Monday, February 1, 2016

Thương quá đời nhau

Mùa dưa đầu năm nay gặp lũ bất ngờ, nhiều gia đình ở Quảng Nam trắng tay. Nhiều nơi, những thanh niên không quen biết, những nhóm người vô danh đột nhiên xuất hiện và kêu gọi mọi người chia nhau, mua dưa như một cách để cứu nạn cho nông dân. Cuộc sống vẫn còn giới thiệu những điều quý báu và lay động lòng người trước nghịch cảnh lắm khi chán chê.

Nhìn hình ảnh những người gia miền Trung ôm lấy trái dưa, ngậm ngùi, rồi lại thấy những thanh niên căng biểu ngữ kêu gọi mua dưa giúp mà thương. Giá dưa lại xuống tận 1000 đồng / kg thì cả ruộng dưa nếu có bán được, e cũng chưa đủ đóng được tiền vay của ngân hàng. Mẹ già nhìn đăm đăm vào ruộng, mênh mông buồn.

Hóa ra, người Việt vẫn gượng lại để giữ một tấm lòng cho nhau, dù có lúc ai nấy đều lặng người trước cảnh giành giật miếng ăn, cướp giật của rơi của người gặp nạn. Nơi Hà Nội từng có ngày hoa bị giành giật, tranh nhau và giẫm đạp, thì cũng có một ngày người người hẹn nhau để giữ lấy từng gốc cây. Sài Gòn sầm uất chốn vui chơi ngày đêm, nhưng không thiếu quán ăn miễn phí, hay giá chỉ 2000 đồng cho kẻ khó hơn mình.

Từ khoảng 5-7 năm nay, phong trào kêu gọi mua hàng hóa để giúp người dân nghèo bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Lúc thì dưa, lúc thì hoa tết, có lúc là rau cải. Người Việt có thói quen mua không để dùng, mà mua như một động thái chia sẻ sinh tồn. Như anh bạn của tôi vẫn hay mua một vài tờ vé số, nhưng chẳng bao giờ dò. Mục đích mua chỉ là gửi một niềm lạc quan cho người khó khăn hơn mình. Thương nhau mới làm được như vậy, vì đôi khi cần dè sẻn, mua một ly nước cho mình, nhiều người vẫn phân vân.

Cách đây không lâu, một người quen trên facebook tranh luận với tôi, nói rằng trên thực tế, người Việt không thể có tình đồng bào. Nếu dự trên khoa học, câu chuyện trăm trứng nở trăm con và nguồn gốc chuẩn tộc thuần túy, thì rõ ràng “đồng bào” là điều dường như vô nghĩa. Nhưng “đồng bào” – tên gọi và ý nghĩa duy nhất mà người Việt có trên thế giới đã là một sự kết dính tinh thần, thương lấy đời nhau qua năm tháng. Tình thương của người Việt ít màng lý luận, vì vậy ít ai chất vấn vì sao lịch sử người Việt hay song hành với huyền thoại chứ không là ghi chép cụ thể. Dù biết nỏ thần của An Dương Vương hay phép lạ của Thánh Gióng là điều bất khả. Và có lẽ trong thói quen của tình thương đó, người dân Việt cũng ít khi nào tự hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tận lực như thế nào để chuyện mất mùa hay trì trệ trong nông nghiệp là chuyện thường ngày bấp bênh trên đất nước này, khác với các quốc Châu Á hôm nay?

Trong cái ghi chép của người xưa, người Việt mình hay cười. Bài “Xét tật mình” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Đông Dương Tạp Chí năm 1913, nói người Việt “Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền”. Quả thật người Việt rất hiền. Nghe tin đường xa lộ mới xây bị hư hại, lộ cốt bằng tre, bằng ván ép… rồi im lặng và cười. Nghe vaccine chữa bệnh trẻ con chích vào chết ngay, lại vẫn được hô hào sử dụng, cũng đành im lặng và cười. Nghe lấp sông Đồng Nai sẽ đẩy hàng triệu người vào nghèo khó, im lặng thở dài và cười. Nghe khai thác bauxite thất bại nợ nần đến con cháu đời sau, cũng chỉ im lặng rồi cười.

Người Việt thương mình, như thương một giai cấp của mình trước chuyện thế gian quá tầm tay. Mua hàng cho dân nghèo, góp tiền, góp của cho từ thiện là những chuyện mà đâu đâu trên đất Việt cũng thấy. Tiền người Việt giúp nhau, nhiều không kể xiết – không có một ngân quỹ chính sách nào có thể sánh bằng. Thường nhau, giúp nhau từ nhà ra ngõ, từ trăm cây số đến hàng ngàn dặm. Tiền kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái hơn 11 tỷ USD, bằng giấc mơ phát triển của cả nhiều quốc gia trên thế giới.

Người Việt thương nhau mà thở dài, nhiều người nói mình có ra sức giúp cả đời cũng không xuể. Các quan chức bị tố tham nhũng, chỉ nhận chức chưa quá nửa đời người đã dinh thự đền đài, con cháu trở thành một giai cấp khác, thụ hưởng trên nụ cười và tiếng thở dài của dân mình. Người Việt thương nhau, ngó tượng đài trăm tỷ, vinh danh cho bộ mặt một chính quyền địa phương mà hàng ngàn gia đình đói ăn trong ngày khánh thành. Người Việt nhìn ra biển, thấy cá mà thương ngư dân trong trùng vây khốn khó dở khóc dở cười.

Nhìn ngó mọi nơi, và im lặng trước những điều quá tầm tay. Người Việt quay về với nhau. Chia nhau khốn khó. Cười, thương quá đời nhau.

Nguồn: Blog Tuấn Khanh

No comments:

Post a Comment