Đi hội nhiều lúc đồng nghĩa với đày ải chính mình, nhưng hàng nghìn hàng vạn người vẫn tự nguyện dấn thân rồi đồng thanh than khổ, để sang năm, sang năm nữa tiếp tục lặp lại cái hành trình dở cười dở khóc...
Phú quý sinh lễ nghĩa?
Vờ vật chen chân trong đêm lạnh nghèn nghẹt mùng 7 tháng Giêng, cuốc bộ rồi tăng bo xe ôm để len bằng được vào chợ Viềng (Vụ Bản - Nam Định) khắc chính hội chỉ để mua một vài cây cảnh hoa quả được gắn keo, hay tha về cân thịt bò gia truyền cốt lấy may, cũng như tránh cái tiếng đi chợ mà về tay không, hội chợ Viềng tương tự hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khác diễn ra khắp dọc dài đất nước mỗi dịp ra Tết đều giống nhau ở độ thu hút khách thập phương kỷ lục.
Đi hội nhiều lúc đồng nghĩa với đày ải chính mình, nhưng hàng nghìn hàng vạn người vẫn tự nguyện dấn thân rồi đồng thanh than khổ, để sang năm, sang năm nữa tiếp tục lặp lại cái hành trình dở cười dở khóc...
Chừng 9.000 lễ hội diễn ra đều đặn hằng năm theo con số thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia sở hữu số lượng kỉ lục lễ hội trên toàn cầu? Từ lễ hội có yếu tố thời gian dài nhất, diễn ra trong vòng 3 tháng như lễ hội chùa Hương, đến chợ Viềng chỉ duy nhất đêm mùng 7 tháng Giêng âm lịch, lâu nay đã thành cơ hội cải thiện thu nhập cho địa phương cả ở phía cư dân và chính quyền. Vậy nên nhiều năm trở lại đây, cùng với sự cải thiện rõ rệt của đời sống kinh tế, sự thông thoáng tiện lợi hơn của đường sá giao thông đi lại, con người ngày càng nảy sinh nhu cầu chơi, vui và không ai hẹn ai, đều chọn đích đến là các lễ hội dẫn tới nhiều bất cập thi nhau phát sinh, hệ quả là đã có những tiếng nói đòi dẹp bớt các lễ hội.
Tất nhiên những tiếng nói đơn lẻ này đã gặp phải sự phản ứng, mà mạnh mẽ nhất chính từ giới chức lãnh đạo các địa phương sở hữu lễ hội. Không ai bỗng dưng muốn dẹp bỏ đi nguồn thu và phương tiện quảng bá hiệu quả cho địa phương mình, nhưng cũng chưa ai đưa ra được một phương án nào tối ưu nhất để chấm dứt cảnh du khách chen lấn xô đẩy, cảnh tắc đường kẹt xe ồn ào bát nháo, luôn phá hỏng không gian thanh nhàn vốn riêng dành cho lễ hội.
Để lễ hội chùa Hương bớt đi những nhức nhối một thời gian dài tưởng đã thành "bản sắc", sau ngày sáp nhập Hà Tây, Công an Hà Nội đã luôn tăng cường lực lượng, xóa bỏ nạn chèo kéo du khách ngay từ địa phận Hà Đông, hỗ trợ địa phương trấn áp tình trạng hàng quán chặt chém, lấn chiếm đường lên các động cũng như sắp xếp lại nhà đò. Thế nhưng, chỉ một tiểu tiết nhỏ đổi tiền lẻ ở các đền chùa, các điểm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành lệnh tuyệt đối cấm, và ngành văn hóa cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra tuy nhiên thực tế vẫn chưa hề được như mong muốn.
Hầu hết các lễ hội ở Việt Nam đều ít nhiều gắn với yếu tố tâm linh, và lễ hội cách này hay cách khác cũng ngày càng được nhà nước quan tâm sâu sát, tham gia triệt để hơn nhiều. Lễ hội vốn xuất phát từ dân gian, khi đã được nhà nước hóa, được quản lí bằng các biện pháp hành chính lẽ ra phải quy củ, văn minh nền nếp khác với lệ thường. Kinh nghiệm ở Yên Tử từ lúc bắt đầu có tuyến cáp treo, có sự nhập cuộc của tư nhân - đơn vị kinh doanh vận hành cáp treo, con đường hành hương tới đất Phật đã được cải thiện rõ rệt.
Yên Tử khác với một thời chưa xa, đã không còn rác, không còn ăn xin, không còn hàng rong la liệt. Tất cả những ngoại cảnh đáng mừng ấy đã khiến tâm trạng du khách thư thái hưng phấn hẳn lên trên mỗi bước chân leo lên chùa Đồng - đỉnh thiêng Yên Tử. Lợi nhuận từ kinh doanh tuyến cáp treo đã được đơn vị khái thác chia sẻ một phần với địa phương, để lấy đó làm nguồn thu phục vụ trở lại công tác tổ chức lễ hội. Trái ngược với sự an nhàn khi hướng về Yên Tử chính là cảm giác kinh hoàng đọng lại ở những ai được (bị) tham gia lễ khai ấn đền Trần.
Lạ một nỗi, mặc những cảnh báo, mặc những than vãn chưa bao giờ nguôi, mỗi năm lượng người tìm đến đền Trần vào đêm trước rằm tháng Giêng lại đông thêm gấp bội. Càng được truyền thông nhiều, cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực, lễ hội trớ trêu thay lại càng hấp dẫn du khách. Sau những tranh cãi trên công luận về tục chém lợn, hội làng Ném Thượng đã trở nên "hot" hơn bao giờ hết.
Từ khi trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hội Gióng ở đền Sóc cũng đông người dự khán, đến độ địa phương khó bề quản lí, nên nảy sinh những sự cố đáng tiếc. Phú quý sinh lễ nghĩa, hoặc giả niềm tin chính danh ở đời thường bị hao hụt bào mòn nhiều, nên con người càng lúc càng tìm đến niềm tin ở tín ngưỡng, tâm linh và bởi vậy dù kéo theo bao phiền toái mệt mỏi, các lễ hội vẫn cứ là điểm ùn ứ du khách mỗi dịp khai cuộc. Và mỗi lễ hội đều có lí do riêng để tồn tại, những lí do đã hình thành từ nết ăn, nết ở của một cộng đồng người, nên gạt bỏ, loại bớt chỉ là ý nghĩ có phần duy ý chí của các nhà quản lí, chứ khó để thực thi trong đời sống.
Dẫu vậy, quy hoạch, tổ chức lại lễ hội, tìm lại không gian đích thực cổ xưa, dân gian cho lễ hội vốn thuộc về dân gian lại là mệnh lệnh khẩn cấp, nếu không muốn lễ hội ngày càng xuất hiện trong hình hài méo mó, lệch lạc, là sân khấu biểu đạt những tập tục xấu của người Việt ngay trong kỉ nguyên hội nhập toàn cầu...
Khi lễ hội sặc mùi lợi nhuận thì hậu quả khôn lường
Tôi xem, nghe, nhìn báo chí truyền thông sau Tết con dê Ất Mùi, thấy đưa tin, phê phán, phản biện nhiều nhất về chuyện tai nạn giao thông. Mỗi ngày Tết qua là hàng vài chục người chết. Chỉ trong mấy ngày Tết, do đánh nhau mà hơn 6.200 người phải nhập viện và 15 người đã mất. Bạo lực Tết xảy ra nhanh chóng, đậm đặc đến nỗi Báo Tuổi Trẻ đưa ra một câu hỏi nhức nhối, ngay trong ngày mồng 6 Tết: Thời hung hãn lên ngôi, với tên bài viết trang nhất: 1.001 lý do để đánh đấm. Và dẫn ngay sau đó lời dặn dò đầy lo âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm: “Không thể xem thường bạo lực trong dịp Tết…”
Lễ hội thời nay, phải chăng là nguồn cơn bạo lực?
Trong sự đan dệt của hai trục thời gian và không gian vốn diễn ra rất mạnh mẽ, linh thiêng, đều đặn chu kì trong đời sống xã hội từ truyền thống đến hiện đại của người Việt thì lễ Tết, về bản chất vẫn được gọi là ăn Tết, và lễ hội được chỉ đích danh là chơi hội.
Nếu ăn Tết chủ yếu là quây quần, sum họp gia đình, để cúng bái tổ tiên, chia sẻ tình yêu thương ruột thịt, gặp gỡ hàng xóm láng giềng, chúc nhau từ trong nhà ra ngoài ngõ những lời lẽ tốt lành, thì lễ hội lại lôi kéo, thúc giục người người phải đổ ra đường trẩy hội. Già trẻ lớn bé chen chân đi hội, ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Cho nên lễ hội xưa vừa náo nức tưng bừng vừa an ninh, thư thái trong trẻo như thơ Nguyễn Bính: Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ/Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay…
Về bản chất, lễ hội nông nghiệp Việt là hội làng, hội của các vùng miền trên khắp các địa điểm thiêng của cả nước, nằm rất sâu trong lối sống và nhịp sống của cư dân Việt, vốn sinh hoạt ngàn đời bằng nghề trồng lúa. Bản thân lễ hội nông nghiệp Việt đã tự thân vận hành theo nhịp điệu tự nhiên, gắn chặt với chu trình sản xuất nông nghiệp khép kín với hai vụ lúa chiêm, mùa hàng năm. Bởi vậy, vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ đã là nơi điển hình cho lối sống làng xã cổ truyền và cũng là vùng văn hóa dày đặc nhất nước về lễ hội, luôn diễn ra lễ hội trong hai nhịp "xuân thu nhị kì đến hẹn lại lên".
Tính cộng đồng của lễ hội mạnh đến mức người nông dân Việt đã coi lễ hội, lễ Tết là nhu cầu lớn nhất về tâm linh. Chỉ tính riêng trong mùa lễ Tết và lễ hội mùa xuân Ất Mùi 2015, kể từ ngày 23 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng, chỉ ở miền Bắc đã diễn ra hàng trăm lễ hội cổ truyền, lễ hội lịch sử và lễ hội hiện đại và sẽ diễn ra dài dài các loại lễ hội này trong năm 2015, là năm của một loạt các sự kiện lịch sử được kỉ niệm và tổ chức sự kiện theo cách gọi hiện đại.
Bởi vậy, chỉ nguyên ngày mồng 6 Tết, Báo Thanh Niên đã gọi là Ngày khắp nơi khai hội. Theo báo này, chỉ tính trên miền Bắc, đã có khoảng 7 vạn tăng ni, phật tử, khách thập phương đến dự lễ khai hội chùa Bái Đính, Ninh Bình (mùa hội sẽ kéo đến cuối tháng 3 theo lịch âm dương).
Cũng buổi sáng này, diễn ra lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đón 3 vạn lượt khách tham dự, và chỉ trong 5 ngày Tết trước đó, đã đón 100.000 lượt du khách, cho đến tháng 3, lễ hội này mới dứt. Cùng thời điểm sáng mồng 6 Tết, ở Quảng Ninh diễn ra lễ khai hội đền Cặp Tiên, rồi lễ hội thành Cổ Loa bao giờ cũng diễn ra ngày 6 Tết, cho đến lễ hội chợ Viềng (Nam định) bắt đầu từ đêm mồng 7 Tết…
Trong chính ngày 6 Tết này, tại lễ hội rước hoa tre tổ chức ở đền Gióng, Hà Nội, nhằm tưởng nhớ công lao của người anh hùng làng Gióng, đã xảy ra cảnh đánh nhau cướp lộc lấy may. Chuyện này làm nhớ đến đám đông lao vào cướp ấn ở đền Trần hằng năm. Cũng theo báo chí, tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, chuyện đi chơi hội, chơi Tết, nhất là của thanh niên, thiếu niên luôn trở thành nguyên nhân gây va chạm, xích mích, đánh nhau, dẫn đến thương tật và tử vong.
Từ thực tế ấy, phải đành lòng nhận thấy, lễ hội Việt tuy được tổ chức đều hằng năm, trong đời sống xã hội Việt hiện đại, với con số khổng lồ, hàng 8, 9 nghìn lễ hội một năm, song bản chất văn hóa của lễ hội, theo thời gian đã bị mai một, và ít nhiều có thể đã góp phần vào thói vô cảm, hành xử bạo lực… trong xã hội Việt hiện đại. Từ tính cộng đồng cộng cảm chan hòa tình người của lễ hội truyền thống đến sự bạo lực, ích kỉ, đi lễ hội hôm nay chỉ chăm chăm tính toán vụ lợi, xin xỏ, cầu mong danh vọng tài lộc cho bản thân, bất chấp người xung quanh, đã thành sự tha hóa và xuống cấp trầm trọng về văn hóa lễ hội…
Cần có Luật Lễ hội?
Có lẽ vì lễ hội vốn thuộc về không gian văn hóa bản địa của vùng miền nên vai trò của những vị cao tuổi ở địa phương trở thành rất quan trọng. Về tâm linh, họ phải là những người tổ chức, điều hành những nghi lễ thuộc phần lễ của lễ hội, nhất là trong những lễ hội dân gian và lịch sử thuộc truyền thống địa phương mình, theo nguyên lý trọng tuổi già được để lại từ ngày xưa. Giá như ngày nay, lễ hội là do các vị quản lý ở địa phương tổ chức, cùng cả một hệ thống an ninh trật tự xã hội hiện đại, mà biết phối hợp với các vị già làng, vốn là những bậc cao niên, thông tuệ văn hóa truyền thống của lễ hội, thì tốt biết mấy?
Việc phối hợp này chắc chắn sẽ đẩy lùi được sự biến chất của lễ hội hôm nay đang nhuốm đậm mùi vụ lợi, nhằm trả về cho lễ hội tính phi vụ lợi, sự vô tư trong trẻo niềm vui hội hè vốn có xưa kia! Thêm nữa, việc chấn chỉnh điều tiết lễ hội trong nhịp sống hiện đại đầy thúc bách và hối hả đang diễn tiến trong giữa thập niên thứ hai của thế kỉ XXI có lẽ sẽ đòi hỏi sự phối hợp cao hơn nữa, từ nhà nước với các vùng miền lễ hội toàn quốc. Nên chăng cần dựng Luật Lễ hội để đảm bảo tính luật pháp và những quy chế phải tuân thủ về nguyên tắc của việc tổ chức lễ hội nhằm chấm dứt sự loạn chuẩn của lễ hội hôm nay?
Trước khi ban hành Luật Lễ hội, có lẽ các vị quản lí lễ hội nên chăng trưng cầu ý kiến rộng rãi của nhân dân, sẽ thu được những ý kiến sáng suốt, lành mạnh để điều chỉnh từ cả hai phía: người tổ chức lễ hội và người đi lễ hội, trẩy hội đúng nghĩa, để có thể làm giảm xuống thật thấp cái tỉ lệ đang áp đảo hôm nay, đó là những lễ hội bị biến tướng, méo mó, sặc mùi lợi nhuận hoặc bạo lực…Và thật tốt cho lễ hội ngày mai, nếu những việc cần làm hôm nay phải được làm ngay!
Thương hiệu quốc gia cho lễ hội
Lễ hội bia ở Đức, lễ hội ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản, lễ hội khổng lồ carnival trong nắng và gió biển cùng những bộ bikini bốc lửa, cùng âm nhạc cuồng nhiệt ở Brazil đã trở thành những lời quảng cáo hấp dẫn cho các công ty du lịch gửi đến du khách Việt Nam.
Với nhiều quốc gia, lễ hội đã trở thành một phần của đời sống du lịch, một công cụ hữu hiệu để mời chào bạn bè năm châu bốn biển. Ở Việt Nam, thay vì than vãn tẩy chay lễ hội, một sự hội tụ sức mạnh thần kì để lột xác, để đưa lễ hội trở thành thương hiệu, quảng bá cho một đất nước giàu sức sống văn hóa và đậm đặc bản sắc vùng miền, tại sao không?
Khác với những tiếng nói bi quan có phần mỏi mệt, PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền lại đầy phấn khích: "Không hề có chuyện loạn lễ hội, tất cả chỉ vì chúng ta chưa hiểu đúng về lễ hội. Và vì không hiểu đúng nên không ứng xử đúng. Loạn là loạn chính cách ứng xử với lễ hội".
Hội là sự tập hợp, lễ là ứng xử trong không gian thời gian nhất định, và lễ hội là sự ứng xử về lễ của một tập hợp người trong một môi trường văn hóa chung. "Hãy để người dân được thoải mái với không gian văn hóa của họ, với những tập tục cha truyền con nối đã tồn tại qua hàng bao đời, bao trăm năm, đừng lấy con mắt ngày hôm nay để xét nét, áp đặt, lên án", Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Trần Lâm Biền lên tiếng.
Đồng quan điểm với PGS-TS Trần Lâm Biền, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, bản thân lễ hội đều mang nét đẹp tự thân, và để từng lễ hội biến tướng, thiếu kiểm soát chính là ở khâu tổ chức. Khi lễ hội vượt khỏi chiếc áo truyền thống chật hẹp, được nâng cấp, được sự quan tâm rộng rãi hơn của quần chúng nhân dân lẫn các cơ quan quản lí nhà nước, lễ hội được (bị) nhà nước hóa, quan hóa nên đã dần mất đi vẻ tinh khôi hồn nhiên ban đầu. Lễ hội cũng được coi như những di sản phi vật thể, và không gì nâng cấp lễ hội tốt hơn bằng cách trả chúng (nguyên vẹn) về cho nhân dân, cho cộng đồng, cho một tập hợp người đồng sở hữu từ trước tới nay.
Trong thời đại toàn cầu, vẻ đẹp văn hóa phương Đông vẫn còn có sức quyến rũ lớn với phần còn lại của thế giới. Sự phong phú của các lễ hội cũng là một trong muôn vàn yếu tố làm nên tính đa dạng của văn hóa Việt và nâng tầm lễ hội lên thành thương hiệu quốc gia, thành sản phẩm của du lịch là điều cần kíp và thực tế hơn cả. Một festival Huế được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2000, đã đưa Huế trở thành thành phố festival, và biến festival Huế, dù còn tiếng khen chê này khác nhưng đã thực sự mang tầm vóc của một thương hiệu, tương đồng với nhiều thương hiệu thành phố festival nổi tiếng lâu đời khác trên thế giới.
Chùa Hương sơn thủy hữu tình, Yên Tử quanh năm mây mù bao phủ, chợ Viềng (Nam Định), thậm chí cả hội Gióng với tiếng vang từ danh hiệu của UNESCO hay nhiều, rất nhiều lễ hội khác đều có thể đưa ra làm sản phẩm du lịch nếu người dân, địa phương và ngành du lịch cùng chung tay xây dựng.
GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Việt Nam cũng nhấn mạnh, lễ hội là của cộng đồng, được hình thành từ ý thức của từng cộng đồng nên cũng dễ có khả năng lôi cuốn cộng đồng khác. PGS-TS Trần Lâm Biền còn tỏ ra gay gắt khi thời gian qua có những ý kiến phản đối lễ hội này lễ hội khác. Theo ông, dư luận vốn ít tìm hiểu sâu xa gốc rễ của vấn đề nên dẫn đến những cách nhìn nhận thiếu sâu sắc, đôi khi tác động bất lợi tới cả một cộng đồng. Cứ để người dân cũng như các cộng đồng khác tự do với phong tục tập quán của họ, và cân nhắc xem lễ hội nào có tính biểu đạt tinh thần, mang sắc thái đại diện văn hóa mạnh mẽ, cũng như giàu sự lôi cuốn thì cùng chăm chút, mở rộng biên độ không gian, thời gian để trở thành sản phẩm du lịch. Thay vì ngồi một chỗ chỉ trích, hãy tới tận nơi mở lòng tận hưởng, xây dựng lễ hội thành thương hiệu toàn cầu, chính là cách thức quảng bá văn hóa Việt hiệu quả hơn hết...
Tất nhiên đó chỉ là quan điểm của cá nhân PGS - TS Trần Lâm Biền. Còn quan điểm của chúng tôi thì vẫn lên có sự chọn lọc cái hay, cái đẹp, sự tinh túy của các lễ hội để từ đó nâng tầm lễ hội lên thương hiệu quốc gia. Mạnh dạn dẹp bỏ những lễ hội phản cảm, thiếu nhân văn để làm trong sạch những mùa lễ hội sau.
No comments:
Post a Comment