Vì vấn đề đa diện và đa dạng, nên tôi chủ yếu đề cập đến những khác biệt giữa Đông và Tây dựa trên khía cạnh TRỌNG TĨNH và TRỌNG ĐỘNG. Những ý tưởng sau đây phần lớn là dựa vào những điều mà tác giả Trần Ngọc Thêm ghi lại trong cuốn ‘Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam’[1], cộng với những gợi ý của các anh Trần Ngọc Báu (Thụy Sĩ), Nguyễn Chính Kết (VN) và Nguyễn Đăng Trúc (Pháp).
Điểm xuất phát.
Trước hết, để xác định Đông Tây, tôi chỉ xin hạn chế trong lãnh thổ địa dư của lục địa Âu Á. Và để cho rõ nét thì chỉ xin so sánh giữa Âu Châu và Viễn Đông, mà tạm quên vùng Cận Đông và Trung Đông. Một cách cụ thể, ta tưởng tượng một đường chéo thứ nhất kéo từ Tây bắc Ấn Độ đến bắc Nhật Bản. Một đường chéo thứ hai song song với đường thứ nhất, kéo dài từ bắc Palestine đến biển Sibérie. Và như thế, Đông mà tôi đề cập là phần bên phải của đường chéo thứ nhất, hay phần Đông nam của lục địa Á Âu, và Tây là phần bên trái của đường chéo thứ hai, hay phần Tây bắc của lục địa.
Còn phần giữa, gồm các nước trung cận Đông, một phần của nước Nga và phía Tây bắc Trung Hoa (từ Bắc Kinh trở lên) được xem là vùng trái độn, và không được xét đến trong bài này. Sở dĩ như vậy là để tránh những vấn đề nhập nhằng khi nêu lên những câu hỏi chẳng hạn: Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Iran, Irak, Nga vân vân... là Đông hay Tây? hoặc: Chúa Giêsu, gốc Do Thái, là người Tây hay người Đông? (Mặc dù trong bài này tôi có trích dẫn vài câu từ Kinh Thánh Do Thái, miền cận Đông, để minh họa cho tính chất Tây phương)
Sau khi xác định như thế, ta thấy nổi lên sự khác biệt trên nhiều phương diện: ngôn ngữ Tây thì biến hình và Đông thì đơn lập; Tây trọng cá nhân, Đông trọng cộng đồng; khi giao tiếp, chào nhau, thì bên Tây người này nắm tay người kia, còn bên Đông thì mỗi người tự nắm tay mình... Những khác biệt đa dạng hơn được nêu lên qua các thuật ngữ: Đông hướng nội, Tây hướng ngoại; Đông trầm mặc, Tây hoạt động; Đông trọng phẩm, Tây trọng lượng...
Vì sao có sự khác biệt đó? Hay đặt vấn đề cách khác: Sự khác biệt đó bắt nguồn từ đâu? Từ môi trường tự nhiên và xã hội. Vì con người là một hữu thể sống trong một môi trường tự nhiên và xã hội nhất định nên hai yếu tố này hẳn là nguồn gốc của sự khác biệt đó.
Môi trường sống của cộng đồng dân cư ở phương Đông (chính xác là Đông Nam Á Âu, theo như xác định trên) là nóng, khiến mưa nhiều nên ẩm, tạo nên sông rạch và đồng bằng trù phú. Còn phương Tây (chính xác là Tây Bắc Á Âu) lại là xứ lạnh với khí hậu khô, thực vật khó sinh trưởng, có chăng là các đồng cỏ rộng lớn.
Hai môi trường ấy khiến các cộng đồng cư dân chọn một lối sống thích hợp, mà kinh tế chủ yếu dựa vào hoặc là trồng trọt hoặc là chăn nuôi. Người đồng bằng phương Đông hướng về trồng trọt và thiên về nếp sống định cư, vì trồng thì phải đợi thu hoạch, và có những cây đòi hỏi phải chờ đợi thời gian dài. Người Tây phương thiên về chăn nuôi và tài sản của họ là gia súc. Gia súc phải di chuyển để ăn khi đồng hết cỏ, vì thế nghề du mục dẫn đến nếp sống du cư.
Nếp sống định cư tìm kiếm một sự ổn định lâu dài, nên người phương Đông có một não trạng TRỌNG TĨNH, còn nếp sống du cư thì phải tổ chức thể nào để di chuyển gọn gàng nhanh chóng, nên người phương Tây có một não trạng TRỌNG ĐỘNG.
Từ hai não trạng đó, ta thử xem chúng tác động như thế nào trên cách thức tư duy, trên tổ chức xã hội và quan hệ với tha nhân.
Tác động trên nhận thức, tư duy:
Người nông dân sống phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều, không phải vào những sự kiện riêng lẻ mà tất cả cùng một lúc: trời, đất, nắng, mưa... Nắng quá cũng chết mà không nắng cũng chết, mưa quá cũng chết mà không mưa cũng chết. Ta thấy qua sự trông mong của họ trong ca dao:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng...
Nếp sống này đưa đến lối tư duy tổng hợp. Cách nhìn mọi sự trong tổng thể lại dẫn đến nếp suy nghĩ biện chứng: người nông dân không xét mỗi yếu tố riêng lẻ mà xét theo quan hệ qua lại. Được mùa lúa, úa mùa cau - Thâm Đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.
Ngược lại, người du mục tập trung vào từng con vật mình nuôi. Và suy nghĩ theo lối phân tích: chia mọi yếu tố cấu thành ra từng phần biệt lập, khởi đầu từ việc mổ xẻ con vật ra mà ăn: mỗi bộ phận tự nó là đủ (bởi lẽ liên hệ giữa chúng là điều đương nhiên, không cần phải xem xét để tác động). Từ cách tư duy phân tích đó, người phương Tây đi đến suy tư ‘siêu hình’ (theo nguyên ngữ của Aristote: meta physika, nghĩa là vượt qua cái hữu hình, cụ thể, vật chất) để đi đến việc trừu tượng hóa những cái cụ thể thành khái niệm.
Cái nhìn phân tích dựa trên sự trừu tượng hóa đó là cơ sở hình thành lối suy tư khoa học, theo nghĩa hiện nay của từ sciences[2] . Một tư tưởng được xem là mang tính khoa học, khi nó được biện giải qua cách lý luận chặt chẽ, sau đó được kiểm tra bằng thực nghiệm. Muốn làm được điều này thì khi nghiên cứu một đối tượng hay một hiện tượng, người ta phải tách biệt nó ra khỏi các yếu tố và đối tượng có liên quan (kể cả người nghiên cứu), và xem xét nó với cái nhìn của người ngoài cuộc, nghĩa là khách quan.
Cái ưu điểm của lối nhìn này, ấy là nó rất rõ ràng và có sức thuyết phục cao, nhưng cái đúng của kết luận khoa học chỉ đúng trong phạm vi mà mình đã giới hạn. Nếu vượt qua giới hạn ấy thì nó lại sai. Cái nhược điểm của khoa học là bao giờ cũng có phần sai. Ví dụ: ‘tổng của 3 góc một tam giác là 180 độ’ chỉ đúng trong hệ thống Euclide, mà sai trong thực tế[3] hoặc trong hệ thống Riemann hay Lobatchevsky. Tuy nhiên nghịch lý là ở chỗ này: chính vì luôn chứa đựng sai lầm nên khoa học phát triển rất nhanh, bởi vì cái sau phải đến thay thế hay bổ sung cho cái trước để cho hoàn chỉnh hơn[4].
Trái lại, với lối tư duy tổng hợp của phương Đông, thì sự chú ý bị phân tán nên không thể nghiên cứu cho sâu một đối tượng nào; bù vào đó, họ có một cái nhìn mang tính ĐẠO LÝ, qua một hệ thống tri thức thu thập bằng con đường kinh nghiệm, chủ quan, và cảm tính. Vì luôn xét các đối tượng một cách tổng hợp trong quan hệ biện chứng, nên người xem không thể tách ra khỏi chỗ đứng của mình, mà chỉ có thể nhìn với cặp mắt của người trong cuộc, nghĩa là chủ quan. Vì luôn đặt mình trong liên hệ với đối tượng nghiên cứu ở ngoài mình, nên phải dùng đến trực giác, hay cảm tính. Và vì chủ quan và cảm tính nên muốn kiểm tra một kết luận thì chỉ dựa vào kinh nghiệm. Cái nhược điểm của tư duy Đông phương là sức thuyết phục không cao, nhưng ưu điểm là diễn đạt ngắn gọn, thâm thúy. Thêm vào đó, vì hình thành trong một mối liên hệ rộng lớn và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm nên cái đúng của lối suy tư Đạo Lý này khá cao. Chính vì thế mà Phương Đông lại chuyển biến và thay đổi chậm.
Hai lối nhận thức này đưa đến hai hệ thống tư duy rất khác nhau: Phương Đông đi đến lối tư duy nhất nguyên (Nhất nguyên phân cực - nhất thể lưỡng diện) dựa trên triết lý âm dương tôn trọng sự toàn vẹn của một đối tượng trong tương quan với các yếu tố khác, còn phương Tây đi đến lối tư duy nhị nguyên dựa trên luận lý học tôn trọng 5 nguyên lý của lý trí (principes de la raison)
Rất thú vị khi ta thử so sánh hai hệ thống suy nghĩ này. Thử xem một nguyên lý của lý trí. Nguyên lý đồng nhất (principe d’identité) cho rằng mọi vật đều đồng nhất với chính nó: A là A, và mãi mãi là A. Nguyên lý này chỉ đúng khi nào tách một đối tượng hay một hiện tượng nghiên cứu ra khỏi tổng thể để xem xét một cách biệt lập, hoặc khi đối tượng đó tĩnh, đứng yên một chỗ, hay bất biến trong thời gian quan sát. Nhưng trên thực tế, mọi sự vật đều thay đổi với thời gian, mà đã thay đổi thì không còn đồng nhất với chính mình nữa. Nếu xét khía cạnh động, thì lối nhìn Âm Dương có vẻ đúng hơn: Trong âm có dương trong dương có âm mà dương tăng đến một lúc nào đó thành âm và ngược lại, như thế A là dương đến một lúc nào đó lại là âm nghĩa là không (phải) A mà vẫn là A.[5]
Và ta có thể tiếp tục như thế đối với những nguyên lý còn lại là nguyên lý mẫu thuẫn (contradiction), nguyên lý triệt tam (tiers exclu), nguyên lý nhân quả (causalité), nguyên lý cứu cánh (finalité)[6]
Như vậy, các nguyên lý của luận lý học chính là sản phẩm điển hình cho lối tư duy phân tích và chú trọng đến yếu tố biệt lập, xuất phát từ truyền thống du mục; còn triết lý âm dương là sản phẩm điển hình của lối tư duy tổng hợp và chú trọng các mối quan hệ, xuất phát từ truyền thống nông nghiệp.
[Ở đây, tôi đi xa đề hơn một tí để thử nhìn một vấn đề có thể liên quan rất nhiều đến người Công giáo sau Vatican II. Đó là vấn đề thần học Á Châu. Nền thần học, tự nó, xuất phát từ lối tư duy phân tích theo các nguyên lý của lý trí, đưa đến những khoa nghiên cứu như hữu thể học, khoa học luận (ontologie, épistémologie)... để ‘nói về Thiên Chúa’ (Theo-logia).
Lối tiếp cận này xem Thiên Chúa là một đối tượng tĩnh, bất động, biệt lập, và mọi thuộc tính của Người là tuyệt đối tinh ròng, không hề có mâu thuẫn nội tại (ví dụ: Thiên Chúa trọn tốt trọn lành - chứ không thể nào quan niệm được là có một tí gì đó không tốt lành trong TC); rồi về sau mới nói đến những tương quan, từ đó đi đến một nếp sống đạo hướng ngọai và nhập thế. Trong khi đó các tôn giáo ở Á châu lại nhìn vấn để theo lối tư duy tổng hợp, nhất nguyên nên không tách biệt dứt khoát như thế qua lý luận, do đó không có một khẳng định nào rõ ràng; tuy nhiên họ lại nghiêng về cảm nghiệm và đưa đến một nếp sống đạo cá nhân, hướng nội và xuất thế. Vì thế, vấn đề nêu ra là: có thể nào có một hướng thần học Phương Đông hay Á Châu, không dựa vào tư duy phân tích đặt trên nền tảng trên luận lý (logique - rationnel), mà chỉ dựa vào tư duy tổng hợp đặt nền tảng trên cảm nghiệm cá nhân và trực giác, để rồi kiểm chứng bằng kinh nghiệm chứ không bằng lý giải hay không? Xin dừng lại ở đây như một cách gieo vấn đề mà thôi.]
Tác động trên tổ chức cộng đồng và tương quan xã hội.
Vì sống dài lâu với nhau, nên lối sống trọng tĩnh làm nảy sinh nguyên tắc trọng tình, trọng văn và trọng nữ.
Nói đến nguyên tắc trọng tình, thì mọi người dễ dàng đồng ý vì trong cuộc sống hằng ngày tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này. Nó nằm trong truyền thống qua các câu ca dao tục ngữ như: máu chảy ruột mềm; một giọt máu đào hơn ao nước lã; nhưng: bà con xa không bằng láng giềng gần; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tuy nhiên khi bảo rằng phương Đông trọng nữ thì có thể làm nhiều người ngạc nhiên, vì người Việt Nam hàng ngàn năm nay đã quá quen với văn hóa Khổng Mạnh nên ngỡ rằng tổ tiên mình xem người nữ kém người nam. Quả thật, đối với đạo đức Khổng Mạnh, thì ‘nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’, và đời sống của người nữ chỉ là cái bóng của người nam với nguyên tắc ‘tam tòng’ dành cho ‘nữ nhi thường tình’.
Tuy nhiên thuở xa xưa, ở phương Đông, bao gồm Việt Nam, người nữ có một vị trí cao hơn người nam. Điều này còn thấy ở một số bộ tộc đang theo mẫu hệ. Và ngôn ngữ còn giữ lại nhiều dấu vết của giá trị người nữ: ví dụ chữ ‘cái’ trong tiếng Việt Nam cổ có nghĩa là ‘mẹ’: Con dại cái mang. Những gì quan trọng đều gọi là ‘cái’: sông cái, đũa cái, ngón cái, chữ cái... và tinh thần trọng nữ ấy vẫn còn tiềm ẩn nơi những cặp chữ như: vợ chồng (# mari et femme), hoặc như trong ca dao ngạn ngữ: Thuận vợ thuận chồng...; Nhất vợ nhì trời; hay
Ba đồng một mớ đàn ông,
đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Ba trăm một mụ đàn bà,
đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Phương Tây, vì sống du cư nên lối sống trọng động làm nảy sinh nguyên tắc trọng tài, trọng sức mạnh, trọng võ và kéo theo là trọng nam.
Từ xa xưa, người phụ nữ ở Tây phương không được mang tên gia đình mình (tương đương với ‘họ’ của người VN) khi lấy chồng. Cựu Ước xem phụ nữ đồng hàng với tôi tớ nô lệ, với gia súc và với đồ vật sở hữu của người nam. Cứ xem lại Ngũ Kinh thì thấy. Ví dụ điều răn thứ 10 trong sách Xuất Hành (xh 20, 8): “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”.
Trong ngôn ngữ, người Tây phương dùng một chữ duy nhất để vừa chỉ ‘người’ vừa chỉ ‘đàn ông’: anthropos (= aner, andros), homo (= vir), homme, man... cứ như thể đàn bà không phải là người. Trong Tân Ước, các thánh sử ghi lại phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống một lần 5000 ‘người’, một lần 4000 ‘người’. Và để xác định chỉ có ‘đàn ông’ mới là ‘người’ nên các ngài phải chua thêm ‘không kể đàn bà và trẻ con’ (Mt 14,21; 15,38); mà Tân Ước thì mới cách chúng ta chưa được 2000 năm, nghĩa là một thời gian rất gần so với toàn bộ lịch sử nhân loại!
Nguyên tắc trọng tình của phương Đông đưa đến một hình thức tổ chức cộng đồng một cách linh hoạt, luôn luôn thích nghi để sống với mọi người chung quanh, do đó nảy sinh cái triết lý: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài - Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Lối sống nặng tình cảm và nhu cầu sống hòa thuận trong một bối cảnh ổn định đưa đến một tâm trạng hiếu hòa trong quan hệ xã hội.
Trong cuốn người Việt cao quý, Vũ Hạnh (với bút hiệu là A. Piazzy) nhắc lại rằng mỗi khi nước ta thắng người Trung Hoa xong thì lại đi triều cống để giữ hòa khí. Nếp sống ‘tình làng nghĩa xóm’ này đưa đến một lối tổ chức xã hội mà mọi người được xem là bình đẳng với nhau, ngôn ngữ ngày nay gọi là dân chủ. Do đó, xưa kia phương Đông đã theo nền dân chủ sơ khai, trước khi xuất hiện nền quân chủ phong kiến. Từ sinh hoạt dân chủ đó, mỗi người coi trọng tập thể và cộng đồng hơn. Vì thế, ở phương Đông, rõ ràng hơn là ở Việt Nam, người ta làm gì cũng nghĩ đến tập thể trước và nghĩ đến mình sau.
Trái lại, nguyên tắc trọng tài, trọng sức mạnh của phương Tây đưa đến một hình thức tổ chức cộng đồng một cách theo khuôn phép. Cuộc sống du cư đòi hỏi phải có tổ chức, phải tuân theo kỷ luật. Chỉ cần đọc lại sách Xuất Hành và Lêvi thì thấy kỷ luật ấy tỉ mỉ đến thế nào. Hình thức tổ chức cộng đồng như thế khiến người ta trọng lý hơn trọng tình. Muốn duy trì kỷ luật, cần phải có một người cai trị; từ đó phương Tây hướng đến nền quân chủ (Xem lại dân Do Thái yêu cầu phải có Vua: Saolê). Hệ quả của việc tổ chức quân chủ này lại nâng cao tinh thần trọng động, trọng sức mạnh, dẫn đến cái nhìn độc tôn và hiếu thắng trong tương quan với người khác. Vì có cái nhìn bạn thù rất minh bạch nên bên thắng là tất cả và bên thua không là gì cả[7].
Từ những nhận xét trên, khi nhìn lại lịch sử, ta thấy rằng những cuộc chiến (võ) thường xảy ra từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam, (từ Tây sang Đông) và nền Đạo Đức (văn) thì thường đi từ Đông Nam lên Tây Bắc (từ Đông sang Tây). Cách xử sự cộng đồng như thế dẫn đến hệ quả là Tây phương coi trọng cá nhân. Vì thế, dưới thời quân chủ, cá nhân người cai trị được đặt ở vị trí thật cao. Rồi đến thời dân chủ, tự do cá nhân của mỗi người là điều bất khả xâm phạm. Người lãnh đạo đất nước không thể nào lấy lợi ích tập thể (nhìn dưới cái nhìn chủ quan của mình) mà đặt lên trên lợi ích của từng cá nhân được.
Tuy nhiên, khi nhìn mặt phải của hai bên thì đồng thời cũng nhìn ra mặt trái. Một xã hội khuôn phép và máy móc sẽ đem đến sự áp đặt thiếu bình đẳng, nhưng trong một xã hội linh hoạt thì người ta lại dễ đi đến xuề xòa, tùy tiện, ba phải, hòa cả làng, coi thường phép nước (vì phép vua thua lệ làng).
Thử minh họa bằng một biểu hiện của lối sống xã hội này: Tây phương sống bằng lý, nên đời sống dựa theo luật: Quyền lợi và nghĩa vụ. “Tôi chu toàn nghĩa vụ, tôi phải có quyền lợi”. Khi có xung đột, thì không tình không nghĩa gì cả, chỉ có lý. Ra tòa! Và tòa xử thế nào là chấp hành thế ấy chứ ‘không giỡn mặt với pháp luật’. Vì quan niệm rằng quyền lợi phải cân xứng với nghĩa vụ, nên tương quan xã hội có vẻ vô tâm và vô tình. “Cha mẹ tôi đã đóng hưu liễm suốt đời, tôi đã đóng thuế công dân, thì cha mẹ tôi có xã hội lo, có an sinh xã hội, có bảo hiểm xã hội, không việc gì đến tôi cả”.
Người Việt Nam hẳn sẽ sửng sốt khi biết rằng đợt nóng trong tháng 08 vừa qua ở Pháp đã lấy đi mạng sống của hơn 15 ngàn người mà trong số đó rất nhiều cụ cao niên không có một thân nhân nào ở bên cạnh vào những giờ phút cuối đời.
Ngày 31/8 trên kênh TF1, chương trình ‘từ 7 đến 8 giờ’ chiếu lại hình ảnh một quan tài chứa đựng xác đang rữa của một cụ bà 90 tuổi, chết trong căn hộ mình cách đó ba tuần mà không ai biết tới. Bà chết ngày 11/8. Gia đình bà đến nhận diện thi hài, rồi ra đi nghỉ hè.
Ở Việt Nam thì không bao giờ có chuyện như thế xảy ra. Con cái nghe cha mẹ mình bệnh nặng thì chạy ngược chạy xuôi; chẳng may song thân qua đời, thì dù chuyện gì cũng phải gác lại để trở về mà thọ tang. Nếu một người nằm xuống mà không có ai thì láng giềng sẽ lo lắng chu đáo. Và ngay trong một tổ chức Nhà Nước mà chính sách rất rõ ràng đối với người nghèo, mà luật lệ bảo hiểm minh bạch, thì người Việt Nam vẫn thấy những thân nhân mình là mối bảo hiểm tốt nhất. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ: Con đau thì cha mẹ lo, không nổi thì anh chị em lo, không nổi nữa thì chú bác cô dì anh chị em họ lo... và điều đó dường như là điều đương nhiên.
Thế nhưng cái hạn chế của nếp sống trọng tình này, ấy là trong một xã hội có tổ chức nhưng các luật lệ và qui ước thì lại được giải thích một cách mù mờ. Một công dân có quyền gì từ Sở Lao Động Thương Binh và Xã Hội? từ Cơ quan bảo hiểm? Không ai mất thì giờ để nói tới quyền lợi, chỉ biết rằng nghĩa vụ của mình xong thì thôi. Đa số người Việt Nam hiện nay muốn đòi hỏi quyền lợi của mình ‘theo luật định’ thì vẫn mang tâm trạng của ‘con kiến đi kiện củ khoai’.
Kết luận
Khi nói về não trạng và tâm trạng giữa Đông và Tây, tôi vạch một lằn ranh rõ ràng và chia ra hai vế tách biệt. Một cách nào đó, tôi đã trình bày theo ‘các nguyên lý của lý trí’ với các hạn chế của chúng. Tuy nhiên trong thực tế sinh động, không thể nào có một lằn ranh dứt khoát như vậy, và nếu nhìn theo triết lý âm dương thì trong Tây vẫn có Đông, và trong Đông đã có Tây... Tuy nhiên mỗi người, mỗi cộng đồng đi từ não trạng này đến cực điểm rồi lại sang não trạng kia trong một thời gian và ở một giai đoạn khác nhau.
Chí ít ta có thể xem xét ở hai bình diện. Một mặt, những yếu tố Đông Tây không nằm trong một ranh giới cụ thể của một quốc gia. Ví dụ, ở Trung Hoa, miền bắc là lạnh và du mục thì thiên về não trạng Tây còn miền nam là nóng và nông nghiệp thì thiên về não trạng Đông. Do đó ta thấy xuất hiện từ miền Bắc một Khổng Tử suy tư rất chặt chẽ và cho ra đời một hệ thống cai trị rất Tây phương, với tam cương, ngũ thường, trọng nam khinh nữ; trong khi đó ở miền Nam lại có Lão Tử, với lối tư duy rất Đông phương trong Đạo Đức Kinh, hướng con người bước ra khỏi vòng cương tỏa của mọi tổ chức xã hội bất bình đẳng.
Mặt khác, Phương Tây cũng từng có những con người trọng tĩnh, và phương Đông cũng không thiếu gì người trọng động. Cứ nhìn lại các nhà thần bí Tây phương như Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá, thì thấy họ còn ‘thiền’ hơn rất nhiều người theo các tôn giáo phương Đông, và nhìn Mẹ Têrêxa thì khó lòng mà nói một người phương Tây không ‘có tình làng nghĩa xóm’.
Ngược lại, tại một quốc gia như Nhật Bản, thì không có một lãnh vực nào, từ đạo lý đến khoa học, mà đất nước ấy không có những người ngang bằng với các tên tuổi lỗi lạc ở Phương Tây.
Vì thế, những điều tôi trình bày trên đây, một cách rất nhị nguyên, cũng chỉ có mục đích soi rọi một số phạm trù mà người ta thường nghĩ đến, khi đối lập giữa Đông và Tây. Mục đích chỉ khiêm tốn như vậy thôi; bởi vì trong thực tế thì sự tách biệt không rõ mồn một như vậy. Vả lại trong chiều hướng toàn cầu hóa như hiện nay, những điều hay điều dở của hai phương dù muốn dù không cũng phải đối diện với nhau để vừa xung đột vừa bổ túc cho nhau. Tất cả những hiện tượng về chuyển nhập văn hóa (acculturation) đã và sẽ đưa đến những tổng hợp mới, do chính con người điều chỉnh theo nhu cầu của mình và của xã hội mình. Nhưng con người cũng có những cá tính đa diện và các mặt cá tính ấy thường xung khắc nhau. Trước sau gì con người (nói chung) cũng nhào nặn (façonner - réformer) lại cái xã hội của mình và chính bản thân mình sao cho phù hợp với cái gọi là Não Trạng và Tâm Trạng của mình để rồi tác động trở lại trên thiên nhiên và xã hội. Mà cái Não Trạng và Tâm Trạng ấy cơ bản lại xuất phát từ nếp sống với thiên nhiên và xã hội của mình. Cái vòng luẩn quẩn này rất tự nhiên, rất biện chứng và cũng rất là người vậy.
Điều mà hiện nay Việt Nam đang nhắm đến là làm sao tiếp thu những giá trị của phương Tây mà không đánh mất đi cái bản sắc phương Đông của mình. Đây là một vấn đề nhức nhối. Tôi đã nêu ra bao điều hay của Phương Đông, và cũng là của Việt Nam, ví dụ như tinh thần trọng tĩnh, hiếu hòa, biết nhìn và suy nghĩ một cách tổng hợp, và chúng ta cũng đã từng đọc những cuốn sách nói về những điều tốt đẹp và đáng tự hào, chẳng hạn cuốn “Người Việt cao quý’ của Vũ Hạnh. Tuy nhiên, tôi cũng không quên thành thật nhìn lại mình một cách phản tỉnh; vì thế, để kết thúc, tôi trích dẫn vài câu trong cuốn ‘Người Trung Hoa xấu xí’ của tác giả Bá Dương, xuất bản tại Đài Loan, rồi tái bản tại Trung Quốc. Trong đoạn này, độc giả thử thay chữ Trung Quốc bằng Việt Nam xem sao; riêng tôi, thì tôi thấy chột dạ như thế nào ấy. Đây là những câu đó:[8]
Bất kỳ ở chân trời góc biển nào, hễ có người Trung Quốc là có cắn xé nhau. Mỗi người Trung Quốc đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Nhưng nếu ba người Trung Quốc họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi. Người Trung Quốc vĩnh viễn không đoàn kết được. Mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tại sao họ lại không đoàn kết. Bất cứ xã hội người Hoa nào ít nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Họ chưa biết tầm quan trọng của sự hợp tác; nhưng họ có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết, hay ho đến Thượng Đế cũng có thể khóc được. Những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi họ một hành vi đặc thù khác: chết cũng không chịu nhận lỗi. Họ thích nói: nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa. Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hay tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định.
Người Trung Quốc sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả, cánh hữu, trung lập, độc lập, trung thiên tả, tả thiên trung, trung thiên hữu, hữu thiên trung, vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì? Đối xử với người Trung Quốc tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính là người Trung Quốc với nhau. Bán rẻ, hăm dọa người Trung Quốc lại không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Người Tây phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Quốc đã đánh nhau rồi thì cừu hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đời cũng chưa hết. Sống trường kỳ trong cái hũ tương lâu ngày quá tự nhiên sinh ra tâm lý cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ; không có can đảm dám khen người khác, chỉ có dũng khí dùng để đả kích kẻ khác; chửi bới sau lưng; yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Họ vĩnh viễn không thể nào so sánh được với người Do Thái, chỉ cần so sánh với người Nhật, người Đại Hàn là cũng thấy bị thua tới cả trăm nghìn năm ánh sáng rồi.
Người Trung Quốc sợ sệt đủ mọi thứ trên đời. Cái não trạng hãi sợ này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Vì vậy bạo chúa, bạo quan không bao giờ bị tiêu diệt, và đã biến dân tộc Trung Quốc thành một dân tộc hèn hạ. Sức tưởng tượng, óc suy xét, tư duy của giới trí thức bị bóp chết, xơ cứng. Trong 4000 năm, từ Khổng Tử trở đi, không còn có một nhà tư tưởng nào lớn nữa. Cái hũ tương văn hóa, cái hũ tương thối làm cho người Trung Quốc xấu xí, không thể dùng tư duy của mình giải quyết, phải bắt chước, phải dùng cái tư duy của kẻ khác; lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, sợ sệt, lo âu. Trung Quốc diện tích rộng thế, lâu đời thế mà người Trung Quốc lại có một tâm điạ thật hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Phải chăng Thượng Đế đã phú cho chúng ta có một nội tâm xấu xa?
[1] Tìm về BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM - Pgs Viện sĩ TRẦN NGỌC THÊM - Nxb TP Hồ Chí Minh - 2001.
[2] Science khởi thủy là savoir, chỉ sự hiểu biết qua tư duy, và lãnh vực để phát triển sự hiểu biết, hay sự khôn ngoan, lại là philosophie (triết) chứ không phải là sciences (khoa học). ‘Science sans conscience n’est que ruine de l’âme’ (Montaigne).
[3] Ví dụ: Trong thực tế, khi muốn xây hai bức tường cho thật song song, người ta dùng dây dọi để xác định chiều thẳng đứng đối với mặt đất. Kết quả là hai bức tường ấy hợp với mặt đất thành 2 góc vuông nghĩa là 90 + 90 = 180 độ. Nhưng ai cũng biết rắng nếu tưởng tượng hai bức tường song song ấy được kéo dài mãi (sâu xuống đất) thì chúng sẽ gặp nhau ở trung tâm quả đất, và như thế thì ta có một tam giác cân mà hai đáy (gồm hai bức tường và mặt đất) đã là 180 độ. Góc thứ ba (do hai bức tường gặp nhau ở trung tâm trái đất) dù nhỏ cách mấy cũng khiến cho tổng số ba góc trong tam giác này lớn hơn 180 độ. Trường hợp này thì hình học Riemann đúng, còn hình học Euclide sai.
[4] Và điều này thấy rất rõ trong kỹ nghệ tin học hiện nay. Các phần mềm (software hay logiciel) cứ phải nâng cấp mãi vì thế nào cũng phát hiện một sai sót khi đặt vào trong một áp dụng mở rộng hơn. Đó là chưa kể những cuộc tấn công vào các kẽ hở của các phần mềm nổi danh nhất thế giới như Microsoft, khiến phải sửa chữa và hoàn thiện mãi.
[5] Phaolô sau khi ‘ngã ngựa’ không còn là Phaolô (trước kia) nữa, nhưng vẫn là Phaolô.
[6] Nguyên lý mâu thuẫn cho rằng hai mệnh đề mâu thuẫn với nhau thì hoặc đúng hoặc sai chứ không thể cả hai hoặc đúng hoặc sai được. Điều này cũng đúng khi tách rời một đối tượng ra mọi liên hệ khác mà thôi. Câu ‘A là anh’ hoặc ‘A là em’ thì chỉ có một câu đúng thôi, nếu ta tách hai người con cùng một cha mẹ ra mà xét. Còn nếu xem A là thành viên của một gia đình có nhiều con, thì ‘A là anh’ của B mà ‘A là em’ của C.
Nguyên lý triệt tam cho rằng một mệnh đề chỉ có thể đúng hoặc sai chứ không thể vừa đúng vừa sai được, không có trường hợp thứ ba. Điều này cũng đúng nếu thỏa mãn những điều kiện như hai trường hợp trước, mà không đúng hoàn toàn với thực tế biến động của sự sống. Ví dụ như trong câu tục ngữ: nhất sĩ nhì nông; hết gạo chạy rong; nhất nông nhì sĩ. Trong khi đó với thuyết âm dương thì dễ chấp nhận hơn. Vấn đề nào cũng đi theo cặp: nông cần sĩ là đúng mà sĩ cần nông cũng vẫn đúng, tùy theo hoàn cảnh.
Và cứ thế cho đến nguyên lý nhân quả hay cứu cánh (mọi vật đều có nguyên nhân - Mọi vật đều hướng về một cứu cánh). Đối với một cặp tách rời thì đúng. Đối với một chuỗi hiện tượng thì âm phát triển mãi thành dương, dương phát triển mãi thành âm, và vì thế âm là nhân của dương, hay ngược lại? Không thể nào biết được. Họa sinh phúc, rồi phúc lại sinh họa; như được minh họa qua câu chuyện Tái Ông mất ngựa.
[7] Cf Dnl 20, 13. ‘Thiên chúa của anh em sẽ trao thành ấy vào tay anh em, và anh em sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh em mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm’.
[8] Dịch giả : Nguyễn Khôi Minh- Nhà xuất bản Chân Mây Cuối Trời, Paris, 1998
No comments:
Post a Comment