Hình như đây là câu ngạn ngữ của Thụy Điển. Ý nghĩa là: khi con người biết điều gì nên làm, điều gì quý giá thì đã già mất rồi, không còn sức khỏe, không còn thời gian để thực hiện, theo đuổi và thành công nữa.
Nhưng thời gian có nhịp riêng của nó. Không nhanh, cũng không chậm. Đời người bình thường thì cũng có khoảng thời gian như thế, giống nhau. Nhanh hay chậm là do cách làm, cách nghĩ của từng người mà thôi. Làm nhanh nghĩ nhanh thì thời gian trôi chậm. Làm chậm, làm dở, không quyết đoán thì thời gian cứ trôi vùn vụt.
Có người mất mấy năm mới biết mình thích nghề gì, chọn nghề gì. Có người còn mất đến cả nửa đời người để chọn đúng nghề họ thích. Khi thất tình, có người chỉ mất vài ngày là thấy yêu đời trở lại. Có người lại sầu não vài năm, thậm chí cả đời. Thời gian không trôi nhanh, chẳng qua chúng ta tiêu phí nó quá nhiều.
Già quá nhanh.
Thời con nít, thường thì cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng hỏi. Không biết thì hỏi, muốn biết phải hỏi, đó là dấu hiệu của tuổi trẻ, của nhiệt huyết. Có tinh thần học hỏi tức là còn trẻ, dù đến thất thập cổ lai hy vẫn cứ trẻ.
Thông minh quá chậm.
Nhưng hỏi rồi, biết rồi mà không hiểu, không nhớ, không suy nghĩ thì đó lại là thông minh quá chậm. Chậm đến đáng buồn khi mà hôm nào đó người khác giảng giải cho ta nghe một điều gì đó mà ta cảm thấy rất chí lý, rồi sực nhớ ra là ta đã biết điều đó từ lâu lắm rồi !
Từ bao giờ chúng ta ngừng hỏi, ngừng tò mò, ngừng suy nghĩ? Từ bao giờ chúng ta nghĩ rằng: học nhiều cũng chẳng để làm gì, biết ít một chút sẽ sống thanh thản hơn? Ừa, thì cũng thanh thản thật. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ sống rất vô tư, chẳng tò mò, chẳng hỏi han, chẳng quan tâm tới những chuyện xung quanh, chẳng đọc sách, chuyện gì cũng hời hợt, lướt qua cho xong. Ừa, thì đứa trẻ ấy sống thanh thản lắm. Nhưng nó sẽ sống đến 80 tuổi thì vẫn là một đứa trẻ và 80 năm ấy chỉ như một cơn gió thoảng qua mà thôi. Vậy thì đứa trẻ ấy, tuổi còn rất nhỏ, phải chăng là vẫn còn quá trẻ hay đã quá già? Tuổi tác dường như không quá quan trọng, thời gian không quá quan trọng, 5 tuổi hay 80 tuổi cũng đâu khác gì nhau?
Và khi nào chúng ta già nhanh như thế nữa? Có một đứa trẻ, không biết nó sẽ hỏi, nhưng nó thường tin bất kỳ điều gì người ta trả lời cho nó, bất kể điều đó đúng sai, hay vô lý cỡ nào. Nó tin như vậy bởi vì nó là một đứa trẻ, nó không đủ kiến thức và trí thông minh để phân định đúng sai, nó tin vào người lớn, nó tin là người ta không gạt nó. Vậy thì đứa trẻ ấy, còn trẻ hay già?
Khi ta lớn lên, ta biết cái gọi là thành kiến và định kiến. Đó cũng là hậu quả của một câu hỏi và một câu trả lời. Bất kể câu trả lời ấy là đúng hay sai thì ta vẫn tin. Ta không bao giờ sử dụng những gì đã học, đã biết, hay những ý kiến từ những người xung quanh để xem xét, suy nghĩ đối chiếu xem câu trả lời ấy là đúng hay sai. Vậy thì ta trẻ hay ta già?
Già thì đã sống lâu, mà sống lâu chưa chắc đã thông minh. Già hay trẻ dường như chẳng liên quan gì đến thông minh. Muốn biết cái gì đúng hay sai, cái gì quan trọng, cái gì quý giá đều buộc phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, gạt bỏ định kiến, thành kiến, cố chấp, bảo thủ. Chẳng dễ dàng gì, đó là việc khó khăn, lâu dài, không phải ai cũng muốn làm. Bởi thế mà thời gian trôi quá nhanh, quá nhanh là vì ta hành động quá chậm!
THM sưu tầm
No comments:
Post a Comment