Wednesday, February 10, 2016

Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm

Thất tình lục dục là bảy thứ tình cảm được biểu lộ ra bên ngoài và là sáu việc ham muốn của một con người. Đó là nói theo căn bản, sâu xa hơn nữa còn có vô số vấn đề trong tình cảm. Thất tình lục dục ví như những cục nam châm khi gặp sắt; cũng vậy, tâm luyến ái lúc nào cũng muốn hút con người ta vào vòng lẩn quẩn, dính mắc của sự yêu thương và ghét bỏ.

Thất tình là bảy thứ tình cảm mà mỗi chúng ta đều có như vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét bỏ và ham muốn. Bảy trạng thái hỗn hợp này luôn luôn chi phối đời sống của chúng ta, hễ khi nào tâm ý ta dính mắc vào một thứ gì thì nó sẽ bộc lộ ra nơi nét mặt hay cử chỉ, lời nói và hành động.

Như khi chúng ta hân hoan, vui vẻ sẽ thể hiện ra bộ mặt xinh đẹp, dễ thương. Khi chúng ta buồn bã hay bất an, lo lắng một điều gì thì mặt mày héo hon, ủ dột, khó coi. Còn khi chúng ta giận ai thì mặt mày tái mét hoặc đỏ bừng lên, tay chân run rẩy dẫn đến mất tự chủ nên nói năng và hành động làm tổn hại người khác. Khi chúng ta yêu thương ai quá mãnh liệt làm cho mình cảm thấy rạo rực, bồn chồn trong lòng.

Khi ghét ai ta thể hiện nét mặt cau có hay tinh vi hơn là bên ngoài thể hiện bình thường nhưng trong lòng trào dâng cảm xúc khó chịu, bực bội. Khi quá ham muốn một điều gì ta bất chấp mọi hậu quả xảy ra để đạt được mục đích của mình. Đó là sơ nét về tâm lý tình cảm của một con người, nếu đi sâu vào từng chi tiết cụ thể chúng ta cần phải có thời gian chiêm nghiệm và suy xét thêm nhiều hơn mới thấu rõ tường tận cảm xúc buồn thương, giận ghét.

Lục dục là 6 điều ham muốn qua sự tiếp xúc giữa mình và người khác khi đối duyên xúc cảnh đã trở thành thói quen khó sửa đổi nhiều đời của một con người.

Thấy các đồ vật hình sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và hình sắc nam nữ rồi sinh luyến ái, tham đắm vào đó.

Thấy hình dung đoan chánh, tướng mạo tốt đẹp mà sanh lòng tham đắm.

Thấy tướng đi, đứng, nằm ngồi, nói cười mà sanh lòng ái nhiễm.

Nghe tiếng nói trau chuốt êm ái, thích ý, vừa lòng, giọng ca lảnh lót, tiếng nói dịu dàng mà sanh lòng yêu thích, luyến ái.

Thấy da thịt của nam nữ mịn màng, trơn láng mà sanh lòng thương mến, yêu thích rồi chấp giữ vào đó.

Thấy hình nam nữ dễ thương mà sanh lòng đắm trước, dính mắc vào đó mà phát sinh thèm khát muốn chiếm đoạt.

Nếu chúng ta không chấp vào hình ảnh mọi sự vật là thật có thì con người sẽ không còn quan trọng đến nhà cửa sang trọng, các loại xe đẳng cấp, quần áo đẹp đẽ, se sua chưng diện xa hoa, ăn uống quá mức và vui chơi trác táng… Chúng ta chỉ cần sống đơn giản, đạm bạc, nhu cầu vừa đủ, nhờ vậy thân tâm trong sáng, nhẹ nhàng và ung dung, tự tại trong mọi hoàn cảnh.

Nếu chúng ta không dính mắc vào âm thanh, lời nói, văn tự vì nó là vọng duyên hư dối không thật có thì con người sẽ an nhiên, tự tại trước những lời khen chê và xem những âm thanh lớn nhỏ vừa lòng hay không vừa lòng như gió thoảng qua tai.

Thất tình lục dục là những thứ tình cảm giống như những cục nam châm khi gặp sắt. Con người ta cũng vậy, nam nữ gặp nhau đam mê, say đắm sắc dục mà không có ngày thoát ra. Những mong muốn tìm cầu được thỏa mãn nhà Phật gọi là vị ngọt như thích một thứ âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng, thấy một hình ảnh đẹp ta đam mê, dính mắc vào đó để được thỏa mãn. Sự thỏa mãn đó chính là vị ngọt của dục lạc, là cái đã đáp ứng được cho lòng ham muốn, làm cho ta cảm thấy đam mê ngất ngây trong hạnh phúc rồi chìm đắm trong đó.

Ai có lập gia đình rồi mới biết chính xác hôn nhân trong tình yêu lứa đôi không phải đơn giản như ta nghĩ trai gái lớn lên là phải có vợ, có chồng. Nhiều người nghĩ rằng có vợ có chồng là để lo tương lai và sự nghiệp cho ta sau này. Bởi vì ta có vay nợ nhau nên mới sinh ra và gặp nhau để trả nợ, hoặc do tình cảm luyến ái trong buộc ràng nên chúng ta phải sống với nhau, tạm gọi là nghĩa vụ vay trả. Thực tế, trong tình cảm cuộc đời nó không phẳng lặng như mặt nước hồ thu mà lúc nào cũng có sóng gió, bão tố với những chướng duyên, nghịch cảnh để ta phải tìm cách giải quyết cho hài hòa.

Đôi khi nhìn bên ngoài nhiều người thấy gia đình đó sống thật hạnh phúc nhưng đi sâu vào bên trong ta mới thấy họ sống chỉ có hình thức bên ngoài để che mắt thiên hạ vì sĩ diện, vì gia đình người thân và con cái. Có những chuyện tình rất đẹp, rất nên thơ, rất đáng nhớ và đáng được người đời ca tụng. Có những bài tình ca bất hủ ca ngợi về tình yêu. Có những bức tranh tuyệt đỉnh nói về sự hấp dẫn và sự quyến rũ của tình yêu. Nói tóm lại, giá trị tình yêu từ xưa nay được sách sử viết nhiều, nói nhiều, nhắc nhiều, kể nhiều mà cũng không bao giờ làm cho giá trị của tình yêu bị phai nhạt và mờ ảo.

Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, dù mỏi mệt, dù trăm công ngàn việc phải lo, dù vui ít khổ nhiều mà ít ai chối bỏ được tình yêu nam nữ. Khi trai gái lớn lên bỗng nhiên có điều gì đó thúc đẩy họ tìm hiểu nhau, rồi thương nhau, thích nhau và dẫn đến yêu nhau rồi lập gia đình. Trong hôn nhân có nhiều sự ràng buộc và hệ lụy là khổ đau bởi trong tình yêu có tình dục, có trách nhiệm, có bổn phận, có cảm thông và tha thứ mới duy trì được hạnh phúc hôn nhân lâu dài.

Trong tình yêu chúng ta phải có ý thức, trách nhiệm, ngoài việc quan hệ tình dục với nhau chúng ta còn phải có tình chồng nghĩa vợ. Tình là tình ân ái, nghĩa là nghĩa vợ chồng và phải biết cách nuôi dạy con cái cho đàng hoàng. Cho nên, nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề” là vậy. Người Phật tử chân chính hãy nên sống thuỷ chung, thành thật, hy sinh, trách nhiệm và biết tôn trọng, biết nhường nhịn, biết chia sẻ, biết tha thứ, biết chia ngọt xẻ bùi thì sẽ đón nhận được hạnh phúc tràn đầy qua cuộc sống.

Ai cũng biết hạnh phúc của bố mẹ là hạnh phúc của con cái, nếu cha mẹ chia ly thì con cái cũng bị ảnh hưởng và đau khổ. Do mất mát tình cha mẹ, không người nương tựa, con cái sẽ xao lãng việc học hành mà có thể tụ tập theo bạn bè xấu để rồi dính mắc vào vòng tội lỗi.

Giữa vợ chồng và con cái còn có sợi dây luyến ái, quan hệ mật thiết với nhau bởi tình cảm nợ nần nhiều đời vay trả. Chúng ta muốn bảo vệ được hạnh phúc gia đình thì vợ chồng phải biết thông cảm, tin tưởng, chung thủy, thường xuyên trao đổi, tâm tình, phấn khích cho nhau, cùng đồng tâm hiệp lực nuôi dạy con cái và có sự chịu đựng, hy sinh.

Nhưng, thực tế trong cuộc sống có thân là có khổ, chúng ta hay thèm muốn được như chim trời, cá nước để được tự do. Thật ra, được làm người quả là một điều diễm phúc rất lớn lao vì có suy nghĩ, hiểu biết. Nếu chúng ta tin sâu nhân quả, giữ thuỷ chung và thành thật với nhau, biết cảm thông và tha thứ thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc.

Cho nên, sống ở đời ta phải biết vị tha, bao dung và độ lượng, yêu thương nhau bằng trái tim hiểu biết và bằng tình người trong cuộc sống. Đến lúc đó, hôn nhân không còn là nỗi sợ hãi dày vò tâm trí mà còn có thể làm đẹp thêm trong tình yêu lứa đôi, làm đẹp thêm cho cuộc đời bằng sự hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt nhờ tin sâu nhân quả và sống theo lời Phật dạy.

Trong mối tương quan cuộc sống, tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất là tình cha mẹ, là sự kết tinh kỳ diệu bởi tình yêu thương vô bờ bến, là ơn sâu nghĩa nặng không gì có thể sánh bằng. Ai đã đem đến cho ta sự sống, ai đã mang nặng đẻ đau nuôi ta khôn lớn, khi mở mắt chào đời đã cho ta dòng sữa ngọt ngào để ấm lòng?

Nhịp cầu kết nối tình thương là gia đình. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái tạo nên sợi dây quyến thuộc và từ đó bắt đầu hình thành xã hội của sự trả vay theo nguyên lý nhân quả. Do luyến ái hạnh phúc của sự êm dịu, ngọt ngào trong tình yêu nam nữ mà ta có nên hình hài này. Trong tình yêu nam nữ có một lực hút từ trong sâu thẳm vô cùng mãnh liệt. Nó luôn thôi thúc chúng ta yêu thích và kết tình chồng vợ. Nó có thể làm cho con người ta sống tốt hơn nhờ tinh yêu thương chân thật, nhưng cũng sẽ làm cho ta đau khổ vì không có sự thông cảm và tha thứ cho nhau.

Do đâu mà hai người khác phái yêu thích nhau trong khi trời đất bao la, kẻ Nam người Bắc? Họ gặp nhau, hẹn hò, rồi yêu nhau, cùng trao cho nhau cuộc sống để được gì? Từ chỗ ràng buộc của nghiệp duyên quá khứ đã ăn sâu vào tàng thức nên khi mới gặp nhau là ta đã thích nhau rồi, từ đó dẫn đến yêu thương, hò hẹn mà phát sinh ra sự luyến ái, nhớ nhung khi không được gặp mặt.

Ái dục làm cho con người ta đam mê, say đắm chạy theo hoài mà không biết thỏa mãn. Từ chỗ ta si mê, chấp ngã nên dẫn đến ham muốn này rồi lại đến ham muốn khác. Do đó, chúng ta không bao giờ biết dừng lại ở cái gọi là tạm đầy đủ. Vì sự khao khát, mong muốn vừa mới đạt được, chúng ta cảm thấy hạnh phúc nên muốn gìn giữ mãi. Chính sự nắm giữ này tạo ra tham ái ngày càng nhiều hơn nữa.

Đức Phật cũng thừa nhận rằng ái dục là một sự thật cũng đem đến hạnh phúc, đem đến sự khả ái, khả lạc, sự thỏa mãn cho con người; nghĩa là ngài cũng thừa nhận niềm vui của dục lạc có vị ngọt, nó làm con người ta bị say mê và tham đắm vào chúng. Nói cho đầy đủ hơn, chúng ta vẫn thấy sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, sự xúc chạm êm dịu luôn có vị ngọt làm say đắm lòng người.

Muốn đạt được hạnh phúc, thỏa mãn dục lạc, con người phải ra sức tìm cầu, phải tạo dựng để gặt hái kết quả. Con người cần có nhà cao cửa rộng, tiền tài danh vọng, ăn ngon mặc đẹp và mọi nhu cầu cần thiết để đáp ứng sự tham muốn của chính mình. Chính vì vậy, chúng ta phải cố gắng làm lụng vất vả, lao tâm nhọc sức, chịu đủ mọi sự nhọc nhằn đến với bản thân như ốm đau, bệnh tật bởi mưa nắng, gió sương và vô số trạng thái khổ đau khác mà con người phải gánh chịu để đạt được mục đích.

Chúng ta luôn mong cầu tìm kiếm nhằm thỏa mãn “cái tôi” và “của tôi” mà người đời gọi là “giá trị cuộc sống”, nhưng cuộc sống thì luôn thay đổi và biến chuyển theo thời gian. Cái giá trị cuộc sống của ngày hôm qua đã được thay thế bằng một cái khác có giá trị hơn. Con người sẽ khổ đau khi tài sản, hạnh phúc tan rã, cuộc sống gặp trắc trở, rủi ro. Họ sẽ buồn khóc, than trời trách đất và thái độ tiêu cực đó chỉ mang lại cho bản thân họ thêm khổ đau, vướng mắc về lâu dài.

Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm. Tình yêu nam nữ là loại tình cảm mãnh liệt nhất hơn các loại tình cảm khác, bởi vì nó tạo ra cảm giác đê mê, thích thú khi hai người cùng hướng tâm vào một điểm. Nó có thể lướt qua tình cha mẹ mà phần đông con người đều như thế, bởi nghiệp duyên luyến ái nhiều đời đã hằn sâu vào ký ức chúng ta.

Tình cảm nam nữ luôn có sự thôi thúc âm thầm bởi tình dục, đầu tiên là mến, thích, thương rồi kế đến là yêu nhau. Tình yêu này là một đề tài muôn thuở luôn được đặt lên hàng đầu trong công cuộc phát triển và gìn giữ giống nòi nhân loại. Chính bản năng hưởng thụ cảm giác khoái lạc mà con người ta tìm đến nhau, khi được thì bám víu, chấp trước, dính mắc vào đó mà dẫn đến ghen tuông rồi thù địch lẫn nhau vì tâm ích kỷ phát sinh.

Nếu trong tình yêu thương nam nữ chúng ta có chút lòng bao dung, độ lượng, biết chịu đựng, hy sinh cho nhau thì tình yêu đó luôn được mọi người ca ngợi, tán dương. Ta phải biết tha thứ và biết cảm thông cho nhau để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong tình yêu thương chúng ta không quá chú trọng vào tình dục mà phải có sự sẻ chia trách nhiệm, bổn phận nuôi dạy con cái. Biết bao nhiêu chuyện vợ chồng gây gổ, đánh đập nhau vì ngoại tình và dẫn đến ly dị làm con cái bơ vơ, đau khổ.

Chỉ có những người thật sự tin sâu nhân quả mới giữ trọn vẹn bằng tình yêu chân chính để sống đời hạnh phúc trong hôn nhân. Họ sẽ sống hết lòng với nhau đến răng long đầu bạc, biết cách nuôi dạy con cái để chúng không rơi vào tình trạng ỷ lại. Những đứa con hư hỏng phần nhiều đều do sự cưng chiều quá mức của mẹ cha.

Chữ tình cảm ở đây dành cho tất cả mọi người nên nó có tốt, có xấu lẫn lộn. Chính tình cảm này làm cho ta luyến ái, dính mắc mà mãi bị chìm đắm trong biển khổ sông mê của dòng luân hồi vô tận. Ai sống nặng về tình cảm thì sẽ chịu nhiều đau khổ do cảm xúc thương ghét, buồn vui. Họ dễ phiền muộn, day dứt và rất nhạy cảm với những chuyện không đâu.

Có nhiều gia đình vợ chồng sống bên nhau hay rày rà, lục đục. Họ nuối tiếc, họ chán nản, họ thất vọng vì ở gần bên nhau thì lại tranh cãi, phiền giận tối ngày; khi xa nhau thì nhớ thương mà gần nhau thì đau khổ bởi những chuyện linh tinh. Nhiều người vẫn biết đó là món nợ tình cảm do mình thích được ngọt ngào, êm dịu, thích được mơn trớn, vuốt ve, thích được đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết. Nhưng ở đời có nhiều cái trớ trêu, “theo tình tình phụ, phụ tình tình theo”; người mình thương thì họ lại bạc bẽo, kẻ thương mình thì mình lại chối bỏ, rốt cuộc rồi vì nặng về tình cảm nên ta phải gánh chịu nhiều đau khổ.

Cho nên, ai muốn vượt qua sự bi lụy của tình cảm thì phải cần có sự hiểu biết chân chính, phải dùng lý trí để chuyển hóa si mê luyến ái bằng sự chánh niệm tỉnh giác và tin sâu nhân quả. Sống được như thế ta từng bước biết cách làm chủ bản thân để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

No comments:

Post a Comment