Gần đây dư luận lại ồn ào phẫn nộ về “hội chứng tượng đài”. Mà không phẫn nộ sao được khi một tỉnh nghèo như Sơn La (với tỉ lệ nghèo đói 64%) dám bỏ ra 1.400 tỷ đồng để xây tượng đài theo kiểu văn hóa “cờ đèn kèn trống”. Nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đã phẫn nộ dùng tới những từ ngữ nặng nề nhất: “hoặc là khốn nạn hoặc là thần kinh”. Lúc còn sống cụ Hồ thường kêu gọi “cần kiệm liêm chính”. Bây giờ họ “học tập” cụ bằng cách làm ngược lại ý cụ để “cúng cụ”, còn họ thì “xơi lộc”. Phải chăng “hội chứng tượng đài” phản ánh rõ khủng hoảng về nhân cách và dân trí trong công tác văn hóa tư tưởng hiện nay?
Giọt nước tràn ly
Còn nhớ cách đây 5-6 tháng, Hà Nội đã ồn ào phẫn nộ phản đối thành phố quyết định chặt hạ 6700 cây xanh vô tội. Báo chí lề phải và lề trái đều vào cuộc, dư luận trong nước và ngoài nước cùng lên tiếng. Lãnh đạo thành phố buộc phải dừng tay, lùi bước trước dư luận, và buộc phải xử lý một số cá nhân có liên quan để đối phó với dư luận.
Nhưng chặt cây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bề nổi thường dễ thấy nên dễ bàn, nhưng tảng băng chìm thì khó thấy nên dễ bỏ qua. Khi bề nổi bị chìm đi hay trôi qua rồi, thì đâu lại vào đấy. Trong khi đó tảng băng chìm vẫn còn nguyên, thỉnh thoảng nó lại nổi lên chỗ này chỗ khác, với hình dạng khác. Sau vụ việc chặt cây có lẽ là tượng đài.
Thực ra chuyện xây tượng đài tốn kém, cũng như các lễ hội “cờ đền kèn trống”, đã diễn ra từ lâu rồi. Những vụ việc trước đây gây tai tiếng như cướp ấn Đền Trần, lộn xộn ở Đền Hùng, đánh lộn ở Đền Gióng, thất thoát 30% ở Điện Biên, v.v. tưởng đã chìm rồi, thì gần đây lại nổi lên ở Quảng Nam với dự án “Tượng Mẹ Anh hùng” tốn hơn 400 tỉ đồng, và ở Vĩnh Phúc với dự án xây “Văn Miếu” tốn gần 300 tỉ đồng, làm công chúng phẫn nộ.
Nhưng lần này giọt nước làm tràn ly là tỉnh Sơn La. Lãnh đạo tỉnh đã quá tham chạy bằng được dự án “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” lên đến 1.400 tỉ đồng (trong khi tỉ lệ nghèo đói là 64%). Có một nghịch lý là các tỉnh càng nghèo, thì xây dựng tượng đài (hay công sở) càng tốn kém (và thất thoát càng lớn). Đây là một nghịch lý đau lòng, nhưng vẫn lặp đi lặp lại. Các quan tỉnh Sơn La vẫn thấy mình còn “thiệt thòi” so với tỉnh bạn.
Trước đây Lai Châu nổi tiếng là tỉnh nghèo nhất nước (với 76%), nhưng lại xây dựng công sở có quy mô hoành tráng nhất nước (tốn mất 554 tỷ đồng). Những sai phạm tại Lai Châu đã lập một kỷ lục về “hội chứng công sở”, bị lên án. Phải chăng Sơn La định lập một kỷ lục mới về “hội chứng tượng đài”. Có lẽ lãnh đạo các tỉnh này quen được Trung ương ưu ái vì là “vùng cao vùng xa”, và quen nghĩ rằng tỉnh nghèo nên dân trí thấp, càng dễ bề thao túng, còn dư luận thì chắc họ không sợ, vì vô cảm nên chẳng hiểu gì về truyền thông.
Dân trí thấp hay quan lại vô cảm
Muốn biết dân trí thấp hay quan lại vô cảm, hãy xem phản ứng của lãnh đạo tỉnh Sơn La. Trong khi dư luận phân nộ đến đỉnh điểm (như Gs Ngô Bảo Châu nói, “bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”), và trong khi Thủ tướng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La “báo cáo về việc đầu tư đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8”, thì lãnh đạo tỉnh vẫn chưa tỉnh ngộ. Cùng ngày 5/8/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói, “dư luận đang hiểu sai về con số 1400 tỷ” cho công trình tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” và lý giải, “việc xây dựng tượng đài có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, Ban Bí thư đã cho phép xây dựng và xin ý kiến các Bộ, Ban ngành để thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý”. PGĐ Sở Văn Hóa-Thể thao-Du lịch còn nói, “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc thì không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”… Tuyệt vời!
Phải chăng dư luận đã nói sai và Thủ tướng cũng chỉ đạo sai? Hay là có thế lực thù địch nào đứng sau? Làm quan cấp tỉnh mà chẳng hiểu gì về chính trị và thời cuộc. Sắp lên thớt rồi mà vẫn cãi lấy được, hay tưởng rằng ai đó ở Ban Bí thư và Chính phủ sẽ tiếp tục bảo kê cho họ. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương, nghỉ hưu rồi cũng phải lên tiếng, “dân đang khổ, bão bùng ở khắp nơi, trường học còn thiếu, bệnh viện quá tải, sao lại xây tượng đài đồ sộ như vậy”, và kiến nghị Quốc Hội vào cuộc.
Nhưng cũng không nên chỉ đổ lỗi cho mấy ông quan tham của tỉnh, mà bỏ qua trách nhiệm của “cấp trên nào” đã ký duyệt dự án thất nhân tâm đó. Nếu không được trung ương duyệt và cấp vốn thì UBND một tỉnh nghèo đói như vậy lấy đâu ra 1.400 tỉ đồng để làm dự án “thần kinh” đó. Nghe nói, dự án tượng đài của Sơn La đã được Bộ Văn Hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, đã trình Ban Bí thư và được sự đồng ý về chủ trương. Dù lãnh đạo tỉnh, hay các bộ ngành liên quan có đổ lỗi cho nhau, hay tranh cãi về tiểu tiết, thì bản chất câu chuyện đã quá rõ rồi. Vấn đề là xử lý thế nào thôi.
Đồng thời, cũng không được bỏ qua trách nhiệm của “cấp dưới” nào đã đồng lõa với họ để ăn theo. Nếu không có các kiến trúc sư, nghệ sĩ điêu khắc tạo hình và các nhà thầu tham gia thì mấy ông UBND tỉnh làm sao có thể tự tay làm đươc dự án khủng đó. Phải chăng “một bộ phận” trí thức và văn nghệ sĩ đã vô cảm hay vì tham lam, đánh mất nhân cách, tiếp tay cho các nhóm lợi ích thao túng công quỹ. Họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Cả trên và dưới, cả trong và ngoài đã câu kết thành “nhóm lợi ích”. Bọn họ không những đã lãng phí quá nhiều công quỹ trong khi dân chúng nghèo đói, mà còn dựng lên quá nhiều tượng đài không có giá trị nghệ thuật và tính dân tộc, sau này không biết để làm gì. Nhiều người nhận xét tượng vua Lê Thái Tổ có hình dáng giống một hoàng đế Trung Hoa, và tượng cụ Hồ có phong cách giống Mao, Lê Nin, Stalin (?). Đây không phải chỉ là hệ quả của hệ tư tưởng, mà còn do bàn tay của các nghệ sỹ tạo ra. Cụ Hồ mà sống lại, chắc ông cụ buồn lắm!
Thời trước, Việt Nam Cộng Hòa cũng bỏ tiền ra xây tượng các anh hùng dân tộc ở khắp Sài Gòn (để khuấy động tinh thần dân tộc, chống cộng), nhưng không đến nỗi tốn kém như bây giờ. Các nghệ sỹ lúc đó không đến nỗi vô cảm như bây giờ, và các bức tượng đó còn có giá trị nghệ thuật nhất định. Khi nền móng nhân văn của đất nước đã bị phá vỡ, thì cái ngọn nghệ thuật dễ bị sâu bệnh. Không phải vô cớ mà người ta nói, “Dân nào thì Chính phủ nấy”.
Những góc khuất của tảng băng chìm
Có lẽ Việt Nam là một nước có nhiều tượng đài nhất nhì thế giới. Riêng Hà Nội đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng khác từ nay đến năm 2020. Theo thống kê, cả nước có 137 tượng đài Hồ Chí Minh các loại, tại 31 tỉnh thành. Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch đề xuất từ nay đến năm 2030 sẽ xây thêm 58 tượng đài Hồ chí Minh trên cả nước. Ngoài ra, người ta còn định đầu tư 11,000 tỉ đồng để xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, và 1.475 tỉ đồng xây khu tưởng niệm Chu Văn An. Những người trong cuộc nói rằng sau viện bảo tàng là đến Văn miếu, sau Văn miếu là đến tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn sau tượng đài Hồ Chí Minh là cái gì tiếp, thì chưa dám nói trước.
Xưa nay người ta nói “làm nghề gì ăn nghề ấy”. Chỉ có khác là bây giờ họ ăn trắng trợn hơn nhiều. Có lãnh đạo than thở, “họ ăn không chừa một cái gì”. Ngành điện lực xơi điện. Ngành than xơi than. Ngành dầu khí xơi xăng dầu. Ngành công chính xơi vỉa hè. Ngành giao thông xơi cầu đường. Ngành giáo dục xơi sách giáo khoa. Ngành xây dựng xơi nhà cửa và cây xanh. Còn ngành văn hóa tư tưởng xơi tượng đài, lễ hội. Tất nhiên họ không thể “xơi” một mình, mà phải “nộp tô” theo luật chơi của các nhóm lợi ích. Người dân không còn gì để xơi thì đi ăn cắp vặt. Người ta gọi Việt Nam là “đất nước tận thu” (rent-seeking country).
Thực ra, bản thân tượng đài đâu có vấn đề. Nghệ thuật điêu khắc và tượng đài thì quốc gia nào cũng cần, cũng có. Nhưng “lạm phát” tượng đài với quy mô như trên thì chỉ có tại Việt Nam (hay Bắc Triều Tiên). Các tác phẩm điêu khắc, cũng như hội họa, nếu là sản phẩm của dân trí cao, có giá trị nghệ thuật, là một phần “sức mạnh mềm” (soft power) của một quốc gia. Nhưng đáng tiếc, tượng đài hiện nay là sản phẩm tuyên truyền của ngành văn hóa tư tưởng, do Đảng chỉ đạo. Nó là sản phẩm của dân trí thấp và tham nhũng, nên vô hồn và không có giá trị nghệ thuật. Vì vậy nó không góp phần tạo ra sức mạnh mềm, mà còn phản cảm.
Nếu lập luận rằng xây tượng đài lãnh tụ là để hấp dẫn khách du lịch trong nước, ngoài nước đến xem (như viếng lăng) thì đúng là thần kinh, nếu không phải là bịp bợm. Có thể nói “tham nhũng văn hóa” là thứ tham nhũng tệ hại nhất, vì nó hủy hoại tâm linh và nguyên khí quốc gia. Có thể gọi tham nhũng kiểu đó là “tham nhũng cùng cực” (extreme corruption).
Nhà văn Phạm Đình Trọng gọi đó là “Một trào lưu, một phương cách tham nhũng tập thể, công khai, đang là những cơn bão, những trận mưa lũ tàn phá đất nước, như những trận mưa lũ đang tàn phá Quảng Ninh...”, và kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự cần lên tiếng mạnh mẽ về những dự án vô cảm trước những cảnh nghèo đói của người dân. Còn giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì gọi Việt Nam là “đất nước của những tượng đài vô cảm”. Ví dụ, tranh thủ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, họ có thể vô cảm phá mất những di tích lịch sử vô giá, hàng nghìn năm tuổi, để thay bằng một công trình “văn hóa” mới một tuổi, vô hồn.
Không hiểu sao, các chế độ độc tài rất thích dựng tượng lãnh tụ (có lẽ vì tệ sùng bái cá nhân, độc tài chuyên chế). Tại các nước có cơ chế điều hành thiếu minh bạch và mất lòng dân, họ phải tìm mọi cách để kiểm soát dân chúng bằng tuyên truyền. Họ cho rằng một phương tiện tuyên truyền hiệu quả là mượn tượng đài lãnh tụ để duy trì chính danh cho chế độ. Nhưng họ quên mất rằng thời thế đã thay đổi, nên cách làm này không còn tác dụng.
Trong thời đại toàn cầu hóa và kết nối thông tin bằng kỹ thuật số, người dân đã biết sử dụng internet và blogosphere (như một cuộc cách mạng truyền thông) thì dân trí ắt thay đổi. Họ không thể bịt mắt, bịt miệng người dân dễ dàng như trước. Tuy họ có thể kiểm duyệt được báo chí “lề phải”, nhưng không thể kiểm duyệt được báo chí “lề trái”. Khi báo chí lề phải và lề trái cùng vào cuộc (như về vấn đề này), thì truyền thông báo chí có thể mạnh gấp đôi.
Trong bối cảnh đấu tranh quyền lực quyết liệt diễn ra trước Đại hội Đảng, thì những vấn đề “nhạy cảm” hiện nay (như ngân hàng hay văn hóa tư tưởng) có thể được sử dụng làm công cụ để hạ thủ nhau. “Chân dung Quyền lực” là một ví dụ ngoạn mục. Nhưng vở bi hài kịch về ông Phùng Quang Thanh còn ngoạn mục hơn. Sau Phùng đại tướng là ai, còn chưa biết rõ. Người dân chỉ mong mọi chuyện đau lòng kết thúc “có hậu”, nhắm cái đích hòa giải dân tộc, để phát triển đất nước cường thịnh và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn cường thịnh và độc lập phải nâng cao dân trí, sống tử tế hơn, và tránh cực đoan bạo lực.
Trước đây người ta hay nói tới hai câu thơ đầy khí phách, “Người ta lớn, bởi vì ngươi cúi xuống. Hỡi nhân dân! Hãy đứng thẳng lên!” (On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement!). Hình như đây là hai câu thơ của Jean-Paul Marat (1743 – 1793) mà Tố Hữu lúc còn trẻ rất tâm đắc. Nhưng bây giờ không thấy ai nhắc đến hai câu thơ cách mạng này nữa (kể cả Tố Hữu, nếu còn sống). Hay là cách mạng đã bị đánh tráo, và thay đổi khái niệm mất rồi? Hay là hai chữ cách mạng, và nhân dân, nay cũng trở nên “nhạy cảm”? Tại sao vô cảm thì không sợ, mà lại sợ nhạy cảm?!
Tóm lại, “Hội chứng Tượng đài” thật đáng sợ. Nên dẹp. Mô phật!
Nguyễn Quang Dy
No comments:
Post a Comment