Nô lệ là một thực trạng hiện hữu toàn diện hiện nay. Nô lệ ở đây không phải là những nô lệ ở thời trung cổ hay ở các nước thuộc địa ... vậy nô lệ ở đây là gì?
Nô lệ cho miếng ăn – sự khoái khẩu… ăn ngon mặc đẹp hợp thời trang, thích tiện nghi vật chất, thích ăn chơi… nhưng lười nhác cẩu thả, sống buông thả và không có trách nhiệm. Để rồi sẵn sàng đánh đổi giá trị với một cái giá rẻ bèo để đổi lấy vật chất và sự thoải mái tạm bợ.
Nô lệ cho công việc và tiền bạc vật chất tiện nghi … làm cho đến khi được đưa đến bệnh viện, vậy nhưng vẫn còn làm cho đến lúc tắt thở thì mới thôi. Không hẳn là vì thiếu tiền, mà là bị sự sợ hãi khổ đau, thiếu thốn… chi phối tới lúc chết.
Nô lệ cho sự nổi tiếng, nhãn mác về bản thân, địa vị, danh tiếng … Sự nô lệ này ở mức độ cao hơn, tinh vi hơn, nhưng chính nó làm cho chúng ta trầm luân trong tủi nhục và khổ đau – chỉ vì một chữ “danh”!
Nô lệ cho những mối quan hệ để mong cầu hay thỏa mãn ham muốn của bản thân… Thường là sự phụ thuộc về tài chính, phụ thuộc về tình cảm, phụ thuộc về danh tiếng… Nó đánh mất sự tự do và độc lập của bản thân cũng như tư tưởng, nó đánh mất sự sáng suốt và lòng trung thực…
Nô lệ của gia đình và những mối ràng buộc liên quan đến gia đình… chúng ta thường nhầm lẫn giữa trách nhiệm và sự chiếm hữu ràng buộc. Trách nhiệm hoàn toàn khác với cách sống tù ngục chiếm hữu lẫn nhau, ràng buộc nhau. Trách nhiệm dựa trên nền tảng là sự thấu hiểu và tình yêu thương để cùng sống hạnh phúc… còn sự chiếm hữu, ràng buộc chính là biểu hiện của ích kỷ và yếu đuối sợ hãi.
Nô lệ cho cơ thể, cơ thể luôn luôn đòi hỏi phải thỏa mãn những nhu cầu của nó… Thể xác chính là cung điện lộng lẫy của cái tôi ích kỷ, cái tôi là thái cực đối nghịch và cân bằng với bản thể nguyên thủy của linh hồn. Khi cái tôi trị vì thì mọi nhu cầu đều xuất phát từ thể xác, mọi động cơ, ham muốn… đều bắt đầu từ thể xác. Nô lệ cho đôi tai, đôi mắt lừa dối, cái miệng nói lời không thật, cái mũi ưa thích mùi vị thơm tho ngọt ngào…
Nô lệ cho cảm xúc của tâm trí, sự nô lệ này rất nguy hiểm, nó có thể giết chết bản thân và người khác… thông qua những rung động tiêu cực, sự cự tuyệt, sự cay nghiệt hà khắc. Ta dễ dàng sử dụng cảm xúc tâm trí để chỉnh sửa người khác, dạy dỗ người khác, bắt lỗi người khác, áp đặt người khác, điều khiển người khác, đánh giá phán xét việc đúng sai của người khác, so sánh đố kỵ với người khác, ganh đua với người khác…
*****
Con đường thoát khỏi đời sống nô lệ là quay vào bên trong, khai thác kho báu vô tận của những giá trị sống tốt đẹp mà ta sinh ra cùng với nó: Lòng tốt, yêu thương, bình an …. thông qua suy nghĩ trong tĩnh lặng, trao đi những cảm xúc trong sáng thanh khiết và những lời chúc phúc tốt lành cho tất cả mọi người…
Hãy quay vào bên trong và chỉ làm việc với chính mình để chuyển hóa sự ích kỷ của bản thân. Đừng hướng ngoại và nhìn vào yếu kém lỗi lầm của người khác để tự cho mình còn tốt đẹp hơn. Khi chúng ta nhìn thấy yếu kém và lỗi lầm của bất kỳ ai, thì chính những yếu kém và lỗi lầm đó là của chúng ta, bởi thế giới bên ngoài chính là sự phản chiếu lại những gì chúng ta đang có ở bên trong, thông qua màn hình tâm trí kết hợp với một đối tượng nào đó xuất hiện bên ngoài mà thôi…
Khi nhận ra yếu kém của ai đó thì hãy tỉnh thức - đừng để cái tôi dẫn dắt và lừa phỉnh là mình tốt đẹp hơn, mình hay hơn, mình có đức hạnh hơn… mà hãy quay vào bên trong để chuyển hóa bằng cách chấp nhận là bản thân mình tồn tại những yếu kém đó. Sau khi chấp nhận, mình sẽ nhận ra nguyên nhân nó đến từ đâu. Tiếp theo là nhận ra những điểm mình cần khắc phục và làm mạnh mẽ bên trong với sự độ lượng và nhân từ… để chuyển hóa bản thân.
Chúng ta hãy tự kiểm tra xem mình là chủ nhân hay là nô lệ, nô lệ ở mức độ nào, chủ nhân ở mức độ nào? Nếu vẫn còn bị vướng kẹt ở đâu, hãy dừng lại, tĩnh lặng, nhận biết … để nhận ra đâu là nguyên nhân chính và loại ham muốn nào đang ngự trị và giam hãm chúng ta trong tù ngục của nó… Tự mình tháo gỡ và giải phóng cho chính mình, tự mình giành lại quyền làm chủ trong từng lãnh vực một, rồi giành lại uy quyền của một chủ nhân trị vì vương quốc nội tâm của chính mình – Để được sống Tự do, Bình an và Hạnh phúc!
No comments:
Post a Comment