượng đó tĩnh, đứng yên một chỗ, hay bất biến trong thời gian quan sát. Nhưng trên thực tế, mọi sự vật đều thay đổi với thời gian, mà đã thay đổi thì không còn đồng nhất với chính mình nữa. Nếu xét khía cạnh động, thì lối nhìn Âm Dương có vẻ đúng hơn: Trong âm có dương trong dương có âm mà dương tăng đến một lúc nào đó thành âm và ngược lại, như thế A là dương đến một lúc nào đó lại là âm nghĩa là không (phải) A mà vẫn là A.[5]

Và ta có thể tiếp tục như thế đối với những nguyên lý còn lại là nguyên lý mẫu thuẫn (contradiction), nguyên lý triệt tam (tiers exclu), nguyên lý nhân quả (causalité), nguyên lý cứu cánh (finalité)[6]

Như vậy, các nguyên lý của luận lý học chính là sản phẩm điển hình cho lối tư duy phân tích và chú trọng đến yếu tố biệt lập, xuất phát từ truyền thống du mục; còn triết lý âm dương là sản phẩm điển hình của lối tư duy tổng hợp và chú trọng các mối quan hệ, xuất phát từ truyền thống nông nghiệp.

[Ở đây, tôi đi xa đề hơn một tí để thử nhìn một vấn đề có thể liên quan rất nhiều đến người Công giáo sau Vatican II. Đó là vấn đề thần học Á Châu. Nền thần học, tự nó, xuất phát từ lối tư duy phân tích theo các nguyên lý của lý trí, đưa đến những khoa nghiên cứu như hữu thể học, khoa học luận (ontologie, épistémologie)... để ‘nói về Thiên Chúa’ (Theo-logia).

Lối tiếp cận này xem Thiên Chúa là một đối tượng tĩnh, bất động, biệt lập, và mọi thuộc tính của Người là tuyệt đối tinh ròng, không hề có mâu thuẫn nội tại (ví dụ: Thiên Chúa trọn tốt trọn lành - chứ không thể nào quan niệm được là có một tí gì đó không tốt lành trong TC); rồi về sau mới nói đến những tương quan, từ đó đi đến một nếp sống đạo hướng ngọai và nhập thế. Trong khi đó các tôn giáo ở Á châu lại nhìn vấn để theo lối tư duy tổng hợp, nhất nguyên nên không tách biệt dứt khoát như thế qua lý luận, do đó không có một khẳng định nào rõ ràng; tuy nhiên họ lại nghiêng về cảm nghiệm và đưa đến một nếp sống đạo cá nhân, hướng nội và xuất thế. Vì thế, vấn đề nêu ra là: có thể nào có một hướng thần học Phương Đông hay Á Châu, không dựa vào tư duy phân tích đặt trên nền tảng trên luận lý (logique - rationnel), mà chỉ dựa vào tư duy tổng hợp đặt nền tảng trên cảm nghiệm cá nhân và trực giác, để rồi kiểm chứng bằng kinh nghiệm chứ không bằng lý giải hay không? Xin dừng lại ở đây như một cách gieo vấn đề mà thôi.]

Tác động trên tổ chức cộng đồng và tương quan xã hội.

Vì sống dài lâu với nhau, nên lối sống trọng tĩnh làm nảy sinh nguyên tắc trọng tình, trọng văn và trọng nữ.

Nói đến nguyên tắc trọng tình, thì mọi người dễ dàng đồng ý vì trong cuộc sống hằng ngày tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này. Nó nằm trong truyền thống qua các câu ca dao tục ngữ như: máu chảy ruột mềm; một giọt máu đào hơn ao nước lã; nhưng: bà con xa không bằng láng giềng gần; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Tuy nhiên khi bảo rằng phương Đông trọng nữ thì có thể làm nhiều người ngạc nhiên, vì người Việt Nam hàng ngàn năm nay đã quá quen với văn hóa Khổng Mạnh nên ngỡ rằng tổ tiên mình xem người nữ kém người nam. Quả thật, đối với đạo đức Khổng Mạnh, thì ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’, và đời sống của người nữ chỉ là cái bóng của người nam với nguyên tắc ‘tam tòng’ dành cho ‘nữ nhi thường tình’.

Tuy nhiên thuở xa xưa, ở phương Đông, bao gồm Việt Nam, người nữ có một vị trí cao hơn người nam. Điều này còn thấy ở một số bộ tộc đang theo mẫu hệ. Và ngôn ngữ còn giữ lại nhiều dấu vết của giá trị người nữ: ví dụ chữ ‘cái’ trong tiếng Việt Nam cổ có nghĩa là ‘mẹ’: Con dại cái mang. Những gì quan trọng đều gọi là ‘cái’: sông cái, đũa cái, ngón cái, chữ cái... và tinh thần trọng nữ ấy vẫn còn tiềm ẩn nơi những cặp chữ như: vợ chồng (# mari et femme), hoặc như trong ca dao ngạn ngữ: Thuận vợ thuận chồng...; Nhất vợ nhì trời; hay

Ba đồng một mớ đàn ông,
đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Ba trăm một mụ đàn bà,
đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.

Phương Tây, vì sống du cư nên lối sống trọng động làm nảy sinh nguyên tắc trọng tài, trọng sức mạnh, trọng võ và kéo theo là trọng nam.

Từ xa xưa, người phụ nữ ở Tây phương không được mang tên gia đình mình (tương đương với ‘họ’ của người VN) khi lấy chồng. Cựu Ước xem phụ nữ đồng hàng với tôi tớ nô lệ, với gia súc và với đồ vật sở hữu của người nam. Cứ xem lại Ngũ Kinh thì thấy. Ví dụ điều răn thứ 10 trong sách Xuất Hành (xh 20, 8): “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”.

Trong ngôn ngữ, người Tây phương dùng một chữ duy nhất để vừa chỉ ‘người’ vừa chỉ ‘đàn ông’: anthropos (= aner, andros), homo (= vir), homme, man... cứ như thể đàn bà không phải là người. Trong Tân Ước, các thánh sử ghi lại phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống một lần 5000 ‘người’, một lần 4000 ‘người’. Và để xác định chỉ có ‘đàn ông’ mới là ‘người’ nên các ngài phải chua thêm ‘không kể đàn bà và trẻ con’ (Mt 14,21; 15,38); mà Tân Ước thì mới cách chúng ta chưa được 2000 năm, nghĩa là một thời gian rất gần so với toàn bộ lịch sử nhân loại!

Nguyên tắc trọng tình của phương Đông đưa đến một hình thức tổ chức cộng đồng một cách linh hoạt, luôn luôn thích nghi để sống với mọi người chung quanh, do đó nảy sinh cái triết lý: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài - Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Lối sống nặng tình cảm và nhu cầu sống hòa thuận trong một bối cảnh ổn định đưa đến một tâm trạng hiếu hòa trong quan hệ xã hội.

Trong cuốn người Việt cao quý, Vũ Hạnh (với bút hiệu là A. Piazzy) nhắc lại rằng mỗi khi nước ta thắng người Trung Hoa xong thì lại đi triều cống để giữ hòa khí. Nếp sống ‘tình làng nghĩa xóm’ này đưa đến một lối tổ chức xã hội mà mọi người được xem là bình đẳng với nhau, ngôn ngữ ngày nay gọi là dân chủ. Do đó, xưa kia phương Đông đã theo nền dân chủ sơ khai, trước khi xuất hiện nền quân chủ phong kiến. Từ sinh hoạt dân chủ đó, mỗi người coi trọng tập thể và cộng đồng hơn. Vì thế, ở phương Đông, rõ ràng hơn là ở Việt Nam, người ta làm gì cũng nghĩ đến tập thể trước và nghĩ đến mình sau.

Trái lại, nguyên tắc trọng tài, trọng sức mạnh của phương Tây đưa đến một hình thức tổ chức cộng đồng một cách theo khuôn phép. Cuộc sống du cư đòi hỏi phải có tổ chức, phải tuân theo kỷ luật. Chỉ cần đọc lại sách Xuất Hành và Lêvi thì thấy kỷ luật ấy tỉ mỉ đến thế nào. Hình thức tổ chức cộng đồng như thế khiến người ta trọng lý hơn trọng tình. Muốn duy trì kỷ luật, cần phải có một người cai trị; từ đó phương Tây hướng đến nền quân chủ (Xem lại dân Do Thái yêu cầu phải có Vua: Saolê). Hệ quả của việc tổ chức quân chủ này lại nâng cao tinh thần trọng động, trọng sức mạnh, dẫn đến cái nhìn độc tôn và hiếu thắng trong tương quan với người khác. Vì có cái nhìn bạn thù rất minh bạch nên bên thắng là tất cả và bên thua không là gì cả[7].

Từ những nhận xét trên, khi nhìn lại lịch sử, ta thấy rằng những cuộc chiến (võ) thường xảy ra từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam, (từ Tây sang Đông) và nền Đạo Đức (văn) thì thường đi từ Đông Nam lên Tây Bắc (từ Đông sang Tây). Cách xử sự cộng đồng như thế dẫn đến hệ quả là Tây phương coi trọng cá nhân. Vì thế, dưới thời quân chủ, cá nhân người cai trị được đặt ở vị trí thật cao. Rồi đến thời dân chủ, tự do cá nhân của mỗi người là điều bất khả xâm phạm. Người lãnh đạo đất nước không thể nào lấy lợi ích tập thể (nhìn dưới cái nhìn chủ quan của mình) mà đặt lên trên lợi ích của từng cá nhân được.

Tuy nhiên, khi nhìn mặt phải của hai bên thì đồng thời cũng nhìn ra mặt trái. Một xã hội khuôn phép và máy móc sẽ đem đến sự áp đặt thiếu bình đẳng, nhưng trong một xã hội linh hoạt thì người ta lại dễ đi đến xuề xòa, tùy tiện, ba phải, hòa cả làng, coi thường phép nước (vì phép vua thua lệ làng).

Thử minh họa bằng một biểu hiện của lối sống xã hội này: Tây phương sống bằng lý, nên đời sống dựa theo luật: Quyền lợi và nghĩa vụ. “Tôi chu toàn nghĩa vụ, tôi phải có quyền lợi”. Khi có xung đột, thì không tình không nghĩa gì cả, chỉ có lý. Ra tòa! Và tòa xử thế nào là chấp hành thế ấy chứ ‘không giỡn mặt với pháp luật’. Vì quan niệm rằng quyền lợi phải cân xứng với nghĩa vụ, nên tương quan xã hội có vẻ vô tâm và vô tình. “Cha mẹ tôi đã đóng hưu liễm suốt đời, tôi đã đóng thuế công dân, thì cha mẹ tôi có xã hội lo, có an sinh xã hội, có bảo hiểm xã hội, không việc gì đến tôi cả”.

Người Việt Nam hẳn sẽ sửng sốt khi biết rằng đợt nóng trong tháng 08 vừa qua ở Pháp đã lấy đi mạng sống của hơn 15 ngàn người mà trong số đó rất nhiều cụ cao niên không có một thân nhân nào ở bên cạnh vào những giờ phút cuối đời.

Ngày 31/8 trên kênh TF1, chương trình ‘từ 7 đến 8 giờ’ chiếu lại hình ảnh một quan tài chứa đựng xác đang rữa của một cụ bà 90 tuổi, chết trong căn hộ mình cách đó ba tuần mà không ai biết tới. Bà chết ngày 11/8. Gia đình bà đến nhận diện thi hài, rồi ra đi nghỉ hè.

Ở Việt Nam thì không bao giờ có chuyện như thế xảy ra. Con cái nghe cha mẹ mình bệnh nặng thì chạy ngược chạy xuôi; chẳng may song thân qua đời, thì dù chuyện gì cũng phải gác lại để trở về mà thọ tang. Nếu một người nằm xuống mà không có ai thì láng giềng sẽ lo lắng chu đáo. Và ngay trong một tổ chức Nhà Nước mà chính sách rất rõ ràng đối với người nghèo, mà luật lệ bảo hiểm minh bạch, thì người Việt Nam vẫn thấy những thân nhân mình là mối bảo hiểm tốt nhất. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ: Con đau thì cha mẹ lo, không nổi thì anh chị em lo, không nổi nữa thì chú bác cô dì anh chị em họ lo... và điều đó dường như là điều đương nhiên.

Thế nhưng cái hạn chế của nếp sống trọng tình này, ấy là trong một xã hội có tổ chức nhưng các luật lệ và qui ước thì lại được giải thích một cách mù mờ. Một công dân có quyền gì từ Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội? từ Cơ quan bảo hiểm? Không ai mất thì giờ để nói tới quyền lợi, chỉ biết rằng nghĩa vụ của mình xong thì thôi. Đa số người Việt Nam hiện nay muốn đòi hỏi quyền lợi của mình ‘theo luật định’ thì vẫn mang tâm trạng của ‘con kiến đi kiện củ khoai’.

Kết luận

Khi nói về não trạng và tâm trạng giữa Đông và Tây, tôi vạch một lằn ranh rõ ràng và chia ra hai vế tách biệt. Một cách nào đó, tôi đã trình bày theo ‘các nguyên lý của lý trí’ với các hạn chế của chúng. Tuy nhiên trong thực tế sinh động, không thể nào có một lằn ranh dứt khoát như vậy, và nếu nhìn theo triết lý âm dương thì trong Tây vẫn có Đông, và trong Đông đã có Tây... Tuy nhiên mỗi người, mỗi cộng đồng đi từ não trạng này đến cực điểm rồi lại sang não trạng kia trong một thời gian và ở một giai đoạn khác nhau.

Chí ít ta có thể xem xét ở hai bình diện. Một mặt, những yếu tố Đông Tây không nằm trong một ranh giới cụ thể của một quốc gia. Ví dụ, ở Trung Hoa, miền bắc là lạnh và du mục thì thiên về não trạng Tây còn miền nam là nóng và nông nghiệp thì thiên về não trạng Đông. Do đó ta thấy xuất hiện từ miền Bắc một Khổng Tử suy tư rất chặt chẽ và cho ra đời một hệ thống cai trị rất Tây phương, với tam cương, ngũ thường, trọng nam khinh nữ; trong khi đó ở miền Nam lại có Lão Tử, với lối tư duy rất Đông phương trong Đạo Đức Kinh, hướng con người bước ra khỏi vòng cương tỏa của mọi tổ chức xã hội bất bình đẳng.

Mặt khác, Phương Tây cũng từng có những con người trọng tĩnh, và phương Đông cũng không thiếu gì người trọng động. Cứ nhìn lại các nhà thần bí Tây phương như Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá, thì thấy họ còn ‘thiền’ hơn rất nhiều người theo các tôn giáo phương Đông, và nhìn Mẹ Têrêxa thì khó lòng mà nói một người phương Tây không ‘có tình làng nghĩa xóm’.

Ngược lại, tại một quốc gia như Nhật Bản, thì không có một lãnh vực nào, từ đạo lý đến khoa học, mà đất nước ấy không có những người ngang bằng với các tên tuổi lỗi lạc ở Phương Tây.

Vì thế, những điều tôi trình bày trên đây, một cách rất nhị nguyên, cũng chỉ có mục đích soi rọi một số phạm trù mà người ta thường nghĩ đến, khi đối lập giữa Đông và Tây. Mục đích chỉ khiêm tốn như vậy thôi; bởi vì trong thực tế thì sự tách biệt không rõ mồn một như vậy. Vả lại trong chiều hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những điều hay điều dở của hai phương dù muốn dù không cũng phải đối diện với nhau để vừa xung đột vừa bổ túc cho nhau. Tất cả những hiện tượng về chuyển nhập văn hóa (acculturation) đã và sẽ đưa đến những tổng hợp mới, do chính con người điều chỉnh theo nhu cầu của mình và của xã hội mình. Nhưng con người cũng có những cá tính đa diện và các mặt cá tính ấy thường xung khắc nhau. Trước sau gì con người (nói chung) cũng nhào nặn (façonner - réformer) lại cái xã hội của mình và chính bản thân mình sao cho phù hợp với cái gọi là Não Trạng và Tâm Trạng của mình để rồi tác động trở lại trên thiên nhiên và xã hội. Mà cái Não Trạng và Tâm Trạng ấy cơ bản lại xuất phát từ nếp sống với thiên nhiên và xã hội của mình. Cái vòng luẩn quẩn này rất tự nhiên, rất biện chứng và cũng rất là người vậy.

Điều mà hiện nay Việt Nam đang nhắm đến là làm sao tiếp thu những giá trị của phương Tây mà không đánh mất đi cái bản sắc phương Đông của mình. Đây là một vấn đề nhức nhối. Tôi đã nêu ra bao điều hay của Phương Đông, và cũng là của Việt Nam, ví dụ như tinh thần trọng tĩnh, hiếu hòa, biết nhìn và suy nghĩ một cách tổng hợp, và chúng ta cũng đã từng đọc những cuốn sách nói về những điều tốt đẹp và đáng tự hào, chẳng hạn cuốn “Người Việt cao quý’ của Vũ Hạnh. Tuy nhiên, tôi cũng không quên thành thật nhìn lại mình một cách phản tỉnh; vì thế, để kết thúc, tôi trích dẫn vài câu trong cuốn ‘Người Trung Hoa xấu xí’ của tác giả Bá Dương, xuất bản tại Đài Loan, rồi tái bản tại Trung Quốc. Trong đoạn này, độc giả thử thay chữ Trung Quốc bằng Việt Nam xem sao; riêng tôi, thì tôi thấy chột dạ như thế nào ấy. Đây là những câu đó:[8]
 
Bất kỳ ở chân trời góc biển nào, hễ có người Trung Quốc là có cắn xé nhau. Mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi. Người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được. Mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn kết. Bất cứ xã hội người Hoa nào ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Họ chưa biết tầm quan trọng của sự hợp tác; nhưng họ có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết, hay ho đến Thượng Đế cũng có thể khóc được. Những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi họ một hành vi đặc thù khác: chết cũng không chịu nhận lỗi. Họ thích nói: nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa. Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hay tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định.

Người Trung Quốc sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả, cánh hữu, trung lập, độc lập, trung thiên tả, tả thiên trung, trung thiên hữu, hữu thiên trung, vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì?  Đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ, hăm dọa người Trung Quốc lại không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết. Sống trường kỳ trong cái hũ tương lâu ngày quá tự nhiên sinh ra tâm lý cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ;  không có can đảm dám khen người khác, chỉ có dũng khí dùng để đả kích kẻ khác; chửi bới sau lưng; yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Họ vĩnh viễn không thể nào so sánh được với người Do Thái, chỉ cần so sánh với người Nhật, người Đại Hàn là cũng thấy bị thua tới cả trăm nghìn năm ánh sáng rồi.

Người Trung Quốc sợ sệt đủ mọi thứ trên đời. Cái não trạng hãi sợ này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Vì vậy bạo chúa, bạo quan không bao giờ bị tiêu diệt, và đã biến dân tộc Trung Quốc thành một dân tộc hèn hạ. Sức tưởng tượng, óc suy xét, tư duy của giới trí thức bị bóp chết, xơ cứng. Trong 4000 năm, từ Khổng Tử trở đi, không còn có một nhà tư tưởng nào lớn nữa. Cái hũ tương văn hóa, cái hũ tương thối làm cho người Trung Quốc xấu xí, không thể dùng tư duy của mình giải quyết, phải bắt chước, phải dùng cái tư duy của kẻ khác; lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, sợ sệt, lo âu. Trung Quốc diện tích rộng thế, lâu đời thế mà người Trung Quốc lại có một tâm điạ thật hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Phải chăng Thượng Đế đã phú cho chúng ta có một nội tâm xấu xa?

  
[1] Tìm về BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM - Pgs Viện sĩ TRẦN NGỌC THÊM - Nxb TP Hồ Chí Minh - 2001.
[2] Science khởi thủy là savoir, chỉ sự hiểu biết qua tư duy, và lãnh vực để phát triển sự hiểu biết, hay sự khôn ngoan, lại là philosophie (triết) chứ không phải là sciences (khoa học). ‘Science sans conscience n’est que ruine de l’âme’ (Montaigne).
[3] Ví dụ: Trong thực tế, khi muốn xây hai bức tường cho thật song song, người ta dùng dây dọi để xác định chiều thẳng đứng đối với mặt đất. Kết quả là hai bức tường ấy hợp với mặt đất thành 2 góc vuông nghĩa là 90 + 90 = 180 độ. Nhưng ai cũng biết rắng nếu tưởng tượng hai bức tường song song ấy được kéo dài mãi (sâu xuống đất) thì chúng sẽ gặp nhau ở trung tâm quả đất, và như thế thì ta có một tam giác cân mà hai đáy (gồm hai bức tường và mặt đất) đã là 180 độ. Góc thứ ba (do hai bức tường gặp nhau ở trung tâm trái đất) dù nhỏ cách mấy cũng khiến cho tổng số ba góc trong tam giác này lớn hơn 180 độ. Trường hợp này thì hình học Riemann đúng, còn hình học Euclide sai.
[4] Và điều này thấy rất rõ trong kỹ nghệ tin học hiện nay. Các phần mềm (software hay logiciel) cứ phải nâng cấp mãi vì thế nào cũng phát hiện một sai sót khi đặt vào trong một áp dụng mở rộng hơn. Đó là chưa kể những cuộc tấn công vào các kẽ hở của các phần mềm nổi danh nhất thế giới như Microsoft, khiến phải sửa chữa và hoàn thiện mãi.
[5] Phaolô sau khi ‘ngã ngựa’ không còn là Phaolô (trước kia) nữa, nhưng vẫn là Phaolô.
[6] Nguyên lý mâu thuẫn cho rằng hai mệnh đề mâu thuẫn với nhau thì hoặc đúng hoặc sai chứ không thể cả hai hoặc đúng hoặc sai được. Điều này cũng đúng khi tách rời một đối tượng ra mọi liên hệ khác mà thôi. Câu ‘A là anh’ hoặc ‘A là em’ thì chỉ có một câu đúng thôi, nếu ta tách hai người con cùng một cha mẹ ra mà xét. Còn nếu xem A là thành viên của một gia đình có nhiều con, thì ‘A là anh’ của B mà ‘A là em’ của C.
Nguyên lý triệt tam cho rằng một mệnh đề chỉ có thể đúng hoặc sai chứ không thể vừa đúng vừa sai được, không có trường hợp thứ ba. Điều này cũng đúng nếu thỏa mãn những điều kiện như hai trường hợp trước, mà không đúng hoàn toàn với thực tế biến động của sự sống. Ví dụ như trong câu tục ngữ: nhất sĩ nhì nông; hết gạo chạy rong; nhất nông nhì sĩ. Trong khi đó với thuyết âm dương thì dễ chấp nhận hơn. Vấn đề nào cũng đi theo cặp: nông cần sĩ là đúng mà sĩ cần nông cũng vẫn đúng, tùy theo hoàn cảnh.
Và cứ thế cho đến nguyên lý nhân quả hay cứu cánh (mọi vật đều có nguyên nhân - Mọi vật đều hướng về một cứu cánh). Đối với một cặp tách rời thì đúng. Đối với một chuỗi hiện tượng thì âm phát triển mãi thành dương, dương phát triển mãi thành âm, và vì thế âm là nhân của dương, hay ngược lại? Không thể nào biết được. Họa sinh phúc, rồi phúc lại sinh họa; như được minh họa qua câu chuyện Tái Ông mất ngựa.
[7] Cf Dnl 20, 13. ‘Thiên chúa của anh em sẽ trao thành ấy vào tay anh em, và anh em sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh em mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm’.
[8] Dịch giả : Nguyễn Khôi Minh- Nhà xuất bản Chân Mây Cuối Trời, Paris, 1998

Cuộc đời vốn đơn giản lắm, sao phải khiến nó trở nên phức tạp

Ta làm việc chăm chỉ vì ai? Vì sao phải tự biến cuộc sống trở nên khó khăn tới vậy? Jandai cho rằng điều đó thật không bình thường.

Trong một bài phát biểu trên chương trình TedTalk vào năm ngoái, anh nông dân Jon Jandai (Thái Lan) đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Dưới đây là đoạn trích dẫn lại bài phát biểu của Jon Jandai:

Từ một ngôi làng nhỏ ở Thái Lan, anh nông dân Jon Jandai kể rằng mọi thứ với anh đều vui vẻ và dễ dàng trước khi có TV. Sau khi có TV, nhiều người tới làng của anh hơn và họ nói với người rằng: Các bạn nghèo quá, các bạn phải theo đuổi thành công. Các bạn cần phải tới Bangkok, nơi đó có thể giúp các bạn theo đuổi được thành công trong đời.

Khi nghe được những lời đó, Jon Jandai nói, tâm trạng tôi rất tệ, tôi nghĩ mình cần phải tới Bangkok ngay. Nhưng khi tới được Bangkok rồi tôi không cảm thấy vui vẻ cho lắm.

Bạn phải học, phải nghiên cứu và làm việc thật chăm chỉ bạn mới có thể đạt được thành công. Tôi đã phải làm việc vất vả ít nhất 8 riếng một ngày nhưng những gì tôi cần chỉ là một tô mì, một đĩa cơm chiên hay đại loại như vậy mỗi bữa.

Phòng trọ của tôi cũng rất khổ sở, rất nhiều người cùng phải chia sẻ một căn phòng chật hẹp nóng nực. Tôi bắt đầu băn khoăn vì sao mình phải làm việc rất chăm chỉ rứa mà cuộc sống vẫn khó khăn. Liệu có điều gì đó không đúng không?

Tôi tự thấy mình đã làm được khá nhiều việc nhưng lại vẫn không đủ sống. Sau đó tôi cố gắng học, học thật chăm chỉ tại trường đại học, nhưng việc này cũng thật khó khăn bởi học đại học rất chán. Đa phần các môn học ở đại học cung cấp những kiến thức hủy diệt và nó vô ích đối với tôi.

Nếu học về chuyên ngành kiến trúc, xây dựng hay kỹ thuật thì bạn sẽ hủy hoại nhiều hơn. Càng xây dựng nhiều thì môi trường sẽ càng bị hủy hoại, vùng đất nông thôn hiền hòa sẽ được lấp đầy bởi bê tông với tần suất rất cao. Còn nếu là chuyên ngành khoa học nông nghiệp thì bạn sẽ là người đầu vùng nước và vùng đất.

Con người đang tìm cách hủy hoại mọi thứ, tôi cảm thấy mọi việc chúng ta làm đều đang quá phức tạp và tàn nhẫn. Chúng ta đang tự khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Khi chứng kiến và nhận ra tất cả những điều đó, tôi thấy rằng cuộc sống quá khó khăn và tôi thật sự thất vọng.

Tôi bắt đầu nghĩa lại vì sao mình phải tới Bangkok?

Ở quê hương tôi không ai làm việc 8 tiếng một ngày cả, mọi người chỉ làm khoảng 2 tháng mỗi năm. Vụ cấy diễn ra trong 1 tháng, và 1 tháng thu hoạch nữa. Chúng tôi có 10 tháng nhàn rỗi. Ban ngày mọi người đều được ngủ trưa và sau khi thức dậy, họ bắt đầu cùng trò chuyện, con rể anh thế nào, vợ anh ra sao…

Cũng bởi có nhiều thời gian rảnh rỗi nên họ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn, từ đó, họ có thể hiểu bản thân nhiều hơn và họ thấu hiểu rõ nhất mình muốn gì trong cuộc đời này. Nhiều người sẽ nhận ra họ đơn giản muốn được hạnh phúc, muốn yêu thương và tận hưởng cuộc sống.

Tôi cảm thấy có điều gì đó không đúng với cuộc đời mình. Tôi không thể sống theo cách này nữa. Tôi quyết định bỏ học và trở về quê hương.

Khi trở về, tôi bắt đầu khai khẩn mảnh đất hoang rộng chừng một mẫu để trồng rau và lúa. Tôi đào thêm 2 ao thả tôm cá. Một năm, tôi thu hoạch được 4 tấn lúa, trong khi cả nhà 6 người không ăn hết nửa tấn. Tất cả lương thực và thực phẩm dư thừa đều được đem đi bán.

Thời gian một năm chỉ mất 2 tháng vất vả, còn lại thì nhàn hạ, TÔI THẤY CUỘC SỐNG THẬT DỄ DÀNG.

Tiếp đó tôi nghĩ tới việc mình cần có một căn nhà. Nhưng làm sao có thể có nhà trong khi ngay cả những người bạn học giỏi nhất trong lớp của tôi cần tới 30 năm làm việc chăm chỉ, có bằng đại học và một công việc tốt mới có được?

Tuy nhiên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một căn nhà bằng đất. Mỗi ngày tôi làm việc từ 5 giờ sáng đến 7 giờ chiều, trong vòng chưa đầy 3 tháng tôi đã xây xong một căn nhà.

Trong khi đó, một người bạn của tôi, người học giỏi nhất lớp cũng cần 3 tháng để có một căn nhà nhưng sau đó, anh ta cần tới 30 năm để trả nợ hết số tiền nợ.

Như vậy, so với anh ấy, tôi có 29 năm và 10 tháng rảnh rỗi, tôi tiếp tục xây thêm nhiều căn nhà đất khác và trang trí nội thất cho nó. Tôi thấy cuộc sống thật dễ dàng.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc có thể sẽ bị bệnh mà tôi lại không có nhiều tiền. Chính vì thế tôi đã dành thời gian để học những cách chữa bệnh đơn giản nhất, cần thiết nhất. Từ đó tôi không còn sợ hãi nữa. Tôi cảm thấy cuộc sống thật dễ dàng và tự do.

Cuối bài phát biểu, Jandai khẳng định rằng đây rõ ràng là thời kỳ văn minh nhất của loài người. Có rất nhiều người tốt nghiệp đại học, có quá nhiều người thông minh trên thế giới nhưng sao cuộc sống cứ trở nên khó khăn hơn.

Ta làm việc chăm chỉ vì ai? Vì sao lại khiến cuộc sống trở nên khó khăn tới vậy? Jandai cho rằng điều đó thật không bình thường. Và anh đơn giản chỉ muốn là một người bình thường mà thôi!

Phương Linh
Theo Trí Thức Trẻ/TEDTalk

Saturday, February 27, 2016

Do "dân chủ" hay do "não trạng nô lệ"?

Có quan điểm cho rằng dân chủ sẽ gây ra bất ổn định. Nghiêm như thế mà chạy xe còn cẩu thả, đánh cả công an. Bài viết này thể hiện quan điểm chính “não trạng nô lệ” mới gây ra bất ổn xã hội.

Yếu tố lịch sử.

Đất nước chúng ta không may phải trải qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, dù muốn hay không, não trạng nô lệ đã ăn sâu vào trong máu thịt. Đến khi giành được quyền tự chủ (Ngô Quyền) thì “quốc gia độc lập nhưng vẫn không có tự do”, nguyên nhân là học thuyết Nho giáo. Học thuyết Nho giáo, về lý thuyết, rất tốt nếu có một vị minh quân lãnh đạo.

Trong lịch sử, đó có thể là Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông hay Lê Thánh Tông.. Tuy nhiên, độc quyền ắt sinh tiêu cực. Một vị vua anh minh chưa chắc con cháu đã anh minh. Triều đại nào cũng vậy, thường bắt đầu bằng một hai triều đại vua tốt, sau đó là thoái hóa – nguyên nhân của độc quyền lãnh đạo. Vì vậy, sẽ thật lố bịch nếu ai đó nói “cần phải duy trì Nho giáo để ổn định xã hội, một ông vua xấu không phải là chủ trương của Nho giáo”. Não trạng nô lệ kiểu Nho giáo này kéo dài cho tới khi Pháp xâm chiếm nước ta.

Chưa kịp thoát khỏi tình trạng “đất nước độc lập nhưng nhân dân nô lệ”, Việt Nam lại rơi vào cảnh đất nước nộ lệ lần nữa. Cảnh các nô lệ làm việc ở đồn điền cao su với ông cai (tây hoặc ta) có roi mây trên tay là cảnh quen thuộc nhất. Cái roi sẵn sàng quất xuống bất kỳ lúc nào nếu ai chậm chạp hoặc có ý định nghỉ ngơi. Người phu có cảm giác vừa căm thù, vừa sợ hãi những tên cai này.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Ngày 30/4/1975 Việt Nam thống nhất và đi theo con đường XHCN do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Ngặt một nỗi, đã gần 40 năm trôi qua, não trạng nô lệ trong phần lớn nhân dân vẫn không hề thuyên giảm. Đây là một số ví dụ:

1. Chúng ta hay nghe nói “sẽ không có vùng cấm trong vụ này”, hoặc là “chủ trương của Nhà nước là kiên quyết xử lý, không bao che...”. Tiếp sau đó là người dân ca ngợi “hoan hô, hy vọng, mang ơn…” Não trạng nô lệ làm cho người dân cảm thấy “Nhà nước không bao che” đã là một sự ban ơn! Sao không đặt câu hỏi “thế trong vụ khác thì có vùng cấm”? Hay “trường hợp khác thì chủ trương của Nhà nước là không kiên quyết lắm và có bao che?”

2. Việc TS. Nguyễn Thị Từ Huy nhận học bổng du học là do chị ấy có khả năng nổi trội so với các ứng cử viên khác. Nhà nước có trách nhiệm thay mặt nhân dân trao suất học bổng đúng người, đúng việc. Nhà nước thậm chí không được quyền trao học bổng cho người bất tài, kém đức. Cho nên chị Từ Huy không cần biết ơn Nhà nước. Nếu có ơn nghĩa ở đây thì chị Từ Huy phải biết ơn nhân dân. Những kẻ quy kết chị Từ Huy viết bài phản biện là “ăn cháo đá bát”, xét cho cùng, cũng là do não trạng nô lệ còn sót lại (rất đáng thương!).

3. Gần đây nhất là diễn biến bác Lê Hiếu Đằng. Vì não trạng nô lệ, người ta ý kiến rằng “ông Đằng đã ăn lộc nhà nước phải trả hết nhà cửa, chế độ hưu trí rồi mới nói được phản biện”. Không khác gì nô lệ kiểu Nho giáo “ăn lộc vua thì phải thờ vua”.

Hậu quả và cách giải quyết

Xét theo một logic thô sơ, máy móc thì “não trạng nô lệ dẫn đến dễ cai trị, dễ cai trị dẫn đến các chính sách được thực thi – kết quả là đảm bảo ổn định xã hội”. Nhưng thực tế, kết quả hiện nay là mọi trật tự, kỷ cương bị phá vỡ.

1. Đi đường, chỉ rình xem không có công an là vượt đèn đỏ. Ngược lại, có công an thì đến khi đèn xanh cũng không dám đi - cho đến khi được ngoắc tay ra hiệu “đi đi”. Một não trạng “sợ công an” điển hình. Mà sợ cũng đúng, CA sẵn sàng nện đến chết một công dân vì một chuyện rất nhỏ (có rất nhiều ví dụ). Mặt khác, sợ nhưng rất ghét công an – sẵn sàng tông CA, chửi bới CA, thấy CAGT là lẩm bẩm chửi – trong khi không có họ thì giao thông còn kinh khủng cỡ nào. Ta thấy nghịch lý ở đây: não trạng nô lệ làm giao thông không ổn định – mà lại rối bời.

2. Phía công quyền, ngược lại, rất tùy hứng trong việc ra những văn bản pháp quy. Ví dụ gần đây nhất là “phải xin phép khi quay CSGT làm việc”. Nguyên nhân sâu xa là, dù không cố ý, thì người nghĩ ra những văn bản kiểu đó đã quen với não trạng nô lệ của người dân.

Trong phạm vi một bài viết, tôi không thể kể hết hậu quả não trạng nô lệ với ổn định xã hội. Nhưng thử ngẫm xem, hầu như bất kỳ cái trái khoáy, kỳ dị của xã hội - từ kẹt xe đến tai nạn giao thông, từ chạy trường đến sổ vàng, từ ca ngợi lãnh tụ đến chửi bới trí thức - đều liên quan đến não trạng nô lệ.

Đã thấy được mối liên hệ đó, thì cách giải quyết vấn đề - rốt cuộc lại – vẫn là dân chủ. Một người dân - nếu hiểu hệ thống đèn giao thông là để bảo vệ cho mình, mình tuân thủ nó có nghĩa mình là chủ nhân của đất nước – sẽ tự nhiên dừng lại khi đèn đỏ mà không chờ phải huýt còi, vung gậy lên. Ngược lại, một cơ quan công quyền – nếu hiểu được người dân là chủ - thì tự nhiên sẽ không ban hành cái quy định “phải xin phép khi quay CSGT làm việc”.

Trước đây, chúng ta sống ở xã hội dân chủ gấp triệu lần tư bản (gần đây, phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan giảm xuống còn vạn lần). Đi đâu, ở đâu cũng thấy hô hào dân chủ. Nhưng không biết vì sao dân mình vẫn giữ mãi cái não trạng nô lệ (***). Hay là nhân dân đang chờ khi nào Việt Nam dân chủ gấp… tỷ lần tư bản mới phát huy quyền làm chủ?

Nguyễn Đại