Tuesday, February 23, 2016

Bọn làm truyền thông rẻ tiền

Bức xúc của chúng ta là mồi ngon của bọn làm truyền thông rẻ tiền.

Hàng ngày ta online, đọc báo, lướt fb, ta được đọc vô số những thông tin ngoài kia. Nhưng lạ chưa? Chẳng mấy khi thấy được tin nào tốt lành, toàn cướp giết hiếp, lừa đảo nhau, giật chồng và những trò lố lăng hòng câu view. Và những tin như thế dường như lại rất hút cộng đồng mạng, nào là gạch đá, nào là bình phẩm và cứ thế, chúng ta bị cuốn vào dòng xoáy like, comment và share mà không biết rằng phía sau đó có những ánh mắt và nụ cười nhếch môi thâm hiểm khoái trá.

Cuộc sống hàng ngày chúng ta đã bị áp lực quá nhiều, từ việc bị cấp trên o ép, từ đứa bán thịt ngoài chợ cân điêu đến việc chính quyền hạch hoẹ yêu sách, từ thằng cha bảo vệ ở các cơ quan nơi ta đến liên hệ làm việc hống hách đến gã cảnh sát giao thông chăm chăm rình để phạt ăn tiền,… Mọi đè nén trong cuộc sống khiến ta cảm thấy u ám và nặng nề, thành thử tạo tâm lý chán ghét, mất niềm tin và chỉ muốn được kiếm ai đó để xả cho hả cơn.

Mạng xã hội là một nơi lý tưởng để ta làm việc đó: gặp một hiện tượng xấu không cần biết thực hư thế nào, ta sẵn sàng xông vào chửi rủa. Gặp thông tin cảnh báo xấu ta vội tin ngay và share nhiệt tình, gặp đứa nào làm khác với ta vẫn nghĩ ta sẵn sàng ném đá, lăng mạ. Bởi bản chất con người luôn mong muốn bài trừ cái xấu, việc thể hiện thái độ gay gắt với cái xấu mang lại cảm giác thật thoải mái và êm đềm. Ngoài ra, khi gặp cái xấu, người ta sẵn sàng lên tiếng để chứng tỏ là người vô can, là tôi không cùng phe với những bọn đó, tôi là người luôn muốn lên án và loại trừ cái xấu xa của xã hội này, và rằng khi chê trách ai đó, ta cảm thấy đạo đức của ta tốt đẹp hơn họ, ta không giống như họ và ta thật bất hạnh khi phải sống chung với cái lũ xấu xa kia.

Thế nhưng, cũng chính vì nắm bắt được tâm lý đó. Những kẻ mang danh làm truyền thông đã khai thác triệt để cảm xúc của cái gọi là “cộng đồng mạng”, hòng tạo ra những scandal, những dư luận trái chiều đi ngược với suy nghĩ đám đông một cách tiêu cực nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi hay để càng nhiều người biết đến tên thương hiệu càng tốt. Bằng mọi giá, chúng nó luôn nghĩ ra những chiêu trò để được đám đông đang bức xúc chửi, càng chửi nó càng thích vì nghĩ rằng vậy là thành công vì được viral. Chúng cố tình chứng tỏ cho ta thấy một xã hội với những bức tranh ghê tởm thối nát, mọi người hãy kêu gào, hãy nguyền rủa đi. Thật là bệnh hoạn!

Những nhãn hàng danh tiếng, mục đích kinh doanh để trường tồn họ luôn luôn nghĩ cách tạo ra những concept truyền thông có thể đánh vào cảm xúc khách hàng, để làm sao khi xem, họ thấy hình ảnh mình trong đó, họ đồng cảm và lên tiếng để sẻ chia cảm xúc, muốn được lan toả giá trị và được yêu mến chứ hiếm khi nào mà tạo ra những scandal để được nổi tiếng. Việc dùng scandal chỉ dành cho giới showbiz mua danh bán phận, bằng mọi giá để công chúng không quên tên mình hòng kiếm được mức cát-xê cao. Nhưng rồi nhận lại là những ánh mắt dè bỉu, khinh thường thêm vào chút xót xa.

Vậy nên, những bức xúc hàng ngày mà chúng ta đang xả trên mạng nó không làm ta tốt lên, nó không chứng tỏ là ta vô can, nó cũng chẳng đóng góp được giá trị gì cho xã hội mà lại còn làm miếng mồi cho những kẻ cơ hội thèm khát đồng tiền bằng mọi giá, nào có xứng không? Dần dần chúng ta trở thành những con nghiện, nghiện tin giật gân, nghiện được xả, nghiện được bức xúc, nghiện chửi bới và nghiện những tiếng thở dài, thành thử cuộc sống này liệu có còn gì để vui?

No comments:

Post a Comment