Năm nghìn năm văn hóa truyền thống của chúng ta lấy sự sùng bái làm nền tảng, làm cho cái quan hệ giữa người và người chỉ dựa trên sự kính sợ hơn là trên tình cảm yêu thương.
Viết đến đây thế nào cũng có người gào lên: "Còn cái chữ NHÂN của chúng ta thì sao?"
Nếu nói đến chữ NHÂN phải phân biệt rõ hai mặt. Một mặt là nếu bảo có chữ nhân thì tất nhiên là có, nhưng chỉ có trong sách vở, mà trên hành động thì cái thành tố của nó quá nhỏ bé. Sở dĩ chúng ta hơi một tí là lôi cái chữ "nhân”Này ra chỉ vì có thể dễ dàng tìm nó trong sách vở mà khó tìm được nó trong hành động. Mặt khác, chữ "nhân”Tựa hồ không phải là "ái"; chữ "ái”Tựa hồ không phải là "nhân". "Nhân" là phe nắm quyền, đối với thứ dân ở dưới có một chút tình thương xót và thông cảm nên mới bố thí, ban phát cho để tỏ ra mình độ lượng, khảng khái - như cô trông trẻ đối với trẻ con ở vườn trẻ.
Sự thực là giữa người và người đầy những”cung kính" và "sợ sệt". Có nhiều người vì kính mà thành sợ, chẳng khác nào con đối với cha. Có nhiều người vì sợ thành ra kính, giống gái đĩ đối với khách làng chơi, như đại thần đối với hoàng đế, tiện dân đối với quan lại, tù nhân với cai ngục.
Anh không thấy Chu Toàn Trung tiên sinh làm cái tiết mục gì lúc hoàng đế mở quần thần đại yến sao? (ông này mưu phản mà tên Toàn Trung - nhưng không trung- lại là tên vua ban) Anh ông ta là Chu Dục tiên Sinh mắng: "Lão tam, mày làm phản như vậy không sợ diệt tộc à?", làm cho mọi người cụt hứng bỏ ra về. Sử sách lập tức xưng tụng anh ông ta là đại đại trung thần, kỳ thật anh ông ta chỉ vì sợ "diệt tộc " mà thôi. Trong chính sử, cái loại tiết mục này nhiều lắm. Bất cứ sự kiện nào, nếu loại bỏ cái phần sợ hãi đi thì những tình cảm còn lại chả có ý nghĩa gì nữa.
Trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc tiên sinh viết cho Lâm Đại Ngọc nữ sĩ: "Trong lòng tôi, ngoài bà nội, cha, mẹ tôi, thì chỉ còn có cô thôi!”Tôi bây giờ cũng đã nhiều tuổi, tôi nghi câu nói này là không thật. Nói rằng Giả Bảo Ngọc yêu bà nội, yêu mẹ thì không có gì là giả tạo, chứ nói yêu ông bố thì tôi e rằng vấn đề trở nên rất to tát. Vì có dùng kính hiển vi để soi toàn bộ tác phẩm cũng không thể tìm thấy được một tý vết tích nào của cái tình yêu đó, mà chỉ toàn thấy sự hãi sợ. Chỉ nghe bố gọi là Giả Bảo Ngọc đã rụng rời tay chân. Tình cảm của con đối với cha như vậy thì nơi tiềm thức chắc phải mong sao cho ông già anh ta chết phứt đi cho rồi.
Cái triết học khởi từ kính, sợ làm cho khoảng cách giữa vua và tôi, giữa quan và dân, càng ngày càng thêm xa cách. Cái tôn nghiêm của hoàng đế tất phải "lên cao đến 33 thiên đường, để lợp ngói cho Ngọc Hoàng thượng đế". Còn thần dân thấp hèn tất phải "chết đến 18 từng địa ngục, thay Diêm vương đào than đá".
Trên thế giới này chưa hề có quốc gia nào lại cần đến cái phong cách xui xẻo đến như Trung Quốc vậy.
Chỉ trừ tôi ra
Cái tinh túy trong nghĩa dân chủ là "Tôi không được ngoại lệ". Mọi người đều không được vượt đèn đỏ thì tôi cũng không được. Mọi người không được tùy tiện khạc nhổ thì tôi cũng vậy. Mọi người tán thành pháp chế thì tôi cũng không thể đòi có đặc quyền. Cái gì đã thành định chế rồi thì tôi không được phá hoại.
Nhưng cái của quý này một khi vào đến Trung Quốc rồi, thì bỗng trở thành: "Riêng tôi là ngoại lệ" (Chỉ ngã lệ ngoại).
Tôi chống việc vượt đèn đỏ, nhưng đó chỉ là chống những người khác vượt, còn riêng tôi thì tha hồ. Tôi chống việc tùy tiện nhổ đờm, nhưng chỉ đối với những người khác thôi, còn tôi thì vẫn có thể làm. Tôi tán thành chuyện mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng bản thân tôi thì không thể bình đẳng như những người khác được. Tôi tán thành việc xây dựng pháp chế, nhưng chỉ mong rằng các anh tuân thủ nó, còn tôi vì thông minh và tài trí cao như thế, không thể nào vào cái tròng đó được. Tôi đường đường một đấng như vậy mà lại không thể là một ngoại lệ, lại chịu mất mặt thì sống còn có gì thú vị nữa.
"Cái mặt" ở đây là cái gì vậy?
Người nước ngoài nghiên cứu mãi mà vẫn không hiểu nổi nghĩa. Có người giải thích là "da mặt", ý chỉ muốn chú ý đến bề mặt ngoài mà bỏ mặc không đếm xỉa đến nội dung thực của nó. Người thì giải thích là "cái tôn nghiêm", ý muốn đặt cái hư vinh của nó lên trên thực chất.
Riêng phần mình, tôi cho rằng”cái mặt" có lẽ là một sản phẩm của sự suy nhược thần kinh và của tính ích kỷ đời đời bền vững. Vì thần kinh suy nhược làm cho cái lòng gian càng thêm hư hỏng, nên chỗ nào cũng phải đem cái kiêu ngạo mà bù đắp cho cái tự ti.
Vì tính ích kỷ quá bền vững, chỉ sợ không chiếm được lợi thế, nên lúc nào cũng cầu: "được riêng mình là ngoại lệ".
Cái lòng ích kỷ con người ai cũng có, không những không thể chê trách là quá đáng mà còn có thể xem như một động lực thúc đẩy cho xã hội tiến. Nhưng một khi nó vượt quá mức độ lại thành một con bệnh nặng, chỉ đáng khiêng đến nhà xác chờ cho nó tắt thở thôi.
Ôi! Một kế hoạch, một phương pháp, một hội nghị, một quyết sách, thậm chí một vụ kiện cũng chỉ đều là cái cớ để cho đám người tham dự vào nghĩ ngay rằng: "trong việc này mình có lợi gì không?”Hoặc "ta sẽ kiếm chác được bao nhiêu tiền đây?", nhờ nó ta “Hưởng được những quyền hành gì?", ta sẽ "có được trách nhiệm lớn hay nhỏ?".
Một câu một chữ, nhất cử nhất động đều lòng vòng trên những thứ đó. Bề trên cũng vậy, cấp dưới cũng thế. Cả anh và tôi cũng rứa, mọi người đều ôm lấy chúng đến chết cũng không buông.
Tại sao không thể mưu lợi được?
Ông Tôn Quang Hán cho rằng”quan niệm cũ" và cái “Hũ tương”Tên tuy khác nhau mà thật ra giống nhau. Nhưng tôi nghĩ hai cái này tựa hồ chỉ có một phần giống nhau. Trong quan niệm cũ cũng có cái tốt, những hành động của nó cũng có những cái rất xán lạn. Chỉ có cái quan niệm đầy giòi bọ của cái hũ tương, cho dù nó có mới hay cũ, cũng chỉ là rất sa đọa, độc ác.
Trong quan niệm cũ còn đến ngày nay, người ta coi khinh việc buôn bán, cho rằng buôn bán một cách chính đáng để kiếm tiền cũng là mất thể diện. Nó không phải không dính dáng đến chuyện làm cho văn hóa đã đi vào một bước ngoặt. Vì cái văn hóa chúng ta vốn là quang minh chính đạo, nhưng bị cái chính thể phong kiến lâu dài và các học phái Nho gia hợp lực xô đẩy cho rơi vào trong cái hũ tương kia. Ban đầu còn kêu khóc, nhưng sau thành giòi bọ rồi thì cũng chẳng kêu được nữa, ngay cả những tiếng rên rỉ rồi cũng thành yên lặng.
Học thuyết của ông Mạnh Kha (Mạnh Tử) dạy rằng: "Nói đến lợi mà làm gì, chỉ có nhân nghĩa mà thôi!" (Hà tất viết lợi, duy hữu nhân nghĩa nhi dĩ). Cái ông tổ sư không nói đến lợi này, vì ngàn vạn con giòi trong hũ tương mà làm ra cái mặt nạ nhân nghĩa, rõ ràng đã bị bệnh tim la nặng; mặt mũi đã lở loét, nhưng một khi đeo mặt nạ lên lại hét: "Tất cả mọi người hãy xem đây, mặt ta đẹp đấy chứ?!"
Ngoài mặt có vẻ trấn tĩnh nhưng trạng thái tâm lý bên trong không yên ổn, các nhà Nho đối với thương nhân đầy khinh thị, đố kỵ và tức giận. Hễ nói đến thương nhân thì họ lại gọi là "gian thương".
Dĩ nhiên gian thương thì cũng rất nhiều, mà trong giới viên chức nhà nước cái loại sâu mọt đó cũng chả thiếu, nhưng chưa bao giờ nghe ai gọi bọn đó là "gian quan" cả, nhiều lắm cũng chỉ có chữ "tang quan" (quan tham nhũng), một từ mà ta nghe thấy nhiều vô cùng tận.
Nhưng những người buôn bán đàng hoàng, hợp pháp kiếm được ít tiền, ăn ở tương đối khá một tí tức thì có ngay những kẻ nóng mặt căm thù. Còn”ba năm làm tri phủ trong sạch, có được 10 vạn quan tiền" (Tam niên thanh tri phủ, thập vạn tuyết hoa ngân) thì cái cao quý khốn nạn đó lại có thể chấp nhận được, và mọi người đều giơ ngón tay cái lên bảo: "Giỏi thật!"
Một sinh viên lớp đêm của Học viện Văn hóa Trung Quốc kể với tôi về giáo viên của anh ta là ông Phó Tông Mậu. Ông này giảng bài được học sinh rất ưa thích, không chỉ vì ông nói hay mà còn sâu sắc nữa.
Hôm đó để chấm dứt một học kỳ, ông đã đánh phủ đầu cái loại học thuyết của Nho gia thích lải nhải "chỉ vì nghĩa mà không vì lợi" (Chính kỳ nghị bất mưu kỳ lợi). Ông khuyến khích sinh viên cứ dùng những phương thức hợp pháp và chính đáng mà kiếm tiền. Ông bảo "Mưu lợi" không phải là một điều sỉ nhục, bàn về lợi lộc, tiền bạc không phải là một điều sỉ nhục, trái lại còn là một điều vinh quang.
Cái kiểu nhà Nho, mồm không nói đến lợi, đến tiền nhưng lòng dạ lại đầy ứ những quan niệm què quặt về lợi tiền, nếu không sửa đổi lại thì xã hội, cuộc sống không thể nào vươn lên được.
Người sinh viên khi thuật lại chuyện này giọng còn đầy tôn kính ông Phó Tông Mậu, mà tôi lúc nghe kể chuyện cũng vậy.
Cái dục vọng tiềm tàng trong lòng người Trung Quốc cần phải xóa bỏ kia không phải một sớm một chiều có thể tiêu tan được. Có câu rằng: "Không có gì buồn bằng không biết xấu hổ". Than ôi! Vì không biết xấu hổ nên cái lòng ích kỷ vẫn muôn đời.
Còn có một loại hiện tượng, mà không biết độc giả có chú ý không, là người Trung Quốc hay nói nhân nghĩa, đạo đức ở cửa mồm. Miệng lưỡi thì không ai bằng, thông minh tài trí, khả năng phán đoán tưởng chừng nhất thiên hạ. Nhưng vấn đề là trong muôn vạn người chẳng gặp được ở lòng ai có chất chứa những thứ đó. Chỉ cần trong muôn người có một thì tất cả những thứ mơ hồ vớ vẩn kia mới trở thành sự thật, và làm cho cuộc đời lên hương được.
Giữ mình là thượng sách
Có ông thánh nói: "Biết mà không làm, không phải biết thật" (Tri nhi bất hành, bất vi chân tri). Biết và làm đều quan trọng, không kết hợp được hai cái đó với nhau thì không phải thật là biết. Hiểu được đoàn kết là sức mạnh, nhưng trong hành động lại không chịu đoàn kết thì cũng chưa thể cho là hiểu được.
Căn bệnh này không hẳn do bản tính của người Trung Quốc, mà vì mọi người ăn phải bả của bọn Nho gia học phái, rồi không tiêu hóa được. Thật ra Khổng Tử trên nguyên tắc đề xướng Chủ nghĩa cá nhân hơn là Chủ nghĩa tập đoàn. Khổng Tử thường lải nhải dậy dỗ các môn đệ, những”ông thánh bậc hai", về cái gọi là "giáo dục đại chúng". Thật ra cái giáo dục mà ông ta nói cũng chẳng khác nào số những hạt trân châu trong các vỏ trai. Phần lớn những điều dậy bảo của ông chỉ nhắm vào giáo dục cá nhân, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân là chính.
Lý tưởng của nhà Nho cơ bản gồm hai điều:
Một là làm sao cho đám dân thường cúi mặt, cúp đuôi, không dám ngó ngàng gì đến chuyện chính trị, chuyện quốc gia đại sự, chỉ còn biết lo cho gia đình, tài sản riêng, như câu "Người khôn giữ mình" (Minh triết bảo thân), hoặc "Thức thời mới là người tài giỏi" (Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt). Đây là một cách làm cho sức đề kháng của một con người trên phương diện xã hội càng ngày càng yếu đi.
Lý tưởng thứ hai là cầu xin kẻ nắm quyền nương tay đối với dân lành vô tội, lúc đạp lên đầu họ thì đạp nhè nhẹ một tí. Nên có chữ: “Hành nhân chính", nghĩa là thi hành chính sách nhân đạo.
Khổng Tử có một đoạn văn nói cách tránh tai họa rất cao siêu như thế này:
"Nước bị nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất đầu lộ diện, lúc không có thì ta ở ẩn. Nước có đạo lý mà nghèo hèn là nhục. Nước vô đạo mà phú quý cũng là nhục" (Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo, tắc kiến. Vô đạo, tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã).
Những điều dạy bảo này của thánh nhân thật là thông minh, rành mạch: Con người sống phải theo chiều gió, như hòn bi trơn. Chờ cho người khác bình thiên hạ xong rồi thì ta nhảy ra kiếm một chức quan. Lúc dầu sôi lửa bỏng thì ta ở nhà đánh giày cho thật trơn, và gửi vợ con đến những nơi an toàn nhất.
Đại khái để làm một nhà Nho chính thống - có thể làm hội trưởng Hội Khổng Mạnh được - là kiểu như vậy. Nghĩa là tìm cái thế lợi nhất để thích ứng, để cho bản thân được an toàn, "tấm thân nghìn vàng không ngồi trong căn nhà sắp đổ" (Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường). Những phần tử trí thức cho rằng không bao giờ nên đến gần một nơi mà một viên ngói có thể rơi vào đầu.
Đối với những thối nát chính trị, những đau khổ của dân lành, mình chẳng dính vào làm gì cho mệt thân, có nhìn thấy cũng cứ tai ngơ mắt lấp cho xong. Vì nhìn thấy thường khó tránh khỏi tức giận, tức giận thường khó tránh khỏi nói toáng lên, nói toáng lên thường khó tránh khỏi bị tai vạ.
Than ôi! Trong toàn bộ giáo huấn của nhà Nho hầu như không có gì khuyến khích con người suy nghĩ hay ho, rất ít nói đến quyền lợi, nghĩa vụ, rất ít khích lệ cạnh tranh, mà chỉ muốn học trò mình, rồi lại học trò của học trò mình an phận với hiện trạng mà ung dung tự đắc. Cái gì cũng có thể làm, miễn là nó không đem đến cho mình cái gì nguy hiểm cả.
Tại sao Khổng Tử ít khen ai ngoài Nhan Hồi - cái anh chàng học trò nghèo rớt mùng tơi đó? Ông hết sức tán dương sự chịu đựng nghèo khổ của anh học trò này mà không hề tìm hiểu trách nhiệm của cái xã hội đã làm cho "ông thánh bậc nhì”Này thành nghèo khổ đến như thế. Lại không hề nghĩ làm thế nào để cải tổ cái quần thể xã hội đó, mà chỉ dương đôi mắt mù quáng dạy đời rằng: "Nghèo cũng hạnh phúc được!".
Nếu mỗi người Trung Quốc đều hạnh phúc kiểu đó, quốc gia dân tộc chắc chắn phải quay về thời kỳ đồ đá mà thôi!
Loài động vật không biết cười
Vài năm trước có người bảo diễn viên ca múa dân tộc mặt chẳng bao giờ cười, ông bầu hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cười đáp: - Cái màn đó gọi là "Cung nữ oán", cung nữ đương nhiên mặt mày phải sầu khổ chứ! Nhưng sau đó diễn đến màn”Vui gặp gỡ", "Sống lâu muôn tuổi" mặt mày các nàng vẫn ủ dột như cũ, không hiểu ông bầu kia sẽ nói thế nào?
Trước kia tôi cũng từng nghĩ rằng có lẽ cái giống da vàng sinh ra không biết cười, hoặc không thích cười. Nhưng đến Nhật Bản rồi tôi mới thấy họ cũng da vàng mà lại biết cười một cách hoan hỷ. Ngoài cô lái xe cười, các cô gái điều khiển cái thang máy đơn điệu và giống cái quan tài kia cũng biết cười; bởi vậy tôi mới giật mình. Thế là tôi lại đi tìm cái nguyên nhân làm cho mặt người Trung Quốc không cười được đó.
Có thể 100 năm nay chiến tranh liên miên, khóc đã quá nhiều, giống định luật chọn lọc tự nhiên của các nhà sinh vật học, người Trung Quốc chỉ biết học khóc mà dần quên mất cười để đối phó với thời cuộc đói khó. Bộ mặt thiếu cười của người Trung Quốc là một đe dọa cho sự nghiệp du lịch. Cái ảnh hưởng xấu nhất của nó là thái độ của người Trung Quốc đối với người lạ. Tôi đã từng đi khắp các tỉnh Trung Quốc và thấy rằng, ngoài Bắc Kinh, không có nơi nào không có hiện tượng”bắt nạt người lạ".
Con người là một loại động vật biết cười. Nhưng những cô y tá, những cô bán vé xe người Trung Quốc lại là một ngoại lệ. Về việc này hơn 10 năm nay mọi người đều than vãn nhưng cái bộ phận quản lý xe buýt và nhà thương quá bận về việc ăn tiền để có thể chú ý đến nó. Cứ xem tình hình này, trừ phi vứt tiền vào mặt họ, thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cậy mồm họ ra cho họ cười được.
Thực ra gương mặt những cô bán hàng bây giờ hầu như cũng có khá lên đôi chút. Ngay lúc anh bước vào cửa hàng, giống như con mèo thấy con chuột vào ổ của mình, đôi mắt nhỏ của các cô nhìn về phía anh chứa đầy những dò xét như đối với một địch thủ. Các cô bắt đầu bằng việc đánh giá áo quần của anh, và nói một câu gì đó kiểu: "Ấy, cái này đắt lắm đấy!”Nếu anh hỏi: "Còn thứ gì tốt hơn nữa không?”Thì sẽ được trả lời: "Còn đắt hơn nữa đấy!".
Tôi có một người bạn, thời còn học Đại học Ngoại ngữ, đến một cửa tiệm bán hàng ủy thác nằm trước mặt Trung Sơn Đường ở Đài Bắc. Anh lấy ra một cái áo len giá tiền tương đối đắt, 500 đồng để ngắm nghía. Người chủ tiệm sau khi nhìn kỹ huy hiệu trường học ở cổ áo anh đã nói không do dự: "Lúc nào cậu tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ xong, thành thông dịch viên lương mỗi tháng ít nhất là 500 đồng cái đã. Bây giờ cậu phải tiết kiệm chứ!" Kết quả đã hoàn toàn ngoài dự đoán của ông ta, vì người bạn tôi đã mua cái áo đó.
Không có gì khổ tâm cho khách hơn cái việc sau khi vào xem một vài mẫu hàng trong tiệm rồi cáo từ đi ra không mua gì. Lúc đó từ chủ tiệm cho đến người bán hàng, nếu không lườm nguýt thì cũng thì thầm chửi rủa như vừa gặp trộm cướp, thái độ đều lộ rõ bên ngoài không hề giấu diếm.
Thế mà có người bảo: "Có can hệ gì đâu! Bọn họ thấy người nước ngoài vào tiệm vẫn tươi cười đấy chứ!". Nhưng ai cũng nhận thấy rằng sau khi du lịch phát triển, người nước ngoài vào nhiều, một vài du khách ngoại quốc nghèo cũng bắt đầu xuất hiện, lúc ấy cái thói cũ kia lại trỗi dậy. Và cách đối xử rồi cũng chẳng có gì khác biệt giữa người nước ngoài và người bản xứ.
"Ngồi tắc-xi có máy tính tiền ở Đài Loan không cần cho buốc-boa!", nếu có điều gì đáng quảng cáo rùm beng để kiếm khách du lịch thì đây là một.
Vì vấn đề cổ động cho chuyện đừng có hai giá khác nhau vẫn là một chuyện không triển khai nổi. Phàm hễ mua đồ gì ở Đài Bắc, mọi người ai cũng có chung một nỗi lo sợ gặp phải giá cả trên trời dưới đất. Lúc trả tiền thực ra mình có bị lừa hay không? Cái đó thật chỉ biết trông cậy vào may rủi.
Cho nên trước kia tôi có phát minh một định luật thế này: Để khỏi bị hớ, lúc có ý định mua tôi bắt đầu bằng cách trả một cái giá cơ bản thật thấp, mà tôi nghĩ với giá đó họ không thể nào chịu bán. Nhưng kết quả lại vẫn không như tôi mong đợi.
Hôm trước tôi đi tìm mua một va-li da, thấy một cái đề giá 300 đồng, tôi cho rằng nó chỉ đáng 150 là cùng, chỉ có điều cái hình dạng của nó tôi không thích lắm nên chỉ trả cho có lệ là 70 đồng. Cứ tưởng nghe cái giá ấy, người bán hàng phải đi tự tử chứ làm sao bán được, không ngờ anh ta hối hả bảo: "Được rồi, ông lấy đi!".
Ôi thôi! không biết làm sao mà nói cho được về cái thiện ý và lòng thành khẩn của người Trung Quốc đối với những khách lạ. Con đường du lịch đâu phải chỉ để du lịch mà còn là con đường để học làm người nữa.
Nước có lễ nghĩa
Trình độ giáo dục của một cá nhân cùng phẩm chất của cả dân tộc hoàn toàn thể hiện ra qua những tiếp xúc giao tế bề mặt của xã hội. Các vị chắc nhớ tác phẩm tên là "Kính hoa duyên" (Truyện hoa trong gương). Đường Ngao đến”Nước quân tử", định nghĩa nước lễ nghĩa nào là "thánh nhân truyền lại", "dùng lễ nhạc để giáo hóa",v.v...Kỳ thực chẳng qua ông chỉ căn cứ trên cái việc trẻ con và người già có bị lừa khi đi mua bán hay không. "Nước quân tử " là nơi họ không bị lừa, và mỗi lần gặp một nước như vậy ông lại quỳ xuống vái.
Ở Mỹ, chuyện người già và trẻ con không bị lừa gần như là một chuyện đương nhiên. Vì không những giá tiền đều được quy định mà thái độ phục vụ cũng không có chỗ chê. Lúc chúng tôi ở Las Vegas vợ tôi có đến một cửa hiệu nhỏ tìm mua một cái áo khách [một loại áo cánh dầy và dài - jacket]. Trong tiệm có một cái đề giá là 12 đô. Tiền đã trả xong, chỉ còn chờ gói hàng, lúc ấy vợ tôi mới chợt thấy dưới cánh tay áo bên phải hình như có một vết đen bé bằng hạt gạo, liền nói: "Ái dà, cái gì thế này?"
Bà già bán hàng cầm lên xem rất kỹ, và nói như xin lỗi: "Thực ra vết bẩn này có thể giặt sạch, nhưng cũng có thể không. Nếu bà vẫn đồng ý mua, tôi đi hỏi chủ tiệm xem có thể bớt được ít tiền không?”Nói xong lật đật lên lầu, rồi lại lật đật chạy xuống bảo có thể bớt cho vợ tôi 2 đôla. Nghe vợ tôi kể lại chuyện này tôi hơi choáng váng.
Vốn bị người bán hàng ngược đãi đã thành thói quen, bây giờ như bỗng có một ngọn gió xuân đến làm rơi mưa xuống, tôi thật tình chỉ muốn đến mà hôn vào mồm bà bán hàng ấy một cái.
Nếu chuyện này mà xảy ra ở Đài Bắc hay Hồng Kông, có lẽ nó sẽ là một tiết mục đấu súng giữa cảnh sát và ăn cướp. Nhất định sẽ ầm ĩ lên như kiểu này: nếu bà khách chết tiệt kia dám cả gan bới lông tìm vết, người bán hàng tất phải phùng mang trợn má sấn sổ ngay:
"Cái gì? Nói thế nào? Đen à? Buồn cười thật! Bộ người ta không có mắt hay sao? Dù có đen nữa đi mà ở dưới nách thì có hề hấn gì. Chẳng lẽ lúc nào cũng cứ dơ nách lên cho người ta xem à?
Muốn bới móc thì cứ nói thẳng ra. Người mua cũng còn khối kẻ thật thà chán! Bây giờ đã ngả giá rồi còn định trả hàng lại đấy chắc? Giảm giá à? Giời mà hiểu được! Lần sau có đi mua hàng thì cứ phải đếm trước hầu bao đi cái đã. Tiền không có mà cứ làm bộ như ta đây giầu lắm! Cái gì? Còn không đúng ấy à?
Người ta là con người của một nước lễ nghĩa, văn hóa truyền thống 5.000 năm, đối với khách như đối với kẻ về nhà, chẳng lẽ không thấy được điều ấy hay sao mà còn lậu bà lậu bậu như kiểu bị người ta lừa mình đấy!
Cửa hàng của người ta to thế này mà cứ trông mong vào mấy đồng xu của các người thì có mà chết đói! Mấy cái đồ ngoại quốc nhà quê, văn hóa nông choẹt. Chẳng bõ công cho người ta đi kêu cảnh sát.
Cứ nói huỵch toẹt ra! Mua không nổi chứ gì? Thôi! Quên đi! Đưa đây!".
Las Vegas là một thành phố cờ bạc; 99% người đến đấy là du khách và 99% trong số này có lẽ chỉ đến đây thăm một hai lần trong đời họ. Nếu những kẻ bán hàng ở đây muốn lừa khách thì họ hoàn toàn chẳng phải lo ngại gì đến hậu quả của nó cả.
Thế mà họ vẫn cứ chẳng khác gì như những nơi khác trên đất Mỹ, rất thân thiết và đứng đắn .
Ba câu nói
Cái lúng túng lớn nhất của người Trung Quốc khi mới đến Mỹ là gặp quá nhiều loại lễ nghi phức tạp của người Mỹ. Ngoài đường nhỡ vô tình chạm vai vào một người khác, dù chạm thật nhẹ cơ hồ như không chắc có chạm không, là người kia đều nói: "Xin lỗi!”Nếu như đụng thật, da thịt đôi bên đều cảm thấy, thì cái câu xin lỗi ấy sẽ rất là ai oán. Còn nếu đụng mạnh vào nhau một cái rầm thì cái câu xin lỗi này sẽ trở thành liên hồi, liên thanh khó mà chống đỡ được.
Tại Trung Quốc nếu hai người đụng nhau trên đường thì lại hoàn toàn khác. Phản ứng của đôi bên sẽ nhanh như chớp, mắt long lên, trợn trừng nhìn nhau như sắp biểu diễn một màn nhẩy cao. Câu đầu tiên dùng để nói với nhau sẽ là kiểu:
"Mắt mù à?”Đối thủ cũng lập tức nhảy cỡn lên phản công: "Ái dà! Ai mà cố ý! Đi đụng vào người ta mà lại còn không biết điều!”Người kia lại gân cổ to tiếng hơn: "Đụng vào người ta mà lại còn già mồm, không biết được giáo dục kiểu gì?”Đối thủ mồm cũng không kém: "Đụng vào thì đã chết chưa? Chắc muốn người ta quỳ xuống lậy mình chắc? Bảo người ta đụng mình à? Thế mình lại không đụng vào người khác đấy? Chính mình đi đụng vào người ta mà lại còn muốn đổ vấy cho người!".
Sự tình đến đây, người có vẻ yếu thế hơn sẽ bỏ đi, mồm lẩm bẩm chửi rủa, trong khi đó cái người có vẻ cứng mạnh hơn dơ chân múa tay, giọng điệu đe dọa khiến cho cả đám đông kéo nhau đến như thể sắp xem một đám đánh lộn.
Nếu độc giả chú ý, từ lúc đụng nhau cho đến lúc rã đám, chúng ta không hề nghe được một câu "xin lỗi". Cái môn”đến chết cũng không nhận lỗi" rất tinh thông này của người Trung Quốc biểu hiện khá đầy đủ trong cái chuyện va vào nhau trên đường. Người Trung Quốc đã mất khả năng nói "xin lỗi!". Họ đều giống như những hỏa tiễn phun lửa, chỉ có cái dũng khí dựa trên sức lực để hơn thua với nhau mà thôi.
Một trong những đặc trưng của văn minh Tây phương là thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại của người khác, cho nên họ luôn luôn để ý, cẩn thận trong việc biểu lộ sự tôn trọng đó. Người ta dẫm lên chân mình, cố nhiên”Xin lỗi!". Thực ra chưa dẫm mà chỉ suýt dẫm lên thôi, cũng”Xin lỗi!". Ho một tiếng, cố nhiên là "Xin lỗi!". Hắt xì hơi một tiếng nhỏ cũng”Xin lỗi!". Đang lúc nói chuyện mà cần đi tiểu tiện, cố nhiên”Xin lỗi!". Đang ngồi ăn mà nhà bếp bị cháy phải đi dập lửa, cũng”Xin lỗi!"
Du khách vẫn thường thấy cảnh khi anh đang loay hoay chụp ảnh, có người vô ý đi vào giữa, cũng vội vàng”Xin lỗi!". Hầu như tất cả những người Tây phương khi họ thấy anh dơ máy ảnh lên đều dừng bước lại ngay, đứng cười, và chờ anh chụp ảnh xong mới tiếp tục đi. Nếu người chụp ảnh là đồng bào Trung Quốc, họ sẽ chẳng có phản ứng gì khi anh tránh chỗ cho họ chụp. Nhưng nếu người chụp ảnh là người Tây phương mà anh làm như vậy thì họ nếu không nói "xin lỗi”Thì cũng”cảm ơn ông nhiều".
"Cảm ơn" và "Xin lỗi”Đối với tôi rất đáng sợ. Cả hai thứ cùng ghê gớm như nhau. Ở trên thế giới này không hiểu sao người ta lại có thể lãng phí nước bọt cho hai cái câu này nhiều đến như thế. Tôi vốn là người tinh thông thập bát ban võ nghệ, tưởng có thể tránh thoát được sự bao vây của hai cái câu này khi đến Mỹ, nhưng không ngờ lại khó đến thế. Tôi càng cố tránh thì họ lại càng nói "cảm ơn ông".
Anh chờ cho họ chụp ảnh xong mới đi qua, họ cố nhiên”cảm ơn" anh. Lúc đi mua đồ, đưa tay lấy hàng họ cũng nói "cảm ơn" với người bán hàng. Tại Trung Quốc, một khách hàng chẳng bao giờ nói cảm ơn đã đành, nhưng nếu người bán hàng mà nói cảm ơn chắc cái trần nhà thể nào cũng phải sập vì cảm động.
Đến ngân hàng Mỹ rút tiền, các bà ngồi két đưa tiền cho anh cũng cảm ơn. (Anh cứ thử cái việc này ở các ngân hàng của chúng ta xem, chắc chắn anh sẽ lập tức tương tư Tây phương ngay). Nếu anh vượt quá tốc độ hoặc rẽ ở chỗ cấm rẽ, cảnh sát đưa giấy phạt cho anh lại cũng nói cảm ơn. Một người bạn tôi, ông Chu Quang Khải, chở tôi đi đỗ xe; đến cổng một bãi đậu xe phải trả tiền, lúc cầm vé ông cũng lại "cảm ơn". Tôi thắc mắc: "Này, sao anh đã trả tiền đàng hoàng chứ ông ta có để cho anh đậu không mất tiền đâu mà lại còn phải cảm ơn?" Anh ta nghĩ một lúc lâu rồi cũng không hiểu lý do tại sao. Nhưng đến lần thứ hai anh lại cũng vẫn”cảm ơn ông" làm tôi tức muốn chết.
Nhưng cái "cảm ơn ông" sâu đậm nhất đối với một người già đầu như tôi vẫn là trường hợp của cái cửa tự động. Lúc đi qua cái thứ cửa có lò xo tự động này tôi thường cứ buông tay cho nó tự đóng lại. Sau khi đến Mỹ, đương nhiên vẫn cứ làm như vậy. Bạn bè nhiều lần khuyên can:
"Ở đây là cái nước man rợ, anh đừng đem thứ văn hóa truyền thống 5.000 năm qua đây nhé. Khi nào đi qua cửa anh nhớ nhìn xem đằng sau có ai không trước khi từ từ buông cửa ra".
Buồn cười thật, tôi qua Mỹ để du lịch chứ có phải để làm thằng gác cửa cho người khác đâu. Tôi đã từng đi qua nhiều cửa tự động hơn anh ta tưởng, cần gì để cho anh ta phải dậy tôi như vậy. Nhưng rồi tới một ngày, tôi đã hiểu cái chuyện anh muốn nói đó.
Lần ấy, sau khi đi qua cửa tôi đã buông cái cánh cửa có lò xo mạnh ấy cho nó tung ra như tôi vẫn thường làm. Sau lưng tôi bỗng có một tiếng kêu lớn của một ông già da trắng. Bạn tôi và tôi bấn cả người lên cơ hồ muốn quỳ xuống mà xin tha lỗi (Thực ra tôi muốn tìm đường rút lui một cách êm thắm, nhưng những người nghe tiếng kêu vội đến cứu ông già nhiều quá làm tôi không chuồn được).
Cũng thật may là cánh cửa đập không làm chấn thương gì đầu óc ông cụ cả. Ông cụ nhìn mặt mũi và cách ăn mặc của chúng tôi, chắc đoán rằng đây là những nhân vật quan trọng của cái bộ lạc ăn thịt người ở Tân Ghi-nê, nên cũng chẳng thèm lý đến nữa.
Sau chuyện này người bạn mới bảo tôi: "Dù anh có chưa bao giờ anh ăn thịt lợn thì cũng phải xem qua cách lợn chạy, cứ bắt chước người Tây phương mà làm, đó là con đường yêu nước chân chính đấy!"
Trời ơi! thì ra người Tây phương mỗi khi đi qua cửa đều dừng chân giữ cửa, chờ cho những khách đi sau nối đuôi nhau đi vào trước mình. Hoặc ít nhất thì cũng quay lại giữ cửa cho đến khi người đi sau tiếp được cửa rồi, mới từ từ bỏ tay ra.
Đúng là đi một đàng học một sàng khôn. Bây giờ cái việc giữ cửa này tôi đã thuộc như cháo. Và từ đấy trở đi tôi liên tục nghe được từ cửa miệng những ông già, bà già Mỹ cái câu "cảm ơn ông" sướng cả lỗ tai.
Lúc quay lại Đài Loan tôi vẫn quen thói "tôn sùng”Tây phương này. Nhưng chỉ được ba hôm thì lại vẫn chứng nào tật nấy. Mà cái đó không phải vì ý chí của tôi yếu đuối, nhưng vì mỗi lần dừng lại cung kính giữ cửa, thì cái ông bạn da vàng ở đằng sau nhìn tôi như thể mồm anh ta đang ngậm cứt khô, không thể nào nghe được một thanh âm gì giống như tiếng”cảm ơn”Từ nó cả. Tôi bèn cứ thả cho cửa nó tung ra như thói quen cũ, mặc kệ mẹ cho nó đập vào mặt ai thì vào, có đập chết cũng được!
Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người Trung Quốc ra cái câu "cảm ơn ông" e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Chư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.
Thật ra cái câu “cảm ơn” và cái câu “xin lỗi” của người Mỹ cũng giống nhau. Chúng đã trở thành một bộ phận của đời sống dân chủ, từ đứa bé vừa học nói, mẹ nó chùi đít cho nó, nó cũng biết nói cảm ơn. Cái đó làm cho nó hơi có khuynh hướng”lạm phát".
Các người chắc đã từng xem cảnh ăn cướp nhà băng ở Mỹ. Một người vạm vỡ, tay cầm súng lục, bắt người đàn bà ngồi ở quầy nhét đầy tiền vào trong bị rồi ngả mũ chào: "Cảm ơn bà!" Sau đó mới rút lui. Theo tôi, thà cứ lạm phát như thế này vẫn còn hơn là bị cứt khô làm tắc họng mà chết.
Điều cần phải nói rõ hơn tý nữa về “xin lỗi” và “cảm ơn” là lúc nào chúng cũng đi liền với một nụ cười, và có thể dẫn đến một câu như kiểu: "Tôi có thể giúp đỡ được gì không?”
Tôi là một người ngần này tuổi đầu, sinh ra ở lục địa, hiện sống ở Đài Loan, từ thâm sơn cùng cốc đến chốn thị thành, từ thôn làng đến đại học Tây phương, từ tiếng đọc ê a cho đến thanh âm như sấm động, tiếng”xin lỗi” và “cảm ơn” dù hiếm hoi như lông phượng, sừng lân nhưng tôi cũng đã từng nghe qua. Chỉ có câu “Tôi có thể giúp đỡ được gì không?” là chưa bao giờ tôi được nghe từ một lỗ mồm người Trung Quốc nào cả. Ở Mỹ, những ngày bình thường chúng tôi được bạn bè đánh xe đưa đón, oai phong lẫm liệt vênh vênh váo váo. Nhưng có một lần tôi và vợ tôi ngồi tầu điện ngầm đi từ khu sang trọng Tân Oa-xinh-tơn tới Xpơ-ring-phiu ( Springfield ). Xpơ-ring-phiu là bến tầu điện cuối, từ đó chúng tôi phải lấy tắc-xi đi đến nhà người bạn mời chúng tôi ăn cơm.
Ở Mỹ, lượng xe tắc-xi nếu so sánh với tiền ở trong túi tôi lúc đó chắc còn ít hơn nữa. Chúng tôi thấy mặt trời sắp lặn, vội vàng đôn đáo chạy đông chạy tây như hai con chó lạc nhà. Một người Mỹ trẻ nhìn thấy chúng tôi cuống quýt mới đến trước mặt hỏi han: “Tôi có thể giúp được gì cho ông bà không?” “Thế mà còn hỏi - tôi thầm nghĩ - đúng là một thằng ngốc!”
Anh ta bèn bỏ cái cặp xuống, đứng ở giữa đường, mắt nhìn bốn hướng tai nghe tám phương, cuối cùng chặn lại được một chiếc xe. Có lẽ ông lái xe tắc-xi đang trên đường về nhà ăn cơm tối nên không muốn đi, anh ta bèn phục tại cửa kính rất lâu, nói mãi, sau đó ngoắc chúng tôi lại để lên xe. Đến lúc chúng tôi vừa hoàn hồn định hỏi han tên họ thì anh ta đã bỏ đi rồi.
Thật tình nếu không có anh ta ra tay giúp đỡ hôm ấy, thì cứ cái đà đó chúng tôi chỉ có nước ngủ đêm tại nhà ga xe điện ngầm mà thôi.
Cả nước xếp hàng
Người Mỹ là một loại người thích giúp đỡ người khác. Cái câu “Tôi có thể giúp đỡ gì được không?”Hoàn toàn không phải là một câu nói đưa đẩy xã giao. Trừ ở New York và vài thành phố bến cảng khác, chỉ cần anh tỏ ra bối rối, lạc lõng một tý là y như rằng có người đến hỏi anh câu đó. Nếu anh trả lời kiểu đểu: “Đúng rồi, tôi đang cần giúp đỡ đây, anh có thể cho tôi mượn 5 tỷ đô-la trong vòng 20 năm không?” Thì chắc chắn là không được. Nhưng nếu anh chỉ lạc đường thì họ sẽ không quản ngại mà chỉ bảo cho anh kỹ càng. Nếu chẳng may tiếng Anh của anh cũng cỡ tôi, nghĩa là sau khi nói hết nước miếng cũng chẳng ai hiểu gì thì họ sẽ chạy đông chạy tây lo cho anh như thể anh là một vương tôn công tử mà họ chỉ là kẻ hầu người hạ vậy.
Trước khi đi Mỹ vợ tôi bị thương ở lưng vẫn chưa lành, lúc đi phải mang theo một cái giá đỡ lưng đan bằng mây. Cái giá này đã dùng ở Đài Loan nửa năm nay nhưng không hề làm ai chú ý cả. Chỉ khi đến Mỹ rồi mới thấy hiệu quả ghê gớm của nó. Bất kỳ nơi nào đều có những người Mỹ lớn tuổi lo lắng cho cái lưng của nhà tôi, như thể không biết nó có thể gẫy ra làm hai lúc nào không biết. Trên máy bay, xe hỏa, lúc nhà tôi đứng lên hay chỉ rướn mình là có người đến bên tươi cười hỏi: “Tôi có thể giúp gì cho bà được không?” Dĩ nhiên là không được, vì nhà tôi muốn đi nhà xí, mà cái việc này đâu dám nhờ ai giúp. Chỉ tội vợ tôi cứ phải cố gắng nhịn vì sợ mình tỏ ra không biết điều với những người muốn giúp đỡ mình.
Cái quan hệ giữa những người Trung Quốc với nhau không hề có cái kiểu này, mà hoàn toàn ngược lại. Những người sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác vẫn được gọi một cách văn hoa là "kẻ hiếu sự". Nếu giữa đường thấy chuyện bất bình mà ra tay thì nhất định bị gọi là “Thích lo chuyện không đâu”. Dĩ nhiên những hành động đi ra ngoài cái lề thói này đều bị xem là hành vi có ẩn ý nào đó. Bởi vì nếu như ở Đài Bắc giả sử anh có gục xuống thượng thổ hạ tả, tôi có thể cá với anh một quan tiền rằng không ai đỡ anh dậy.
Một năm trước tôi đi xem xi-nê ở Đài Bắc với một người bạn Mỹ. Đang xem dở phim bỗng có một ông cụ tự nhiên từ ghế ngã xuống sùi bọt mép. Một lúc sau hai nhân viên rạp hát đến khiêng ông ấy đi, chắc là đem vào nhà thương. Nhưng không ngờ khi hết phim chúng tôi đi ra mới thấy ông cụ vẫn nguyên hình nguyên dạng bị vứt nằm lăn lóc bên cửa ra vào trên nền đất đầy bùn. Ông cụ nằm đó chẳng khác gì người một bộ lạc bán khai nào đó vừa bị một bộ lạc khác bắt về chứ chả có vẻ gì là "con cháu của rồng thiêng” cả.
Làn sóng người cứ cuồn cuộn đi qua, không một ai dừng chân xem sự thể thế nào. Người bạn Mỹ của tôi cả kinh thốt lên: “Người Trung Quốc cũng gần như dân New York, thật lãnh đạm vô tình!”
Ông ta không nói lãnh đạm vô tình như người Mỹ, đó là cái chỗ khôn khéo của ông ta, mà lại nói "gần như” để tránh chạm vào lòng yêu nước của tôi. Nếu không, tôi có thể cho rằng ông ta châm biếm, muốn”chia rẽ tình cảm giữa chính phủ và nhân dân”.
Ông ta lại đưa New York ra để so sánh, vì đây là đại bản doanh của dân giang hồ tứ chiếng từ mọi nước tới, vẫn chưa hề quên nguồn gốc của họ. Ngay cả người Mỹ khi nói đến New York cũng quyết không nhận đấy là một thành phố của họ.
Sinh ra làm người Trung Quốc, ở trên đất Trung Quốc mà muốn giúp người khác không phải là một việc dễ dàng. Tôi đã nói trắng vấn đề này ra trong quyển”Ngã vào hũ tương” rồi. Một người không có những tư tưởng và tình cảm cao quý thì vĩnh viễn không thể tin mà cũng không thể hiểu được tại sao người khác có thể có được những thứ đó. “Những đứa hiếu sự”, “Những kẻ đi lo việc không đâu”, “có ẩn ý gì đó" là những mũi tên độc lúc nào cũng giương sẵn để bắn ngay lập tức vào người có ý định muốn giúp mình.
Một buổi tối mưa, một người quen tôi làm nghề lái tắc-xi, ông Dương Hy Phong, đã đón lên xe một cô gái ướt như chuột lột đang run lên cầm cập. Sẵn có bộ quần áo ấm của vợ ông vừa lấy từ tiệm giặt về, ông đề nghị: “Này cô! Cô có thể cởi quần áo ướt ra thay rồi lúc đến nhà trả lại cho tôi cũng được!”. Cô gái nghe ông ta nói đến chuyện cởi quần áo, lập tức mắt trợn trừng, nói như hét: “Đồ dâm dục! Mày muốn tao kêu cảnh sát không?” Ông bạn tôi tức đến nỗi rủa thầm cho nó bị cảm mạo sưng phổi đi cho rồi.
Một người bạn khác của tôi là nhà giáo, một hôm trên xe buýt thấy một phụ nữ (xin lỗi lại là một phụ nữ) cầm một cái dù cán đã rơi ra sắp bị người ta dẫm lên. Anh vội vàng nhặt lên chen ra đến tận sau xe đưa cho cô ta. Nhờ trời, cô này là người tương đối có văn hóa nên không gọi ông bạn tôi là “Đồ dâm dục”, nhưng cũng không hề có một tiếng “cảm ơn”, chỉ dương đôi mắt ếch lên nhìn, mồm câm như hến.
Than ôi! Người Trung Quốc chúng ta tựa hồ như dừng lại ở giai đoạn tiến hóa của người rừng, ăn lông ở lỗ, trên người lúc nào cũng khoác một cái áo giáp như một con nhím, chỉ để lộ đôi mắt đầy ghẻ lạnh và nghi ngờ, lúc nào cũng dáo dác nhìn như thể tâm hồn không hề được yên ổn.
Tôi xin trở lại vấn đề cái giá đỡ lưng của nhà tôi. Cái công dụng của nó không chỉ ở chỗ giúp cho nhà tôi gặp được bao nhiêu sự giúp đỡ của những người Mỹ ở khắp mọi nơi chúng tôi đặt chân đến, mà còn tránh cho nhà tôi việc xếp hàng.
Tôi vẫn cho rằng xếp hàng là một cái thước đo văn minh của nhân loại, và cứ xem cái trật tự xếp hàng ở một nước cũng có thể biết được trình độ văn minh của nước đó.
Tôi chỉ mới ở bên Mỹ có hai tháng mà đã muốn đề nghị: thay vì gọi “Hợp chủng quốc Mỹ” Thì nên gọi là “Nước Mỹ xếp hàng”. Vì ở Mỹ tệ xếp hàng không những trở thành quá mức, mà còn trở thành một tai nạn nữa.
Không thể nào không thấy tội nghiệp cho những người Mỹ da đen, da trắng, lãng phí không biết bao nhiêu thì giờ quý báu vào việc này. Lên máy bay cũng xếp hàng. Xuống máy bay cũng xếp hàng. Mua tem cũng xếp hàng. Trả tiền, rút tiền cũng xếp hàng. Lên xe buýt cũng xếp hàng. Đi nhà xí cũng xếp hàng. Và tệ hơn nữa là đến tiệm ăn cũng phải xếp hàng.
Không phải nói dóc chứ thật tình tôi coi việc xếp hàng này chẳng ra cái quái gì. Mà không phải chỉ có mình tôi nhưng tất cả những người Trung Quốc khác cũng vậy.
Tuy nhiên, phải nói rằng xếp hàng ở Mỹ và ở Trung Quốc nội dung và hình thức đều rất khác nhau. Cũng giống kiểu cái chỗ qua đường dành riêng cho bộ hành ở Mỹ và ở Trung Quốc vậy. Ở Trung Quốc xếp hàng chỉ là một loại học thuyết, ở Mỹ xếp hàng là một thứ sinh hoạt.
Kiểu xếp hàng ở Đài Bắc có thể xem như xếp hàng một nửa. Vì lúc xếp hàng để lên xe thì xem cũng ra vẻ đấy, nhưng khi xe vừa đến thì mọi người lại ùa ra mặc sức tranh dành, mạnh được yếu thua. Trong chỗ trời long đất lở đó, các nhân vật anh hùng mở đường máu, trèo cả lên đầu lên cổ người khác để chiếm một chỗ ngồi trước mọi người. Đám tàn binh gồm những người già, kẻ yếu thì đầu bù tóc rối, chân nam đá chân xiêu, thất tha thất thểu lên xe mà không hiểu lúc nãy mình vừa khổ công xếp hàng để làm gì. Để cướp một chỗ ngồi hoặc vì sợ không chen được lên xe cho một đoạn đường dài thì còn hiểu được, đằng này đối với xe hỏa, xe ca, chỗ đã có đánh số, không thể nào bay đi mất được, cũng không thể sợ đít người khác dính vào chỗ của mình đã mua, thế mà không hiểu sao người Trung Quốc vẫn còn phải ra sức chen lấn?
Người Mỹ có vẻ như biết rằng còn sống là còn phải xếp hàng, nên thái độ họ rất thanh thản trong khi làm việc đó. Người Trung Quốc vì quá đông, khi xếp hàng thường cứ sít lại nhau, mũi người này đụng gáy người kia, nhìn từ xa cứ giống như các chiến hữu rất thân mật, ôm ấp nhau kiểu "Áo chạm vào nhau nghe hổn hển, dạt dào ngọc ấm thấy thịt da" (Lũ y tương tiếp văn suyễn tức, mãn hoài noãn ngọc kiến cơ phu). Còn người Mỹ khi xếp hàng có vẻ thờ ơ, thưa thớt, gặp chỗ cửa xe ra vào hoặc đường đi lối lại, thì hàng có thể đứt ra trông quang cảnh rất thê lương, người nhìn thấy không thể không lo cho vận mệnh nước Mỹ.
Lúc ở New York, tôi đi với một người bạn đến rút tiền ở một ngân hàng nổi tiếng đông khách. Tôi thầm nghĩ anh này nghe tiếng tôi ở Đài Bắc có nghệ thuật chen lấn xe buýt rất cao cường chắc muốn tôi biểu diễn một màn cho người Mỹ xem đây. Khi đến cửa, tôi đã thấy một hàng dài phía ngoài, nhưng trước mỗi quầy lại chỉ có một người đang đứng nói chuyện xì xồ. Tôi mừng quá, vội vàng lách đến đứng sau lưng một người ở một trong những quầy đó. Không ngờ anh bạn tôi liền tóm cổ tôi lôi ra như lôi một thằng kẻ cắp. Không những không xin lỗi vì cái hành vi lỗ mãng đó, anh bạn tôi còn nói một cách khó chịu: "Ông bạn, ông làm kiểu gì vậy?” Tôi gượng gạo đáp: "Làm gì đâu? Tôi xếp hàng mà! Từ lúc đến nước anh đến giờ hở một tý là bị xét nét, bộ xếp hàng cũng là phạm pháp à?” Anh ta đáp: "Chẳng phải là trái luật, nhưng trái quy tắc”.
Thì ra trước khi phóng được đến mỗi quầy, mọi người phải bắt đầu xếp hàng ở cái hàng phía bên ngoài cái đã. Giống như khi xét hộ chiếu ở phi trường, chưa được gọi đến thì không được tiến lên. Mà cái hàng kia đếm ra cũng phải đến năm sáu mươi người đang chờ đến lượt mình để đi đến các quầy khi được gọi.
Ôi! Nước Mỹ! Từ lập quốc đến giờ chưa được bao lâu mà các quy tắc lại quá nhiều! Lễ nghi phiền phức kiểu đó không hiểu rồi có ảnh hưởng đến sĩ khí, dân tâm không?
Còn một điều đáng sợ nhất là trước cái cửa hàng ăn lớn nhỏ cũng phải xếp hàng, điều này quả là vượt lên trên cái phạm trù học vấn vĩ đại của tôi. Từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa đến giờ chưa bao giờ người Trung Quốc nghe nói đến việc cũng phải xếp hàng ở cửa hàng ăn cả.
Ở San Francisco có lần chúng tôi đến một tiệm cơm, tôi đang định xông vào tìm chỗ ngồi thì vợ tôi kéo giật ngược lại. Hóa ra ngay cả khi không có người chờ, khách vẫn cứ phải đứng đó đợi để người phục vụ dẫn vào. Nếu không có người ra dẫn chắc cũng phải đứng tại chỗ mà chết đói mất!
Cái ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là đêm ở gần thung lũng Grand Canyon (Gờ-ran-đơ Ca-nhi-on) tại Colorado (Cô-lô-ra-đô) trong một quán ăn nhỏ mới mở. Vì đã không phải dễ gì tìm được nó mà cái quán này lại đặc biệt cho cái ân huệ lớn là miễn xếp hàng. Nhưng khách vẫn phải đăng ký tên họ tại quầy trước, rồi đứng chờ gọi tên. Nên lúc bà phục vụ xuất hiện, mọi con mắt mong đợi đều đổ dồn về phía đó, chẳng khác nào Đức Mẹ Đồng Trinh đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn. Lời vàng ngọc của bà ta cất lên gọi tên này tên nọ, gia đình này kia, tức thì có sự reo mừng như sấm động. Có cái tập tục kiểu gì lạ như thế không?
Ở Đài Bắc tuyệt đối không thể có cái cảnh đó. Thực khách như một lũ người chết đói ào vào quán cơm, dù có rõ ràng là quán đã đầy người. Như người vào hang cọp, nhìn thấy bàn nào bát đũa ngổn ngang là chỗ sắp ăn xong, họ liền đến vây quanh. Thực khách đang ngồi ăn nhìn thấy thế trận như vậy cũng chẳng lấy làm lạ. Họ biết những con mắt của bọn chết đói đang nhìn mồm họ một cách giận dữ. Nhưng họ vẫn điềm nhiên không thay đổi khí thế và sắc mặt. Cuối cùng, bọn người ăn xong no nê bỏ đi, nhường chỗ cho bọn đói vừa mới đến. Bọn này chẳng bao lâu cũng lại bị vây y như lúc nẫy bởi một bọn đói khác vừa mới đến đang đứng dương mắt nhìn mồm họ.
Cảnh tượng này như diễn lại đoạn phim trên đồng cỏ Phi châu: một con chó sói nghiêng đầu nhìn một con cá sấu đang ngoạm con mồi của nó.
Điều đáng tiếc là rất nhiều tiệm ăn Tầu ở Mỹ cũng bắt đầu nhiễm cái thói xấu xếp hàng này, bỏ mất cái văn hóa truyền thống “xem ăn” của chúng ta.
Ai cũng bảo nước Mỹ là một nước tự do. Theo ý tôi thì ngược lại. Ở Mỹ để được trở thành người điên anh cũng phải xếp hàng.
Rút cuộc là cái nước gì?
Căn cứ trên sách vở ta ngỡ rằng Trung Quốc là một nước có lễ nghĩa, nhưng nhìn vào hành vi, thì ngược lại, chúng ta chẳng khác nào một nước man rợ. Điều tâm nguyện tối cao của tôi là mong sao Trung Quốc sớm trở thành một nước lễ nghĩa.
Nghe như thế, thấy có cái gì đó không xuôi tai, một anh bạn trợn mắt hỏi: “Theo ý anh thì Trung Quốc là một nước lễ nghĩa giả tạo à?” Tôi bảo: “Tôi không nói thế! Ý của tôi là Trung Quốc hiện tại còn chưa có được tư cách để làm một nước lễ nghĩa giả tạo nữa, vì thật ra nó còn là một nước dã man nguyên thủy”.
Nói chưa dứt lời tôi đã phải vội vàng ẩn cái ghế đẩu vào đít anh, vì có vẻ như anh đang muốn ngất xỉu. Ngồi trên ghế rồi anh bắt đầu lên cơn suyễn nặng.
Lên cơn suyễn vì lòng yêu nước như anh bạn tôi thì nhiều vô cùng tận, nhưng khẩu vô bằng chứng. Bây giờ hãy để tôi đưa các vị đi tham quan xem cái man rợ đó như thế nào. Xin quý vị hãy đừng để cho cảm tính làm lu mờ óc phán đoán.
Tiết mục thứ Nhất: ĐÁM CƯỚI
Ngay cả những ngôi sao màn bạc với bao lần ly hôn cũng đều phải công nhận: kết hôn là một việc trọng đại của đời người. Nếu không, sao họ vẫn cứ phải lập đi lập lại cái chuyện này sau khi đã từ bỏ nó? Bởi vì trên con đường đời, kết hôn vẫn là một bước nhảy vọt và đột phá.
Một người con trai và một người con gái giã từ hoàn cảnh, tập quán cố hữu, nhẩy lên một con thuyền khác, từ đó làm thành một trung tâm gia đình riêng, cùng chèo chống con thuyền đi vào một đại dương mới lạ đầy hứng thú.
Đấy là một sự thay đổi quan trọng lắm. Vì vậy, dù nghi thức truyền thống cổ lỗ của Trung Quốc hay nghi thức tôn giáo du nhập từ phương Tây, nó vẫn là một cái gì rất trang nghiêm. Trong cái trang nghiêm và hoan lạc này mọi người đều chúc mừng cho sự đổi thay.
Chả cần nói đến thời xa xưa, chỉ trong những năm 40, các đám cưới ở nhà quê vẫn còn đúng là mười phần long trọng. Chàng rể phải đích thân đến gia đình nhà vợ để đón dâu, hoặc ngồi kiệu, hoặc ngồi xe. Về đến nhà chồng, sau ba lậy: vái trời đất, cha mẹ, vái lẫn nhau, thì hai người mới thành vợ chồng.
Ở nhà thờ cũng có những ý nghĩa tương tự. Giữa tiếng nhạc trang nghiêm, chú rể đứng chờ trước thánh đàn. Cô dâu nắm tay bố, hoặc anh, từ từ xuất hiện, rồi đi lên phía thánh đàn, nơi đó người bố hoặc anh mới trao cô dâu cho chú rể. Rồi mục sư, hoặc linh mục, nhân danh thượng đế tuyên bố hai người thành vợ chồng.
Không hiểu bắt đầu từ thời nào, đại khái sau khi nhà Thanh bị diệt vong không lâu lắm, người Trung Quốc không còn thích cách quỳ lạy cũ, lại cũng không ưa cách quá Tây của nhà thờ, họ bèn phát minh ra một thứ không giống ai, đến bây giờ vẫn còn dùng, gọi là “Đám cưới văn minh”.
Hôn lễ không ra hôn lễ mà biến thành một loại phường chèo. Lễ đường cũng không phải lễ đường mà trở nên một thứ miếu đền ồn ào, náo nhiệt. Mọi người đến không phải để chúc mừng đám cưới, mà để tìm gặp bè bạn, trao đổi xã giao với những người sống trong cùng một thành phố mà hai, ba, bốn năm rồi chưa gặp mặt nhau. Phòng cưới thành ra một loại trà đình, tửu điếm.
Độ chừng nghi lễ đã xong, tức thì đám này bầy mà chược, đám nọ tụ tập hàn huyên, thăm hỏi tin tức, than vãn cuộc đời, luận bàn thời cuộc, ngay cả chửi rủa người này người nọ cũng là chuyện bình thường. Tất cả là một khung cảnh ồn ào, náo nhiệt, sôi sục đến độ khi người chủ hôn đứng lên muốn nói vài câu cũng chẳng ai nghe ai được ông ta nói gì, mà ngay cả chính ông ta cũng không nghe được mình nói gì nữa.
Người mai mối thường thường phải lộ diện sớm thì bây giờ mới xuất hiện, cũng chẳng còn nhớ tên cô dâu là gì, lại quên luôn cả trách nhiệm thiêng liêng trong công tác của mình, bắt đầu nói đùa, kể chuyện nhảm nhí về việc động phòng trước mặt gia nhân thân thuộc,
Mồm miệng người này đầy những chuyện hạ lưu, đạt đến trình độ dâm dục mà nếu những người biên tập tờ báo Playboy của Mỹ có mặt ở đó cũng phải đi gọi cảnh sát đặc trách về thuần phong mỹ tục.
Mọi người lớn nhỏ dự những đám cưới như vậy đều bị dồn vào một không khí tuồng chèo. Có thể nói đó là cái chợ bán thức ăn cũng không phải là quá. Đối với hai họ, đây là một dịp để chịu đựng những điều sỉ nhục, và đối với thượng đế là lúc để khóc thương cho nhân thế.
Tiết mục thứ Hai: ĐÁM MA
Chết so với cưới còn là một chuyện lớn hơn. Một người trong đời có thể kết hôn nhiều lần, nhưng chỉ có thể chết một lần. Đó là sự chấm dứt của một mạng sống, chấm dứt một cách vĩnh viễn. Vứt lại tất cả các thành tựu phấn đấu đầy gian khổ của cuộc đời, bỏ lại những người thân thuộc yêu mến nhất, buông xuôi tay ra về.
Ở nhà quàn - trạm dừng cuối cùng trên hành trình cuộc sống, qua trạm này người ra đi sẽ vĩnh viễn dừng lại trong mộ phần - bầu không khí của lễ tang không những phải trang nghiêm mà còn phải rất bi thương. Người xưa nói: “Những người chịu tang rất là vui vẻ" (Tang gia đại duyệt) nghĩa là chỉ "vui vẻ" khi các nghi thức tang lễ và chôn cất đều đúng cách, chứ không phải vui vì người đó chết; và như thế là tốt, là hay!
Thế mà ngày nay trong việc ma chay thường hay thấy một hiện tượng mới: Khách tang vào đến cửa đầu tiên đến nghiêng mình trước linh cữu. Gia thuộc người quá cố quỳ phục bên cạch linh cữu, lúc bi thương đều có tiếng khóc; nhất là mẹ già, con dại, cô nhi, quả phụ tiếng khóc nghe lại càng đứt ruột. Nhưng khi tiếng khóc của gia đình người chết vẫn chưa dứt thì ông khách tang này đã phóng ngay lại chỗ một người khách khác, vẻ hể hả: " Ái dà! Ông bạn, lâu ngày quá không gặp. Trông mặt anh dạo này có vẻ phú ông đấy, chắc hẳn quên hết cả bạn bè cũ rồi!” Người kia cũng vui vẻ đáp lại: “Tôi đang đi tìm anh đây! Toàn bị những thứ hiếu hỉ ma chay khỉ gió thế này nó hành. Nào đi đi, ta đi tìm chỗ tán gẫu cái đã”. Vừa ra đến cửa thì đằng trước lù lù một nhân vật tiến vào. Hai con động vật máu lạnh kia lật đật cong lưng xuống: "Chào ngài Bộ trưởng! Dạ ngài vẫn mạnh giỏi chứ ạ?” Ông Bộ trưởng gật đầu cười, vừa bắt tay vừa đi vào. Hai con động vật máu lạnh kia liền thay đổi ý định, bèn theo bén gót đằng sau, mặt mày hớn hở.
Thế là tang khách quây cả lại, ầm ĩ lên. Nhà lễ tang bỗng chốc đã biến thành một thứ câu lạc bộ xã giao. Kỳ thực, nếu ông Bộ trưởng kia không đến chăng nữa thì tang lễ cũng trở thành một bản sao của cái loại “Đám cưới văn minh” đã nói trên. Nghĩa là khách tang hầu như trong lòng chẳng có một tý tâm tình gì gọi là xót xa thương tiếc người đã khuất, bất quá chỉ như người đi vãn cảnh miếu đền.
Sự thực, ngay ở nơi quàn xác chết hiển nhiên cũng đã thành chỗ kết bè, kết đảng, lại đương nhiên thành chỗ "xa nhà gặp người quen” Thì nét mặt tự nhiên phải tươi cười rạng rỡ. Chẳng trách người Tây phương trách người Trung Quốc là quá lãnh đạm và tàn khốc.
Than ôi! Chỗ quàn xác, nơi cô nhi quả phụ đau lòng, nơi thượng đế cũng đau lòng!
Tiết mục thứ Ba: QUÁN ĂN
Quán ăn Trung Quốc là một nơi đầy nghi lễ. Có thể nói tinh hoa của những nghi lễ ăn uống này tập trung toàn bộ trong hai cuộc chiến bắt buộc. Cuộc chiến thứ nhất là "Cuộc chiến tránh chỗ ngồi”.
Tại một bàn tiệc thông thường vẫn có một chủ tọa - một loại khách danh dự - thường là một người có chức vị hoặc giàu sang. Nhưng cái ghế chủ tịch này dường như là nơi có rắn độc ẩn núp, nên người được chọn nhất định tránh không chịu ngồi. Thấy người khách danh dự như vậy, tức thì những người khách khác cùng với chủ nhân hè nhau lại lôi kéo, reo hò, quát tháo. Có khi người này mặc dù sùi cả bọt mép ra vẫn khăng khăng không chịu.
Có kẻ thì nhanh mắt, nhanh tay, áp dụng kiểu “Tiên hạ thủ vi cường”, nghĩa là cứ đặt đít ngồi ngay xuống bất cứ chỗ nào đó, rồi tuyên bố: “Đây là chỗ chủ tịch rồi!” Thế là mấy người kia không còn cách nào khác đành chịu thua ấm ức ngồi xuống. Lúc chủ tọa đã yên vị, lại đến chỗ ngồi ở ghế thứ nhì, thứ ba, thứ tư,... cứ mỗi lần như thế lại hò hét náo động cả đến mười hoặc hai, ba mươi phút trước khi bụi bặm lắng xuống.
Không cần kể các chuyện rườm rà như người chúc rượu, kẻ tiếp thức ăn, một trường hỗn chiến trong bàn tiệc có thể làm cho thực khách đều mệt chết đi được, mà hãy nói đến hồi tan tiệc - mọi người ra về - lúc này cái trận chiến thứ hai mới bộc phát. Đó là "Cuộc chiến tránh cửa”.
Mọi người giờ đây giống một đàn chim cánh cụt chen chúc nhau trước cửa, chẳng khác nào ở ngoài đường là cạm bẫy nguy hiểm khôn lường, chỉ cần bước thêm một bước sẽ rơi vào mồm lang sói. Thế là chẳng ai chịu đi, ngay cả người ngồi ghế chủ tọa dù có bị đuổi ra khỏi hội cũng nhất định không ra trước. Thế là lại cãi nhau ỏm tỏi. Và cuối cùng mặc dù cố giẫy dụa người chủ tọa vẫn bị cả bọn tống cổ ra ngoài. Người này nếu già yếu, không đứng vững còn có thể bị bọn người xô đẩy ra kia đạp cả lên đầu.
Đấy chỉ là những thứ hai năm rõ mười trong số những thứ khác cũng táng đởm kinh hồn không kém của cái " văn minh” Trung Quốc.
Chẳng kể thị phi, chỉ nói đến chính đạo
Cái nét chính của Chủ nghĩa thế lợi là không phân biệt phải trái. Vì phải trái dưới con mắt thế lợi hoàn toàn tùy thuộc vào thế lực và tài sản.
Có người bạn kể tôi nghe một chuyện ở quê anh miền Chiết Giang. Bà con anh có một người trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật in tiền giả vùng địch chiếm để dùng vào việc mua vũ khí đạn dược cho quân du kích.
Chẳng may anh này bị địch bắt và đem xử bắn vào cái đêm trước khi thắng lợi một hôm. Khi tin anh bị giết loan về làng, những kẻ gọi là chính nhân quân tử không ai không lắc đầu than:
“Thằng bé đó thật là tốt, không hiểu sao không sống đàng hoàng. Nếu nó chịu đi con đường chính đạo thì đã không ra nông nỗi ấy!”
Đó là cách đánh giá trong thâm tâm của người Trung Quốc đối với một vị anh hùng chống giặc cứu nước. Mặc dù trong lòng đầy thương xót, nhưng họ lại bảo: "không sống đàng hoàng”, “không chịu đi con đường chính đạo”, tức là hoàn toàn không những không hề có một ý gì kính trọng cả, mà còn là một sự thờ ơ, tàn nhẫn nữa.
Trong cái “Hũ tương” văn hóa Trung Quốc, chỉ có phú quý, công danh, tài lộc mới được gọi là "con đường ngay thẳng”. Còn những hành động không mang đến công danh phú quý thì toàn là những thứ "không đàng hoàng” và không phải là "chính đạo”.
Thật chẳng còn một tý nào nhân tính, chẳng còn tiêu chuẩn phải trái gì nữa. Tất cả hoàn toàn đảo lộn. Sự khác biệt giữa con người và súc vật hầu như cũng không còn.
Cái duy nhất còn lại - ghê gớm nhất - là con mắt thế lợi mà thôi.
Phố Tàu - một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc
Đa số người Trung Quốc đều cố gắng “không mất gốc”, nghĩa là tích cực chia rẽ, xâu xé nhau. Bất kỳ ở góc biển chân trời nào hễ có người Trung Quốc là có cắn xé lẫn nhau.
Nghe nói tại nước Mỹ có một cơ quan chuyên nghiên cứu những đặc tính này để tìm hiểu tại sao người Trung Quốc đối với người da trắng lại rất tử tế mà đối với đồng bào mình lúc nào cũng chỉ như chực muốn giết lẫn nhau.
Từ khi những bang hội ma-phia trẻ Trung Quốc nổi lên hoành hành trong các quán cơm Tàu, nhiều quán đã phải chi những món tiền lớn để mời một người da trắng đến gác két tiền, như kiểu một loại bùa trừ tà. Chẳng bao lâu sau những băng đảng này không thấy xuất hiện nữa. Đó là nói về giới vô học.
Còn giới trí thức - đặc biệt là số người Trung Quốc có học vị tại các trường đại học Mỹ - giống như gừng càng già càng cay- tự nhiên họ phải biểu hiện cái đặc tính này một cách tài ba hơn. Cùng dạy tại một trường đại học, lại cùng là người Trung Quốc đáng lẽ họ phải tương thân tương trợ, hòa thuận với nhau. Nhưng khi chứng kiến tận mắt tôi mới thấy được là không phải như vậy.
“Những chuyên gia về học" kiêm “Học về chuyên gia” đó nếu thuyết trình hoặc giảng dạy về vấn đề đoàn kết thì có thể hay ho đến thượng đế cũng có thể khóc được. Nhưng trên thực tế chẳng lúc nào họ muốn đội trời chung với nhau. Ví dụ: giáo sư A mời tôi đi quán nhưng quyết không mời giáo sư B tham gia. Ông giáo sư C nghe nói tôi ngủ nhà ông giáo sư D, tức khắc thanh minh không muốn kết bạn với cái loại người trục lợi như tôi. Tôi rời nhà ông E, định nhờ ông ấy chở giúp đến nhà ông F, thì ông E nói: "Anh bảo thế nào? Gặp thằng đó à? Thôi , anh đi bộ cho nó khỏe nhé!”.
Các phố Tầu trên thế giới đã thành những động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc, thành nơi chứa chấp vô số người ở chui không giấy tờ. Ở đó, trẻ con hoặc các bà già nhiều khi không có cách nào ngoài cách làm việc trong các xưởng quần áo lậu với đồng lương không đủ húp cháo cầm hơi, chẳng khác gì những nô lệ da đen thuở nào. Họ chôn vùi cuộc đời trong những xưởng đó mà chẳng ai nghe được tiếng kêu than. Dù có cơ hội để kêu khóc nhiều khi họ cũng không dám. Những xưởng may lậu này thường chỉ nhắm bóc lột người Trung Quốc chứ không hề dám đụng đến người da trắng.
Những người Trung Quốc trong giới học đường và guồng máy chính phủ cũng không là một ngoại lệ. Nếu sếp của anh là người Trung Quốc thì anh hãy coi chừng. Không những anh có thể quên cái việc thăng tiến đi, mà nếu có chuyện thải người thì anh sẽ là kẻ đầu tiên phải cuốn gói. Bởi vì sếp anh phải chứng minh cho người da trắng cấp trên thấy anh ta không thiên vị, rất chí công vô tư. Nhưng sự thực cái óc “Tư" của anh ta nếu đem nhét vào con thoi không gian cũng không đủ chỗ chứa. Để làm vừa lòng ông chủ da trắng, anh ta không ngần ngại mổ thịt một đồng bào, bước lên cái thi thể đó như một bàn đạp mà tiến thân.
Người Trung Quốc vì đầu óc hãi sợ truyền kiếp nên sẽ vĩnh viễn bị lừa bịp, bắt nạt. Giống chuyện một phụ nữ Trung Quốc ở Mỹ kể cho tôi nghe hai năm rõ mười những đau khổ của bà trong vụ bị người ta lừa tiền một vố nặng. Thế mà lúc tôi đề nghị đem chuyện đó viết lên báo, thì bà thất sắc, vừa khóc vừa bảo: " Ông ơi! Ông ở tận bên Đài Bắc, đối với bọn chó săn đó thì không có gì phải lo. Nhưng em tôi đang ở Xan Phrăng-xítx-cô. Ông hại nó mất. Ông đúng là cái thằng chuyên gây ra tai họa thôi!” Nói xong bà chùi nước mắt nước mũi lên người tôi và bắt tôi thề nếu viết gì về bà thì sẽ chết đuối ngay trong cái cốc nước trà.
Than ôi! Trong thế giới này chỉ có cái thiên tính nhu nhược của người Trung Quốc mới không dám căn cứ trên lý lẽ để đấu tranh. Nếu có một vài người dám làm vậy thì những con giòi trong hũ tương cho rằng đấy là những phần tử cực đoan không an phận.
Mọi người đều sống theo cái kiểu: “Thôi! Bỏ qua! Bỏ qua đi! Cái gì đã qua thì cứ để nó qua, quá khứ thì hãy để cho nó là quá khứ!” Rồi chờ đến lúc Ngọc Hoàng thượng đế đột nhiên mở mắt phán: “Người ác sẽ gặp quỷ ác!” Và như vậy khác nào đặt ngang hàng những anh hùng chống bạo lực với loại "côn đồ”, còn người lương thiện lại đồng nghĩa với hèn nhát và dễ bị bắt nạt, thiếu can đảm và phẩm cách.
Tại sao những băng đảng trẻ người Hoa không dám động đến cái người da trắng gác két ở các tiệm cơm Tầu? Bởi vì họ quá biết rằng ăn hiếp một người Trung Quốc thì cũng dễ như đối với một con kiến. Y sợ sệt nhút nhát đến chết được, đối với bất kỳ việc hung bạo gì cũng đều quen thói cúi đầu nhẫn nhục, miệng câm như hến. Nhưng nếu ăn hiếp một tay da trắng, luật sư xuất đầu lộ diện, thì không biết sự thể sẽ ra sao?
Trước khi tôi đi Mỹ, một người bạn đến chia tay bảo: "Khi nào anh trở lại Đài Loan tôi hy vọng rằng anh sẽ không bảo người Trung Quốc ở đâu cũng là người Trung Quốc nữa!” Nhưng giờ đây dù có dằn lòng ép dạ thế nào đi nữa tôi vẫn phải bảo: “Người Trung Quốc ở đâu cũng vẫn là người Trung Quốc”. Chao ôi! Cái căn bệnh thâm căn cố đế làm cho tương lai của người Trung Quốc thật mù mịt!
Tại nước Mỹ - một xã hội đen trắng lẫn lộn - người Trung Quốc phải đơn độc chiến đấu vì thiếu sức mạnh tập đoàn, dẫu có thể đạt đến một trình độ nào đó nhưng rồi cũng rất bị giới hạn. Không những họ vĩnh viễn không thể nào so sánh được với người Do Thái, chỉ cần so sánh với người Nhật, người Đại Hàn là cũng thấy bị thua tới cả trăm nghìn năm ánh sáng rồi. Số người Nhật di cư sang Mỹ so với Hoa kiều chỉ bằng một nửa, thế mà họ bầu lên được hai Đại biểu Quốc hội. Tôi có thể nói trước rằng: cả trăm năm nữa đám di dân Trung Quốc vẫn không thể bầu nổi một đại diện của mình.
Người tù trưởng da đỏ “Thượng úy Giắc" có nói một điều rất đau thương như sau: “Những người da trắng các anh có tiêu diệt chúng tôi đâu. Kẻ tiêu diệt chúng tôi là chính chúng tôi đó!” Không phải người da trắng bài xích người Trung Quốc tại Mỹ; tự thân người Trung Quốc đã làm như vậy, khiến cho chính người Trung Quốc mới bị lâm vào cảnh khốn khó.
Nói chuyện về “Người Trung Quốc xấu xí "
Trần Văn Hòa viết cho Bá Dương:
Cái bài báo “Người Trung Quốc xấu xí" của ông trong” Tự lập vãn báo" làm tôi không cầm lòng được. Nếu không thổ lộ với ông thì tôi không thể nào chịu nổi.
Tôi nghĩ những ý kiến dưới đây của tôi có thể giúp ông tham khảo thêm chăng?
Về việc ông nói rằng: “phải biết thưởng thức và phải có năng lực thưởng thức”, tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng trước khi nói đến người thưởng thức, và năng lực thưởng thức, tôi nhận thấy người Trung Quốc rất bủn xỉn trong vấn đề ca ngợi người khác. Chỉ có bản thân mình là đáng khen, còn những người khác đối với họ đều là cứt chó hết. Trong tiếng Trung Quốc các thành ngữ kiểu: “Trí thức hay khinh nhau" (Văn nhân tương khinh), “Cùng nghề hay ghen nhau" (Đồng hành tương kỵ), “Cùng tính thì hay khích bác nhau" (Đồng tính tương xích),v.v...nhiều không kể xiết. Cho nên nếu mọi người đều dám ca ngợi, mà ca ngợi một cách công khai, thì tự nhiên sẽ có sự thưởng thức và đánh giá.
Ngạn ngữ phương Tây bảo: "Cái kẻ địch mà lòng dạ hẹp hòi là loại kẻ địch đáng sợ nhất”. Đặc biệt người Trung Quốc thường không chịu được người khác khá. Người khác mà khá, y sẽ bảo làm gì có chuyện đó. Người ta có thật sự tốt đi nữa thể nào y cũng phải đi bảo với tất cả mọi người rằng không phải vậy.
Vì sao người Trung Quốc không thích ca tụng, thưởng thức? Tôi nghĩ điều này cũng có liên quan đến việc ông bảo: “Người Trung Quốc không thích nói sự thật "
Ngoài chuyện này ra, người Trung Quốc còn không dám tức giận trước mặt người lạ. Vì không dám công khai tức giận nên cũng không dám công khai ca tụng, không dám yêu mà cũng không dám ghét. Tôi cho rằng người Trung Quốc còn có thêm đặc tính là ít khi biểu lộ sự biết ơn chân thành. Nếu một người Trung Quốc thành công, anh ta sẽ nghĩ đấy là kết quả của sự cần cù nỗ lực của riêng mình chứ chẳng liên quan gì với xã hội, nhân quần. Chẳng phải ơn huệ gì đối với cái cơ hội đã giúp anh ta thành công cả. Việc này giải thích thái độ vô trách nhiệm đối với xã hội của người Trung Quốc.
Ngoài ra, sự thành công của người Trung Quốc chỉ mang lại huy hoàng cho một gia đình, một họ tộc. Những người bên ngoài không thể chia sẻ được cái vinh dự đó. Cái thành công của anh là việc riêng của anh. Cái thành công của tôi là việc riêng của tôi, chẳng có gì liên can đến người ngoài, người khác cả.
Không chịu khen ngợi, không dám tức giận, thích những lời giả dối, bịa đặt, những thứ này có thể đều do kết quả của tính “Nội quan” quá trớn trong văn hóa Trung Quốc. Người Trung Quốc dưới sự hun đúc của văn hóa Trung Quốc mang một tâm địa cực kỳ mù mờ, tăm tối. Cái tâm địa này làm cho người ta không dám yêu, ghét, không dám biết ơn và hy sinh.
Không ai muốn hy sinh, vì hy sinh tức tạo nên sự thành công cho kẻ khác. Nghĩa là "chỉ có lợi riêng cho một người nào đó mà không thể có lợi cho mọi người”. Vì vậy không những chẳng ai muốn hy sinh, mà còn tệ hơn nữa là tự bản thân mình không muốn hy sinh, nhưng lại muốn người khác hy sinh cho mình.
Tôi gọi đó là cái "mặc cảm liệt sỹ”.
Bao khổ nạn của người Trung Quốc đều từ cái vòng luẩn quẩn đó mà ra.
Gửi Ông Trần Văn Hòa:
Sự phân tích của ông làm tôi rất cảm phục. Đúng là nghe được một tiếng khen từ mồm người Trung Quốc khen một người Trung Quốc khác cũng khó như đi lên trời.
Dĩ nhiên không phải hoàn toàn không có sự khen ngợi người khác nơi người Trung Quốc. Nhưng những sự ngợi khen đó thường mang tính chính trị - không phải là lời nói thốt từ đáy lòng. Nó là cái thứ “Tình hư, ý giả”. Mà thực ra không ai biết nó muốn nói gì, chẳng khác nào đối với một con ngựa lại khen cái sừng nó đẹp.
Đa số người Trung Quốc đều sống một cuộc đời đầy tình cảm tự ty đến độ bệnh hoạn, không làm sao có khả năng thấy được ưu điểm của người khác, càng không thể đánh giá được sự khác biệt giữa mình và người.
Nếu một người Trung Quốc vô tình tán dương một người khác, tức thì phát sinh ngay những tình huống sau đây:
1- Nếu người được tán dương có tý địa vị, thì sẽ nghe người ta nói: "Sao? Lại đi bợ đít nó à?”
2- Nếu người đó địa vị thấp kém, thì: " Sao? Lại mua bán nhân tâm à?”
3- Người đó là họ hàng hay bè bạn của anh, sẽ có câu: "Dĩ nhiên! Quan hệ của các anh là đặc biệt rồi! Đương nhiên anh phải bốc thơm anh ta chứ!”
4- Người đó hoàn toàn xa lạ, tức khắc: "Anh có biết đếch gì về người ta đâu! Nếu biết rõ chắc anh cũng chẳng dám nói mò như thế!”.
Dù thế nào đi nữa, tán dương người khác là một sự không thể chấp nhận được. Cái mà có thể chấp nhận được là chửi bới sau lưng.
Người Trung Quốc hễ cứ tụ tập lại một nơi, nếu không ngồi lê đôi mách về chuyện người khác thì không thể nào là con cháu của "ông vua vàng”, của " rồng thiêng” được. Có câu: “Đại Hán thiên thanh”. Thiên thanh là gì? Đó là tiếng nói của người Trung Quốc khi tụ tập lại với nhau để công kích, bới móc đến không còn một cái gì về đời tư của kẻ khác. Kỳ thực chuyện này không nhất thiết lúc nào cũng hàm chứa ác ý nhưng là một thứ phản ứng tự nhiên của sự phát bệnh do vi-rút Tầu.
Chắc anh phải biết ông Chó chứ? Ông Chó mỗi lần gặp mặt một đồng loại tức thì ngửi ngửi đít lẫn nhau. Hễ mùi xông lên tới não thì cả hai đều rất lấy làm thỏa mãn lắm. Cái động lực đẩy người Trung Quốc tụ họp lại với nhau là cái nhu cầu phê bình kẻ khác. Một khi có người vỗ tay bảo anh phê bình đúng, tức là đã ngửi được đít anh và lấy làm thỏa mãn về cái mùi của anh rồi, tức là hai người đã cảm thấy đồng điệu với nhau đấy.
Nhà văn Lỗ Tấn cổ động chúng ta phải dám thương, dám ghét. Yêu và ghét là hai khả năng mà vì lo sợ một cách bệnh hoạn thành ra người Trung Quốc đều đã đánh mất cả. Yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Thế là yêu và ghét quện với nhau thành một thứ lực lượng gian ác.
Chính sức mạnh này đã nổ bùng lên trong cái tai họa lớn 10 năm tại lục địa qua cái gọi là Cách Mạng Văn Hóa. Tất cả những dã man, hung bạo, xảo trá, đố kỵ, tàn nhẫn tiềm tàng trong nội tâm sâu thẳm, thâm nhập vào xương cốt người Trung Quốc đều đã được biểu hiện qua nó, làm cho nhân cách người Trung Quốc càng thấp hèn.
Đừng nói đến hướng thượng, đi lên. Chỉ để khôi phục cái mức độ của những năm 30 sợ rằng phải mất đến năm mươi năm nữa. Bởi vì xây dựng bất cứ một cái gì thường phải mất gấp năm lần thời gian dùng để phá hoại nó.
Cứu vớt cả một dân tộc, cái trọng trách này chúng ta không thể để trong tay một vài quan chức cầm quyền, mà mỗi người Trung Quốc chúng ta phải chia ra mà tự đảm đương.
Một quốc dân hạng ba không thể nào sinh ra được một chính phủ hạng nhất, cũng như một chính phủ hạng ba không thể nào có được một quốc dân hạng nhất cả.
Chúng ta, anh bạn trẻ và tôi - một người đã già nua; chúng ta phải bắt đầu việc ấy. Chúng ta không thể nào chỉ trong chốc lát mà thay xương đổi thịt. Nhưng nếu thay đổi được - dù chỉ một tế bào - thì chúng ta cũng phải làm ngay.
Anh có nghĩ rằng việc đấy là một việc nằm trong tầm tay chúng ta không?
Kiêu ngạo hão
Có một số người như bị mắc cái bệnh làm cao, hễ cứ nói đến nước Mỹ thì lại lên mặt sổ toẹt: "Văn hóa của nước Mỹ nông choẹt!” (Có người lại cho là loại văn hóa "chẳng có nền tảng gì!”; người thì cho là "không có chiều sâu!”; đại khái là một thứ lăng nhăng không ra gì).
Văn hóa nước Mỹ có thật nông cạn không? Đó lại là một vấn đề khác. Nhưng cứ giả sử cho là nó nông cạn đi thì chúng ta lại càng phải thấy xấu hổ, thay vì lên mặt. Chẳng khác nào chuyện một anh chàng dòng dõi thư hương bị phá sản, áo quần rách rưới, ngồi xổm trong một ngôi miếu đổ, sống nhờ vào cơm thừa canh cặn mà còn gào lên: "Ông nội tao làm đến tể tướng! Còn bố nó bất quá chỉ là một tên đào cống mà thôi!”.
Không những không biết tự lấy làm hổ thẹn vì sao mình lại bần cùng đến thế, lại còn dương dương đắc ý về chuyện đối phương xuất thân bần tiện.
Cái câu này đáng lẽ phải để cho người khác nói về chúng ta mới đúng. Nhưng nếu có người nói như vậy chắc chắn sẽ không khỏi xảy ra một vụ đấu khẩu kịch liệt. Khi tuyên bố không khống như thế thì rõ ràng cái kiêu ngạo kia đã che lấp hết sự sáng suốt của mình rồi.
Kiêu ngạo hão chỉ là một thứ tự mãn làm cho hoa mắt - Tự mình say sưa, tự mình ý dâm, trùm chăn lên đầu rồi nghĩ ngợi bậy bạ.
Ông Khổng Khâu thuở xưa đã phí công tìm ra bao nhiêu thứ “Tích cổ" cho người sau lấy đó làm gương sửa mình. Ngày nay đồng bào Trung Quốc không phải tốn một tý công sức nào mà vẫn có một nước Mỹ trước mắt để có thể nhìn vào, sờ vào, tìm tòi nghiên cứu, thể nghiệm. Không hiểu vì sao người Trung Quốc vẫn còn đem cái lòng kiêu ngạo hão của mình để chối bỏ cái kiểu mẫu sống đó, viện cớ rằng nó là một thứ ngoại lai từ nghìn dặm?
Chúng ta cũng không thể ca ngợi nước Mỹ là một đóa hoa được. Nếu thật tình nó đẹp như một đóa hoa thì người Mỹ đã không phải dùng đến những nhà lao. Nhưng có một điểm nhất định có thể giúp cho chúng ta học tập, đó là lối sống của người Mỹ, một thứ vũ khí rất lợi hại để người Mỹ chống những phê bình của các lưu học sinh đến từ bất cứ nước nào (kể cả những người từ cái hố lưu huỳnh chui lên ).
Chỉ cần hỏi một câu: "Anh thấy nước Mỹ là không được, không hay. Vậy theo anh cái phương thức sinh hoạt của người Mỹ thì thế nào?” Nhìn một cách tổng quan ai cũng phải công nhận nước Mỹ là một xã hội tự do dân chủ, có một nền công lý rất vững mạnh và rộng rãi.
Cái tệ hại nhất của lòng kiêu hão là tự mình xây lên cho mình một bức tường. Tự mình cô lập mình vào trong một cái thùng chứa nước, uống nước vào phình cả bụng lên, chẳng khác nào cái bụng phệ của Bá Dương tôi đây, phình lên đến nỗi không còn cách nhét thêm một thứ gì nữa, cùng lắm chỉ thêm được vài khẩu súng Tây, mấy khẩu cà-nông và dăm chiếc tàu bọc thép. Còn những thứ văn hóa ghê gớm, cơ bản hơn kia - giáo dục, nghệ thuật, lễ nghĩa, đạo lý cá nhân, tinh thần xử thế - không những không thể nhét thêm vào mà chỉ cần nhìn đến một cái cũøng đã thấy nổi da gà lên rồi.
Thật ra để tự cứu lấy mình, chúng ta không nhất thiết cần phải noi gương nước Mỹ, nước Đức, nước Nhật. Nhưng cũng không nên quên rằng sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ II nước Đức và nước Nhật đã phục hưng nhanh chóng đến độ đáng sợ. Người Trung Quốc khi tìm hiểu về vấn đề chỉ thấy nguyên nhân của nó nào là ở Kế hoạch Marshall Lần thứ IV, nào là Chiến tranh Hàn Quốc, nào là cơ sở công nghiệp vốn vững mạnh của hai nước này. Nghe ra dường như tất cảù chỉ là vấn đề vận may mà thôi.
Than ôi! Mọi người đều quên một điều là sau khi bại trận, hai nước này đã trở thành một thứ quốc gia hạng ba, nhưng dân của hai nước này vẫn là loại dân hạng nhất với cả tiềm lực văn hóa thâm hậu. Chẳng khác nào một anh khổng lồ ba đầu sáu tay, đùng một cái bị đánh gục xuống đất, một lúc sau từ từ hồi tỉnh đứng dậy phủi quần bước đi, vẫn đường đường là một hảo hán.
Còn cái anh Trung Quốc bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba kia, nhất thời đứng trên vũ đài thế giới dương dương tự đắc, nhưng rồi một cơn gió lạnh thổi đến lập tức hắt hơi ba bốn cái thật to, mũi dãi ròng ròng. Có người bảo uống átx-pi-rin đi, thì lại bảo người đó có tư tưởng quá khích, làm lung lay đất nước. Kết quả giống một củ hành trồng ngược, hai người đỡ cũng không nâng lên được.
Hễ cứ có ai nói nên bắt chước người khác là có một chút gì đó không thể nhịn nhục được - đại trượng phu tất phải đạp đất chống trời, oanh oanh liệt liệt, làm cho những đứa nhãi ranh phải khâm phục, ghen tị chứ ai lại đi bắt chước! Vấn đề là cái mẽ ngoài này ở đời Đường, đời Hán thì đích thực là có. Song thời thế đã đổi thay rồi!
Cái ông phương Tây kia đã nổi lên quá mạnh, đánh không nổi, chửi cũng không thắng, thôi thì những chuyện cũ kia cũng chỉ như mây khói. Hiện tại phương pháp duy nhất có thể làm là học hỏi họ. Mà cũng không còn con đường nào khác.
Nếu như cứ một mực kiêu ngạo hão, giống một bà lão già lúc nào cũng giơ cái chân bị bó vừa kinh vừa thối của mình lên khoe nào là bó đẹp, bó khéo, thì không tránh được sẽ đi vào cái ngõ của sự diệt vong. Kiêu ngạo hão làm chúng ta có cảm tưởng hão huyền là người Trung Quốc không thể nào bị diệt vong, vin vào cớ dân tộc Trung Quốc có thừa sức đồng hóa. Bằng chứng là chúng ta đã hai lần bị mất nước rồi, một lần về tay Mông Cổ và lần thứ hai về tay Mãn Châu. Nhưng kết quả chẳng qua chỉ như một con diều đảo cánh, kẻ xâm lược chả đã cúp đuôi bỏ chạy rồi ư? Đối với Mãn Châu còn tệ hại hơn, nghĩa là chẳng còn đường nào mà cúp đuôi chạy nữa!
Cái lý luận và bằng chứng này tuy làm chúng ta càng tự tin hơn, nhưng chúng hoàn toàn không thể bảo đảm rằng trong tương lai chúng ta sẽ không còn có thể bị mất nước nữa.
Có một điều cần chú ý là bất kể một quốc gia, dù lớn thế nào chăng nữa, lúc chưa bị diệt vong vẫn nghĩ mình sẽ không bao giờ bị diệt vong. Mà một dân tộc trước khi bị tuyệt chủng, dĩ nhiên cũng là một dân tộc chưa bao giờ bị tuyệt chủng. Song, nếu cuối cùng chẳng may bị diệt vong, ắt cuối cùng cũng bị tuyệt chủng.
Cái kiêu ngạo hão kia chỉ che lấp tầm nhìn, mê hoặc con tim, làm cho không thấy được những nguy cơ ở bên trong cũng như bên ngoài. Lúc nguy cơ đến thật thì chỉ có đám dân đen và con cháu sau này lại phải khóc mà thôi.
Khi đến Peloponnese (Pê-lo-pô-ne-dơ), người Hy-lạp còn ở trong tình trạng ăn lông ở lỗ, đít còn đóng khố, thì dân ở đảo Crê-tơ (Crète) đã có một nền văn minh xán lạn huy hoàng, không chỉ biết luyện thép mà còn có những thành tựu kỹ thuật cao độ khác. Nhưng sau đó, chỉ trong một khoảng thời gian 200 năm, người Crê-tơ đã bị người Hy-lạp chinh phục đến không còn dấu vết gì cả.
Năm nghìn năm trước ở Nam Mỹ đã có những cung điện của đế quốc In-ca, hiện tại vẫn còn tìm thấy di tích trong vùng núi hoang của Pê-ru. Chỉ cần căn cứ vào các kiến trúc tráng lệ đó chúng ta cũng đủ thấy trình độ văn hóa của họ cao như thế nào (Vào lúc người In-ca xây những lâu đài này thì người Trung Quốc chúng ta còn là một dân tộc dã man ăn lông ở lỗ). Nhưng bây giờ người In-ca ở đâu?
Bá Dương, người viết những điều này, không phải là kẻ chuyên môn đi làm mất tinh thần người khác. Nhưng chúng ta cần thấy rõ rằng cạnh tranh là một thứ rất vô tình. Ông trời kia không thể vì anh Trung Quốc có 5.000 năm văn hóa mà phái thiên binh xuống bảo hộ như Đường Tăng được.
Vì vậy nhân lúc còn đang sống trên thế gian này, chúng ta cần phải cấp tốc rèn luyện, làm sao nôn ra được tất cả những thứ dơ bẩn trong ruột, ăn vào được những thứ có chất dinh dưỡng tốt. Hiện tại chúng ta thương tiếc những quốc gia đã bị tiêu vong trong lịch sử, những dân tộc đã bị tuyệt chủng, nhưng đừng hy vọng trong tương lai hậu thế sẽ lại thương xót chúng ta như vậy.
Có thể tóm lại trong một câu như thế này chăng: “Đừng để cho người đời sau lại bị người đời sau nữa khóc”.
Noi gương Tây Phương nhưng không làm nô lệ
Trong “Truyện Phong thần”, một thứ Iliad (I-li-át) của Trung Quốc, thì thần tiên như mây, yêu quái như mưa, tuy rằng rốt cục đều quy về chuyện tà không thể thắng chính, nhưng trong quá trình hai bên đấu với nhau có những màn rất gay cấn, rất oanh liệt.
Trong số thần thánh của “Truyện Phong thần”, lợi hại nhất phải kể tới Ân Giao với cái Phiên Thiên Ấn - một loại bửu bối vô địch thiên hạ. Chỉ cần ông ta niệm thần chú rồi hô lên một tiếng tức thì cái vũ khí ấy bay vút lên không. Lúc nó hạ xuống, đừng nói đến xương thịt con người, ngay cả ngọn núi Hy-ma-la-ya kia cũng có thể bị bửa làm đôi.
Phải kể đến cái hay nữa của nó là chính ngay Quảng Thành Tử, sư phụ của Ân Giao, cũng không có cách nào chống cự được vũ khí này, nên khi thấy học trò mình trở mặt, trắng trợn vứt bửu bối ấy lên, thì cũng bay hồn bạt vía, vội vàng tháo chạy.
Bá Dương tôi đang lúc được yên thân, bỗng nhiên cũng bị cái vũ khí vô địch này giáng xuống, nhưng vì thời đại đã đổi thay, bây giờ vì hiện đại hóa nên Phiên Thiên Ấn không còn gọi là Phiên Thiên Ấn nữa mà đổi tên đổi họ, gọi là "Sùng dương, mị ngoại" (Tôn sùng Tây phương, nịnh nọt nước ngoài). Chỉ cần bị ông Ân Giao hiện đại giáng cho một câu "Sùng dương, mị ngoại” này thì so với cái "Phiên Thiên Ấn” 3.000 năm về trước còn nặng hơn cả nghìn cân.
Ở Los Angeles, lúc tôi đang nói chuyện trong buổi hội thảo, bỗng có thính giả chuyển đến một tờ giấy, trên ấy viết thế này: "Lão già kia! Không ngờ nhà ngươi lại thờ Tây, nịnh ngoại như vậy, cứ nhất thiết cho rằng nước Mỹ là hoàn mỹ, nhưng thực ra nước Mỹ lại không phải hoàn mỹ như ngươi tưởng đâu!”.
Sau đó ít lâu, một tờ báo ở Los Angeles tên là “Nam Hoa thời báo" có đăng một bài của Đạc Dân tiên sinh với đoạn viết thế này:
"Phải kịch liệt phê bình cái quan niệm “Thờ Tây nịnh ngoại”. Ông Bá Dương cũng giống như bao nhiêu người Trung Quốc khác, lúc vừa mới đặt chân đến đất Mỹ, bị lầm lạc giữa những biểu tượng xã hội tốt đẹp của nó, bỗng thấy xấu hổ vì cái nhơ bẩn của mình đâm ra có mặc cảm tự ti. Ví thử ông Bá Dương cứ ở đây thêm vài ba năm nữa, tôi tin rằng cái quan niệm của ông ấy về Mỹ tất chẳng còn giống như bây giờ”.
Cái vũ khí ghê gớm “Thờ Tây, nịnh ngoại” này đại khái đã được hình thành trong những năm 40 của thế kỷ thứ XIX sau Chiến Tranh Nha Phiến (1840) để hại người đời. Muốn hiểu rõ nội dung của nó ta có thể đọc những lời mạt sát sau đây của một ông bạn già người Trung Quốc: “Những kẻ "Sùng dương, mị ngoại” như các người [một cách nói rất khách sáo đấy, còn không sẽ thẳng thừng gọi là Hán gian, bồi Tây (dương nô), đồ bán nước (mãi quốc tặc) - BD]. Trăm câu nghìn chữ nói gì đi nữa chẳng qua cũng chỉ để ca ngợi rằng nước Mỹ là tốt đẹp. Nếu nói các nhà khoa học Mỹ giỏi, cái đó có thể cho là đúng, còn lại đi bảo là văn hóa Mỹ hay hơn văn hóa Trung Quốc thì không ai ngửi được. Ai dám nói rằng chúng ta lại phải đi học làm người theo kiểu Mỹ?”
Cái cách nói này không phải chỉ riêng của ông bạn già đó mà còn là giọng điệu của quá nhiều người Trung Quốc khác, quá nhiều đến độ nó làm cho huyết áp của tôi tăng lên ghê gớm!
Sự kiện này đưa ra ánh sáng một vấn đề rất quan trọng: Có một số người hay đem hai sự kiện hoàn toàn khác nhau, hai hành vi không liên hệ nhân quả gì với nhau mà dán dính vào nhau; không dùng đầu não nhưng dùng nước bọt để dán, đúng là những kỹ thuật viên cao cấp!
“Thờ Tây" và “Nịnh ngoại" là hai thứ cách nhau cả mười vạn tám nghìn dặm, chẳng có gì dính dáng với nhau, nhưng nếu một khi đem dán dính vào với nhau, chúng có thể dùng làm công cụ để “Đánh vỡ đầu" và có thể “Tặng thêm" cho vô số những tai họa khác.
Thật ra kẻ bị tổn thương nhất trong chuyện này không phải là những kẻ bị chửi là “Thờ tây, nịnh ngoại”, mà chính là những kẻ vì sợ bị gọi là nịnh ngoại nên không dám “Thờ Tây”, nghĩa là không dám nhận rằng mình tán thưởng những điều hay của Tây phương. Tôi không bảo không có những người đích thực là "Sùng dương, mị ngoại”. Cái loại động vật này nhiều không biết bao nhiêu rổ đựng cho hết. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng còn có rất nhiều bạn bè khác tuy là “Thờ Tây” nhưng không “Nịnh ngoại” tý nào.
Tại hội trường ở Los Angeles hôm đó, trong chốc lát, vì quá căng thẳng mà tôi quên mất cái thân phận làm khách của mình đi, mới bộc lộ chân tướng bằng những câu hỏi sau đây đối với thân hào nhân sĩ trong buổi họp:
Các vị hôm nay đến đây bằng gì? Bằng xe ô-tô hay xe cút-kít? Nếu dùng xe ô-tô tức là thờ Tây rồi đó. Tại sao trên đầu các vị không tết đuôi sam, hoặc vấn tóc lên đỉnh đầu mà lại rẽ ngôi bên phải, bên trái? Rẽ ngôi như thế chẳng phải là thờ Tây à? Tại sao các bà không bó chân đi rón ra rón rén mà lại đi giầy cao gót? Không bó chân mà đi giầy cao gót là thờ Tây rồi. Tại sao đàn ông không mặc áo thụng, áo cánh, áo lương tay rộng mà lại mặc âu phục? Mặc âu phục tức là thờ Tây vậy. Sao, các vị không hút thuốc lào (điếu nước) mà lại hút thuốc lá thơm? Hút thuốc lá cũng là thờ Tây.
Sao các người không nấu cơm bằng than, củi, rơm và thổi lửa để nhóm bếp mà lại dùng lò điện, bếp ga? Lò điện, bếp ga cũng là thờ Tây. Sao các người không ngủ trên cái kháng (một loại giường xây bằng gạch hoặc đất, ở dưới có bếp lửa vừa để nấu ăn vừa sưởi ấm vào mùa đông ở miền Bắc Trung Quốc ) mà lại ngủ trên giường nệm, giường lò xo? Ngủ trên giường lò-xo, giường nệm không phải là thờ Tây hay sao? Tại sao khi các người gặp sếp của các người, các người không quì mọp, đập đầu xuống đất cho kêu lên binh binh, mà lại chỉ bắt tay nói “Hai!” [ Hi ]? Bắt tay rồi chào “Hai!” không phải thờ Tây là gì?
Tại sao các người không thắp đèn dầu để đọc sách thay vì dùng đèn điện? Dùng đèn điện cũng là thờ Tây đấy. Vì sao lúc gửi thư lại không nhờ bạn bè đi đưa hộ mà lại dán tem bỏ vào thùng thư? Dán tem và bỏ thư vào thùng không phải là thờ Tây à? Tại sao các người không đi xem chiếu bóng ảnh bằng da lừa, mà lại đi xem xi-nê? Xem xi-nê không phải thờ Tây là gì? Tại sao các người không gân cổ lên mà kêu gọi, la hét thay vì đi gọi điện thoại? Gọi điện tức là thờ Tây chứ còn gì nữa. Tuy nhiên tôi không tin rằng tất cả các ông, các bà lại đi nịnh ngoại.
Sau đó, lúc trở về Đài Loan, tôi càng cảm thấy nặng nề như đeo một quả cân, cảm thấy sự việc cần được làm sáng tỏ để cho lòng được thanh thản. Cuộc duyệt binh lớn ngày Quốc khánh Đài Loan (mồng 10 tháng 10) vừa qua, chắc vẫn còn trong ký ức các vị những hình ảnh nóng hổi, nào súng tây, pháo tây, trống tây, kèn tây, dao tây, kiếm tây, dàn nhạc tây. Những thứ ấy phải chăng đều là những sản phẩm thờ Tây, nhưng có phải chăng vì thế đều là nịnh Tây hết? Từ những thứ đi trên mặt đất cho đến những thứ bay trên không trung đều là những sản vật thờ Tây. Có thể nào nghi rằng vì có một sự cấu kết, nịnh bợ nước ngoài nào đó chăng?
Nhìn vào bên trong một gia đình, hiện tượng trên đúng là càng trầm trọng hơn. Tất cả những người viết văn viết báo, viết thư nặc danh để chửi tôi là kẻ làm hại đến tình cảm tốt giữa “Nhân dân” và “Nhà nước” thường vẫn dùng bút nguyên tử, bút máy, mà không dùng bút lông. Dùng bút nguyên tử, bút máy, rồi đánh máy, sao chụp, những người này nỗ lực thờ Tây thế có nịnh ngoại không?
Trong phòng khách, phòng làm việc, các công sở toàn thấy những ghế sô-pha, ghế bành mà không thấy dùng trường kỷ. Tuần trước tôi đến thăm một người bạn. Anh ta chỉ mặt tôi quát bảo: “Đồ thờ Tây, nịnh ngoại!”. Tôi bị quát thành thử mới điên lên, tìm được một cái búa đã định đập cho tan nát cái nhà xí bệt ở nhà anh ta. Vợ anh ta ra năn nỉ, tôi cũng cóc cần, tôi thề không đội trời chung với cái loại nhà xí bệt giật nước “Thờ Tây, nịnh ngoại” này.
Tôi mà đập xong cái nhà xí thì thế nào cũng sẽ đập tiếp đến cái vô tuyến, cái đài, cái tủ lạnh, bếp ga, điện thoại, đèn điện,.v.v...Cuối cùng, cô con gái của anh ta - nữ sinh tốt nghiệp đại học, bị trúng độc thờ tây rất nặng, chẳng còn biết kính lão, tôn hiền, cũng không biết gì là lễ nghĩa - bèn gọi cảnh sát đến để đuổi tôi ra khỏi nhà. Thế là chấm dứt cuộc xung đột đó. Nếu không, với cái búa của tôi, mà họ lại ở tầng 12, cả gia đình họ chưa chắc còn chỗ để đặt đít ngồi.
Sau đó suy nghĩ mãi, tôi cũng không thể nào hiểu được tại sao con gái anh ta lại có thể hành động như một kẻ nịnh ngoại kiểu đó được. Than ôi! không thể tưởng tượng nếu thượng đế nổi trận lôi đình, tịch thu tất cả những thứ mà người Trung Quốc tích lũy từ ngày thờ Tây đến giờ, không biết sẽ còn lại được gì?
Anh bạn tôi với cái Phiên Thiên Ấn chắc chắn sẽ nói: "Ai bảo chúng ta để làm người, để xử thế lại phải đi học Tây phương?”
Ái dà! Anh này đúng là dớ dẩn, thế mà còn phải hỏi! Về mặt làm người, xử thế đương nhiên lại càng phải thờ Tây, học những cái ưu điểm của họ chứ, nhưng như thế không có nghĩa là phải đi nịnh họ.
Về phương diện chính trị, chúng ta lại không phải đã thờ Tây đến ngập đầu rồi hay sao? Đầu tiên chúng ta đã vứt cái hệ thống vua quan từ 5.000 năm để nhất quyết học theo lối bỏ phiếu bầu cử của họ. Tiếp theo là đã cho cái truyền thống phong kiến một cái đá đít để học theo con đường chính trị dân chủ.
Về chế độ kinh tế, chúng ta cũng đã bỏ cái 5.000 năm trọng nông khinh thương, học theo người Tây phương trọng công nghiệp và buôn bán. Như vậy là đã vứt đi cái nhân sinh quan 5.000 năm xem việc làm quan là con đường tiến thủ duy nhất để học người Tây phương cái kết cấu xã hội nhiều tầng lớp rồi còn gì.
Về mặt văn hóa, tất cả những công cụ truyền bá đại chúng, kể cả báo chí, vô tuyến; tất cả các nghệ thuật, sáng tác, kể cả tiểu thuyết, thơ, kịch nói, hội họa, âm nhạc có cái nào mà không bắt chước Tây phương đến chóng cả mặt? Nhưng tất cả những thứ này có làm cho cả nước trên dưới đều thành những kẻ nịnh hay vọng ngoại không?
Cái Phiên Thiên Ấn “Sùng dương, mị ngoại” này đem dùng cho con người, chỉ là một sự sai lầm về ngữ nghĩa học, thật không thể nào hiểu và phân tích nó được.
Ông Đạc Dân bảo: “Nếu tôi ở lại Mỹ thêm vài ba năm nữa, cái lòng tin của tôi chắc chắn sẽ không còn như thế nữa”. Đó là một điều có thể có mà cũng có thể không.
Nếu chúng ta mong mỏi vũ khí của Trung Quốc được tinh vi hơn, tất nhiên cần phải học hỏi phương Tây. Nếu chúng ta mong mỏi việc quản lý công thương nghiệp được hiệu quả hơn, cũng phải học phương Tây. Nếu chúng ta muốn xã hội Trung Quốc được văn minh hơn, tất phải học cái cách nói “xin lỗi”, “cảm ơn” của người phương Tây. Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc xếp hàng, tôn trọng chỗ qua đường của bộ hành, đi qua cửa lò xo biết từ từ thả cửa ra thì chúng ta phải học tập người phương Tây.
Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc có thể mở rộng cái tấm lòng nhỏ hẹp ra, chúng ta phải học tập của người phương Tây sự vui vẻ phóng khoáng, tấm lòng thích giúp người. Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc thân thể cường tráng tất phải học tập người Tây phương dùng thì giờ để vận động chứ không phải để xâu xé lẫn nhau.
Tất cả những thứ này có gì là nịnh ngoại đâu? Đứng trước người Tây phương, lễ độ, lịch sự, có thật là chúng ta không cảm thấy thẹn vì mình thấp hèn không? Thế mà chúng ta chỉ biết phản ứng bằng cách cho đến đít vẫn “không quên cái gốc của mình”, đến cùng vẫn cau mày, quắc mắt. Sách cổ có câu: "Biết xấu hổ tức là có can đảm”, thế mà cho đến chết cũng không nhận cái sai của mình, chỉ biết kích động giận dữ và cho rằng như vậy là viên mãn, đạt đạo rồi. Thật ra biết xấu hổ, không chỉ cần có can đảm mà thôi, còn cần có cả trí tuệ nữa .
Ông Đạc Dân cho là “Tự thẹn vì mình thấp hèn” sẽ dẫn đến chỗ “Tự hạ mình”, nhưng thật ra hai ý niệm này hoàn toàn không có liên hệ nhân quả. “Tự cảm thấy mình chưa được" cố nhiên có khả năng đưa đến chỗ “Tự xem mình không ra gì”, nhưng cũng có thể đưa đến chỗ tự biết mình và vì vậy có thể tự sửa mình cho khá hơn. Trường hợp Minh Trị Duy Tân của Nhật-bản cũng như thế thôi.
Trói buộc con người vào trong cái vòng của tâm tình kích động, cái đó thuộc về chiến thuật phong hỏa liên hồi của thời đại Phiên Thiên Ấn nhưng đồng thời cũng là một trong những đặc tính của người Trung Quốc.
Có vị giáo sư người Mỹ viết một quyển sách nhan đề “Nhật Bản là số một”, thế mà không có một người Mỹ nào tức giận bảo rằng ông ta là đồ phản quốc hoặc đi làm bồi cho nước ngoài.
Bá Dương tôi bất quá chỉ viết một vài thiên phóng sự dựa trên những ấn tượng hoàn toàn hời hợt mà cái Phiên Thiên Ấn kia đã bay xuống chực chụp vào đầu không biết bao nhiêu lần.
Than ôi! Dù anh có nhắm vào cổ tôi mà giáng xuống thì tôi vẫn cứ kêu lên rằng: “Tuyệt đối phải bắt chước phương Tây, nhưng không làm nô lệ cho họ”.
Xin độc giả lượng thứ!
Kỳ thị chủng tộc
Vốn là một thứ thâm thù huyết hận giữa các dân tộc, sự kỳ thị chủng tộc trên thế giới hiện nay đang trên đà được khắc phục bởi ý thức con người và sự phát triển của nhân quyền.
Nhưng đối với người Trung Quốc vốn thông minh tuyệt vời - vừa làm ra vẻ ta đây rất trịnh trọng, vừa tính toán rất chi ly, nhưng chung quy vẫn chỉ luẩn quẩn trong cái quan niệm khu vực đầy cảm tính của cái nước tương kia - thì cách tốt nhất không gì hơn là tự than khóc cho số phận hẩm hiu của mình. Người Trung Quốc cơ bản không có một tư cách gì để công kích và phê bình sự phân biệt chủng tộc của người Mỹ da trắng cả. Mà hiện nay nước Mỹ có lẽ là một trong những nước mà sự kỳ thị chủng tộc được xem là ít nhất trên thế giới.
Cứ nhìn thử chung quanh, nước lớn nước bé, nước mạnh nước yếu đếm không xuể, nhưng e rằng chỉ có nước Mỹ là nước còn tiếp tục chấp nhận người Trung Quốc nhiều nhất. Giả sử không có nước Mỹ thì không hiểu tất cả những người Trung Quốc ngày đêm mơ tưởng như điên cuồng đến việc rời bỏ nước để di dân không biết sẽ đi đâu?
Tôi nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ da trắng không kỳ thị chủng tộc, hoặc không kỳ thị gì đối với người Trung Quốc.
Tôi chỉ muốn nói cái đầu óc kỳ thị nơi người Trung Quốc, so với kỳ thị chủng tộc, còn ở mức độ thấp kém hơn, vì nó là đầu óc kỳ thị địa phương. Ở bất cứ một nước nào đã đạt đến một nền văn minh cao, cái đầu óc kỳ thị địa phương này tự nhiên biến mất để nhường chỗ cho lợi ích của những đảng phái chính trị.
Có bao giờ anh nghe nói người Mỹ của tiểu bang Virginia tẩy chay người của tiểu bang Arizona chưa? Hoặc người Nhật ở đảo Honshu (Bổn châu) tẩy chay người ở đảo Shikoku (Tứ Quốc) không? Thế mà cái kỳ thị chủng tộc của người Trung Quốc so với cái kỳ thị của người Mỹ còn kinh khủng hơn nhiều.
Nếu ta đem kết hợp lại với nhau những ý niệm rất hẹp hòi kiểu "Con cháu của Hoàng Đế và Thần Nông”, “Đại Hán oai trời”, “Không phải là tộc loại của chúng ta”, “Lòng dạ khác chúng ta” thì chỗ còn lại cho người các dân tộc khác sống sẽ chẳng còn gì!
Có một số người Trung Quốc ở Mỹ - địa vị xã hội cũng chẳng hơn gì những người Mỹ da đen nhưng lại xem những người này không đáng một đồng xu - hễ cứ nhắc người Mỹ da đen thì lại lắc đầu lia lịa như bị động kinh. Cái hành vi khinh thị ấy có thể làm cho người ta tức mà chết được. Không ai có thể tưởng tượng nếu 11 % của dân Trung Quốc là da đen hoặc da đỏ thì mấy ông da vàng kia sẽ sốt lên đến bao nhiêu độ?
Người không cùng một tỉnh đã không thể chấp nhận, bao dung lẫn nhau rồi! Đối với người không cùng một chủng tộc không biết sự thể sẽ như thế nào?
Kỳ thị chủng tộc là một thứ quan niệm ghẻ lở, nó dai dẳng và lây lan. Nhưng cái đáng làm ta ngạc nhiên, kinh dị là phương pháp nước Mỹ dùng xử lý cái loại ghẻ lở đó. Phương pháp của họ có thể không giống Trung Quốc, vì phương pháp Trung Quốc là: "Giấu bệnh vì sợ phải chữa" (Húy tật kỵ y) và "Cái xấu trong nhà không thể để lộ ra ngoài" (Gia xú bất khả ngoại dương). Sự thực đó là nguyên tắc chứ không phải phương pháp.
Phương pháp "chân chính" là một đằng bị chảy máu ở hậu môn lại lấy tay che đít nói: "Không, tôi có bị bệnh trĩ hành hạ đâu? Ai bảo tôi có bệnh trĩ tức là có ý đồ hoặc có lòng dạ gì đó!” Có cái "ý đồ" gì đó là một vũ khí truyền thống toàn năng. Chỉ cần tung nó ra, niệm vài câu thần chú là đối phương phải vắt giò lên cổ mà chạy; đồng thời cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành lại.
Ồ! Xin lỗi! Tôi nhỡ mồm! Không phải cái búi trĩ kia bỗng nhiên lành mà tự nó đang ở tình trạng có bệnh bỗng nhiên biến thành tình trạng không có bệnh gì cả. Con giòi của hũ tương, cái con người dị dạng, chỉ biết che dấu bệnh của mình chứ không muốn chữa nó.
Nước Mỹ là một xã hội lành mạnh, cường tráng đến độ nó có thể tự điều chỉnh mình. Thay vì lấy tay che đít thì cái phản ứng của nó lại là nói toáng lên cho mọi người biết: “Tôi có bệnh trĩ đây! Mỗi ngày tôi bị chảy mất 8.000 ga-lông máu [gallon = khoảng hơn 4 lít]. Tôi muốn biết giá của một chiếc quan tài là bao nhiêu?” Tất cả mọi người đều biết thì mọi người đều ý thức rằng mình có liên quan. Sau đó tiêm thuốc, uống thuốc, mổ xẻ, biến ghế gỗ thành ghế xô-pha, biến cái lưng còng thành lưng thẳng để có thể đứng thẳng lên được.
Tất cả các phương tiện truyền thông hay văn học đều phải nói lên cái kỳ thị chủng tộc này, làm cho mọi người đều biết, làm cho mọi người đều sợ vì thấy mình có liên quan. Một xã hội lành mạnh phải dựa trên một tâm lý lành mạnh của người dân - người dân có trí tuệ biết tôn trọng sự thực, có dũng cảm thừa nhận những sai lầm, có năng lực tự sửa đổi.
Kỳ thị chủng tộc là một sai lầm. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Người Mỹ có được cái trí tuệ và dũng cảm tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thỏa đáng những lỗi lầm. Họ có khả năng lựa chọn những quyết định đúng đắn khiến cho sự kỳ thị chủng tộc dần dần bớt đi, và có thể một ngày nào đó không còn nữa.
Lấy hổ thẹn làm vinh dự
Dưới sự ủy thác của Cục Giáo dục tỉnh Đài Bắc, Trường Đại học Sư phạm Công lập Đài Loan đã làm một cuộc điều tra xem ý kiến mọi người như thế nào về việc trừng phạt thân thể. Kết luận báo cáo cho biết: 91% thầy giáo, 85% gia trưởng, 80% học sinh đều cho rằng nếu không đưa đến việc đả thương thì sự đánh đòn là một việc nên làm. Cuộc điều tra này cho thấy cả người đánh lẫn người bị đánh - như chuyện Châu Du và Hoàng Cái ở trận Xích Bích - hai bên cùng ưng thuận. Một bên ưng thuận đánh và một bên chấp nhận bị đánh.
Tại Đại hội thường niên của Hội Tâm lý học Trung Quốc và của Hội Tâm lý trắc nghiệm Trung Quốc vấn đề này cũng được đem ra thảo luận. Một số người dự Đại hội thuộc trường phái hiếu chiến đã dùng những lời lẽ khó hiểu để yêu cầu cải tạo các trường học thành những phòng tra khảo thời cổ đại. Ngay cả bản thân Chủ tịch chính phủ Đài Loan, ông Lâm Dương Cảng - mà vận mệnh cuộc đời lại hoàn toàn trái ngược với đời của Bá Dương tôi - đã tuyên bố với Quốc hội Đài Loan rằng lúc nhỏ sở dĩ ông đã học hành được vì bị thày giáo đánh cho đau đến nỗi phải kêu trời. Ông Lưu Gia Dục, giáo sư Viện Y học quốc lập Dương Minh còn đưa ra kiến nghị với Bộ Giáo dục là đối với học sinh có thể dùng những hình phạt thân thể “Thích đáng”.
Nhưng sự đóng góp hay ho nhất phải là của bà Dương Thục Huệ, phóng viên tờ “Tự lập Vãn báo” trên một mục đặc biệt nhan đề: "Yêu ư? Đánh ư?”. Bà đề nghị: quan trọng nhất là làm sao vận dụng cho thích đáng, chỉ cần sao cho trẻ con đừng bị lầm lạc, Cục Giáo dục không cần quy định một cách quá "cứng nhắc”. Trong bài báo của bà ta có một đoạn đáng để lại cho hậu thế như sau:
"Một ông giáo nọ ở một trường Trung học công nổi tiếng tại Đài Bắc có "cái roi để đánh học trò" và cái “Tài dạy học" cùng nổi tiếng như nhau. Ngay hôm đầu tiên bắt đầu dạy học, ông treo lên tường bao nhiêu là roi mây (chẳng khác nào một gian phòng dùng để tra khảo người thời xưa -BD). Sau đó giao hẹn với học trò: "Cứ mỗi một thành tích dưới tiêu chuẩn mấy điểm là đánh mấy roi”. Kết quả là tất cả học sinh của lớp ông này đều đạt thành tích rất tốt (và tỷ lệ lên lớp cũng rất cao). Cái tên của ông toàn trường ai cũng biết (Nếu ông ta treo trong lớp những thanh kiếm thì không chừng tiếng tăm của ông ta có thể bay đến cả Luân Đôn nữa - BD).
Tất cả học sinh đều xin được vào lớp của ông (Phải có một con số rõ ràng ở đây chứ không thể nói chung chung được - BD). Rất nhiều học trò sau khi đã tốt nghiệp rồi còn tiếc những lúc "xếp hàng để được đánh tay" (những cô cậu vừa qua những đợt thi tàn nhẫn để vào trường xong có lẽ còn có cái tình cảm này, chứ về sau tôi e rằng làm gì còn chuyện đó - BD). Như vậy để thấy rằng vấn đề không phải ở chỗ sự trừng phạt thân thể có cần thiết không (Đối với những thầy giáo muốn nổi tiếng e rằng việc này mười phần quan trọng - BD), nhưng ở chỗ ý nghĩa mà sự trừng phạt thể xác có thể đem lại được."
Cái đoạn văn này (của bà Dương Thục Huệ) là một trong những sản phẩm văn hóa đặc biệt của cái hũ tương.
Thật ra, cái loại sản phẩm này đã xuất hiện trên thị trường từ thời Tống vào năm 1068. Thời ấy, hoàng đế còn nhỏ lúc học nghe thầy giáo giảng bài thì ngồi, thầy giáo thì lại đứng bên cạnh như học trò.
Thừa tướng kiêm thầy giáo của gia đình là Vương An Thạch vì tôn sư trọng đạo mới đề nghị cho phép thầy giáo cũng được ngồi.
Tin tức của đề nghị này truyền ra, cái vại tương kia liền bắt đầu sủi bọt. Một trong những đại thần kiểu giòi bọ tương dầu là Lữ Hối bèn kêu toáng lên như bị dẫm lên đuôi, và đằng đằng sát khí kết tội:
"Vương An Thạch vọng tưởng ngồi cạnh vua khi giảng bài cho vua, muốn xóa bỏ cả cái tôn nghiêm của hoàng đế để đưa cái tôn nghiêm của thầy học hoàng gia lên. Quả là họ Vương không biết gì về sự hòa thuận trên-dưới, mà cũng không biết gì về sự phân biệt vua-tôi!”
Ôi thôi! Ngay từ thời cổ cũng đã có những ông giáo lấy làm vinh dự được đứng bên cạnh hoàng đế như thế. Chẳng trách thời nay, cũng có học sinh "xếp hàng để được khỏ tay" và lấy đó làm vinh dự.
Tôi lại nhớ đến năm 1910 - vào những ngày mới thành lập nước Trung Quốc Dân Quốc - có một lão già người Mãn Thanh bảo hoàng chạy đến trước huyện đường, tụt quần ra sai gia nhân đánh mình một trận bằng roi. Sau đó, dường như thấy người đã nhẹ nhõm, bèn bảo: "Sướng quá! Sướng quá! Đã lâu không được thưởng thức cái mùi vị này!” Kiểu biểu diễn này so với việc thích được quất vào tay còn tiến xa hơn một bậc.
Chuyện khó hiểu là: tại sao cái đầu óc nô lệ ở Trung Quốc vẫn không thể chấm dứt được? Mặc dù trong văn hóa Trung Quốc có một số truyền thống rất ư tàn khốc như bó chân đàn bà, thiến đàn ông, và nhục hình bây giờ đều đã bị bãi bỏ.
Bộ Giáo dục nghiêm cấm hình phạt thân thể, đó là một trong những quyết định rất đúng đắn. Không tưởng tượng được vào những năm 80 của thế kỷ XX này mà còn có người muốn đặt lại vấn đề. Vấn đề ở đây đáng lẽ phải là đối với điều hổ thẹn phải biết hổ thẹn, chỉ có những kẻ mà đầu óc nô lệ đã thâm căn cố đế mới có thể có được cái tài là lấy điều hổ thẹn làm vinh dự.
Mối nguy cơ đích thực của dân tộc Trung Quốc vẫn là có những quái thai như Lữ Hối, như những đứa học trò “Thích xếp hàng để được đánh tay”. Nếu những chuyện nhục nhã như thế lại trở thành vinh dự thì trên thế giới này chắc chẳng còn chuyện gì để lấy làm vinh dự nữa.
Những kẻ thích bị sỉ nhục thì hoặc bị mất cảm tính của con người, hoặc tỏ ra không biết; hoặc không quan tâm đến nó; hoặc để trốn tránh trách nhiệm hay có thâm ý gì khác; hoặc chỉ đơn giản vì họ là những kẻ trời sinh ra để làm nô lệ; hoặc đã là nô lệ từ trong bào thai rồi.
Những người chủ trương đánh đòn nhấn mạnh: “Thương cho roi cho vọt”. Ôi! Tình thương ơi! Vì ngươi mà con người đã phạm biết bao nhiêu tội lỗi mỗi ngày.
Bố mẹ vì thương mà bó chân con gái mình; nghĩ rằng trong tương lai nó sẽ dễ lấy chồng. Đó cũng là tình thương vậy. "Vua cha” đối với tiện dân thì đánh cho thịt nát xương tan, bởi vì “Hình kỳ vô hình" (trong thời gian giam giữ thì không được đánh), đó cũng là tình thương dân như con đỏ.
Cứ thử hỏi một câu: Thầy giáo đối với học trò, đánh một roi, đó là tình thương? Đánh 10 roi, 100 roi cũng vẫn là tình thương ư? Trên báo đăng chuyện thầy giáo đánh ba bạt tai làm cho học trò bị chấn thương sọ não rồi cũng nhất quyết bảo đó là vì mình thương nó.
Làm sao phân định được ranh giới đây? Làm sao biết được cái hàm ý của nó đúng hay sai? Trong nền giáo dục bằng tình thương làm gì có tiết mục “Tu lý học" (đánh đập học trò)? Còn nếu nói đến “Thích đáng” thì thế nào là “Thích đáng?” Ai định được tiêu chuẩn? Và làm sao biết được cái nào là hợp tiêu chuẩn?
"Chỉ cốt không gây thành thương tích là được!”.
Đó là tiêu chuẩn ư?
Trên thực tế, bất cứ một sự trừng phạt thân thể nào cũng đều để lại thương tích. Giống như bảo: "Cứ đút tay vào lò lửa, càng lâu càng tốt, chưa thấy thương tích thì chưa cần rút ra”. Cái ý nghĩa này nghe chừng cũng thảm não chẳng khác nào âm thanh của một bánh xe xì hơi. Bất cứ ai lúc sắp bắt đầu ra tay đánh thì các thớ thịt đều gồng lên, tròng mắt long lên. Chỉ nội cái dáng điệu khủng khiếp này - thần thái và ánh mắt hung ác - dù chưa đánh thật cũng đã có thể làm cho người sắp bị đánh tổn thương rồi.
Cứ như đứa học trò đứng trước quyền uy tuyệt đối của người thầy, hoặc đứa con trước uy quyền tuyệt đối của ông bố, khi người bố dơ tay lên dọa đánh, đều đã cảm thấy mình bị hạ nhục như thế nào. Rõ ràng chẳng có tình thương gì ở đó cả! Chỉ có cái mầm mống của sự hận thù từ cả đôi bên, bởi vì đó là một thứ lăng nhục đối với nhân cách.
Đến lúc nào học trò không còn thích xếp hàng để được đánh tay nữa, lúc ấy các em mới có thể xóa bỏ được mặc cảm bị sỉ nhục, và lúc ấy sự trừng phạt thể xác mới không còn có ý nghĩa “Tốt đẹp” nữa.
Nếu những trẻ em không làm nổi các bài thi lại phải chịu những sự trấn áp, bạo lực thì lòng tự trọng bẩm sinh của trẻ con, cái linh tính và trí tưởng tượng rất đáng quý của chúng e rằng sẽ bị tiêu tan mất.
Có đến 29% thầy giáo, sau khi Bộ Giáo dục nghiêm cấm đánh đòn học trò, đã cảm thấy "lòng lạnh như tro tàn, chẳng còn muốn dạy học nữa”. Những con người văn hóa theo nghề gọi là "gõ đầu trẻ” này nếu không được phép thi triển cái thủ đoạn đánh đòn học trò quỷ khốc thần sầu thì họ cảm thấy đành phải thúc thủ, không còn cách nào khác. Như vậy Bộ Giáo dục có lẽ tốt hơn nên mời họ cuốn gói ra khỏi trường và giới thiệu họ đến làm gác cửa cho các sòng bạc.
Bá Dương không đủ sức để phản đối 91%, 85%, cả đến 80% những người đồng ý việc đánh đòn. Nhưng tôi đây có thể hướng về những người học trò bị sỉ nhục, đề nghị một bí quyết như sau: Nếu họ đánh các em, tuy các em không thể đánh lại được ngay bây giờ, nhưng khi lớn lên như một người trưởng thành, thì phải quyết tâm trả mối thù đó. Mười năm chưa có gì là muộn cả. Có những phần tử rất hiếu chiến có thể mắng các em: “Tôi cứ đánh đấy! Mười năm sau rồi ta nói chuyện!” Đối với cái loại rắn vườn này, các em vĩnh viễn đừng bao giờ quên chúng, hãy cứ thật tình hẹn chúng mười năm sau.
Nhưng đây chưa phải là ý chính của tôi.
Cái ý nghĩa chính, khiến lòng tôi thật đau xót, là: qua lần điều tra này (của Trường Đại học Sư phạm công lập Đài Loan) số người thích đánh đòn và những người thích bị đánh đã chiếm một tỷ lệ quá cao.
Phàm mục đích của giáo dục là bồi dưỡng cái tôn nghiêm và vinh dự của nhân tính. Thế mà ngược lại, hôm nay mọi người đều đồng ý rằng: mục đích của giáo dục là tiêu diệt cái tôn nghiêm và vinh dự của nhân tính đó.
Có thể nói đây là một trong những xì-căng-đan lớn của thế kỷ XX và của vấn đề giáo dục. Điều đó chứng tỏ cái vại tương này không những rất sâu mà tương lại còn đặc nữa. Cho dù bây giờ chính phủ có xuất đầu lộ diện giúp đỡ đi nữa thì một số người cũng khó lòng sửa đổi được.
Vì thế chúng ta có thể nói rằng: cái nền giáo dục của chúng ta quá ư là dị hình, đã đến chỗ đi ngược lại thiên chức của nó.
Càng nghĩ đến tôi lại càng thấy lạnh xương sống.
No comments:
Post a Comment